Thứ Tư, 29 tháng 4, 2009

Suy Tư Về Gia Đình - Bài 4

Bài 4. PHẬN HOÀNG VƯƠNG GIỮA CÕI TỤC
Linh đạo là để thức tỉnh con người. Từ đó tôi tự hỏi làm sao các gia đình thức tỉnh về ơn gọi cao cả đích thực của mình. Làm thế nào để các gia đình nhận ra ánh sáng nơi chính mình, họ không hèn kém như họ tưởng. Họ thật sự là đại bàng của trời cao mà cứ ngỡ và sống như phận chú gà trong góc vườn nhà, như câu chuyện “chú đại bàng” của cha Anthony de Mello sau đây:

Có người nọ nhặt được quả trứng đại bàng, đem bỏ vào ổ gà đang ấp trong chuồng. Chú đại bàng con nở ra và lớn lên cùng lứa với đàn gà con.

Cứ thế suốt đời đại bàng con chỉ làm những việc mà lũ gà con vẫn làm, và cứ tưởng mình là một gà con. Nó cũng bới đất tìm sâu bọ, cũng kêu cục tác như các ả gà mái và cũng quen đập cánh bay lên cao chừng hơn nửa thước. Thời gian thấm thoát trôi, đại bàng ta rồi cũng già. Bữa kia, nó trông thấy một con chim tuyệt đẹp bay phía trên nó trong bầu trời lồng lộng thênh thang. Với dáng vẻ uy nghi dũng mãnh, cánh chim ấy nhẹ nhàng băng giữa cuồng phong, chỉ lâu lâu mới khẽ vỗ nhịp đôi cánh vàng mạnh mẽ của mình.

Đại bàng ta nhìn lên kinh hãi. Nó hỏi “cái gì vậy?”. Một bạn gà của nó trả lời: “Đó là đại bàng – vua của các loài chim. Đại bàng thuộc về trời cao, còn bọn mình thuộc về mặt đất. Bọn mình chỉ là loài gà”.

Cứ vậy, đại bàng ta sống và chết như một chú gà vì nó vẫn đinh ninh mình chỉ là gà.

Gia đình phản chiếu chính tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa. Cách riêng, các gia đình Kitô giáo là bí tích của Tình yêu vĩnh cửu ấy.

“Yếu tính và nhiệm vụ của gia đình xét cho cùng được xác định bởi tình yêu. Bởi thế, gia đình đón nhận sứ mạng bảo vệ, mạc khải và thông truyền tình yêu, là tia sáng phản chiếu sống động và thực tế cũng như tham dự vào tình yêu của Thiên Chúa đối với loài người và tình yêu của Chúa Kitô đối với Giáo hội Hiền thê của Người” (FC 17).

1. Gia đình là hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi

Thật vậy, chúng ta hãy nghe Thiên Chúa nói khi Ngài sắp sáng tạo con người: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh, giống như chúng ta.” (St 1,26). Và “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1,27). Thiên Chúa không phản chiếu chính mình nơi con người như một cá vị nhưng như một cộng đoàn. Chuyện con người là hình ảnh, giống Thiên Chúa không hệ tại ở bản thể cho bằng là nơi việc làm: Thiên Chúa sáng tạo (creation) sự sống, còn con người được sáng tạo nên có khả năng sáng tạo sự sống mới theo nghĩa là sinh sản (pro-creation) một con người mới, tức là “đồng sáng tạo” với Thiên Chúa . Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Ngài trong viễn tượng một Giao ước mới. Cấu trúc giao ước ấy đã được ghi sẵn nơi tính chất bổ túc cho nhau giữa người đàn ông và người đàn bà. Sự kết hợp vợ chồng giống như và tương ứng với tặng phẩm của Tạo Hóa. Khi bà Evà sinh đứa con đầu lòng, bà đã thốt lên: “Tôi đã có được một con người bởi Đức Chúa” (St 4,1). Trong tặng phẩm sự sống con người mới đó có bàn tay can thiệp sáng tạo của Thiên Chúa ! Đỉnh cao của Giao ước ấy chính là Đức Kitô, Con Thiên Chúa làm người, Vị Hôn Phu của Hội Thánh, Người là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Cl 1,15). Sự kết hợp nên một xương một thịt của người đàn ông và người đàn bà là hình ảnh tiên báo có tính tiên tri của một mầu nhiệm (bí tích) lớn lao. Đó là sự kết hợp của Đức Kitô và Hội Thánh. Đối với đôi bạn Kitô hữu, sự kết hợp yêu thương của họ không chỉ là hình ảnh, nhưng còn là chính “hiện thực” của tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi giữa trần gian. Hôn phối của họ là bí tích, nghĩa là một dấu chỉ hữu hiệu nhìn thấy, nghe thấy, chạm tới được!

Tình yêu vợ chồng và tình yêu gia đình không chỉ là một hình ảnh của tình yêu của Đức Kitô và của Hội Thánh, nhưng là chính thực tại sinh động của tình yêu ấy, một thực tại mang tính bí tích. “Đôi vợ chồng thuộc về nhau, đó là một hình ảnh thực (vì là dấu chỉ bí tích) của mối quan hệ của Đức Kitô với Hội Thánh của Người” (FC 13). Điều đó có nghĩa là tình yêu vợ chồng và tình mẫu/phụ tử của đôi vợ chồng hàm ẩn trong đó một thực tại vượt xa chính bản thân họ vô hạn, đó là “dấu chỉ hữu hình của chính tình yêu Thiên Chúa” (FC 14).

Với bí tích hôn phối, đôi vợ chồng nhận ra ân sủng của tình yêu của họ, nhận ra Đấng là Tác Giả, là Hôn Phu của tình yêu của họ, như là cứu cánh siêu việt của tình yêu ấy. Họ khám phá ra mình ở trong một kế hoạch thần linh không chỉ liên hệ đến tương lai của họ nhưng còn liên hệ đến tương lai của nhân loại và cả tương lai của Thiên Chúa. Việc đôi vợ chồng hiến thân hoàn toàn cho nhau hàm ẩn trong đó một sự mở ra với một kẻ thứ ba, là đứa con, nhưng cũng hàm ẩn cách sâu xa hơn sự mở ngỏ ra trước một ngôi vị thứ ba thần linh, là Chúa Thánh Thần, được hiến ban cho đôi bạn như hoa trái tình yêu họ dành cho nhau. Thánh Thần Thiên Chúa là chính sự phong nhiêu của Tình Yêu nội tại Ba Ngôi đã thành một ngôi vị, chính Ngài cũng hoàn tất sự hợp nhất của đôi vợ chồng bằng một ân ban, là một con người và là sự nối kết họ lại với nhau. Thế nên, có một sự phong nhiêu thiêng liêng của hôn nhân Kitô giáo, vốn luôn đi kèm với tình yêu hôn nhân đích thực, là khả năng cụ thể sáng tạo một con người mới. Sự phong nhiêu thiêng liêng này làm chứng Ba Ngôi hiện diện trong đền thờ gia đình và nhập thể trong lịch sử nhân loại qua Giáo hội tại gia.

Một khi đã trở thành “icôn” (biểu tượng bí tích) trong trật tự “tạo thành mới” nhờ công trình cứu độ của Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần, gia đình muốn nói rằng sự hiệp thông tình yêu của đôi bạn Kitô hữu là một mạc khải và hiện thực sống động của sự hiệp thông vĩnh cửu của Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần.

Tham dự vào sự hiệp thông Ba Ngôi là nền tảng cuối cùng của gia đình xét như một thực tại có tính Hội thánh.

Thế nhưng, trên bình diện hiện sinh, “Hội thánh tại gia”, cũng đồng thời gồm những con người mỏng giòn và tội lỗi, sẽ không thể thể hiện mình như là một bí tích của Tình yêu tinh tuyền nếu không siêng năng tham dự các bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể, Bí tích tuyệt đỉnh, và Bí tích Hòa Giải.

2. Tội lỗi nghịch cùng bí tich hôn nhân

Tội lỗi là gì? Tội là từ chối Thiên Chúa Yahvê không chấp nhận Ngài là Chúa của Giao ước. Hình thức rõ nhất của tội lỗi là thờ ngẫu thần, giới răn cấm đầu tiên của Thập Giới, mà các tiên tri thường xuyên trách mắng dân và đôi khi được coi như là nguồn gốc của tất cả mọi tội (Xh 20,3; Am 2,4 tt; Kn 14,22-31; Rm 1,18.32). Thánh Kinh, khi đồng hóa lòng ham muốn (concupiscentia) với ngẫu tượng, cho thấy ở chiều sâu đó chính là tội thiếu “đức tin” làm hư hỏng mối quan hệ của con người với Thiên Chúa, không trung thành với Giao ước.

Tội lỗi hiển lộ trước hết như một sự thiếu vắng “lòng kính sợ Chúa”, xúc phạm đến tình yêu của Ngài, như một “hành vi chống lại Thiên Chúa” (Tv 51,5-6). Tội lỗi làm “gãy vỡ mối quan hệ cá nhân giữa con người với Thiên Chúa, chứ không đơn thuần chỉ là vi phạm một trật tự luân lí hay xã hội, lấy mất đi sự hiệp thông với Chúa, và như thế giao phó số phận con người vào trong tay họ, phó mặc họ cho chính họ định đoạt. Tội lỗi của đôi vợ chồng đầu tiên, nguyên mẫu của mọi cặp vợ chồng khác, là chính sự từ chối Giao ước.

1/ “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly”. Họ thưa với Người: “Thế sao ông Môsê lại truyền dạy cấp giấy ly dị mà rẫy vợ?”. Đức Giêsu bảo họ: “Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu” (Mt 19,6-8).

Câu trả lời của Đức Giêsu chạm tới điều cốt yếu nhất: phải khôi phục lại quan hệ với Thiên Chúa và với anh em. Vì “ma quỉ, kẻ đã dụ dỗ con người ngay từ đầu, đã chia rẽ họ với Thiên Chúa, chia rẽ con người với nhau” (San Massimo Confessore, Epist.2 PG 91, 96-397). Con người phạm tội đã chống lại Thiên Chúa, từ khước quyền uy tuyệt đối của Ngài trên cuộc sống mình, chối từ tình yêu trọn vẹn và không chịu vâng phục Ngài.

Lời rao giảng của Đức Giêsu nhằm đặt con người tội nhân đối diện với toàn thể thực tại, là Thiên Chúa, và mời gọi họ trở lại hiệp thông hoàn toàn với Ngài. Rao giảng về ơn tha thứ và lòng thương xót Chúa Cha nhằm tới mục đích này. Sứ mạng của Chúa Giêsu cốt yếu hệ tại ở việc chiến thắng tội lỗi trong xác thịt, để giao hòa thế gian lại với Thiên Chúa và giải thoát con người khỏi tội lỗi và sống cho Thiên Chúa.

Thực tại tội lỗi trong đời sống hôn nhân Kitô giáo xuất phát từ sự chối bỏ bí tích, chối bỏ tình yêu bí tích ơn gọi của đôi vợ chồng Kitô hữu. Tự phân ly điều Thiên Chúa đã kết hợp, con người cũng chối bỏ uy quyền, tình yêu, không vâng phục Thiên Chúa.

2/ “Ngươi chớ ngoại tình”

“Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình” (Mt 19,9). “…có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời. Ai hiểu được thì hiểu.” (Mt 19,12).

Nước Trời đòi hỏi những người tín hữu dấn thân đi xa hơn giới răn cấm ngoại tình. Họ cần một con tim khao khát sự trong sạch. Đức Giêsu nói: “Thầy bảo thật cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5,28). Con người, sau khi nguyên tổ sa ngã đã mất sự nguyên tuyền nguyên thủy, cũng đánh mất luôn ý nghĩa của thân xác vốn được dựng nên để sống hiệp thông các ngôi vị. Con người làm hư hỏng ngôn ngữ quà tặng của thân xác, khi hạ thấp thân xác xuống chỉ còn ham muốn chiếm hữu ích kỷ chỉ để thỏa mãn một nhu cầu tính dục. Như thế, tha nhân bị đối xử chỉ như một đồ vật để thỏa mãn ham muốn mất trật tự của thân xác. Đức Giêsu lên án sự ham muốn xác thịt này đâm rễ trong lòng con người, làm nguy hại đến sự hiệp thông ngôi vị.

3/ Tội lỗi của đôi bạn Kitô hữu mâu thuẫn với ơn gọi sống tình yêu bí tích của họ. Yếu tính sâu xa của tội lỗi họ, hôm nay cũng như từ muôn đời, là chối bỏ Giao ước với Thiên Chúa. Điều đó có nghĩa là bỏ quên hay xem nhẹ chiều kích đối thần của hôn nhân, là đánh mất cảm thức về sự hiện diện của Chúa Kitô ở trung tâm của tương quan vợ chồng và dửng dưng với Chúa Thánh Thần, Đấng hợp tác thâm sâu với tình yêu của họ. Một hình thức đầu tiên của tội này, tội nghịch cùng bí tích, là từ chối không chịu đón nhận bí tích khi hai người đã rửa tội quyết định kết hợp đời sống với nhau mà không cưới xin, hoặc khi họ quyết định chỉ làm đám cưới dân sự. Sự từ chối bí tích cũng có thể được biểu lộ qua sự chểnh mảng hoặc hoàn toàn không còn đến với Bí tích Hòa Giải và Bí tích Thánh Thể nữa.

3. Sám hối trở về với sự phong nhiêu (fertility) bí tích của hôn nhân

Thiên Chúa luôn mời gọi con người sống hiệp thông với Ngài. Nhưng con người tội nhân, kẻ đã “bị bán làm tôi cho tội lỗi” (Rm 7,14), đã tự ý chấp nhận mang lấy ách đam mê tội tình. Thế nên, muốn đáp lại tiếng mời gọi của Thiên Chúa con người tội lỗi của chúng ta phải làm một cuộc “trở lại” (epistréphein), một cuộc hoán cải suốt cuộc đời với tâm tình sám hối ăn năn (metanoéin). Nghĩa là, vừa có sự thay đổi đời sống thực tế bên ngoài vừa có một sự biến chuyển nội tâm. Chúa Giêsu mời gọi “hãy sám hối và tin vào Phúc âm” (Mc 1,15). Lời mời gọi này gồm cả hai mặt ấy. Phép Rửa tội ghi nhận sự thống hối ăn năn và đã ghi dấu một lần dứt khoát ơn tha tội. Thế nhưng, thân phận con người dù đã được rửa tội vẫn mỏng giòn, vẫn có khả năng sa ngã phạm tội. Bởi thế, họ cần một bí tích và nhân đức thống hối như một sự kéo dài ơn trở lại của bí tích rửa tội.

Đối với đôi bạn Kitô hữu, sự sám hối trở về, phải vừa thực tế vừa thiêng liêng, buộc họ phải thực hiện những chọn lựa đạo đức phù hợp với ý muốn của Đức Kitô và trong sự hiệp thông trong Thánh Thần. Ngày nay, những mục tiêu riêng của đời hôn nhân (hợp nhất, trung thành và mở ngỏ cho sự sống) cần phải được sống đến mức làm nổi bật sự ưu việt của tính bí tích, tức là đôi bạn và gia đình của họ phải sống làm sao chiếu tỏa ánh rạng ngời thiêng liêng. Họ không chỉ là một cộng đoàn “được cứu độ” đón nhận tình yêu của Chúa Kitô, mà còn hơn thế nữa, được gọi để chuyển thông tình yêu của Chúa Kitô đến cho anh em mình nghĩa là trở thành một cộng đoàn “cứu độ”. Một gia đình truyền giáo.

Sự sám hối của đôi bạn trở về với tình yêu Chúa Kitô đồng thời giả thiết đôi bạn phải cởi mở cụ thể và thường xuyên đối với mọi tác động của Chúa Thánh Thần, vì thiếu Ngài sẽ không thể có sự thánh thiện, cũng như sự hiệp thông và truyền giáo. “Phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa” (Rm 8,14). Sự phong nhiêu (fertility) mang tính bí tích và truyền giáo của đôi bạn và gia đình là công trình của Chúa Thánh Thần, chứ không phải là hiệu quả của một thái độ duy ý chí, duy luân lý hay do hoạt động mục vụ ráo riết. Chúa Thánh Thần là nhà nghệ sĩ đại tài nắn đúc đôi bạn Kitô hữu theo tình yêu Chúa Kitô, vị Hôn Phu của Hội Thánh. Chính Ngài làm cho đôi bạn trở nên một tặng phẩm của sự phong nhiêu của Ngài, để gia đình trở nên đền thánh và biểu tượng bí tích (icône) rạng rỡ của Ba Ngôi Rất Thánh.

Kinh nghiệm sự hiệp thông trong Thánh Thần thường kèm theo một niềm vui thiêng liêng sâu xa. Đó là dấu hiệu của sự hiệp nhất với Thiên Chúa và là nguồn mạch của sự phong nhiêu thiêng liêng của đôi vợ chồng Kitô hữu. Đôi vợ chồng trao hiến cho nhau chính bản thân mỗi người, chính điều đó phát sinh niềm vui, bởi không chỉ vì giống hình ảnh Thiên Chúa , mà còn vì nó thực sự và khiêm tốn hàm chứa “Tặng Phẩm” thần linh: Chúa Thánh Thần, nơi bản thân Ngài là sự sống luôn sum sê, Tình yêu luôn dư tràn ra mãi1. Sự ân cần, lòng quảng đại, niềm vui thỏa phát sinh từ đó. Tặng phẩm, là đôi vợ chồng, khi ấy chiếu sáng lên và làm hiển lộ sự hiện diện của Đấng Ban Tặng Sự Sống.

Nếu niềm vui của tặng phẩm là nguồn mạch chiếu sáng ánh rạng ngời mang tính bí tích, thì điều ngược lại làm khô cằn giao ước hôn nhân. Tội lười nhác như là một nỗi buồn và bất bình trái ngược với sự nhiệt thành của tình yêu, một tình yêu do Thần Khí ban tặng. Sự lười lĩnh, uể oải trong đời sống vợ chồng, còn được gọi là “con quỉ giữa ban trưa”, có thể biểu hiện qua một vài dấu hiệu như chỉ biết nhìn vào mình, hay buồn chán, thiếu kiên định, chỉ thích tìm của mới lạ, bỏ bê gia đình, thiếu quan tâm đến con cái, v.v… Đôi bạn cần chiến thắng tật xấu này bằng sự cầu nguyện, thống hối và hy sinh khổ chế. Đó không khác gì triều thiên của các bậc tử đạo. Tình yêu toàn hảo là tình yêu chịu đóng đinh, nhưng đồng thời cũng là niềm vui hoàn hảo theo thánh Phanxicô Assisi.

Cuộc chiến đấu của đôi bạn để dành được sự phong nhiêu thiêng liêng trong Đức Kitô phải đi ngang qua thử thách của thời gian, sự nhẫn nại và sự trung thành thực tế. Yêu một người là cho người ấy thời gian, cho không giới hạn, vì giá trị vô hạn của một con người, một nhân vị, vượt trên sự hữu hạn của thời gian. Một tình yêu triệt để vững bền như thế là một ánh quang phản chiếu tình yêu Thiên Chúa chiến thắng sự chết trong Đức Giêsu Kitô.

------------------------------------
1 VON BALTHASAR, Teologica, III: Lo Spirito della verità, Milano 1992, 131.

Ban Mục vụ Gia đình TGP.TPHCM

Thứ Năm, 23 tháng 4, 2009

Suy Tư Về Gia Đình - Bài 3

BÀI 3. NHỮNG CƠN GIÔNG, BÃO TỐ CHỰC CHỜ … (2)
4. Không thể tách ly khỏi bóng dáng của cha mẹ
Mọi đôi bạn nếu muốn sống thực sự cuộc sống lứa đôi của mình phải luôn hướng tới sự tách ly khỏi hình bóng của cha mẹ. Người ta thường quá xem nhẹ sự tách ly khỏi cha mẹ về thể lý cũng như về tâm lý. Đó có thể trở thành nguyên do (có khi kín đáo và không được ý thức) cho những khủng hoảng sâu xa trên hành trình hôn nhân của đôi vợ chồng trẻ. Người ta cảm thấy bất an nghĩ rằng cuộc sống lứa đôi của mình chưa bao giờ thật sự bắt đầu và càng không cảm thấy nó triển nở một cách riêng tư và độc lập đối với bóng dáng cha mẹ.

“Người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mình và mẹ mình” đây hẳn không chỉ là một lời mời ra đi, đi ra khỏi nhà cha mẹ để tạo một mái nhà khác. Lời mời gọi kinh thánh này còn vang vọng những ý nghĩa khác xa hơn, mời gọi mỗi người đàn ông và người đàn bà, tự cõi thâm sâu nhất, tách ly hoàn toàn ra khỏi các đấng đã sinh thành mình, để có thể gặp gỡ tha nhân với ý thức hoàn toàn về tự ngã của mình.

Hôn nhân thường được định nghĩa như là một cuộc phiêu lưu khởi đầu từ lúc nói lời ưng thuận cách công khai, một cuộc hành trình sẽ phải dẫn đến một sự tách ly trong nội tâm khỏi hình bóng của cha của mẹ. Điều chính yếu không phải là tách ly để mà quên, nhưng để có khả năng biến đổi những khuôn mặt đó trở nên mới trong nội tâm của mình và việc nội tâm hóa đó phải nhiều lắm để làm phát sinh một tự ngã mới từ những hình bóng đó. Những hình ảnh của cha của mẹ ấy sẽ được sống một cách mới mẻ và cách khác với trước.

“Đôi khi người ta nghĩ là đã cưới một người đàn ông của đời mình nhưng người ta lại tái tạo cho anh ta những tiếp xúc vỗ về của người mẹ. Hay ngược lại, người ta nghĩ là đã cưới một người phụ nữ của đời mình nhưng lại tái tạo cho cô nàng một lối giao tiếp bảo bọc của người cha.”

Có khi khuôn mẫu của cha mẹ, và một cách đặc biệt khuôn mẫu của người mà đã để lại trên ta một dấu ấn sâu đậm nhất trong suốt thời kỳ ta lớn dậy, tồn tại nơi một trong hai người bạn đời sâu đến nỗi được tái tạo lại trong thực tại gia đình mới với cũng một cung cách cư xử hằng ngày y như thế. Và còn hơn thế nữa, khuôn mẫu ấy xuất hiện khi người ta giáo dục con cái qua sự tái hiện lại cùng những khuôn văn hóa và qui tắc giáo dục xưa. Từ đó có thể nảy sinh xung đột nơi đôi bạn, bởi lẽ người ta cảm thấy căn tính mới của đôi bạn không hề triển nở, mà chỉ đơn thuần là tái hiện trở lại những gì trước đây một trong hai đôi bạn đã tham dự. Đó chỉ là một cái tiền sử không được xét lại, không được đổi mới, không sinh ra từ thực tại mới của vợ chồng, một tiền sử mà người bạn đời kia như kẻ ngoại cuộc.

Độc lập đối với cha mẹ về mặt tâm lý quả thật không phải dễ dàng còn bởi một lý do nữa. Khi bắt đầu một cuộc hành trình theo hướng tách ly như thế đó, người ta thường cảm thấy ít nhiều mặc cảm tội lỗi và phản bội như thể mình đã “bỏ rơi” đấng bậc sinh thành. Đàng khác, “chỉ người nào có can đảm và sức mạnh tách ly dần khỏi những người khác, kể cả cha mẹ mình, để thể hiện chính mình cách đầy đủ, mới có thể tìm thấy lại được người khác và chính mình trong khuôn khổ của một tình yêu dâng hiến chứ không phải là của một thứ vị kỷ được che đậy”1. Theo nghĩa đó, lời mời gọi của Thánh kinh thật ý nghĩa và cấp bách: “Con người sẽ lìa bỏ cha mẹ mình và cả hai sẽ nên một xác thịt” (St 2,24).

5. Những bất trung

Sự bất trung, là điều vốn thường xuyên bào mòn quan hệ vợ chồng. Trước hết, là sự bất trung tinh vi và hằng ngày được thực hiện gần như là không cố ý, và xem ra không góp phần gì quan trọng cho hành vi phản bội, nhưng ngược lại, chính vì nhỏ nhặt và tinh tế mà nó dần đục khoét thành những hố sâu ngăn cách.

Một hình thức đầu tiên của sự bất trung thường nhật là sự bất trung của những kẻ không bước vào tương giao. Lời nói có thể là dấu chỉ của sự trung thành, mà cũng có thể là của sự bất trung nếu chúng không thực sự ăn khớp với cảm giác và tình cảm của chúng ta. Rồi thinh lặng cũng thế, đó có thể chất chứa sự trung thành hay bất trung. Một thái độ thinh lặng không nói nhưng kèm theo những cử chỉ yêu thương hay tận tụy thường nhật với sự chia sẻ đầy đủ những tình cảm là một sự thinh lặng trung thành. Một sự thinh lặng do không biết bộc lộ bằng lời những tình cảm như giận dữ, thù ghét, phục tùng tự ý hay miễn cưỡng, muốn gây hấn mà không bộc phát được, không chia sẻ qua những cử chỉ yêu thương hay có trách nhiệm, là một sự thinh lặng chất chứa bất trung cản trở thiết lập mọi tương giao.

Do đó sự bất trung có thể nảy sinh do thiếu tương giao sâu đậm trong cuộc sống hằng ngày, cũng như có thể nảy sinh do thường xuyên thiếu sự chia sẻ và nhất là thiếu sự dịu dàng nhân hậu và đồng cảm. Sự bất trung cũng nảy sinh khi mối quan hệ bị tàn phá do tràn ngập những khó khăn hay ngược lại do sự đều đặn buồn tẻ của cuộc sống hằng ngày. Nó là một tấm màn che phủ làm mờ nhòa mọi sự và làm mọi sắc màu nhạt phai, đó là sự đều đặn nhàm chán của cái thường nhật, là tuyến đường thẳng băng không một chút gợn gờ nhấp nhô đe dọa, nếu đôi bạn không tìm thấy nơi mình khả năng tái sinh, đổi mới cung cách quan hệ. Tình trạng đó được nhận ra khi thấy sự mệt mỏi chán chường chiếm ngự không gian sống của đôi bạn. Càng ngày người này càng mất khả năng nhìn người kia với một cặp mắt mới; những lời nói yêu thương dành cho nhau trở nên thưa dần.

Đối tượng của tình yêu thương có thể được thay thế dễ dàng bởi những thứ khác như một sự né tránh, nơi trốn tránh. Chẳng hạn như công việc, hay thú tiêu khiển giải trí cho tới lúc ấy chỉ như là trò giải trí cho qua thời gian rỗi rảnh, bạn bè, nhà cửa, một góc vườn kín đáo nơi dành mọi bận tâm, chăm sóc. Người ta không còn nghĩ kẻ sống bên cạnh mình luôn là một con người mới cần phải khám phá, hiểu biết hơn về những khát vọng, hy vọng của người ấy, cũng như những thất bại, suy nghĩ thầm kín nhất, những cảm giác sâu xa nhất của người ấy. Có thể có cám dỗ về một thứ bất trung khác: một người đàn ông khác hay một người phụ nữ khác là một cái gì mới mẻ, khả dĩ làm tươi mới lại những lời nói yêu thương đã đi vào quên lãng, khả dĩ làm sống trở lại những cảm xúc, những tình cảm xem ra như đã mất.

Rồi còn có một thứ bất trung cuối cùng, thường ít được nhận thấy, đó là: chạy theo một lý tưởng đời đôi bạn tưởng tượng viển vông, không thực tế. Lý tưởng đó có thể là về đối tượng phối ngẫu mà ta muốn sống với, do trí tưởng tượng dựng lên một cách thiếu thực tế đến độ kẻ sống bên cạnh ta không thể đáp ứng và chịu đựng nổi, cảm thấy mình không xứng hợp và dần dần chối từ làm bạn đồng hành và nhường chỗ cho cái ‘đài tưởng niệm’ không tưởng đó. Lý tưởng cũng có thể là về chính bản thân ta: tham vọng về mình quá cao và quá xa vời so với thực tế của chính bản thân, so với ước muốn của người bạn đời kia, vốn chỉ mong có một người bạn đơn sơ, cụ thể và có khả năng chia sẻ một cuộc sống thực tế.

Cũng có bất trung trong mối quan hệ vợ chồng ở mãi trong tình trạng hòa quyện tan hòa vào nhau. Sự tan hòa ấy trộn lẫn và tiêu diệt các căn tính hoàn toàn khác lạ với quan hệ tình yêu đích thực. Tình trạng này dầu sao đi nữa cũng không thể coi là một sự trung thành thực sự được, vì đó là một sự trung thành đối với một tình yêu không tưởng, chưa hề là tình yêu đích thực vốn được xây dựng trên những nền tảng khác. Bởi đó là sự trung thành, xét cho kỹ, của hai kẻ không có khả năng chấp nhận cô đơn, không có khả năng để cho người khác được cô đơn; và như thế là của hai con người chưa có tự do thật.

Thật là một hiểu lầm đáng buồn nếu ta xem trung thành được diễn tả như một khát vọng chiếm hữu, một quyến luyến bệnh hoạn, không để không gian cho người kia diễn tả mình, hoặc như một thái độ bảo bọc muốn lo toan mọi sự, tiên liệu mọi sự, chu cấp mọi sự, khiến người kia không còn gì để mà khát khao, chọn lựa, không còn gì có thể sai lầm! Một tình yêu mà nhân danh một sự trung thành ngột ngạt như thế thực ra là một sự bất trung sâu xa đối với dự phóng nền tảng của mọi hôn nhân, một cuộc hôn nhân nhìn thấy trên hành trình yêu thương tự do và đem lại giải thoát một cơ hội cho mọi tiềm năng và phong phú cá nhân được triển nở.

Cũng một cách y như vậy sự bất trung ẩn mình dưới mọi hình thức lệ thuộc. Sự lệ thuộc, có thể là dưới những hình thức cung ứng quá dư thừa những tiện nghi dù là vì yêu, sẽ dễ dàng sinh ra nhiều sự bất trung nho nhỏ. Những bất trung tạo nên bởi những khát vọng không thực hiện, bởi những mơ mộng hoài vọng không được chia sẻ, bởi những hành động thực hiện theo hướng nghĩa vụ chứ không do một chọn lựa yêu thương, bởi những lời nói trên môi cười mà lòng dửng dưng, bởi những mong đợi ở nhau không được bộc lộ và đáp ứng, không được nhận biết, thông cảm, đón nhận.

6. Khi không có tự do

Một bất trung nặng nề là một bất trung không đi tìm chính sự tự do của bản thân mình và cũng không giúp người bạn đời kia được tự do. Tự do là một gút mắt quan trọng và khó khăn nhất trong mọi quan hệ đích thực, nhất là quan hệ hôn nhân.

Một cuộc hôn nhân trung tín là một hôn nhân có sức giải phóng, đem lại sự giải thoát, tự do đích thật cho con người. Một người kết hôn mà không lo liệu giải phóng mình khỏi những áp lực, khống chế bên ngoài lên trên chính mình, và đồng thời không giúp cho người bạn của mình cũng được giải phóng như thế, thì không trung tín với giao ước, với bí tích. Bởi lẽ chỉ có giao ước và bí tích thật sự và có sức sống khi hai vợ chồng trao ban cho nhau khoảng không gian để thực hiện các ân huệ mà Chúa Cha đã trao ban cho mỗi người con của Ngài, cách trọn vẹn. Thế nên không có mâu thuẫn giữa trung thành và tự do. Đúng hơn, trung thành là trung thành trong tự do; tự do thật là tự do để yêu thương cách trung thành.

Xác định đâu là những khía cạnh không có tự do trong quan hệ, đâu là những lý do để cuộc hành trình hướng tới tự do đích thực trở nên bấp bênh và bế tắc, không phải là việc dễ dàng. Tình trạng nội tâm giới hạn thực sự sự tự do đôi khi rất khó xác định, và để giải thoát thì càng khó hơn. Tình trạng ấy có thể là cá nhân, gắn liền với lịch sử đã qua của mỗi người, hoặc có thể xuất phát từ cách sống và xây dựng đời đôi bạn.

Sự tự do mà ta đang nói tới không phải là sự tự do làm theo dục vọng và ước muốn riêng của mình, cho bằng là sự tự do của tư tưởng và hành động. Hành động của mỗi người thường là kết quả qui định bởi những hạn chế nhỏ hay lớn của cuộc sống hằng ngày ngăn cản người ta thực hiện điều người ta khát mong. Nhưng nếu trí óc và con tim biết di chuyển tự do trong không gian của một ước vọng và một dự phóng, là điều vốn được chia sẻ bởi người bạn đời kia, thì người ta sẽ không có cảm giác bị áp chế, thất vọng, thù ghét ngấm ngầm chực chờ bộc phát bạo lực. Những tâm trạng tiêu cực đó gây ra nhiều thiệt hại cho đời sống hôn nhân và là nguyên nhân cho khủng hoảng sâu sắc, nhất là khi chúng bị dồn nén với cảm giác tâm lý bị ức chế không bộc lộ được cách tự do.

Đàng khác, chính những gì người ta nói, bàn về tình yêu vẫn còn hàm hồ. Bởi lẽ, người ta thường nhân danh chính tình yêu sinh chuyện áp chế, làm bầu khí ngột ngạt, với những qui định một chiều. Xác định những điều đó và thoát ra khỏi chúng không phải dễ dàng. Bởi lẽ những khía cạnh hoà tan vào nhau của ái tình thuở đầu hoạt động mạnh mẽ và len lỏi sâu xa đến độ có khi sau nhiều năm hôn phối hai người vẫn không thể thoát ra khỏi sự quá lệ thuộc nhau. Người ta cứ luôn cần phụ thuộc vào người kia hoặc cần người kia phụ thuộc mình. Thế nhưng sự phụ thuộc đến độ nô lệ không phải là dấu chỉ của tình yêu đích thật vì trong sự phụ thuộc đó không có tự do chọn lựa, không có nhiệt tình tự nguyện dấn thân, không có sự dâng hiến của ân ban. Đúng hơn, khi không có khả năng chọn lựa nào khác, người ta không thể bộc lộ chính mình, sự lệ thuộc chỉ khiến người ta cam chịu không sống đời mình một cách viên mãn được.

Nhiều người bắt đầu cuộc sống hôn nhân với ý nghĩ là, vì tình yêu mà lấy nhau người ta cần khước từ sự tự do của mình. Bổn phận, trách nhiệm có xu hướng khiến người ta bị ngột ngạt và thay thế tình yêu. Ngược lại, sự tự do nội tâm của mỗi người đối ngẫu là một bảo đảm chính yếu cho sự bền vững của quan hệ vợ chồng. Hôn nhân không phải là một sợi dây ràng buộc thắt chặt, nhưng là một sự hợp nhất tự nguyện và tự do qua từng ngày.

Hẳn là tự do làm ta lo sợ, nhất là khi phải bỏ đi những khung suy nghĩ cũ kĩ mà từ đó người ta xây dựng cuộc đời và quan hệ vợ chồng riêng mình. Đó là những cớ lý thuận tiện thường được dùng để chống đỡ những bất lực và những sợ hãi của ta. Sợ phải phiêu lưu để tìm tòi khám phá những điều mới mẻ, sợ mình không có khả năng chấp nhận những cách thức sống mới với chính bản thân, với người bạn đời, với những người khác. Thế nhưng, chỉ có con đường giải phóng được người bạn đời mới có thể sống hiệp thông thật sự.

Tự do chắc chắn là có mạo hiểm và đó chính là điều đôi khi người ta sợ phải chấp nhận. Nhưng sự mạo hiểm của tự do của ta và của người bạn đời mới là trọng tâm. Không có tự do cũng sẽ không có đạo lý vì không có chọn lựa và cũng không thể có được tình yêu. Tự do ở ngay trung tâm của cuộc sống của chúng ta, một cuộc sống Thiên Chúa muốn phải được sống trong tự do và đã trả bằng cái giá của thập tự.

------------------------------------

1 M. Bertini, “Il matrimonio come processo di evoluzione psichica”, in L. Ancona, Nuove Questioni di Psicologia, La Scuola, Brescia.


Ban Mục vụ Gia đình TGP.TPHCM

Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2009

Lễ Thành Hôn: Ngọc Nghĩa - Tú Uyên

Đại gia đình NGUYỄN TỘC
chúc mừng lễ thành hôn
của Huỳnh Ngọc Nghĩa (chắt thuộc chi Bà Nghị - Ông Liệu) và Đặng Thị Tú Yên

*

Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2009

Suy Tư Về Gia Đình - Bài 2

Bài 2. NHỮNG CƠN GIÔNG, BÃO TỐ CHỰC CHỜ …
Gia đình là ngã tư đường nơi những căng thẳng ngày nay của nơi công cộng và chốn riêng tư gặp gỡ nhau. Vì thế những khó khăn mà các đôi bạn gặp phải liên kết chặt chẽ với bối cảnh rộng lớn hơn như đại gia đình, gia tộc, bạn hữu, xóm giềng, sở làm, hay xã hội rộng lớn hơn. Nhưng ta sẽ không bàn đến những tương tác đó ở đây, mà sẽ dừng lại nơi những xung đột liên kết chặt chẽ với đôi bạn trong tư cách như là đôi bạn, thực tại tách biệt. Nghĩa là chỉ xét đến những xung đột liên hệ đến lãnh vực tâm lí, cảm xúc, tình cảm, và tính dục, là những lãnh vực tế nhị hơn, phức tạp hơn, và phụ thuộc lẫn nhau. Cũng là những khu vực tập hợp lại những kinh nghiệm quá khứ, có để lại dấu vết hằn sâu nơi tiềm thức lẫn ít nhiều có ý thức.

Ở nguồn gốc của những khủng hoảng vợ chồng thường có nguyên nhân là người ta không có khả năng nhìn nhận và đón nhận chính thực tế của riêng mình, thực tế của người bạn đời, thực tế của cả cặp vợ chồng.

1. Kẻ phải lòng, nghĩa là người đang yêu, thì có tưởng tượng phong phú
Nơi một đôi bạn mới lấy nhau thường người ta thấy những bộc lộ của họ như muốn tan chảy hòa quyện vào nhau. Dường như không có khoảng cách giữa thực tại và mộng mơ. Một đàng người ta say đắm, đàng khác người ta sống chỉ những gì tinh túy nhất. Những người mới lấy nhau sống chủ yếu với trí tưởng tượng của họ. Trí tưởng tượng ấy vốn là tổng hợp của những hình ảnh và tâm tưởng, của tri giác và của những liên tưởng nội tâm mà mỗi trong hai người đối ngẫu (partners) mang đến theo mình. Sự tưởng tượng của từng người trong thời gian gặp gỡ nhau là phần còn lại của chuyện cuộc đời mà họ đã sống cho tới lúc bấy giờ. Đôi bạn cần phải xem xét đến tâm tưởng của nhau.

Thuở ban đầu lưu luyến ấy là một thời gian mạnh mẽ gây cho cả hai người những bàng hoàng, kinh ngạc, mê mẩn, quyến rũ. Đời sao như là mơ ấy, thật là lý tưởng! Tự khép mình trong thế giới tâm tưởng của tình yêu, hai người xem ra không thể tách rời nhau được; có nguy cơ là mỗi người có thể phản chiếu tưởng tượng của mình lên người kia. Đối tượng của tình yêu thường đến bất ngờ và dường như lấp đầy mọi mong chờ. Thế nhưng, khi phóng chiếu sự tưởng tượng của mình lên tha nhân như thế có thể người ta luôn luôn và chỉ yêu chính mình. Giống như là một bong bóng to đùng trong đó hai người nhìn nhau, nghe nhau, sống với nhau, nhưng mọi sự còn lại thì ở ngoài. Nhưng cái bong bóng ấy không thể giải quyết mọi chiều kích và hơi thở của cuộc sống, và, khi người ta bị yêu sách phải mở rộng cõi lòng cho những yếu tố khác lạ (tha tính), hai người thấy mình hoài nghi khi phải giải quyết chuyện thực tế cuộc sống: Đối tượng yêu thương, “người yêu” đó, sao khác nhiều với những gì mình đã tưởng [1].

Tới đây cần phải sẵn sàng để sống điều mà các nhà tâm lý gọi là sự than khóc thứ nhất cho cuộc hôn nhân: một sự mất mát mà không phải lúc nào người ta cũng sẵn sàng. Vả lại, đối với con người đối diện với một chia ly, mất mát luôn luôn là một khó khăn. Tuy nhiên, nhờ suy nghĩ và nhìn nhau ở bên trong người ta có thể đi đến chỗ hiểu được rằng không phải là họ mất người yêu còn đang sống đó, nhưng là mất cái ‘hình ảnh’ mà người ta đã tạo ra cho mình về người yêu, hay cái lý tưởng về đôi lứa. Đó chỉ là một sự mất đi những hình ảnh đã tưởng tượng! Nếu không có bước chuyển căn bản này, người ta không thể tiếp tục xây dựng chính thực tế đôi bạn và những xung đột ẩn núp ở góc xó nào đó sẽ sẵn đó trườn ra.

Thường thì những ảo tưởng đó được sống quá lâu như là thực tại duy nhất về đôi bạn, chúng chiếm cứ mọi không gian và lấp đầy mọi khoảng cách của tương quan vợ chồng, tự đặt mình như một mục tiêu giả trá của một cặp vợ chồng lý tưởng. Nhưng người ta không được gọi để sống mối quan hệ của một đôi bạn lý tưởng phi thực tế; cũng như không hề có những khuôn mẫu, như là sản phẩm của nền văn hóa, để mà bắt chước, và không hề có thứ tình yêu lý tưởng của thời kỳ phải lòng kéo dài đến vô tận. Tình yêu không thể được nuôi dưỡng chỉ bằng lý tưởng tưởng tượng, nhưng để sống tình yêu cần phải nhập thể.

Vì vậy không hề có đôi bạn lý tưởng. Ngược lại, có nhiều quan hệ vợ chồng rất khác biệt nhau, ít nhiều đã thành sự, là thực tại vừa đẹp và giàu tiềm năng, nhưng thực tế cũng có đôi nghèo nàn và hạn chế; đó là những quan hệ của một người đàn ông và một người đàn bà đồng hành với nhau để trở nên những người được kêu gọi để trở thành đôi bạn duy nhất và độc đáo.

2. Nhìn nhận người bạn đời rất khác biệt với ta là một nỗi khó khăn
Cuộc hành trình mạo hiểm nhưng cũng rất phong phú và năng động của đôi bạn chỉ thực sự bắt đầu khi họ biết nhìn nhận “sự khác biệt” của nhau hay còn gọi là tha tính (otherness/l’altérité) trong quan hệ vợ chồng “một xương một thịt”.

Ngày nay chúng ta thấy rất nhiều cặp vợ chồng đổ vỡ. Rất có thể nguyên do của khủng hoảng sau cùng dẫn hôn nhân của họ đến thất bại vì họ thiếu óc thực tế, có lẽ họ đã không thực sự hiểu biết nhau, không biết con người thực tế của nhau (gồm những vốn quí, sự phong phú, và cả những giới hạn, khuyết điểm của nhau). Có khi điều đó đưa đến tình trạng không hẳn là đổ vỡ, nhưng họ sống như hai cái bóng cùng tồn tại trong đau khổ, trong một thế thăng bằng chông chênh luôn luôn rất khó giải quyết.

Nhìn nhận người kia khác biệt với tôi là một giai đoạn khó khăn phải trải qua, nhưng rất cần thiết cho việc xây dựng đời sống gia đình. Sẽ có những hậu quả khá nghiêm trọng nếu tha nhân, tức người bạn đời, không được nhìn nhận với thực tế của người ấy; nếu hai người không nhìn nhận nhau, nếu họ không chấp nhận mọi mặt tích cực cũng như tiêu cực của nhau. Ta sẽ không nếm được cái ý nghĩa sâu xa của sự kiện người này vừa quí giá vừa nghèo nàn trước mắt người kia; và như thế làm sao có thể biết tôn trọng nhau và cùng có trách nhiệm cùng nhau thăng tiến bản thân từng cá nhân và đôi lứa.

Nếu ai đó nhìn nhận chúng ta, yêu thương chúng ta, đón nhận chúng ta đúng như thực tế chúng ta là như thế đó, thì sẽ có điều nhiệm mầu xảy ra. Ơn cứu độ bắt đầu. Đó chính là sự phong phú thực sự của đời hôn nhân. Đó chính là lý do tại sao sống cô độc một mình sẽ nên hết sức nghèo nàn. Đó là lý do tại sao được chọn và được yêu lại là một đặc ân.

Có điểu chúng ta cần lưu ý, đó là tiến trình nhìn nhận và đón nhận, cả cái tốt lẫn cái xấu, cái tích cực lẫn cái tiêu cực, của nhau ấy rất khó thực hiện, nếu như trong thâm sâu ta không nhìn nhận và đón nhận chính thực tế riêng của cá nhân mình. Bởi nếu ta không nhìn nhận chính mình với con người thực tế toàn thể của mình, thì ta khó có thể làm như thế đối với người khác. Đúng hơn ta có khuynh hướng phóng chiếu lên trên người khác những mặt tiêu cực của mình, những khuyết điểm của ta mà ta không nhìn nhận, những hình ảnh làm cha làm mẹ thiếu chu đáo chẳng hạn, tất cả những bóng ma của lịch sử nội tâm của mình. Những cái đó sẽ tiếp tục cản trở chúng ta gặp gỡ toàn thể nhân tính của người khác trong sự tự do; chúng có thể tạo ra những kiểu kết hợp hòa quyện nguy hiểm. Ngược lại, nếu như những khía cạnh tiêu cực mà được nhìn nhận và đón nhận như thực tế chúng là thế, như là phần bên kia của cái tôi chưa được nhận biết hay chưa được tháp nhập, cả chúng nữa cũng sẽ có thể trở thành phương thế cho sự thăng tiến, tăng trưởng, hòa nhập với thế giới bên trong chúng ta, với người phối ngẫu, với thế giới bên ngoài. Điều cấp bách hơn, và trước cả sự nhìn nhận và đón nhận tha tính, là nhìn nhận và đón nhận chính chủ thể tính của mình.

“Hãy yêu thương chính mình” là một mệnh lệnh cũng mạnh mẽ như “hãy yêu thương người thân cận của mình”. Đúng hơn, chính tình yêu đối với bản thân là nền tảng cho tình yêu đối với tha nhân.

Như thế, điều quan trọng là cần phải ý thức về chính căn tính của mình, về chính lịch sử đời mình trước khi có sự gặp gỡ tha nhân, trước khi đích thân tiến bước đến chỗ chọn lựa tha nhân: cái gì đã khuấy động tôi trong chọn lựa này vậy? có lẽ chăng một nhu cầu tình yêu không được hay không thể thỏa mãn? Tiến trình trưởng thành nhân cách của tôi có trải qua những bước tiến tăng trưởng êm ả hay không? Có lẽ tôi đã phóng chiếu lên con người của tha nhân những thực tại không thành đạt của tôi, những khát khao không thỏa mãn, những hoài bão không thực hiện được của tôi chăng? Tôi có xu hướng phụ thuộc vào người kia, hòa tan mình với người kia không? Tôi có biết sống khoảng không gian và thời gian riêng của tôi một mình không?

Nếu như chúng ta vẫn còn chưa đạt tới trưởng thành nhân cách đủ mức, và một khi ta ý thức về điều ấy, ta có thể sẽ đạt được nhờ sự giúp đỡ quí giá của bạn mình, vốn là một nguồn suối mới phải tận dụng. Về điều này, không hề có những con đường tắt dễ dãi, không thể tránh né đi con đường ấy nếu người ta muốn có một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc.

Đôi khi chính vì một trong hai người, hoặc cả hai người, không nhìn nhận mình thiếu trưởng thành, mà khiến cho cuộc hôn nhân thất bại.

3. Đời sống tính dục không được thỏa mãn

Vấn đề tính dục luôn luôn là kết quả của một lịch sử. Và trong lãnh vực rộng lớn này người ta cần phải tìm chìa khóa để đọc nhằm đối diện với mọi hoàn cảnh hôn nhân khó khăn do hiểu lầm hoặc không thỏa mãn trong lãnh vực này.

Mỗi cá nhân có nguồn gốc không bởi từ một cá nhân khác, mà bởi từ một đôi (vợ chồng), và về mặt tâm lý đứa trẻ hấp thu không chỉ nguyên mẫu của người cha và của người mẹ, mà còn hấp thu cả cái nguyên mẫu của quan hệ liên vị, giữa một người đàn ông và một người đàn bà như là một đôi vợ chồng. Do đó, chúng ta hiểu tại sao lãnh vực tính dục lại hết sức phức tạp và tại sao lối sống tính dục của một người trưởng thành bộc lộ những gì mà người ấy đã sống và hấp thụ được từ cha mẹ trong tuổi ấu thơ và suốt thời gian niên thiếu và tuổi trẻ. Bởi thế, có ai đó đã nói rằng “cách thức để bảo đảm tốt nhất cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc và một đời sống gia đình hạnh phúc là làm sao để được sinh ra từ một cuộc hôn nhân hạnh phúc”. Hẳn là nếu ta lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ đã sống một cuộc hôn nhân hạnh phúc, nếu ta đã hấp thụ được một giáo dục về giới tính một cách hài hòa, thì ta sẽ dễ dàng đi đến chỗ chấp nhận căn tính về tính dục của mình và gặp gỡ người bạn khác giới kia hơn rất nhiều. Thế nhưng ta đâu có thể tác động lên trên một quãng đường đã đi qua. Nhưng hiểu được sự quan trọng nền tảng của một đời sống tính dục hài hòa, lành mạnh, vui tươi cho hạnh phúc lứa đôi đã là tốt lắm rồi; bởi lẽ như thế người ta sẽ chú ý, lo lắng, tích cực tìm cách phát triển hơn nữa sự đồng điệu, đồng cảm về tính dục.

Trước hết, có những thực hành tính dục như một thứ quyền lực áp đặt trên người khác hoặc chỉ như là một kiểu hành lạc. Những kiểu đó không diễn tả tình yêu cũng không làm cho tình yêu ra hoa. Chúng còn xa lạ lắm với tình yêu đích thực.

Ngược lại, có một sai lầm người ta hay vấp phải xuất phát từ một lối giáo dục có xu hướng đàn áp tính dục trên bình diện luân lý cũng như tôn giáo, và là nguồn cho bao nhiêu đau khổ của con người. Sai lầm đó chính là ở chỗ người ta không coi trọng sự đồng cảm của đôi bạn với nhau về tính dục. Vẫn còn thấy ở đây đó quan niệm nghĩa vụ vợ chồng, một quan niệm cổ xưa hé mở cho thấy một tình cảnh thụ động buồn tẻ. Người ta vẫn còn có thái độ phản vệ, với xu hướng chế ngự và chối bỏ, hoặc duy lý hóa và đè nén, khả năng tính dục của con người. Họ che dấu nỗi sợ hãi phải chấp nhận mình như là một con người có giới tính và sống tính dục của ta cách viên mãn trong cuộc gặp gỡ với người bạn đời. Thật ra, ý nghĩa của giao ước hôn phối giữa một người nam và một người nữ, dấu chỉ của giao ước yêu thương giữa con người với Thiên Chúa, được bộc lộ đầy đủ hơn, lời nói yêu thương mang một ý nghĩa đầy đủ hơn, khi chiều kích tính dục trong quan hệ vợ chồng được coi trọng như là tiền đề cho một sự phát triển bình thường mối quan hệ theo nghĩa yêu đương” [2].

Một đôi bạn mà không sống sự hòa điệu vui tươi đồng cảm về tính dục, sẽ thấm thía nỗi buồn của một tình yêu “bị gặm mòn” trong thinh lặng, sẽ kinh nghiệm sự thịnh nộ của những nhục nhằn bị đè nén, nỗi cay đắng của bao cảm xúc đã không thể bộc lộ, tình héo khô bởi nhiều cảm giác không có cơ hội để sống. Sự khủng hoảng không thể không phản âm trên toàn bộ cuộc sống vợ chồng, bởi lẽ một quan hệ tính dục không mặn nồng và bị ức chế cách này cách khác sẽ dễ trở thành một thói quen ngăn trở xây đắp một tình thân mật vợ chồng về mặt tâm lý, khả dĩ đem lại một sự thỏa mãn và thành tựu nào đó cho cả hai vợ chồng.

“Sex dĩ nhiên không phải là tất cả mọi sự, nhưng nó là chất xúc tác cho nhiều chuyện khác. Và sở dĩ nhiều chuyện khác có chạy tốt được như thế là nhờ sex hoạt động tốt, cho nên tính dục cũng là hòn đá thử vàng để đo chất lượng toàn thể của một mối quan hệ. Khi tính dục hoat động tốt, con người sẽ khác đi, bầu khí tình cảm người ta cảm thấy trong một mái nhà bấy giờ là bầu khí tỏa sáng, khuây khỏa và vui tươi.” [3]

Đó có phải là một nghịch lý chăng? Hay một sự khiêu khích? Có lẽ không hẳn như vậy. Bởi cũng có nhận xét sau đây cho rằng: trong nhiều cặp hôn nhân chính sự đồng điệu với nhau về tính dục có thể đã khỏa lấp nhiều hoàn cảnh khác không tích cực và có thể thúc đẩy hôn nhân tiếp tục đi tới; đang khi rất thường xuyên ở nơi nào mà thiếu sự hài hòa thân mật vợ chồng như thế, không có một sự đồng cảm vượt trên lý trí, quan hệ vợ chồng khó có thể giữ được bền vững [4].

---------------------------------------------------------
1 J. MARRONCLE, Coppie in crisi, Elle Di Ci, 1991.
2 L. ANCONA, La psicologia dell’amore e del dis-amore coniugale, in Nuova Enciclopedia del Matrimonio, Queriniana, 1988, 77.
3 C. DASTOLI, “Una sola carne, due persone distinte: la sessualità nel matrimonio”, in Il legame matrimoniale tra crisi e speranza, Vita e Pensiero, 1989, 115.
4 W. PASINI, Intimità, Mondadori, 1990.


Ban Mục vụ Gia đình TGP.TPHCM

Thứ Tư, 15 tháng 4, 2009

Suy Tư Về Gia Đình - Bài 1

Bài 1. BẬP BỀNH CON THUYỀN GIA ĐÌNH
Trong những thập niên cuối này gia đình, và cách riêng là đôi vợ chồng, trụ cột của gia đình, đã phản chiếu những căng thẳng và mọi thứ xáo trộn đã làm thay đổi xã hội chúng ta. Có những dấu hiệu, một đàng là càng ngày người ta càng ít chọn lựa sống hôn nhân so với sự gia tăng những hình thức sống chung khác, đàng khác càng ngày càng có nhiều vụ ly thân, ly dị hơn. Thế nhưng, sống giữa khủng hoảng và hy vọng, hoàn cảnh đó có thể trở thành một thách đố, có thể thúc đẩy chúng ta phải lao vào cuộc để làm thay đổi thực trạng hiện nay của hôn nhân; có thể trở nên nguồn cho một thứ năng lượng mới, phác ra những viễn tượng mới, canh tân lời tiên tri.

1. Sự mong manh của quan hệ vợ chồng
Người ta cần ý thức tính chất phức tạp của hoàn cảnh chung và tìm phân tích trong tinh thần cởi mở để tìm biết những nguyên nhân của tình cảnh ấy.

Trước hết, ngày nay người ta cần phải nhìn nhận quyền tự do lựa chọn người bạn đời là một trong những cuộc cách mạng âm thầm của lịch sử nhân loại. Từ mấy ngàn năm qua việc lựa chọn bạn đời đã được định và phải tuân thủ theo những bận tâm hay lợi ích khác xa lạ với đôi bạn, và dĩ nhiên, cũng khác tùy theo họ thuộc giai cấp thống trị hay bị trị. Người ta đã bị (được) kết hôn chứ không kết hôn. Những cuộc hôn nhân ấy có thể bền chặt bên ngoài bởi vì được bủa vây bởi một loạt những kiểm soát khá cứng cỏi từ phía xã hội, thế nhưng mối quan hệ nam-nữ sẽ khó có thể phát triển theo chiều sâu vì thiếu điều kiện tiên quyết là sự quí trọng nhau và sự tự do chọn lựa nhau. Hôn nhân bởi tình yêu chắc hẳn là mỏng manh hơn, nhưng phong phú hơn nhiều những cuộc hôn nhân bởi sự sắp đặt. Ngày nay người ta lấy nhau vì tình yêu. Cưới nhau mà không có tình yêu thì không còn ý nghĩa gì nữa. Mỗi người chọn lựa cho mình người bạn đời cách tự do và như thế tự quyết định về chính số phận của mình [1].

Dần dần người ta xác định rằng trong cuộc sống lứa đôi điều quan trọng không phải là làm sao duy trì hôn nhân bằng mọi giá, dù phải kiên nhẫn chịu đựng lâu dài, phải trung thành trong lầm lì bất mãn, dù là giả dối với một đời sống chung mà không có sức sống, nhưng là tự nguyện dấn thân thật sự để ở với nhau, thích được gặp nhau. Tất cả những điều ấy là một trong những thay đổi quan trọng nhất đã thành hiện thực trong thế kỷ trước và hiện vẫn còn đang thay đổi ở bên trong tiến trình chuyển biến triệt để về ý nghĩa và giá trị của gia đình. Thế nhưng, thay đổi sâu xa ấy cũng có kèm theo những nguy cơ. Đó là người ta không nắm bắt được cái cốt lõi nhất của hoàn cảnh, người ta có thể đánh giá và chọn lựa quá đơn giản và hời hợt, bởi lẽ do sự phức tạp của hoàn cảnh cần có một phân tích nghiêm túc.

Giải pháp được đề nghị là tránh hai thái cực đối nghịch: hoặc là cám dỗ theo một kiểu chung thủy vợ chồng duy hình thức mà thiếu sự dấn thân bằng cả tình cảm lẫn lý trí, hoặc là cám dỗ theo một thứ nổi loạn đập vỡ quá dễ dàng thiếu sự dấn thân đi tìm một giải pháp tích cực hơn. Đó là một giải pháp khác, chắc chắn là phải bận tâm bận trí hơn, mà cũng mắc mứu nhiều hơn. Nó đòi tình yêu phải được nuôi dưỡng bằng một sự trung thành hằng ngày; tình vợ chồng phải được nối tiếp bằng những gặp gỡ nhau trong hân hoan và thích thú; những lúc khủng hoảng, căng thẳng, hiểu lầm nhau có ý nghĩa làm cho hai bên hiểu biết nhau sâu sắc hơn; không nên biến những xung đột thành những thất bại tiêu cực. Giải pháp đề nghị là: hôn nhân vẫn là một quan hệ rất ưu việt có thể tiến bộ và vượt qua được sự khủng hoảng mà không gãy đổ.

2 . Nỗi cô đơn của đôi bạn
Làm một đôi vợ chồng hạnh phúc và bền vững là một điều rất tốt mà mọi người đều muốn khi khởi đầu một cuộc tình. Thế nhưng không dễ dàng có được như thế, trước hết chính là vì người ta đã mong đợi quá nhiều ở quan hệ ấy, và hơn nữa, là vì đôi bạn cô đơn trước những khó khăn của mình.

Đâu là những yếu tố ảnh hưởng đáng kể trên thực tại mọi ngày và trên cách suy nghĩ và hành động của gia đình? Đôi bạn và gia đình ngày nay thiếu sự an sinh hơn ngày xưa, sự an sinh được bảo đảm do bối cảnh xã hội rộng lớn hơn trong đó các cặp vợ chồng trẻ đang sống. Đôi bạn và gia đình ngày nay bị tước đi nhiều nhiệm vụ mà trước đây được đảm nhiệm từ bên trong gia đình hay gia tộc như lao động – giáo dục – y tế - thông tin – thời gian rảnh rỗi. Ngày nay những yếu tố đó được đảm đương bởi xã hội dân sự.

Trong hoàn cảnh đó, đôi bạn ngày nay được đưa về với cái cốt yếu nhất của mình, tức là nhiệm vụ hãy là chính mình. Gia đình được mời gọi tìm ra cách thức hiện hữu riêng cho mình, như là đôi bạn và như là gia đình, vì con cái của mình.Thế nhưng, với thực trạng ngày nay các nền văn hóa bị phân mảnh đã dẫn đến tình trạng mô hình gia đình duy nhất cũng bị tan vỡ theo, nhường chỗ cho một thực tế là có nhiều kiểu gia đình khác nhau phát sinh và phát triển theo các tiến trình hình thành và chọn lựa giá trị khác nhau của từng đôi bạn riêng lẻ. Họ thiếu một mẫu mực gia đình để quy chuẩn.

Một khi những chức năng mà trước kia xem ra chiếm ưu thế nay đã rơi rụng, thì giờ đây quan hệ liên vị và sự bền vững của quan hệ ấy là đối tượng hàng đầu mà các đôi bạn cần chú ý. Thế nhưng, đôi bạn cảm thấy lẻ loi một mình vì họ phải tự nghĩ ra cách thức quan hệ, đôi bạn lẻ loi một mình vì họ phải tự tạo lập nền móng cho quan hệ của mình được bền vững, đôi bạn lẻ loi một mình vì họ phải tự sáng tạo ra kế hoạch sống tình yêu và tình chồng vợ. Đôi bạn lẻ loi một mình và trong nỗi cô đơn này mối bận tâm tập trung cho tương quan ấy cuối cùng có thể trở nên quá sức. Vì họ mong đợi gặt hái từ chính quan hệ đó tất cả những gì mà họ không thể có được từ đời sống xã hội về các mặt nhu cầu như tình cảm, tương giao, bộc lộ mình.

Tuy nhiên, hoàn cảnh cô độc đó có thể trở thành một cơ hội và là một thách thức đặc biệt cho cuộc sống của họ, một thời kỳ của ân sủng đặc biệt để được sáng tỏ thêm ý thức về thực tại nhân bản là chính đôi bạn và về ý nghĩa sâu xa của đôi bạn trong lịch sử cứu độ của dân Thiên Chúa.

3. Xung khắc là không thể tránh được trong lịch sử của mọi đôi bạn [2]

Quả thực đôi vợ chồng trẻ cảm thấy cô đơn, không thể đương đầu nổi với những hoàn cảnh khó khăn, những xung khắc, những căng thẳng lớn hay nhỏ. Nhưng trong mọi cuộc hành trình hôn nhân hầu hết đều không thể tránh khỏi những xung đột và căng thẳng. Chúng ta cần phải ý thức điều ấy với một thái độ bình thản.

Tình trạng thăng bằng ổn định là không bao giờ chắc chắn mãi mãi trong lịch sử của mọi cặp vợ chồng, đúng hơn đời hôn nhân là một thực tại liên tục đang thành (becoming), bởi lẽ luôn có những biến đổi bên trong lẫn bên ngoài phạm vi đôi vợ chồng làm cho tình trạng ấy không thể yên ổn và phải thay đổi, họ phải không ngừng tìm kiếm nhằm đạt tới được một đỉnh cao mới sao cho từ đó họ thấy được những không gian mới và chân trời mới. Đời hôn nhân là một cuộc lữ hành và một tiến trình, là chính cuộc sống của đôi bạn, là một cuộc xuất hành liên tục đi ra khỏi tình trạng cũ trước đó cũng như hiện giờ để mở ngỏ cho mọi cơ hội mới đang hình thành trong quan hệ với người khác và với những người khác. Đó là một tiến trình liên tục khám phá sự khác biệt của nhau đồng thời chấp nhận để tìm được một sự hài hòa gia đình, một giá trị lớn lao hơn vô hạn (differentiation-integration).

Không thể hình dung được một cuộc sống hôn nhân mà lại không có khủng hoảng, xung đột, hay căng thẳng. Đúng hơn, có khi chính sự thiếu vắng căng thẳng, chính sự yên ắng không sức sống, chính sự hòa bình không do xây dựng mà do chịu đựng là triệu chứng đáng lo ngại của một cuộc hôn nhân thực tế không được xây dựng hằng ngày bởi một dự phóng, mà từng ngày trôi qua trong quán tính và im lặng.

Xung đột, căng thẳng và khủng hoảng do đấy là không thể tránh khỏi, hay nói đúng hơn, là tất yếu. Dẫu thế, chúng có thể trở nên cơ hội quí báu để tái định hướng, lúc này hay lúc khác, cuộc hành trình của đôi bạn, miễn là, khi chúng xuất hiện người ta không nên chạy trốn hay né tránh nhưng cùng nhau đi xuyên qua bên trong, can đảm đối diện, để chuyển hóa từ chỗ chối bỏ hay giữ thinh lặng về sự kiện đó sang ý thức về những nguyên nhân đích thực của sự chia rẽ, của những bất ổn ngấm ngầm, những bực dọc và phiền muộn, để có thể tháo gỡ và vượt qua những khó khăn đó.

Có những giai đoạn của đời sống vợ chồng khi những xung đột xuất hiện rõ ràng hơn. Đời sống đôi bạn thường trải qua vài chặng đường như sau, đó là, lúc khởi đầu tạo lập đời sống hôn nhân gia đình, cử hành lễ hôn phối và tách ly khỏi gia đình cha mẹ, lúc sinh con cái, khi con đến tuổi vị thành niên, khi chúng sống tách rời xa cha mẹ, khi đến tuổi về hưu, bị bệnh tật, một trong hai người phối ngẫu qua đời. Những giai đoạn ấy là những thời gian mà người ta thấy rõ dễ xuất hiện nhất những bất hòa, những tình cảm xung khắc, những động lực tâm lý làm phai nhạt tình yêu, làm quan hệ vợ chồng bất ổn. Thực ra, hiểu theo cách nào đó, đó là những giai đoạn tiến hóa, nếu sống một cách tích cực và năng động, giúp đôi bạn thoát khỏi sự kềm chế của một giai đoạn ấu trĩ của quan hệ vợ chồng để đạt tới mức trưởng thành hơn.

Vạch ra những xung đột trong đời sống đôi bạn không chỉ là một dấu chỉ của tình yêu, mà còn là một hành động ngay thật. Hơn nữa, xung đột và căng thẳng cùng lắm không phải là triệu chứng của một hoàn cảnh thỏa hiệp, nhưng rất thường đó là một sự kiện thuộc sinh lý học có liên hệ tới sự tăng trưởng của đôi bạn, chứ không nhất thiết cứ phải là sự kiện bệnh lý dẫn đến chỗ khai tử đôi lứa.

Đời sống vợ chồng thực ra được xây dựng bởi một chuỗi những giai đoạn thường đánh dấu bởi những gãy vỡ, rách nát, khủng hoảng. Thực ra, cuộc sống hôn nhân một khi đã thành một công thức cũ kỹ, với những gặt hái ít nhiều đã mãn nguyện, cũng có thể một ngày giông bão bất chợt nào đó rơi vào khủng hoảng. Khi ấy có lẽ đôi bạn phải can đảm tái cấu trúc lại một trật tự, một công thức mới, ở một mức độ chín chắn hơn và toàn vẹn hơn.

Đôi vợ chồng lành mạnh, có sức sống và năng động, là đôi vợ chồng có khả năng làm lộ hiện ra những xung khắc và khủng hoảng ngầm, có khả năng xác định bản chất của chúng, trải qua những khó khăn đó và để mình được đổi mới. Ngược lại đôi vợ chồng sẽ lâm vào tình thế nghiêm trọng khi sống khép kín, ù lì, không có khả năng làm lộ hiện những xung khắc, không có khả năng làm chủ chúng, không có khả năng chấp nhận đối mặt với bối cảnh bên ngoài, nghĩa là không có khả năng đi qua và đi ra khỏi khủng hoảng mà được đổi mới [3].

Đi cho đến tận cùng có thể dẫn đến chỗ sáng sủa của ban ngày cũng như bóng tối của đêm đen. Trong trường hợp nào đi nữa điều quan trọng khi vượt qua khủng hoảng là ý thức về những thời gian xung đột, biết cách sống cũng như biết cách vượt qua những xung đột ấy [4].

------------------------------------
1 X. N. Luhmann, Amore come passione, Laterza, 1987.
2 E. SCHILLEBEECKX, Il matrimonio – realtà terrena e mistero di salvezza, Ed. Paoline, 1980, 27.
3 X. J. LEMARIE, Vita e morte della coppia, Citadella Editrice, 1981.
4 X. F. AQUILAR, La coppia in crisi. Istruzioni per l’uso, Cittadella, 1994; F. AQUILAR, La coppia in crescita, Cittadella, 1996; E. DREWERMANN, Psicanalisi e teologia morale, Queriniana, 1992.

Ban Mục vụ Gia đình TGP.TPHCM

Thứ Hai, 13 tháng 4, 2009

Ý Nghĩa Phục Sinh Theo Việt Đạo

Mầu nhiệm Phục Sinh là một tín điều mà Giáo Hội Công Giáo (GHCG) đã xây dựng Thiên Chúa Giáo trên nền tảng đó với Đức Tin từ trên 2000 năm nay. Để từ đó giảng dạy cho tín hữu khắp nơi ý nghĩa Phục Sinh là sự chết và sống lại của Chúa Kitô với mục đích chuộc tội và cứu rỗi nhân loại, dựa trên Phúc Âm và các thư của thánh Phaolô (Actes des Apôtres). Nên nếu ai tin vào việc Chúa Kitô chết và sống lại cho mình thì coi như sẽ được cứu rỗi và sẽ được sống lại với Chúa đời đời, như đã nói lên trong kinh Tin Kính (Credo).

Ở đây, tôi không có ý bàn luận về ý nghĩa Phục Sinh theo thần học dưới cái nhìn của GHCG coi Chúa Kitô là một Ngôi Vị thứ hai tức là (Đức Chúa) Con của (Đức Chúa) Cha xuống thế làm người để chịu khổ hình bị đóng đinh và bị chết trên thập tự, rồi sau ba ngày đã sống lại. Nhưng qua bài viết này tôi chỉ mạo muội góp một vài ý về nghĩa Phục Sinh dưới cái nhìn của Việt Đạo còn gọi là Việt Nho.

Với nền tảng của Việt Đạo theo nhân sinh và vũ trụ quan, con người là Một với Trời Đất Vũ Trụ Vạn Vật hữu hình và vô hình (thiên địa vũ trụ vạn vật nhất thể). Nhất Thể đó còn gọi là Tạo Hoá, là Thượng Đế, là Chúa, là Allah, là Chân Lý, là Ngọc Hoàng Vô Cực Đại Thiên Tôn hay bất cứ danh từ nào mà con người bất cứ ở đâu dùng để ám chỉ và tôn xưng Nhất Thể đó. Vì Nhất Thể là mọi vạn vật, mọi tính chất, mọi màu sắc, mọi trạng thái, mọi hình dáng, mọi mùi vị, mọi phương cách, mọi ngôi vị, mọi chủng tộc, v.v... Nên có thể nói Nhất Thể là cái khối vũ trụ Hữu hình lộ ra trước mắt, mà cũng là cái khối Vô hình con mắt chẳng thấy đâu, nghĩa là Không mà vừa là Có, là Ngôi vị và vừa không Ngôi vị như khi nói hai chữ Thiên Chúa thì Chúa là ngôi Vị và Thiên tức là không còn ngôi Vị. Đó là Nguyên Lý biến dịch và bất dịch của Càn Khôn, là quy luật tất yếu tiến hoá siêu việt tự nhiên mà dĩ nhiên mọi người bất cứ màu da chủng tộc nào cũng phải dựa vào (dĩ) tuân theo và đương nhiên là mọi người bất cứ ở đâu trên trái đất cũng đều có thể cảm nghiệm để chứng nghiệm, như ban ngày thì sáng ban đêm thì tối, nên đâu có cần phải tin hay phải chứng minh theo kiểu khoa học!

Chính vì là Nguyên Lý bất di bất dịch nghĩa là đúng tự nhiên ngay từ nguyên thủy thì dĩ nhiên đó là quy luật tất yếu của Càn Khôn thì đương nhiên (tất) là Đạo, là Chân Lý, là Thượng Đế, là Chúa Tể Càn Khôn, là Ngọc Hoàng Thượng Đế, là Ông Trời, v.v... chớ còn ai vô đây nữa!? Cho nên mình muốn kêu là Ông Trời hay Bà Trời hay Ông Chúa Bà Chúa thì cũng là Thiên Chúa với Ngôi Vị mà cũng không Ngôi Vị. Vì đó là tính chất của Chân Lý, của Thượng Đế, của Chúa Tể Càn Khôn,... vừa tất biến mà bất biến, vừa không mà có, vừa tròn mà vuông,... hay nói kiểu Việt Nho là "âm trung hữu dương căn, dương trung hữu âm căn". Hay nói tóm tắt như Kinh Dịch là "nhất âm nhất dương chi vị Đạo", với âm là Không và dương là Có hay âm là Vô vi còn dương là Hữu vi, hay âm là đêm và dương là ngày,... hay nói sao cũng được miễn là có cặp "âm dương" và sắp đúng vị trí "âm dương" như em trên anh dưới, vợ trước chồng sau, nhà trước nước sau,... thì mới đúng là Đạo! Vì tính chất của Đạo cũng là "thiên địa vị yên, vạn vật dục yên" nghĩa là Trời Đất có đặt đúng chỗ (thuận thiên) thì mọi vật mới được dưỡng nuôi, thì đó mới là Đạo, là Chân Lý.

Vì vậy quan niệm Thượng Đế hay Thiên Chúa với Việt Đạo hoàn toàn đúng nghĩa với những danh từ tiếng Việt như tiểu hồn, tiểu ngã hay tiểu linh quang là con người tức "nhân", và Đại Hồn, Đại Ngã hay Đại Linh Quang là Cha Trời tức Thiên cũng còn gọi là Tâm là Tính. Cho nên chỉ khi nào con người tiểu hồn trở thành Đại Hồn, Đại Ngã thì mới có Tâm Linh, tức là đã thành Nhân, thành Thánh, thành Thần thì mới là Linh! Vì vậy mà người mình hay nói thuộc lòng hay viết tự động những chữ như "thiên tính", "nhân tính", "đại ngã" hay "tâm linh",... mà không hề nghĩ thấu đó là chiều kích vô biên của nghĩa Đạo, là nghĩa Thượng Đế là Thiên Chúa ! Cho nên mình chỉ có quan niệm giới hạn theo đầu óc hẹp hòi của mình rồi đóng khung Thiên Chúa như "superman" nhập thể qua con người biết rao giảng Tin Mừng, làm nhiều phép lạ, rồi để bị bắt bị xử, bị vác thập tự, bị đóng đinh, bị chết trên thánh giá, để chuộc tội mình, để sau ba ngày sống lại rồi sau đó hiện ra với thánh nữ Madalêna, với các thánh tông đồ, và có lần hiện ra nói với thánh Tôma là: "... phúc cho ai không thấy mà tin" (Jn.20,29), để chứng minh Ngài là Chúa và để bảo mình tin vào Ngài để mai mốt mình chết rồi được sống lại như Chúa để sống với Chúa trên Thiên Đàng.

Hiểu như vậy là tại vì mình chưa có Minh Triết, để đừng nói là bị nhồi sọ, nên mình chưa hiểu nguyên lý Thái Cực phân định ra Lưỡng Nghi, có âm có dương, rồi phân tán ra vạn triệu, rồi vạn triệu quay về có Một, Một này lại sẽ tiếp tục phân chia ra mỗi sự, mỗi vật, một sứ mạng, một ý nghĩa, để tiếp tục liên kết biến hoá rồi tiến hoá quay về có Một, không bao giờ ngừng! Hay nói theo Việt Đạo "nhứt bản tán vạn thù, vạn thù quy nhứt bản", tức Thượng Đế nắm cả guồng máy âm dương của Càn Khôn. Thiên Chúa là âm, là dương, và không âm, không dương cùng một lúc, là ngôi Vị và không ngôi Vị cùng một lúc. Hiểu được như vậy mới gọi là Minh Triết, vì Minh Triết là sự hiểu biết thông suốt thấu triệt, không bị hạn hẹp bởi một điều gì! Như "ba" ngày sau sống lại đó là ý nghĩa "Ba Ngôi", là Thái Cực với Lưỡng Nghi tức "Tam Tài" là nghĩa "Thiên-Nhân-Địa" mà cũng là ý nghĩa Nhân Chủ vì con người đã Tự mình biết (tri) nối lại (hành) được hai cực Âm với Dương, Trời với Đất, Tròn với Vuông, Tiên với Rồng, Thủy với Hoả, Không với Có, Chân với Giả, Sống với Chết, v.v... để Dung, để Hoà, để Thành Nhân.

Cho nên với Minh Triết, cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô cũng nói lên ý nghĩa (tôn giáo) con người giống như Chúa tức vừa là người vừa là Chúa, nên từ đó tiếng Việt mới nói con người có Nhân Tính, vì Nhân là người và Tính là Trời, như sách Trung Dung có câu: "Thiên Mệnh chi vị Tính" dịch nghĩa "mệnh Trời là Tính". Hay nói cách khác Nhân Tính tức là Tính Bản Nhiên của Trời nơi con người mà Việt Nho đã định nghĩa con người là "giao chỉ" của đức Trời và Đất: "nhân giả kỳ thiên địa chi đức". Như đã nói Âm Dương bao hàm Trời Đất, thiên hạ, nội ngoại, Không Có, hư Vô diệu Hữu, thiện ác, thanh trược, động tĩnh, v.v... đó là Tính bất di bất dịch của quy luật tất yếu tiến hoá và siêu việt của Càn Khôn, của Thiên Chúa mà con người được tạo thành bởi Thiên Tính đó. Hay còn có thể nói con người với Càn Khôn Vũ Trụ là một cơ thể mà con người chính là trái tim: "nhân giả kỳ vũ trụ chi tâm dã".

"Quả thật đó là một thuyết vũ trụ tạo thành đầy lương tri với tính chất nhân chủ: con người tự "xếp đặt" vũ trụ để dành cho mình một chỗ đứng quan trọng. Xa biết bao với vũ trụ tiền chế ngoài quyền lực con người theo kiểu thần thoại, thiếu sự tham dự của con người (thiên khởi), cũng không còn là một vũ trụ quan suy diễn từ một số yếu tính đời đời bất biến (địa khởi) nhưng là một quan niệm nhân sinh thuận lợi cho cuộc sống của con người trong đó con người giữ vai trò then chốt quen gọi là "vũ trụ chi tâm" (trái tim của vũ trụ). Và đó là điểm then chốt trong Nhân Chủ, và cũng là điểm đã bị quên lãng, nên gọi là vong thân. Khi nói vong thân là nói vong đi, quên mất, đánh mất chiều kích bao la nọ. Nói "vũ trụ chi tâm" thì nghe có vẻ vu khoát. Con người bé nhỏ làm sao dám tự phụ có chiều kích vũ trụ. Đây là điều mới nghe có vẻ nghịch lý, cùng lắm là một lối nói khoa đại của văn chương. Sự thật lại không phải văn chương mà là một sự thực cao cả hơn hết, quan trọng hơn hết mà triết học trung thực có sứ mạng phải làm cho con người nhận thức ra chiều kích vô biên đó cũng như nuôi dưỡng cho chiều kích đó lớn lên mãi, lớn tới cái mức của vũ trụ. Lúc ấy mới là Người lưỡng thê có hai đời sống: một cuộc sống tiểu ngã ai cũng thấy cũng lo, còn một cuộc sống nữa thuộc Đại ngã còn cần phải nuôi dưỡng hơn. Đó mới là việc tối hệ trọng vì khi thành công trong việc lớn này thì việc nuôi dưỡng đời sống tiểu ngã sẽ trở nên dung dị như một hoa trái tất nhiên sẽ nẩy ra từ cái gốc Đại ngã kia." (Nhân Chủ, Kim-Định)

Vì vậy, ý nghĩa Phục Sinh dưới cái nhìn Minh Triết của Việt Đạo nói lên bản chất Thiên tính nơi Nhân tính con người, đó là bản chất Thiên Chúa, bản chất Thượng Đế mà con người phải sống quy về (nội tâm) để trở về với chính mình, để được biết thật chiều kích vô biên của Thượng Đế nơi mình hầu thưởng thức với Thượng Đế Hạnh Phúc vĩnh cửu. Cho nên muốn sống cái Nhân Tính đó thì phải biết Phục Sinh tức là phải biết làm cho tâm mình trống rỗng như Trống Đồng, như cái mộ trống của Chúa (với khăn liệm đã xếp lại) là ý nghĩa "lắng đọng" của tâm hồn không còn vướng víu bất cứ gì, tức là phải thực hiện "tứ vô" như Khổng Tử, nghĩa là:

- Vô ý: không bám vào ý niệm kiểu duy lý hay ý thức hệ.
- Vô tất: không bám vào tất định kiểu tất mệnh hay những điều tất nhiên kiểu bằng chứng khoa học.
- Vô cố: không cố chấp nhưng theo thuyết tuỳ thời.
- Vô ngã: không bám vào tiểu ngã, ích kỷ, hẹp hòi,... nhưng ráng vươn lên Đại Ngã Tâm Linh.

Như vậy mới có thể thông giao hoà hợp để là Một với Chúa, là Thượng Đế, là Đại Ngã Tâm Linh. Đó mới là ý nghĩa thành Nhân, thành Thánh: "thành giả thánh dã". Vì Thánh Nhân chính là người đã hiện thực được đầy đủ Nhân Tính. Mà Nhân Tính đích thực thì cao cả vô cùng, cho nên Việt Nho nói thêm là "chí thành như thần".

Tóm lại, cái chết và sự sống lại của Chúa chính là ý nghĩa tiến hoá siêu việt giữa hai trạng thái Hữu vi và Vô vi theo Chân Lý Hằng Hữu là Nhất Thể, là MỘT quy luật bất di bất dịch của Càn Khôn. Nên cái chết và sự sống lại của Chúa cũng là ý nghĩa cho cái chết và sự sống lại của con người, là ý nghĩa tiếp tục tiến hoá để trở về với chính mình, tức là trở về với bản Tính Thiên Chúa nơi mình, để sống làm Một với Chúa và như Chúa là Thượng Đế, là Chân Lý. Vì "Chơn Lý là cái khối tròn vô biên, đời đời xoay quanh Nó, luôn luôn tự nhìn Nó, tự sống với Nó, tự học hỏi Nó, tự lo tìm thấy biết Nó đời đời, để đời đời không bao giờ Nó tự đánh mất Nó" (KTC). Đó là ý nghĩa Phục Sinh dưới cái nhìn Việt Đạo.

Viết xong, ngày 10 tháng 4 năm 2009.
(tức 15 tháng 3 năm Kỷ Sửu)
Nguyễn Sơn HàNguồn : www.dunglac.org

Thứ Ba, 7 tháng 4, 2009

Giỗ Nguyễn Tộc (3)

Hậu duệ Bà Nghĩa - Ông Viên

Hậu duệ Ông Quy - Bà Nhạn

Hậu duệ Ông Trang - Bà Trước

Hậu duệ Ông Nghiêm - Bà Phố

Hậu duệ Bà Nghị - Ông Liệu

Hậu duệ Bà Tri - Ông Đức
và hậu duệ Bà Ý - Ông Phán

Hậu duệ Ông Chỉ - Bà Tửu
(Bà Tửu là người đứng ở giữa)


ĐẠI DIỆN CÁC VÙNG:

Bà Rịa - Vũng Tàu:
Hoàng Ngọc Thuần - 0962.500.563

Suối Nghệ:
Nguyễn Văn Dũng - 0933.755.145

Quảng Thuận:
Hoàng Mỹ Ái - 0683.850.078

Đà Lạt:
Nguyễn Kim Phụng - 0633.532.999

Quảng Biên:
Nguyễn Văn Tích - 0613.866.343

Long Khánh:
Hoàng Cảnh - 0613.756.688

Sài Gòn:
Nguyễn Văn Thông - 0902.728.016

***

Giỗ Nguyễn Tộc (2)


Kính thưa quý bà con nội ngoại,

Thật là một niềm hạnh phúc lớn lao khôn tả khi được nhìn thấy sự hiện diện đông đủ của quý bà con trong ngày lễ giỗ hôm nay. Chúng tôi rất xúc động và cảm kích trước tấm lòng hướng về cội nguồn, yêu kính tổ tiên của qúy bà con trong dòng họ chúng ta.

Sau bao nhiêu năm lưu lạc, phân tán, quý bà con vẫn còn canh cánh trong lòng nỗi ưu tư về sự hưng thịnh của dòng họ mà tổ tiên của chúng ta đã dày công vun trồng. Truyền thống người Việt Nam lấy chữ hiếu làm thước đo phẩm chất con người. Bởi vì có hiếu với ông bà, cha mẹ thì mới biết cư xử tốt đối với người, đối với đời.

Người công giáo xem việc thảo hiếu với tổ tiên, ông bà, cha mẹ là bổn phận hàng đầu trong các bổn phận làm người ( điều răn thứ tư ).

Khi tỏ lòng kính nhớ tổ tiên, chúng ta đã tạo lập được sự hiệp thông giữa các thế hệ đã khuất với con cháu ngày hôm nay, đồng thời chúng ta ý thức được chúng ta có cội nguồn và những gì chúng ta thừa hưởng hôm nay là do công đức, phước hạnh của ông bà để lại cho chúng ta. Vậy chúng ta phải có bổn phận duy trì và phát huy các giá trị tinh thần truyền thống đó.

Ngày hôm nay, dù vẫn còn rất nhiều khó khăn trong cuộc mưu sinh, nhưng bà con đã hy sinh, không quản ngại đường sá xa xôi, tụ họp trong ngôi thánh đường này để cùng một lòng kính dâng lên anh linh các bậc tổ tiên lòng hiếu thảo và niềm tự hào được là con cháu của các ngài, là lớp thừa kế công đức của các ngài. Chúng ta tâm nguyện sẽ cố gắng duy trì và phát huy nề nếp gia phong các ngài để lại cho chúng ta để chấn hưng tình yêu thương gia tộc mà thời gian qua vì hoàn cảnh xã hội đã bị xao lãng phần nào.

Qua lần đoàn tụ đầu tiên này, chúng tôi rất mong muốn qúy bà con duy trì bầu không khí thân thương đượm thắm tình yêu này để vun trồng sợi dây tương ái bền chặt trong dòng họ chúng ta.

Xin thành thật cám ơn qúy bà con và xin gửi đến qúy bà con vì trở ngại không có mặt ngày hôm nay lời chúc an bình và vạn hạnh trong hồng ân của Thiên Chúa.


Xin trân trọng kính chào.
TM.BTC
Nguyễn Văn Thông

Thứ Hai, 6 tháng 4, 2009

Giỗ Nguyễn Tộc - 04.04.2009

Thánh lễ giỗ tộc được cử hành
tại nhà thờ Thánh Giuse, An Bình, Quận 5, Sài Gòn
Đáp lại lời mời trong thư ngỏ của Ban Tổ Chức, từ 9 giờ sáng ngày 04.04.2009, bà con nội ngoại thuộc Nguyễn Tộc - An Du Bắc từ các vùng Đà Lạt, Quảng Thuận, Suối Nghệ, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long Khánh, Quảng Biên và Sài Gòn đã quy tụ về nhà thờ Thánh Giuse Thợ, An Bình, Quận 5, Sài Gòn để tham dự ngày Giỗ Tộc được tổ chức lần đầu tiên sau ngày xa cách quê hương Vĩnh Linh yêu dấu.
Vào khoảng 10 giờ, linh mục chánh xứ cùng với trên 100 con cháu hậu duệ Nguyễn Tộc - An Du Bắc đã dâng thánh lễ cầu nguyện cho ông bà tổ tiên và con cháu trong dòng tộc.
Sau thánh lễ là phần niệm hương trước di ảnh cụ tổ Nguyễn Đăng.
Tiếp đến là bữa cơm thân mật tại hội trường của giáo xứ, với sự hiện diện rất ưu ái của linh mục chánh xứ.
Khoảng 14 giờ, mọi người chia tay trong tâm tình quyến luyến, tay nắm chặt tay bước đi không rời. Hẹn ngày hội ngộ tại Vũng Tàu vào Lễ Giỗ năm tới.
Xin bấm vào đây để xem hình ảnh chi tiết về thánh lễ và bữa ăn thân mật: http://picasaweb.google.com/tramtinhnguyen/GioToNguyenTocAnDuBac2009#

Thứ Năm, 2 tháng 4, 2009

Đường Thánh Giá 2009

ĐƯỜNG THÁNH GIÁ NĂM GIÁO DỤC GIA ĐÌNH 2009
Mở đầu:
Lạy Chúa, Chúa đã phán: Ai muốn theo Ta, phải vác Thập giá hằng ngày mà theo Ta. Xin cho chúng con biết mến yêu thập giá mà Chúa gửi đến trong cuộc sống. Xin giúp chúng con sống cuộc đời mới khi theo chân Chúa trên đường khổ nạn này. Xin Chúa dạy chúng con biết rằng: đường đau khổ là đường đưa tới vinh quang, và triều thiên thiên quốc chỉ dành cho những ai một đời biết hy sinh phục vụ tha nhân.

Nơi thứ 1: Chúa Giêsu nhận bản án bất công
Kinh Thánh: Philatô nói với họ: “Ta không thấy nơi người này có tội chi cả !” Đoạn Chúa Giêsu đi ra đầu đội mão gai và mặc áo đỏ, Philatô nói: “Này là người”. ( Ga 19, 4 – 5 )
Suy niệm: Vì tình yêu mà Chúa Giêsu đã nhập thể làm người. Ngài đi vào cuộc đời để cứu chuộc loài người. Hòa nhập vào dòng đời để thánh hóa nhân sinh. Thế mà, thế gian đã không tiếp đón Ngài, lại còn toa rập với nhau để loại trừ Thiên Chúa bằng thủ đoạn bỏ vạ cáo gian. Từ chối Thiên Chúa sẽ dẫn đến từ chối anh em. Bản án bỏ vạ, cáo gian vẫn tiếp diễn nơi gia đình, nơi thôn xóm. Nước mắt của oan ức, thất vọng vẫn tuôn rơi. Kiếp sống nhân sinh vẫn đong đầy bi thương của bất công và thù hận.

Lạy Chúa, xin chia sẻ cho chúng con lòng nhẫn nhục, chịu đựng hy sinh, không phàn nàn trách oán ai. Xin cho chúng con biết thông cảm với anh chị em đang chịu thử thách của bệnh tật, thất bại, bỏ rơi. Chúng con xin dâng lên Chúa nước mắt của đau khổ như là những của lễ Abel, mong đền đáp tình Chúa yêu thương chúng con. Amen.

Nơi thứ 2: Chúa Giêsu vác Thánh Giá
Kinh Thánh: “Thế rồi họ bắt Chúa Giêsu vác Thánh Giá và đi tới nơi gọi là Núi Sọ, tiếng Hípri gọi là Golgotha” ( Ga 19, 17 ).
Suy niệm: Món quà trả ơn mà thế gian đã dành cho Chúa Giêsu là vòng gai phủ kín trên đầu. Món quà trả nghĩa mà con người đã trao tặng cho ngài là cây thập giá. Con người đã đặt lên vai Ngài gánh nặng của sự vô ơn, bất nhân, bất nghĩa. Và cho đến hôm nay, cứ mỗi lần chúng ta lấy ơn báo oán, bất tín bất trung, là một lần chúng ta đang xiết thêm vòng gai đau khổ cho chính Thiên Chúa. Cứ mỗi lần chúng ta thờ ơ, trốn lánh trách nhiệm với gia đình thì một lần nữa, chúng ta lại chất lên vai Ngài một thập giá nặng nề hơn. Cuộc đời vốn là bể khổ nhưng con người vẫn cố tình chồng chất nỗi khổ lên nhau. Chà đạp lên cuộc đời nhau thay cho sự đón nhận nhau trong yêu thương tha thứ. Sống với nhau nhưng lại làm khổ nhau nhiều hơn là xây dựng hạnh phúc cho nhau.

Lạy Chúa xin hãy thứ tha những lầm lỗi của chúng con.
Biết bao lần chúng con đã sống vô ơn, bất trung và bất hiếu với cha mẹ, anh em và bạn bè. Xin giúp chúng con đừng bao giờ trở thành gánh nặng cho gia đình, nhưng luôn biết sống có trách nhiệm để chia sẻ gánh nặng cho gia đình của chúng con. Amen.

Nơi thứ 3: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ nhất
Kinh Thánh: Ngôn Sứ Isaia viết: “Người bị đâm thâu cạnh sườn vì lỗi lầm của chúng ta, bị nghiền nát vì tội ta. Người mang lấy hình phạt thay ta, để ta được an bình, và nhờ vào thương tích của Người mà chúng ta được chữa lành” ( Is, 52, 5 ).
Suy niệm: Ngã là dấu hiệu của sự yếu đuối mong manh. Chúa Giêsu ngã xuống đất để hòa mình trong khối đông nhân loại và dìm mình trong cát bụi cuộc đời. Ôi tình yêu và hy sinh ! Yêu là bằng lòng đánh mất chính mình. Tình yêu đích thực mang hương vị của sự chết, sự từ bỏ quên mình. Bằng lòng quên mình cho kẻ khác được an vui hạnh phúc là quy luật của mọi tình yêu.

Lạy Chúa, xin hãy nâng đỡ xác thân yếu hèn của chúng con. Xin ban cho chúng con sự can đảm để biết chấp nhận những khổ đau trong cuộc sống. Xin ban cho chúng con sức mạnh để sẵn sàng hy sinh, tận tụy trong bổn phận gia đình. Xin cho chúng con luôn nhớ rằng: “Bông hồng nào mà không có gai nhưng trong bụi gai vẫn có hoa hồng”. Cuộc đời nào cũng có thập giá nhưng thập giá sẽ biến thành niềm vui khi biết đón nhận trong yêu mến và hiến dâng.

Nơi thứ 4: Chúa Giêsu gặp Đức Mẹ
Kinh Thánh: “Này tôi là tôi tới Chúa, tôi xin vâng như lời thiên sứ truyền” ( Lc 1, 38 ).
Suy niệm: Từ ngày truyền Tin, từ khi thưa Vâng ( Fiat ) cho đến lúc đứng dưới chân Thập Giá, cuộc hành trình đức tin của Mẹ đã trải qua nhiều chặng, nhiều khúc, nhiều tình tiết, nhiều thử thách, đau khổ mà không phải lúc nào Mẹ cũng hiểu rõ thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa. Mẹ vẫn lặng thinh trước mọi biến cố xảy ra. Sự thinh lặng của mẹ nói lên sự hiệp thông sâu xa với sứ mệnh của con yêu quý. Mẹ theo sát Chúa trên đường Thánh Giá như hòa nhịp với đau khổ và hiệp thông cứu độ trần gian.

Ngày nay, tấm lòng của mẹ vẫn còn bị lưỡi gươm đâm thâu vì các con Mẹ đang hành hạ lẫn nhau. Vợ chồng kết án nhau. Anh em thù hận nhau. Cha mẹ từ chối con cái. Con cái chống lại cha mẹ. Bi kịch của đường Thánh Giá năm xưa như vẫn tái diễn trong cuộc sống hôm nay. Ánh mắt mẹ vẫn rơi lệ vì tội lỗi nhân sinh. Mẹ nhìn nhân loại hôm nay không phải để cảm thông, nhưng để xót xa vì tội lỗi con người sẽ đưa đến án họa trầm luân mai sau.

Lạy Mẹ Maria, cuộc đời có mưa có nắng. Kiếp sống con người có vui, có khổ, có khóc, có cười. Vui buồn tựa như mưa nắng vẫn rơi trong lòng của cả một kiếp người. Mẹ là Mẹ Thiên Chúa vẫn phải trải qua những thăng trầm của cuộc đời. Mưa nắng cuộc đời Mẹ đã đi qua, Mẹ đã cảm nếm, và Mẹ nêu gương cho chúng con khi biết vâng lời chịu đựng. Cuộc đời chúng con dẫu có những lo toan vất vả, những ưu tư trăn trở, xin Mẹ giúp chúng con can đảm vượt qua. Amen.

Nơi thứ 5: Ông Simon vác đỡ Thánh Giá Chúa
Kinh Thánh: “Khi họ đang dẫn Ngài đi đường vác Thánh Giá, họ bắt một người có tên là Simon thành Kyrênê, đến từ miền quê, vác đỡ Thánh Giá Chúa Giêsu. Có đám dân chúng cũng đi theo Người.”
Suy niệm: Vì lòng xót thương giữa người với người, ông Simong đã chia sẻ nỗi khổ đau cùng Chúa Giêsu. Giúp Chúa vác cây thập giá là một hành động bác ái cao cả; đó cũng là một tình yêu cao đẹp giữa người với người. Thánh Augustino đã nói: “Hãy tôn kính Thiên Chúa trong tha nhân”. Có lòng tôn kính, người ta với dám thi thố tình thương bác ái cho nhau. Có nhận ra tha nhân là hình ảnh Thiên Chúa, người ta mới kính trọng và hy sinh cho nhau. Chấp nhận một hy sinh để mong hữu ích cho tha nhân, đó là cách thí mạng mình vì hạnh phúc anh em.

Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết mang lấy gánh nặng của gia đình. Kính trọng tha nhân trong tinh thần tương thân tương ái. Xin giúp chúng con luôn sẵn sàng đáp trả mọi lời kêu xin, luôn đoán trước điều họ muốn xin. Ước gì chúng con luôn bé nhỏ, tỉnh thức, sẵn sàng để phụng sự Chúa khởi đi từ gia đình chúng con.

Nơi thứ 6: Bà Verônica lau mặt Chúa
Kinh Thánh: Chúa Giêsu đã nói: “Thật Thầy bảo cho các con, mỗi khi các con làm những việc lành cho một trong những người bé mọn nhất là làm cho chính Thầy vậy” ( Theo Mt 25, 40 ).
Suy niệm: Đời người cho dẫu gặp nhiều thử thách, đau khổ hay thất bại, họ vẫn cảm thấy hạnh phúc khi được an ủi. Cái đau khổ tột cùng của con người là không tìm được sự nâng đỡ, khích lệ. Nỗi thất bại chua cay nhất của con người là chính sự thờ ơ, bị bỏ rơi mà không ai cứu giúp. Sự thử thách cay nghiệt nhất của con người là bị bạn bè, thân hữu loại trừ. Con người chỉ tìm được niềm vui khi nhận được tình thương. Đồng thời khi trao tặng tha nhân những những nghĩa cử cao đẹp, cuộc đời mới đáng yêu và đáng sống. Bà Vêrônica đã tìm được hạnh phúc khi bà đến lau mồ hôi và máu trên khuôn mặt Chúa. Sự an ủi và hành động yêu thương của bà là hồng phúc mà Thiên Chúa đã tặng riêng cho bà.

Lạy Chúa xin cho chúng con nhớ rằng: cứ mỗi lần chúng con đến viếng thăm những gia đình tan nát, cứ mỗi lần chúng con trao tặng người khác một nụ cười tươi, và cứ mỗi lần chúng con nhìn kẻ thù với một ánh mắt cảm thông nguyện cầu, đó là những lần chúng con đã lau những giọt nước mắt trên gương mặt của Ngài.

Nơi thứ 7: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ hai
Kinh Thánh: Ngôn Sứ Isaia có lời rằng: “Người bị khinh khi và ruồng bỏ, một người nặng trĩu buồn sầu và quen thuộc với những đớn đau; chính Người bị khinh khi và chúng ta không đếm xỉa gì tới” ( Is 53, 3 – 4 ).
Suy niệm: Ngôi Hai Thiên Chúa đã có thể làm cho kẻ chết sống lại, mở mắt cho kẻ mù bẩm sinh. Một vì Thiên Chúa đầy uy nghiêm đến nỗi sóng biển phải thôi thét gào, quỷ dữ phải tháo lui, mà giờ này phải ngã gục trước sức mạnh của cây thập giá. Một vì Thiên Chúa đã đi sâu vào giữa lòng nhân loại tội lỗi để giao hòa con người với Thiên Chúa. Một vì Thiên Chúa mang thân phận phàm nhân để đền tội thay lỗi lầm nhân sinh.

Lạy Chúa Giêsu, cứ ngã là đau, nhưng sa ngã tâm hồn làm đau lòng Chúa hơn. Có những cám dỗ mời mọc chúng con vào đường xấu. Bản tính tự nhiên đầy yếu đuối và nhiều trì trệ, gia đình chúng con còn nặng bầu khí hỏa ngục, đánh nhau, oán hờn, bất hòa làm mất vẻ đẹp hiệp nhất của Giáo hội, nhưng dõi bước theo Chúa, chúng con quyết trỗi dậy và canh tân đổi mới cuộc sống.

Nơi thứ 8: Chúa Giêsu gặp phụ nữ thành Giêrusalem

Kinh Thánh: “Khi thấy dân chúng theo Chúa, và có nhiều phụ nữ khóc thương Chúa. Chúa quay lại nói với họ rằng: hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc cho Ta, hãy khóc cho phận mình và con cháu chị em” ( Lc 22, 28 ).
Suy niệm: Đức Piô XII đã gọi các bà mẹ là người canh giữ hòa bình. Chính trái tim nhân hậu của mẹ sẽ tạo cho con tình yêu đối với đồng loại. Tình mẫu tử dịu hiền của người mẹ tựa dòng sông thanh bình. Uốn quanh đời con và chảy dài suốt dọc dài cuộc đời của con. Cuộc sống êm đềm hạnh phúc bên lòng mẹ sẽ đưa con vào những giấc mơ thần tiên, một cõi thiên thai thanh bình, không có oán hờn, gian dối, bất công và hận thù. Thế nhưng, nhiều người mẹ đã đánh mất giấc mơ thần tiên nơi con trẻ. Họ quên rằng con cái cần tình thương và sự chăm sóc hơn cần cơm áo, gạo tiền. Họ đánh mất cơ hội cho con tình thương của biển thái bình.

Lạy Chúa, xin cho các bà mẹ luôn biết từ bỏ ý riêng mình mà đặt ý hướng vào đứa con. Biết thực thi đức tính anh hùng, dũng cảm, thinh lặng, ít nói, đơn giản, bình thường mà không tầm thường. Ngày nào cũng giống ngày nào mà không đơn điệu nhàm chán, nhưng luôn nhận ra niềm vui qua việc hy sinh vì lợi ích của con.

Nơi thứ 9: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ ba
Kinh Thánh: Thánh Vịnh có lời rằng: “Lạy Chúa xin cứu tôi, nước đã ngập tới cổ tôi, tôi đang chìm xuống sình lầy, không còn chỗ bám víu; Tiếng tôi kêu cứu đã lịm đi, cổ tôi đã khàn, mắt tôi mờ, chỉ còn trông chờ vào Thiên Chúa.”

Suy niệm: Càng leo lên đỉnh đồi Canvê, sức lực của Chúa Giêsu càng trở nên yếu đuối. Ngài té xuống đất là để ôm ấp những con người yếu hèn. Ngài cúi xuống để nâng dậy những ai khiêm nhu hèn mọn. Cuộc đời hôm nay vẫn còn đó những con người đang chìm ngập trong thất bại, trong tủi nhục đắng cay. Họ đang cần một chút tình thương, một sự cảm thông, nâng đỡ. Nếu từng bàn tay nắm bàn tay để dìu nhau đi tới, đường đời sẽ không còn khó khăn. Nếu từng trái tim biết rung cảm trước nỗi khổ của nhau, thế giới sẽ không còn tiếng khóc than của cô đơn, thất vọng.

Lạy Chúa, mỗi người chúng con ai cũng có một gánh nặng, một thập giá trong đời. Thập giá trong bổn phận hằng ngày. Thập giá trong tương quan với đồng loại. Thập giá trong chính bản tính yếu đuối của con. Thập giá quá nặng khiến con muốn bỏ mặc buông xuôi. Xin giúp chúng con biết mang lấy gánh nặng của nhau, biết chia sẻ, cảm thông với nỗi đau của tha nhân. Và xin giúp con can đảm vác Thánh Giá đời mình trong trung tín và sắt son.

Nơi thứ 10: Quân Dữ Lột áo Chúa Giêsu
Kinh Thánh: “Khi đến nơi gọi là Núi Sọ, rồi họ rút thăm mà chia nhau áo người” ( Lc 23, 34 ). Như thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh: “Áo khoác chúng đem chia chác, còn áo trong chúng cũng bắt thăm luôn” ( Tv 21, 19 )

Suy niệm: Con người cần đến quần áo để che thân như cần cơm bánh để sống. Bị tước hết manh áo cuối cùng cũng đồng nghĩa với sự tước bỏ phẩm giá của một con người. Sự trần trụi là một sỉ nhục đắng cay hơn mọi sự nhục mạ khác. Với dã tâm nham hiểm, con người đã nghĩ ra nhiều trò hiểm độc để làm hại cuộc đời nhau. Bôi nhọ thanh danh. Đánh mất danh dự, nhân phẩm của đồng loại đã đẩy con người xuống hố sâu của vực thẳm đố kỵ, hờn căm. Vì danh lợi thú mà người ta dễ dàng chà đạp lên nhân phẩm của nhau, và có khi tự bán rẻ lương tâm mình. Con người trở nên trơ trẽn vì những đam mê bất chính, những ước muốn tội lỗi và trụy lạc.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết yêu thương và tôn trọng mọi người. Xin giúp chúng con biết gìn giữ vẻ đẹp của thân xác là đền thờ của Chúa Thánh Thần. Xin loại trừ trong chúng con mọi điều bất chính có thể gây tổn hại đến danh dự, nhân phẩm của tha nhân. Xin đừng để chúng con làm ô nhục danh thánh Chúa vì cuộc sống đam mê thấp hèn của con.

Nơi thứ 11: Chúa Giêsu bị đóng đinh vào thập giá

Kinh Thánh: “Khi tới nơi gọi là Núi Sọ, chúng đóng đinh Người vào thập giá và cũng đóng đinh hai tội nhân khác, một bên trái, một kẻ bên phải của Người. Chúa Giêsu nói: Lạy Cha, xin hãy tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”.
Suy niệm: Baraba là một tử tội. Anh đã bị lãnh án tử hình vì tội danh giết người, cướp của. Thế mà định mệnh đã đổi thay. Anh bỗng được tha thứ. Vì có một người đã chết thay cho anh. Người đó là Giêsu Nagiaret. Một con người anh không hề quen biết. Một người đức cao quyền trọng mà cả đời anh cũng không dám một lần bắt tay. Tại sao Ngài lại bằng lòng chết thay cho anh ? Có lẽ anh cũng không hiểu tại sao ? Và cả chúng ta cũng chẳng bao giờ hiểu được hy tế đồi Canvê ?

Lạy Chúa, xin cho chúng con học nơi Chúa sự hy sinh quên mình vì hạnh phúc tha nhân. Xin cho từng thành viên trong gia đình chúng con biết từ bỏ ý riêng mình, từ bỏ sự ích kỷ mà hướng lòng đến nhu cầu của gia đình. Mỗi lần chúng con biết hy sinh cho nhau, nhường nhịn nhau, tha thứ cho nhau là một lần con bằng lòng quên đi chính mình để đem lại hạnh phúc cho gia đình chúng con. Ước gì chúng con biết khám phá niềm vui trong phục vụ mọi người, hầu được trở nên mọi sự cho mọi người.

Nơi thứ 12: Chúa Giêsu chết trên Thánh Giá

Kinh Thánh: “Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. Nhắp xong, Đức Giêsu nói: Thế là đã hoàn tất” ( Ga 19, 29 – 30 ).
Suy niệm: Một Đavít mới đã trỗi dậy để hạ sát tên khổng lồ Gôliat, là quyền lực của sự chết. Không phải bằng 5 viên sỏi đá, nhưng bằng 5 thương tích nơi tay chân và cạnh nương long. Một chồi non đã nảy lộc từ gốc Giexê. Từ cây thập giá hoa cứu đổ đã nảy sinh. Giòng nước tái sinh đã tuôn chảy từ cạnh sườn của Chúa Giêsu, đổ tràn lan tới muôn thế hệ. Thế là bao nhiêu lời Ngôn Sứ đã được thực hiện. Sứ mệnh cứu độ đã hoàn tất. Sau 7 lời trăn trối, Chúa Giêsu trút hơi thở cuối cùng.

Lạy Chúa, Chúa đã cảm nghiệm cái chết cô độc như bị ruồng bỏ tất cả, kể cả Thiên Chúa Cha, nhưng Chúa đã thực thi tới cùng. Xin đừng để chúng con rơi vào tuyệt vọng, nhưng luôn tín thác vào sự quan phòng của Chúa. Xin dạy cho chúng con luôn biết ngước nhìn lên trời cao để thấy một khung trời xanh tươi, một không gian diệu vời và một tình yêu bao la của Thiên Chúa. Xin cho chúng con luôn biết ước mơ về Thiên đàng, để chúng con sống một cuộc đời hy sinh và sẵn sàng cho đi tình yêu, kể cả mạng sống, vì chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.

Nơi thứ 13: Tháo xác Chúa xuống và đưa vào tay Mẹ

Kinh Thánh: “Họ đã đánh dập ống chân của cả hai người cùng bị đóng đinh với Chúa. Nhưng khi tới Chúa Giêsu thì họ thấy Người đã chết rồi, nên thay vì đánh dập ống chân Chúa, một tên lính lấy đòng đâm cạnh sườn Người, lập tức máu cùng nước chảy ra” ( Ga 19, 31 – 34 ).
Suy niệm: Còn đâu bóng hình trẻ hài nhi mũm mĩm nhoẻn cười nơi máng cỏ Bêlem. Còn đâu nét uy hùng khi chiến thắng tử thần và buộc sóng gió im lặng. Nay chỉ còn là tấm thân rách nát được đặt vào tay Mẹ Maria. Giờ đây, bàn tay từ ái của Mẹ một lần nữa lại giơ ra để đón nhận thân xác tả tơi của con yêu quý. Mẹ ôm vào lòng như muốn nói lên sự hiệp thông sâu xa trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Lạy Mẹ Maria, xin cám ơn mẹ vì mẫu gương cản đảm và tin tưởng của Mẹ. Nhờ vậy mà Mẹ đã vượt qua đỉnh đồi thương đau. Cám ơn Mẹ vì mẹ đã chẳng hề ghét bỏ những kẻ cư xử quá tệ với con yêu dấu của Mẹ. Xin giúp chúng con khi gặp đau khổ thử thách biết vững lòng cậy trông vào quyền năng Chúa, và xin cho chúng con biết liên đới đau khổ của mình với đau khổ của Chúa và mẹ để sinh ích cho các linh hồn.

Nơi thứ 14: Táng xác Chúa Giêsu trong mồ

Kinh Thánh: “Tại nơi đóng đinh có một thửa vườn, trong vườn này có một ngôi mộ chưa có chôn ai. Vì là ngày lễ nghỉ của người Do Thái, và vì ngôi mộ gần kề nên họ đã đặt xác Chúa Giêsu tại ngôi mộ này” ( Ga 19, 41 – 42 ).
Suy niệm: Mọi sự đã xong. Đức Kitô đã được đặt trong mồ. Một tảng đá lớn lấp cửa huyệt. Sự sống như dừng bước trước nấm mồ và cửa mồ. Loài người thinh lặng và Thiên Chúa cũng thinh lặng. Tinh thần đi vào đêm đen và niềm tin cũng bước vào đêm tối. Nhưng giữa lúc thinh lặng đó, Thiên Chúa đã trấn an Maria “Thầy đây đừng sợ, vì Thầy đã chỗi dậy từ cõi chết”. Giữa đêm tối hãi hùng đó, Thiên Chúa đã chiếu dọi ánh sáng phục sinh huy hoàng. Từ nay sự chết không còn là nỗi sợ hãi của con người. Đức Kitô đã chiến thắng sự chết để khai mở một mùa xuân bất diệt cho trần gian.

Lạy Chúa là Đấng chiến thắng Tử Thần, xin giúp chúng con biết diệt trừ nết xấu, gương mù, tội lỗi nơi bản thân, gia đình và môi trường chúng con đang sống. Chúng con tin rằng: sự bình an và hòa bình chỉ có khi nết xấu được tận diệt từ bản thân chúng con và môi trường chúng con đang sống. Amen.

Giuse TẠ DUY TUYỀN
Nguồn: http://dcctvn.net