Thứ Tư, 9 tháng 1, 2013

Gia đình - Bài giảng Lễ Thánh Gia tại tu hội Naza



BÀI GIẢNG TRONG NGÀY LỄ THÁNH GIA - 30/12/2012
tại TU HỘI NAZA – THỦ ĐỨC
CỦA ĐỨC CHA MICAE HOÀNG ĐỨC OANH

Câu trả lời của Chúa Giêsu: "Mà tại sao cha mẹ tìm Con? Cha mẹ không biết rằng Con phải lo công việc của Cha Con ư?"

Trong câu này ta thấy có cha mẹ của Chúa Giêsu là Thánh Giuse và Đức Mẹ và bên cạnh đó ta thấy Chúa Giêsu còn có một người Cha khác nữa. Thánh Luca ghi rõ “nhưng hai ông bà không hiểu lời Người nói”, có thể trong chúng ta cũng không hiểu lời này, có lẽ chúng ta cũng đã nghe câu này nhiều lần. Trước hết chúng ta nhìn vào gia đình Thánh Gia, sau đó ta quay lại gia đình hôm nay của chúng ta đối chiếu mẫu gương gia đình Nazareth.


Ở đây chúng ta thấy về phần con người nơi Chúa Giêsu có 2 bản tính, bản tính nhân loại và bản tính Thiên Chúa. Về bản tính nhân loại Chúa Giêsu có Đức Mẹ làm cho Ngài được sinh ra, với thân xác giống như chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi, có Thánh Giuse là cha nuôi. Khi đó Chúa Giêsu đã nghe Đức Mẹ khiển trách: "Con ơi, sao Con làm cho chúng ta như thế? Kìa cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con". Chúa Giêsu không chối bỏ, và Ngài cũng nói: "Mà tại sao cha mẹ tìm Con? Cha mẹ không biết rằng Con phải lo công việc của Cha Con ư?". Chúa Giêsu không chối bỏ về nhân phẩm của mình được sinh ra từ cung lòng Đức Mẹ một cách đặc biệt không vương vấn tội lỗi.

Thánh Gia đó cũng như bất cứ gia đình ai khác trong thế giới hôm qua, hôm nay và ngày mai vẫn làm những công việc, những nhịp sống, và cũng đầy bất trắc, khó khăn, thử thách, nhưng khác với gia đình chúng ta ở chỗ mỗi thành viên của gia đình Thánh Gia hành xử theo một nguyên tắc thống nhất là để Chúa làm chủ gia đình của mình. Vì thế, gia đình Thánh Gia dầu biết bao nhiêu khó khăn thử thách trăm bề về vật chất, về tinh thần, về quan hệ xã hội, có thể có cả với nhau như việc Chúa Giêsu hôm nay lạc mất đây, cha mẹ buồn phiền trách móc, nhưng lạ lùng một điều gia đình luôn có sự bình an, bởi vì có Chúa ở với các ngài, mọi thành viên luôn đi tìm ý của Chúa. Đặc biệt trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng nói: “Cha mẹ không biết rằng Con phải lo công việc của Cha Con ư?"

Nói cách khác, Chúa Giêsu mở cho Đức Mẹ và Thánh Giuse thêm một tầm nhìn lớn khác nữa, ngoài gia dình cha mẹ xác thịt của mình, còn có một gia đình khác bao la hơn, phổ quát hơn, đó là gia đình con cái Chúa, nơi đó chỉ có một Thiên Chúa độc nhất và chân thật là Cha của mọi người, và mọi người đều là con cái của Cha và mọi người là anh chị em với nhau. 

Trong bài đọc 2 hôm nay, Thánh Gioan cho chúng ta một tầm nhìn rõ ràng: “Anh em thân mến! Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa”. Ngoài là con cái của cha mẹ xác thịt chúng ta còn là con cái của Thiên Chúa. Gia đình xác thịt chúng ta phải theo mẫu gương của gia đình con cái Chúa, gia đình nơi đó Thiên Chúa là Cha độc nhất và chân thật, hằng ngày chúng ta vẫn tuyên xưng chân lý này qua Kinh Lạy Cha, và khi tuyên xưng như thế này, thì chúng ta phải tuyên xưng một cách đặc biệt theo lệnh của Chúa Cứu Thế, và theo thể thức và tâm tình của Chúa Giêsu, chúng ta dồn tất cả khả năng và tâm trí chúng ta dám nguyện rằng: “Lạy Cha chúng con. .”. Khi chúng ta tuyên xưng như thế là chúng ta tuyên xưng một chân lý căn bản nhất, chỉ có một Thiên Chúa là Cha, mọi người là anh em. Lời tuyên xưng đó phải được thể hiện ngay trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

Chúng ta nhớ ngày cha mẹ bồng chúng ta đến nhà thờ, xin linh mục ban Bí Tích Rửa Tội, linh mục hỏi anh chị em đưa con đến đây xin gì cùng Hội Thánh?: Thưa, xin Phép Rửa Tội. linh mục hỏi tiếp: Rửa Tội đem lại cho anh chị em điều gi? Thưa: Sự Sống đời đời.

Sự sống đời đời là sự sống hôm qua, hôm nay và ngày mai, sự sống khi còn trẻ cũng như lúc già, lúc chết, sự sống đời này và đời sau, sự sống khi vui mừng hay khỏe mạnh, sự sống khi chúng ta đau yêu, cũng như chết chóc, khi thành công hay thất bại, tất cả sự sống đời đời ấy là từng giây phút trong cuộc sống của chúng ta. Chúa Giêsu cũng nói, sự sống đời đời là: “nhận biết Cha Thiên Chúa độc nhất và chân thật là Đấng đã sai Đức Giêsu đến trần gian”, (Gn 3, 16 -17). Chúng ta biết được sự sống này, sống và đạt được sự sống này là nhờ Đức Giêsu Kitô. Vì thế, lát nữa trong thánh lễ chúng ta sẽ đọc và tuyên xưng: “chính nhờ Người với Người và trong Người”, bản dịch của GKPV giải thích rõ hơn Người đó chính là Đức Giêsu Kitô, chính nhờ Đức Giêsu Kitô cùng với Đức Giêsu Kitô, và trong Đức Giêsu Kitô mọi vinh dự và vinh quang đều quy về Chúa là Cha toàn năng trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Mọi sinh hoạt của chúng ta đều quy về Thiên Chúa là Cha. Và quy về Thiên Chúa là Cha đồng thời cũng quy về những anh em của chúng ta, đặc biệt những người nghèo khổ, nhưng người bị bỏ rơi.

Chúng ta đang sống trong Mùa Giáng Sinh, ngày nay những hang đá huy hoàng lộng lẫy làm cho chúng ta choáng mắt chúng ta quên mất cái hang đá đầu tiên là nơi máng cỏ Belem, một nơi tanh hôi, dơ dáy, bởi vì không có chổ trọ ở trong khách sạn, không có chổ trọ ở trong lòng người. Bởi vì, Giêsu đến hóa thân làm người, một con người nhỏ bé nhất, hình ảnh đó chúng ta phải thấy ở khắp mọi nơi, nhất là nơi những con người nghèo khổ. 

Chìa khóa của gia đình Thánh Gia là mẫu gương, chính nơi đó có Cha ngự trị, tất cả đều quy về Cha trên trời, sống trọn tinh thần như thế, và trong mọi thử thách gian nan ở nơi đó Cha vẫn là điều quan trọng và mọi thành viên đều đi tìm ý của Cha và mau mắn thi hành.

Giờ đây chúng ta nhìn vào gia đình Thánh Gia và cách riêng là mỗi gia đình của chúng ta, và chắc chắn mẫu hình của các gia đình phải là mẫu hình của gia đình Nazareth, và gia đình chúng ta hôm nay có thực sự đúng là mẫu gương của gia đình Thánh Gia hay không? Gia đình chúng ta hôm nay có thực đón nhận với tầm nhìn to lớn là có một người Cha chung là Thiên Chúa và tất cả mọi người là anh em của chúng ta hay không? Chúng ta có sống đúng với tinh thần như thế không? Trong gia đình chúng ta có thực sự Thiên Chúa làm chủ không?

Mỗi khi chúng ta làm một căn nhà mới chúng ta mời linh mục đến làm phép để làm gì? Chúng ta cứ tưởng là quan niệm mời linh mục đến để làm phép là để xua đuổi ma quỷ, chuyện đó là chuyện phụ chứ không phải là chuyện chính. Chuyện chính là khi ta mời linh mục đến làm phép nhà thì phải xác tín, tuyên xưng rằng với chòm xóm với mọi người thân yêu rằng: “nhà này Thiên Chúa ngự trị, Thiên Chúa làm chủ” mỗi khi người chồng, người vợ, người con, bạn bè, hàng xóm bước vào căn nhà này thì phải biết chào Chúa vì thấy Thiên Chúa làm chủ. Không phải người chồng hay người vợ làm chủ, không phải người con làm ra tiền, làm ra của cải cho gia đình làm chủ, mà Thiên Chúa làm chủ. Cho nên có bất cứ chuyện gì vui buồn sướng khổ, thì ngồi lại với nhau cùng giải quyết với nhau. Người chồng phải biết hỏi ý Chúa, nếu trong trường này Chúa làm sao con làm vậy. Người vợ muốn sửa đổi chồng cũng phải hỏi ý Chúa, trong trường hợp này con phải nói với chồng làm sao? Cha mẹ muốn sửa dạy con cái cũng phải hỏi ý Chúa trong trường hợp này con phải dạy con cái như thế nào, phải nói cái gì? Con cái muốn hành xử với cha mẹ cũng phải hỏi ý Chúa, và phải đối xử như thể là đối xử với Chúa vậy. Ta thấy rõ nguyên lý này như Chúa Giêsu đã nói, mỗi khi anh em cho một người bé mọn một ly nước lã là anh em làm cho chính Thầy, và anh em làm cho chính Thầy là anh em đón nhận Thầy, mà anh em đón nhận Thầy là anh em đón nhận chính Cha của Thầy, niềm tin công giáo của chúng ta hài hòa như thế đấy.

Trong năm đức tin mỗi gia đình chúng ta hãy xem lại gia đình mình có thực là gia đình có đức tin, là người có đức tin hay không? Gia đình chúng ta có sổ công giáo, có bàn thờ công giáo, có đi lễ nhà thờ công giáo, nhưng chúng ta tự hỏi chúng ta có đức tin thật không? Gia đình mình có đức tin thật không? Có thừa nhận Thiên Chúa là Cha của mình là Cha của mọi người, có để Chúa làm chủ gia đình mình, có nghe lời của Chúa nói, thi hành lệnh của Chúa truyền không? Tất cả mọi công ăn việc làm, từng giây phút, từng hơi thở, của mình tất cả và tất cả có thực sự mình sống mối thân tình với Thiên Chúa là Cha của mình, và có thể hiện với mọi người là anh em của mình hay không? 

Lý tưởng của người công giáo đích thực, chúng ta có thể xác định rõ chúng ta là người hạnh phúc nhất trần gian này, bởi vì chúng ta có trục tọa độ, mà chiều ngang là hoành độ là mối quan hệ xã hội, là đạo đức, đạo lý, mà đạo nào cũng dạy ăn ngay ở lành trong quan hệ giữa người với người, và với cái trục tung độ là trục niềm tin, hai trục đó gặp nhau ở điểm O. Đó là đời sống đích thực của người con cái của Thiên Chúa, chỉ có niềm tin công giáo mới cho ta thấy được một lối nhìn này. Và vì thế, từng lời ăn tiếng nói của chúng ta phải là hành động tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa là Cha, từng lời cầu nguyện của chúng ta đối với Thiên Chúa là Cha cũng là hành động đối xử thể hiện với người anh em chúng ta, đặc biệt đối với những người nghèo khổ.

Như thế, người công giáo, gia đình công giáo phải tự hào và xác tín rằng, chúng ta là người hạnh phúc nhất và gia đình chúng là gia đình hạnh phúc nhất trần gian, vì chúng ta biết được Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh em, và chúng ta có một đời sống hài hòa thống nhất từng giây, từng phút của chúng ta đối với Thiên Chúa, đối với anh em, với xã hội với tha nhân đều là một thể thống nhất. Chúng ta càng sống đạo chúng ta càng yêu mến cha mẹ, càng yêu quê hương tổ quốc, càng yêu nhân loại, chúng ta càng phục vụ yêu thương chòm xóm, yêu thương hết mọi người, là chúng ta càng sống đức tin của mình một cách tích cực nhất.

Điều này chúng ta cũng hơn một lần nhìn nhận thấy sức chúng ta có hạn không làm nổi, nếu chúng ta không có ơn của Chúa, không có sức mạnh Thánh Thần của Chúa, và điều này cho chúng ta thấy nếu chúng ta xác tín niềm tin thống nhất như thế thì lệnh của Chúa truyền chúng ta phải thi hành là: “anh em hãy đi loan báo Tin mừng cho muôn dân”. Đây là lệnh truyền không thể không thi hành một cách tích cực và hữu hiệu, bởi nếu không thì điều mà Thánh Phaolô nói với giáo đoàn Corinto, cũng là điều phải nói với mỗi người chúng ta hôm nay “khốn cho tôi, nếu tôi không loan báo Tin Mừng”. 

Biết bao gia đình chúng ta đã đổ nát bởi vì chúng ta quên đi sứ mạng căn bản này, giây phút nào chúng ta quên sứ mạng căn bản này là giây phút đó chúng ta tạm ngưng nghỉ không còn là kitô hữu, không còn là người môn đệ của Chúa Kitô, nhiều khi chúng ta quá bận bịu với xây dựng, với lễ hội, với đủ mọi thứ mà chúng ta quên những người nghèo khổ của chúng ta khắp mọi nơi.

Là con cái của Chúa chúng ta vẫn tuyên xưng Thiên Chúa là Cha: Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện Danh Cha cả sáng nhưng có được bao nhiêu người biết Danh của Ngài, bởi vì họ có được nghe đâu, có được ai giới thiệu đâu? Nước Cha trị đến, chúng ta có xây dựng Nước đó bằng tình yêu chân thành bao trùm lên tất cả không? Ý Cha thể hiện dưới đất, ý của Cha là sai chúng ta đi chúng ta đâu có thi hành?

Trong ngày Lễ Thánh Gia hôm nay, tôi xin cầu chúc cho các gia đình sẽ thấm nhuần lý tưởng, linh đạo của mình, và biết chuẩn bị cho nhau sống tinh thần tu đức này được thể hiện qua các gia đình, biến các gia đình thành con thuyền chuyển tải đức tin thực sự cho con cái, biến gia đình mình trở thành một gia đình thừa sai, phải đào tạo người con của mình thành một nhà thừa sai thực sự, đặc biệt hơn nữa sẽ cống hiến con cái của mình thành con người biết tận hiến cả cuộc đời mình trong ơn gọi linh mục, tu sĩ, để đem Tin Mừng của Chúa đến khắp muôn dân.

Tôi cũng cầu chúc mỗi gia đình chúng ta biết ý thức là gia đình mình có phúc là được biết Chúa, để cho thần thế của Thiên Chúa biến đổi chúng ta, dẫn dắt chúng ta, cầm tay từng người và từng gia đình chúng ta sống đời sống thừa sai này. Bởi vì hạnh phúc của gia đình, của niềm tin chúng ta là sống sứ mạng được sai đi. Nếu chúng ta không thi hành sứ mạng này với muôn hình thức, thì chính gia đình chúng ta sẽ rắc rối sẽ cảm thấy bất hạnh và sẽ sụp đổ một cách tàn khốc như chúng ta cũng đã từng thấy trong nhiều gia đình ngay trong xã hội hôm nay, một xã hội mà muốn gạt Thiên Chúa ra khỏi mọi cơ chế và mọi gia đình cũng như cõi lòng của con người, thì sẽ dẫn xã hội, dẫn gia đình, dẫn con người đến chỗ tẻ nhạt, vô cảm, ích kỷ, đến chỗ sụp đổ. Ngược lại, chỉ có con đường quay trở về với Thiên Chúa, nhìn nhận Thiên Chúa, thừa nhận Ngài là Chúa của mình, là Cha của mình và của hết mọi người thì mới có thể sống hạnh phúc được, hôm nay, ngày mai và mãi mãi, ngay tại trần gian và sau cái chết của mỗi người. Amen

Nguyễn Lặng Thầm ghi nhận
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/101972.htm

Không có nhận xét nào: