Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2008

Cửa Tùng Nỗi Nhớ Không Nguôi



Cửa Tùng là hải khẩu sông Bến hải, con sông mang dấu ấn tang thương của đất nước. Tôi rời Cửa Tùng đã trên nửa thế kỷ mà nỗi nhớ vẫn không nguôi, lòng cứ bâng khuâng nhớ cảnh nhớ người, bởi nơi đây là “Quê Cha Đất Tổ”, nơi Tổ Tiên tôi cùng các vị đồng bối, hưởng ứng công cuộc di dân của chúa Nguyễn Hoàng, đã đến đây lập nghiệp. Các bậc tiền bối, qua nhiều thế hệ nối tiếp nhau khai sơn phá thạch biến hoang địa thành vùng đất phì nhiêu và cửa Tùng trở nên chốn “Thanh phong lưu thủy”, một hải ngạn đẹp đẽ được người đương thời so sánh “nhất Đồ sơn, nhì Cửa Tùng”. Thi sĩ Đông Hồ khi tả cảnh Hà tiên đã nhắc đến Cửa Tùng “...có một ít Đồ sơn, Cửa Tùng, một ít Nha trang, Long hải...”.

Theo Việt sử, vùng đất Cửa Tùng nguyên là lãnh thổ của nước Chiêm thành. Vì quân Chiêm hay quấy nhiễu nước ta nên năm 1069 vua Lý Thánh Tông thân chinh đi đánh Chiêm thành, bắt được vua Chiêm là Chế Củ. Chế Củ xin dâng ba châu để chuộc tội là châu Địa lý, châu Bố chính và châu Ma linh. Ba châu ấy nay thuộc địa hạt tỉnh Quảng bình và một phần phía bắc tỉnh Quảng trị. Năm 1075, vua Lý Nhân Tông sai ông Lý Thường Kiệt vẽ lại họa đồ hình thể sông núi của ba châu và đổi tên châu Địa lý thành châu Lâm bình, châu Bố chính vẫn giữ nguyên tên cũ và châu Ma linh đổi thành châu Minh linh, rồi chiêu mộ di dân sang ở.

Theo Cương Mục Chính Biên thì châu Địa lý là phần đất huyện Quảng ninh, châu Bố chính là phần đất thuộc các huyện Bố trạch, Quảng trạch và Tuyên đức thuộc tỉnh Quảng Bình, còn châu Ma linh là phần đất toàn phủ Vĩnh linh và một phần phía bắc huyện Gio linh, tỉnh Quảng trị.

Như vậy, Cửa Tùng, phần đất phía đông bắc của phủ Vĩnh linh được sáp nhập vào lãnh thổ Việt nam kể từ năm 1069, năm mà Chế Củ xin dâng ba châu để chuộc tội.

Chủ trương của vua Lý Nhân Tông chiêu mộ di dân sang lập nghiệp vùng ba châu đã mở đầu công cuộc Nam tiến của nước ta. Tuy ban đầu, người Việt còn dè dặt trong việc di cư xuống phía Nam vì e ngại người Chiêm quấy nhiễu, trả thù, nhưng dần dần lãnh thổ phía nam nước ta bành trướng đến đèo Hải vân, rồi đến Quảng nam, Quảng ngãi..., người Việt phía Bắc mới an tâm đến lập nghiệp ở phía Nam.

Năm 1558 (Mậu ngọ), đời vua Anh Tông, chúa Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận hoá, đóng ở Ái-Tử tỉnh Quảng trị. Bấy giờ những người họ hàng với chúa Nguyễn ở huyện Tống sơn tỉnh Thanh hoá và những quân binh ở Thanh hoá Nghệ an và gia đình họ cùng đi theo chúa Nguyễn. Đợt di dân nầy được xem là đông đúc. Những đợt di dân tiếp theo trong nhiều năm sau đã tăng dân số trong vùng được gọi là “Đàng Trong” từ sông Gianh trở vào thuộc quyền cai trị của chúa Nguyễn. Qua hàng trăm năm các đời vua nối tiếp nhau cho đến cuối triều nhà Nguyễn, ngày vua Bảo Đại thoái vị (29-8-1945), thì vùng Cửa Tùng gồm có các làng xã sau đây:

Đại xã An du gồm có bốn làng : An du Đông, An du Tây, An du Bắc, An du Nam, làng Di loan (Di luân), làng An ninh, làng Vĩnh an, làng Tân trại, làng Cổ trai và làng Tùng luật thuộc tổng Hiền lương, phủ Vĩnh linh, tỉnh Quảng trị.

Cửa Tùng là nơi sông Bến hải chảy ra biển. Con sông nầy phát xuất từ dãy Trường sơn, dài 59 km, diện tích lưu vực 936 km2. Đoạn nguồn mang tên “Ben Hai” một tên gọi của người Thượng địa phương. Khúc sông nầy dài nhưng hẹp và cạn, có nơi có thể lội bộ qua được, nhưng khi chảy đến bến đò Hiền lương (cầu Bến hải) được một phụ lưu khác hợp lưu, chảy vào địa phận tổng Hiền lương nên được gọi là sông Hiền lương, vừa rộng vừa sâu, chảy qua các làng Thuỷ khê, Cẩm phổ, Xuân mị, Cát sơn phía bờ nam và làng Tùng luật, Di loan, Vĩnh an phía bờ bắc rồi chảy ra biển.

Hải khẩu cửa Tùng nguyên thuộc địa phận một phường của làng Tùng luật, người địa phương gọi là làng Tùng, cửa biển gọi là cửa Tùng. Vào khoảng năm 1915-1920, phường nói trên được xuất làng mang tên là làng Vĩnh an. Dân cư trong làng sống chen chúc trên một đoạn bờ bắc cạnh cửa biển. Sát cửa biển, mặt tiền làng Vĩnh an, một ngôi chợ nhóm vào buổi chiều gọi là chợ Hôm hay chợ Cựa (Cửa). Chợ gồm mấy dãy quán tranh, sạp tre, bán các loại hải sản như cá, tôm, cua ... của các thuyền câu cập bến sau một ngày ra khơi. Cạnh chợ có mấy nhà gạch, một tiệm thuốc bắc, một tiệm hớt tóc và một tiệm may. Khu vực chợ Cựa ban mai mang bầu khí tịch mịch nơi thôn dã, đến xế chiều, thuyền câu đổ bến và họp chợ mang lại cảnh tấp nập huyên náo, trên bến dưới thuyền chen chúc nhau mua bán vội vàng vì chợ tan trước lúc mặt trời lặn.

Hằng năm, hai mùa xuân hạ, sóng êm biển lặng, các thương thuyền cũng cập bến để thu mua các loại sản phẩm như khoai khô, sắn khô, chè (trà) khô gọi là chè Tùng, cá khô, mực khô, hạt tiêu...

Xa về phía bắc chợ Cựa, một vùng đá khá rộng chạy từ bờ đất doi ra biển. Mỏm đá nầy tạo cảnh quang cho cửa biển thêm đẹp nhưng cũng là mối nguy cho thuyền bè có thể bị vỡ khi vào cửa gặp lúc bão lụt sóng to gió lớn.

Cách mỏm đá nói trên vài cây số về phía bắc, một dàn đá khác lớn gấp ba, nhô ra biển. Sóng biển nhấp nhô len lỏi trong các gềnh đá phủ đầy rong, một vài loại hải sản như đỉa biển (hải sâm), cua, còng ở vùng cạn, còn vùng cao, mặt đá phẳng lì, người địa phương chia ô, cô nước biển thành nước muối, sau đó chế thành muối ăn.

Giữa hai vùng đá nói trên là một eo biển, gọi là Bãi Eo hay “Bãi Tắm Cửa Tùng”, cong hình trăng non với bãi cát trắng mịn, dài trên 1 km rộng độ 100 mét, với hai đường xe song song theo độ cong của bờ đất. Bãi Eo là một bãi tắm lý tưởng bởi đáy biển thoai thoải, cát mịn, nước trong, mùa hè mặt biển gợn sóng lăn tăn, gió nồm hiu hiu thổi từ biển vào rừng dương liễu bọc quanh bờ bãi tắm nghe vi vu như tiếng sáo trúc trầm bổng vang vọng trong cảnh yên hà tịch mịch.

Phía bắc bãi Eo độ 2 km, một mỏm đá vôi doi ra biển trông xa như đầu con voi, người địa phương gọi là “trôốc voi”, danh từ địa lý gọi là “Mũi Lài”, người Pháp gọi là “Cap Lay”.

Xa xa phía biển đông có cù lao “Cồn Cỏ” thấp thoáng in hình trên mặt biển. Tương truyền rằng : ngày xưa có ông “Thồ lồ” (khổng lồ) gánh đất từ dãy Trường sơn về lấp biển, bị gảy đòn gánh nên một đầu bị đổ ra biển đông nay gọi là đảo Cồn Cỏ và đầu kia đổ ở làng Hồ xá, nay là núi “Lò Reng”

Phía tây bãi tắm là sườn dốc cao với rừng dương liễu dày đặc xanh rì, cao vút, tiếng reo vi vu hoà quyện với gíó biển tạo âm hưởng vọng lên khắp vùng hải ngạn.

Hết dốc cao đến vùng bình địa đất đỏ bazan, loại đất thích hợp trong kinh tế vườn với các loại cây mít, chè, thơm, chanh, cam, quít, bưởi, cau, tiêu, sắn, khoai, chuối v.v...

Giữa hai đường cái quan song song dọc bờ đất hình cánh cung, nhiều nhà cửa, nhà hàng, biệt thự của người Pháp, các cơ quan như nhà Dây thép (Bưu điện), Nhà thương (Trạm y tế), Đồn lính tập (Lính khố xanh), Nhà máy đèn (Nhà máy phát điện) và nhà Thừa Lương (Nhà hóng mát) của các vua cuối đời nhà Nguyễn.

Tuy là nhà Thừa lương của vua nhưng chẳng phải “lầu son gác tía” hay “Lầu đãi nguyệt đứng ngồi dạ vũ, gác thừa lương thức ngủ thu phong”(CgO), mà là một ngôi nhà khá to, lợp tranh, đóng lát bằng gỗ mang dáng uy nghiêm. Nơi đây đã nảy sinh mối tình dang dở của vua Duy Tân.

Chuyện kể rằng năm 1914, vua Duy Tân ra nghỉ mát ở Cửa Tùng, lúc ấy nhà vua độ 15 tuổi muốn có bạn chơi cùng lứa nên đã truyền cho ông Hồ đắc Trung, Thượng thư bộ Học theo hầu và dẫn thêm mấy người con của ông Trung, 2 trai 16 và 15 tuổi, 2 gái 13 và 10 tuổi đi theo cho vui. Nhà Vua tuy nghiêm trang nhưng vẫn vui đùa với hai cậu trai và cô gái út, còn cô gái 13 được Ngài lưu ý để mắt tới nhưng ít tiếp chuyện. Nghỉ hè sắp mãn, vua tôi bịn rịn quấn quít lúc chia tay, cô chị ứa lệ nhìn Ngài. Ngài bảo sang năm sẽ gặp nhau lại. Năm sau, gần đến hè, cô chị xin đi theo các anh em ra Cửa Tùng, nhưng quan Thượng không cho, bảo ở nhà với mẹ, cô chị oà lên khóc nức nở. Khi đến Cửa Tùng, gặp lại mấy anh em, Nhà Vua hỏi sao thiếu mất một người, cô em tâu rằng mẹ bảo ở nhà. Vua nói “Thật tội nghiệp cho chị ấy”. Mãn hè một tháng, một hôm có quan Thị vệ đến xin ảnh cô chị đem vào Nội cho bà Thái Hậu xem mặt. Khoảng một tuần sau đó, Thái Hậu cho mời ông bà Thượng thư Hồ đắc Trung vào chầu. Ít bữa sau, kiệu vua đệ ra nhà quan Thượng một đôi bông tai và một đôi vòng vàng cho cô chị. Đó là lễ hỏi và cô chị ra lạy tạ ơn vua hạ cố.

Vào khoảng tháng 12 năm 1915, sau khi ở triều về, quan Thượng kín đáo báo cho quan Bà và bảo con lấy đôi vòng và đôi bông tai để mẹ con đem vào Nội dâng lại cho vua vì Ngài từ hôn và Ngài bảo hãy an ủi con và gả ngay cho người khác, đừng để con buồn tội nghiệp, Ngài còn bảo “Thầy nên hiểu vì ta thương gia đình thầy nên mới phải từ hôn với người mà ta mến từ hai năm nay”.

Sở dĩ có sự đổi ý đột ngột như thế vì vua Duy Tân đã có kế hoạch đánh quân Pháp ở Huế vào đêm 3 tháng 5 năm 1916. Cuộc khởi nghĩa bại lộ, vua Duy Tân bị bắt. Ngài có tâm sự rằng “Vì tôi thương gia đình ông Hồ đắc Trung, sợ ông ấy bị liên lụy nên tôi từ hôn”.

Cũng có một vài giai thoại về vua Duy Tân tại Cửa Tùng: Có lần tay vua đầy cát bẩn, quan Thị vệ đem chậu nước đến để vua rửa. Vua vừa rửa vừa hỏi quan Thị vệ “Tay nhớp thì lấy nước rửa, nước nhớp thì lấy chi rửa?”.

Ông quan còn ấp úng chưa trả lời được, thì vua nói “Nước nhớp thì lấy máu mà rửa. Nhà ngươi biết chưa?”.

Sau khu biệt thự của người Pháp và cơ quan của nhà nước là làng mạc sầm uất, đường sá ngoằn ngoèo, nhà cửa ẩn khuất trong những khu vườn đất đỏ trồng cây lưu niên như chè, mít, tiêu, cau, trầu, ổi, cam, quít, chanh, bưởi, vả, thơm, chuối ... Cây chè (trà) ở đây to lớn, gốc đường kính 2,3 tấc, cao 5,6 mét, mỗi năm bẻ (cắt cành) 2 lần, giả nát, phơi khô, cho vào bao xuất khẩu gọi là “Chè Tùng”. Còn cây mít cao trên chục mét, trái để ăn, gỗ ròng màu vàng dùng làm phản, giường, tủ, bàn, ghế, cột nhà, rui, kèo... Những cây mít cổ thụ được dùng làm cột đình, chùa, nhà thờ ...

Hai bên đường và bìa vườn người ta trồng tre. Tre khắp nơi, nhiều loại, nhiều thứ, đường nào cũng có tre, vườn nào cũng có tre, dùng để ăn măng, làm nhà, làm phên, đan đát thúng mủng, sàng, dần, gàu giai, gàu sòng, thuyền nan, chuồng trại gia súc, v.v...

Trung tâm khu vực Cửa Tùng là một vùng đất cao, rộng và bằng phẳng được dùng làm sân máy bay loại nhẹ thường gọi là “máy bay bà già”. Vào một trưa mùa đông năm 1941, một phi cơ chiến đấu của Nhật bổn lâm trận với máy bay địch ở Biển Đông không trở về hậu cứ được, cạn xăng, nên tìm nơi gần nhất để hạ cánh, đã đáp xuống phi trường Cửa Tùng. Bởi phi đạo quá ngắn nên phi cơ đã vượt ra xa, đâm vào bờ đất, bị vỡ. Phi hành đoàn 6 người gồm 1 Trung úy, 1 Thiếu uý và 4 quân nhân. Thân phụ tôi đã dùng chữ Hán tiếp xúc với Trung úy Trưởng đoàn, ông muốn có một nơi tạm trú cho phi hành đoàn. Ba tôi đã mời cả 6 người về nhà và cung cấp ẩm thực trong 7 ngày, cho đến khi họ liên lạc được với Bộ Tư Lệnh Bộ Binh Nhật ở Huế cho xe đến đón.

Cạnh phi trường nầy có một sở Tằm (Sở Canh nông) cung cấp trứng tằm giống, cố vấn việc nuôi tằm, giới thiệu giống dâu năng suất cao (lá to và nhiều lá).

Gần phi trường có một sân vận động nhỏ và một trường học tọa lạc trên đất xã An du, sát tỉnh lộ, cạnh sân banh của Tiểu chủng viện An ninh, trên cổng trường có một bảng lớn đề : “École élémentaire d’An-du”.

Người Cửa Tùng gọi trường này là “Trường Hương sư”, thời Pháp thuộc chỉ có ba lớp: Đồng ấu (cours enfantin), Dự bị (cours préparatoire) và Sơ đẳng (cours élémentaire). Lúc đầu chỉ có thầy giáo Thạnh, người làng An du tây dạy 2 lớp đồng ấu và dự bị, sau thầy Thạnh là 2 thầy Nguyễn quang Yêng , người làng An du Nam và thầy Phiên người làng Sơn công Sơn quả tỉnh Thừa thiên, dạy 3 lớp Đồng ấu, Dự bị và Sơ đẳng. Hai thầy Yêng và Phiên thuyên chuyển, hai thầy khác đến thay là thầy Lê văn Thử người làng Vĩnh an và thầy Nguyễn văn Nghi người làng An ninh. Các thầy phục sức chỉnh tề: khăn đóng, áo dài đen, quần trắng, mang guốc hay sandale, thỉnh thoảng áo chemise trắng, quần tây xanh đậm. Cả trường chỉ có một cái đồng hồ để bàn của thầy Hiệu trưởng. Hộc bàn thầy nào cũng có một cây roi ngắn để “trị” các trò không thuộc bài. Đặc biệt bài “Học thuộc lòng”phải thuộc làu, đọc suôn sẻ như tụng kinh. Năm 1940, đệ nhị thế chiến diễn ra khốc liệt tại châu Âu, Chính phủ Bảo hộ Pháp kêu gọi người Việt đi lính sang giúp Pháp đánh Đức, đã truyền hịch “Tùng chinh”, được thầy cắt làm 3 đoạn bắt học thuộc lòng như sau:

Hỡi anh em bạn tùng chinh,
Vì sao nước Pháp hưng binh phen này.
Chỉ vì nước Đức cố gây,
Muốn làm bá chủ đông tây một mình.
Bấy lâu sinh sự hoành hành,
Chiếm xong Áo Tiệp lại dành Ba lan.
Kể sao xiết nỗi hung tàn,
Giết người cướp của dã man vô cùng.
Pháp Anh hai nước một lòng,
Quyết phò công lý, chẳng dung cường quyền
Đồng minh quân đội kết liên,
Với quân Thuộc địa khắp miền gần xa.
Binh hùng tướng dũng kéo ra,
Dưới cờ Đại Pháp kể là rất đông.
Thù giặc Đức, cũng thù chung,
Nếu không chinh phạt thời không hoà bình.
Đánh cho Quốc xã tan tành,
Hít-le đến phải thất kinh oai trời.
Anh em Nam Việt ta ơi!
Vốn dòng nghĩa khí, vốn nòi thông minh.
Trong lòng vốn sẳn cảm tình,
Biết ơn Bảo hộ với mình lâu nay.
Tùng chinh lại gặp hội này,
Đền ơn ta phải góp tay với người.
Quản gì vượt biển ra khơi,
Chí nam nhi đặng gặp thời càng hay.
Sắt son ghi tạc dạ này,
Lo tròn phận sự cho tày người ta.
Khi về cổi bức chiến bào,
Hai Nhà nước thưởng công lao cho mình.
Ngoài xã hội, trong gia đình,
Tháng ngày vui hưởng thái bình phước chung
Anh em nên cố gắng công!.

Không biết tác giả bài nầy, nhưng được thầy giáo bắt học thuộc lòng và bảo đọc lớn
tiếng cho trong nhà và hàng xóm nghe để cổ động đi lính qua Pháp đánh Đức.

Mỗi chiều, nửa giờ trước khi bãi, thầy tập hát. Thời đó chưa có tân nhạc, chỉ có cổ nhạc theo điệu dân ca Bình Trị Thiên, cũng gọi là dân ca Huế.

Một vài bài điển hình sau đây:

1) Khuyến học (điệu lý con sáo)

Bớ trò đi học nhà trường,
Phải chăm, phải chăm mà bước,
Kẻo đường ơi trò ơi còn xa.
Giữa đường chớ giỡn chớ la,
Phải so, phải so ngày tháng,
Thoát đà ơi trò ơi nhường thoi.

2) Đạo làm trai (điệu kim tiền)

Sanh ra đạo làm trai, chăm lo học cho đặng nên người. Để đua trí đua tài kịp người ta, đường lớn xa. Khi bên thầy, khi bên bạn, khi bên đèn. Lấy văn tự đêm ngày đặng mà coi. Này con ơi! Này con! gắng công mà học cho đặng nên người, gặp thời giúp đời. Ai mà chăm chỉ thì nên. Cố công rèn tập ư thời gặp, thời gặp hội rồng mây. Cố công rèn tập ư thời gặp.

Trường tuy nhỏ nhưng cũng qui tụ học sinh các làng ở xa 3,4 cây số, đem theo cơm trưa, ngày học hai buổi mai chiều, tuần nghỉ hai ngày thứ năm và chủ nhật. Mỗi sáng nghe trống đánh 1 hồi 3 dùi, học trò sắp hàng trước cửa lớp, thầy bảo “Entrez”, học sinh đáp ”Nous entrons” rồi lễ phép đi vào lớp, đứng tại chỗ, thầy cho lệnh ”Asseyez-vous”, học sinh đáp ”Nous nous asseyons” rồi ngồi xuống. Thầy mở sổ “appel” gọi tên từng trò, học sinh lần lượt trả lời “présent”. Chiều bãi, ông phu trường đánh một hồi trống, học sinh xếp sách vở. Thầy hô ”Levez-vous”, học trò đứng dậy và nói “Nous nous levons”.Thầy nói tiếp “Sortez”, học sinh đáp “Nous sortons” rồi lần lượt ra cửa. Học sinh xưng hô với nhau bằng “trò” không được nói tao mi. Ra đường gặp thầy, phải cất nón chào thầy. Đúng là tiên học lễ hậu học văn.

Thời ấy (Pháp thuộc), quá tuổi không cho nhập học nên một số học sinh ở thôn quê khai hạ tuổi. Đi học để vừa biết chữ vừa kiếm mảnh bằng “Sơ Học Yếu Lược” (Certificat élémentaire) để trình làng, được miễn tạp dịch và sau nầy ra làm hương lý gánh vác việc Làng việc Tổng, xin làm Cai Lục lộ (Công chánh), hoặc ông Cai ông Bếp lính Khố xanh hay xin học làm y tá hương thôn, nữ hộ sinh hương thôn, v.v...Học hết lớp ba (cours élémentaire) ở trường Hương sư, muốn học tiếp thì lên Phủ (quận) học École primaire, xa 10 km, ở trọ nhà quen, góp gạo và tiền mua thức ăn.

Cùng học chung với nhau từ thuở tấm bé lớp Đồng ấu đến lớp Sơ đẳng trong ba năm liên tiếp, theo thứ tự ghi trong sổ appel của thầy, gồm có các trò : Niên, Nước, Thiên, Tới, Lự, Phận, Vị, Để, Hồng, Nghi, Ân, Niệm, Bỉnh, Tuấn, Tường, Tường, Lội, Hoè , Thảo, Điền, Cư, Đinh, Khánh, Cung, Bỉnh, Ba. (Hai mươi sáu trò, 66 năm qua, bây giờ ai còn ai mất, xin hoài niệm).

Khoảng năm 1940, có lần học sinh được xếp hàng dọc theo tỉnh lộ, tay cầm cờ long tinh nhỏ, miệng hô to “Vive l’Empereur” khi xe hoàng đế Bảo Đại đi qua để về Thừa lương. Cũng dịp nầy, một đoàn Hướng đạo đến đóng trại, ca hát, lửa trại, hài kịch rất vui.

Hằng năm đến ngày 14 Juillet, Quốc khánh Pháp, có đội kèn tây về trình diễn âm nhạc, buổi tối có chiếu phim lộ thiên cho tây và ta xem.

Khu vực Cửa Tùng gồm 10 làng: An du đông, An du tây, An du nam, An du bắc, An ninh, Di loan (Di luân) Cổ trai, Tân trại, Tùng luật và Vĩnh an. Ranh giới khu vực được giới hạn đông giáp biển, nam giáp sông Bến hải, tây giáp làng Liêm công, bắc giáp làng Thủy cần và Thạch bàn.

Một vài làng điển hình sau đây :

- Xã An du cũng gọi là An do rộng lớn hơn cả, xưa kia là một đại xã. Vị khai khẩn là ông Nguyễn như Long, ông có người em ruột là Nguyễn như Hổ là vị khai khẩn làng Tân trại. Hằng năm, lễ giỗ khai khẩn, An du xướng tên cả hai vị “Nguyễn như Long, Nguyễn như Hổ”, Tân trại cũng xướng tên hai vị nhưng ngược lại “Nguyễn như Hổ, Nguyễn như Long”. An du có một ngôi chợ khá lớn gọi là chợ Do (An do), giữa chợ có đình chợ lợp ngói, ba bốn cây sanh cây đa rợp bóng mát, mặt tiền chợ là cánh đồng nho nhỏ, ba mặt hậu, tả, hữu là nhà cửa, quán xá, 2 tiệm thuốc bắc, 2 tiệm may, ba bốn sạp vải, nhiều sạp tạp hoá. Chợ mua bán nhiều loại nông sản, hải sản, thịt gia súc, chim chóc, đồ thủ công như nón lá, tơi lá, dần, sàng, thúng, mủng, v.v... Chợ nhóm suốt buổi mai đến xế trưa, đông đúc, nhộn nhịp mang vẻ sầm uất nơi thôn dã.

Bởi cư dân ngày càng đông, xã An du được chia làm hai làng: An du đông và An du nam. Về sau, để đáp ứng việc gia tăng dân số, chính quyền tỉnh Quảng trị cho chia làng An du đông thêm làng An du bắc, làng An du nam thêm làng An du tây. Về điền thổ không chia, chỉ chia dân số theo tiêu chuẩn tín ngưỡng: An du đông lương, An du bắc công giáo, An du nam lương, An du tây công giáo. Tuy chia như vậy nhưng nhân hoà đoàn kết, nhân tâm vui vẻ.

- Làng Di loan (Di luân), quê quán của đức cha Lê hữu Từ, Giám mục Giáo phận Phát diệm. Di loan trước kia là một xã lớn, vì dân số đông nên vào năm 1950 cho một phường xuất làng mang tên là làng Di loan bắc, làng nầy chiếm 2/3 dân số giáo xứ Loan lý, ở sát bãi tắm Cửa Tùng.

Phong cảnh làng Di loan khá đẹp, mặt tiền làng hướng về phiá nam nơi dòng sông Bến hải lững lờ chảy ra biển. Dọc bờ sông, tầng thấp làm ruộng muối, tầng cao ruộng lúa, đến một con đường khá rộng suốt từ đầu làng đến cuối làng. Sau con đường nầy là cư dân, nhà cửa, vườn tược xanh tươi. Giữa làng, phía mặt tiền nhìn ra sông, một ngôi thánh đường trang nghiêm cổ kính với ba quả chuông lớn. Chánh xứ coi sóc họ đạo Di loan là linh mục Léopold Cadière, tên Việt là cố Cả, thuộc hội Thừa sai Ba lê (Mission Étrangère de Paris), đến Việt nam năm 1892, làm giáo sư Tiểu chủng viện An ninh Cửa Tùng 1893-1894, Chính xứ Di loan kiêm Hạt trưởng Giáo hạt Đất đỏ (Cửa Tùng) từ tháng 9 năm 1918 đến tháng 3 năm 1945, bị Nhật bắt giam 5 tháng trong dịp Nhật đảo chánh Pháp. Ngày 19.12.1946 bị Việt minh bắt đi an trí tại Vinh (Xã đoài) cho đến ngày đình chiến, được trả tự do và hưu trí tại nhà Hưu dưỡng toà Giám mục Huế. Ông là một học giả kiệt xuất, giỏi hán, nôm, quốc ngữ, thông thuộc sử sách, địa dư, phong tục, tập quán Việt nam, Trung hoa, Cambodge và Lào. Năm 1990, Chính quyền Hà nội đã vinh danh Léopold Cadière là “Nhà Huế Học” và là “Nhà Việt nam Học”do những công trình nghiên cứu của Ngài đã làm cho thế giới biết đến văn hoá, nghệ thuật, kiến trúc và lịch sử Việt nam.

Sau vườn nhà thờ Di loan là Nữ Tu viện dòng Mến Thánh giá Di loan, sống âm thầm trong một khuôn viên khá rộng, cây cối rợp bóng quanh năm. Hằng ngày, các Dì Phước, luôn đi cặp đôi, đến các trường học giáo xứ để dạy giáo lý và khai tâm quốc ngữ miễn phí cho các em nhỏ. Nhờ công khai trí ấy mà tất cả người công giáo Cửa Tùng đều biết đọc chữ quốc ngữ. Các nữ tu lo tu hành nhưng cũng góp phần vào việc phát triển kinh tế như sản xuất muối ăn, nuôi tằm, dệt tơ lụa. Thuở ấy các loại vải nội hoá khổ ngắn, nhưng tu viện Di loan đã dệt được lụa khổ rộng như hàng ngoại hoá nhờ biết cải biến khung cửi (máy dệt bằng tay). Tu viện cũng cung cấp các loại thuốc tây thay các loại cao đơn hoàn tán để trị các bệnh thông thường như cảm mạo, nhức đầu, đau bụng, ghẻ chốc,v.v...

Đầu làng Di loan có 2 lò vôi cung cấp vôi ăn trầu, xây nhà, quét tường đủ cho nhu cầu địa phương.

Nơi giáp ranh làng Di loan với làng Tùng luật có một trạm Thương-chánh để thu thuế toàn vùng do một người Pháp làm Trưởng trạm và vài nhân viên người Việt. Ai sản xuất muối, rượu hay thuốc lá phải khai báo. Muối lậu, rượu lậu, thuốc lá lậu sẽ bị tịch thu và nộp phạt. Vì vậy đã có những xích mích dẫn đến đánh lộn với vài người địa phương.

- Làng Cổ Trai: Theo tương truyền thì làng Cổ Trai là quê của bà Nguyễn thị Băng, vợ của chúa Nguyễn phúc Nguyên tức chúa Sãi (1613-1635). Nghe các cụ nói hồi xưa có vụ tranh chấp giữa hai làng Cổ trai và Tân trại về chủ quyền một con đê. Quan phủ Vĩnh linh xử cho làng Tân trại thắng, làng Cổ trai phản kháng, Hội đồng Kỳ mục làng đi thẳng vào Huế xin Hội đồng Hoàng tộc can thiệp, lấy cớ Cổ trai là quê quán của nguyên phi của Sãi vương, nếu Cổ trai thất kiện thì tổn thương danh dự hoàng gia. Bởi vậy, Quan phủ được lệnh xử lại và cho Cổ trai thắng kiện.

Các cụ cũng kể chuyện vui, xưa kia Tri phủ (Quận trưởng) hành hạt thăm các làng, thường đi cáng (võng có mui hai người gánh), đến làng nào làng ấy lo cắt cử phu gánh cáng quan đến làng kế tiếp. Lúc đi qua khu rừng gần làng Cổ trai, quan phủ nằm trên cáng hỏi ông Lý trưởng (Xã trưởng):

-Này Xạ nầy! nghe nói ở rừng nầy có cọp phải không ?

-Ông Xạ trả lời: Bẩm quan đừng có lo, cỡ một đòn thì tui coi thường. (Ý nói cọp lớn nặng cỡ 1 đòn (2 người gánh), ám chỉ quan cũng một đòn. Quan làm thinh, biết ông Xã nói xỏ mình).

Đi thêm một đoạn đường nữa, ông Xã ra dấu cho hai người phu khiêng cáng, rồi hô to: Cọp! Cọp! Cọp! ơi quan cọp!. Hai người khiêng đồng loạt vứt cáng xuống đất rồi cùng ông Xã chạy thoát khỏi rừng. Quan bị té như khúc gỗ từ trên cao rơi xuống mặt đường, lổm ngổm ngồi dậy và chạy theo ông Xã.

(Còn tiếp)
Dương Bỉnh (là trưởng nam của Ông Vịnh- và là cháu nội của Bà Nghĩa-Ông Viên)

4 nhận xét:

benhaigiang02091945@gmail.com nói...

Trong lớp học Hương sơ đó có tên học trò là Cư, có thể đó là Ba tôi.

benhaigiang02091945@gmail.com nói...

Bác Lội là người cùng xóm với cháu là người học Ba cũng thấy có tên trong lớp học. Xưa Ba vẫn vẫn kể lớp học gần chợ Do.

benhaigiang02091945@gmail.com nói...

Lịch sử quê hương là thế ư?! Rất và rất nhiều người chưa biết. Tác giả bài viết giờ tuổi đã quá cao rồi! ko biết Cụ có còn trên trần thế này? Hay Cụ đã về với Chúa?!Rất tiếc trang sử quê còn viết dở.
Con kính tạc Cụ!

benhaigiang02091945@gmail.com nói...

Hãy thông báo cho tôi