Thứ Hai, 31 tháng 8, 2009

Thư Chung Của ĐGM Ngô Quang Kiệt Đầu Năm Học 2009

Thư chung của Đức Tổng Giám mục Giuse
gửi Cộng đồng Dân Chúa Hà Nội
nhân dịp Năm học mới và Năm Linh mục
Hà nội ngày 10 tháng 08 năm 2009

Thưa Anh Chị Em,

Mỗi năm đến ngày khai trường cả xã hội rộn lên niềm hi vọng. Hi vọng, vì học hành là tiền đề cho sự phát triển lâu dài và bền vững của gia đình và đất nước. Thế hệ trẻ ngày nay không phải phục vụ chiến tranh, có điều kiện hơn để được ăn được học, sẽ thăng tiến và giúp đất nước thăng tiến. Mỗi mùa khai trường là một mùa hi vọng. Hi vọng mỗi năm học là một cánh cửa mở ra tương lai tươi sáng.

Nhưng những hi vọng ấy không làm giảm bớt những lo âu ngày càng nhiều và càng nặng gánh. Lo vì cứ mỗi năm chi phí cho việc nhập học lại tăng lên. Lo vì nạn chạy trường ngày càng phổ biến khiến cho ngày nhập học trở thành ngày buồn tủi cho những trẻ em và những gia đình không có điều kiện. Nhưng lo nhất là chất lượng giáo dục. Chất lượng tri thức không chắc có với những chương trình liên tục cải cách nhưng vẫn liên tục sai sót, với nạn học vẹt, với nạn dạy cho hết giờ, với nạn dạy thêm học thêm nặng nề cả về tinh thần lẫn kinh tế. Đáng quan ngại nhất là chất lượng đạo đức. Làm sao không lo âu khi trường học đáng lẽ phải là nơi gương mẫu về đạo đức lại là nơi mà sự gian dối trở thành bình thường trong thi cử, làm bài và cả trong ứng xử. Làm sao không lo âu khi trường học không dạy môn lễ phép lịch sự, thiếu môn học đạo đức, không quan tâm đến môn học làm người.

Giáo dục hôm nay, Giáo hội và xã hội ngày mai. Phải có nền giáo dục toàn diện đào tạo nên những con người có học thức và có đạo đức mới mong xây dựng đất nước phát triển bền vững, xây dựng xã hội chân thật, công bằng, tự do và bác ái. Vì thế tôi tha thiết kêu gọi anh chị em, các giáo xứ và các gia đình, đừng khoán trắng việc giáo dục con em cho nhà trường, nhưng hãy lo liệu cung cấp cho con em mình nền giáo dục Kitô giáo cơ bản. Đó là nền giáo dục giúp phát triển con người toàn diện, không chỉ có thân xác khỏe mạnh, trí tuệ thông minh mà quan trọng trên hết phải có tâm hồn đức hạnh. Đặc biệt hãy dạy cho con em mình tôn trọng sự thật, sống lương thiện theo lương tâm và biết tôn trọng lợi ích chung là những điều rất cần thiết mà xã hội hôm nay đang thiếu thốn trầm trọng. Đức Thánh Cha thấu hiểu xã hội Việt nam, nên trong bài huấn từ nhân dịp Hội đồng Giám mục Việt Nam viếng mộ hai thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ vừa qua, đã nhắn nhủ chúng ta: “Các gia đình hãy dạy cho con cái biết sống theo lương tâm ngay thẳng, trong sự liêm chính và sự thật, như thế các gia đình công giáo sẽ trở nên trung tâm các giá trị và đức tính nhân bản… Và khi xây dựng đời sống trên nền đức ái, sự liêm chính và quý trọng công ích, người giáo dân đích thực chính là những người công dân tốt”.
Việc giáo dục không phải là truyền đạt một kiến thức nhưng là trao ban một sự sống vì thế cần phải có gương sáng. Không thể dậy trẻ em sống lương thiện nếu người lớn cứ sống gian dối. Các bậc phụ huynh nhất là các vị lãnh đạo tinh thần hãy nêu gương đời sống đức tin sống động thể hiện trong đời sống công bằng, bác ái, quảng đại, vị tha. Có đức tin, con người sẽ có lương tâm trong sáng và sẽ biết làm những điều tốt đẹp. Đó chính là khởi điểm quan trọng trong nhiệm vụ giáo dục thế hệ tương lai, giáo dục để trẻ em nên người và biết làm người trước khi làm người trí thức. “Tiên học lễ hậu học văn” là thế.

Trong chiều hướng đó Đức Thánh Cha đã chọn thánh Gioan Maria Vianney làm mẫu gương của các linh mục khi mở Năm Linh mục. Có nhiều người thắc mắc tại sao Đức Thánh Cha Bênêđictô 16, một học giả lỗi lạc, một trí thức siêu việt lại chọn thánh Gioan Maria Vianney, một linh mục kém học thức làm mẫu gương các linh mục. Đó là vì Đức Thánh Cha muốn giải quyết tận căn cuộc khủng hoảng linh mục hiện nay. Cuộc khủng hoảng linh mục hiện nay không phải về trí thức nhưng về tu đức. Cốt lõi của đời sống linh mục không phải là hoạt động bên ngoài nhưng là sống với Chúa và cứu độ các linh hồn. Linh mục là nhà đào tạo các vị thánh và là người dạy con đường thánh thiện. Vì thế chính linh mục phải nên thánh trước. Thánh Gioan Maria Vianney là tấm gương sáng chói về đời sống linh mục thánh thiện, đặc biệt ở ba điểm sau:

Đời sống cầu nguyện liên lỉ. Thánh nhân là vị linh mục say mê cầu nguyện. Từ sáng sớm khi nhà thờ chưa có bóng người, ngài đã xách đèn ra nhà thờ cầu nguyện. Đặc biệt yêu mến Thánh Thể nên ngài quỳ gối hàng giờ trước Thánh Thể mà không cảm thấy mệt mỏi. Không chỉ cầu nguyện lâu giờ nhưng còn ở cường độ cao, ngài kết hợp đến hòa nhập với Chúa Giêsu Thánh Thể “như hai cây nến sáp chảy hòa quyện vào nhau” trở nên đồng hình đồng dạng, không thể phân biệt và không thể tách biệt được nữa. Quỳ trước Thánh Thể, khuôn mặt ngài biến đổi nên tươi sáng trong tâm trạng chan hòa hạnh phúc. Ngài luôn thưa với Chúa: “Lạy Chúa, con yêu mến Chúa. Con chỉ có một nguyện ước là được yêu mến Chúa cho đến hơi thở cuối cùng của đời con”. Ngài coi cầu nguyện là phương thế đầu tiên, phương thế duy nhất và là phương thế cuối cùng giúp việc tông đồ sinh hoa kết quả. Nên ngay từ khi được sai về giáo xứ Ars khô khan nguội lạnh, việc đầu tiên ngài làm là cầu nguyện cho giáo dân trong xứ. Nhờ sống thân mật với Chúa mà ngài tìm được con đường đi vào tâm hồn con người, dẫn đưa được nhiều người về với Chúa.

Đời sống khổ chế nhiệm nhặt. Để tăng cường cho lời cầu nguyện, thánh nhân sống một đời sống kỷ luật, mực thước và khắt khe với bản thân. Cặn kẽ giữ ba lời khuyên Phúc Âm, ngài đặc biệt sống đơn sơ khó nghèo. Không chỉ đơn sơ trong đời sống với y phục và đồ dùng giản dị, ngài còn ăn uống kham khổ và tìm nhiều cách để hãm mình phạt xác. Có thời gian ngài tự nấu ăn. Và món ăn duy nhất của ngài là khoai luộc. Nghiêm ngặt với bản thân nhưng ngài rất rộng rãi bao dung đối với người khác. Thời giờ của ngài rất khít khao, nhưng khi giáo dân cần đến ngài sẵn sàng dành nhiều thời giờ phục vụ phần linh hồn cho họ. Ăn uống đạm bạc, nhưng ngài đem trẻ mồ côi về nuôi và chăm sóc cho các em cả phần hồn lẫn phần xác.

Đời sống phục vụ quên mình. Không hề đi du lịch đây đó, nhưng ngài thường xuyên thăm viếng giáo dân, đặc biệt thăm viếng và chăm sóc trẻ mồ côi. Không có phương tiện giải trí nhưng ngài mở rộng cửa đón tiếp khác hành hương. Mỗi ngày ngài đón tiếp hàng trăm người đến xin xưng tội. Có năm ngài đón tiếp hàng trăm ngàn người. Và ngài không ngần ngại ngồi trong tòa giải tội 18 giờ một ngày để phục vụ phần linh hồn cho giáo dân từ khắp nơi tuôn đến. Ngài đã chết vì giải tội quá mệt mỏi. Đức Cố Giáo hoàng Gioan-Phaolô đệ nhị gọi ngài là vị tử đạo của tòa giải tội. Sở dĩ ngài chăm lo phục vụ giáo dân đặc biệt trong cử hành bí tích như thế vì ngài tha thiết với việc thánh hóa giáo dân. Ngay từ khi bước vào cổng làng ngài đã nói với em bé đầu tiên mà ngài gặp: “Cha sẽ chỉ cho con đường về Nước Trời”. Tha thiết với việc nên thánh của giáo dân, chính bản thân ngài cũng không ngừng phấn đấu nên thánh vì ngài hiểu rằng linh mục phải nên thánh mới có thể giúp giáo dân nên thánh. Ngài nói: “Ở nơi nào có dấu chân vị thánh đi qua, Chúa cũng đi qua nơi ấy với vị thánh”.

Chính vì ý thức điều cốt yếu của đời sống linh mục và chăm lo rèn luyện những điều cốt lõi đó mà thánh Gioan Maria Vianney, một linh mục kém về trí thức đã gặt hái được những kết quả lớn lao trong việc tông đồ. Tấm gương của ngài nhắc nhở chúng ta hãy học cho biết đâu là bổn phận quan trọng nhất trong đời và hãy hết lòng chăm lo chu toàn bổn phận đó. Rochefoucauld, một triết gia Pháp nói: “Trên đời có ba thứ dốt. Một là không biết những điều cần phải biết. Hai là biết những điều không cần biết. Ba là không biết rõ những gì mình đang biết”. Nhân dịp đầu năm học mới và Năm Linh mục chúng ta hãy noi gương thánh Gioan Maria Vianney, biết học làm người và học nên thánh. Đó là những bổn phận quan trọng nhất của chúng ta. Đó chính là cái học nền tảng, là yếu tố quyết định mọi thành công của con người, của Giáo hội và của xã hội.

Tôi phó dâng các linh mục, các tu sĩ nam nữ, các chủng sinh, các thầy cô giáo, các sinh viên học sinh trong tay Mẹ Maria. Xưa kia Mẹ đã góp phần đào tạo Chúa Giêsu, xin Mẹ trong năm học mới và Năm Linh mục này đào tạo chúng ta nên giống Chúa Giêsu, nên hình ảnh của Chúa Giêsu, nên cánh tay và trái tim nối dài của Chúa Giêsu, để chúng ta xứng đáng là dụng cụ của Chúa trong việc xây dựng một xã hội tốt đẹp, phục vụ hạnh phúc chân chính của mọi người.

Thân ái chào anh chị em.

+ Giuse Ngô Quang KiệtTổng giám mục Hà Nội

Nguồn: http://hdgmvietnam.org

Giải Mã Quan Hệ Giữa Cha Mẹ Và Con Cái

Một sự thực là càng ngày mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái càng có khoảng cách. Mối quan hệ giữa cha mẹ - con cái không phải bao giờ cũng đơn giản. Jacques Salome, tác giả nổi tiếng viết về hôn nhân - gia đình sẽ giải đáp ba vấn đề lớn mà chúng ta quan tâm.
1. Ngày nay các bậc cha mẹ và con cái có thật sự chia sẻ tình cảm với nhau?
Có trẻ đã đặt ra câu hỏi: “Làm thế nào để giúp cha mẹ cháu giao tiếp tốt hơn với cháu?”, “Cháu muốn học tập từ cha mẹ để giao tiếp tốt hơn vì cha mẹ là người gần gũi với cháu nhất ?”, “Cháu phải làm gì để khoảng cách giữa cha mẹ và cháu được rút ngắn ?”. Không nên để trẻ đinh ninh rằng giao tiếp, chia sẻ là đồng ý những ý muốn hay sự chờ đợi của chúng. Giao tiếp, chia sẻ không là “đồng tình với nhau” theo nghĩa đồng ý, ưng thuận, mà theo nghĩa “cha mẹ lắng nghe ý muốn của con, và có thái độ đáp lại đúng đắn”. Thế nhưng tỏ thái độ đối với con cái không có nghĩa là nghiêm khắc, cứng nhắc, hay từ chối mọi sự đối thoại, mà cũng đừng rơi vào thái cực ngược lại.

2. Các bậc cha mẹ có biết giải mã mọi sắc thái ngôn ngữ của con cái ?

Ngược với những gì mà người lớn thường nghĩ, trẻ con ít sử dụng các từ ngữ để “bộc lộ ý muốn”. Chúng hay dùng đến dạng ngôn ngữ khác, như ngôn ngữ diễn đạt qua cơ thể. Ví dụ khi trẻ có sự thay đổi về cơ thể, bản thân, thì cha mẹ phải hiểu là chúng đang cần gì. Ngoài ngôn ngữ bằng chính cơ thể thì còn một ngôn ngữ khác, đó là “những bước chuyển sang hành động”, tức là những dạng bạo lực mà một đứa trẻ gây ra cho người khác: tát, đánh đấm, ăn cắp, hoặc thậm chí cho bản thân nó, như nó tự gây tai nạn cho mình v.v. Tình trạng bạo lực trong các trường học các vùng ngoại ô là biểu hiện của những thiếu niên không được cha mẹ lẫn xã hội quan tâm, lắng nghe.

Trẻ cũng bộc lộ qua sự sợ hãi. Một đứa trẻ thú nhận sự sợ hãi tức là nó muốn nói điều gì đó. Nếu ta cố gắng dập tắt sự sợ hãi đó, ta sẽ không nghe được những gì mà đứa bé định nói. Một điều ngược đời mà chúng ta hay làm là tìm cách trấn an chúng mà không chịu lắng nghe trẻ đang cần gì. Ví dụ, một đứa bé sợ bóng đêm, điều đó có thể là nó sợ cha nó bỏ đi, hay mẹ bỏ đi,…. Những lúc này các bậc cha mẹ thường cố gắng xoa dịu bằng cách bật đèn lên hay ôm nó để vỗ về. Thế là nỗi sợ hãi của con trẻ có nguy cơ phát triển thành hướng khác, gây nên những sự sợ hãi về sau này.

Trẻ cũng bộc lộ lời nói qua sự tượng trưng hóa. Chúng trình bày ý muốn của mình bằng các trò chơi mang tính tượng trưng. Ví dụ qua hiện trạng bừa bộn của căn phòng chúng đang chơi, đứa bé muốn nói với các bậc cha mẹ rằng: “Con cho cha mẹ thấy sự hỗn loạn trong quan hệ giao tiếp còn tồn tại giữa cha mẹ và con”.

3. Cha mẹ có dám nói chuyện với con cái không?
Trẻ con luôn đòi hỏi quan hệ rõ ràng, sống động. Nhưng nhiều bậc cha mẹ có ý muốn thoát ra, giải quyết mọi vấn đề bằng cách: “Con nên biết là cha mẹ rất yêu con chứ ?’. Nhưng điều đó chưa đủ, ngược lại đứa bé cần cha mẹ xác định rõ vai trò của mình trong mối quan hệ. Nó cần người lớn như là người đối thoại, người chịu lắng nghe.

Nhiều bậc cha mẹ tưởng rằng yêu quý con tức là phải làm vừa lòng nó. Một quy tắc cần được tôn trọng là không nên nhầm lẫn giữa nhu cầu và ước muốn. Nhiều cha mẹ khổ sở khi thấy đứa con thất vọng, đau buồn vì ước muốn của chúng không đạt được. Họ cảm thấy mình có tội và muốn xoa dịu cơn đau của đứa con. Với tư cách cha mẹ, chúng ta không nên vì thế mà nói: Con chờ chút đã, mẹ sẽ chuộc lỗi với con. Thay vào đó chúng ta nên nói: Con buồn vì bạn con không muốn chơi với con, con đau khổ vì con chó yêu của con bị bệnh,…phải không? Đó là nỗi buồn của con, đó là những tình cảm riêng của con, nhưng cha mẹ sẽ luôn bên cạnh con.

Tình yêu cha mẹ là tình yêu duy nhất có được để giúp con cái trưởng thành, để một ngày nào đó chúng có thể xa rời chúng ta mà kiến tạo cuộc sống riêng không bị vấp ngã.

Theo Thanh Minh(Tạp chí Gia đình & Trẻ em)
Nguồn: http://giadinh.net.vn

Thứ Hai, 10 tháng 8, 2009

10 Điều Con Cái Mong Chờ Ở Cha Mẹ


Các bậc phụ huynh thường chỉ tập trung vào hành vi của con cái mà quên chú ý đến hành vi, cư xử của bản thân. Tại sao các ông bố bà mẹ không nhìn lại mình từ những mong chờ của con trẻ?

Trong một cuộc khảo sát tiến hành ở 100.000 đứa trẻ, với câu hỏi con cái cần gì nhất ở cha mẹ, 10 câu trả lời dưới đây rất đáng cho các đấng sinh thành suy ngẫm:


1. Con cái không muốn cha mẹ cãi nhau trước mặt chúng. Trẻ con có khuynh hướng bắt chước bố mẹ. Cách bạn giải quyết những mâu thuẫn, xung đột gia đình sẽ tác động đến tâm lý và hành vi cư xử của trẻ. Hãy kiềm chế và xử lý bất đồng trong ôn hòa, nhã nhặn.

2. Muốn được cha mẹ đối xử công bằng với mọi thành viên khác. Đối xử công bằng với con cái không phải là cào bằng mọi thứ. Mỗi đứa con là một cá thể độc lập, nhưng tất cả đều cần tình yêu thương và sự cảm thông như nhau.

3. Cha mẹ là những người lương thiện, thành thật. Khi bạn bảo người tiếp thị qua điện thoại rằng bạn không có ở nhà nhưng thực tế bạn đang ngồi cạnh các con trong nhà, bạn đã gieo vào đầu con ý nghĩ không tốt về sự nói dối của người lớn.

4. Cha mẹ là những người bao dung, rộng lượng. Khi bạn có lòng khoan dung với mọi người, trẻ sẽ học được điều đó trong cư xử với những người xung quanh.

5. Niềm nở với các bạn của con. Khi con đưa bạn về nhà chơi, bạn sẽ dễ dàng nhận biết con mình kết thân với những ai và giúp con định hướng tình bạn. Hãy rộng mở cánh cửa đón chào bạn của các con.

6. Cha mẹ xây dựng tinh thần tập thể cho con cái. Mọi thành viên trong gia đình sẽ có trách nhiệm với nhau hơn, gắn bó hơn. Ý thức tập thể sẽ giúp con bạn phát triển tốt hơn trong môi trường học đường.

7. Cha mẹ là những người biết lắng nghe và giải đáp thắc mắc của con. Có bao giờ bạn cảm thấy có lỗi khi bảo "bây giờ cha/ mẹ bận lắm. Chúng ta hãy nói về việc này sau nhé". Và vấn đề ấy bị lãng quên, không được đề cập đến dù thời gian "sau này" đã qua không biết bao lần. Hãy dành thời gian để giải đáp những thắc mắc của con cái. Nếu bạn không có câu trả lời thì nên ghi nhận lại và giúp con tìm lời giải đáp sau.

8. Cha mẹ có thể phạt trẻ khi cần thiết nhưng nên tránh kỷ luật con trước mặt người ngoài, đặc biệt là trước bạn bè của con. Chúng cũng cần được tôn trọng và đối xử như người lớn.

9. Cha mẹ nên tập trung vào ưu điểm hơn là khuyết, nhược điểm của con. Hãy ghi nhận những điểm tốt và điểm chưa tốt của con và lựa lúc thích hợp chỉ ra cho chúng thấy để phát huy mặt mạnh và hạn chế mặt yếu.

10. Cha mẹ nên nhất quán và kiên định. Đôi khi sự linh động và mềm dẻo của bạn không làm hỏng trẻ; nhưng cần làm cho con cái hiểu tình yêu mà bạn dành cho chúng là không thay đổi và những nguyên tắc, những giới hạn bạn đặt ra cho trẻ là nhất quán.

(Theo Người lao động)

Nguồn: http://kynangsong.xitrum.net

Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2009

10 Đề Tài Về Gia Đình (2)

Mười đề tài giáo lý của Hội Đồng Tòa Thánh về Gia Đình cho Cuộc Hội Ngộ Quốc Tế Gia Đình lần thứ VI ở Mêxicô
Đề tài 2 : GIA ĐÌNH, NHÀ GIÁO DỤC CHÂN LÝ VỀ CON NGƯỜI : HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH
1. Vấn đề chính yếu mà ngày nay gia đình phải đương đầu trong việc giáo dục kitô giáo cho các con cái của mình, không phải là tôn giáo, nhưng là nhân học (anthropologique): thuyết tương đối tận căn luân lý triết học; theo đó, chẳng có chân lý khách quan nào cả đối với con người, và do đó, cũng không có chân lý khách quan nào cho hôn nhân và gia đình.

Sự khác biệt giới tính, được biểu lộ trong khoa sinh học về người nam và người nữ, không dựa vào tự nhiên, nhưng đó chỉ là một sản phẩm văn hóa, mà mỗi người có thể thay đổi.

Cùng với điều đó, người ta phủ nhận và phá bỏ chính khả năng của hôn nhân và gia đình.

2. Thuyết tương đối cũng khẳng định rằng Thiên Chúa không tồn tại, cũng như khả năng nhận biết Ngài (chủ nghĩa vô thần và thuyết bất khả tri tôn giáo).

Nó cũng chối bỏ sự tồn tại của các chuẩn mực luân lý và các giá trị trường tồn.

Những chân lý duy nhất là những chân lý phát xuất từ đa số nghị viện.

3. Đối diện với thực tại vừa tận căn và có ảnh hưởng này, gia đình ngày nay có nhiệm vụ tất yếu là truyền đạt cho con cái của mình chân lý về con người.

Như đã diễn ra vào những thế kỷ đầu tiên, ngày nay, việc hiểu biết trang đầu tiên của sách Khởi Nguyên mang một tầm quan trọng hàng đầu: có một Thiên Chúa có ngôi vị và tốt lành, Đấng đã tạo dựng người nam và người nữ có cùng phẩm giá, nhưng khác nhau và bổ túc cho nhau. Ngài ban cho họ sứ mệnh sinh sản con cái qua sự hiệp nhất bất khả phân giữa hai người thành một xương một thịt (hôn nhân).

Các trình thuật về việc tạo dựng con người đă làm nổi bật việc đôi bạn nam nữ - theo kế đồ của Thiên Chúa – là diễn tả đầu tiên của sự hiệp thông nhân vị. Quả thế, Evà được tạo dựng giống với Ađam như là người, mà qua sự khác nhau của mình, bổ túc cho Ađam (x. Kn 2, 18) để chỉ hình thành nên một xương một thịt với Ađam (x. Kn 2, 24). Đồng thời, họ cùng nhau có sứ mệnh sinh sản làm cho họ trở nên những cộng tác viên của Đấng Tạo Hóa (x. Kn 1, 28).

4. Chân lý về con người và về hôn nhân này cũng đã được nhận biết bởi lý trí ngay thẳng của con người.

Quả thế, mọi nền văn hóa đã nhìn nhận nơi các phong tục tập quán và luật lệ của mình rằng hôn nhân chỉ hệ tại ở sự hiệp thông giữa một người nam và một người nữ, cho dầu đôi khi, họ biết và thừa nhận chế độ đa thê hay chế độ đa phu.

Những quan hệ nhân vị cùng giới tính luôn được phân biệt khỏi hôn nhân.

5. Thánh Phaolô đã mô tả tất cả điều đó bằng những nét mạnh mẽ trong thư gởi tín hữu Rôma của mình, khi ngài vạch ra hoàn cảnh ngoại giáo vào thời của mình và sự hỗn độn luân lý trong đó họ đã vấp ngã vì đã không muốn nhìn nhận trong cuộc sống của họ, vị Thiên Chúa mà họ đã biết đến nhờ lý trí (x. Rm 1, 18-32).

Trang Tân Ước này, ngày nay cần phải được gia đình biết đến, để không xây dựng hành vi giáo dục của mình trên cát.

Việc không biết Thiên Chúa cũng dẫn đến việc che mất đi chân lý về con người.

6. Các Giáo phụ đề nghị một học thuyết phong phú, và các ngài là một ví dụ tốt cho cách thức tiến hành: các ngài kiên trì giải thích cách rõ ràng sự hiện hữu của một vị Thiên Chúa Tạo Hóa và Quan Phòng, Đấng đã tạo thành thế giới, con người và hôn nhân như là nhưng thực tại tốt lành, và chống lại sự hỗn độn luân lý của ngoại giáo đang tác động đến hôn nhân và gia đình.

(còn tiếp)
Lm. Võ Xuân Tiến chuyển ngữ từ bản tiếng Pháp
Nguồn: Website Tổng giáo phận Huế
http://tonggiaophanhue.net