Thứ Bảy, 23 tháng 12, 2017

CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2017



KÍNH CHÚC TOÀN THỂ ĐẠI GIA ĐÌNH NGUYỄN TỘC
MỘT MÙA GIÁNG SINH  2017
VÀ MỘT NĂM 2018
TRÀN ĐẦY ƠN CHÚA HÀI ĐỒNG

Thứ Ba, 5 tháng 12, 2017

Lễ Thành Hôn: Nguyễn Tường Nguyên - Hồ Thúy Vi

Đại gia đình NGUYỄN TỘC
chúc mừng lễ thành hôn
của Tôma Nguyễn Tường Nguyên và Maria Hồ Thúy Vi
(Nguyên là con của Ông Ngọc - Bà Vân
và là cháu thuộc chi  Ông Chỉ - Bà Tửu)


Thứ Bảy, 14 tháng 10, 2017

Cáo phó: Bà Anna Phùng Thị Lệ Huyền

Nếu chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã chết và đã sống lại,
thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Đức Giêsu,
cũng sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giêsu (1Tx 4,14)

Trong niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh
Đại gia đình Nguyễn Tộc - An Du Bắc trân trọng báo tin:

Bà ANNA PHÙNG THỊ LỆ HUYỀN
là con Bà Đượm - Ông Lành, 
và là cháu ngoại Bà Thục,
 thuộc chi Ông Trang - Bà Trước. 

đã được Chúa gọi về ngày 14.10.2017
tại Bình Giã, huyện Châu Đức
Bà Rịa - Vũng Tàu.
                   
Xin quý bà con trong Đại gia đình Nguyễn Tộc 
hiệp dâng lời cầu nguyện
xin Thiên Chúa đưa linh hồn Anna
về hưởng hạnh phúc với Ngài trên thiên đàng.

Thứ Tư, 6 tháng 9, 2017

Cáo phó: Ông Giuse Phùng Lành




Nếu chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã chết và đã sống lại,
thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Đức Giêsu,
cũng sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giêsu (1Tx 4,14)

Trong niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh
Đại gia đình Nguyễn Tộc - An Du Bắc trân trọng báo tin:

Ông GIUSE PHÙNG LÀNH
Sinh 1944 tại Quảng Trị,
là chồng Bà Đượm và là rể Bà Thục, thuộc chi Ông Trang - Bà Trước. 

đã được Chúa gọi về lúc 8g10 ngày 06.09.2017
hưởng thọ 74 tuổi.
Lễ nhập quan lúc 19g30 ngày 06.09.2017.
Động quan lúc 4g30 ngày 08.09.2017.
Thánh lễ an táng lúc 5g ngày 08.09.2017 tại thánh đường Hữu Phước,
Nghĩa Thành, Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu.
An táng tại nghĩa trang liên họ Bêlem-La Vang-Phaolô.
                   
Xin quý bà con trong Đại gia đình Nguyễn Tộc 
hiệp dâng lời cầu nguyện
xin Thiên Chúa đưa linh hồn Giuse
về hưởng hạnh phúc với Ngài trên thiên đàng.

Thứ Ba, 5 tháng 9, 2017

Tâm sự "Về Nguồn", 21-23.07.2017

VỀ NGUỒN


Khởi hành từ giáo xứ Phanxicô, 18 đường Nguyễn Tri Phương, Huế, với sự đồng hành của cha ANTÔN DƯƠNG QUỲNH, Tổng đại diện Giáo phận Huế, là trưởng ban tổ chức chương trình “VỀ NGUỒN” từ ngày 21-23.07.2017. Tôi đọc thấy niềm vui trong ánh mắt từng người, niềm vui của ngày hội ngộ, niềm vui được trở về vùng ĐẤT MẸ thân thương, nơi chôn nhau cắt rốn, niềm vui nối kết mọi tâm hồn vì được gặp gỡ bà con gần xa, niềm vui cùng đi với nhau trong “chuyến đi lịch sử” này của dòng tộc NGUYỄN AN DU BẮC đã được diễn tả qua tác phẩm “QUÊ HƯƠNG” của nhà thơ Đỗ Trung Quân do nhạc sỹ Giáp Văn Thạch phổ nhạc:

“Quê hương mỗi người chỉ một (...) Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nỗi thành người.”

Trong chuyến đi này gồm có bà con đến từ Suối Nghệ, Đà Lạt, Đà Nẵng, Ninh Thuận (Phan Rang), Pleiku (Gia Lai) và Sài Gòn. Trong số đó có người phải vượt Đại tây dương để trở về thăm quê mẹ. Lý thú quá phải không các bạn. Cơ hội “vàng” ngàn năm một thưở!

“Vang vang ngoài miệng câu cười nói,
Rộn rã trên môi khúc nhạc mừng.
Bấy giờ trong dân ngoại người ta bàn tán:
Việc Chúa làm cho họ vĩ đại thay!
Việc Chúa làm cho ta ôi vĩ đại,
Ta thấy mình chan chứa một niềm vui.”
(Tv 23, 1-3)

Bà con mình thật nghiêm túc, đúng 7g sáng đoàn xe gồm 5 xe 16 chỗ chuyển bánh, xe cha Quỳnh dẫn đầu nhắm hướng Quảng Trị. 

Đến An Hòa, đoàn ghé lại thăm cha GIUSE HOÀNG CẨN, niên trưởng trong gia tộc, hiện đang là cha sở giáo xứ Đốc Sơ, vì lý do sức khỏe nên ngài không thể đi với đoàn.



Từ giã Huế, men theo con đường Xuyên Việt với những đồng lúa xanh mơn mởn, với hồ sen, bông súng... Đến điểm hẹn, chúng tôi dừng lại ở Mỹ Chánh để đón cha PHÊRÔ HOÀNG MINH TUẤN, quản xứ nhà thờ Phú Xuân cùng đi. Cha Tuấn là người cùng làng, cha cho chúng tôi thưởng thức bánh bột lọc nổi tiếng của vùng này... Tiếp tục hành trình, đoàn vượt qua Hải Lăng, Hải Phú.

Chuẩn bị đến Cầu Dài và “Đại lộ kinh hoàng” (mùa hè đỏ lửa năm 1972 tại Quảng Trị). Ký ức thời chiến tranh khốc liệt của những người thuộc hàng U60-U70 trổi dậy. Lúc đó tôi tròn 19 cái xuân xanh. Tôi nhớ đến những người đã ra đi trong cuộc chiến này. Một phút thinh lặng để thắp nén hương lòng tưởng nhớ đến họ.

CẦU HIỀN LƯƠNG: Đến rồi, đến rồi! Bà con mình xuống xe đi tản bộ tham quan hai chiếc cầu (cầu cũ nằm song song với cầu mới), chụp hình kỷ niệm, giải lao... Bên kia đường là cột cờ giới tuyến với bản đồ Việt Nam, đi xa hơn một tí là quán cà phê Giới Tuyến. Đây là “địa danh lịch sử”: một dòng sông đôi bờ chia cắt nước Việt Nam thành hai miền Bắc và Nam từ hiệp định Geneve 1954. Sự chia cắt đó kéo dài 21 năm. Tôi thật sự xúc động khi đặt chân lên chiếc cầu mà từ 63 năm qua tôi chưa một lần trở lại. Hai chữ “HIỀN-LƯƠNG” như một dấu ấn in sâu vào ký ức mà tôi không thể nào quên được.




Đây là bức ảnh của một người mẹ mang tên Hiền-Lương, gia đình LuLuLaLa đang có mặt trong cuộc hành hương này.


Qua cầu Hiền Lương, xe đến CỬA TÙNG, một cơn mưa rào xối xả đổ xuống như dấu chỉ của một sự chúc lành của THIÊN CHÚA:

“Hồng ân Chúa như mưa như mưa
Rơi xuống đời con miên man miên man,
Nâng đỡ tình con trong tay trong tay
Vòng tay thương mến...”
(Bài “Bao la tình Chúa” của nhạc sỹ Giang Ân)

CỬA TÙNG quê ta là một cửa biển rất đẹp, thon thả chạy dài và nhìn ra biển mẹ Thái Bình Dương. Cửa Tùng có quán chân cầu, có hàng dừa xanh. Tôi có dịp nhìn ngắm bãi biển Cửa Tùng. Ngày xưa cha ông chúng ta đã sinh sống ở đây. Vì trời mưa không ra biển được, chúng tôi tạm dừng chân để dùng cơm trưa và ngắm Cửa Tùng dưới cơn mưa như đồng cảm với những người sống lưu lạc tha phương. Sau cơm trưa, chúng tôi đi ngược lên Loan Lý, ghé thăm ngôi mộ của bà NGHỊ (bà nội của Hoàng Ngọc Dũng), là ngôi mộ duy nhất còn sót lại ở đây. Sau đó lại quay ra biển vì trời đã tạnh mưa. Bà con xuống xe tản bộ ngắm biển Cửa Tùng.



Vì thời gian quá ít ỏi, chúng tôi lên xe để kịp giờ kính viếng ĐỨC MẸ LA VANG. La Vang yêu dấu đã bao năm xa cách con không về thăm MẸ, lạy Mẹ La Vang xin phù trì nâng đỡ đoàn con... Mẹ đứng đó dịu hiền nhìn con cái đang hướng về Mẹ.



Từ giã Mẹ, chúng tôi lên xe ghé giáo xứ Trí Bưu, nơi có đền các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xe chạy qua Cổ thành QUẢNG TRỊ... Thời gian qua thật nhanh, đã đến lúc phải nói giờ giã biệt. Quảng Trị ơi, Quảng Trị ơi, xin giã biệt mảnh đất một thời nuôi tôi lớn, thuở ấu thơ hôm sớm cùng nhau sum vầy. Làm sao quên được đất Hải Lăng, và nhớ mãi tình xưa lưu luyến. Thạch Hãn ơi! 

“Nếu một mai tôi phải xa Quảng Trị
Tôi sẽ mang theo nắm đất quê hương...
Tôi sẽ mang theo gió cát Hải Lăng...
Nhớ quê hương như gà nhớ mẹ,
Nhớ tiếng quê mình trọ trẹ thân thương
Xa Quảng Trị sao đành.”
(Bài “Quảng Trị trong tôi”, thơ: Tạ Nghi Lễ - nhạc: Xuân An)

Trở về Huế và tham quan thành phố cổ kính, nơi có nhiều đền đài vua chúa, thăm chùa THIÊN MỤ, ghé chợ ĐÔNG BA, nhà thờ chính tòa PHỦ CAM, ngắm sông HƯƠNG núi NGỰ...




Chuyến hành hương “VỀ NGUỒN” được khép lại với bữa cơm thân tình và những mục văn nghệ của bà con ở Đà Lạt (xin cho một tràng pháo tay để cổ vũ những điệu múa dễ thương gồm ba thế hệ trình diễn) và những ca khúc khác nữa (xin thêm một tràng pháo tay nữa nhé). Chúng tôi chia tay trong tâm tình biết ơn: Tạ ơn Chúa và cám ơn cha Antôn đã bỏ nhiều thời gian và công sức để tổ chức chuyến hành hương đầy ý nghĩa này. 

Hẹn gặp lại, see you again.










(Có một vài chi tiết lấy trong “Gia phả NGUYỄN TỘC, AN DU BẮC”:

An Hạ, lễ Đức Maria Nữ Vương, 22.07.2017

Thanh TMCG

Thứ Năm, 4 tháng 5, 2017

Cáo phó: Ông Phaolô Giuse Hoàng Thái


Nếu chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã chết và đã sống lại,
thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Đức Giêsu,
cũng sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giêsu (1Tx 4,14)

Trong niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh
Đại gia đình Nguyễn Tộc - An Du Bắc trân trọng báo tin:

Ông PHAOLÔ GIUSE HOÀNG THÁI
Sinh 1919
là chồng Bà Táo, thuộc chi Bà Nghị - Ông Liệu 

đã được Chúa gọi về lúc 14g15 ngày 04.05.2017
tại Thạch Hà
hưởng thọ 98 tuổi.
Thánh lễ an táng sẽ được cử hành tại Giáo xứ Thạch Hà, Quảng Sơn, Ninh Thuận
 ngày 07.05.2017
An táng tại nghĩa trang Thạch Hà
                   
Xin quý bà con trong Đại gia đình Nguyễn Tộc 
hiệp dâng lời cầu nguyện
xin Thiên Chúa đưa linh hồn Phaolô Giuse
về hưởng hạnh phúc với Ngài trên thiên đàng.

Thứ Hai, 6 tháng 3, 2017

Thiệp mời Giỗ Tộc 2017







Hội đồng Giám mục Việt Nam: Tâm thư gửi các gia đình Công giáo

WHĐ (25.01.2017) – Kết thúc Đại hội XIII Hội đồng Giám mục Việt Nam (từ ngày 3 đến ngày 7/10/2016), các Đức giám  mục Việt Nam đã gửi đến Cộng đồng Dân Chúa một Thư chung, nói lên tâm tình của các mục tử: vui mừng về những thành quả của Năm Thánh Lòng Thương Xót, băn khoăn, lo lắng về tình hình xã hội và môi trường sinh thái… đồng thời, trình bày định hướng mục vụ cho những năm sắp tới; cụ thể, trình bày chi tiết hơn về chủ đề năm 2016-2017: “Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân”.
Các Đức giám  mục cũng cho biết sau Thư chung, sẽ gửi Tâm thư đến các gia đình Công giáo, “để chia sẻ những “vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng” của anh chị em trong đời sống gia đình, cũng như đồng hành với anh chị em trong việc xây dựng gia đình Công giáo trong ánh sáng Lời Chúa và giáo huấn của Hội Thánh” (Thư chung 2016).
Tâm thư này đã được phổ biến đến từng gia đình tại các giáo phận trong những ngày qua bằng một tập sách nhỏ. Nay chúng tôi xin đăng toàn văn Tâm thư này theo dạng văn bản đánh máy để quý độc giả tuỳ nghi sử dụng.
***



HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
THƯ GỬI CÁC GIA ĐÌNH CÔNG GIÁO

GIA ĐÌNH: ƠN GỌI TÌNH YÊU VÀ SỨ VỤ THƯƠNG XÓT

Anh chị em rất thân mến trong Đức Kitô,
                                                             
Vì quan tâm đặc biệt đến đời sống gia đình Công giáo trong thế giới ngày nay, từ ngày 4 đến ngày 25 tháng 10 năm 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã triệu tập Thượng Hội Đồng Giám Mục để bàn về Gia đình, sau đó, ngày 8 tháng 4 năm 2016, ngài đã ban hành Tông huấn Niềm vui của Tình yêu để hướng dẫn Dân Chúa trong việc chăm sóc mục vụ cho các gia đình. Tiếp nối giáo huấn của Đức Thánh Cha, trong Thư Chung đầu tháng 10 vừa qua, chúng tôi đã đề nghị một lộ trình mục vụ cho 3 năm (2017-2019) với chủ đề gia đình ở ba khía cạnh khác nhau. Nay, chúng tôi muốn gửi đến anh chị em bức tâm thư để chia sẻ những “vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng” của anh chị em trong đời sống gia đình, cũng như đồng hành với anh chị em trong việc xây dựng gia đình Công giáo trong ánh sáng Lời Chúa và giáo huấn của Hội Thánh.

VẺ ĐẸP CỦA GIA ĐÌNH

1. Hôn nhân và gia đình gắn liền với chiều dài của cả lịch sử nhân loại, từ lúc tạo thành cho đến tận thế (x. St 4; Kh 21,2.9). Những câu chuyện về gia đình xuất hiện rất nhiều trong Kinh Thánh Cựu Ước. Đến thời Tân Ước, Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người trong khung cảnh mái ấm gia đình Nazarét, khiêm tốn vâng lời Thánh Giuse và Đức Maria. Khi thi hành sứ vụ công khai, Chúa Giêsu bày tỏ mối quan tâm đặc biệt đến đời sống gia đình: dấu lạ đầu tiên Người thực hiện là tại tiệc cưới Cana để giúp đôi tân hôn vượt qua khó khăn (x. Ga 2,1-11); Người chia sẻ tình bạn với gia đình ông Lazarô (x. Lc 10,38); đến thăm gia đình ông Phêrô (x. Mc 8,14); chia sẻ nỗi niềm với các gia đình đang chịu thử thách (x. Mc 5,41; Lc 7,14-15). Tất cả đều nói lên vẻ đẹp và tầm quan trọng của hôn nhân và gia đình trong chương trình của Thiên Chúa.

Thật vậy, chính Thiên Chúa đã tạo dựng người nam và người nữ, liên kết cả hai nên một (x. St 2,24; Mt 19,4), một sự hoà hợp sâu xa, cả thân xác lẫn tinh thần, nhờ tình yêu tự nguyện trao ban. Nhờ đó, đôi vợ chồng trở nên hình ảnh sống động của Thiên Chúa tình yêu và tham dự vào công trình tạo dựng của Ngài bằng việc sinh sản và giáo dục con cái. Tóm lại, “Hôn nhân Kitô giáo phản ánh sự kết hợp giữa Đức Kitô và Hội Thánh của Người, được thể hiện trọn vẹn trong sự kết hợp giữa người nam và người nữ, họ hiến thân cho nhau trong một tình yêu độc hữu và sự trung thành trong tự do, để thuộc trọn về nhau cho đến chết và mở ra cho việc truyền sinh. Họ được thánh hiến nhờ bí tích trao ban ân sủng để xây dựng một Hội Thánh tại gia và là men của đời sống mới cho xã hội” (Niềm vui của tình yêu, 292).

2. Chúng ta phải tạ ơn Chúa vì cho đến nay, rất nhiều gia đình Công giáo tại Việt Nam đã sống và thể hiện vẻ đẹp này, thực sự là Hội Thánh tại gia khi dựng xây gia đình mình thành cộng đoàn thờ phượng, ngôi nhà hiệp thông, mái ấm nuôi dưỡng và phát triển tình yêu. Những gia đình này đã và đang góp phần rất lớn vào đời sống Hội Thánh bằng việc cống hiến cho Hội Thánh những Kitô hữu nhiệt thành và đạo đức, vun trồng ơn gọi linh mục và tu sĩ. Bản thân các giám mục chúng tôi cũng được lớn lên trong các gia đình đạo đức, nhờ đó hạt giống ơn gọi được nuôi dưỡng và lớn lên trong cuộc đời. Chính vì thế, chúng tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn sâu xa với các gia đình, đồng thời xác tín rằng gia đình thực sự là con đường Hội Thánh phải đi, và mọi kế hoạch mục vụ của Hội Thánh phải khởi đi từ gia đình (Đại hội Dân Chúa Việt Nam, 2010).

NHỮNG THÁCH ĐỐ CHO GIA ĐÌNH NGÀY NAY
                                                                  

3. Tuy vậy, chúng ta không thể phủ nhận thực tế này là tình trạng vợ chồng Công giáo ly thân và ly dị đang có chiều hướng gia tăng, cách riêng nơi các gia đình trẻ; bạo hành gia đình vẫn là điều nhức nhối; một số bạn trẻ sa đà vào lối sống buông thả về mặt tình dục, chủ trương sống chung, sống thử trước hôn nhân; tệ nạn phá thai lan tràn đến mức coi thường… Vậy, đâu là nguyên nhân dẫn đến những tình trạng đáng buồn trên? Chúng ta có thể làm gì để giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn và thử thách, làm mới lại vẻ đẹp của hôn nhân và gia đình trong kế hoạch của Thiên Chúa?

4. Theo Kinh Thánh, ngay từ đầu, gia đình đã bị tổn thương trầm trọng vì tội lỗi. Tương quan vợ chồng được định hình bằng sự thèm muốn và thống trị hơn là yêu thương và phục vụ (x. St 3,16). Tương quan giữa anh chị em trong gia đình cũng bị đổ vỡ nặng nề như Kinh Thánh kể lại: Cain giết em trai mình là Abel, các con của tổ phụ Giacóp ghen tị và tìm cách làm hại người em là Giuse, các con vua Đavít tàn sát lẫn nhau…

Tình trạng này vẫn tiếp diễn trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại và ở mỗi thời đại, lại có những thách đố mới. Trong Tông huấn Niềm vui của tình yêu, Đức giáo hoàng Phanxicô chỉ cho chúng ta thấy những nguyên nhân gây tác động tiêu cực trên đời sống gia đình ngày nay.

5. Trước hết là những khó khăn về mặt kinh tế và xã hội. Trong ba thập niên qua, khi đất nước chuyển từ kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường, đời sống kinh tế phát triển nhưng khoảng cách giàu nghèo cũng gia tăng rất nhanh và rất lớn. Có những người quá nghèo, không công ăn việc làm, không nhà ở, nên cũng không dám kết hôn. Gắn với kinh tế thị trường là tình trạng di dân đã trở thành phổ biến tại Việt Nam, gây tác động lớn trên đời sống gia đình, nhất là những tác động tiêu cực. Vì hoàn cảnh, chồng phải đi làm xa, để vợ và các con ở lại quê nhà; hoặc hai vợ chồng đi làm xa, để các con lại cho ông bà chăm sóc; hoặc cả gia đình đưa nhau lên thành phố, sống trong những khu lao động chật chội. Tất cả đều gây tác động cụ thể trên đời sống vợ chồng cũng như việc giáo dục con cái. Ngoài ra, tình trạng nghiện ngập (ma túy, rượu chè, cờ bạc) cũng như nạn bạo hành đang gieo rắc đau khổ trên biết bao gia đình, không những gây khó khăn cho đời sống kinh tế, mà còn ảnh hưởng trực tiếp lên sự bình an và hạnh phúc của cả nhà.

Bên cạnh đó, trong thời đại toàn cầu hoá ngày nay, chúng ta không thể không quan tâm đến những tác động của văn hoá thời đại trên các gia đình, cách riêng những gia đình trẻ. Đó là nền văn hoá đề cao cá nhân đến mức cực đoan, ai cũng coi bản thân mình là nhất, từ đó dẫn đến xung đột giữa các thành viên và làm suy yếu những mối liên kết trong gia đình. Đó còn là nền văn hoá đề cao lối sống hưởng thụ, chỉ muốn tiêu xài và thụ hưởng chứ không muốn nhận trách nhiệm. Nền văn hoá này biến quan hệ tình dục thành món hàng mua vui, nhìn người khác như dụng cụ và phương tiện cho mình thoả mãn, chứ không phải một chủ thể để tôn trọng và yêu thương.Đó cũng là nền văn hoá chủ trương sống nhanh, sống gấp, do đó người ta chỉ muốn những quan hệ mau qua mà không muốn cam kết lâu dài.

6. Hậu quả là tình trạng ly thân, ly dị, gia đình đổ vỡ ngày càng nhiều, để lại những tổn thương tâm lý nặng nề trên đôi bạn, nhất là những tác động xấu trên con cái, từ đó ảnh hưởng đến đời sống chung trong xã hội và Hội Thánh. Đức giáo hoàng Phanxicô đã khẳng định: “Ly dị là một điều xấu và số lượng các vụ ly dị ngày càng gia tăng là điều rất đáng lo ngại. Vì thế, không nghi ngờ gì nữa, nhiệm vụ mục vụ quan trọng nhất của chúng ta đối với gia đình là phải củng cố tình yêu của đôi bạn, giúp họ chữa lành những vết thương, để chúng ta có thể ngăn chặn sự lây lan của thảm kịch này trong thời đại chúng ta” (Niềm vui của tình yêu, 246).

HỠI GIA ĐÌNH, HÃY TRỞ THÀNH HỘI THÁNH TẠI GIA

7. Đáp lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha và vì hạnh phúc của các gia đình, chúng tôi tha thiết xin anh chị em hãy kiến tạo gia đình mình thành Hội Thánh tại gia, nghĩa là ngôi nhà thờ phượng, mái ấm tình yêu, ngôi trường giáo dục.

Gia đình là ngôi nhà thờ phượng khi gia đình tràn ngập sự hiện diện của Chúa. Ngài sẽ bước vào ngôi nhà của anh chị em khi mọi người trong nhà cầu nguyện chung, lắng nghe Lời Chúa và mời Chúa đến thăm: “Này Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3,20). Do đó việc lập bàn thờ và cầu nguyện chung trong gia đình là điều rất quan trọng với gia đình Công giáo. Những giờ cầu nguyện chung liên kết mọi người trong Chúa, giúp chúng ta nhận ra sự hiện diện của Chúa trong mọi biến cố gia đình, cùng nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống và trở nên chứng nhân của Chúa giữa lòng đời. Đây là kinh nghiệm sống động của biết bao gia đình Công giáo để lại cho chúng ta, cũng là lời khuyên nhủ chí tình của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Cầu nguyện trong gia đình là một phương thế ưu việt để diễn tả và củng cố đức tin phục sinh. Gia đình có thể dành ít phút mỗi ngày để quy tụ với nhau trước nhan Thiên Chúa hằng sống, nói với Ngài về những lo lắng bận tâm, cầu xin với Ngài cho những nhu cầu của gia đình, cầu nguyện cho ai đang gặp khó khăn, xin Chúa giúp ta biết sống yêu thương, tạ ơn Ngài về sự sống và về bao ơn lành khác, cầu xin Đức Trinh Nữ che chở chúng ta dưới tà áo Mẹ. Với ít lời lẽ đơn sơ thôi, nhưng những phút giây cầu nguyện đó có thể mang lại điều tốt lành lớn lao cho gia đình” (Niềm vui của tình yêu, 318).

Càng sống trong một thế giới xa lạ và thậm chí thù nghịch với đức tin Công giáo, gia đình tín hữu càng phải là “những lò lửa đức tin sống động và chiếu sáng” giữa thế gian. Đây chính là cách chúng ta thực thi chức tư tế do Phép Rửa “trong việc lãnh nhận các bí tích, trong kinh nguyện và tạ ơn, qua chứng từ đời sống thánh thiện, sự từ bỏ, lòng bác ái sống động” (Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, 1657).

8. Gia đình còn là mái ấm của tình yêu và lòng thương xót. Trong thông điệp Niềm vui của tình yêu, Đức giáo hoàng Phanxicô dành phần lớn của chương bốn để suy tư về tình yêu trong hôn nhân, dựa vào Bài ca Đức Ái (1Cr 13). Theo đó, gia đình là nơi mỗi chúng ta cảm nghiệm, học tập và vun đắp tình yêu chân thật.

Đó là tình yêu kiên nhẫn, biết đón nhận người khác như họ là;
tình yêu phục vụ, không chỉ bằng cảm tính hay lời nói nhưng bằng hành động cụ thể;
tình yêu không ghen tị, nhưng trân trọng thành quả của người khác;
tình yêu không khoe khoang tự phụ, không coi mình hơn người khác;
tình yêu dịu dàng, không cứng cỏi;
tình yêu quảng đại, cho đi mà không tính toán;
tình yêu tha thứ, biết tìm hiểu người khác để thông cảm và tha thứ hơn là soi mói;
tình yêu vui với niềm vui của người khác, chứ không vui vì sự thất bại của họ;
tình yêu chịu đựng, giữ gìn miệng lưỡi, tránh xét đoán và nói xấu;
tình yêu tin tưởng tất cả nên không tìm cách thống trị nhưng tôn trọng người khác;
tình yêu hy vọng tất cả vì Thiên Chúa có thể vẽ đường thẳng bằng những nét cong;
tình yêu chịu đựng tất cả với thái độ tích cực.

9. Là mái ấm tình yêu và lòng thương xót, gia đình phải là nơi đón nhận và trân trọng sự sống. Tự bản chất, tình yêu vợ chồng hướng đến việc sinh sản. Con cái không phải là điều gì đó được thêm vào cách ngẫu nhiên, nhưng phát xuất từ chính tâm điểm của tình yêu, là hoa trái và sự phong phú của tình yêu. Chính vì thế, gia đình được coi là cung thánh của sự sống. Vì giá trị tối thượng của sự sống và vì quyền sống của con người ngay từ giây phút khởi đầu, không ai và không điều gì có thể biện minh cho việc tước đoạt sự sống của các thai nhi. Trong hai thập niên qua, chúng ta phải đau lòng nhìn nhận rằng tình trạng phá thai ngày càng trở thành phổ biến và gia tăng tại Việt Nam, kể cả trong một số gia đình Công giáo. Với ơn Chúa, anh chị em hãy can đảm dứt khoát với hành động phá thai, trở thành người xây dựng nền văn minh tình thương và văn hoá sự sống, thay cho nền văn minh thù hận và văn hoá chết chóc.

Trong mái ấm của tình yêu và lòng thương xót, không thể không nói đến bổn phận hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ. Không ai trong chúng ta tự ban sự sống cho mình nhưng đều đón nhận sự sống từ Thiên Chúa qua cha mẹ. Vì thế, nếu sự sống là hồng ân lớn lao nhất chúng ta lãnh nhận, thì hiếu thảo với cha mẹ cũng phải là bổn phận căn bản của đạo làm con. Không lạ gì trong Mười Điều Răn, bổn phận thảo kính cha mẹ chỉ đứng sau điều răn thờ phượng Chúa và dẫn đầu những điều răn khác trong tương quan với tha nhân. Lòng hiếu thảo này được thể hiện qua sự vâng phục cha mẹ (x. Cn 6,20-22), cũng như qua trách nhiệm trợ giúp cha mẹ về vật chất và tinh thần khi các ngài về già hoặc đau yếu (x. Hc 3,2-6).

Cũng ở đây, cần phải nói đến bổn phận chăm sóc người cao tuổi, vốn là nét đẹp truyền thống trong văn hoá dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, trong thời đại quá đề cao thành công vật chất và hiệu năng sản xuất ngày nay, người ta có khuynh hướng coi người già như gánh nặng của xã hội và muốn loại ra bên lề. Chúng ta cần phải có cách nhìn tích cực hơn về vai trò của người cao tuổi. Thật vậy, người già là ký ức của lịch sử, sợi dây nối kết các thế hệ, người truyền lại kinh nghiệm và sự khôn ngoan cho con cháu. Vì thế, một gia đình không biết trân trọng người già thì gia đình đó đang trên đà suy thoái; ngược lại, gia đình tôn quý người cao tuổi là gia đình có tương lai bền vững.

10. Gia đình cũng là ngôi trường giáo dục đầu tiên và căn bản.Ngày nay, nói đến giáo dục, người ta thường chỉ nghĩ đến giáo dục tại học đường mà quên rằng giáo dục là bổn phận đầu tiên và cao cả nhất, cũng là quyền ưu tiên của gia đình, nhất là về mặt nhân bản, đạo đức và đức tin tôn giáo.

Gia đình là ngôi trường đầu tiên dạy những giá trị nhân bản. Những năm tuổi thơ trong gia đình sẽ hình thành những khuynh hướng căn bản, ăn rễ sâu và kéo dài trong suốt cuộc đời còn lại. Gia đình cũng là nơi trẻ thơ tập sống mối liên hệ với người khác, tập lắng nghe và tôn trọng tha nhân; nhờ đó, khi bước vào đời sống xã hội, các em sẽ sống tử tế và hoà hợp với mọi người, thay cho lối sống ích kỷ và chỉ tìm cách thống trị người khác.

Song hành với giáo dục nhân bản là giáo dục đạo đức. Trong bối cảnh xã hội được coi là xuống cấp trầm trọng về mặt đạo đức, chúng ta càng phải quan tâm hơn đến lãnh vực này. Chính các bậc cha mẹ phải tập cho con những thói quen tốt, hình thành những nguyên tắc và luật lệ trong đời sống, học cách sử dụng tự do cách khôn ngoan và đúng đắn. Để được như thế, cha mẹ cần tạo được sự tin tưởng của con cái và cách giáo dục tốt nhất chính là cách sống và gương sáng hằng ngày của cha mẹ.

Trong lãnh vực này, thiết nghĩ cần phải có cái nhìn đúng đắn và tích cực về việc sửa dạy con cái. Việc sửa dạy đích thực không phát xuất từ sự giận dữ nhưng từ tình yêu thương, giúp trẻ ý thức rằng làm sai sẽ dẫn đến hậu quả xấu, do đó phải biết xin lỗi và đền bù những thiệt hại gây ra. Việc sửa dạy như thế phải đi đôi với việc nhìn nhận những điều tốt lành con cái làm, để khuyến khích chúng. Ngoài ra, trong thời đại ngày nay, các bậc cha mẹ không thể không lưu tâm đến việc sử dụng các phương tiện truyền thông. Phải giúp con cái tập làm chủ những phương tiện này thay vì làm nô lệ của thế giới ảo đến nỗi xa rời thế giới thực, không quan tâm con người thật ngay trong gia đình.

Ngoài ra, với các bậc cha mẹ Công giáo, lãnh vực rất quan trọng phải quan tâm là giáo dục đức tin. Có thể nói gia đình là nơi mỗi chúng ta khám phá ý nghĩa và cảm nhận vẻ đẹp của đức tin. Đã hẳn đức tin là ơn ban của Chúa chứ không do chúng ta, thế nhưng cha mẹ là khí cụ Chúa dùng để làm cho mầm sống đức tin đó lớn lên và phát triển. Vì thế cha mẹ hãy tập cho con ngôn ngữ đức tin từ những việc nhỏ bé nhất như tập làm dấu Thánh Giá, đọc kinh Lạy Cha và Kính Mừng, hôn ảnh Chúa và Đức Mẹ… Hạt giống gieo xuống tuy nhỏ bé nhưng mai này sẽ thành cây to (x. Mt 13,31-32). Đừng quên rằng trẻ em cần những biểu tượng, hành động, chuyện kể, hơn là những lý luận trừu tượng. Vì thế, những giờ kinh gia đình và những việc đạo đức có giá trị hơn nhiều bài giáo lý. Đồng thời, để phát triển đời sống đức tin nơi con cái, cha mẹ cũng cần khuyến khích con tham gia các lớp giáo lý và sinh hoạt đạo đức tại giáo xứ. Những sinh hoạt này không những giúp con cái chúng ta lớn lên trong sự hiểu biết đức tin, mà còn làm phát triển nơi các em ý thức về Hội Thánh cũng như những kỹ năng sống trong xã hội.

GIA ĐÌNH VÀ SỨ VỤ THƯƠNG XÓT

11. Chúa Giêsu một đàng đưa ra lý tưởng rất cao về đời sống hôn nhân và đàng khác, Người lại bày tỏ sự cảm thông và gần gũi trước những yếu đuối của con người như trường hợp người phụ nữ xứ Samaria hoặc người nữ phạm tội ngoại tình. Theo gương Chúa Giêsu, các gia đình Công giáo được kêu gọi chăm sóc mục vụ cho các gia đình khác: “Nhờ ân sủng của bí tích Hôn nhân, các gia đình Kitô hữu là chủ thể chính của mục vụ gia đình, nhất là khi họ cống hiến chứng tá đầy vui tươi của đôi vợ chồng và gia đình, Hội Thánh tại gia” (Niềm vui của tình yêu, 200). Với trách nhiệm chủ chăn, chúng tôi xin gửi đến anh chị em những đề nghị sau đây:

Đồng hành với những gia đình di dân: Ngày nay, vì hoàn cảnh kinh tế, rất nhiều gia đình phải rời bỏ làng quê để tìm kế sinh nhai trong những thành phố lớn. Chỉ có một số ít thành công, còn phần lớn gặp nhiều khó khăn trong việc làm ăn, sinh hoạt gia đình, giáo dục con cái. Về mặt đức tin, nhiều khi họ cũng gặp khó khăn trong việc hội nhập cộng đoàn giáo xứ mới. Vì thế, chúng ta phải mở rộng vòng tay đón tiếp, để các gia đình di dân cảm nhận cộng đoàn giáo xứ là nhà của họ, nơi đó đức tin được nuôi dưỡng, lòng mến được vun trồng, và tin tưởng bước tới tương lai ngay giữa những khó khăn thử thách.

Đồng hành với những cặp hôn nhân khác đạo: Tại Việt Nam, tỷ lệ người Công giáo chỉ là 7%, hơn nữa các bạn trẻ ngày nay không còn sống trong những ngôi làng hoặc khu vực tập trung người Công giáo, nhưng sống và làm việc trong những môi trường chỉ có rất ít người Công giáo, do đó việc kết hôn giữa người Công giáo và người ngoài Công giáo sẽ gia tăng. Trong những gia đình này, có những khó khăn riêng do việc không cùng niềm tin tôn giáo, ảnh hưởng đến việc giữ đạo của người Công giáo cũng như việc giáo dục con cái trong gia đình. Vì thế, chúng ta cần đồng hành với những gia đình này, để nâng đỡ người (vợ hoặc chồng) Công giáo trong đời sống đức tin, hơn thế nữa, để họ có thể làm chứng cho Tin Mừng và giới thiệu Chúa Giêsu cho mọi người trong gia đình.

Đồng hành với những gia đình bị đổ vỡ: Hội Thánh luôn mong muốn các đôi vợ chồng sống chung với nhau đến trọn đời. Ly thân và ly dị chỉ được xem như lối thoát cuối cùng, sau khi mọi nỗ lực hoà giải đã thất bại. Tuy nhiên nhiều người rơi vào tình trạng này vì hoàn cảnh bất đắc dĩ chứ không hoàn toàn do lỗi riêng của họ. Vì thế chúng ta cần cảm thông và đồng hành hơn là loại trừ họ, cách riêng trong việc nuôi dạy con cái, vì trẻ thơ chính là thành phần chịu thiệt thòi nhiều nhất do những cuộc ly thân và ly dị: “Chăm sóc cho những người như thế không làm cho đức tin của cộng đoàn và việc làm chứng cho sự bất khả phân ly của hôn nhân bị suy yếu đi, trái lại, chính trong sự chăm sóc này mà cộng đoàn thể hiện đức ái của mình” (Niềm vui của tình yêu, 243).

12. Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, Đức Giáo hoàng Phanxicô dạy: “Thương xót không phải là một từ trừu tượng nhưng là một lối sống. Nói về lòng thương xót là một chuyện, còn sống lòng thương xót lại là chuyện khác. Dựa vào lời Thánh Giacôbê Tông đồ, chúng ta có thể nói: thương xót mà không có việc làm thì coi như đã chết”. Trong truyền thống lâu đời của Hội Thánh, những công việc của lòng thương xót gồm những việc về phần xác và về phần hồn. Những việc về phần xác là: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, cho khách đỗ nhà, chuộc kẻ làm tôi, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, chôn xác kẻ chết. Những việc về phần hồn là: lấy lời lành mà khuyên người, mở dạy kẻ mê muội, yên ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cầu cho kẻ sống và kẻ chết.

Anh chị em hãy làm gương cũng như tập cho con cái làm những việc của lòng thương xót. Chính những công việc đó sẽ huấn luyện con cái chúng ta trở nên những con người có lòng thương xót, biến đổi gia đình chúng ta thành ngôi nhà của lòng thương xót, góp phần làm chứng và giới thiệu dung nhan Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót.

13. Ngoài ngôi nhà của mỗi gia đình, chúng ta còn phải quan tâm đến ngôi nhà chung của mọi gia đình là trái đất, “người chị mà chúng ta đang chung phần sự sống, người mẹ tuyệt vời luôn mở rộng vòng tay ôm ấp chúng ta” (Laudato si’, 1). Trái đất này “đang kêu khóc vì những tổn hại chúng ta gây ra do việc sử dụng vô trách nhiệm và lạm dụng những tài nguyên Thiên Chúa ban tặng” (Laudato si’, 2). Ngày nay, người dân Việt Nam đang phải gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng do tình trạng ô nhiễm môi sinh. Cá chết dọc bờ biển miền Trung, hạn hán tại các tỉnh Tây nguyên và Nam Trung bộ, ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long… là những điều được mọi người quan tâm. Các nhà khoa học cho thấy con người là thủ phạm chính gây ra tình trạng biến đổi khí hậu qua việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên cách thiếu trách nhiệm. Các quốc gia và các tổ chức quốc tế đang nỗ lực để đạt đến thoả thuận chung về việc giảm bớt khí thải nhà kính.

Đây là vấn đề rất lớn, đòi hỏi những chính sách ở tầm vĩ mô, tuy nhiên các giám mục Á châu cho rằng các gia đình có thể đóng góp hữu hiệu vào việc chăm sóc môi trường sống bằng những việc nhỏ bé hằng ngày: tiết kiệm nước, dùng loại đèn ít tiêu hao năng lượng, rút dây khỏi ổ cắm điện khi không sử dụng, không đốt lá và rác thải, không xả rác ngoài đường phố, không sử dụng hoá chất độc hại trong canh tác và sản xuất… Nếu mỗi gia đình đều ý thức và giữ gìn như thế, thì những việc nhỏ bé hằng ngày trong mỗi gia đình sẽ trở thành nguồn lực lớn trong việc chống ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất đai, ô nhiễm không khí, và giữ gìn môi trường sống trong lành cho mọi người, hôm nay cũng như thế hệ mai sau.

*****

14. Anh chị em thân mến, giờ đây chúng ta hãy hướng tâm hồn lên Cha trên trời, cội nguồn mọi ân phúc, và thưa với Ngài:                         

Lạy Thiên Chúa là Cha đầy lòng từ bi nhân hậu,
là cội nguồn của mọi gia đình dưới đất.
Tạ ơn Cha đã thương ban cho gia đình nhân loại,
mẫu gương tuyệt vời của Thánh Gia Thất.

Xin Cha ban ơn Phúc-Âm-hoá mọi gia đình,
giúp đưa ánh sáng Tin Mừng Cứu độ,
là ánh sáng chân lý, yêu thương và bình an,
vào mọi lãnh vực đời sống gia đình chúng con.

Cho gia đình trở nên cái nôi của sự sống,
mái ấm của tình thương bao dung và hợp nhất,
ngôi trường giáo dục nên người tốt và hữu ích,
thành trì che chở phẩm giá của mọi người.

Cho mọi tư tưởng và việc làm của vợ chồng,
mang lại an hoà hạnh phúc cho gia đình.
Cho các bạn trẻ tìm gặp nơi ông bà, cha mẹ,
nguồn hỗ trợ cho sự phát triển phẩm giá làm người.

Xin Thánh Gia Thất phù hộ gia đình chúng con,
vững vàng tin yêu trong mọi gian lao thử thách,
và loan báo Chúa Giêsu Kitô là nguồn sống mới,
cho mọi gia đình, bây giờ và mãi mãi. Amen.

Lễ Đức Giêsu Kitô Vua vũ trụ, ngày 20 tháng 11 năm 2016

              Tổng thư ký HĐGMVN                                   Chủ tịch HĐGMVN
                            (đã ký)                                                            (đã ký)
           + Phêrô Nguyễn Văn Khảm                           + Giuse Nguyễn Chí Linh
              Giám mục GP. Mỹ Tho                              Tổng giám mục TGP. Huế

Hội đồng Giám mục Việt Nam
Nguồn: http://hdgmvietnam.org/hoi-dong-giam-muc-viet-nam-tam-thu-gui-cac-gia-dinh-cong-giao/8550.116.3.aspx