Thứ Sáu, 29 tháng 2, 2008

Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2008

Bâng Khuâng Nhớ Về Cố Hương - Phủ Vĩnh Linh, Tỉnh Quảng Trị (2)

- Tổng Thủy ba :

Ở về phía tây phủ Vĩnh linh, gồm các làng Thủy ba, Ba bình, Bình đức, Hòa lạc, Chấp lễ, Cổ hiền, Phan xá, Quảng xá, Lê xá, Lệ xá, Tiên lai, v.v...

Làng Thủy ba khá rộng, phía tây tiếp giáp Trường sơn, có truyền thống ải cọp (vây bắt cọp). Cọp thường ở vùng rừng còi (cằn cỗi) mép rìa Trường sơn thỉnh thoảng vào làng bắt heo, trâu nghé, bò con và ngay cả người nữa. Cư dân nơi đây tìm cách diệt trừ loài ác thú với kế hoạch ải cọp .

Ban đêm, khi cọp đột nhập vào làng bắt trâu, bò hay heo, người nhà chỉ ở trong nhà đánh mõ, thanh-la, khua nồi niêu và hò hét cho cọp đi, đến sáng, dân làng mới lần theo dấu con mồi bị cọp kéo. Khi phát giác được địa điểm dính máu, nơi con mồi bị ăn, làng cho đánh mõ tập trung đinh tráng gánh lưới đến vây bốn phía, căng cao lên hai ba mét với chu vi khá rộng. Ðinh tráng gồm hai thành phần, một loại chuyên sử dụng giáo mác, phòng cọp nhảy lưới thì đâm cho cọp thối lui; loại nữa chuyên dùng dao rựa chặt cây, chặt tới đâu đẩy lưới tới đó, vòng vây thu hẹp dần, cọp hết chỗ ẩn trốn, khát và đói sau nhiều ngày bị vây hãm. Lúc nầy, làng cho đẩy vào trong vòng vây một cái cũi làm bẫy sập có chừa cửa, trong có đặt một chậu nước và một miếng thịt. Cọp vừa đói vừa khát, với dáng rụt rè sợ sệt, bước vào cửa cũi đạp nhằm tấm bẫy, cửa cũi lập tức sập xuống nhốt cọp lại. Ðến đây, chức sắc làng và đinh tráng nghỉ ngơi, nhắp rượu và ra giá. Sau khi giá cả xong, làng cho lệnh giết và kéo cọp ra khỏi cũi. Một vị hào lão trong làng cầm đuốc tới nung cháy toàn bộ râu cọp, sau đó làng mới cho người mua mang đi. Sở dĩ phải đốt râu vì có truyền thuyết: râu cọp được dùng làm thuốc độc giết người.

Làng Bình đức :

Bình đức đất rộng, người thưa, dân tình hiền hòa. Làng nầy có giáo xứ Ba ngoạt, quê quán Linh mục Nguyễn văn Lý, một người khí phách anh hùng tranh đấu cho Nhân quyền Việt nam. Nghe các cụ nói giáo xứ Ba ngoạt đã có từ lâu đời. Năm 1885 khoảng 100 giáo dân đã bị Văn thân chôn sống. Hố chôn tập thể đó gần phi trường Chấp lễ, gọi là Lăng Tử Vì Ðạo hay Mả Thánh .

Làng Phước sơn :

Phước sơn là làng tân lập. Năm 1918, Linh mục người Pháp Henri Denis (tên Việt là Cố Thuận) được chính phủ chấp thuận cho khẩn hoang một khu rừng hoang vắng phía tây phủ Vĩnh linh, bên rìa Trường sơn và thành lập dòng khổ tu Ðan viện Xi-tô đầu tiên tại Việt nam. Vùng đất nầy được đặt tên là Phước sơn và dòng khổ tu nầy cũng được gọi là dòng Phước sơn. Khoảng 20 năm sau, dòng nầy phát triển thêm dòng Châu sơn ở Phát diệm (Bắc Việt).

Năm 1949, vùng Phước sơn mất an ninh, Cha Bề Trên (người Việt) bị bắt mất tích, nhà dòng bị Việt minh chiếm, các đan sĩ di tản vào Sài gòn và lập các đan viện mới như Phước lý ở Thủ đức, Phước sơn ở Phúc lộc Bà rịa, Thiên phước ở Vũng tàu và Phước vĩnh ở Trà vinh. Năm 1978, một số đan viện bị giải thể, khoảng 100 đan sĩ tản mác đi xây dựng các cộng đoàn bí mật. Nay đang phục hồi và vị Ðan viện phụ là Linh mục Phạm văn Hiền, người làng Quảng xá, tổng Thủy ba, phủ Vĩnh linh, đã qua 7 năm tù và 4 năm quản thúc tại gia.

Làng Hồ xá :

Làng nầy khá lớn, nằm dọc quốc lộ 1, trung tâm làng là một thị trấn, phủ lỵ Vĩnh linh đóng tại đây, có trường tiểu học, sân vận động (sau nầy Bắc Việt dùng làm phi trường trực thăng trong cuộc chiến mùa hè 1972 ở Quảng trị), bến xe, quán xá và chợ buôn bán nhộn nhịp. Thời chiến 1946-1954, một đại đội lính Pháp đóng tại đây yểm trợ các đồn Cửa Tùng, Hiền lương, Tân trại, Thủy cần và Chấp lễ.

Phía tây làng Hồ xá, dọc quốc lộ 1, có Truông Nhà Hồ , đây là một vùng đất hoang vắng khá rộng, cây cối lụp xụp, địa thế hiểm trở. Xưa kia, nơi đây hay xảy ra các vụ cướp bóc. Bọn khấu tặc nầy từng là nỗi khiếp sợ của lữ khách trên đường thiên lý :

Thương em anh cũng muốn vô,
Sợ truông Nhà Hồ, sợ phá Tam giang. (Ca dao)


Theo sách Chín Chúa Nhà Nguyễn thì :

Năm Nhâm Thân (1572), Lập Bạo một bộ tướng của nhà Mạc đem 60 chiến thuyền có trang bị đầy đủ, theo đường biển tiến vào đánh Thuận hoá, Lập Bạo định dùng thế gọng kềm, diệt xong chúa Tiên sẽ tiến ra bắc tấn công nhà Lê Trung Hưng. Quân Lập Bạo vào cửa Việt tiến vào sông Vĩnh định và chiếm toàn bộ vùng Hồ xá thuộc huyện Vĩnh linh, tấn công quân chúa Tiên. Ðây là trận đánh đầu tiên sau mười mấy năm trấn nhậm Thuận hóa. Quân hai bên đánh nhau rất ác liệt, quân của chúa tuy ít nhưng chiến đấu rất dũng cảm. Vì thế sau nhiều lần ác chiến vẫn bất phân thắng bại. Hai bên đóng đồn đắp lũy đối diện trù tính chiến đấu lâu dài.

Tương truyền rằng một bữa nọ chúa Tiên đi thị sát mặt trận dàn trên phòng tuyến sông Vĩnh định, thì nghe có tiếng Trảo trảo rất lớn rồi sóng to gió lớn nổi lên ầm ầm. Nguyễn Hoàng mới quỳ xuống mà khấn rằng: Nếu trời giúp cho tôi làm nên nghiệp lớn thì xin hãy sai thần sông theo giúp. Ðêm đó, Nguyễn Hoàng nằm mộng thấy một nữ thần mặt đẹp như hoa, mắt sáng như sao, vẫy chúa mà bảo rằng: Ta là thần sông Vĩnh định đây, cảm tấm lòng thành của nhà ngươi nên đến giúp. Ngươi muốn thắng Lập Bạo thì chỉ dùng mỹ nhân kế mà thôi. Nói xong thì vẫy tay áo biến mất. Chúa định hỏi nhưng vừa bước theo thì vấp ngã và giật mình tỉnh dậy mới biết là chiêm bao. Rạng ngày, Chúa họp các mưu sĩ và cho biết giấc mộng. Một mưu sĩ của chúa đứng dậy vái chúa một vái rồi nói rằng: Chúa đã được thần nhân báo mộng chắc là thắng được giặc. Vả lại mấy lâu nay tôi cho người dò thám trại giặc thì biết Lập Bạo vốn là đứa háo sắc. Vậy nếu ta dùng mỹ nhân kế chắc là thành công. Nhưng chỉ hiếm một nỗi nơi trại quân nầy lấy đâu ra người đẹp để thực hiện kế ấy ?

Trong khi mọi người đang bàn bạc thì có thị tỳ họ Ngô đem nước vào dâng cho Chúa. Nhan sắc Ngô Thị quả thật đẹp, hoa nhường nguyệt thẹn, ai cũng tấm tắc khen. Chúa rất mừng, truyền Ngô Thị ở lại rồi dặn dò các việc. Về phần Lập Bạo, ỷ mình binh nhiều, nghĩ rằng trước sau gì cũng thắng nên suốt ngày chè chén ca hát. Ðã thế, lại có sứ giả của Nguyễn Hoàng xin vào yết kiến với đề nghị giảng hòa để giữ hòa hiếu. Lập Bạo thấy thế càng kiêu căng nên không đề phòng gì cả. Vài hôm sau Chúa lại sai một phái đoàn đến, mang theo nhiều lễ vật quý hiếm, lại sai Ngô Thị trang điểm thật đẹp bưng lễ vật cùng đi với đoàn sứ giả đến ra mắt Lập Bạo. Lập Bạo thấy lễ vật quá hậu ngỡ rằng Nguyễn Hoàng sợ mình, liếc mắt nhìn thấy Ngô Thị là một trang tuyệt thế giai nhân nên trong lòng rất sảng khoái. Ngô Thị biết ý lại càng liếc mắt đưa tình, Lập Bạo miệng thì ừ hử nhưng mắt không rời Ngô Thị. Khi phái đoàn cáo từ ra về, Lập Bạo bị sắc đẹp của Ngô Thị chinh phục, như một cái máy đứng dậy đi theo để tiễn. Lúc nầy Lập Bạo chẳng còn biết gì ngoài Ngô Thị nên cứ như người bị bùa mà theo chân Ngô Thị rời xa doanh trại của mình. Trên đường về, Chúa đã bí mật cho quân mai phục. Lập Bạo lọt vào ổ phục kích, biết mình trúng kế, nhanh như cắt hắn lao mình xuống sông Vĩnh định lặn một hơi tẩu thoát. Lập Bạo vốn là một thủy tướng nên bơi lội và lặn rất giỏi. Thuyền của chúa đuổi theo sát nút, tuy thế vẫn không làm thế nào để bắt được Lập Bạo. Nhiều lần Lập Bạo thoát chết nhưng có lẽ số Lập Bạo đã hết nên mỗi lần Lập Bạo ngóc lên chỗ nào để lấy hơi thì y như trên đầu y có con chim bói cá bay đến, nhờ thế quan quân chúa Nguyễn mới theo sát được. Túng thế, Lập Bạo lặn một hơi thật sâu đến cuối sông Vĩnh định mới nổi lên, nhưng khi quân chúa Nguyễn tới thì thấy y đã chết rồi. Doanh trại của Lập Bạo thấy chủ tướng bị chết, kẻ chạy thoát thân, kẻ xin hàng. Trừ xong Lập Bạo, thanh thế của chúa Tiên ngày càng lẫy lừng. Ðể nhớ ơn vị nữ thần sông Vĩnh định đã giúp mình, Chúa cho lập một ngôi miếu sát bên sông Vĩnh định để thờ bà, gọi là miếu Trảo Trảo Phu Nhân, quanh năm hương khói thờ phụng. (Sách Chín Chúa Nhà Nguyển)

Theo tương truyền, sau khi Lập Bạo chết, phần đông quan quân đầu hàng, được chúa Nguyễn Hoàng cho đến khai hoang lập nghiệp ở phía tây huyện Gio linh. Họ đã biến nơi sơn lam chướng khí nầy thành vùng đất phì nhiêu, sau nầy gọi là Bát Phường. Một số hậu duệ của họ trở nên giàu có và có chức vị trong các cơ quan Chính quyền Quốc gia.

Số quan quân không đầu hàng đã trốn tránh ở truông Nhà Hồ thuộc làng Hồ xá, sống nghề cướp bóc người đi đường. Ðịa danh Truông Nhà Hồ trở thành nơi kinh hoàng của lữ khách. Ðể trừ hại cho dân, chúa Nguyễn phúc Chu (1691-1725) đã sai quan Nội tán Nguyễn khoa Ðăng đem quân quét tan lũ cướp nầy. Từ đó dân chúng mới an tâm đi lại và truyền tụng qua ca dao :

Thương em anh cũng muốn vô,
Sợ truông Nhà Hồ, sợ phá Tam giang.
Phá Tam giang ngày rày đã cạn,
Truông Nhà Hồ Nội tán cấm nghiêm .

* Vĩnh linh tan nát :

Chiến tranh 1946-1954 kết thúc với hiệp định Genève chia đôi nước Việt ở vĩ tuyến 17, lấy sông Bến hải làm ranh giới. Miền Trung đình chiến kể từ 01-08-1954. Vùng đất hai bên bờ bắc, nam sông Bến hải gọi là Vùng Phi Quân Sự. Phủ Vĩnh linh bị phân cắt cũng như nước mẹ Việt nam bị chia đôi, Bắc Nam phân ly bất cố lai vãng bởi cái hiệp định oan nghiệt ấy.

Khu phi quân sự nam được Chính phủ Việt nam Cộng hòa thành lập quận Trung lương gồm các làng thuộc tổng Xuân hoà.

Khu phi quân sự bắc gồm các làng thuộc ba tổng Hiền lương, Huỳnh công và Thủy ba, được chính quyền miền Bắc gọi là Khu vực Vĩnh linh.

Trong những ngày đầu đình chiến 01-08-1954, đa số dân chúng ở các làng thuộc các tổng Hiền lương, Thuỷ ba, Hồ xá và một số ít thuộc tổng Huỳnh công di cư vào Nam, để lại một vùng rộng lớn vườn không nhà trống, cảnh tượng như phủ xuống một màn ảm đạm thê lương. Phần đông di dân bắc Vĩnh linh đến định cư ở các địa điểm gần thị xã Quảng trị như La vang chính, La vang trung, La vang tả, La vang hữu, La vang thượng. Một số ít định cư tại An đôn và Mỹ chánh thuộc quận Hải lăng, tỉnh Quảng trị. Riêng Loan lý (Luân lý) định cư tại Lăng cô, cuối chân đèo Hải vân thuộc tỉnh Thừa thiên.

Sau khi đất nước bị chia đôi như vậy, miền Nam chỉ hưởng được cảnh thái bình thịnh trị trong ít năm rồi chiến tranh tái diễn. Từ các vụ khủng bố nhỏ như bắt cóc, ám sát viên chức xã ấp của chính quyền Việt nam Cộng hòa, đốt máy cày, đào đường, phá cầu đến các cuộc gây chiến lớn như đồn Trảng sụp của Trung đoàn 32 thuộc Sư đoàn 21 Bộ binh bị tấn công vào một đêm gần cuối tháng 1 năm 1960, làm thiệt mạng một số quân đồn trú và thất thoát một số vũ khí.

Kể từ đây chiến tranh bộc phát qui mô lớn với việc Bắc Việt xâm nhập khu phi quân sự để chuyển quân và vũ khí vào đánh phá miền Nam Việt nam.

Ðể ngăn chặn nguồn tiếp vận của Bắc Việt vào miền Nam, các phi cơ của Không lực Việt nam Cộng hòa và Hoa kỳ vượt sông Bến hải, oanh kích triệt hạ các căn cứ quân sự Bắc Việt ở bắc vĩ tuyến 17, trong những ngày đầu tháng 2 năm 1965, các cuộc dội bom nhằm vào các căn cứ ở vùng Vĩnh linh, Cửa Tùng, Hồ xá, Chấp lễ và đảo Cồn cỏ, v.v... rồi dần dần tới Quảng khê, Ðồng hới, xóm Bàng thuộc tỉnh Quảng bình.

Ðồng bào ở phía bờ bắc Bến hải thuộc vùng phi quân sự bắc (khu vực Vĩnh linh) được sơ tán ra các tỉnh phía bắc.

Ðồng bào ở phía bờ nam Bến hải thuộc vùng phi quân sự nam (quận Trung lương) phải di tản đến tạm cư ở Hà thanh (Gio linh) và Cam lộ thuộc tỉnh Quảng trị. Rồi còn phải chịu thảm hoạ tan xương nát thịt, những tiếng rên la thảm thiết vọng lên nơi Ðại lộ Kinh hoàng vào mùa hè đỏ lửa 1972.

Toàn phủ Vĩnh linh đã như hoang địa, tang thương như một bãi tha ma mênh mông, rải rác những hố bom sâu như ao nước.

Tháng 5 năm 1975, hòa bình trở lại trên toàn lãnh thồ Việt nam, đồng bào di tản và sơ tán, sau nhiều năm chạy tan tác tả tơi, nay lần lượt trở về làng cũ và bắt đầu dựng lại cơ nghiệp với nhiều gian nan tân khổ.

Nước Việt có hàng trăm phủ huyện, nhưng chỉ phủ Vĩnh linh chịu tai ương khủng khiếp nhất. Nước nhà trải bao nhiêu năm chinh chiến, Vĩnh linh cũng bấy nhiêu năm chiến chinh. Ðất nước bị qua phân hai miền, Vĩnh linh cũng bị chia cắt đôi bờ.

Sau bài Cửa Tùng được đăng trên vài tờ báo, một ít đồng hương ở hải ngoại “Bấy lâu cách trở, nhớ miền cố hương” (T.Hanh) đã muốn biết thêm Vĩnh linh.

Phần sử địa Vĩnh linh được trình bày trong bài nầy chắc có nhiều thiếu sót, bởi lúc thiếu thời tôi chưa có cơ hội tìm biết toàn phủ Vĩnh linh. Sau di cư 1954, nỗi hoài hương canh cánh bên lòng, mong ngày về hưu được rảnh rỗi sẽ đến Văn khố tòa Hành chánh tỉnh Quảng trị truy lục các văn kiện để ghi lại lai lịch phủ Vĩnh linh, các tổng và làng xã qua các thời kỳ, nhưng văn khố tỉnh đã tiêu tan vào mùa hè đỏ lửa 1972, toàn thị xã Quảng trị đã bị san bằng.

Xa Vĩnh linh lúc còn non trẻ, đã qua 53 năm, nay ghi lại ký vãng, Nhớ chi viết nấy.

Montréal, Thu 2007
Nhân kỷ niệm 53 năm Ðất Nước chia đôi.

Thứ Ba, 19 tháng 2, 2008

Bâng Khuâng Nhớ Về Cố Hương: Phủ Vĩnh Linh, Tỉnh Quảng Trị

Theo Việt sử, sau khi thống nhất sơn hà, vua Gia Long vẫn duy trì những khu vực hành chánh lớn như Bắc thành (Bắc bộ), Gia Ðịnh thành (Nam bộ), mỗi khu vực do một Tổng trấn đứng đầu. Ðến thời vua Minh Mạng bãi bỏ các thành, cả nước chia làm 29 tỉnh. Dưới tỉnh chia ra nhiều phủ, huyện, châu, rồi tổng và xã là đơn vị hành chánh nhỏ nhất ở địa phương.

Cũng thời vua Minh Mạng, tỉnh Quảng trị được thành lập năm 1831. Theo tổ chức hành chánh thời bấy giờ, tỉnh Quảng trị có 3 phủ : Vĩnh Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và 2 huyện Gio Linh và Cam Lộ.

Thời Ðệ Nhất Cộng hòa, Quảng trị có 6 quận: Gio linh, Cam lộ, Ba lòng, Hải lăng, Triệu phong và Trung lương ( vùng phi quân sự nam ).

Thời Ðệ Nhị Cộng hòa, Quảng trị có 7 quận : Gio linh, Cam lộ, Hướng hóa, Ðồng hà, Hải lăng, Triệu phong và Mai lĩnh, quận này kiêm luôn các phường thuộc thị xã Quảng trị.

Dưới thời Việt nam Cộng hòa không có phủ Vĩnh linh bởi đa phần địa hạt Vĩnh linh nằm về bờ bắc sông Bến hải, bị cắt rời khỏi tỉnh mẹ Quảng trị theo hiệp định Genève 1954, được gọi là Vùng phi quân sự bắc .

Theo Việt sử, phủ Vĩnh linh nguyên là đất của Chiêm thành, mang tên châu Ma linh, được Chế Củ, vua Chiêm thành, dâng cho vua Lý thánh Tông vào năm 1069. Ðến đời vua Lý nhân Tông, năm 1075 đổi thành châu Minh linh.

Phủ Vĩnh linh ở phía bắc tỉnh Quảng trị, bên bờ Ðông hải, có đảo Cồn cỏ án ngữ như một tiền trạm hay tiền đồn quan sát tàu thuyền lưu thông trong hải phận, phía tây dựa lưng vào Trường sơn, nam giáp huyện Gio linh, bắc giáp huyện Lệ thuỷ tỉnh Quảng bình, diện tích 626 km2 với dân số hiện nay 90.000 người phân bố tương đối đều đặn trong 20 xã, phủ lỵ đóng tại Hồ xá.

Dân tâm người Vĩnh linh có vẻ cương trực. Nghe nói xưa kia có một tân khoa phó bảng được bổ Tri huyện Vĩnh linh, được thân phụ căn dặn rằng: Con phải thanh liêm, vì trước đây quan Án sát tỉnh Quảng trị chỉ lấy của dân một con gà chọi (gà đá) mà bị kiện mất chức. Người Vĩnh linh chuộng sự cần kiệm nên con phải thanh liêm .

Thời chữ nho thịnh hành, một số nhà khá giả mở lớp học chữ nho tại nhà, mời thầy đồ đến dạy cho con cháu, các con em trong làng cũng được đến học. Thời chữ quốc ngữ được truyền bá rộng rãi, các nhà thờ Công giáo trong phủ đều mở lớp khai tâm quốc ngữ miễn phí cho tất cả con em trong giáo xứ, ngày học hai buổi sáng chiều, tuần nghỉ hai ngày thứ năm và chủ nhật, do các nữ tu dòng Mến Thánh giá Di loan đến dạy. Chính phủ cũng mở tại mỗi tổng một trường sơ học từ lớp năm đến lớp ba ( lớp1 dến lớp 3 ) và bổ nhiệm các thầy đến dạy. Một số ít người Vĩnh linh có học vị tú tài, cử nhân, thạc sĩ hay tiến sĩ cựu học hay tân học được đào tạo ở trong nước hay ngoại quốc như Pháp, Hoa kỳ, Liên xô cũ, v.v...

Vĩnh linh ruộng ít, đất đỏ bazan nhiều và tốt, cư dân có khuynh hướng dĩ nông vi bản, nông dân chiếm hơn 95%. Các vườn sắn nương khoai bạt ngàn. Nhờ vậy nên những năm mất mùa lúa, sắn khoai tiếp ứng cho đến ngày giáp hạt. Trận đói Ất Dậu 1945, quân xa Nhật bổn đã chở từ xa đâu đó đến Vĩnh linh cả trăm người và họ được cứu đói nhờ khoai sắn Vĩnh linh, cũng như củ khoai tây đã cứu sống người châu Âu thời trung cổ. Ông bà cũng đã để lại lời răn con cháu :

Ðược mùa chớ phụ môn khoai,
Ðến năm thân dậu, lấy ai bạn cùng


Sắn (manioc) có nhiều loại, Vĩnh linh trồng giống sắn Ấn độ, cây thấp, thân mập, năng suất cao, củ lớn và dài, cho nhiều tinh bột được chế biến thành bột lọc (tapioca) để xuất khẩu, nguồn lợi đáng kể của nông dân địa phương.

Vĩnh linh có sông Bến hải dài 59 km, phát xuất từ Trường sơn chảy ra biển qua cửa Tùng. Phía bắc sông nầy có một sông nhỏ cũng từ Trường sơn chảy qua Bến Quan, tới hợp lưu vào sông Bến hải tại Hiền lương. Nơi hợp lưu nầy tạo một ngã ba sông vừa rộng vừa sâu, cắt ngang quốc lộ 1A chạy suốt Bắc Nam. Nơi đây, từ xa xưa đã có đò ngang cho khách bộ hành qua lại tại bến đò Hiền lương. Thời Pháp thuộc, bến đò nầy có thêm phương tiện Phà (bac) để chở xe hơi qua sông. Phà nầy là thuyền gỗ, rộng bề ngang, lòng phẳng, không mui, chuyển vận bằng sức người kéo hai chiếc dây chằng dăng từ bờ bên nầy sang bờ kia. Ðội kéo phà gồm 5 người: 1 cai và 4 phu kéo dây. Sau khi xe hơi đã vào phà, người cai cầm sanh (sênh) gõ nhịp, 4 phu mỗi bên 2 người, ngồi nhoài về phía trước, 2 tay nắm chặt dây chằng.

Cai bắt đầu hò xướng : Ai mà nì !
Phu hò đáp:=Là hò hò khoan!
Lợp miếu thiếu tranh nì ! =Là hò hò khoan !
Lợp đình thiếu ngói nì ! =Là hò hò khoan!
Xây thành thiếu vôi nì ! =Là hò hò khoan!

Mỗi lần phu hò đáp đồng thời kéo mạnh dây, phà lướt tới mỗi lúc càng nhanh cho đến khi cập bến. Cai còn nhiều bài hò khác để trợ hứng cho phu kéo dây thêm hăng hái và nhịp nhàng.

Thời chiến tranh 1946-1954, Công binh Pháp lắp đặt các xà-lan (chaland) làm cầu nổi để đoàn xe tải (convoi) vận chuyển quân lính, quân nhu từ Huế ra Ðồng hới (Quảng bình) được nhanh chóng.

Sau ngày đình chiến 1-8-1954, theo hiệp định Genève, Ủy hội Quốc tế Kiểm soát Ðình chiến thiết lập trạm gác gần cầu Hiền lương và kẻ một đường đỏ ngang giữa cầu làm ranh giới phân cầu làm hai phần nam bắc bất khả thông quan.

Phủ Vĩnh linh nguyên trước có 4 tổng. Tổng (canton) là đơn vị hành chánh gồm nhiều xã. Ðứng đầu tổng là Chánh tổng có Phó tổng phụ giúp. Chánh tổng là nhân vật trung gian giữa Tri phủ và Lý trưởng các làng, nói cách khác, Chánh tổng là viên chức hành chánh trung gian giữa cơ quan Hành chánh Phủ Huyện và ban Hành chánh Xã.

Sau đình chiến 1954, tổng Xuân hòa nằm về phía nam sông Bến hải, trong vùng phi quân sự nam được chính phủ Việt nam Cộng hòa lập thành quận Trung lương. Ba tổng nằm về phía bắc sông Bến hải là tổng Hiền lương, tổng Huỳnh công và tổng Thủy ba đều nằm trong vùng phi quân sự bắc, được chính phủ Bắc Việt gọi là khu vực Vĩnh linh.

- Tổng Xuân hòa:

Ðất ít, ruộng nhiều, mật độ dân số trung bình. Gồm các làng Xuân hòa, Xuân mị, Xuân long, Thủy bạn, Thủy khê, Cẩm phổ, Cát sơn, Cao xá, v.v... Cao xá là quê quán cụ Nguyễn hữu Bài, Thượng thư bộ Lại kiêm bộ Hộ dưới triều vua Khải định. Hai làng Xuân mị và Thủy khê cũng được truyền tụng qua ca dao: “Văn chương Xuân mị, lý sự Thủy khê”.

- Tổng Hiền lương:

Ở về phía đông phủ Vĩnh linh, gồm các làng thuộc vùng Cửa Tùng như : An du đông, An du tây, An du bắc, An du nam, An ninh, Di loan, Vĩnh an, Tùng luật, Cổ trai, Tân trại và Thạch bàn. Tổng Hiền lương được xem như một vùng trù mật, dân cư đông đúc, có chợ mai chợ chiều, trường học, có hải khẩu Cửa Tùng với bãi tắm lý tưởng, phong cảnh đẹp, có sân vận động, phi trường, trạm y tế, nhà máy phát điện. Cửa Tùng là nơi nghỉ mát của các vua cuối triều nhà Nguyễn, các quan chức Pháp, Việt, các đoàn học sinh Lào, v.v... Kinh tế vùng nầy có vẻ phát đạt, sản xuất tơ lụa, muối, tôm hùm, ruốc, mắm, nước mắm, che (trà), hạt tiêu, bột sắn, khoai khô, sắn khô, v.v... (như đã trình bày trước đây trong bài Cửa Tùng).

Cửa Tùng cũng là khu Công giáo sầm uất, có 10 giáo xứ với 10 thánh đường. Theo Việt nam Giáo sử thì Vùng nầy được truyền giáo từ năm 1623, 1624, thời chúa Nguyễn phúc Nguyên (Chúa Sãi) do Các Linh mục người Bồ đào nha, Ý, Pháp và Nhật bổn. Ðặc biệt, trong đó có Linh mục Alexandre de Rhodes (giáo sĩ Ðắc lộ) thuộc dòng Tên đến giảng đạo tại Trung Việt vào cuối năm 1624 và vĩnh biệt rời Việt nam vào năm 1645. Ngài là ân nhân của nền văn hóa Việt nam, có công lớn trong việc tu sửa chữ quốc ngữ trong thời kỳ phôi thai. Trước đó, các Linh mục Thừa sai dòng Tên người Bồ đào nha đã nghĩ ra một số phát âm tiếng Việt viết bằng mẫu tự la-tinh rồi. Cha Ðắc lộ nói thông thạo tiếng Ý, Pháp, Tây ban nha, Ấn độ, Hy lạp, Do thái, Trung hoa và Nhật bổn. Ngài thường lấy các thứ tiếng trên để làm mẫu mực hoặc để so sánh, có mục đích giúp các nhà truyền giáo biết cách đọc các nguyên âm và phụ âm tiếng Việt. Cuốn Tự điển Việt-Bồ-La được cha Ðắc lộ cho xuất bản vào năm 1651, được xem là năm khai sinh chữ quốc ngữ, thứ chữ ban đầu được các nhà truyền giáo sử dụng, sau nầy nước ta đã biến nó thành quốc ngữ Chữ Nước Ta.

Thời nội thuộc Trung hoa, các Thái thú cai trị nước ta đã truyền dạy chữ nho. Ðến khi nước ta được độc lập, chữ nho vẫn được dùng trong công văn, sắc dụ của triều đình, trong thơ văn, sách vở hay trong thư từ, khế ước của tư nhân. Ðến đời vua Trần dụ Tông xuất hiện chữ nôm là thứ chữ dùng nguyên chữ nho rồi thêm bớt chấm, phết hoặc ghép hai ba chữ nho lại để đọc theo tiếng Việt, nhưng bị giới nhà nho quá sùng hán văn thời ấy coi thường. Ngay tại Trung hoa, Chủ tịch Mao trạch Ðông cũng muốn dùng mẫu tự la-tinh để viết ra chữ Tàu, nhưng cũng chưa thực hiện được.

Trung tâm Cửa Tùng cũng là trung tâm tổng Hiền lương, có Tiểu chủng viện (Petit Séminaire) tại làng An ninh, nơi đào tạo linh mục cho giáo phận Huế trong 8 năm đầu, sau đó vào học 6 năm tại Ðại chủng viện Huế rồi mới thụ phong linh mục. Tiểu chủng viện An ninh cũng giúp giáo huấn chủng sinh cho Giáo hội Công giáo Lào và đã được vua Khải Ðịnh đến thăm và ban tặng bức hoành phi bốn đại tự Phụ Thế Trưởng Nhân. Một ít chủng sinh thụ giáo nơi đây, sau nầy nổi danh như Ðức Cha Hồ ngọc Cẩn, Giám mục Giáo phận Bùi chu (Bắc Việt); Ðức Cha Ngô đình Thục, Giám mục Giáo phận Vĩnh long và Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế; Ðức Cha Lê hữu Từ, Giám mục Giáo phận Phát diệm (Bắc Việt); Ðức Cha Nguyễn văn Hiền, Giám mục Giáo phận Sài gòn và Giáo phận Ðà lạt; Ðức Hồng y Nguyễn văn Thuận, Giám mục Giáo phận Nha trang, Tổng Giám mục phó Tổng Giáo phận Sài gòn, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình tại tòa thánh Vatican; Ðức Cha Nguyễn như Thể, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế; Linh mục Nguyễn hy Thích, Giáo sư Hán văn và Triết học Ðông phương tại các Ðại học Huế, Sài gòn và Ðà lạt; Linh mục Nguyễn văn Lập, Viện trưởng viện Ðại học Ðà lạt. Một ít chủng sinh rời chủng viện, sau nầy dấn thân vào đời cũng xuất chúng, như :

* Ông Nguyễn hữu Bài, Thượng thư bộ Lại kiêm bộ Hộ, sung Cơ mật viện Ðại thần dưới triều vua Khải Ðịnh. Cụ được người đời truyền tụng: ”Ðày vua không Khả, đào mả không Bài” (Năm 1907, Thượng thư Ngô đình Khả phản đối việc lưu đày vua Thành Thái sang đảo Réunion. Năm 1908, Thượng thư Nguyễn hữu Bài đã chống đối kịch liệt Khâm sứ Mahé (Pháp) đòi khai quật mộ vua Tự Ðức để lấy vàng ngọc).
* Ông Ngô đình Nhu, chính trị gia, người đã tận trung tận nghĩa giúp bào huynh của mình (Tổng thống Ngô đình Diệm) bảo vệ chủ quyền Quốc gia và nền độc lập của Nước Nhà.
* Ông Lê quang Tung, cựu Tư lệnh Lực lượng Ðặc biệt của Quân đội Việt nam Cộng hòa, một gương trung can, đã tử trung, không chịu làm tay sai cho ngoại bang.

- Tổng Huỳnh công :

Nằm về phía bắc phủ Vĩnh linh, gồm các làng : Huỳnh công, Liêm công tây, Liêm công đông, Thủy cần, Ðơn duệ, v.v... Vùng nầy dân ít, đất rộng cu bay thẳng cánh. Toàn khu vực đất đỏ bazan phì nhiêu thích hợp với kinh tế vườn như mít, chè (trà), tiêu, cam, bưởi, chanh, chuối, thơm, sắn, môn, khoai, v.v...

Làng Liêm công có một khu rừng gọi là Rú Lịn nơi có nhiều cây Lịn, một loại cây giống tre nhưng thân mềm, ruột rỗng chứa nhiều nước, uống mát và ngọt, một đặc sản ít nơi có. Làng nầy là quê quán của ông Trần công Khanh, một lãnh tụ Việt nam Quốc dân đảng địa phương bị xử tử vào khoảng cuối năm 1945 đầu năm 1946.

Liêm công cũng là quê quán của thầy I-nha-xô (tên thánh, không rõ tên Việt). Theo Việt nam Giáo sử thì Thầy sinh năm 1610, học thức rộng, tinh thông sử ký, được bổ nhiệm một chức vụ tại phủ Tổng trấn, tức dinh ông Hoàng Khê. Ông Hoàng Khê là con bà Minh đức Vương Thái phi, vợ lẽ chúa Nguyễn Hoàng. Năm ba mươi tuổi, Thầy vào đạo Công giáo do cha Ðắc lộ (Alexandre de Rhodes) rửa tội. Hai năm sau, Thầy từ chức quan để nhập đoàn Thầy Giảng của cha Ðắc lộ và được cử làm trưởng đoàn. Sau đó, Thầy bị bắt và bị chém đầu Tử vì đạo, còn bảy người khác bị chặt mỗi người một ngón tay, vào năm 1645, dưới thời chúa Công Thượng Vương.

Làng Thủy cần :

Ðất Thủy cần cũng bát ngát và màu mỡ như đất Liêm công, Huỳnh công, mật độ dân số trung bình. Phía đông làng có một khu rừng ra tận bờ biển, gọi là Rú Thuỷ cần nơi đây có nhiều cu kỳ, một loại chim cu to gấp đôi cu đất, thịt ăn ngon. Khu rừng nầy có nhiều cây máu, loại cây thân gỗ, cao 5, 6 mét trái chứa nhiều dầu gọi là dầu máu, loại thần dược trị thương tích, ghẻ lác ở trâu, bò, ngựa, heo.

Xa khoảng 10 km phía biển đông, có đảo Cồn Cỏ, có lẽ từ thời xa xăm, đảo nầy là phần đất liền với rú Thuỷ cần, nhưng do sự đứt gãy vì động đất, đã tách khỏi đất liền, bởi chim cu kỳ và cây cối trên đảo nầy giống hệt ở rú Thủy cần vậy.

Sát bờ biển Thủy cần có một làng ngư dân gọi là làng Vịnh, các ngư hộ đều ở trong những ngôi nhà thấp lè-tè để tránh bão. Khoảng năm 1940, bị một trận bão lớn càn quét, ông Lý trưởng làng báo trình Tri phủ Vĩnh linh Dạ bẩm quan! làng tui tan nát, chùm-hum không kể, sát giàn bảy mươi (Xiêu không kể, nằm sát đất 70 ngôi nhà). Làng có miếu thờ một bộ xương cá voi, đường kính đốt xương sống lớn khoảng 2 tấc.

(Còn tiếp)

Thứ Ba, 12 tháng 2, 2008

Quảng Trị - Diện tích tự nhiên, địa giới hành chánh



Quảng Trị là một tỉnh nằm ở dải đất miền Trung Việt Nam, nơi chuyển tiếp giữa hai miền địa lý Bắc - Nam. Toạ độ địa lý trên đất liền Quảng Trị ở vào vị trí:


Cực bắc là 17o10' vĩ bắc, thuộc địa phận thôn Tây, xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh
Cực nam là 16o18' vĩ bắc thuộc thôn làng Hạ, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng.
Cực đông là 107o24' kinh đông thuộc thôn Thâm Khê, xã Hải Khê, Hải Lăng
Cực tây là 106o24', địa phận đồn biên phòng Cù Bai, xã Hướng Lập, Hướng Hoá.


Với toạ độ địa lý này, Quảng Trị được tạo nên bởi một không gian lãnh thổ mang sắc thái khí hậu nhiệt đới ẩm, điển hình của vòng đai nội chí tuyến Bắc bán cầu và chịu ảnh hưởng rất lớn của biển Đông. Cách thủ đô Hà Nội 582 km về phía Bắc, thành phố Hồ Chí Minh 1.121 km về phía Nam. Phía bắc Quảng Trị giáp huyện Lệ Thuỷ (Quảng Bình), phía nam giáp hai huyện A Lưới, Phong Điền (Thừa Thiên - Huế), phía tây giáp tỉnh Savanakhet (Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào), với chiều dài biên giới chung với Lào là 206 km, được phân chia bởi dãy Trường Sơn hùng vĩ. Phía đông giáp biển Đông với chiều dài bờ biển 75km và được án ngữ bởi đảo Cồn Cỏ, có toạ độ địa lý 17o09'30' vĩ bắc và 107o20' kinh đông, đảo Cồn Cỏ cách bờ biển (Mũi Lay) 25 km, diện tích khoảng 4km2.


Chiều ngang trung bình của tỉnh 63,9km, (chiều ngang rộng nhất 75,4km, chiều ngang hẹp nhất 52,5km).


Đất đai


Diện tích tự nhiên 4.592km2, tuy diện tích không lớn, nhưng lịch sử phát triển địa chất phức tạp, cách đây 500 triệu năm, do các kiến tạo nâng lên, hoạt động đứt gãy, chia cắt, san bằng bề mặt... tạo ra một địa hình lãnh thổ rất đa dạng. Do sự chi phối của cấu trúc địa chất, bao gồm: núi đồi đồng bằng, cồn cát và bãi biển, chạy dài theo hướng tây bắc - đông nam và trùng với phương của bờ biển. Chính vì vậy, đất đai Quảng Trị mang những đặc điểm rất riêng (xem mục tiềm năng kinh tế xã hội)


Sông ngòi - hồ đập - đầm phá


Mạng lưới sông ngòi ở Quảng Trị dày đặc, nhất là ở vùng núi. Tính trung bình mật độ sông ngòi khoảng 0,8 - 1 km/km2. Trong đó ở vùng đồng bằng ven biển có mật độ là 0,45 - 0,5 km/km2, ở vùng núi có mật độ trên 1km/km2. Một đặc trưng quan trọng là hầu hết sông ngòi ở Quảng Trị đều dốc, ngắn và chảy từ tây sang đông (độ dốc 13 - 25m/km). Tổng diện tích lưu vực khoảng 3640 km2 chiếm 79% diện tích toàn tỉnh, tổng số chiều dài các sông 1.085 km. Gồm có 3 hệ thống sông chính là:


Sông Bến Hải: Chiều dài 64,5km, thượng nguồn là dãy núi cao trên dưới 1.000m nằm ở phía tây-bắc Quảng Trị, và đổ ra biển qua Cửa Tùng. Sông Bến Hải chảy dọc theo vĩ tuyến 17. Sông Bến Hải có tất cả 14 phụ lưu, trong đó đáng chú ý là sông Bàn Xen (gọi là sông La Lung) và Rào Thanh (gọi là sông Bến Hải). Lưu lượng dòng chảy trung bình năm là 43,4 m3/giây, diện tích lưu vực khoảng 809 km2, mật độ sông suối 1,15 km/km2.


Sông Thạch Hãn: Đây là con sông lớn nhất tỉnh, có lưu lượng dòng chảy trung bình năm khoảng 130 m3/giây. Bắt nguồn từ dãy núi phía tây Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, có chiều dài 155 km. Sông Thạch Hãn hợp thành bởi 2 con sông chính là sông Quảng Trị và sông Cam Lộ và đổ ra biển qua Cửa Việt. Sông Thạch Hãn có 37 phụ lưu, diện tích lưu vực 2.600 km2, chiếm gần 50% diện tích lãnh thổ của Quảng Trị.


Sông Ô Lâu: (Ô Giang). Sông bắt nguồn từ dãy đồi cao khoảng 400 - 600 m của miền Tây Trị Thiên, hợp bởi 2 nhánh sông chính là sông Ô Lâu và sông Mỹ Chánh, dài 65 km, bao quát một diện tích lưu vực 900 km2, lưu lượng dòng chảy 44 m3/giây, mật độ 0,81 km/km2.


Ngoài các hệ thống chính trên, ở Quảng Trị còn nhiều dòng chảy đổ về phía Tây (ngòi, lạch) là những phụ lưu nằm ở Tây Trường Sơn, đổ vào sông Sê-Pôn, chảy qua Lào.


Đặc điểm của hệ thống sông ngòi ở Quảng Trị thuận lợi cho việc xây dựng các hồ chứa và thuỷ điện, với tổng lượng nước bề mặt 9 tỷ m3/năm, có thể cung cấp khoảng 3 tỷ KW/h điện năm. Trong đó hệ thống sông Bến Hải 834 triệu KW/h, sông Mỹ Chánh 376 triệu KW/h và sông Thạch Hãn 1.800 triệu KW/h.


Riêng thuỷ điện Rào Quán (trên sông Thạch Hãn) có trữ năng lý thuyết kỹ thuật hơn 60.000 KW - 120 triệu KW/h.


Nước ngầm dưới lòng đất trung bình năm trên toàn lãnh thổ mô duyn dòng chảy ngầm khoảng 9 - 12 l/giây/km2 hay 4.105m3/km2/năm, chiếm 20 - 30% tổng lưu lượng dòng chảy trên mặt đất và chất lượng nước ngầm tốt, độ PH = 7-8 và thuộc loại nước Bicacbonat canxi - BicacBonat natri, tổng độ khoáng 0,12 - 0,15 g/l. Nguồn nước ngầm đủ sức cung cấp cho sinh hoạt và sản xuất bằng giếng có công suất lớn , vừa và nhỏ.


Hồ đầm - phá: Phân bổ rải rác hầu khắp các vùng và tập trung chủ yếu ở các cửa sông như: Cửa Việt, cửa Ô Giang. Ngoài ao hồ tự nhiên ra phải kể đến ao hồ nhân tạo có được nhờ xây dựng thuỷ lợi, thuỷ điện. Tổng diện tích ao hồ trên 7000 ha, các hồ chính là: Hồ Thượng Hà (250 ha); Hồ Kinh Môn (300 ha) ở huyện Gio Linh; Hồ La Ngà (350 ha) ở Vĩnh Linh; Hồ Tân Đô (500 ha) ở huyện Hướng Hoá, và còn có 10 hồ chứa khác sẽ được quy hoạch diện tích từ 100 - 600 ha.


Đồi, núi, đảo:


Quảng Trị có dãy núi Trường Sơn, những dải đồi thấp cao khác nhau, ăn sâu vào lãnh thổ Việt Nam đã tạo ra Tây và Đông Trường Sơn, khí hậu 2 mùa rõ rệt.


Núi: Núi trung bình cao từ 1.400 m - 2000 m, có hình thái răng cưa, độ chia cắt 500 - 750 mét, độ dốc trên 20o. Các đỉnh núi cao nhất như; Núi Voi Mẹp (1.701 m) động Sá Mùi (1.613 m) ở Hướng Hoá.


- Núi trung bình thấp độ cao từ 750 - 1.400 m, chủ yếu là trầm tích có hình thái đường sống núi răng cưa thoải đến lượn sóng, độ chia cắt trung bình 250 - 500 m. Điển hình là núi Động Châu (1.257 m); Động Vàng Vàng (1.250 m) ở thung lũng sông Bến Hải (Vĩnh Linh) và sông Cam Lộ (huyện Cam Lộ).


- Núi thấp từ 250 - 750m, thành phần chủ yếu là đá trầm tích, lượn sóng thoải, độ chia cắt trung bình 250 - 500m, độ dốc từ 30o - 12o.


Đồi: Đồi cao từ 250m, chạy dài lượn sóng chủ yếu độ chia cắt 50 - 75m. Những dãy đồi do phun trào bazan Khe Sanh - Lao Bảo (Hướng Hoá) trên bình độ 300 - 400m.


Đồi trung bình 100 - 250m thành phần chủ yếu là đá trầm tích và phun trào bazan, có dạng úp bát, lượn sóng và chạy dọc theo các thung lũng sông: Bến Hải, Cam Lộ, Thạch Hãn, độ chia cắt trung bình 25 - 50m. Tại Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ có nhiều dãy đồi bazan đỉnh bằng, sườn thoải, đất đai màu mỡ thích hợp trồng cây công nghiệp và cây ăn quả.


Đèo Lao Bảo: (Hướng Hoá) là nơi thấp nhất của dãy Trường Sơn (350m) nằm ở phía Đông của đỉnh núi Voi Mẹp. Đèo Lao Bảo cùng với thung lũng Cam Lộ đã tạo ra chế độ gió mùa Tây nam khô nóng rất đặc trưng cho khí hậu Quảng Trị.


Các đỉnh núi, điểm cao của dãy đồi ở rải rác hầu hết các huyện phía Bắc Quảng Trị vừa có ý nghĩa to lớn về kinh tế, vừa là vị trí quan trọng quốc phòng.


Đảo Cồn Cỏ: Cách bờ biển 25 km về phía Đông - Đông Bắc (Mũi Lay huyện Vĩnh Linh) ở vị trí 17o9'36' vĩ độ Bắc và 107o19'57' độ kinh đông. Đảo có diện tích khoảng 4 km2, độ cao tuyệt đối là 101 mét, độ dốc 15-20o, gồm 2 đồi và bãi đá, cát bằng phẳng. Nhiệt độ trung bình năm 25,3oC, lượng mưa trung bình năm 2.278mm. Đất trên đảo là đất nâu đỏ, nâu vàng trên bazan, thuận lợi cho sự phát triển, sinh trưởng của thảm thực vật rừng nhiệt đới ẩm. Hiện nay đảo chỉ còn phủ thảm rừng thứ sinh, dừa, chuối, rau xanh.


Đảo Cồn Cỏ là ngư trường đánh bắt hải sản thuận lợi với năng suất 200 kg tôm cá/ha. Cồn Cỏ còn là nơi chắn gió bão, là trạm trung chuyển cung cấp nước ngọt cho ngư dân, tàu thuyền qua lại. Tương lai đây sẽ là trạm trung chuyển khi khai thác dầu khí thềm lục địa ở khu vực miền Trung.


Khí hậu


Quảng Trị nằm ở phía nam của Bắc Trung Bộ, trọn vẹn trong khu vực nhiệt đới ẩm gió mùa, là vùng chuyển tiếp giữa 2 miền khí hậu. Miền khí hậu phía bắc có mùa đông lạnh và phía nam nóng ẩm quanh năm. ở vùng này khí hậu khắc nghiệt, chịu hậu quả nặng nề của gió tây nam khô nóng, bão, mưa lớn, khí hậu biến động mạnh, thời tiết diễn biến thất thường, vì vậy trong sản xuất và đời sống của nhân dân gặp không ít khó khăn.


Do nằm trọn vẹn trong nội chí tuyến bắc bán cầu, hàng năm có 2 lần mặt trời đi qua đỉnh (tháng 5 và tháng 8), nền bức xạ cao. (Cực đại vào tháng 5, cực tiểu vào tháng 12). Tổng lượng cán cân bức xạ cả năm ở Quảng Trị dao động trong khoảng 70 - 80 Kcalo/cm2 năm, những tháng mùa hè gấp 2 - 3 lần những tháng mùa đông.


Tổng số giờ nắng trung bình năm ở Quảng Trị dao động từ 1700 - 1800 giờ. Số giờ nắng lớn nhất vào tháng 7 (240 - 250 giờ).


Nhiệt độ trung bình hàng năm dao động từ 20 - 25oC, tháng 7 cao nhất còn tháng 1 thấp nhất. ở đồng bằng nhiệt độ trung bình tháng cao nhất là tháng 7 (29oC), tháng lạnh nhất là tháng 1 (18,5 - 19,5oC). Còn ở vùng đồi núi nhiệt độ tháng cao nhất 25 - 26oC; tháng thấp nhất 15 - 17oC. Tổng tích nhiệt độ trung bình ở Quảng Trị khoảng 9.000oC ở đồng bằng và 7500 - 8000oC ở vùng đồi núi. ở đồng bằng mùa nắng nóng kéo dài 180 ngày (từ tháng 4 - 10) và mùa lạnh kéo dài 60 ngày (từ cuối tháng 12 đến giữa tháng 2). ở miền núi mùa lạnh đến sớm hơn và kết thúc muộn hơn gần 1 tháng. Nhiệt độ tối cao trong năm vào các tháng nóng, ở vùng đồng bằng trên 40oC và ở vùng núi thấp 34 - 35oC. Nhiệt độ thấp nhất trong năm có thể xuống tới 8 - 10oC ở vùng đồng bằng và 3 - 5oC ở vùng núi cao.


Lượng mưa: Mùa mưa diễn ra từ tháng 9 đến tháng 1, lượng mưa khoảng 75 - 85% tổng lượng mưa cả năm. Các tháng mưa kéo dài, lớn là tháng 9 - 11 (khoảng 600mm). Tháng ít mưa nhất là tháng 2 - tháng 7 (thấp nhất là 40mm/tháng). Tổng lượng mưa cả năm dao động khoảng 2000 - 2700 mm, số ngày mưa 130 - 180 ngày. Đặc biệt vùng Khe Sanh (huyện Hướng Hoá) mùa mưa diễn ra từ tháng 5 - 11 cực đại vào tháng 9, đây là vùng có lượng mưa thấp nhất (2000 mm/năm).


Độ ẩm: Độ ẩm tương đối trung bình tháng ẩm 85-90%, còn tháng khô 80%. Thị xã Đông Hà vào mùa hè bị khô hạn hơn cả, vùng Khe Sanh (Hướng Hoá) quanh năm ẩm.


Do chịu tác động mạnh của gió tây nam khô nóng nên lượng bốc hơi các tháng mùa hè gấp 2 - 3,5 lần so với lượng mưa, đây là nguyên nhân gây ra hạn hán.


Đặc trưng thời tiết đáng chú ý ở Quảng Trị


Gió tây nam khô nóng thường gọi là "gió Lào", hiện tượng thời tiết đặc biệt khô nóng thổi từ Lào qua, thường những ngày có gió Lào là ngày có nhiệt độ cao nhất trên 35oC, độ ẩm tương đối thấp nhất dưới 50%. Mùa gió khô nóng vào tháng 3 - 9 và gay gắt nhất tháng 4, 5 đến tháng 8. Hàng năm có 40 - 60 ngày khô nóng.


Bão: Mùa bão ở Quảng Trị diễn ra từ tháng 7 đến tháng 11, trong đó tháng 9 - 10 nhiều bão nhất. Theo số liệu thống kê trong 98 năm có 75 cơn bão đổ bộ vào khu vực Bình Trị Thiên, bình quân 0,8 cơn bão/năm ảnh hưởng trực tiếp đến Quảng Trị, có năm không có bão, nhưng lại có năm liên tiếp 2 - 3 cơn bão đổ bộ trực tiếp. ảnh hưởng tai hại nhất là bão gây ra gió xoáy giật kèm theo mưa to dài ngày (2 - 5 ngày) gây ra lụt lũ nghiêm trọng. Tỷ lệ mưa do bão và áp thấp nhiệt đới gây ra chiếm tới 40 - 50% tổng lượng mưa trong các tháng 7 - 10. Lượng mưa do một cơn bão gây ra khoảng 300 - 400 mm, có khi 1000mm.


Nguồn: www.mpi.gov.vn