Chủ Nhật, 4 tháng 5, 2014

Tập san “HỘI THÁNH TẠI GIA”- Số 1 - Ngày 20/4/2014



GIỚI THIỆU TẬP SAN “HỘI THÁNH TẠI GIA”
của Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, Giám mục Đà Nẵng
Chủ tịch Ủy ban Mục vụ Gia đình thuộc HĐGMVN

Gia đình đang là bận tâm hàng đầu của Hội Thánh trong thế giới hôm nay. Sự tồn vong của gia đình sẽ định hình cho tương lai thế giới, như khẳng định của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Tông huấn về Gia đình: “Tương lai của nhân loại sẽ đến qua gia đình” (FC 86). Đây là mục đích của Mục vụ Gia đình.
Mục vụ Gia đình không chỉ dừng lại ở những đoàn thể phong trào hay các lớp giáo lý hôn nhân, nhưng sự chăm sóc của Giáo Hội là mẹ hiền cần phải đến được với từng gia đình: những người ông người bà, người cha người mẹ, những đứa con, những gia đình đơn thân hay mồ côi, những gia đình trẻ, những gia đình bất hòa, ly tán… Nhưng trước hết, phải giúp cho từng thành viên trong mỗi gia đình biết chăm sóc nhau phần hồn phần xác như một “Hội Thánh Tại Gia”.
Hình ảnh gia đình như một Hội Thánh thu nhỏ đã được nói đến từ rất lâu trong Giáo Hội. Thánh Giám mục Augustinô đã xác quyết: “Gia đình là một Giáo Hội thu nhỏ, tại đây Chúa Giê-su tiếp tục hiện diện và sống động”(Bài giảng số XXIX). Đặc biệt, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II, với những cảm nghiệm và xác tín sâu sắc, Ngài đã nói: “…Gia đình Kitô hữu có thể và phải được gọi là Hội Thánh TạiGia” (FC 21).
Sứ vụ của Hội Thánh là truyền giáo, mỗi gia đình như là “Hội Thánh Tại Gia” cũng hân hạnh chia sẻ sứ mạng này. “Gia đình có bổn phận cộng tác với Giáo Hội trong sứ mạng loan báo Tin Mừng. Tương lai của việc loan báo Tin Mừng nằm trong tay của gia đình là Giáo Hội tại gia” (FC 52).
Bắt đầu từ tháng 5 trong Năm Tân Phúc-âm-hóa Gia đình 2014 này, Ủy Ban Mục vụ Gia đình thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam thân ái gửi đến từng gia đình Công giáo Việt Nam mấy trang tư liệu thật gọn nhẹ này, là nỗ lực của Ban Mục vụ Gia đình các Giáo phận và Ban Nghiên huấn thuộc UBMVGĐ/HĐGMVN, để mỗi gia đình hằng ngày có thể cùng đọc, cùng suy, cùng cầu nguyện, cùng sống và nhất là cùng loan báo Tin Mừng. Những trang này mang tên là “Hội Thánh Tại Gia”, được gửi đến Ban Mục vụ Gia đình các Giáo phận, từ đó sẽ chuyển đến các giáo xứ từ ngày 15-20 mỗi tháng, để kịp dùng cho tháng kế tiếp.
Ước mong cố gắng nhỏ bé này sẽ được các mục tử, các giáo xứ và cộng đoàn đón nhận và rộng rãi phổ biến đến từng gia đình, theo hình thức nào có thể mang lại hiệu quả cao nhất. Chúng tôi cũng ước mong được đón nhận ý kiến và sự cộng tác nhiệt thành của mọi người, để tập san “Hội Thánh Tại Gia” này chóng được ấn hành cách chuyên nghiệp, với nội dung phong phú và được phổ biến rộng rãi hơn.
Nguyện Đấng Phục Sinh hiện diện đồng hành cùng mỗi gia đình. Cầu xin Thánh Gia chúc lành.
Đà Nẵng, Lễ Lá ngày 13 tháng 4 năm 2014.

* GIA ĐÌNH HỌC HỎI:
1. Hội thánh tại gia là gì ?
Hội thánh tại gia là tên mà Công đồng Vatican II gọi các gia đình ki-tô hữu. Vì cũng như Hội Thánh, mỗi gia đình công giáo phải trở nên cộng đoàn cầu nguyện, sống yêu thương hợp nhất, và hăng say loan báo Tin Mừng.
2. Phúc Âm hóa là gì ?
Phúc Âm hóa là nỗ lực dẫn mọi người đến gặp gỡ Đức Giêsu Kitô, trong sự bảo trợ của Chúa Thánh Thần, nhờ đó gặp gỡ Chúa Cha, để đời sống được biến đổi theo tinh thần Phúc Âm.
3. Tân Phúc Âm hóa là gì ?  
Tân Phúc Âm hóa là đổi mới việc rao giảng Tin Mừng, “mới trong lòng nhiệt thành, trong phương pháp, và trong cách diễn tả”…
4. Vì sao phải quan tâm đặc biệt đến việc Tân Phúc Âm hóa gia đình?
Vì gia đình là “nôi sự sống và tình yêu”, là trường học tự nhiên và căn bản, là hội thánh tại gia, nên việc Tân Phúc Âm hóa phải được bắt đầu từ mỗi gia đình.
5. Đâu là những việc phải làm để tân Phúc Âm Hóa gia đình?
Phải xây dựng gia đình thành cộng đoàn :
1. Cầu nguyện.          2. Sống hợp nhất yêu thương.
3. Phục vụ sự sống.   4. Hăng say loan báo Tin Mừng.
(Tài liệu GP. Cần Thơ)
***
 “Phước thật cho những ai được Thiên Chúa cho sinh ra trong một gia đình tốt và thánh thiện”.(Lamartine)

Tháng 05/2014

Gia đình :

CỘNG ĐOÀN ĐỐI THOẠI

Lời Chúa“Hãy học với tôi vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường”  (Mt 11,29). X. Ep 5, 21-33.
Ý cầu nguyện: Xin cho cả gia đình yêu thương nhau, biết cởi mở chia sẻ, tâm sự để ngày càng hiểu biết thông cảm nhau hơn, nên một cộng đoàn đối thoại với Chúa, với nhau, với mọi người.
Bài ca ý lực: Tôi theo một người (Lời Cho Cuộc Sống (tr.100))

1. Gia đình là cộng đoàn đối thoại với Thiên Chúa

- Để có thể tham dự vào đời sống và sứ mạng của Hội Thánh, gia đình vốn là hội thánh tại gia trước hết phải trở thành cộng đoàn đối thoại với Thiên Chúa nhờ Đức Kitô và trong Đức Kitô. Thật vậy, để là hội thánh và thực thi sứ mạng loan báo Tin mừng và phục vụ con người, gia đình trước hết phải được kết hợp mật thiết với Đức Kitô như cành nho gắn kết với cây nho, để nhờ đó mà được múc lấy sức sống thần linh và từ đó hòa nhập vào Hội Thánh dân tư tế.  Được bén rễ và dưỡng nuôi từ bí tích Hôn phối, gia đình không ngừng được sống nhờ Chúa Giêsu, và được Người mời gọi và lôi cuốn vào cuộc đối thoại với Thiên Chúa qua đời sống bí tích, qua việc dâng hiến đời mình và nhờ cầu nguyện.[1] Khi ấy gia đình mới là hình ảnh và làm cho sự Hiệp thông vô hình của Ba Ngôi thần linh thành hiện thực lịch sử.

2. Sự khác biệt trong Gia đình

- Đôi bạn, là những nhân vật chủ chốt vì gia đình dựa trên nền tảng hôn phối của họ, rất khác nhau : về giới tính, tính tình, tính cách, về văn hóa, có thể khác cả về tôn giáo tín ngưỡng. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay, đôi bạn gặp gỡ rồi yêu nhau và muốn xây dựng gia đình với nhau thường có nguồn gốc văn hóa, tín ngưỡng, ngôn ngữ, sắc tộc ... khác nhau.
a. Khác biệt về văn hóa: văn hóa khác biệt do nguồn gốc địa phương, ngôn ngữ, sắc tộc khác biệt, hoặc trình độ học thức khác biệt. Khác biệt có thể gây hiểu lầm, sinh ra căng thẳng xung đột khi sống chung. Không hiểu biết những hành vi thuộc đặc thù văn hóa của tha nhân nhưng đồng thời ta thường vẫn có những ý nghĩ, xét đoán, và phản ứng theo những ý nghĩ, định kiến của riêng ta, làm sai lệch tầm nhìn, và dễ tạo nên thương tổn cho nhau. Vì thế, mọi người cần tìm hiểu qua đối thoại chân thành, cởi mở, tin tưởng và kính trọng nhau. Không được xem văn hóa này cao trọng hơn còn văn hóa kia thấp kém hơn, vì mọi văn hóa là một phiên bản khác biệt của một văn hóa nhân loại chung và nhân dạng các nền văn hóa cũng không ngừng tương tác và thay đổi. Điều quan trọng không phải là bỏ đi một văn hóa để đón nhận một văn hóa khác, nhưng là: sự khác biệt làm cho nhau thêm phong phú để cùng xây dựng một điều gì mới mẻ.
«Này anh, điều anh khác với tôi không làm tổn hại tôi nhưng làm tôi thêm phong phú.» (Antoine de Saint-Exupéry)
b. Khác biệt về tôn giáo: Đời sống chung thân mật trong tình yêu thương của gia đình cũng có thể là một cuộc đối thoại liên tôn giữa những thành viên khác tín ngưỡng, tôn giáo trong gia đình, hoặc với các gia đình khác trong gia tộc và trong cộng đồng xã hội. Một nguyên tắc phải được tôn trọng: “trong lãnh vực tôn giáo, không ai bị ép buộc hành động trái với lương tâm, cũng không ai bị ngăn cấm hành động theo lương tâm”[2]. Đối thoại còn là gì hơn nữa chứ không chỉ đơn giản là sự khoan dung giữa những người khác biệt tôn giáo, tín ngưỡng. Đối với người Kitô hữu, tin rằng Đức Giêsu Kitô là «Sự thật» (Ga 14,6) có nghĩa là chấp nhận cùng đồng hành với tha nhân, nhất là với “thân nhân” của mình, lại cũng là người khác niềm tin với mình để có thể hiểu biết chính xác hơn, sâu xa hơn “sự thật” này là gì. Đối thoại liên tôn trong gia đình thường đòi hỏi sự kiên nhẫn và bền bĩ có thể cho đến cuối cuộc đời, cố gắng “hợp nhất trong những điều thiết yếu, tự do trong những điểm còn nghi ngờ, bác ái trong tất cả mọi sự”[3].
c. Khác biệt về giới tính: “Mỗi người, nam cũng như nữ, phải nhận biết và chấp nhận căn tính giới tính của mình. Sự khác biệt và bổ sung cho nhau về thể xác, tinh thần và tâm linh hướng đến lợi ích của hôn nhân và phát triển đời sống gia đình. Sự hòa hợp của đôi vợ chồng và của xã hội tùy thuộc phần nào vào việc hai bên nam nữ bổ túc, đáp ứng và nâng đỡ lẫn nhau”[4].

3. Gia đình là cộng đoàn đối thoại với nhau

- Gia đình là cộng đoàn sự sống thân mật và yêu thương hợp nhất giữa các thành viên khác biệt: vợ với chồng, cha mẹ với con cái, ông bà với cháu chắt, anh chị em, dâu và rể. Trong đó sự hợp nhất giữa vợ chồng là nền tảng rất quan trọng cho sự hợp nhất trong gia đình, trong các tương quan còn lại trong gia đình. “Thuận  vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn”. Yêu thương là hợp nhất trong khác biệt. Để được như thế họ phải hiểu biết và tôn trọng những cái giống nhau và cả những điều khác nhau, mà trước hết là phải đối thoại với nhau cởi mở và chân thành trong tin tưởng và yêu thương. Muốn thế, vợ chồng phải dành thời gian riêng cho nhau, dành cho nhau những lời nói nhẹ nhàng, âu yếm, những cử chỉ trân trọng, lịch sự, như ông bà ta khi xưa nói: “vợ chồng tương kính như tân”.
- Cộng đoàn đối thoại còn là cộng đoàn biết chia sẻ những việc cụ thể chung của gia đình:
1. Ăn ở : chia sẻ việc nhà cửa, bếp núc, bàn bạc trong tương quan với cha mẹ anh em hai bên nội ngoại, xóm giềng, chịu chung trách nhiệm mọi việc.
2. Tài chánh : Chia sẻ được mọi chi và tiêu: có thể công khai những món tiền lớn và tiền nhỏ.
3. Việc con cái: cùng đón nhận đứa con chào đời, chia sẻ việc nuôi và cùng nhau giáo dục con cái, trao đổi thống nhất việc giáo dục con cái, nhất là cùng dạy con biết Chúa.
4. Chuyện vợ chồng : Có thể chia sẻ thực lòng với nhau những giai đoạn khó khăn và nhu cầu thầm kín. Học phương pháp kế hoạch gia đình theo tự nhiên, trước hết phải là kĩ năng giúp vợ chồng sống hạnh phúc nhờ hiểu để biết chia sẻ. Tiết dục định kỳ cũng như những phương pháp điều hòa sinh sản đặt nền tảng trên việc tự quan sát và sử dụng những thời gian không thể thụ thai: đều phù hợp với các tiêu chuẩn khách quan của luân lí. Những phương pháp này tôn trọng thân thể của vợ chồng,khuyến khích họ âu yếm và giúp nhau hướng đến tự do chân chính[5].
5. Cầu nguyện : Đọc kinh chung là có thể thổ lộ với Chúa cùng tâm tư. Nền tảng của hiệp thông vợ chồng chính là Lời Chúa và Bí Tích Thánh Thể.
6. Không giấu nhau chuyện gì : thống nhất với nhau từ đầu, điều gì làm mà không dám nói cho nhau biết tập ý thức không làm.

Câu hỏi chia sẻ và thảo luận

  1. Gia đình tôi có Chúa hiện diện trong đối thoại gia đình hay không?
  2. Giữa vợ chồng, giữa cha/mẹ và con còn có điều gì chưa thể chia sẻ, trao đổi, tâm sự không?
  3. Khi đối thoại chúng tôi có tôn trọng sự dị biệt chính đáng của nhau, có thực sự quan tâm muốn chia sẻ và nâng đỡ nhau vì yêu thương hay không?

Ơn gọi hôn nhân trong chương trình của Thiên Chúa

Lời Chúa: Thiên Chúa tạo thành con người giống hình ảnh Thiên Chúa. Ngài tạo thành họ có nam có nữ (St 1, 28)… Thiên Chúa phán: “Đàn ông ở một mình không tốt, Ta hãy tạo dựng cho nó một nội trợ giống như nó”. Vậy Thiên Chúa khiến cho Ađam ngủ say, và khi ông đang ngủ, Ngài lấy một xương sườn của ông và đắp thịt lại. Thiên Chúa làm cho chiếc xương sườn đã lấy từ Ađam trở thành người đàn bà, rồi dẫn đến Ađam. Ađam liền nói: “Bây giờ xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi. Người này sẽ được gọi là người nữ, vì bởi người nam mà ra”. Vì thế, người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ mình, và cả hai nên một thân thể (St 2,7.18.21-24).
1-Tình yêu là ơn gọi nền tảng và bẩm sinh của con người
Qua mầu nhiệm Ba Ngôi, Thiên Chúa tự mạc khải là Thiên Chúa Tình Yêu (x. 1Ga 4, 8.16). Vì yêu, Thiên Chúa đã tác tạo con người giống hình ảnh mình và mời gọi con người sống yêu thương. Thế nên, khi yêu thương, con người thể hiện đúng bản chất của mình là hình ảnh Thiên Chúa, được dựng nên để sống yêu thương và hiệp thông với nhau. Tình yêu là ơn gọi nền tảng và bẩm sinh của con người (x. GLHT 1604). Tình yêu là nền móng xây dựng các mối tương quan làm nên ý nghĩa và hạnh phúc đích thực của con người. Hôn nhân và gia đình là trường dạy yêu thương cơ bản và không thể thay thế của con người.
2-Ơn gọi của bậc sống Hôn Nhân
Khi tạo dựng con người có nam có nữ, Thiên Chúa muốn họ sống cho nhau, bổ túc cho nhau và hiệp thông với nhau trong tình yêu. Và duy chỉ trong hôn nhân, Thiên Chúa kết hợp hai người nam nữ “thành một xương một thịt” để có thể lưu truyền sự sống qua muôn thế hệ. Khi lưu truyền sự sống cho dòng dõi mình với tư cách là vợ chồng và cha mẹ, người nam và người nữ cọng tác một cách độc đáo vào công trình của Đấng Sáng Tạo (x. GLHTCG 371-372). 
Như vậy, chính Thiên Chúa là Đấng tác tạo hôn nhân: qua việc tạo thành loài người có nam có nữ và kết hợp họ thành một xương một thịt với lệnh truyền “sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19,6), Thiên Chúa đã thiết lập và ban những định luật riêng cho đời sống chung thân mật và cho cộng đoàn tình yêu vợ chồng (x. GS 48,1). Như vậy, hôn nhân không phải là một định chế thuần túy nhân loại. Đằng sau những khác biệt đến từ các nền văn hóa, các tôn giáo hay các cơ cấu xã hội hay những biến đổi qua các thời đại, chúng ta vẫn nhận ra những yếu tố thường tồn làm nên sự cao quý của hôn nhân và gia đình: như tình yêu vợ chồng chung thủy, tình phụ tử mẫu tử cao dày của bậc làm cha mẹ hay lòng hiếu thảo của con cái (x. GLHTCG 1603).
Hơn bao giờ hết, trong bối cảnh đầy thách đố của hôn nhân và gia đình hôm nay, người kitô hữu cần phải nhận ra Ơn Gọi Bậc của sống Hôn Nhân để có thể sống chung thủy và giúp nhau chu toàn sứ mạng mà Chúa đã trao phó.

GHI NHỚ :

Hôn nhân không phải là một định chế thuần túy nhân loại. Chính Thiên Chúa là Đấng tác tạo hôn nhân, đã thiết lập và ban những định luật riêng cho đời sống chung thân mật và cho cộng đoàn tình yêu vợ chồng (x. GS 48,1) mà mọi thành viên trong gia đình phải tuân giữ để bảo đảm hạnh phúc đích thực của gia đình.

QUYẾT TÂM

Noi gương Thánh Gia Thất, luôn tìm kiếm và thực thi Thánh Ý Chúa trong mọi biến cố của gia đình để trung thành bảo vệ sự sống trong đời sống hôn nhân.
(Tài liệu MVGĐ TGP Huế)
***
GIA ĐÌNH NGHE LỜI ĐỨC THÁNH CHA

Xin chào Anh Chị Em thân mến!
Hôm nay chúng ta kết thúc loạt bài giáo lý về các Bí Tích bằng bài về Hôn Phối.
Bí tích này dẫn chúng ta tới tâm điểm của dự án Thiên Chúa, đó là một dự án giao ước với dân Ngài, với tất cả chúng ta, một dự án hiệp thông. Mở đầu Sách Khởi Nguyên, cuốn Sách đầu tiên của Thánh Kinh, để hoàn tất trình thuật tạo dựng, sách này kể rằng: "Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người theo hình ảnh của Ngài, theo hình ảnh của mình Thiên Chúa đã dựng nên họ; Ngài đã dựng nên họ có nam có nữ... Bởi thế, người nam lìa bỏ cha mẹ mình mà gắn bó với vợ của mình, và họ trở nên một xác thịt" (1,27; 2,24). 
Đôi phối ngẫu là hình ảnh của Thiên Chúa: con người nam và con người nữ, chẳng phải duy chỉ người nam thôi, chẳng phải duy chỉ người nữ thôi, mà là cả hai. Đó là hình ảnh Thiên Chúa: tình yêu, giao ước của Thiên Chúa với chúng ta được tiêu biểu nơi giao ước giữa nam và nữ. Điều này thật là đẹp!
Chúng ta được dựng nên để yêu thương, để phản ảnh Thiên Chúa và tình yêu của Ngài. Và nơi mối hiệp nhất phối ngẫu, người nam và người nữ hiện thực hóa ơn gọi này, ở chỗ hỗ tương lẫn nhau và hiệp thông với nhau bằng một đời sống trọn vẹn và vĩnh viễn.
Khi người nam và người nữ cử hành Bí Tích Hôn Phối thì có thể nói Thiên Chúa được "phản ảnh" nơi họ, Ngài in ấn nơi họ những tính chất của Ngài cùng với đặc tính bất khả xóa nhòa của tình yêu Ngài. Hôn nhân là hình ảnh về tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta. Thật vậy, Thiên Chúa cũng hiệp thông nữa, đó là Ba Ngôi Vị Cha, Con và Thánh Thần luôn luôn và vĩnh viễn sống trong mối hiệp nhất trọn hảo. Đấy thực sự là mầu nhiệm của Hôn Nhân, ở chỗ Thiên Chúa làm cho đôi phối ngẫu trở thành một cuộc sống duy nhất. Thánh Kinh sử dụng một lời diễn tả mạnh mẽ là "một xác thịt", một diễn tả cho thấy mối hiệp nhất rất thân mật giữa người nam và người nữ nơi đời sống hôn nhân. 
Mầu nhiệm của hôn nhân chính là ở chỗ tình yêu của Thiên Chúa được phản ảnh nơi đôi nam nữ quyết định sống chung với nhau. Bởi thế người nam lìa bỏ gia đình của mình, lìa bỏ gia đình cha mẹ mình mà sống với vợ mình, và liên hợp bản thân mình với vợ một cách mãnh liệt đến độ cả hai trở nên một xác thịt như Thánh Kinh nói.
Trong Thư gửi Giáo Đoàn Êphêsô, Thánh Phaolô nhấn mạnh đến sự kiện về một mầu nhiệm rất cao cả phản ảnh nơi thành phần phối ngẫu Kitô hữu, đó là mối liên hệ Chúa Kitô thiết lập với Giáo Hội, một mối liên hệ phối ngẫu (5,21-33).
Giáo Hội là Hôn Thê của Chúa Kitô. Mối liên hệ là thế. Tức là Hôn Nhân đáp ứng một ơn gọi đặc biệt và cần phải được coi như là một thứ thánh hiến (cf. Gaudium et spes, 48; Familiaris consortio, 56).
Nó là một thứ thánh hiến ở chỗ người nam và người nữ được thánh hiến trong tình yêu của họ. Bởi Bí Tích này, đôi phối ngẫu thực sự được đầu tư vào một sứ vụ thực sự và thích đáng, để họ có thể hiển hiện hóa, từ những gì tầm thường, tình yêu thương Chúa Kitô tỏ ra với Giáo Hội của Người, tiếp tục cống hiến sự sống của Người cho Giáo Hội, một cách trung thành và phục vụ.
Thật là một dự án kỳ diệu được chất chứa nơi Bí Tích Hôn Phối! Và dự án này được thể hiện một cách đơn thường cũng như một cách mong manh nơi thân phận con người. Chúng ta biết rõ là có biết bao nhiêu là khó khăn và thử thách xẩy ra nơi đời sống vợ chồng.
Điều quan trọng đó là làm sao giữ được mối liên hệ với Thiên Chúa, Đấng là nền tảng của mối liên hệ phối ngẫu. Mối liên hệ thực sự này bao giờ cũng là mối liên hệ với Chúa. Khi gia đình cầu nguyện thì mối liên hệ ấy được bảo tồn.
Khi người chồng cầu nguyện cho người vợ và người vợ cầu nguyện cho người chồng, thì mối liên hệ ấy trở nên vững mạnh; người này cầu nguyện cho người kia.
Đời sống hôn nhân thật sự là có nhiều thứ khó khăn, nhiều lắm, nào là việc làm, nào là bị thiếu thốn tiền bạc, nào là con cái có vấn đề - rất ư là nhiều khốn khó. Nên rất thường xẩy ra chuyện vợ chồng trở nên lo lắng và cải vã nhau. Họ cãi nhau - bao giờ cũng thế thôi nơi đời sống hôn nhân - đôi khi đến độ đĩa bay chén bay. Tuy nhiên, chúng ta không được vì thế mà tỏ ra buồn thảm; thân phận của con người là thế đó.
Cái bí mật đó là tình yêu mạnh hơn cả những lúc cãi nhau nữa, nên tôi bao giờ cũng khuyên nhủ các cặp vợ chồng rằng: Đừng bao giờ kết thúc ngày sống khi anh chị cãi nhau mà chưa làm hòa với nhau. Hãy luôn luôn làm như thế! Thì không cần phải gọi Liên Hiệp Quốc tới nhà của mình để giải hòa. Một cử chỉ nho nhỏ nào đó, một ân cần chăm sóc nào đó, một tiếng chào thôi cũng đủ! Thế rồi sang ngày mai - và ngày mai người ta bắt đầu lại. Đó là cuộc sống; cần phải tiến bước như thế, cần phải tiến tới bằng tấm lòng can đảm muốn sống với nhau. Đó là những gì cao cả, những gì đẹp đẽ!
Đời sống hôn nhân là một thứ gì đẹp nhất và chúng ta cần phải luôn canh chừng nó, bảo vệ con cái. 
Ở quảng trường này có những lần tôi đã từng nói một điều có thể giúp ích nhiều cho đời sống hôn nhân. Có ba lời luôn luôn cần phải nói, ba lời cần phải nói trong gia đình, đó là xin làm ơn - please/permesso, xin cám ơn - thank you/grazie, xin lỗi - sorry/scusa, ba lời nói có mãnh lực.  
 Xin làm ơn, để tránh xâm phạm vào đời sống của người phối ngẫu. Xin làm ơn, thế nhưng lời nói này anh chị em thấy sao? Xin làm ơn cho tôi. 
Xin cám ơn để cám ơn người bạn đời của mình: xin cám ơn anh/em về điều anh/em làm cho anh/em, xin cám ơn anh/em về điều đó nhé. Đẹp đẽ biết bao khi ngỏ lời cám ơn!     
Và khi tất cả chúng ta gây ra lầm lỗi, thì một lời nói khác hơi khó nói nhưng vẫn cần phải nói đó là: xin lỗi.
Xin làm ơn, xin cám ơn, xin lỗi. Bằng 3 lời nói này, bằng việc cầu nguyện của người chồng cho người vợ và ngược lại, bằng việc bao giờ cũng làm hòa trước khi kết thúc ngày sống, thì cuộc đời hôn nhân sẽ tiến phát
Ba lời nói mãnh lực, việc cầu nguyện cho nhau và luôn làm hòa. 
Xin Chúa chúc lành cho anh chị em và xin anh chị em cầu nguyện cho tôi.
ĐGH PHANXICÔ
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch)
  
GIA ĐÌNH SỐNG ĐẠO:
CỐT LÕI CỦA GIÁO DỤC TRONG GIA ĐÌNH
Lm. Giuse Đinh Quang Vinh
Khi nói đến giáo dục, phần đông cha mẹ quan tâm đến việc phải dạy dỗ con cái như thế nào? Phải dạy những gì? Thế nhưng, ít ai nghĩ đến tư cách của nhà giáo dục và đường hướng giáo dục thì quan trọng hơn cả phương pháp và nội dung giáo dục. Giáo dục để đào luyện con người nên người chứ không phải để thành các chuyên viên. Vì vậy giáo dục phải bắt đầu từ con người, nghĩa là bắt đầu từ cha mẹ.
Nếu phải giáo dục một điều cần nhất cho con người thì người ta phải dạy cho họ bài học yêu thương và kính trọng nhau. Con người học biết yêu thương và kính trọng không phải nơi sách vở nhưng nhờ được yêu thương và kính trọng. Chính tình yêu của cha mẹ dành cho nhau là bài học thiết yếu và căn bản nhất của việc giáo dục. Đó là kiểu mẫu mà con cái không thể học được ở đâu khác ngoài gia đình của mình. Nếu cha mẹ không là mẫu gương yêu thương và kính trọng thì họ có nỗ lực để dạy cho con cái bất cứ điều gì cũng chỉ là “dã tràng xe cát biển đông, nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì.” Muốn dạy cho con cái bài học yêu thương và kính trọng, chính cha mẹ phải thực hành nó bằng cách năng quan tâm chăm sóc lẫn nhau. Đó là bổn phận quan trọng nhất mà họ đang làm cho con cái. Con cái biết ơn cha mẹ vì tình yêu của họ đã làm nảy sinh sự sống và trao ban cho sự sống đó một lý do để sống.
Điểm then chốt đó chi phối cách giáo dục con cái. Cha mẹ không thể yêu thương nhau, yêu thương người hàng xóm và yêu thương con cái nếu họ liên tục kết án, phê bình, chỉ trích nhau. Khốn thay, đời sống con người yêu thương bao nhiêu cũng chưa đủ, ghét ghen một chút đã làm thương tổn rất nhiều. Một xúc phạm nho nhỏ có thể làm thương tổn mà năm đến mười lần xin lỗi chưa chắc đã làm lành. Đó là điều cần lưu ý khi cha mẹ dạy dỗ con cái bằng roi vọt, la lối, thóa mạ…Nhìn cách cư xử của một đứa trẻ nơi công cộng có thể biết đời sống cha mẹ của nó.
Nhu cầu thiết yếu của con người là được yêu thương và kính trọng. Vì lý do đó, khi giải quyết những xung đột trong gia đình, cha mẹ phải làm sao để mình là người trọng tài phân xử cho không ai bị thua cuộc, bị làm nhục, bị hạ giá… Thay vì chỉ khuyên lơn, góp ý, đề nghị thì cha mẹ nên khuyến khích con cái bằng cách chính mình phải kiên nhẫn lắng nghe bằng tất cả trí tuệ và con tim. Đó là bổn phận đầu tiên của tình yêu. Cha mẹ nên biết điều này: trẻ nữ có nhu cầu truyền đạt tình cảm của mình, cảm thấy được lắng nghe và được che chở, ai có thể làm được điều này cho con gái tốt hơn người cha; trẻ nam có nhu cầu cảm thấy được đánh giá cao cho cái tôi, ai có thể làm điều này cho con trai tốt hơn người mẹ. Bằng lời nói và việc làm, cha mẹ hãy tỏ cho con cái biết mình yêu thương chúng:  “Thanh thiếu niên không chỉ được yêu thương, nhưng chính các em cần biết mình được yêu thương” (Don Bosco).
Tình yêu của cha mẹ dành cho nhau là bài học căn bản cho con cái về nhân bản, đạo đức, tâm lý và văn hóa; những gì làm cho chúng nên người. Hơn thế nữa, đó còn là kho dữ trữ năng lượng để con cái có thể vượt qua nhưng khúc quanh của cuộc đời gập ghềnh sỏi đá trong các mối tương quan. Cha mẹ yêu thương và kính trọng nhau là sự trợ giúp lớn nhất cho con cái. Tình yêu liên kết cha mẹ lại cách bền vững là đá tảng kiên cố trên đó con cái xây dựng cuộc đời của mình. Vì lý do đó, trước khi cha mẹ có thể biết mình sẽ làm gì hữu ích cho con cái: “Hãy cố gắng làm cho mình được yêu mến” (Don Bosco).

  1. Gương giáo dục đức tin nơi gia đình Thánh nữ Têrêsa.
  • Khi Têrêsa mới lên bốn, bà mẹ đã bị ung thư…Bà đi hành hương Lộ đức để phó dâng đứa con út cho Đức Mẹ. Bà viết: “Con gái của tôi dịu dàng xinh xắn như thiên thần nhỏ. Nụ cười thật dịu hiền…Nó sẽ là người tốt mà mầm tốt ấy đã bắt đầu mọc rồi”…sau này Têrêsa đã viết: “Từ lúc lên ba, tôi chưa hề từ chối Chúa một điều gì”.
  • Têrêsa được dạy kính yêu Đức Mẹ hết lòng. Mỗi lần chạy nhảy tung tăng trên đồng cỏ Alăngsông, bao giờ cô bé cũng hái hoa về trang hoàng bàn thờ Đức mẹ.
    1. Gương giáo dục nơi gia đình các thánh tử đạo VN.
Thánh Máctinô Thọ (1787-1840) căn dặn các con: “Cha không còn làm gì cho các con ở thế gian này nữa, cha chỉ còn lo chuẩn bị tâm hồn, đón nhận những thử thách cuối cùng. Ý Chúa muốn cha lìa xa các con…nhưng các con còn mẹ, hãy vâng lời mẹ…hãy quan tâm săn sóc các em. Các em hãy biết kính trọng, vâng lời anh chị. Hãy yêu thương nhau, siêng năng làm việc đỡ đần mẹ. Hãy nhớ đọc kinh tối sáng, lần chuỗi mân côi hằng ngày. Chúa trao cho mỗi người thánh giá riêng, hãy vui vẻ vác theo chân Chúa và kiên trung giữ đạo…”
  1. Lời Chúa sưởi ấm, chiếu sáng, soi đường gia đình công giáo.
Một người theo thuyết hoài nghi (nghi ngờ những chuyện tôn giáo) hỏi một bà cụ Kitô hữu:
- Làm sao cụ có thể chứng minh rằng: Thánh kinh là Lời Chúa?
- Vậy anh có thể chứng minh được là có mặt trời trên không trung không? Bà cụ hỏi.
- Có chứ, vì mặt trời sưởi ấm cho tôi, chiếu sáng, soi đường cho tôi đi.
- Tôi cũng thế, Thánh kinh thực sự là Lời Chúa, vì Thánh kinh cũng sưởi ấm lòng tôi, gia đình tôi, và còn chiếu sáng từng bước đường đời của tôi, của con cháu tôi suốt mấy mươi năm qua!     (Tài liệu GP. Cần Thơ)

* GIA ĐÌNH CẦU NGUYỆN:
KINH DÂNG GIA ĐÌNH
Lạy Chúa Giêsu,
Gia đình chúng con, cùng với cả những người vắng nhà, quây quần bên Chúa, Mẹ Maria và Thánh cả Giuse.
Chúng con chúc tụng, tạ ơn Ba Ngôi Thiên Chúa, vì ngay từ khi tạo dựng muôn loài, Chúa Cha đã ân cần tác tạo cuộc sống hôn nhân gia đình; vì chính Chúa đã thánh hiến cuộc sống này, khi sinh ra và lớn lên trong gia đình Na-da-rét, khi thiết lập bí tích hôn phối; để hôn nhân gia đình sẽ mãi được Thánh Thần thánh hóa trong Hội Thánh Chúa.
Xin cho gia đình chúng con noi gương Thánh Gia Chúa, cùng nhau Phúc Âm Hóa gia đình, nên Hội Thánh tại gia, nên cộng đoàn đức tin, bác ái, phượng tự và truyền giáo: biết tin cậy phó thác trọn vẹn nơi quyền năng Chúa Quan Phòng; biết kính mến Chúa trên hết mọi sự, chung thủy chăm sóc nhau, và yêu thương mọi người như chính mình; biết trung thành thờ phượng Chúa, nhất là mỗi ngày Chúa Nhật; biết rao truyền cho mọi người tin nhận Thiên Chúa là Cha, qua nỗ lực phục vụ sự sống, phục vụ xã hội và Giáo hội, đặc biệt là những anh chị em nghèo khổ, vật chất và tinh thần.
Xin Chúa hằng ngự trị trong gia đình chúng con, để giữa cuộc sống vui buồn, đầy cám dỗ, bon chen, lao nhọc, gia đình chúng con luôn suy tôn Chúa làm Vua Công chính và Yêu thương, Vua An vui và Hạnh phúc, hầu ngày sau được đoàn tụ cùng Chúa trên Nước Trời. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.
 (Năm Tân Phúc Âm hóa Gia Đình, GP. Cần Thơ 2014)

GIA ĐÌNH SUY NIỆM LỜI CHÚA:

04/05 – Chúa Nhật III Phục Sinh năm A
“Hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh”
Lời Chúa: Lc 24,13-35
Khi gần đến làng hai ông định tới, Người giả vờ muốn đi xa hơn nữa. Nhưng hai môn đệ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều, và ngày sắp tàn”. Người liền vào với các ông.
Ðang khi cùng các ông ngồi bàn, Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Mắt họ sáng ra và nhận ra Người. Ðoạn Người biến mất. Họ bảo nhau: “Phải chăng lòng chúng ta đã chẳng sốt sắng lên trong ta, khi Người đi đường đàm đạo và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó ư?” Ngay lúc ấy họ chỗi dậy trở về Giêrusalem, và gặp mười một tông đồ và các bạn khác đang tụ họp. Họ bảo hai ông: “Thật, Chúa đã sống lại, và đã hiện ra với Simon”. Hai ông cũng thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào.
Suy niệm
Bị bủa vây bởi những nỗi sợ hãi, tuyệt vọng, người ta dễ quên hay khó lòng nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời. Đó là trường hợp của hai môn đệ trên đường Emmaus. Điều này cũng có thể xảy ra với bất cứ ai, trong bất kỳ gia đình hay cộng đoàn nào.
Sứ điệp của câu chuyện hai môn đệ trên đường Emmaus khẳng định một chân lý rất rõ ràng : Người ta chỉ có thể tìm thấy niềm hy vọng, niềm tin yêu khi nhận ra sự đồng hành của Đấng Phục Sinh trong cuộc đời mình, nhất là giữa những cơn sóng gió. Vì vậy, lời nài van xin Chúa ở lại với gia đình là điều không thể thiếu trong đời sống người Kitô hữu. Giữa những thử thách và khó khăn, gia đình chúng ta có vững niềm tin vào sự hiện diện của Chúa trong thế giới hôm nay không?
Lạy Chúa Giêsu, giữa những vất vả ngược xuôi của dòng đời, Chúa biết chúng con cần đến Chúa ! Gia đình chúng con xin lặp lại lời nguyện cầu của hai môn đệ xưa : Xin Chúa ở lại với chúng con, vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn. Amen.

11/05 – Chúa Nhật IV Phục Sinh – CHÚA CHIÊN LÀNH
Ta là cửa chuồng chiên

Lời Chúa: Ga 10,1-10
Chúa Giêsu phán rằng: “Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào. Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp ; nhưng chiên đã không nghe họ. Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”.

Suy niệm
Chúa Giêsu thường dùng những ví dụ, những hình ảnh, những sinh hoạt trong đời sống để minh họa lời Người giảng dạy. Những người chăn chiên xứ Palestine chăm sóc đàn chiên của mình một cách đặc biệt; họ yêu quý và biết rõ từng con chiên một. Hình ảnh đơn sơ này diễn tả cách thân tình tấm lòng yêu thương, ân cần của Chúa đối với từng người chúng ta. Như người mục tử thí mạng vì đàn chiên, Chúa Giêsu đã hiến dâng mạng sống mình để nhân loại được sống và sống dồi dào.
Gia đình Kitô giáo được tham dự vào sứ vụ Mục Tử của Chúa Kitô khi nỗ lực xây dựng gia đình mình thành cộng đoàn phục vụ sự sống. Tấm lòng và cung cách phục vụ của Chúa là chuẩn mực để mọi người noi theo.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đến trần gian để cho chúng con được sống và sống dồi dào. Xin cho mỗi thành viên trong gia đình chúng con biết mở rộng tâm hồn đón nhận sức sống tình yêu của Chúa, để gia đình chúng con thực sự trở nên nhân chứng tình yêu của Chúa cho thế giới hôm nay. Amen

18/05 – Chúa Nhật V Phục Sinh năm A
“Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”
Lời Chúa: Ga 14,1-12
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở, nếu không, Thầy đã nói với các con rồi; Thầy đi để dọn chỗ cho các con. Và khi Thầy đã ra đi và dọn chỗ cho các con rồi, Thầy sẽ trở lại đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó. Thầy đi đâu, các con đã biết đường rồi”. Ông Tôma thưa Người rằng: “Lạy Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường đi?” Chúa Giêsu đáp: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. Nếu các con biết Thầy, thì cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ các con biết và đã xem thấy Người”.  [...] “Các con hãy tin rằng Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy. Ít ra các con hãy tin vì các việc Thầy đã làm. Thật, Thầy bảo thật các con: Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm những việc Thầy đã làm. Người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn, vì Thầy về với Cha”.
Suy niệm
Các Tông đồ xao xuyến khi nghe Chúa Giêsu loan báo Ngài sẽ rời xa các ông để trở về trời với Chúa Cha. Các Tông đồ cảm nhận sự hụt hẫng vì thiếu vắng sự hiện diện thể lý của Ngài trong cuộc đời, sự thiếu vắng tưởng chừng không có gì bù đắp được.
Để trấn an các Tông đồ, Chúa Giêsu hướng lòng các ông đến một thực tại cao cả hơn, Ngài đi để dọn chỗ cho các ông, vì hạnh phúc viên mãn chỉ đến trong vinh quang nước trời, nơi Chúa Giêsu ở đâu, những kẻ thuộc về Ngài cũng được ở đó. Để có được một cuộc sum vầy tràn ngập niềm vui và hạnh phúc này, các môn đệ cần tin tưởng bước theo Chúa Giêsu, Đấng là đường, là sự thật và là sự sống.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa muốn rằng Chúa ở đâu, chúng con cũng được ở đó với Chúa. Cuộc sống hôm nay vẫn mở ra cho chúng nhiều lối đường để lựa chọn. Xin cho mỗi người trong gia đình chúng con biết chọn và can đảm bước đi trên con đường của Chúa, con đường làm chứng cho sự thật và phục vụ sự sống của Chúa. Amen.


25/05 – Chúa Nhật VI Phục Sinh năm A
“Thầy sẽ xin Cha
và Người sẽ ban cho các con một Ðấng Phù Trợ khác”
Lời Chúa: Ga 14,15-21
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy giữ giới răn Thầy. Và Thầy sẽ xin Cha, và Người sẽ ban cho các con một Ðấng Phù Trợ khác, để Ngài ở với các con luôn mãi. Ngài là Thần Chân Lý mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết được Ngài; còn các con, các con biết Ngài, vì Ngài sẽ ở nơi các con và ở trong các con. Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi: Thầy sẽ đến với các con. Một ít nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần các con, các con thấy Thầy vì Thầy sống và các con cũng sẽ sống. Trong ngày đó, các con sẽ hiểu biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, và các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Ai nhận các luật Thầy truyền và giữ các luật đó, thì người ấy là kẻ mến Thầy. Và ai mến Thầy sẽ được Cha Thầy yêu mến, và Thầy sẽ yêu nó, và sẽ tỏ mình ra cho nó”.
Suy niệm
Kitô giáo là tôn giáo của Ðấng đã chết nhưng đã sống lại và ở mãi bên con người cho đến tận thế. Khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, người Kitô hữu được ơn phục sinh nhờ thông hiệp với Ðức Kitô. Nhiều tín hữu sống èo uột, khép kín vì không nhận ra rằng : sự sống mới của Chúa đã bén rễ trong tâm hồn họ. Càng kết hợp với Chúa và mở lòng ra với tha nhân, sự sống ấy càng đâm chồi nảy lộc dồi dào.
Nhờ tình yêu và sức mạnh Thánh Thần của Chúa Kitô, gia đình Kitô giáo có thể vượt qua những thách đố của thời đại. Sự sống của Đấng Phục Sinh triển nở trong gia đình Kitô giáo sẽ giúp họ trung thành tuân giữ Giới Luật của Chúa và sống chung thủy với nhau.
Lạy Chúa, dù đã cố làm cho cuộc sống được bảo đảm hơn, tiện nghi hơn, nhưng thế giới hôm nay vẫn là một thế giới đói khát sự sống đích thực. Xin cho chúng con luôn biết kín múc sức sống của Ðức Kitô Phục Sinh và chia sẻ cho thế giới sự sống đó qua việc phục vụ trong yêu thương. Amen.
(Tài liệu Giáo phận Xuân Lộc)



[1] FC 55.
[2] CĐ Vatican II, Tuyên ngôn Dignitatis Humanae 2.
[3] GS 92.
[4] GLHTCG 2333.
[5] GLHTCG 2370; X. ĐGH Phaolô VI, Tđ. Humanae Vitae 16.
Nguồn: http://www.ubmvgiadinh.org/article/t%E1%BA%ADp-san-%E2%80%9Ch%E1%BB%99i-th%C3%A1nh-t%E1%BA%A1i-gia%E2%80%9D-s%E1%BB%91-1-ng%C3%A0y-2042014

Không có nhận xét nào: