Thứ Năm, 9 tháng 10, 2008

Nghĩ Về Chữ Hiếu Trong Truyền Thống Tôn Giáo Và Văn Hóa Việt Nam (3)

III.- Chữ hiếu trong nền văn học Việt Nam
Trong gia đình cũng như ngoài xã hội Việt Nam, qua giao tiếp giữa người này với kẻ khác, vấn đề trung, tín, hiếu, để luôn luôn là chuẩn mực để đánh giá tư cách con người, bởi thế mà tục ngữ Việt Nam có câu: “Hùm chết để da, người ta chết để tiếng”. Dĩ nhiên tiếng ở đây gồm hai lãnh vực tốt và xấu trong đó vấn đề chữ hiếu.

3.1. Các chứng liệu chữ hiếu trong văn chương bình dân và bác học
Dân tộc Việt Nam vốn là dân tộc hiếu đễ, tôn trọng luân thường đạo lý, kính trọng tổ tiên, ông bà, cha mẹ nên trong các hình thức văn chương bình dân như ca dao, tục ngữ những vấn đề đạo đức, luân lý cũng được nói đến với tất cả sự đề cao, trân trọng:

Công cha như núi Thái sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con

Hoặc:

Lên non mới biết non cao,
Nuôi con mới biết công lao mẫu từ.

Hay là so sánh:

Mẹ nuôi con bằng trời bằng bể,
Con nuôi mẹ con kể từng ngày.

Công ơn cha mẹ thể hiện từ khi sinh ra, thời gian đi học cho đến tuổi trưởng thành: Con học, thóc vay.

- Gia cảnh dù túng thiếu, cha mẹ vẫn chạy vạy chỗ này chỗ nọ để có phương tiện nuôi cho con đi học. Con đóng khố, bố cởi truồng.
- Sự hy sinh về vật chất để cho con cái đầy đủ. Con lên ba cả nhà học nói.
- Niềm vui và sự cộng tác của mọi người để dạy con. Cá không ăn muối cá ươn, con cưỡng cha mẹ trăm đường con hư.
- Kinh nghiệm khôn ngoan học hỏi ở cha mẹ để tránh được thất bại mà đạt đến thành công. Cơm cha áo mẹ ăn chơi, Cất lấy cơm người đổ bát mồ hôi.
- Thừa hưởng công sức của cha mẹ một cách vô tình trong khi gặp cảnh khó khăn, cô đơn lẻ loi thì phải làm cật lực mới có cái ăn. Còn cha ăn cơm với cá, còn mẹ liếm lá ngoài cửa.
- Nói về khả năng nuôi con cái của cha hay mẹ. Con có cha như nhà có nóc.
- Nói về sự vững vàng khi con còn có cha. Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn.
- Sự hy sinh chẳng quản đến thân mình của người mẹ.

Con ơi mẹ bảo đây này
Học buôn học bán cho tày người ta,
Con đừng học thói chua ngoa
Bạn bè khinh dể, người ta chê cười.

Ca dao khuyên răn:

Ðói lòng ăn đọt chà là
Ðể cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng.

Kho tàng tục ngữ ca dao của dân tộc còn có rất nhiều câu nói phản ảnh tinh thần hiếu đạo và mối liên hệ giáo huấn của cha mẹ đối với con cái. Những câu nồng nàn lòng yêu thương và niềm cảm mến nuối tiếc của con cái đối với bậc cha mẹ khi những người thân này đã khuất bóng:

Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Ngó về quê mẹ ruột đau chín chìu

Cốt lõi của hiếu đạo là:

Thờ cha mẹ ở hết lòng
Ấy là chữ hiếu dạy trong luân thường.
Chữ để nghĩa là nhường,
Nhường anh, nhường chị lại nhường người trên.
Ghi lòng tạc dạ chớ quên,
Con em phải giữ lấy nền con em.

Ðối với các bậc trí thức khoa bảng Việt Nam trước đây, việc trứ thuật các tác phẩm nhắm mục đích giáo dục tinh thần hiếu đễ cho con em được xem như là một trong những chủ đích của mình. Các tác phẩm văn học nổi tiếng như Ðoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du, Lục Vân Tiên của Nguyễn Ðình Chiểu cũng được xây dựng trên chủ đề chữ hiếu. Sau đây là điển hình một số tác giả có tác phẩm viết về vấn đề chữ hiếu, đạo hiếu.

Nguyễn Trãi là một bậc khai quốc công thần của nhà Hậu Lê. Ông sinh năm 1380, quán làng Nhị Khê, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Ðông, con trai Nguyễn Ứng Long tức Nguyễn Phi Khanh, đỗ Thái học sinh (tiến sĩ) năm 21 tuổi,ra giúp Lê Lợi khoảng năm 1421, giữ các việc tham mưu và viết các thư từ trọng đại cho lê Lợi trong việc xử trí với quân Minh. Khi Lê Lợi lên ngôi, ông được phong tước Quan Phục hầu, làm Nhập Nội Hành Khiển dưới thời Lê Thái Tông. Sau ông bị gặp phải vụ án Nguyễn Thị Lộ mà bị tru di tam tộc năm 1442. Tác phẩm ông để lại có rất nhiều loại viết bằng chữ Hán gồm Quân trung từ mệnh tập, Dư địa chí, Ức trai thi tập; Văn loại trong số đó có tập Gia Huấn Ca (bài hát dạy người nhà) vẫn truyền là của ông soạn ra, nhưng không được chắc lắm.

a) Tập này có sáu bài ca: 1. Dạy vợ con; 2. Dạy con ở cho có đức; 3. Dạy con gái; Vợ khuyên chồng; 5. Dạy học trò ở cho có đạo; 6. Khuyên học trò phải chăm họ.

b) Các bài ca viết theo thể lục bát, nhiều khi đặt xen những câu bảy chữ.

c) Chủ ý tác giả là đem các điều cốt yếu, trong luân thường diễn ra lời nôm cho đàn bà trẻ con đọc.

d) Lời văn bình-thường, giản-dị, lưu-loát êm-ái. Nếu tập ấy thật của Nguyễn-Trãi soạn ra, thì văn nôm của ta về đầu thế-kỷ thứ XV cũng không khác nay mấy, chỉ thỉnh-thoảng có một vài chữ nay ít dùng. (26)

Ðặt ra ngoài tính cách nghi ngờ về tác giả sách Gia huấn ca, chúng ta cũng nhận chân được ý thức về giá trị của tinh thần hiếu đạo mà người xưa thường quan niệm.

Một danh sĩ thời Nguyễn, Lý Văn Phức (1785-1849) người làng Hồ khẩu, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Hà Ðông, làm quan trải ba triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Ðức, nhiều lần đi sứ các nước lân cận, đã sáng tác nhiều sách vở bằng Hán văn như Việt Hành Ngâm, Việt Hành Tục Ngâm, trong số đó có tập Nhị Thập Tứ Hiếu nói về 24 người con có hiếu ở bên Tàu. “Lý Văn Phức là một nhà luân lý muốn đem các điều luân thường đạo lý để khuyên răn người đời. Tác phẩm “Nhị Thập Tứ Hiếu” (416 câu thơ song thất lục bát) đã thành một cuốn gia-huấn ca được phổ cập rộng rãi trong dân chúng.” (27)

Trong thế kỷ trước, tác phẩm Nhân Thế Tu Tri do Cao Xuân Dục (1842-1923), Phó tổng tài Quốc sử quán triều Thành Thái biên soạn bằng Hán văn theo lời đề nghị của Diên Lộc Quận Công Nguyễn Thân năm 1899 và in năm Thành Thái thứ 14 (1902), bản dịch do Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2001 với nhan đề Người Ðời Nên Biết có ghi “Chủ đề của tác phẩm là làm sáng tỏ luân thường nhân sinh, việc học làm người, phép lập thân xử thế. Sách tập trung vào những điều thiết yếu có quan hệ đến nhật dụng nhân sinh thông qua các lời đã chép, việc đã làm rút trong Kinh, Sử, Tử, Tập...” Những lời châm ngôn, những tấm gương hiếu đễ, những lời khuyến thiện trừng ác của Trung Hoa, của Việt Nam, những việc làm tốt đẹp của các danh nhân liệt nữ đều được biên tập lại trong sách này có thể coi đây là một hệ thống quy phạm đạo đức chính thống triều Nguyễn (28).

Ngoài ra, một vị linh mục Công giáo mà công trình kiến trúc nhà thờ Phát Diệm của ông đã nêu phương danh lại cho hậu thế đó là Linh mục Trần Lục hay còn gọi là Cha Sáu hoặc Père Six vốn là Khâm sai đại thần dưới triều vua Tự Ðức cũng đã để lại một công trình trứ tác văn chương nổi tiếng về vấn đề giáo dục chữ hiếu. Linh mục Trần Lục nguyên quán làng Mỹ Quan, tổng Cao Vĩnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, sinh năm 1825, đi tu năm 1845 tại chủng viện Vĩnh Trị, năm 1860 thụ phong linh mục, từng làm Gia lễ bộ Tham tri, Khâm sai Tuyên phủ sứ của vua Ðồng Khánh, Lễ bộ Thượng thư của vua Thành Thái. Ngài mất năm 1899. Tác phẩm của linh mục Trần Lục Sách thuật lại ít nhiều ca vè gồm có ba tác phẩm có tên Hiếu tự ca (1088 câu), Nữ tắc thường lễ (1016 câu), Nịch ái vong ân (440 câu).

“Hiếu tự ca nói về chữ hiếu của người Việt Nam, đối với cha mẹ và tổ tiên. Tất cả là người đã sinh ra đều mang nợ với tổ tiên và cần báo đền.

Mấy lời hiếu tự nói qua,
Ðể cho ai nấy trẻ già nhớ ơn.
Làm người sống ở thế gian,
Ai không đội đức cao san nặng dày.” (29)

“Nữ tắc thường lễ là bài chỉ dẫn những nguyên tắc, những điều thông thường cho thanh thiếu nữ cần biết trở thành người lương thiện và giáo dân đạo hạnh. Cụ Sáu đưa ra tám điều trong sinh hoạt hằng ngày của người con gái để sống: thảo kính cha mẹ, lo liệu công việc nhà, giao tiếp xã hội bên ngoài, dáng điệu đi đứng, cử chỉ khi ngồi, lời ăn tiếng nói, cách thức trang phục và trau dồi nghề nghiệp. Tất cả dựa theo đạo tam tòng: phụ phu tử và tứ đức: công dung ngôn hạnh.

Sinh mà không dạy khác gì,
Như loài mục súc ngu si quê mùa.
Dạy con thì dạy đầu sơ,
Ðang khi còn bé dạy thì dễ in.
Lòng như giấy trắng nguyên tuyền,
Ta mà muốn vẽ đỏ đen khó gì.
Nữ nhi bay cũng phải suy,
Cá không ăn muối ắt thì cá ươn.” (30)

“Nịch ái vong ân là bài học dành cho thanh niên. Ðến tuổi trưởng thành lập nghiệp có gia đình, người thanh niên nên biết khéo sống với vợ, và khôn với cha mẹ hai bên. Muốn có người vợ ăn kiếp ở đời với mình phải lựa chọn, đắn đo, bàn tính trước sau, không vội vàng bừa bãi mà ân hận suốt đời.

Dạy con từ thuở lên ba.
Dạy vợ khi mới về nhà làm dâu. (17-18)

Cả vợ chồng việc làm đầu tiên là thảo kính tứ thân phụ mẫu tùy khả năng.

Tứ thân cha mẹ bình an,
Ði thăm về viếng hỉ hoan tươi cười.
Canh riêu miếng lạt miếng tươi,
Liệu chừng thay đổi cho người bổ lao.
Lúc người yếu đuối liệt lào,
Trông nom chớ để giờ nào qua không.” (31)

Tóm lại, tác phẩm chủ yếu vẫn là Hiếu Tự Ca là tập thơ “diễn tả những tâm tình, những sự kiện liên quan đến lòng hiếu thảo xảy ra hằng ngày trước mắt đại chúng. Chữ Hiếu trong Khổng học, chữ Hiếu trong Thiên chúa giáo, và chữ Hiếu trong niềm tin phổ thông nơi đại chúng, trước ba lựa chọn ấy, Cha Sáu và dân con vùng Phát Diệm, qua Hiếu Tự, đã chấp nhận lựa chọn thứ ba, chỉ vì lựa chọn ấy sẽ cung ứng nhiều phương án hợp cảnh, hợp tình hơn.” (32)

3.2. Một vài mẩu chuyện liên quan tới chữ hiếu
Trong kho tàng lịch sử và văn học Việt Nam, chúng ta có thể kiếm ra rất nhiều tấm gương hiếu thảo đức hạnh của biết bao anh hùng, danh nhân, liệt nữ chói lọi nghìn thu. Có những mẩu chuyện được truyền lưu trong dân gian ít được sử sách ghi lại. Sau đây chúng tôi xin lược ghi một số chuyển biểu trưng cho những tấm lòng hiếu hạnh đó.

Vua Lê Thánh Tôn hiếu với mẹ

Vua Lê Thánh Tôn là một vị minh quân trong lịch sử Việt Nam, trị vì từ 1460 đến 1497. Dưới thời của ngài, đất nước phát triển về kinh tế, văn học, cương thổ, quân sự. Ngài cũng là người con rất có hiếu. Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi lại rằngá: “Trước đây, hồi tháng 2, Hoàng thái hậu đi lễ lăng về, không may bị bệnh nặng, đến giờ Hợi, ngày 26 tháng nhuận, băng ở chính tẩm điện Thừa Hoa, thọ 76 tuổi. Khi Hoàng thái hậu chưa băng, mùa đông, vua cùng Hoàng thái tử ngày đêm chăm sóc, không lúc nào rời bên cạnh. Khi dâng thuốc thang hay đồ ăn uống, vua nhất định tự mình nếm trước; trong thì kêu với tổ tiên, ngoài thì dốc lòng cầu khẩn, không thần nào là không khấn. Ðến khi hấp hối cũng tự kêu gào, Thái hậu còn nhếch mép một chút, muốn nói để từ giã. Mọi việc mặc áo, khâm liệm, bỏ gạo vào miệng người chết, vua đều tự làm lấy cả để tỏ lòng đau xót.” (33)

Trịnh Kiểm với chuyện ăn cắp gà
Cho đến nay, cuộc đời của nhũng danh nhân lịch sử thường được tô điểm bằng những câu chuyện gọi là giai thoại Trịnh Kiểm là người làng Sóc sơn, huyện Vĩnh lại tỉnh Thanh hóa, có công trong việc trung hưng nhà Lê vào những năm giữa thế kỷ 16. Tương truyền thuở nhỏ Kiểm đã có lần ăn cắp con gà mái của hàng xóm làm thịt cho mẹ ông ăn vì ông vốn rất có hiếu với mẹ nhưng nhà lại quá nghèo. Hàng xóm biết được bắt mẹ ông thả xuống giếng cho chết. Câu chuyện thực hư như thế nào không biết nhưng cũng là yếu tố góp công xây dựng một chút huyền sử cho vị thái sư họ Trịnh này.

Chuyện người giết cọp xứ Quảng
Nguyễn Văn Danh, người Bình Sơn, Quảng Ngãi, lúc đầu thi đỗ tú tái. Cha đi thăm nương bị hổ vồ mang đi. Danh đem người nhà đi tìm thây cha, thấy vết hổ có một dấu chân nhỏ, bèn đo và ghi lại. Sau đó đặt bẫy, ngày đêm chỉ lo việc bắt hổ. Sau bắt được một con hổ chân sau hơi nhỏ, so với kích thước đo thì khớp, lập tức giết hổ lấy tim gan tế trước mộ cha, ăn sống đến hết. Nhân đó mắc bệnh, mỗi khi nói chuyện với người, tiếng rống như hổ. Thiệu Trị năm thứ sáu, được biểu dương. (34)

Lòng hiếu thảo của vua Tự Ðức
Vua Tự Ðức (1847-1883) vốn là người rất có hiếu với mẹ. Mẹ ngài là bà Phạm Thị Hằng tức Ðức bà Từ Dũ, con của ông Phạm Ðăng Hưng là một vị khai quốc công thần thời Gia Long. Vua Tự Ðức thường dành những ngày không thiết triều để viếng thăm mẹ và những điều mẹ ngài dạy ngài đều ghi vào một cuốn sổ gọi là Từ Huấn Lục. Sau đây là một câu chuyện nói về lòng hiếu thảo của nhà vua.

Một hôm vua Tự Ðức đi săn ở rừng Thuận trực ở phía thượng nguồn sông Lợi Nông, cách kinh thành Huế khoảng 15 cây số. Gặp lúc trời mưa lụt nên nhà vua không về được mà chỉ còn hai ngày nữa là ngày kỵ của vua cha là Thiệu Trị. Bà Từ Dũ bèn sai Nguyễn Tri Phương đi tìm đón rước về. Dọc đường hai bên gặp nhau nhưng vì nước sông chảy mạnh quá nên thuyền không thể đi nhanh được mà tối đến mới về tới kinh thành. Vua Tự Ðức vội vã bất chấp trời mưa đến trình diện mẹ mình xin chịu tội. Bà Từ Dũ ngồi quay mặt vào trong, im lặng không nói gì. Vua Tự Ðức bèn lấy một cây roi mây dâng lên mẹ và đặt nơi trường kỷ rồi lặng lẽ nằm xuống khẩn khoản xin chịu tội. Bà mẹ bấy giờ mới quay lại lấy tay hất cây roi mây rồi nói: “Thôi tha cho, đi chơi để cho quan quân cực khổ thì phải ban thưởng cho người ta.” (35)

Câu chuyện hoàng tử Lý Long Tường
Câu chuyện sau đây có tính cách thời sự và đặc biệt nối kết con người hiện tại với quá khứ cách đây hơn tám trăm năm.

Năm 1225, do âm mưu sắp đặt của Trần Thủ Ðộ, ngai vàng họ Lý bị chuyển sang tay họ Trần do việc Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Trần Thủ Ðộ tiến hành việc tận diệt dòng dõi nhà Lý, giết vua Lý Chiêu Tông, cùng sát hại toàn bộ tôn thất nhà Lý. Hoàng tử thứ hai là Lý Long Tường, con vua Lý Anh tông (1136-1175) và là em của Lý Long Trát (tức Lý Cao Tông 1175-1210) biết rõ nếu chần chừ trước sau cũng bị hại về tay Trần Thủ Ðộ. “Lý Long Tường đau xót trước sự sụp đổ của vương triều Lý và lo lắng tông miếu bị hủy bỏ, không ai thờ cúng tổ tiên. Năm 1226, ông đem theo đồ thờ của tổ tông, chạy về phía đông dùng thuyền vượt biển ra nước ngoài... thuyền của ông cuối cùng đã vượt qua biển cả mênh mông, đến sông Phú Lương huyện Bồn Tân phía tây nước Cao Ly và ông đã cư trú tại Trấn Sơn phía nam phủ thành.” (36). Vua phát hiện ra hoàng tử An Nam bèn cấp đất lập cho thái ấp tên Hoa Sơn. Tại đây hoàng tử Lý Long Tường đã góp sức đánh bại quân Nguyên bằng sức mạnh và mưu trí trong rất nhiều trận chiến khiến cho vua Cao Ly rất cảm phục. Dù xa quê nhưng Lý Long Tường vẫn luôn nhớ về quê cũ nên được vua Cao ly xây cho Vọng quốc đàn trên đỉnh Hoa Sơn để ngày ngày ông lên đó hướng về phía nam mà lắng lòng trầm tư. Vua Cao Ly ban quan tước, cấp thêm 30 dặm vuông đất và nhân khẩu 20 hộ cho ông làm thái ấp để thờ cúng tổ tiên.

Sau chiến tranh, Hoàng Tử Lý Long Tường mở trường dạy học, dựng đài bình văn, lập đền thờ các bậc thánh hiền, học trò có nhiều người đỗ đạt. Con cháu ông dần dà sinh sôi nảy nở trên đất CHDCND Triều Tiên và ở Hàn Quốc, riêng ở đây có khoảng 200 hộ với trên 600 người. Gia phả của dòng họ gọi là Hoa Sơn Lý thị tộc phổ ghi chép được 32 đời kể từ đời vua Lý Thái tổ (Lý Công Uẩn). Các di tích của dòng họ Lý tại Hàn Quốc cho đến nay vẫn được gìn giữ cẩn thận chẳng hạn như ngôi mộ của Lý Long Tường dưới chân núi Di Ất phía tây phủ thành Bồn Tân 10 dặm, di tích Thụ hàng môn và tấm bia Thụ hàng môn kỷ tích bi, di tích thành lũy và dinh quán của Hoa Sơn Quân. Năm 1994, một người cháu đời thứ 26 của hoàng tử Lý Long Tường là Lý Xương Căn đã từ Hàn Quốc tìm về cố hương là làng Ðình Bảng thăm viếng và hội ngộ lại với tổ tiên, dòng tộc theo lời căn dặn của tiền nhân.

Trong tác phẩm Ðường Hy Vọng biên soạn trong một hoàn cảnh rất đỗi khó khăn của tác giả, Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận (1928-2002) có viết: “Gia đình là một “trung tâm ánh sáng”, đem ngọn lửa hồng đốt sáng nóng kẻ khác. Ngày nào mỗi gia đình là “một trung tâm ánh sáng”, thế giới này sẽ là một đại gia đình, đầy ánh sáng, đầy hy vọng”. (37)

Nhân mùa Vu Lan, thử suy tư về một vài quan điểm tôn giáo bàn về chữ hiếu với ước mong hiếu đạo là căn bản vững chắc của mọi sinh hoạt gia đình Việt Nam ở hải ngoại cũng như trong nước qua mọi thời đại và mọi người đều có bổn phận giữ cho cái căn bản đó (trung tâm ánh sáng) tồn tại mãi mãi và soi sáng đến muôn đời!

Nguyễn Ðức CungNew Jersey, August, 10, 2008

Chú thích:
1.- Dr. L. Wieger, S.J, Chinese Characters, Paragon Book Reprint Corp., New York Dover Publications, Inc., New York, trang 88.
2.- Nguyễn Ðăng Duy, Văn hóa tâm linh, Nhà xuất bản Hà Nội, 1998, tr. 167.
3.- Thiều Chửu, Hán Việt tự điển, Nhà xuất bản Ðại Nam, trang 137. Ðào Duy Anh, Hán Việt từ điển, Nhà xuất bản Tràng Thi, Sài Gòn, 1957, trang 361.
4.- Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước, Huấn Ca, Tòa Tổng Giám Mục Thành Phố Hồ Chí Minh, 1998, trang 1282.
5.- Nhóm Phiên Dịch, Sách đã dẫn, tr. 1871.
6.- Nhóm Phiên Dịch, Sđd, tr. 2196.
7.- Nguyễn Phương, Cha Ðắc-Lộ với sự thành lập Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, Tạp chí Ðại Học, năm thứ tư, 1961, số 1 kỷ niệm giáo sĩ Ðắc Lộ, tr. 71. Phan Phát Huồn, Việt Nam Giáo Sử, tập I, Cứu Thế xuất bản, Sài Gòn 1965, bản in lần thứ hai, tr. 35.
8.- Ngô Nhân Dụng, bài Thực vi văn hiến chi bang, Thế kỷ 21, số 161, September, 2002, tr. 10-11.
9.- Lê Ngọc Bích, Nhân Vật Giáo Phận Huế, Tập I, 2000, tr. 347.
10.- Dương Quảng Hàm, Việt Nam Văn Học Sử Yếu, Bộ Giáo Dục, Trung Tâm Học Liệu Xuất Bản, in lần 10, 1968, tr. 58.
11.- Nguyễn Ðăng Thục, Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam, Tập II, Nhà xuất bản Thành Phố Hồ Chí Minh, 1998, tr. 117.
12.- Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Tập I, Lá Bối xuất bản, 1973, tr. 39.
13.- Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật Giao Việt Nam, Nxb. Thành Phố HCM, tập I, tr. 31
14.- Chu Văn Sơn, Angkor - những đối cực của cái đẹp, Talawas, ngày 5.1.2007.
15.- Stephen Oppenheimer, Eden in the East, The Drơned Continent of Southeast Asia, Phoenix, 2001, tr. 91.
16.- Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Tập II, Lá Bối xuất bản, 1973, tr. 64.
17.- Hòa thượng Thích Thiện Hoa, Phật Học Phổ Thông, quyển I, Thành Hội Phật Giáo Thành Phố Hồ Chí Minh ấn hành, 1992, tr. 231.
18.- Thích Thanh Kiểm, Lịch Sử Phật Giáo Trung Quốc, Nhà xb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2001, tr. 139.
19.- Nguyễn Lang, Sđd, tập II, tr. 79. Nguyễn Ðăng Thục, Quan Âm Thị Kính, Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam, Tập I, Nhà xuất bản Thành Phố Hố Chí Minh, 1998, trang 374-391.
20.- Nguyễn Lang, Sđd, tập II, tr. 83. Nguyễn Ðăng Thục, Sự Tích Phật Bà Chùa Hương Tích, Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam, Tập I, Nhà xuất bản Thành Phố Hồ Chí Minh, 1998, trang 357-373.
21.- Nguyễn Hữu-Tiến và Nguyễn Ðôn-Phục dịch Luận Ngữ (Thiên Vi chính, Chương V-VIII, trích trong Việt Nam Văn Học Sử Yếu của Dương Quảng Hàm, Bô Giáo Dục, Trung Tâm Học Liệu Xuất Bản, bản in lần 10, 1968, tr. 42.
22.- Trần Trọng Kim, Nho Giáo, quyển thượng, Bộ Giáo Dục, Trung Tâm Học Liệu Xuất Bản, 1971, tr. 106.
23.- Trần Trọng Kim, Sđd, tr. 107.
24.- Trần Trọng Kim, Sđd, tr. 107.
25.- Hồ Thích, Trung Quốc Triết Học Sử, bản dịch Huỳnh Minh Ðức, Khai Trí xuất bản, 1970, tr. 261-262.
25.- Dương Quảng Hàm, Sđd, tr. 270.
27.- Nguyễn Huyền Anh, Việt Nam Danh Nhân Từ Ðiển, Cơ sở xuất bản Zieleks, tr. 176.
28.- Tuyển Tập Cao Xuân Dục, Tập 1, Người Ðời Nên Biết (Nhân Thế Tu Tri), Trần Lê Sáng, Phạm Kỳ Nam dịch, Nhà xuất bản Văn Học, 2001, tr. 7-8.
Muốn hiểu thêm về tác phẩm Người Ðời Nên Biết tức Nhân Thế Tu Tri của Cao Xuân Dục xin đọc thêm Nguyễn Ðức Cung, Diên Lộc Quận Công Nguyễn Thân, Nhà xuất bản Nhật Lệ, Philadelphia, Hoa Kỳ 2002, tr. 394-408.
29.- Phạm Bá Nha, Ðọc tác phẩm “ Sách thuật lại ít nhiều ca vè”, bài trích trong Trần Lục do một Ban Biên Tập ấn hành tại Canada, 1996, tr. 143.
30.- Phạm Bá Nha, Bài đã dẫn, tr. 146.
31.- Phạm Bá Nha, Bài đã dẫn, tr. 151.
32.- Phạm Xuân Thu, Tìm hiểu “Hiếu Tự Ca” của Cha Sáu Trần Lục (1825-1899), bài trích trong Trần Lục do một Ban Biên Tập ấn hành tại Canada, 1996, tr. 179.
33.- Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư, Bản kỷ thực lục, quyển XIII, kỷ nhà Lê, Viện Khoa Học Xã Hội, Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1998, tr. 514.
34.- Tuyển Tập Cao Xuân Dục, Sách đã dẫn, tr. 245.
35.- Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, bản in lần VI, Tân Việt, Sài Gòn, tr. 471.
36.- Phan Huy Lê, Họ Lý Hoa Sơn, một họ Lý gốc Việt ở Hàn Quốc, bài trích trong Tìm Về Cội Nguồn, Tập II, Nhà xuất bản Thế Giới, Hà Nội, 1999, trang 432-440. Một số báo xuân trong nước như Tuổi Trẻ, Thanh Niên trước đây cũng có vài bài tường thuật về sự kiện lịch sử này.
37.- Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận, Ðường Hy Vọng, Kinh Ðô ấn quán, Houston, (không đề năm in), tr.116.

Không có nhận xét nào: