Thứ Tư, 30 tháng 1, 2008

Của Tùng Nỗi Nhớ Không Nguôi (2)

- Làng An ninh: Một làng trung bình về diện tích lãnh thổ lẫn dân số. Người làng An ninh hiền hoà. An ninh được nhiều người biết vì có Tiểu chủng viện cuả Giáo phận Huế đóng lâu đời tại đó. Tiểu chủng viện là nơi đào tạo linh mục trong giai đoạn 8 năm đầu, sau đó vào học ở Đại chủng viện Huế 6 năm rồi mới thụ phong linh mục. Tiểu chủng viện An ninh cũng giúp giáo huấn chủng sinh cho Giáo hội Công giáo Lào. Một ít chủng sinh thụ giáo ở đây sau nầy nổi danh như Đức cha Hồ ngọc Cẩn, Giám mục Giáo phận Bùi chu; Đức cha Ngô đình Thục, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế; Đức cha Lê hữu Từ, Giám mục Giáo phận Phát diệm; Đức cha Nguyễn văn Hiền, Giám mục Giáo phận Đà lạt; Đức Hồng y Nguyễn văn Thuận, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình Toà thánh Vatican; Đức cha Nguyễn như Thể, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế; Linh mục Nguyễn hy Thích, giáo sư hán văn và triết học Đông phương tại Đại học Huế, Sài gòn và Đà lạt; Linh mục Nguyễn văn Lập, Viện trưởng viện Đại học Đà lạt.

Tiểu Chủng viện tọa lạc trong một khuôn viên khá rộng, trên 1 mẫu tây (hectare) đất. Trong đó có ba nhà thờ: Nhà thờ chính, Nhà thờ Đức Bà và Nhà thờ thánh An tôn; hai dãy nhà lầu lớn làm nơi học và ở cho giáo sư và chủng sinh, còn có nhà khách, nhà chơi, sân chơi, nhà ăn, nhà bếp và lẫm lúa (kho thóc)...

Tiểu chủng viện An ninh cũng là nơi trú ẩn và bảo vệ giáo dân trong thời kỳ Văn thân giết hại tín đồ Công giáo vào năm 1885.

Nguyên vào thời bấy giờ, tình hình trong nước quá rối loạn: Vua Tự đức băng hà, vua Dục đức lên nối ngôi, làm vua được ba ngày bị truất phế và giam đói cho đến chết; vua Hiệp hoà lên thay, làm vua được bốn tháng mười ngày bị ép uống thuốc độc chết; vua Kiến phước lên ngôi được tám tháng thì chết đột ngột, nghi là bị đầu độc; vua Hàm nghi lên ngôi lúc 12 tuổi. Thời đó, việc triều chính ở Huế đều do hai quan phụ chính là Nguyễn văn Tường và Tôn thất Thuyết định đoạt. Do tình hình căng thẳng giữa triều đình Huế và quan chức Pháp tại Huế, họ áp bức triều đình nộp chiến phí 20.000 thoi vàng, 200.000 thoi bạc, 200.000 quan tiền và có thái độ hống hách với triều đình. Đêm 4 tháng 7 năm 1885, nhân phía Pháp tổ chức tiệc, ông Tôn thất Thuyết đã cho lệnh tấn công, đốt cháy các trại ở tòa Khâm, đánh vào thành Mang cá, một số sĩ quan và binh lính Pháp chết. Đến sáng ngày 5 tháng 7 quân Pháp mới chấn chỉnh lại hàng ngũ và phản công. Hai quan phụ chánh Nguyễn văn Tường và Tôn thất Thuyết thấy thất bại, vội phò vua Hàm Nghi ra Quảng trị. Việc hai ông Tường và Thuyết đánh Pháp, vua chẳng hay biết gì cả. Ông Tôn thất Thuyết sau khi đưa vua Hàm Nghi đến Tân sở, Quảng trị, nhân danh vua ra một chiếu thư kể tội giặc Pháp và hô hào nhân dân cả nước chống Pháp. Chiếu thư nầy được gọi là “Hịch Cần vương” (hết sức cứu viện vua), sau đó ông Tôn thất Thuyết đưa vua ra Quảng bình rồi ông trốn sang Trung hoa, còn ông Nguyễn văn Tường ra đầu thú Pháp.

Hịch Cần vương kêu gọi bình tây sát tả. Bình tây thì chẳng chống được giặc Pháp, còn sát tả thì giết dã man tàn bạo vô số đồng bào ruột thịt theo đạo công giáo trên khắp nước. Hịch Cần vương được nhóm Văn thân, gồm thành phần thư lại, thân hào, hưởng ứng cuồng nhiệt, họ cho người trang bị giáo mác xông vào các làng công giáo vùng Cửa Tùng chém giết không nương tay bất kể nam phụ lão ấu, đốt sạch nhà thờ và nhà giáo dân, vơ vét hết của cải thóc gạo áo quần, làm thịt hay dẫn đi tất cả trâu bò heo gà của giáo dân.

Giáo dân nào may mắn thoát khỏi chém giết thì chạy đến Tiểu chủng viện An ninh, tại đây, họ cùng nhau đào hào đắp lũy chống lại lũ người đang hăm he tấn công cướp của giết người ở Tiểu chủng viện. Toán quân của Văn thân đã mấy lần tấn công bằng hỏa mai đốt phá hàng rào để đột nhập, nhưng lực lượng bên trong kiên quyết cố thủ. Quân tấn công dần dần rút lui.

Tháng 8 năm 1885, vua Đồng Khánh lên ngôi.

Nước đã có vua, trật tự an ninh được vãn hồi, giáo dân trở về nơi ở, giúp nhau chặt cây, cắt tranh làm lại tạm thời nhà ở và nhà thờ, gây dựng lại cơ nghiệp với nhiều lầm than gian khổ trong nhiều năm liên tiếp. Các giáo xứ dần dần ổn định và xây dựng lại cơ sở bằng gạch ngói như nhà thờ, trường giáo lý và khai tâm quốc ngữ,v.v...

Theo tổ chức của Giáo phận Huế thì các giáo xứ vùng Cửa Tùng được gọi là Giáo hạt “Đất Đỏ” gồm có các giáo xứ sau đây: Di loan (Di luân), An ninh, An du tây, An du đông, An bằng, An lễ, An trí, An ngãi, Loan lý (Luân lý) và Hoà ninh. Hằng năm vào tháng 9 dương lịch, Giáo hạt tổ chức kiệu Đức Mẹ Mân-côi tại nhà thờ An ninh. Đoàn rước dài hàng cây số, thiếu nhi tung hoa, cờ phướn rợp trời, chuông đổ hồi, trống đại điểm nhịp, trống cà-rầng rập ràng như một bản nhạc tuyệt vời trổi lên giữa tiếng cầu kinh của hàng ngàn giáo dân.

Đầu làng Vĩnh an có một ngôi chùa cổ, một vị tăng già trụ trì. Xóm nhà ở gần chùa gọi là xóm Chùa.

Các làng An du đông, An du nam, Tân trại, Cổ trai đều có đình thờ Thành hoàng và có tự điền, hằng năm thu hoa lợi ở đó mà lo việc tế Kỳ Phúc xuân thu nhị kỳ và giỗ Khai khẩn. Dịp nầy đình làng trở nên náo nhiệt, cờ quạt phất phới, các chức sắc mặc áo rộng xanh xướng lễ trước hương án, chiêng trống rộn rã, tiếng sáo hoà đờn cò các bản cổ nhạc nam ai nam bình trầm bổng. Khi lễ tất, dân làng yến tiệc rất vui vẻ.

Người Cửa Tùng hiền hoà, tiếng nói mang đặc điểm thổ ngữ miền bắc Trung phần Việt nam (Thanh hoá, Nghệ an, Hà tĩnh, Quảng bình, Quảng trị, Thừa thiên). Có một số ngữ ngôn cổ xưa như : ả (chị), cụ mự (cậu mợ), cơn (cây), cấy giôông (vợ chồng), cươi (sân), nác chiếng (nước giếng), ló chôống (lúa giống), eng ả (anh chị), nghin ngái (gần xa), ôông mụ (ông bà), roọng (ruộng), v.v...

Một mẫu đối thoại:

-Mùa ni tui có làm thêm một trào roọng, eng có ló chôống khôông, để cho tui ít thúng. (Mùa này tôi có làm thêm một sào ruộng, anh có lúa giống không, để cho tôi ít thúng).
-Eng qua bên cụ mự tui. (Anh qua bên cậu mợ tôi.)
-Từ đay qua đó nghin ngái (Từ đây qua đó xa gần)
-Đứng đay ngó chộ nị (Đứng đây trông thấy mà).

Từ ngõ ngách trong các thôn xóm, thỉnh thoảng vọng lên giọng hát khoan thai, dịu dàng, truyền cảm của bà ru cháu, mẹ ru con theo điệu dân ca Bình Trị Thiên:

Ơ! à! ơ! chàng về thiếp một theo mây. Ơ! à! ơ! con thơ (mà) để lại Ơ! à! ơ! chốn nầy ai nuôi.
Ơ! à! ơ! chàng về thì đục cũng về, ơ! à! ơ! dùi cui ở lại, ơ! à! ơ! làm nghề chi đây?
Ơ! à! ơ! gió đưa cây cải về trời. Ơ! à! ơ! cây rau răm ở lại, Ơ! à! ơ! chịu lời đắng cay.
Ơ! à! ơ! Ru em! ơ! à! ơ! em théc cho muồi, ơ! à! ơ! để mẹ đi chợ, ơ! à! ơ! mua vôi ăn trầu. Ơ! à! ơ! mua vôi thì mua chợ Quán chợ Cầu, ớ à! ơ! mua cau Nam phổ, ơ! à! ơ! mua trầu chợ Dinh.. Chợ Dinh bán áo con trai, ơ! à! ơ! Mậu sơn bán vải, ơ! à! ơ! Mậu tài bán kim. Ơ! à! ơ! kim xa kim ở bên Tàu, chỉ xa Hà nội, ơ! à! ơ! gặp nhau tình cờ. Tình cờ mà đáng nhân duyên, ơ! à! ơ! những nơi kết vấn thề nguyền bỏ đi,v.v...

Nơi thôn lương hiền hoà yên tĩnh ấy vẫn có những hoạt động chính trị âm thầm len lỏi trong dân chúng dưới thời Pháp thuộc. Một ít thân hào nhân sĩ địa phương kín đáo ủng hộ các nhà ái quốc Phan bội Châu, Ngô đình Diệm và thỉnh thoảng bàn tán về Việt nam Quốc dân đảng. Cũng có một vài ông người Nghệ an, hoạt động chính trị, bị mật thám Pháp tầm nả, trốn đến Cửa Tùng, xin nhập làng An du bắc, đổi tên và cải họ Nguyễn.

Một sáng mùa thu năm 1941, một lá cờ đỏ có hình búa liềm được treo trên một cây tre dài 3,4 mét cắm tại sân máy bay Cửa Tùng. Xã địa phương báo phủ Vĩnh linh, Phủ cho một thầy Ký về cùng với địa phương lập biên bản và hạ cờ. Kể từ đó, chính quyền cho lệnh mỗi làng phải lập điếm canh, cắt đinh tráng (đàn ông khỏe mạnh) tổ chức toán “Tuần đinh” trang bị bằng gậy gộc và dây buộc, hằng đêm tuần tiểu trong làng để giữ an ninh trật tự.

Một đêm hè năm 1942, toán “Tuần kiểm” của phủ Vĩnh linh gồm năm sáu người do thầy Ba dẫn đầu, tất cả đều đi bằng xe đạp, khi đến địa phận làng An du bắc vào khoảng 9 giờ tối, trăng sáng lờ mờ, toán Tuần đinh đang đứng ở điếm canh nhìn thấy biết là toán Tuần kiểm của Phủ, Tuần đinh hô to “Ai đó, đứng lại” Toán Tuần kiểm khinh thường, tiếp tục đạp xe đi, Tuần đinh liền dùng gậy thọc bánh xe, Tuần kiểm xuống xe dùng roi da bò đánh Tuần đinh, Tuần đinh dùng gậy phang đầu Tuần kiểm, hai bên cận chiến vật lộn nhau, rồi mõ làng đánh gấp ngũ liên, chuông nhà thờ đổ hồi, dân chúng kéo tới hỗ trợ Tuần đinh đánh toán Tuần kiểm một trận nhừ tử. Kể từ đó, cơ quan phủ huyện bớt thói hống hách với nhân dân địa phương.

Tuy ở gần biển nhưng chỉ độ 5% cư dân sống theo ngư nghiệp. Vùng Cửa Tùng ruộng ít đất nhiều, đại đa số dân chúng theo nông nghiệp. Một số sản phẩm được xuất bán các nơi khác như: muối ăn, nước mắm, ruốc, cá, tôm hùm, mực khô, chè (trà) khô, hạt tiêu, tơ lụa, nón lá, tơi lá, khoai sắn khô, các đồ bằng mây tre,v.v...

Có hai loại tiền tệ lưu hành song song trên thị trường địa phương: Tiền đồng hình tròn giữa có lỗ vuông, một mặt trơn, mặt khác có bốn chữ hán, do vua phát hành, như: tiền Gia long, tiền Minh mạng, tiền Tự đức... Tiền đồng phát hành lần chót ghi năm phát hành là “Bảo đại nguyên niên”. Lưu hành song song với tiền đồng là Giấy bạc Đông dương (dùng chung cho ba nước Việt Miên Lào) do Chính phủ Bảo hộ Pháp phát hành. Bạc giấy Đông dương ngày càng mất giá nên dân chúng thích lưu trữ tiền đồng cho đến ngày 1 tháng 8 năm 1954, ngày di cư vào Nam.

Cách mạng tháng 8 năm 1945: một số người không rõ xuất phát từ làng nào, trang bị bằng gậy gộc, tới chiếm Nhà Dây thép (Bưu điện), Đồn Lính tập (lính khố xanh), cờ đỏ sao vàng cũng đồng thời xuất hiện tại hai nơi nầy. Mấy ngày sau, một cuộc mít-tinh (meeting) được tổ chức tại sân vận động Cửa Tùng, dân chúng tham dự khá đông, ba bốn cán bộ đứng trên ghế gỗ, tay cầm loa thông báo “Bảo đại thoái vị ... chống thực dân Pháp và quân phiệt Nhật ... giành chánh quyền lại cho nhân dân... Từ nay nước ta độc lập dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ chí Minh .... Tha hẳn thuế thân.... Khi nghe tuyên bố “Tha hẳn thuế thân” dân chúng hoan hô nhiệt liệt, bởi “Thuế thân” là loại thuế mà tất cả đàn ông đến tuổi, phải đóng hằng năm cho Chính quyền Bảo hộ Pháp, ai không đóng sẽ bị hình phạt kềm kẹp tay chân đau khủng khiếp.

Sau khi giành được độc lập, trong tiến trình tiến tới thể chế dân chủ, các chính đảng công khai hoạt động, gây ảnh hưởng lôi cuốn nhân dân bầu cho người của đảng phái mình vào quốc hội để có tiếng nói bày tỏ lập trường góp phần xây dựng đất nước. Trong tinh thần đó, Liên đoàn Công giáo cũng được thành lập với khối giáo dân Công giáo hạt Đất Đỏ. Một Ban Chấp hành Liên đoàn Giáo hạt được bầu ra để điều hành công việc.

* Cửa Tùng trong chiến tranh 1945-1954 :

Trước khi quân Pháp tái chiếm Cửa Tùng, Uỷ ban Hành chánh Kháng chiến phủ Vĩnh linh cho lệnh đập phá toàn bộ cơ quan và nhà cửa của người Pháp, đốn sạch rừng dương liễu quanh bãi tắm và phi trường Cửa Tùng, đào hào ngang dọc giữa sân bay để không cho máy bay đáp, cắm nhiều cây tre vạt nhọn trên sân bay để đề phóng quân nhảy dù, đào lỗ dọc theo bờ biển đặt ống tre lớn hướng mũi ra biển ngụy tạo súng đại bác để đánh lừa tàu chiến Pháp đang đậu ngoài biển.

Đầu năm 1947, quân bộ Pháp từ Đồng hà tới Cửa Tùng không có tiếng súng giao tranh, thỉnh thoảng điểm vài tiếng hải pháo từ tàu thủy bắn vào. Bộ đội Pháp đóng 2 đồn, 1 tại làng Tân trại và 1 tại làng Vĩnh an, ngay trên hải khẩu, cạnh nhà Thừa lương của vua Bảo đại.

Dần dần chánh quyền lâm thời địa phương được thành lập, các chánh phó tổng và hương lý chế độ quân chủ cũ trở lại làm việc. Lúc nầy đời sống yên ổn, kinh tế thịnh vượng , xe hàng mỗi tuần vài chuyến CửaTùng - Đồnghà - Huế. Trường An du được xây mới mang tên trường “Tiểu học An du” với 5 lớp (từ lớp năm đến lớp nhất), Nữ tu viện Di loan cũng mở một trường Tiểu học tại đầu làng Vĩnh an. Chợ Do chợ Cựa họp đông đúc. Đình làng chiêng trống cờ quạt tiệc tùng linh đình sôi nổi náo nhiệt mỗi lần tế Kỳ phúc cầu quốc thái dân an. Ba ngày tết mở hội “Bài chòi” tại chợ Do, nghe hô “Ông Ầm, Ông Rún” ồn ào, ai tới thì gõ mõ, đốt pháo, nhắp rượu và lãnh thưởng. Mùa hè có cuộc đấu võ giữa các võ sinh 2 lò của 2 võ sư, 1 của ông Túy (Di loan) và 1 của ông Hiếu (Tùng luật). Nghe các Cụ nói vào thập niên 1920-1930 có ông Nguyễn văn Bổn, người làng An du bắc, giáo xứ Hoà ninh, là người võ nghệ cao cường, ông có mở lò dạy võ và thanh trừng bọn cướp trong vùng.

Cảnh thái bình chỉ ngắn ngủi vài năm trong thời gian lực lượng Việt minh rút vào mật khu để kháng chiến chống Pháp.

Kể từ mùa thu năm 1949 tình hình an ninh trở nên bất ổn. Khởi đầu với vụ ông Chánh tổng bị giết ngay tại sân nhà ở làng An du nam. Một thời gian sau, một số thân hào làng An du bắc bị bắt mất tích, ông Lý trưởng (Xã trưởng) làng An du nam bị ám sát. Kể từ đây, các Cán bộ của Liên đoàn Công giáo, Chánh Phó tổng, Hương lý và các nhân sĩ trong vùng đều đi ngủ chui ở nhà bà con hay bạn bè để tránh khỏi bị bắt cóc hay ám sát. Về phía Cán bộ Việt minh cũng bị đồn Pháp bắt giết như anh Đinh (làng Tùng luật), ông Thuận (làng An du nam), ông Mậu (Giáo xứ An bằng), ông Diêm (làng An du đông).

Một buổi sáng mùa hè năm 1949, một toán tuần tiểu của đồn Cửa Tùng do một sĩ quan Pháp chỉ huy với 10 lính người Việt, bị phục kích tại sân banh Tiểu chủng viện An ninh. Mấy người lính chạy thoát được vào làng An ninh, còn vị Sĩ quan Pháp bị thương được quân phục kích băng bó và đem gửi trong Tiểu chủng viện. Đêm đó, họ tấn công đồn Cửa Tùng nhưng không chiếm được. Sáng hôm sau, viện binh Pháp giải tỏa áp lực địch và đưa sĩ quan bị thương đi bệnh viện.

Tình hình an ninh ngày càng bất ổn, dân chúng sống trong lo sợ dưới áp lực của 2 phía, ngày thì lính Pháp, đêm thì Việt minh.

Do nhu cầu chiến sự, quân bộ Pháp rút lính các đồn để thành lập các đơn vị lưu động, hai đồn Cửa Tùng và Tân trại được giao cho Bảo vệ quân Việt nam trấn giữ. Các làng Công giáo cũng tổ chức “Đoàn Hương vệ” trang bị bằng súng trường mousqueton và lựu đạn, xây đồn đắp lũy để tự bảo vệ xóm làng. Nhờ vậy xóm làng được yên ổn và vùng Cửa Tùng trở thành nơi tạm gọi là an toàn, giúp cho những người ở ngoài vùng đang lo sợ đến tính mạng đến đây ẩn náu. (Một chút hồi tưởng: Năm 1885, khi quân của Văn thân chém giết dã man đồng bào theo đạo Công giáo, một số giáo dân đã chạy đến các làng lương và được các người lương che chở khỏi bị sát hại. Thảm cảnh giết tróc lại tái diễn với chu kỳ 60 năm (1885-1945), các biến cố chính trị xảy đến, một số anh em bên lương cũng đã đến ẩn náu trong các gia đình ở khu vực Công giáo để được bảo toàn tính mạng).

. Hiệp định Genève: Nỗi đau của Đất Nước, Nỗi niềm của Di Dân:

Sau khi chiếm được Trung quốc, Chính phủ Bắc kinh viện trợ ồ-ạt cho bộ đội Việt minh chống Pháp. Tình hình chiến sự trở nên khốc liệt. Do áp lực quốc tế, cả hai phía Pháp và Việt minh đều muốn chấm dứt chiến tranh và giải quyết vấn đề Việt nam theo phương cách hoà bình. Một cuộc họp tứ cường gồm Anh, Pháp, Mỹ và Liên xô ngày 18-2-1954 đã đưa ra quyết định mở hội nghị Genève vào ngày 26-4-1954 để giải quyết vấn đề
Triều tiên và Đông dương trong hoà bình.

Để gây áp lực tại hội nghị, Việt minh tấn công mạnh, Điện biên phủ thất thủ vào ngày 7-5-1954. Ngày 26-5-1954, Pháp và Việt minh đồng ý ngưng bắn và rút quân về các khu chỉ định.

Tại hội nghị Genève, Pháp và Việt minh đồng ý chia cắt lãnh thổ Việt nam. Phía Việt minh đòi chia ở vĩ tuyến 13 (sông Đà Rằng, Tuy hoà), sau đó đòi chia ở vĩ tuyến 16 (Đà nẵng). Ngày 12-7-1954, Thủ tướng Trung hoa Chu ân Lai và Thủ tướng Pháp Mendès France thỏa thuận lấy vĩ tuyến 17 (sông Bến hải, bắc Quảng trị) và ngưng bắn theo lịch trình như sau :

27-7-1954 : ngưng bắn tại Bắc Việt.
01-8-1954 : ngưng bắn tại Trung Việt.
11-8-1954 : ngưng bắn tại Nam Việt.
(Theo tài liệu Hiệp định Genève)

Thời bấy giờ thiếu phương tiện thông tin nên đa số người Cửa Tùng không hay biết gì về Hội nghị Genève và Hiệp định Đình chiến.

Việc di cư đã đến với dân chúng quá đột ngột. Thoạt tiên, có tin cụ Ngô (Ngô đình Diệm) về nước chấp chánh. Giới thân hào nhân sĩ và hương lý lâu nay ngưỡng mộ cụ Ngô, mặt khác, vì sợ Việt minh, nên dự định di cư cá nhân hay gia đình, để tài sản lại cho bà con, bạn thân, xóm giềng... Họ chưa kịp thực hiện dự tính ấy thì có tin hai đồn Cửa Tùng và Tân trại rút, các đoàn Hương vệ giải tán, giao nộp vũ khí cho đồn Cửa Tùng. Dân chúng hoang mang, dao động và cảm thấy sợ hãi. Các Linh mục trong hạt cũng muốn cho giáo dân có được cuộc sống yên ổn trong một xã hội an bình, tự do nên cũng giúp hướng dẫn giáo dân di cư vào Nam.

Di dân ra đi trong thương tiếc quê hương làng xã, nhà cửa, vườn tược, ruộng đất, mồ mã tổ tiên, thánh đường, đình chùa, lăng miếu, trường học,v.v... Qua nhiều trăm năm kiến công lập nghiệp của tiền nhân, nay đành chịu bỏ đi.

Năm 1558, Tổ Tiên người Cửa Tùng đã lìa bỏ quê hương Thanh hoá, Nghệ an, theo chúa Nguyễn di cư xuống phía nam đến định cư tại Quảng trị để tránh một cuộc chiến tranh kéo dài trên 50 năm giữa Bắc triều của nhà Mạc vùng Bắc bộ và Nam triều của chúa Trịnh từ Thanh hoá trở vào. Đây là một cuộc nội chiến ác liệt giữa hai tập đoàn phong kiến, nạn nhân trực tiếp của cuộc nội chiến ấy là nhân dân, cả hai phe dùng mọi thủ đoạn vơ vét nhân, tài, vật lực của nhân dân để phục vụ cho chiến tranh.

Năm 1954, người Cửa Tùng cũng rời bỏ quê hương đi về phía nam để tìm một cuộc sống an bình, tự do và dân chủ.

Đoàn di dân đầu tiên khởi hành ngày 01 tháng 8 năm 1954 (nhằm ngày 3 tháng 7 năm Giáp ngọ) là ngày ngưng bắn tại Trung Việt. Các đoàn khác đi vào các ngày kế tiếp. Đa số di dân đều chọn định cư ở những vùng đất gần thị xã Quảng trị như An đôn, La vang chính, La vang trung, La vang tả, La vang hữu, La vang thượng. Các làng di cư nầy, một lần nữa, phải di tản vì chiến sự “Mùa hè đỏ lửa 1972” và phân tán đến nhiều địa phương khác trên lãnh thổ miền Nam nước ta và sau biến cố tháng 4 năm 1975, nhiều người gốc Cửa Tùng đã đến định cư tại nhiều nước trên thế giới như Hoa kỳ, Canada, Úc, Tân tây lan, Pháp, Nhật, Anh, Đức, Ý, Hoà lan, Thụy điển, Đan mạch... Riêng giáo xứ Loan lý (Luân lý) được linh mục Phan văn Cơ hướng dẫn đến định cư tại Lăng-cô, dọc quốc lộ 1, trên một vùng cát trắng ven biển, gần chân đèo Hải vân tỉnh Thừa thiên. Giáo xứ Loan lý vẫn tồn tại trọn vẹn cùng với kỷ vật “Quả chuông đồng và Bàn thờ cổ chạm trổ rất công phu” được giáo dân đem từ Cửa Tùng vào. Hiện nay, một ngôi thánh đường khang trang vừa được xây xong thay cho ngôi nhà thờ cũ. Nay toàn xã Lăng cô đã trở thành “Thị trấn Lăng cô”, có điện, khu du lịch, bãi tắm, khách sạn, phòng trọ, cửa hàng, tiệm vàng, tiệm thuốc tây, hãng nước đá, chợ, trường học... Con đường hầm xuyên đèo Hải vân nối liền Đà nẳng - Lăng cô - cảng Chân mây giúp kinh tế địa phương phát triển.

Tất cả người Cửa Tùng ở lại (không di cư) đều phải sơ tán đến các tỉnh Quảng bình, Hà tĩnh, Nghệ an để tránh bom đạn thời chiến và hồi cư sau khi hoà bình đã vãn hồi trên toàn lãnh thổ Việt nam. Tất cả 10 nhà thờ của 10 giáo xứ và các đình, chùa, tu viện, tiểu chủng viện đều bị bom san bằng.

Tháng 5 năm 1989, trở về thăm quê cũ, Cửa Tùng còn đậm nét thê lương.

Mùa thu năm 2004, đúng 50 năm xa quê, tôi trở về thăm cố hương lần nữa, Cửa Tùng đã hồi sinh, tuy chưa bằng thuở trước nhưng sức sống đang vươn lên với nhiều triển vọng. Xe đưa tôi từ Huế, Đồng hà, Gio linh, xuống Ba dốc, qua cầu Bến hải, rẽ phải vào tỉnh lộ, qua làng Liêm công đến hết làng Tân trại có dựng một bảng lớn “Làng An du nam”, đi tiếp đến ngã ba vào chợ Do cũ, cũng dựng một bảng lớn “Làng An du đông”, vườn Tiểu chủng viện An ninh nay được chia lô làm nhà ở, vùng đất đỏ Hoà-ninh Di-loan, vườn mít, chè, tiêu, cam, quít, chuối...xanh tốt. Tại vườn nhà thờ Di loan, một ngôi trường học 2 gian mới xây, tường gạch mái ngói, cửa lá sách sơn nâu, mái hiên đúc với hàng chữ nổi “Trường Mầm non Di loan”. Đi tiếp về phía Loan lý cũ, người sơ tán hồi cư nay đã xây nhà gạch, vườn tược xanh tươi. Gần bờ biển, một số nhà gạch mái ngói ẩn khuất trong những vườn cây lưu niên. Sát bãi biển, năm sáu quán ăn với thực đơn đặc sản Cửa Tùng như tôm hùm, mực cơm, mực nang, mực thước, cá mú .....

Du khách ngồi ăn chỉ cách bờ sóng vỗ vài chục thước, những làn sóng bạc đầu từ xa cuốn vào bờ, tỏa nhẹ lên bãi cát trắng mịn tạo âm thanh “ầm ầm”, hơi nước bốc lên tựa làn sương mỏng quyện với gió lùa vào phòng ăn, thực khách cảm thấy mát rượi, thoải mái và ngon miệng.

Biết bao giờ Cửa Tùng lấy lại phong độ ngày trước, ngày mà Cửa Tùng được xem là thắng địa thắng cảnh của Đất Nước, là vùng trù phú trù mật của Vĩnh linh.

Cụ Thượng thư Nguyễn hữu Bài đã đề cảnh Cửa Tùng qua bài thơ sau đây:

Hóng mát chiều hôm dạo cảnh chơi,
Trông vào bãi cát, ngó ra khơi.
Núi bông trắng xát bao Cồn Hến,
Hòn Cỏ xanh dờn thẳng Trôốc Voi.
Phất phưởng đầu gành hơi gió thổi,
Long lanh mặt nước bóng trăng soi.
Hỏi thăm ông Tạo khi nào rảnh
Lấp biển, dời non dễ thử coi.

Cố Bác sĩ Phan văn Hy đến thưởng ngoạn Cửa Tùng năm 1936 đã cảm đề bài thơ “Vịnh Cửa Tùng” như sau:

Qua Cửa Tùng chơi bóng xế chiều,
Cảnh Thừa lương trước ngó buồn thiu.
Năm xưa Bến Ngự đôi gềnh đá,
Dấu cũ sân chầu mấy cụm rêu.
Quyên gọi luống đau lòng cố quốc,
Tùng reo như nhắc chuyện Tiền Triều.
Cuộc đời dâu bể nhìn thêm ngán,
Nhớ Chúa thương ai ruột chín chiều.

Tôi xót xa mỗi lần hoài cảm cố hương và càng xót xa hơn, lòng rạo rực bâng khuâng nhớ cảnh nhớ người, khi viết về Cửa Tùng.

Canada/Montréal, ngày 01-01-2006

Không có nhận xét nào: