Thứ Ba, 30 tháng 12, 2008

Huấn Dụ Của Đức Thánh Cha Về Lễ Thánh Gia

ĐTC: lễ thánh gia là một cơ hội huấn giáo về vai trò của gia đìnhVietCatholic News (28 Dec 2008 22:54)
Kinh Truyền tin chúa nhựt 28-12-08

Bài huấn dụ trước khi đọc kinh Truyền tin vào lễ thánh gia là một cơ hội huấn giáo về vai trò của gia đình. Trước hết, đức thánh cha đã diễn giải bằng tiếng Ý như thường lệ, dành cho những người tham dự buổi cầu nguyện tại quảng trường thánh Phêrô, và sau đó, ngài đã đọc bằng tiếng Tây-ban-nha, và được trực tiếp truyền thanh và truyền hình đến thủ đô Madrid, nơi mà các giám mục đã tổ chức một thánh lễ một Thánh lễ tại quảng trường Colon, do đức hồng y Rouco Varela chủ sự vào ban sáng, để cầu nguyện cho các gia đình và cổ võ những giá trị đạo đức cổ truyền đang bị lung lay trước những dự luật của chính phủ. Sau khi ban phép lành Tòa thánh, đức Bênêđictô XVI đã mạnh mẽ kêu gọi chấm dứt những cuộc tấn công và trả đũa tại Thánh địa, gây ra nhiều chết chóc và tàn phá. Sau đây là nguyên văn bài huấn dụ.

Anh chị em thân mến

Vào chúa nhựt tiếp theo lễ Chúa Giáng sinh, chúng ta hoan hỉ mừng lễ thánh gia Nazareth. Khung cảnh thật là thích hợp bởi vì Giáng sinh là lễ đặc trưng của gia đình. Điều này được thấy rõ qua nhiều truyền thống và tập tục xã hội, cách riêng là thói quen xum họp tại gia đình để dùng bữa, chúc mừng và tặng quà cho nhau. Và làm sao lại không nêu bật rằng vào những cơ hội này, nỗi buồn phiền đau khổ vì những vết thương gia đình lại càng tăng thêm nữa? Chúa Giêsu đã muốn sinh ra và lớn lên ở trong một gia đình; đã có đức trinh nữ Maria làm mẹ và nhận thánh Giuse làm cha; các ngài đã thương yêu nuôi dưỡng và dạy dỗ Người.. Gia đình của Chúa Giêsu đáng được mang danh hiệu là “thánh” (thánh gia) bởi vì chỉ chăm chú tuân hành ý muốn của Thiên Chúa, được thể hiện ở nơi sự hiện diện của đức Giêsu. Một đàng, gia đình này cũng giống như bao nhiêu gia đình khác, và là mẫu gương của tình yêu vợ chồng, của sự hợp tác, của hy sinh, của lòng tín thác vào Thiên Chúa quan phòng, của sự cần cù làm việc, của tình liên đới, tóm lại của những giá trị mà gia đình bảo vệ và cổ võ, nhờ vậy mà góp phần tiên phong vào việc tạo nên tế bào cho mọi xã hội. Tuy nhiên, đông thời, gia đình Nazaret mang tính cách độc nhất vô nhị, do ơn gọi độc đáo gắn liền với sứ mạng của Con Thiên Chúa. Chính vì tính cách độc đáo này mà Thánh gia chỉ tỏ cho các gia đình, nhất là các gia đình Kitô giáo, chân trời của Thiên Chúa, địa vị ưu tiên vừa êm ái vừa cương quyết dành cho ý muốn của Chúa, viễn ảnh thiên quốc nơi mà chúng ta đang nhắm tới. Hôm nay chúng ta tạ ơn Chúa vì những điều ấy, cũng như tạ ơn Đức Maria và thánh Giuse, bởi vì các ngài đã tin tưởng và quảng đại cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa.

Để diễn tả vẻ đẹp và giá trị của gia đình, ngày hôm nay hàng vạn người đã tập họp ở Madrid và tôi muốn ngỏ lời với họ bằng tiếng Tây ban nha.

Giờ đây tôi muốn thân ái chào những người đang họp nhau tại Madrid nhân ngày lễ long trọng này để cầu nguyện cho gia đình, và dấn thân hoạt động với lòng hăng say và hy vọng để bảo vệ gia đình. Quả thật gia đình là một hồng ân của Thiên Chúa, biểu lộ bản tính của Ngài là Tình Yêu. Một tình yêu hoàn toàn ban phát, nâng đỡ sự chung thuỷ vô bờ bến, kể cả vào những lúc khó khăn ngã lòng. Những đức tính này đã được thể hiện cách tuyệt vời nơi Thánh gia, trong đó Chúa Giêsu đã đến trần thế, đã lớn lên và tăng trưởng về khôn ngoan, nhờ sự ân cần săn sóc của Đức Maria và sự che chở trung tín của thánh Giuse. Các gia đình thân mến, đừng để cho tình yêu, lòng quảng đại đón nhận sự sống,và những mối dây liên kết các gia đình phải suy giảm. Các bạn hãy liên lỉ cầu xin Thiên Chúa ban những ơn đó, hãy cầu nguyện chung với nhau, ngõ hầu các điều quyết tâm của mình được soi sáng nhờ đức tin và được nâng cao nhờ ơn thánh trên con đường nên thánh. Nhờ vậy, với niềm vui phát xuất từ tình yêu được chia sẻ, các bạn sẽ cống hiến cho thế giới một chứng từ đẹp về tầm quan trọng của gia đình đối với cá nhân và xã hội. Đức thánh cha sát cánh với các bạn, đặc biệt qua lời cầu nguyện cho những ai trong các gia đình cần được sức khoẻ, công ăn việc làm, sự an ủi và tình bạn. Trong kinh Truyền tin này, tôi xin ký thác tất cả mọi người cho bà mẹ chúng ta trên trời, đó là đức Trinh nữ Maria.

Anh chị em thân mến, nói đến gia đình, tôi không thể không nhắc đến cuộc gặp gỡ quốc tế các gia đình lần thứ VI, sẽ diễn ra tại thành phố Mexicô từ ngày 14 đến 18 tháng giêng năm 2009. Ngay từ bây giờ, chúng ta hãy cầu nguyện cho biến cố này, và ký thác cho Chúa hết mọi gia đình, đặc biệt là những gia đình đang trải qua những thử thách của cuộc sống, của sự thiếu hiểu biết và chia rẽ. Xin Chúa Cứu thế ban cho tất cả mọi người được sự an bình và sức mạnh để đồng hành trên con đường sự thiện.

Bình Hòa

Thứ Tư, 10 tháng 12, 2008

Đặc Ngữ Công Giáo Việt Nam: Tên Thánh

Người Công Giáo Việt Nam có một tên thánh. Tên thánh là tên của một vị thánh được Giáo Hội công nhận và cha mẹ lấy tên đó để đặt cho con khi chịu phép rửa tội. Người miền Nam gọi tên thánh là tên bổn mạng. Tên thánh bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam vào khoảng giữa thế kỷ 16 khi các giáo sĩ Tây Phương đến truyền giáo và bắt đầu có người theo đạo. Tên Thánh chịu ảnh hưởng văn minh Kitô Giáo của Âu Châu nên ta cần phân biệt tên chính của người tây phương và tên thánh của người Việt Nam .


1. Ý nghĩa tên chính của người tây phương:

Anh ngữ có 4 danh từ để chỉ tên riêng: một là tên rửa tội (baptismal name), hai là tên Kitô Giáo (Christian name), ba là tên thứ nhất (first name) bốn là tên đặt (given name). Cả bốn danh từ này đều có nghĩa là tên mà tiếng Việt Nam gọi là tên đặt, tên chính, tên riêng. Tên chính của người tây phương được đặt trong lễ rửa tội nên gọi là tên rửa tội[1](Baptismal name). Tên chính của người tây phương gọi là tên Kitô Giáo (Christian name) vì các nước tây phương chịu ảnh hưởng văn minh Kitô Giáo, tuân theo lời khuyến cáo của Giáo Hội, lấy tên các thánh để đặt tên cho các cá nhân. Do vậy, mới có từ ngữ tên thánh hay tên Kitô Giáo.

Tục lệ lấy tên thánh của người tây phương bắt nguồn từ tục lệ đặt tên trong Do Thái Giáo. Sau khi sinh con được một tuần, cha mẹ người Do Thái bế con tới giáo đường để cử hành nghi lễ đặt tên. Với con trai, nghi lễ đặt tên diễn ra trong nghi lễ cắt da quy đầu gọi là Bris. Tên được đặt gọi là tên thánh (sacred name) lấy từ các tên trong kinh thánh của Do Thái Giáo như Abraham, Jacob. Khi bị lưu đầy, người Do Thái bỏ tục lệ đặt tên thánh, nhưng đến thế kỷ 12, các giáo sĩ Do Thái thấy cần duy trì căn tính dân tộc đã buộc các tín hữu đặt tên thánh như tục lệ cổ truyền. Nhờ đó, ngày nay người Do Thái mới có một tên thứ hai là tên thánh.

Từ điển Bách Khoa Công Giáo[2], cho rằng tục lệ đặt tên thánh bắt nguồn từ quan niệm tình trạng con người được thay đổi. Nhận lãnh bí tích rửa tội là biến đổi sang con người mới. Do vậy, nhận tên thánh là chứng tích biến đổi về mặt tâm linh. Trường hợp cụ thể là vị tông đồ Paul của Kitô Giáo, sống vào thế kỷ thứ I sau Công Nguyên, trước đây có tên là Saul, khi theo đạo Công Giáo đổi tên là Paul mà người Công Giáo Việt Nam gọi là thánh Phaolô.

Người Công Giáo bắt đầu đặt tên thánh từ thời giáo hội sơ khai. Công đồng Nicaea họp năm 325 cấm việc dùng tên các thần thánh không phải của Kitô Giáo để đặt tên. Đến thời Công Đồng Tridentino họp năm 1563, Giáo Hội Công Giáo buộc giáo dân khi đặt tên riêng phải chọn tên thánh. Công đồng lưu ý các linh mục là khi làm phép rửa tội, mà gặp trường hợp cha mẹ cố tình đặt tên không hợp tinh thần Kitô Giáo, thì vị linh mục đó tự động thêm vào một tên thánh, coi đó là tên thứ hai và ghi vào sổ rửa tội giáo xứ.

Theo Bách Khoa Từ Điển Britannica, quyết định trên của Giáo Hội Công Giáo nhằm chống lại tục lệ của Giáo Hội Tin Lành, đặc biệt của Thanh Giáo, cho phép giáo dân nhận tên các nhân vật trong Cựu Ước làm tên chính, như các nhân vật Abraham, Samuel, Jacob. Rachel[3].

Đến bộ giáo luật năm 1917, qua điều khoản số 761, Giáo Hội nhắc lại khoản luật cũ từ thời Công Đồng Tridentinô. Đến bộ giáo luật mới ban hành năm 1983, người ta không thấy có điều khoản nào buộc người Công Giáo phải lấy tên thánh, mà chỉ quy định tên riêng của người ấy phải phù hợp với ý nghĩa Kitô Giáo. Điều 855 của bộ giáo luật 1983 quy định:

Cha mẹ, người đỡ đầu và Cha Sở phải lo liệu để đừng đặt một tên không hợp với ý nghĩa Kitô Giáo [4].

Tại sao Giáo Hội Công Giáo từ lúc sơ khai đến nay đã quyết định lấy tên các thánh để đặt tên cho các tín hữu? Giáo Hội đưa ra quyết định trên vì 2 lý do:

Thứ nhất, giáo hội tiếp tục duy trì truyền thống của giáo dân thời sơ khai. Những giáo dân đầu tiên là dân nô lệ, không phải công dân La Mã và theo tục lệ, khi người nô lệ được giải phóng, trở thành công dân La Mã, thì họ lấy tên chủ nhân thuộc giai cấp quý tộc làm tên mình. Tuy nhiên, với tín đồ Kitô Giáo thời đó, họ không thiết tha với các tên của các ông chủ cũ vì họ là nạn nhân của giai cấp quý tộc trong các cuộc cấm đạo. Ðồng thời khi một quý tộc trả tự do cho hàng trăm người nô lệ thì hàng trăm người đó có cùng tên với chủ cũ. Kết quả là tập tục này không đáp ứng được nhu cầu phân biệt nên các người nô lệ được giải phóng lấy tên những người mà giáo hội Kitô Giáo nhận là thánh để đặt tên cho mình. Ví dụ: Thimotheus, Stephanos, Laurentius là các vị thánh đầu tiên. Đang khi Kitô Giáo phát triển, lan tràn cả Âu Châu thì đế quốc La Mã bước vào giai đoạn suy tàn. Hệ thống tên của La Mã mai một đi, tên thánh trở nên phổ thông hơn.

Thứ hai, Giáo Hội Công Giáo muốn tôn trọng phẩm giá con người. Khi xưa số tên người Âu Châu còn ít, hệ thống tên họ chưa xuất hiện, thì để phân biệt các cá nhân, người Âu thường dùng tên mà người Anh Mỹ gọi là Nickname, người La Mã gọi là Agnomen, còn ta gọi là tên lóng. Tên lóng thường được đặt theo nét đặc biệt trên cơ thể hay tính tình của một người. Ví dụ tên lóng của người Việt Nam: Ba Mập, Tư Sún, Năm Trọc. Khi xưa tên lóng rất phổ biến ở La Mã, Hy Lạp và có nghĩa là tên thêm vào tên chính. Tên lóng thường có ý nghĩa rất tiêu cực[5], tương đương như tên tục của người Việt Nam. Ví dụ các tên như Crassus nghĩa là người béo, Varus: người què, Baldie hay Calvin: người trọc đầu, Cecil: người mù, Claude hay Gladys: người què. Vì tên có nội dung hạ thấp phẩm giá con người, nên giáo hội đã ban hành luật buộc các linh mục khi làm phép rửa tội, gặp các trường hợp tên có ý nghĩa tiêu cực, phải lấy một tên thánh đặt thêm vào.

Ngày nay, giáo dân Việt Nam cũng như giáo dân ở nhiều nơi trên thế giới vẫn nhận tên thánh vì còn giữ tinh thần bộ giáo luật cũ. Tên thánh có thể được thay đổi khi chịu phép thêm sức[6]. Theo giáo huấn của giáo hội, việc tín hữu nhận tên thánh nhằm hai mục đích: thứ nhất, để người đó bắt chước gương sáng thánh bổn mạng mà sống cuộc đời đạo đức; thứ hai, để tín hữu đó được phù trợ nhờ lời cầu bầu của thánh bổn mạng. Hai mục đích trên được nói trong khoản giáo luật số 1186:

Với mục đích cổ võ việc nên thánh của dân Chúa, Giáo Hội khuyến khích mọi tín hữu, lấy tình con cái, tôn kính đặc biệt Đức Maria hồng phúc trọn đời đồng trinh, Mẹ Thiên Chúa đã được Đức Kitô đặt làm Mẹ của loài người, cũng vậy, Giáo Hội cổ động lòng tôn kính chân chính và thành thực đối với các thánh, vì lẽ các tín hữu được kiên vững nhờ gương sáng và được nâng đỡ bởi lời bầu cử của các ngài[7].

2. Ý nghĩa tên thánh đối với người Công Giáo Việt Nam.

Thực ra, tên mà người Việt Nam gọi là tên thánh thì tại các nước tây phương chịu ảnh hưởng Kitô Giáo, gọi là tên rửa tội (Baptismal name) hay tên chính do bố mẹ đặt[8]. Sở dĩ người Công Giáo Việt Nam, Ðại Hàn, Nhật Bản, Trung Hoa và các nước truyền giáo khác ỏ Phi Châu hay Mỹ Châu có thêm tên thánh mà người tây phương không có, là vì các giáo sĩ tây phương đến Việt Nam cũng như các nơi truyền giáo khác, đã áp dụng tinh thần giáo luật, đặt tên thánh cho giáo dân như đã làm cho giáo dân ở tây phương.

Trái lại, đọc tiểu sử hàng giáo phẩm Công Giáo tây phương, ta không thấy vị nào có hẳn một tên thánh riêng biệt như kiểu tên người Công Giáo Việt Nam. Nếu đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn có hẳn một tên thánh riêng là Gioan Baotixita, thì đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI không có tên thánh riêng. Tên ngài là Joseph Ratzinger. Joseph vừa là tên riêng vừa là tên thánh. Ratzinger là tên họ. Tại San Jose, California , giáo xứ của tôi có linh mục Kevin Joyce. Kevin là biến thể của tên Kelvin. Kelvin là tên con sông ở Tô Cách Lan[9]. Linh mục Kevin Joyce không có tên thánh.

Vậy quyết định trên của các giáo sĩ thừa sai đối với dân Việt Nam là đúng hay sai? Nếu đặt vào bối cảnh hiện nay thì đó là điều không chấp nhận được vì tên người Việt Nam hiện nay không hề được đặt ra để hạ phẩm giá con người như kiểu người Hy Lạp, La Mã ngày xưa. Tuy nhiên, nếu đặt vào bối cảnh Việt Nam trong thế kỷ 16 thì quyết định của các thừa sai có thể tạm chấp nhận vì phong tục dân gian lúc đó còn dùng những tên tục tĩu đặt cho những đứa trẻ mới sinh để tránh tà ma. Loại tên này gọi là tên tục như con Hĩm, thằng Cu.

Hiện nay, người Công Giáo Việt Nam thường chọn tên các thánh nam giới cho phái nam và thánh nữ giới cho phái nữ. Ngoài ra, vì sự hiểu biết của giáo dân còn hạn chế về số các thánh nên người ta thường chọn các thánh thời Chúa Giêsu như Phêrô, Phaolô, Gioan, Maria, Anna làm tên thánh. Ngày nay, Giáo Hội Việt Nam có 118 vị thánh tử đạo. Tuy nhiên, giáo dân Việt vẫn chưa có thói quen nhận tên các thánh Tử Đạo Việt Nam làm bổn mạng. Người Công Giáo có tục mừng ngày lễ bổn mạng là ngày mà toàn thể Giáo Hội Công Giáo trên thế giới tưởng nhớ tới vị thánh đó. Khi chết, người Công Giáo không dùng tên húy hay tên riêng mà dùng tên thánh để cầu nguyện cho người quá cố. Như vậy, xét về bản chất, tên thánh cũng có chức năng như tên thụy, tên hèm hay tên cúng cơm là các tên để người sống nhắc đến và cầu nguyện cho người đã chết.

[1] Elsdon C. Smith. Elsdon C. Smith. The Story of Our Names. Gale Research Co. Detroit, 1970. Tr. 1.
[2] www.newadvent.org
[3] The New Encyclopaedia Britannica. 15th edition, 1991, tập 24, tr. 730.
[4] Ðức Ông Nguyễn Văn Phương (dịch)Giáo Luật. Nguyệt San Trái Tim Ðức Mẹ, Carthage, 1987, tr. 291.
[5] Elsdon C. Smith. The Story…Sđd. Tr. 76-77.
[6] Elsdon C. Smith. The Story…Sđd. Tr. 76-77.
[7] Bộ Giáo Luật. Sđd. Tr. 385.
[8] Elsdon C. Smith. The Story…Sđd. Tr. 1.
[9] Patrick Hanks & Flavia Hodges. First Names. Oxford University Press, 1996. tr. 140

Nguyễn Long Thao

Thứ Bảy, 6 tháng 12, 2008

Thư Mục Vụ 2008 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam

VietCatholic News (06 Dec 2008 01:56)

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

Thư Mục vụ 2008 của Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi Cộng đồng Dân Chúa
về Môi trường Giáo dục Gia Đình Công Giáo

Kính gửi Cộng đồng Dân Chúa Việt Nam

LỜI MỞ
1- Chúng tôi, Hồng y, Tổng Giám mục và Giám mục thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, xin gửi tới anh chị em lời chào thân ái và lời cầu chúc bình an trong Chúa Kitô.

2- Ý thức sứ mạng giáo huấn được trao phó cho những chủ chăn, dịp Đại hội của Hội đồng Giám mục lần thứ X năm 2007 tại Hà Nội, chúng tôi đã gửi đến anh chị em Thư Chung với chủ đề “Giáo dục hôm nay, xã hội và Giáo Hội ngày mai”. Chúng tôi vui mừng thấy Thư Chung này đã được đón nhận và áp dụng với những sáng kiến phong phú tại các Giáo phận. Xin cám ơn anh chị em đã nhiệt tình hưởng ứng lời mời gọi của chúng tôi để cộng tác phần mình vào nền giáo dục đức tin và văn hóa, nhằm xây dựng Giáo Hội và xã hội Việt Nam, hôm nay và tương lai.

3- Tiếp nối tinh thần Thư Chung 2007 về giáo dục Kitô giáo, năm nay chúng tôi mời gọi anh chị em hãy cùng với chúng tôi suy tư và hành động để góp phần chấn chỉnh môi trường giáo dục tại gia đình (x. Thư Chung 2007, số 38). Giáo dục tại gia đình là vấn đề quan trọng và cần thiết, tạo tiền đề cho việc phát triển nền giáo dục nói chung, vì gia đình là nền tảng của Giáo Hội và xã hội. Nếu nền tảng gia đình được củng cố chắc chắn, Giáo Hội và xã hội tương lai sẽ phồn thịnh và phát triển. Qua Thư Mục vụ này, chúng tôi muốn bày tỏ mối ưu tư đối với hiện trạng gia đình Việt Nam và nêu lên những đề nghị cụ thể để góp phần canh tân mục vụ trong lãnh vực này, một lãnh vực căn bản của đời sống con người và đời sống Giáo Hội.

I- NỀN TẢNG CỦA VIỆC GIÁO DỤC GIA ĐÌNH
4- Gia đình trong ý định của Thiên Chúa là nơi giáo dục tình yêu.

Thiên Chúa là Tình Yêu (1 Ga 4,8). Chính vì yêu thương mà từ hư vô Ngài đã tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài để thông ban cho họ vinh quang vĩnh cửu. Ngài dựng nên con người có nam có nữ, tuy khác biệt về phái tính nhưng hoàn toàn bình đẳng với nhau và bổ túc cho nhau. Ngài ban cho họ có khả năng yêu mến để hướng về những ước vọng chân chính tốt lành. Nơi đời sống hôn nhân, tình yêu liên kết người nam và người nữ cách mật thiết đến nỗi họ không còn phải là hai, mà chỉ là một xương một thịt. Tình yêu hôn nhân còn phản ánh chính tình yêu của Thiên Chúa và được Chúa chúc lành.

5- Gia đình là mái trường đầu tiên của Con Thiên Chúa nhập thể.

Khi sinh xuống trần gian, Đức Giêsu đã sống trong một gia đình. Người có một quê hương, có cha có mẹ và hàng xóm láng giềng. Những người đồng hương biết rõ Người là “con bác thợ mộc“ và “mẹ Người là bà Maria“ (Mt 13,55). Thánh Giuse và Đức Maria đã nuôi dưỡng và giáo dục Hài Nhi Giêsu ngay từ lúc chào đời. Chính trong khung cảnh gia đình, Đức Giêsu đã học những bài học căn bản về đời sống đức tin và văn hóa. Về phần Đức Giêsu, “Người tuân phục hai ông bà” (Lc 3,51). Có thể nói, lối giáo dục của Thánh Giuse và Đức Maria đã góp phần làm phong phú lời giảng dạy của vị Ngôn sứ thành Nadarét sau này. Người đã vận dụng những ca dao tục ngữ, những hình ảnh bình dân của nền văn hóa địa phương để rao giảng Nước Trời. Như thế, gia đình Nadarét cho thấy tầm quan trọng của gia đình trong việc giáo dục. Thánh Gia thất chính là mẫu gương cho các gia đình, nhất là những người làm cha mẹ, trong mọi nền văn hóa và môi trường xã hội.

Là Con hiếu thảo của một gia đình, Đức Giêsu cũng là Con yêu dấu của Chúa Cha. Chính Chúa Cha đã xác nhận điều đó: “Đây là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người” (Mt 17,5). Người luôn lo lắng chu toàn sứ mạng của Chúa Cha, từ thời niên thiếu, khi ở lại trong Đền Thờ giữa các bậc tiến sĩ, cho đến giờ phút khổ nạn thập giá. Đức Giêsu đã luôn thể hiện ý Chúa Cha trong lời nói cũng như việc làm. Vâng phục thánh ý Chúa Cha chính là lương thực của Người (x.Ga 4,34).

6- Gia đình diễn tả tình yêu giữa Chúa Giêsu và Giáo Hội

Trong Cựu Ước, các Ngôn sứ thường mượn hình ảnh hôn nhân để diễn tả mối liên kết giữa Thiên Chúa và Dân Ngài. Sau này, Thánh Phaolô còn cụ thể hơn khi dùng hình ảnh khế ước tình yêu nam nữ để diễn tả mối gắn bó giữa Đức Giêsu và Giáo Hội (x. Ep 5,21 tt). Hôn nhân công giáo được nâng lên hàng bí tích, trở thành dấu chỉ và khí cụ của tình yêu giữa Đức Kitô và Giáo Hội. Đó là tình yêu quảng đại, hy sinh và hiến mạng sống vì người mình yêu. Vì thế, như Đức Kitô đã làm gương qua việc Người hiến mình vì Giáo Hội, tình nghĩa vợ chồng phải được xây dựng trên mẫu mực nền tảng đó. Đức Gioan Phaolô II nhắc lại điều này trong Tông huấn về gia đình: “Hôn nhân của những người đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy trở nên biểu tượng thật của giao ước mới và vĩnh cửu được ký kết trong máu Đức Kitô. Thánh Thần mà Chúa Cha đã đổ tràn xuống, ban cho họ một trái tim mới và làm cho cả người nam và người nữ có khả năng yêu thương nhau như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta” (Tông huấn Gia Đình, số 13).

7- Gia đình là môi trường giáo dục tình hiệp thông.

«Gia đình, được thiết lập do tình yêu và được sinh động cũng do tình yêu, là cộng đồng các ngôi vị: đôi bạn nam và nữ, cha mẹ và con cái, họ hàng. Bổn phận đầu tiên của gia đình là trung thành sống thực tại của sự hiệp thông...» (Tông huấn Gia Đình, số 18). Mối hiệp thông này được củng cố và phát triển nhờ tình tương thân tương ái và nhờ sự nâng đỡ lẫn nhau trong đời sống nhân bản cũng như đời sống đức tin. Quả vậy, nếu mọi thành viên trong gia đình sống thuận hòa và đùm bọc lẫn nhau, gia đình sẽ trở nên ấm cúng. Tình hiệp thông giữa các thành viên trong một gia đình sẽ góp phần củng cố gia đình nhân loại và gia đình Thiên Chúa, tức là Giáo Hội.

8- Gia đình là mái trường giáo dục lòng hiếu thảo và thờ phượng Thiên Chúa

Luật Cựu Ước đã đề cập đến lòng hiếu thảo đối với cha mẹ ngay sau khi nói đến bổn phận thờ phượng của con người đối với Thiên Chúa trong ba giới răn đầu. Điều đó cho thấy tình tương thân tương ái trong gia đình đi liền với việc tôn thờ Thiên Chúa. Nói cách khác, hiếu thảo với các bậc sinh thành dưỡng dục là bổn phận quan trọng chỉ đứng sau việc thờ phượng Thiên Chúa. Tiếp đó, các tác giả văn chương khôn ngoan đã ca tụng những người con hiếu thảo. Hiếu thảo không chỉ là việc đền đáp nghĩa sinh thành, nhưng còn vì “Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu… ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ, ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng” (Hc 3, 3-6). Có thể nói, việc tôn thờ Chúa bảo đảm cho hạnh phúc gia đình và việc thảo kính cha mẹ là bổn phận thiết yếu đối với những ai yêu mến Chúa và muốn nên trọn lành. Gia đình chính là chiếc nôi ấp ủ, là mái trường đào tạo con người biết thực hành bổn phận cao quý này.

II- GIA ĐÌNH TRONG BỐI CẢNH VIỆT NAM HÔM NAY
9- Nhận định chung

Xã hội Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đang chuyển mình cách mạnh mẽ với những thay đổi tích cực nhưng cũng với những mất mát to lớn, trong đó đáng kể nhất là những giá trị cơ bản liên quan đến sự bền vững của hôn nhân–gia đình và tình liên đới giữa các thành viên. Xin anh chị em cùng với chúng tôi nhận định về tình trạng gia đình Việt Nam trong xã hội hôm nay để tìm ra hướng đi mục vụ đáp ứng những nhu cầu thiết thực và cấp bách này.

10- Những khủng hoảng gia đình.

Là người Việt Nam, chúng ta tự hào về một truyền thống gia đình trên thuận dưới hòa, trong đó lòng hiếu thảo có vị trí quan trọng đối với đời sống gia đình và xã hội. Có thể nói đó là một yếu tố căn bản để con người có thể thành nhân và thành tài. Nhưng truyền thống tốt đẹp đó đang có nguy cơ bị xói mòn và mai một. Có những gia đình đang trở thành một thứ quán trọ thay vì là tổ ấm yêu thương. Cĩ nhiều người cao tuổi bị con cái bỏ rơi, không nơi nương tựa. Nạn bạo hành gia đình còn khá phổ biến, đặc biệt nhiều phụ nữ chưa được tôn trọng và yêu thương xứng đáng với phẩm giá con người. Tỷ lệ ly hôn ngày càng gia tăng và hậu quả là những trẻ em thất học, trẻ em bỏ nhà đi bụi đời ngày càng nhiều. Những phương tiện thông tin đề cập thường xuyên đến nhiều vụ việc tội phạm mà cả nạn nhân và hung thủ đều là vị thành niên. Phần lớn những em này đều xuất thân từ những gia đình bất hòa, ly tán và đổ vỡ. Cùng với những mâu thuẫn và khủng hoảng gia đình, những con số thống kê cho thấy nạn phá thai càng ngày càng nghiêm trọng, ngay cả nơi những em còn ở độ tuổi học trò. Cùng với những hậu quả tất yếu về thể lý, hành động phá thai đã để lại những vết thương tâm lý thê thảm nơi đương sự và những người có liên quan.

11- Gia đình trước ảnh hưởng của toàn cầu hóa và di dân.

Cuộc sống của người Việt Nam trước đây gắn liền với nông thôn. Mọi sinh hoạt xã hội, kinh tế, văn hoá và tôn giáo đều diễn ra trong phạm vi“lũy tre làng’’. Trong các Giáo xứ, việc dạy giáo lý, hoạt động từ thiện bác ái, sinh hoạt phụng tự có thể tổ chức sắp xếp rất thuận lợi. Người giáo dân có nhiều cơ hội gặp gỡ và chia sẻ trong nhiều lãnh vực khác nhau. Các thành viên trong một gia đình luôn ở bên cạnh nhau trong mọi sinh hoạt. Sự gần gũi thường xuyên như thế giúp mọi người có thể nhắc nhở, động viên nhau sống đạo cách dễ dàng và hiệu quả. Như vậy, môi trường Giáo xứ miền quê là một môi trường thuận lợi cho các mối quan hệ liên bản vị và cho nền giáo dục Kitô giáo.

Môi trường đó nay đang dần dà thay đổi trước làn sóng đô thị hoá và công nghiệp hoá. Ngày càng có nhiều người rời nông thôn để tìm việc làm tại các đô thị, phần lớn trong số này là giới trẻ. Những người di dân là sinh viên, học sinh, công nhân, những người buôn bán nhỏ và còn nhiều thứ dịch vụ khác. Cũng vì cuộc sống, có nhiều người đi lao động hoặc nhiều phụ nữ đi làm dâu tại nước ngoài. Họ phải đối diện với rất nhiều khó khăn để hội nhập vào một nền văn hóa mới, có những phong tục tập quán hoàn toàn xa lạ với nền văn hóa của quê hương, đặc biệt xa lạ với đời sống gia đình công giáo Việt Nam. Họ rất vất vả trong cuộc vật lộn mưu sinh, không còn thời gian dành cho đời sống thiêng liêng. Trong hoàn cảnh đó, quan niệm về tình yêu hôn nhân, về đời sống gia đình cũng bị biến dạng. Đã xuất hiện những trào lưu thiếu lành mạnh và sai lầm như sống thử, sống ngoài hôn nhân và tự do ly dị. Đã và đang tồn tại những gia đình tan vỡ khi vợ hoặc chồng đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Quan tâm đến những người di dân là một hình thức mục vụ mới đối với Giáo Hội Việt Nam hôm nay.

12- Hậu quả của một nền giáo dục còn nhiều khiếm khuyết.

Trước sự kiện hàng loạt những vụ việc tiêu cực có liên quan đến ngành giáo dục được công bố, đã có nhiều người lên tiếng kêu gọi chú trọng đến chất lượng thực thụ của sự nghiệp trồng người. Một nền giáo dục chỉ lo đến bằng cấp, chỉ phấn đấu để được điểm thi đua mà không chăm lo đến “tiên học lễ, hậu học văn“ sẽ tạo ra một thế hệ thiếu trung thực và bất tài. Chính vì thiếu khía cạnh “lễ“ mà truyền thống tôn sư trọng đạo đang bị mai một, và hậu quả là bạo lực tràn lan trong học đường. Những học sinh ở tuổi thơ ngây đã trở thành thủ phạm của biết bao tội ác, cá nhân cũng như tập thể. Nhà trường đáng lẽ là nơi đào tạo những chủ nhân tương lai biết tôn trọng sự thật, đôi khi lại là môi trường cho các em học sự gian dối. Một số phụ huynh có những hành động phản giáo dục như mua điểm mua bằng cho con em, hoặc luồn lách để được lên lớp. Điều này đã tạo cơ hội cho trẻ em bắt chước sự dối trá. Đó là một trong những thảm kịch nghiêm trọng đe doạ tương lai của Giáo Hội, xã hội và dân tộc Việt Nam.

III- MỘT SỐ CHỈ DẪN MỤC VỤ
13- Như chúng tôi đã đề cập trong Thư Chung 2007, giáo dục Kitô giáo là trách nhiệm của mọi người và từng người. Đối tượng mà nền giáo dục Kitô giáo nhắm tới cũng là mọi thành phần xã hội, không loại trừ ai. Sau khi đã cùng nhìn lại toàn cảnh tình hình gia đình Việt Nam hôm nay, chúng tôi đề nghị một số thực hành giáo dục khởi đi từ lãnh vực gia đình, vì gia đình là trường học đầu tiên, nơi hình thành nhân cách và là nơi định hướng cho tương lai của một con người.

14- Gia đình và việc giáo dục đức tin.

«Cha mẹ được mời gọi để biến tình thương con cái thành dấu chỉ hữu hình cho chúng nhận ra được tình yêu của Thiên Chúa là "nguồn gốc mọi tình phụ tử trên trời đưới đất" (Ep 3,15)» (Tông Huấn Gia Đình, số 14). Thiên chức làm cha mẹ nhắn nhủ những bậc phụ huynh có trách nhiệm thông truyền đức tin cho các thế hệ kế tiếp. Chính cha mẹ là những giáo lý viên đầu tiên cho con cái. Hãy giới thiệu cho con cái biết Thiên Chúa ngay khi con còn bé qua những lời nguyện bập bẹ đơn sơ và cử chỉ đơn giản (làm dấu Thánh Giá, vòng tay, cúi đầu...). Những lời cầu nguyện ngắn gọn, những nội dung giáo lý căn bản, những câu chuyện lấy từ Thánh Kinh, nếu được cha mẹ ân cần chỉ bảo, sẽ tạo nơi các em một nền tảng giáo lý vững chắc và một đời sống thiêng liêng sâu đậm sau này. Trách nhiệm của cha mẹ không dừng lại ở đó, mà còn thể hiện qua việc hướng dẫn, nhắc nhở con em mình đi học giáo lý, tham gia các hội đoàn đạo đức để trưởng thành hơn trong đời sống đức tin.

Hình ảnh một gia đình công giáo Việt Nam được ghi đậm nét do việc mọi thành viên cùng cầu nguyện chung với nhau. Giờ cầu nguyện chung giúp các thành viên trong gia đình gần gũi và có trách nhiệm với nhau hơn. Cầu nguyện chung là yếu tố quan trọng giúp hòa giải những mâu thuẫn gia đình và làm cho mọi người dễ tha thứ cho nhau.

Sinh hoạt đạo đức này đang bị mai một vì nhiều lý do, nhất là vì công việc, vì học hành, vì không cùng tôn giáo trong một gia đình, vì ham mê giải trí. Chúng tôi kêu gọi anh em Linh mục, các bậc phụ huynh và những cộng sự viên tông đồ hãy nhiệt thành cổ võ và khôi phục việc đọc kinh tại gia đình. Những câu kinh lời nguyện, những bài đọc Lời Chúa, nếu được thực hiện thường xuyên trong gia đình sẽ tạo nơi giới trẻ một thói quen cầu nguyện. Những thực hành đạo đức ấy sẽ theo các em suốt đời, kể cả khi các em rời xa gia đình để sống tại một môi trường khác. Lời cầu nguyện mỗi ngày vang lên từ gia đình, sẽ làm tăng thêm hạnh phúc và niềm vui, vì qua những sinh hoạt đạo đức này, chúng ta làm cho gia đình trở nên đền thờ của Thiên Chúa Tối Cao.

15- Gia đình và việc giáo dục đức ái.

Với những khủng hoảng gia đình trong xã hội hôm nay, chúng ta cần ý thức rằng từ ban đầu gia đình là cấu trúc của tình yêu và gia đình theo đúng thánh ý Chúa phải tồn tại và phát triển trong tình yêu. Do đó gia đình phải là môi trường giáo dục đặc biệt về tình yêu. Giáo dục đức tin phải đi đôi với giáo dục đức ái. Cần giáo dục tình yêu cho con cái biết yêu thương hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, biết yêu thương kính trọng bà con họ hàng, biết yêu thương và kính trọng mọi người. Cũng cần giáo dục con cái biết yêu thương, tôn trọng, nâng đỡ và hy sinh cho nhau. Con người không biết sống yêu thương trong gia đình thì không thể biết sống yêu thương đúng nghĩa trong các môi trường xã hội. Việc giáo dục tình yêu cần phải kiên nhẫn và nhất là cần đến gương yêu thương giữa cha mẹ, giữa vợ chồng. Gương mẫu của giáo dục tình yêu chính là Thánh Gia, cao hơn nữa chính là gương Chúa Giêsu yêu thương và phục vụ Hội Thánh, yêu thương và hy sinh đến chết vì mỗi người chúng ta. Thật lý tưởng khi mọi thành viên trong gia đình đều cảm nhận sâu xa là mình được mọi người trong gia đình yêu thương và tình yêu của mình được mọi người đón nhận, đáp trả.

16- Gia dình và việc dạy con cái sống theo lương tâm và sự thật.

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI khẳng định rằng: “Nếu tiến bộ kỹ thuật không đi đôi với tiến bộ trong việc giáo dục đạo đức con người, trong sự tăng trưởng con người nội tâm, thì đó chẳng phải là một sự tiến bộ, nhưng lại là một mối đe dọa đối với con người và thế giới“ (Thông điệp Spe Salvi, số 22). Theo đó, lương tâm ngay chính và đời sống nội tâm sâu xa là yếu tố căn bản cho sự bền vững và phát triển của xã hội. Những hoạt động xã hội, văn hóa, chính trị đều phải xây dựng trên nền tảng lương tâm ngay chính mới mang lại hiệu quả tích cực. Gia đình là môi trường quan trọng và không thể thay thế cho việc huấn luyện này. Người cha người mẹ chính là những nhà huấn luyện lương tâm cho thế hệ tương lai.

Để cho việc huấn luyện lương tâm có hiệu quả, cần phải có sự cộng tác của mọi thành phần Giáo Hội và xã hội, vì xã hội được coi như sự nối dài của gia đình trong sứ mạng giáo dục. Thật là mâu thuẫn nếu trong nhà cha mẹ dạy con thật thà mà ra khỏi gia đình cha mẹ lại gian lận dối trá đối với những người xung quanh. Gương sáng của cha mẹ và những bậc cha anh đóng vai trò quan trọng để giáo dục lương tâm cho những thế hệ nối tiếp. Dân tộc và Giáo Hội Việt Nam trong tương lai sẽ ra sao nếu thế hệ hôm nay bàng quan nhắm mắt trước sự man trá lừa lọc? Đó là câu hỏi khiến cho các bậc phụ huynh, các giới hữu trách giáo dục phải đặt ra một cách nghiêm túc để kịp thời tìm biện pháp cứu vãn tình thế.

17- Gia đình và việc giáo dục các đức tính nhân bản.

Do đời sống công nghiệp và đô thị phát triển, con người thời nay có nguy cơ sống khép kín, thiếu tình yêu và thiếu quan tâm đến tha nhân. Gia đình là môi trường thuận lợi giúp cho các thành viên sống tình liên đới, vị tha, hài hòa và quảng đại.

Khi chú trọng giáo dục cho con cái những đức tính nhân bản như khôn ngoan, công bằng, can đảm và tiết độ, các bậc phụ huynh đang huấn luyện con cái mình “thành người“. Giáo dục nhân bản còn nhằm huấn luyện con người có trách nhiệm đối với tha nhân và công ích, góp phần bảo vệ và phát triển cuộc sống xã hội, tôn trọng thiên nhiên, cổ võ những hoạt động bác ái. Việc vận động mọi thành viên trong gia đình cùng tham gia vào mọi sinh hoạt văn hóa lành mạnh, cũng là đường lối sư phạm cụ thể và hiệu quả để giáo dục nhân bản cho thế hệ tương lai.

18- Gia đình và sứ mạng tôn trọng, bảo vệ sự sống.

Thánh Kinh nói với chúng ta rằng Thiên Chúa là Đấng hằng sống. Ngài chia sẻ và thông ban sự sống cho con người, vì con người được tạo dựng giống hình ảnh của Ngài (x. St 1,27). Chính Thiên Chúa chúc lành và nâng niu sự sống con người ngay từ lúc vừa được hình thành trong lòng mẹ. Đến lượt mình, con người được cộng tác với Thiên Chúa để thông ban sự sống mình đã nhận. Mặc dù có khả năng thông truyền sự sống, con người không có quyền hủy hoại sự sống của mình. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết: “Sự sống của con người là thánh thiêng, nó mang tính bất khả xâm phạm được khắc ghi trong lòng người, trong lương tâm con người“ (Thông điệp Tin Mừng sự sống, số 40). Vì sự sống là ân ban của Thiên Chúa, là vốn quý giá nhất của đời người, nên ’Sự sống con người phải được tôn trọng và bảo vệ một cách tuyệt đối từ giây phút thụ thai“ (Sách GLGHCG, số 2270). Con người dù đẹp hay xấu, dù thông minh hay tối dạ, đều là người đã được Thiên Chúa dựng nên và được Ngài yêu thương. Sự sống của người ấy nằm trong tay Thiên Chúa và Con Thiên Chúa đã chết trên thập giá cho người ấy. Do đó, những can thiệp của khoa học nhằm lựa chọn giới tính, những hành vi giết người như phá thai, làm chết êm dịu... đều đi ngược với phẩm giá con người và chống lại Thiên Chúa, vì chúng biến con người thành một thứ hàng hóa hay một sản phẩm thay vì là một sinh linh cao quý mang hình ảnh của Đấng Tối Cao. Những lớp giáo lý hôn nhân cần phải giúp học viên hiểu rõ giáo huấn này. Các bậc làm cha mẹ cũng cần phải hiểu biết để dạy con cái mình tôn trọng sự sống.

19- Năm Thánh Phaolô và giáo dục gia đình.

Nói về giáo dục gia đình, chúng ta không thể không nhắc đến Thánh Phaolô, đặc biệt năm nay Giáo hội kỷ niệm sinh nhật thứ 2000 của Ngài. Giáo huấn của Thánh Phaolô về gia đình mở ra cho ta những chân trời mới khi mặc cho gia đình những chiều kích sâu xa: chiều kích Ba Ngôi và vĩnh cửu.

Theo Thánh Phaolô, mỗi một con người ra đời được kêu gọi vào sự sống “trong chân lý và tình yêu’’ (Ep 4,15). Sự kêu gọi đó không chỉ liên hệ đến cuộc sống trần gian nhưng còn hướng tới sự sống vĩnh cửu. Thiên Chúa Cha chính là nguồn gốc của mọi gia tộc trên trời dưới đất, là tình phụ tử mẫu mực tuyệt hảo (x.Ep 3,14-15). Mang mẫu mực tuyệt hảo đó trong mình, Kitô hữu, xuất phát từ gia đình, lên đường xây dựng một nền văn minh tình thương nhờ tình yêu “Thánh Thần đổ lai láng trong lòng chúng ta’’ (Rm 5, 5), giúp con người có thể kiên tâm phục vụ và “chịu đựng tất cả’’ (1 Cr 13, 7). Tuyệt vời hơn cả là nhờ Đức Kitô, nền giáo dục của con người được diễm phúc mang chiều kích cứu độ và đạt đến đỉnh điểm của nhân tính nơi mầu nhiệm Phục sinh (x.Ep 3, 14-15).

Với những lời khuyên chi tiết cho từng thành viên của gia đình trong thư gửi cộng đoàn tín hữu Êphê-sô (x. Ep 5-6), Thánh Phaolô cho chúng ta thấy một quan niệm và giáo huấn của Ngài về h?nh phc gia đình. Một gia đình có nề nếp, trên kính dưới nhường không những chỉ là một tổ ấm yêu thương, mà còn phản ánh tình yêu của Đức Kitô đối với Giáo Hội. Các thành viên trong gia đình cần hy sinh cho nhau, trong tâm tình của Đức Giêsu Đấng đã hy sinh và hiến mình cho Giáo Hội. Đó là khởi điểm của hạnh phúc và là điều kiện để đạt tới sự trọn lành.

Tóm lại, theo Thánh Phaolô, qua gia đình và giáo dục theo tinh thần Tin Mừng, con người vừa xây dựng xã hội trần gian cách tích cực, vừa chu toàn được sứ mệnh xây dựng Giáo Hội và cuối cùng được siêu thăng cùng với Đức Kitô toàn thắng.

LỜI KẾT

20- Với những điều nói trên, chúng tôi mời gọi mọi thành phần Dân Chúa hãy cộng tác trong việc vun trồng những thế hệ tương lai. Nếu gia đình là nhân tố quyết định sự tồn vong của Giáo Hội và xã hội, thì việc đầu tiên chúng ta phải nghĩ tới là củng cố và thăng tiến gia đình, để bảo đảm cho hôn nhân và gia đình có được sức sống yêu thương tràn đầy và sự thăng tiến về nhân bản cũng như lòng đạo đức.

Chúng ta phó thác những dự tính mục vụ năm nay noi lời bầu cử của Thánh Cả Giuse và Đức Maria. Các Ngài là những bậc cha mẹ gương mẫu, luôn biết đón nhận thánh ý Chúa và đem ra thực hành. Trong gia đình Nazareth mọi thành viên đều tôn trọng nhau, mong muốn cho nhau điều tốt và cùng nhau thực hiện ý của Cha trên trời. Thánh Giuse và Đức Maria là những nhà giáo dục tài giỏi đã chu toàn sứ mạng được trao phó trong sự khôn ngoan và trung tín. Xin các Ngài chuyển cầu và luôn phù trợ cho các gia đình chúng ta.

Kính chúc anh chị em được tràn đầy ân sủng của Thiên Chúa, luôn hạnh phúc và bình an.

Hà Nội ngày 05 tháng 12 năm 2008

TM/HĐGMVN
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch
Gm.Giuse Ngô Quang Kiệt, Tổng thư ký

Ghi chú:
Trong Năm Thánh Phaolô và theo lời khuyến khích của Thượng Hội Đồng Giám mục thế giới về “ Lời Chúa trong đời sống và sứ vụ của Giáo Hội “, chúng tôi ghi lại một số bài đọc Lời Chúa trích từ các thư của Thánh Phaolô, để anh chị em có thể đọc, suy gẫm và cầu nguyện cho đời sống hôn nhân và gia đình:

- Rm 8, 31-39. “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô “.
- Rm 12, 1-2.9-18. “Hãy hiến thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Chúa “.
- Rm 15,1-3.5-7.13. “ Anh em hãy đón tiếp nhau như Đức Kitô đã đón tiếp anh em “.
- 1 Cr 6,13- 20. “ Thân xác anh em là đền thờ Chúa Thánh Thần “.
- 1 Cr 12,31-13,8.“ Nếu tôi không có đức ái, thì cũng chẳng ích gì cho tôi “.
- 1 Cr 13, 4-13. “ Bác ái tin mọi sự, chịu đựng mọi sự “.
- Ep 4, 1-6. “ Chỉ có một thân thể và một linh khí “.
- Ep 5,2.21-33. “ Mầu nhiệm này thật lớn lao; tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội thánh “.
- Pl 2, 1-5. “ Hãy có cùng một cảm nghĩ “.
- Pl 4, 4-9. “ Thiên Chúa bình an sẽ ở cùng anh em “.
- Cl 3,12-17. “ Trên hết những điều ấy, anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây liên kết điều toàn thiện “.
- Dt. 13,1- 6. “ Mọi người hãy tôn trọng hôn nhân”.