CHƯƠNG II.
CÁC NGHIÊN CỨU ỨNG DỤNG NGŨ HÀNH
2.1.SỰ KIỆT SỨC CỦA NÔNG THÔN VIỆT NAM TRONG HỘI NHẬP
CÁC NGHIÊN CỨU ỨNG DỤNG NGŨ HÀNH
2.1.SỰ KIỆT SỨC CỦA NÔNG THÔN VIỆT NAM TRONG HỘI NHẬP
2.1.1.Làng cổ truyền hình tròn, nơi quần tụ các giá trị vật chất và phi vật chất của dân tộc Việt nam
Vấn đề tam nông, (nông dân, nông nghiệp, nông thôn) là một vấn đề lớn của nước ta. Vì hơn 70% dân Việt đang sống ở nông thôn, làm nghề nông hoặc ít nhiều dính dáng đến nghề nông. Không những thế vấn đề tam nông còn cực kỳ phức tạp, vì nó quan hệ đến mọi lãnh vực khác trong xã hội, đặc biệt là việc xây dựng một chiến lược phát triển bền vững.
Muốn xây dựng một chiến lược phát triển cho vấn đề tam nông cần có bức phác họa khái quát, không rườm rà, mà lại chứa đựng được những xu thế vận động cốt yếu đang vận hành trong lòng nông thôn, trong nông nghiệp và cả trong lòng người nông dân nữa.
Trước hết, ta hãy nhìn vào lịch sử. Phác họa về nông thôn vài trăm năm trước là: “Nông thôn ngày xưa được đặc trưng bởi làng. Làng có lũy tre xanh bao bọc. Vào làng phải qua cổng. Gần cổng làng thường có cây đa, rồi giếng nước. Tại trung tâm làng nhất định có đình làng, thờ Thành Hoàng và các bậc tiên nho. Đâu đó trong làng có vài ngôi đền, ngôi chùa. Trong làng có vài tộc họ. Sinh sống thì bằng làm ruộng là chủ yếu, có con trâu trên đồng, vợ đi cấy chồng đi cầy. Trong làng thường có các cụ đồ nho, lúc thường thì dạy học, lúc vui buồn thì ngâm vịnh, đọc thơ. Những người ra khỏi làng thì thường bảo vệ cái danh dự của làng, nếu có mang về điều gì thì phải là điều danh giá. Nếu làm ô nhục làng thì thà chết tha phương không về làng nữa. Sống trong làng thì thương yêu đùm bọc nhau. Có giận nhau thì cũng tìm cách hòa hoãn mà giải quyết. Đa phần các làng đều có hương ước, là “bộ luật dân sự” qui định cách ứng xử của dân làng với nhau”
Ta hãy phân tích cấu trúc làng xưa của nông thôn Việt nam. Lũy tre để bảo vệ hữu hình về đất đai và an ninh. Giếng nước để cung cấp nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Cánh đồng để lao động. Đời sống văn hóa thì xảy ra nơi đình chùa miếu mạo. Vậy làng là một xã hội nhỏ, bao quát những nhu cầu quan trọng nhất về cuộc sống vật chất và phi vật chất.
Làng đã tồn tại bền vững trên đất Việt hàng ngàn năm qua và là hạt nhân cho sự trường tồn của dân tộc ta qua bao biến cố. Làng sở dĩ là hạt nhân trường tồn, vì trong làng có đủ những yếu tố từ đơn giản nhất đến yếu tố cao cấp nhất của xã hội đương thời. Yếu tố đơn giản là lao động làm ra hạt lúa, bó rau, con gà, con lợn,... Yếu tố cao cấp nhất là cái nôi học tập để duy trì và bồi dưỡng văn hiến quốc gia, như sản sinh ra các điệu hò vè, các phương pháp chữa bệnh, các làn điệu dân ca, các nghệ thuật điêu khắc, các vị sĩ phu... Làng là đơn vị hành chính nhỏ nhất trong lịch sử, nhưng lại chứa đựng toàn bộ những yếu tố cấu thành của xã hội Việt cổ. Đặc biệt, trường làng ngày xưa có thể đào tạo những người đi thi một bước, đỗ tam nguyên, thành trạng nguyên tiến sĩ, tức là làng còn là tàng thư văn hóa cấp cao nhất của xã hội nữa. Lao động trong làng nhằm đáp ứng nhu cầu của cuộc sống vật chất, đôi phần được trao đổi ra ngoài. Tinh hoa cuộc sống tinh thần được tạo ra trong làng và rồi ở lại để bồi đắp truyền thống của làng. Cái phát tiết ra khỏi làng phần lớn các các giá trị phi vật thể, và được xem như tài sản chung của xã hội. Vậy nông thôn xưa chính là cái nơi quần tụ, bồi đắp và phát triển những yếu tố đặc trưng nhất về vật thể và phi vật thể của cả xã hội.
Cho nên chỉ cần nhìn bức tranh cổ mà phác họa nên bức tranh mới, so sánh phân tích là chúng ta thấy những biến động nào đang làm cho nông thôn Việt nam đi lên, những biến động nào đang làm cho nông thôn tụt hậu. Dưới đây tập trung phân tích những phác họa về nông thôn Việt nam hiện nay theo quan điểm Ngũ Hành.(1)
2.1.2.Bức tranh về làng dọc trục thời hiện đại.
Ngày nay, làng không còn là đơn vị hành chính cấp nhỏ nhất, mà là xã. Trong xã cũng có đầy đủ các yếu tố điện đường trường trạm, có UBND, HĐND, có nhà văn hóa, có trường học cấp I và cấp II. Nhưng một lượng lớn lao động trong xã đã bươn trải ra ngoài địa bàn địa lý của xã để kiếm sống. Phần lớn thanh niên trai tráng đều đi học và đi làm xa. Họ ít có điều kiện ở lại để hấp thu các giá trị tinh thần cổ truyền, rồi thêm các giá trị hiện đại vào để biến thành các giá trị phi vật thể mới, bồi đắp cho nông thôn. Cũng như thế, một cô gái đẹp lớn lên trong xã ít có cơ may còn ở lại nông thôn trở thành các hiền mẫu nuôi dưỡng con cái trong nhà, bảo tồn các giá trị ngoài xã, mà ngược lại phần nhiều phải lên thành thị, trở thành phu nhân các đại gia, hoặc giả đi làm vợ xa của người Hàn quốc, người Đài loan, thậm chí cả người Mã lai nữa.
Đời sống tâm linh nơi làng xã bây giờ có phần nhạt. Người ta chủ yếu cúng bái vớ vẩn. Đình làng không còn cái vẻ uy nghi của nơi lưu trữ và truyền bá văn hiến. Trường làng không còn là nơi bồi đắp các kiến thức cao nhất đương thời. Nhà văn hóa không phải là nơi cung cấp thông tin sống động và thiết thực. Người dân trong làng bây giờ phần lớn lo kiếm tiền nuôi con, con học hành xong thì ra thành phố làm việc. Vậy có thể đưa ra nét thứ nhất của bức phác họa về nông thôn đương đại là: Nông thôn không còn là nơi tàng trữ và phát huy văn hiến mà đang vắt sức nuôi thành thị.
Bây giờ nông thôn chủ yếu phát triển theo dọc trục giao thông. Người ta thích mặt đường, mặt ngõ. Mọi thứ đều bám vào dọc trục mà sinh sôi phát triển, từ cửa hàng bán vật tư nông nghiệp đến tiệm làm đầu…Hình ảnh này như một cái xương cá có bám lơ thơ vài mẩu thịt. Các mẩu thịt ngày càng dày đặc lên, rồi lại làm cho sự lưu thông dọc trục bị ùn tắc. Tai nạn giao thông, các vấn đề về giải phóng mặt bằng và nhiều vấn nạn khác cũng bám theo dọc trục mà phát triển. Sự phát triển theo dọc trục không những chỉ ở nông thôn mà còn cả ở các thành phố cỡ trung và cỡ lớn, chẳng hạn như Thanh Hóa, Ninh Bình,… Sự phát triển dọc trục làm các dòng chảy thông tin, dòng chảy vật chất dễ đến mà cũng dễ đi. Có thể nói rộng ra là nông thôn bây giờ không còn là nơi quần tụ của các yếu tố vật chất và tinh thần chủ yếu của xã hội theo kiểu tích lũy mà đang bị chảy dọc trục. Chính vì sự phát triển nông thôn không dựa trên nền tảng của sự tích lũy, cho nên có thể đoán nó đang đi đến trạng thái hụt hơi, kiễng chân. Vậy đường nét thứ hai của bức tranh nông thôn là: vắt sức nuôi thành thị ngày càng nhiều mà sự bổ sung nội tại cho tiềm lực nông thôn ngày càng hụt.
Do vậy, bức phác họa đơn giản về nông thôn Việt nam thời nay là:
- Phố quê dạng dài dọc trục đang thay dần làng hình tròn bao bọc bởi lũy tre và cánh đồng,
- Quá trình vắt sức nông thôn để cung cấp cho thành thị ngày càng mạnh, quá trình bồi đắp các giá trị văn hóa và tinh thần ngày càng giảm.
- Quá trình vắt sức nông thôn để cung cấp cho thành thị ngày càng mạnh, quá trình bồi đắp các giá trị văn hóa và tinh thần ngày càng giảm.
Hai nhận định trên cho phép chúng ta nhìn thấy quá trình kiệt sức nông thôn đang ngày càng xảy ra mãnh liệt. Khoảng cách giầu nghèo ngày càng giãn rộng chỉ là hình thức bề ngoài của sự kiệt sức đó. Muốn tìm một con đương phát triển bền vững, luôn luôn có một quá trình bồi đắp ngược từ thành thị về nông thôn cần phải có một cơ sở lý luận. Cơ sở ấy phải thỏa mãn đúng một cách phổ quát cho mọi quá trình vận động phát triển, mà sự phát triển nông thôn Việt nam trong giai đoạn hiện tại chỉ là trường hợp riêng.
Vì vậy, chúng tôi tìm về học thuyết Âm dương – Ngũ hành, để nghiên cứu căn cơ của vận động và phát triển. Hy vọng học thuyết ấy có thể cung cấp một cách nhìn khác so với các phân tích hiện nay.
2.1.3 Vấn đề nông dân, nông nghiệp và nông thôn theo Ngũ hành
Lịch sử dân tộc ta là lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Sức lực cơ bản để dân tộc Việt nam tồn tại và đấu tranh được tích lũy từ nông thôn. Tất cả những gì chúng ta mang ra chống giặc, giữ nước đều lấy từ nông thôn (trừ giai đoạn kháng chiến 30 năm chống Pháp và chống Mỹ là có sự viện trợ quốc tế). Nông thôn đã tích lũy tất cả các giá trị vật chất và tinh thần cho dân tộc ta trong cuộc đấu tranh lâu dài dựng nước và giữ nước ngàn năm.
Cái làng hình tròn trong nông thôn xưa là thuộc hành KIM. Bây giờ nông thôn đã bị cấu trúc xương cá dọc trục giao thông làm biến dạng. Cấu trúc ấy không phù hợp cho sự tích lũy. Cấu trúc ấy chỉ phù hợp cho hành THỦY và hành HỎA. Hành Thủy thì thu vào sau đó tản ra ngay mà không có chế biến. Hành Hỏa thì lúc nào cũng bừng bừng như ngọn lửa, khi hết năng lượng thì trở thành tro tàn nguội lạnh.
Như trên đã phân tích nguồn lực mà nông thôn ngày nay tích lũy được thì phần lớn chảy ngay ra thành thị. Nguồn nhân lực sung mãn nhất không có điều kiện ở lại để xây dựng nông thôn, họ cũng không có điều kiện để tích lũy được thật nhiều (tri thức và tiền của) ngay trong lòng nông thôn. Như lý thuyết Ngũ hành đã phân tích, nguồn gốc của mọi sự phát triển phải là tích KIM. Muốn nông thôn có thể tích KIM được cần phải làm những việc sau:
a. Qui hoạch không gian hình dạng
Theo Ngũ hành thì hình xương cá không phải là hình thể thuận lợi cho việc tu tích. Phải qui hoạch lại các cụm dân cư nông thôn theo dạng hình tròn hoặc gần tròn. Mô hình mẫu về làng mới có thể như sau. Giữa làng là một quảng trường, có các công trình văn hóa, tâm linh, có trụ sở internet, có thể thao,… Xung quanh quảng trường là nhà dân và UBND, các cơ quan chính quyền, các cơ sở thương mại. Xa hơn nữa là trường học, các doanh nghiệp sản xuất nhỏ, các cơ sở chế biến nông sản, ngoài cùng là cánh đồng. Một mẫu làng hình tròn như vậy để đảm bảo cho việc tích Kim vật thể và tích Kim phi vật thể. Việc qui hoạch nông thôn thành nhiều cụm hình tròn phải được tính toán kỹ càng, để các vòng xoáy chuyển động của các dòng vật chất và thông tin chậm lại trong phần trung tâm, sao cho các dòng ấy có cơ hội tích lắng.
b.Tích Kim từ qui mô nhỏ
Biến đổi một khu dân cư từ dạng xương cá thành dạng tròn không dễ dàng, vì vấn đề sở hữu đất đai, vì quĩ đất có hạn. Cho nên phải qui hoạch các mẫu làng kiểu mới từ qui mô rất nhỏ. Mỗi tỉnh chỉ nên chọn một vùng thuận tiện để qui hoạch một đô thị nông thôn cỡ 1000 dân, trên qui mô vài hecta. Cụm dân cư làng mới có thể được chọn từ những miền đất không phải là cánh đồng. Trong vùng mới này nhất thiết phải chọn các cán bộ mới, trẻ, có năng lực, có tâm huyết làm cốt lõi. Sau khi qui hoạch vùng thì chỉ lựa chọn những cư dân có tay nghề cao về sinh sống. Họ vừa làm nghề nông, nhưng lại vừa xây dựng văn hóa của khu mới, họ có thể làm thêm các nghề thủ công khác nữa. Cũng có thể lấy một công nghệ mới làm trung tâm cho vùng đó. Ví dụ nghề trồng hoa lan, trồng rau sạch, hoặc chế biến đồ hộp cho các siêu thị. Dần dần khi mô hình đó được thử thách, được bổ sung điều chỉnh, thì mở rộng ra thành nhiều làng mới trong tỉnh, trong nước.
c.Gạt bỏ cản trở xã hội
Tỉnh Phú Yên có chính sách đãi ngộ trí thức về tỉnh công tác. Chính sách đó không thu hút được nhiều nhân tài, mặc dù rất cởi mở. Vì khi các trí thức về tỉnh bị xếp đan xen vào hệ thống tầng tầng lớp lớp cán bộ cũ. Cái cũ đã làm hòa tan cái mới. Cán bộ mới không trở thành các nhân tinh thể (crystal) khởi mần cho tich KIM (Crystal Growing). Cán bộ mới không phát huy tác dụng, họ chán nản. Cho nên khi xây dựng mô hình tích KIM mới, thì phải tạo điều kiện để các cán bộ có tâm và tài tự nguyện về làng và phát huy tối đa năng lực sáng tạo của họ. Điều đó có nghĩa là trong làng mới, “đô thị làng” thì hệ thống cán bộ phải hoàn toàn mới, được tuyển chọn cẩn thận. Làng mới đó không qua cấp hành chính trung gian, mà phải trực thuộc thẳng cấp tỉnh.
d.Dân chủ theo làng cổ
Làng cổ có hội đồng làng xã, gồm các vị đương chức, các vị cao niên, các hưu trí, các trí thức. Các quyết sách của làng được thảo luận dân chủ ở đình làng. Đó chính là tinh hoa văn hóa làng của dân tộc ta. Ngày nay chúng ta đang xây dựng dân chủ cở sở. Tuy chúng ta có nhiều nỗ lực phát huy dân chủ cơ sở, nhưng dân chủ cở sở ngày nay vẫn bị các dòng họ lớn trong làng thao túng. Vì vậy, trong làng mới cần phát huy cao độ dân chủ ngay từ lúc lập mới, phải có chính sách đặc biệt cho làng mới để dân chủ không bị bóp méo. Chế độ bầu cử phải là phổ thông tuyệt đối và trực tiếp. Dần dần các tác phong dân chủ đó lan rộng ra các làng xương cá khác. Dân chủ trong làng mới sẽ là tấm gương để cải tạo dần các hủ tục trong nông thôn hiện nay, nâng dần dân trí và mức độ dân chủ trong toàn xã hội.
e.Tích Kim công nghệ cho nông thôn
Theo lý thuyết Ngũ hành, việc tích lũy hành KIM chủ yếu là tích lũy các giá trị phi vật thể. Trong giai đoạn trước mắt, Kim phi vật thể là công nghệ. Nông thôn muốn phát triển không chỉ dựa vào cây lúa và con lợn. Muốn có các sản phẩm khác, phải có các giá trị công nghệ và tri thức mới. Ví dụ kinh nghiệm nuôi ba ba, nuôi tôm, trồng hoa phong lan, trồng rau sạch, làm gốm, nấu thép, làm đồ mỹ nghệ, đồ gỗ xuất khẩu…Tuy vậy, các giá trị công nghệ đến được tay nông dân là một việc khó khăn. Để công nghệ được phổ biến rộng rãi phải có một quĩ công nghệ ở cấp Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tập hợp thành cơ sở dữ liệu, thành các băng hình, các hồ sơ công nghệ chi tiết. Nhà nước bỏ tiền ra mua công nghệ đó, rồi bán rẻ lại cho nông dân theo giá giảm dần. Khi các làng mới được thành lập, thì nhất thiết phải là một làng không thuần nông, phải là một làng công nghệ, thậm chí trồng lúa và nuôi lợn cũng phải ứng dụng công nghệ cao. Trong làng phải có ít nhất một vài gia đình (hoặc liên hộ) hoạt động công nghệ theo hình thức doanh nghiệp, để triển khai công nghệ mới. Các làng mới trong cả nước phải được nối mạng với nhau để trao đổi công nghệ, trao đổi thông tin nghề nghiệp, và thương mại.
Quĩ công nghệ nông nghiệp là một hình thức tích Kim ở qui mô quốc gia. Quĩ quốc gia này cỡ 1000 tỉ đồng. Nhà nước bỏ ra số tiền ban đầu ấy, mua lại của các nhà khoa học, của những người nông dân làm ăn giỏi, thậm chí của nông dân nước ngoài như Thái Lan, Trung quốc... Nhưng để tạo điều kiện cho công nghệ đến tay người nông dân, còn phải có đối tượng tiếp thu. Do đó trong các làng mới cần có trường nghề. Trường nghề là khâu quan trọng trong quá trình chuyển giao công nghệ. Nếu mỗi tỉnh có một làng mới (hình tròn, tích Kim), mỗi làng mới có một trường nghề qui mô nhỏ, thì chúng ta sẽ có trong tay 64 trường dạy nghề qui chuẩn. Các trường nghề đó dạy cho thanh niên (có thể cả người lớn nữa) các công nghệ thích hợp với đặc điểm từng vùng miền. Các trường nghề chỉ dạy thực hành, liên tục mở theo yêu cầu, nặng về thực tế mà không chú trọng bằng cấp. Tính năng động của trường nghề cấp “đô thị làng” phải đạt mức linh động như các trung tâm ngoại ngữ hiện nay. Tuy vậy bằng cấp mà trường đó phát ra phải có nhiều chủng loại. Nếu bạn chỉ học qua vài tuần để biết hàn, tiện, trồng hoa, nuôi cá,… thì được cấp giấy chứng chỉ. Nếu bạn làm luận án tốt nghiệp trên cơ sở các dự án thực tế để mở mang doanh nghiệp nông thôn thì được cấp bằng tốt nghiệp trường nghề cấp quốc gia. Cao hơn nữa bạn có thể thực hiện các đề tài nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới qui mô quốc gia, bằng cách liên kết với các hệ thống Trường và Viện nghiên cứu trong cả nước.
Các trường nghề trong “đô thị làng” chính là một hình thức tích Kim phi vật thể cho nông thôn một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất. Nó sẽ thay thế các trường làng xưa của các cụ đồ nho và các vị sỹ phu.
Ngoài ra, việc tích KIM công nghệ cho “đô thị làng” còn phải kể đến internet. Mỗi đô thị làng phải là một trung tâm internet. Internet phải được bảo trì và nâng cấp thường xuyên, để nó thực sự là nơi cung cấp thông tin công nghệ nhanh và đầy đủ nhất cho chính “đô thị làng” đó và các vùng nông thôn phụ cận.
Các “đô thị làng“ là nơi mà chúng ta có thể bỏ dần một hoặc hai chữ nông trong tam nông, thay vì “nông thôn, nông nghiệp và nông dân” sẽ là “nông thôn, công nghiệp và trí thức áo nâu”. Phép xây dựng các “đô thị làng” chính là tích Kim để đô thị hóa nông thôn. Trong một hai năm đầu chúng ta có 64 “đô thị làng” nhưng sau 4-5 năm thì con số đó sẽ trở thành hàng ngàn.
f.Tích Kim tự phát trong nông nghiệp và nông thôn
Phần trên đã trình bày một số ý tưởng về tích Kim trong nông nghiệp và nông thôn. Các ý tưởng đó có thể được chấp nhận hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố và chắc chắn phải qua rất nhiều thảo luận. Vì các ý tưởng đó đều mang mầu sắc ý chí chủ quan. Tuy vậy thực tế cuộc sống rất sinh động, nhiều khi chưa cần qui hoạch của chính phủ, thì trong nông thôn đã có các hình thức tích Kim tự phát rất thành công. Ví dụ công trình tích Kim các làng nghề cổ truyền trong khu vực Mạo Khê do Bà chủ Gốm sứ Nguyễn Thị Vinh khởi xướng. Cách đây 10 năm bà thuê một khu đất lớn trên cung đường Hà nội – Hạ long. Tại đó bà xây dựng các khu làng nghề, rồi mời các nghệ nhân làng nghề gốm Bát tràng, lụa Hà Đông, mây tre đan đến tập trung làm việc và giao thương tại đó. Bây giờ thêm Internet và các dịch vụ xuất nhập khẩu trực tiếp khu bảo tồn làng nghề Mạo Khê đã phát triển nhanh chóng và tạo một đầu ra xuất khẩu lớn không chỉ cho làng gốm mà còn nhiều làng nghề thủ công khác.
Các phố cổ Hà nội, mang tên Hàng Bút, Hàng Đồng, Hàng Lọng,… đều là các ví dụ về tích Kim tự phát. Sự phát triển của các phố Hàng đó bền vững vài trăm năm. Chỉ từ sau khi nước ta bị Pháp xâm lược thì các phố Hàng mới lụi dần.
Tuy vậy sự tích Kim tự phát thiếu qui hoạch sẽ gây tình trạng quá nóng. Ví dụ phong trào nuôi tôm, nuôi cá lồng là những ví dụ về tích Kim quá nóng. Sự tích tụ mật độ quá lớn nên gây mất cân bằng sinh thái và dẫn đến nhiều hậu quả xấu về môi trường, về sản phẩm đầu ra,…
Vì vậy, ở qui mô quốc gia cần phải có qui hoạch tích Kim cho nông thôn theo hướng tập trung những thành tựu cao nhất về quản lý đô thị, về qui hoạch nghề, về giáo dục, văn hóa, chuyển giao công nghệ… để các đô thị làng thực sự trở thành vùng tích Kim kiểu mẫu bền vững.
g.Tản Thủy, Sinh Mộc và Hoàn thiện Hỏa
Các phần trên tập trung nghiên cứu vấn đề tích Kim cho nông thôn. Một khi đã có các “đô thị làng” hành Kim thì sự vận động của các vòng Ngũ hành sẽ dần dần đi vào quĩ đạo tự nhiên. Nông thôn sẽ dần dần đổi mới. Tuy vậy, trong thời gian hình thành nhân tố mới, (các đô thị làng) thì còn rất nhiều vấn đề riêng lẻ trong khu vực kinh tế xã hội ở thôn thôn cần phải giải quyết. Khi giải quyết các vấn đề đó cần ứng dụng các nguyên lý vận động Ngũ hành để đánh giá hiện trạng, tìm nguyên nhân, và dự báo hướng phát triển. Cuối cùng vẫn phải đặt các vấn đề riêng biệt đó vào bối cảnh chung của cả vòng Ngũ hành rộng hơn, bao trùm hơn. Chẳng hạn, vấn đề chế biến sau thu hoạch. Đây là vấn đề tích Kim ở qui mô nhỏ, qui mô các nghiên cứu triển khai. Phải làm chủ được các công nghệ sau thu hoạch. Có thể được giải quyết bằng Quĩ công nghệ, cũng có thể được giải quyết bằng các đề tài nghiên cứu độc lập. Vấn đề xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, thương mại hóa sản phẩm ở qui mô khu vực hoặc quốc tế chính là bài toán hoàn thiện hành Hỏa. Chẳng hạn, một sản phẩm tiềm năng như “nước mắm Phú Quốc”, nếu xét theo Ngũ hành, thì đương trong quá trình vận hành qua hành Hỏa, cần phải hoàn thiện về mọi mặt để nó giữ vững thương hiệu. Giống lúa lai “bất dục đực trên cơ sở thời gian cảm quang thay đổi” đã được sinh thành do tích Kim bền bỉ của các nhà nghiên cứu giống, nay đã đi vào hành Mộc, cần phải có chiến lược để thúc đẩy nó nhân rộng. Điều đó chính là đưa giống lúa lai mới ấy vào hành Hỏa, phải cấp đủ năng lượng để duy trì Hỏa của giống lai, bằng một hệ thống chính sách,… Tóm lại dưới quan điểm mọi vận động đều theo ngũ hành, chúng ta có thể phân tích, đánh giá, lường trước các động thái, để ý chí chủ quan không đi ngược lại qui trình vận động tự nhiên. Bằng cách đó chúng ta có thể tìm ra hệ thống chính sách cho sự phát triển nông thôn.
2.1.4.Kết luận về Ngũ hành trong nông nghiệp
2.1.4.Kết luận về Ngũ hành trong nông nghiệp
Điểm xuất phát của chúng tôi trong nghiên cứu này là cái nhìn lịch sử. Làng hình tròn ngày xưa, nơi tích tụ và hun đúc các giá trị vật chất và phi vật chất cốt lõi nhất của nước Việt đang bị thay dần bởi các phố quê hình xương cá. Theo Ngũ hành thì làng hình tròn thuộc hành KIM, còn làng xương cá thuộc hành THỦY. Hành thủy sẽ vắt kiệt quệ tiềm lực của nông thôn ra thành thị. Vậy phải tích Kim chủ động cho nông thôn bằng những nỗ lực tập trung của Chính phủ. Cụ thể:
-Xây dựng các “đô thị làng” để đô thị hóa nông thôn từ các làng hành KIM nhỏ, mới, tích tụ công nghệ chính là giải pháp hiệu quả nhất, chủ động nhất.
-Xây dựng Quĩ Công nghệ quốc gia cho nông thôn,
-Xây dựng các trường nghề đặc biệt cho nông thôn.
-Liên kết công tác qui hoạch chiến lược giữa các bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Bộ Giáo dục & Đào tạo, Tổng cục dạy nghề, Đoàn Thanh niên CS HCM, các UBND Tỉnh để xây dựng một chính sách nhất quán tạo đường ray và hành lang pháp lý cho sự tích Kim đô thị làng.
-Xây dựng Quĩ Công nghệ quốc gia cho nông thôn,
-Xây dựng các trường nghề đặc biệt cho nông thôn.
-Liên kết công tác qui hoạch chiến lược giữa các bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Bộ Giáo dục & Đào tạo, Tổng cục dạy nghề, Đoàn Thanh niên CS HCM, các UBND Tỉnh để xây dựng một chính sách nhất quán tạo đường ray và hành lang pháp lý cho sự tích Kim đô thị làng.
...(Còn tiếp)...
Nguyễn Thế Hùng (Tiến sĩ Vật Lý, Viện Khoa học và Công nghệ VN )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét