Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2009

10 Đề Tài Về Gia Đình (2)

Mười đề tài giáo lý của Hội Đồng Tòa Thánh về Gia Đình cho Cuộc Hội Ngộ Quốc Tế Gia Đình lần thứ VI ở Mêxicô
Đề tài 2 : GIA ĐÌNH, NHÀ GIÁO DỤC CHÂN LÝ VỀ CON NGƯỜI : HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH
1. Vấn đề chính yếu mà ngày nay gia đình phải đương đầu trong việc giáo dục kitô giáo cho các con cái của mình, không phải là tôn giáo, nhưng là nhân học (anthropologique): thuyết tương đối tận căn luân lý triết học; theo đó, chẳng có chân lý khách quan nào cả đối với con người, và do đó, cũng không có chân lý khách quan nào cho hôn nhân và gia đình.

Sự khác biệt giới tính, được biểu lộ trong khoa sinh học về người nam và người nữ, không dựa vào tự nhiên, nhưng đó chỉ là một sản phẩm văn hóa, mà mỗi người có thể thay đổi.

Cùng với điều đó, người ta phủ nhận và phá bỏ chính khả năng của hôn nhân và gia đình.

2. Thuyết tương đối cũng khẳng định rằng Thiên Chúa không tồn tại, cũng như khả năng nhận biết Ngài (chủ nghĩa vô thần và thuyết bất khả tri tôn giáo).

Nó cũng chối bỏ sự tồn tại của các chuẩn mực luân lý và các giá trị trường tồn.

Những chân lý duy nhất là những chân lý phát xuất từ đa số nghị viện.

3. Đối diện với thực tại vừa tận căn và có ảnh hưởng này, gia đình ngày nay có nhiệm vụ tất yếu là truyền đạt cho con cái của mình chân lý về con người.

Như đã diễn ra vào những thế kỷ đầu tiên, ngày nay, việc hiểu biết trang đầu tiên của sách Khởi Nguyên mang một tầm quan trọng hàng đầu: có một Thiên Chúa có ngôi vị và tốt lành, Đấng đã tạo dựng người nam và người nữ có cùng phẩm giá, nhưng khác nhau và bổ túc cho nhau. Ngài ban cho họ sứ mệnh sinh sản con cái qua sự hiệp nhất bất khả phân giữa hai người thành một xương một thịt (hôn nhân).

Các trình thuật về việc tạo dựng con người đă làm nổi bật việc đôi bạn nam nữ - theo kế đồ của Thiên Chúa – là diễn tả đầu tiên của sự hiệp thông nhân vị. Quả thế, Evà được tạo dựng giống với Ađam như là người, mà qua sự khác nhau của mình, bổ túc cho Ađam (x. Kn 2, 18) để chỉ hình thành nên một xương một thịt với Ađam (x. Kn 2, 24). Đồng thời, họ cùng nhau có sứ mệnh sinh sản làm cho họ trở nên những cộng tác viên của Đấng Tạo Hóa (x. Kn 1, 28).

4. Chân lý về con người và về hôn nhân này cũng đã được nhận biết bởi lý trí ngay thẳng của con người.

Quả thế, mọi nền văn hóa đã nhìn nhận nơi các phong tục tập quán và luật lệ của mình rằng hôn nhân chỉ hệ tại ở sự hiệp thông giữa một người nam và một người nữ, cho dầu đôi khi, họ biết và thừa nhận chế độ đa thê hay chế độ đa phu.

Những quan hệ nhân vị cùng giới tính luôn được phân biệt khỏi hôn nhân.

5. Thánh Phaolô đã mô tả tất cả điều đó bằng những nét mạnh mẽ trong thư gởi tín hữu Rôma của mình, khi ngài vạch ra hoàn cảnh ngoại giáo vào thời của mình và sự hỗn độn luân lý trong đó họ đã vấp ngã vì đã không muốn nhìn nhận trong cuộc sống của họ, vị Thiên Chúa mà họ đã biết đến nhờ lý trí (x. Rm 1, 18-32).

Trang Tân Ước này, ngày nay cần phải được gia đình biết đến, để không xây dựng hành vi giáo dục của mình trên cát.

Việc không biết Thiên Chúa cũng dẫn đến việc che mất đi chân lý về con người.

6. Các Giáo phụ đề nghị một học thuyết phong phú, và các ngài là một ví dụ tốt cho cách thức tiến hành: các ngài kiên trì giải thích cách rõ ràng sự hiện hữu của một vị Thiên Chúa Tạo Hóa và Quan Phòng, Đấng đã tạo thành thế giới, con người và hôn nhân như là nhưng thực tại tốt lành, và chống lại sự hỗn độn luân lý của ngoại giáo đang tác động đến hôn nhân và gia đình.

(còn tiếp)
Lm. Võ Xuân Tiến chuyển ngữ từ bản tiếng Pháp
Nguồn: Website Tổng giáo phận Huế
http://tonggiaophanhue.net

Không có nhận xét nào: