Thứ Tư, 10 tháng 12, 2008

Đặc Ngữ Công Giáo Việt Nam: Tên Thánh

Người Công Giáo Việt Nam có một tên thánh. Tên thánh là tên của một vị thánh được Giáo Hội công nhận và cha mẹ lấy tên đó để đặt cho con khi chịu phép rửa tội. Người miền Nam gọi tên thánh là tên bổn mạng. Tên thánh bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam vào khoảng giữa thế kỷ 16 khi các giáo sĩ Tây Phương đến truyền giáo và bắt đầu có người theo đạo. Tên Thánh chịu ảnh hưởng văn minh Kitô Giáo của Âu Châu nên ta cần phân biệt tên chính của người tây phương và tên thánh của người Việt Nam .


1. Ý nghĩa tên chính của người tây phương:

Anh ngữ có 4 danh từ để chỉ tên riêng: một là tên rửa tội (baptismal name), hai là tên Kitô Giáo (Christian name), ba là tên thứ nhất (first name) bốn là tên đặt (given name). Cả bốn danh từ này đều có nghĩa là tên mà tiếng Việt Nam gọi là tên đặt, tên chính, tên riêng. Tên chính của người tây phương được đặt trong lễ rửa tội nên gọi là tên rửa tội[1](Baptismal name). Tên chính của người tây phương gọi là tên Kitô Giáo (Christian name) vì các nước tây phương chịu ảnh hưởng văn minh Kitô Giáo, tuân theo lời khuyến cáo của Giáo Hội, lấy tên các thánh để đặt tên cho các cá nhân. Do vậy, mới có từ ngữ tên thánh hay tên Kitô Giáo.

Tục lệ lấy tên thánh của người tây phương bắt nguồn từ tục lệ đặt tên trong Do Thái Giáo. Sau khi sinh con được một tuần, cha mẹ người Do Thái bế con tới giáo đường để cử hành nghi lễ đặt tên. Với con trai, nghi lễ đặt tên diễn ra trong nghi lễ cắt da quy đầu gọi là Bris. Tên được đặt gọi là tên thánh (sacred name) lấy từ các tên trong kinh thánh của Do Thái Giáo như Abraham, Jacob. Khi bị lưu đầy, người Do Thái bỏ tục lệ đặt tên thánh, nhưng đến thế kỷ 12, các giáo sĩ Do Thái thấy cần duy trì căn tính dân tộc đã buộc các tín hữu đặt tên thánh như tục lệ cổ truyền. Nhờ đó, ngày nay người Do Thái mới có một tên thứ hai là tên thánh.

Từ điển Bách Khoa Công Giáo[2], cho rằng tục lệ đặt tên thánh bắt nguồn từ quan niệm tình trạng con người được thay đổi. Nhận lãnh bí tích rửa tội là biến đổi sang con người mới. Do vậy, nhận tên thánh là chứng tích biến đổi về mặt tâm linh. Trường hợp cụ thể là vị tông đồ Paul của Kitô Giáo, sống vào thế kỷ thứ I sau Công Nguyên, trước đây có tên là Saul, khi theo đạo Công Giáo đổi tên là Paul mà người Công Giáo Việt Nam gọi là thánh Phaolô.

Người Công Giáo bắt đầu đặt tên thánh từ thời giáo hội sơ khai. Công đồng Nicaea họp năm 325 cấm việc dùng tên các thần thánh không phải của Kitô Giáo để đặt tên. Đến thời Công Đồng Tridentino họp năm 1563, Giáo Hội Công Giáo buộc giáo dân khi đặt tên riêng phải chọn tên thánh. Công đồng lưu ý các linh mục là khi làm phép rửa tội, mà gặp trường hợp cha mẹ cố tình đặt tên không hợp tinh thần Kitô Giáo, thì vị linh mục đó tự động thêm vào một tên thánh, coi đó là tên thứ hai và ghi vào sổ rửa tội giáo xứ.

Theo Bách Khoa Từ Điển Britannica, quyết định trên của Giáo Hội Công Giáo nhằm chống lại tục lệ của Giáo Hội Tin Lành, đặc biệt của Thanh Giáo, cho phép giáo dân nhận tên các nhân vật trong Cựu Ước làm tên chính, như các nhân vật Abraham, Samuel, Jacob. Rachel[3].

Đến bộ giáo luật năm 1917, qua điều khoản số 761, Giáo Hội nhắc lại khoản luật cũ từ thời Công Đồng Tridentinô. Đến bộ giáo luật mới ban hành năm 1983, người ta không thấy có điều khoản nào buộc người Công Giáo phải lấy tên thánh, mà chỉ quy định tên riêng của người ấy phải phù hợp với ý nghĩa Kitô Giáo. Điều 855 của bộ giáo luật 1983 quy định:

Cha mẹ, người đỡ đầu và Cha Sở phải lo liệu để đừng đặt một tên không hợp với ý nghĩa Kitô Giáo [4].

Tại sao Giáo Hội Công Giáo từ lúc sơ khai đến nay đã quyết định lấy tên các thánh để đặt tên cho các tín hữu? Giáo Hội đưa ra quyết định trên vì 2 lý do:

Thứ nhất, giáo hội tiếp tục duy trì truyền thống của giáo dân thời sơ khai. Những giáo dân đầu tiên là dân nô lệ, không phải công dân La Mã và theo tục lệ, khi người nô lệ được giải phóng, trở thành công dân La Mã, thì họ lấy tên chủ nhân thuộc giai cấp quý tộc làm tên mình. Tuy nhiên, với tín đồ Kitô Giáo thời đó, họ không thiết tha với các tên của các ông chủ cũ vì họ là nạn nhân của giai cấp quý tộc trong các cuộc cấm đạo. Ðồng thời khi một quý tộc trả tự do cho hàng trăm người nô lệ thì hàng trăm người đó có cùng tên với chủ cũ. Kết quả là tập tục này không đáp ứng được nhu cầu phân biệt nên các người nô lệ được giải phóng lấy tên những người mà giáo hội Kitô Giáo nhận là thánh để đặt tên cho mình. Ví dụ: Thimotheus, Stephanos, Laurentius là các vị thánh đầu tiên. Đang khi Kitô Giáo phát triển, lan tràn cả Âu Châu thì đế quốc La Mã bước vào giai đoạn suy tàn. Hệ thống tên của La Mã mai một đi, tên thánh trở nên phổ thông hơn.

Thứ hai, Giáo Hội Công Giáo muốn tôn trọng phẩm giá con người. Khi xưa số tên người Âu Châu còn ít, hệ thống tên họ chưa xuất hiện, thì để phân biệt các cá nhân, người Âu thường dùng tên mà người Anh Mỹ gọi là Nickname, người La Mã gọi là Agnomen, còn ta gọi là tên lóng. Tên lóng thường được đặt theo nét đặc biệt trên cơ thể hay tính tình của một người. Ví dụ tên lóng của người Việt Nam: Ba Mập, Tư Sún, Năm Trọc. Khi xưa tên lóng rất phổ biến ở La Mã, Hy Lạp và có nghĩa là tên thêm vào tên chính. Tên lóng thường có ý nghĩa rất tiêu cực[5], tương đương như tên tục của người Việt Nam. Ví dụ các tên như Crassus nghĩa là người béo, Varus: người què, Baldie hay Calvin: người trọc đầu, Cecil: người mù, Claude hay Gladys: người què. Vì tên có nội dung hạ thấp phẩm giá con người, nên giáo hội đã ban hành luật buộc các linh mục khi làm phép rửa tội, gặp các trường hợp tên có ý nghĩa tiêu cực, phải lấy một tên thánh đặt thêm vào.

Ngày nay, giáo dân Việt Nam cũng như giáo dân ở nhiều nơi trên thế giới vẫn nhận tên thánh vì còn giữ tinh thần bộ giáo luật cũ. Tên thánh có thể được thay đổi khi chịu phép thêm sức[6]. Theo giáo huấn của giáo hội, việc tín hữu nhận tên thánh nhằm hai mục đích: thứ nhất, để người đó bắt chước gương sáng thánh bổn mạng mà sống cuộc đời đạo đức; thứ hai, để tín hữu đó được phù trợ nhờ lời cầu bầu của thánh bổn mạng. Hai mục đích trên được nói trong khoản giáo luật số 1186:

Với mục đích cổ võ việc nên thánh của dân Chúa, Giáo Hội khuyến khích mọi tín hữu, lấy tình con cái, tôn kính đặc biệt Đức Maria hồng phúc trọn đời đồng trinh, Mẹ Thiên Chúa đã được Đức Kitô đặt làm Mẹ của loài người, cũng vậy, Giáo Hội cổ động lòng tôn kính chân chính và thành thực đối với các thánh, vì lẽ các tín hữu được kiên vững nhờ gương sáng và được nâng đỡ bởi lời bầu cử của các ngài[7].

2. Ý nghĩa tên thánh đối với người Công Giáo Việt Nam.

Thực ra, tên mà người Việt Nam gọi là tên thánh thì tại các nước tây phương chịu ảnh hưởng Kitô Giáo, gọi là tên rửa tội (Baptismal name) hay tên chính do bố mẹ đặt[8]. Sở dĩ người Công Giáo Việt Nam, Ðại Hàn, Nhật Bản, Trung Hoa và các nước truyền giáo khác ỏ Phi Châu hay Mỹ Châu có thêm tên thánh mà người tây phương không có, là vì các giáo sĩ tây phương đến Việt Nam cũng như các nơi truyền giáo khác, đã áp dụng tinh thần giáo luật, đặt tên thánh cho giáo dân như đã làm cho giáo dân ở tây phương.

Trái lại, đọc tiểu sử hàng giáo phẩm Công Giáo tây phương, ta không thấy vị nào có hẳn một tên thánh riêng biệt như kiểu tên người Công Giáo Việt Nam. Nếu đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn có hẳn một tên thánh riêng là Gioan Baotixita, thì đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI không có tên thánh riêng. Tên ngài là Joseph Ratzinger. Joseph vừa là tên riêng vừa là tên thánh. Ratzinger là tên họ. Tại San Jose, California , giáo xứ của tôi có linh mục Kevin Joyce. Kevin là biến thể của tên Kelvin. Kelvin là tên con sông ở Tô Cách Lan[9]. Linh mục Kevin Joyce không có tên thánh.

Vậy quyết định trên của các giáo sĩ thừa sai đối với dân Việt Nam là đúng hay sai? Nếu đặt vào bối cảnh hiện nay thì đó là điều không chấp nhận được vì tên người Việt Nam hiện nay không hề được đặt ra để hạ phẩm giá con người như kiểu người Hy Lạp, La Mã ngày xưa. Tuy nhiên, nếu đặt vào bối cảnh Việt Nam trong thế kỷ 16 thì quyết định của các thừa sai có thể tạm chấp nhận vì phong tục dân gian lúc đó còn dùng những tên tục tĩu đặt cho những đứa trẻ mới sinh để tránh tà ma. Loại tên này gọi là tên tục như con Hĩm, thằng Cu.

Hiện nay, người Công Giáo Việt Nam thường chọn tên các thánh nam giới cho phái nam và thánh nữ giới cho phái nữ. Ngoài ra, vì sự hiểu biết của giáo dân còn hạn chế về số các thánh nên người ta thường chọn các thánh thời Chúa Giêsu như Phêrô, Phaolô, Gioan, Maria, Anna làm tên thánh. Ngày nay, Giáo Hội Việt Nam có 118 vị thánh tử đạo. Tuy nhiên, giáo dân Việt vẫn chưa có thói quen nhận tên các thánh Tử Đạo Việt Nam làm bổn mạng. Người Công Giáo có tục mừng ngày lễ bổn mạng là ngày mà toàn thể Giáo Hội Công Giáo trên thế giới tưởng nhớ tới vị thánh đó. Khi chết, người Công Giáo không dùng tên húy hay tên riêng mà dùng tên thánh để cầu nguyện cho người quá cố. Như vậy, xét về bản chất, tên thánh cũng có chức năng như tên thụy, tên hèm hay tên cúng cơm là các tên để người sống nhắc đến và cầu nguyện cho người đã chết.

[1] Elsdon C. Smith. Elsdon C. Smith. The Story of Our Names. Gale Research Co. Detroit, 1970. Tr. 1.
[2] www.newadvent.org
[3] The New Encyclopaedia Britannica. 15th edition, 1991, tập 24, tr. 730.
[4] Ðức Ông Nguyễn Văn Phương (dịch)Giáo Luật. Nguyệt San Trái Tim Ðức Mẹ, Carthage, 1987, tr. 291.
[5] Elsdon C. Smith. The Story…Sđd. Tr. 76-77.
[6] Elsdon C. Smith. The Story…Sđd. Tr. 76-77.
[7] Bộ Giáo Luật. Sđd. Tr. 385.
[8] Elsdon C. Smith. The Story…Sđd. Tr. 1.
[9] Patrick Hanks & Flavia Hodges. First Names. Oxford University Press, 1996. tr. 140

Nguyễn Long Thao

Không có nhận xét nào: