23/11/2012 09:46
“Trong số các bạn trẻ mà tôi đã gặp, có rất nhiều bạn đã sống dấn thân. Nhưng vẫn còn không ít bạn sống nhạt. Nếu điều này kéo dài như thế này sẽ tạo ra một xã hội nhạt nhẽo...” - Viện trưởng IRED và hiệu trưởng PACE - Giản Tư Trung nhận xét.
Nhiều nhận định về giới trẻ được đưa ra tại "Diễn đàn tinh hoa trẻ Việt Nam 2012 - Đâu là sứ mệnh chung và giá trị chung của người trẻ Việt" do chương trình phát triển hạt giống lãnh đạo IPL và Hội doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức chiều 22/11 tại TPHCM.
Theo nhạc sĩ Dương Thụ: "Các bạn trẻ có thông minh đến đâu nhưng nếu có sức sống kém thì sẽ không làm được gì" |
Thông minh nhưng nhạt nhẽo
Trên quan niệm của thể hệ đi trước, nhạc sĩ Dương Thụ cho rằng: người trẻ là người rất nhanh, thông minh và không duy tâm về văn hóa. Điều này thế hệ đi trước không có.
Đơn cử, chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” cho thấy người trẻ ứng xử, phản ứng rất nhanh còn thế hệ đi trước không năng động, nhanh bằng hoặc…hơi ngoan quá.
Người trẻ hiện nay và người thế hệ đi trước đều có những người xuất sắc, có người dẫn đường, có người hiến thân nhưng cả hai thế hệ đều thiếu tính độc lập.
“Sự thiếu tính độc lập của hai thế hệ hiện nay thể hiện ở việc vẫn còn tồn tại tư duy xin – cho. Tại sao chúng ta cứ phải xin cho tiền mới làm, phải làm hồ sơ xin cái này, cái khác?” – ông đặt câu hỏi
Theo ông, quan hệ xin- cho hiện nay đang diễn ra 2 chiều và đó là tư duy không thể chấp nhận được của thế hệ lớn tuổi. Ngoài ra, thế hệ trước cũng cứng nhắc và giáo điều hơn thế hệ trẻ nên cái gì cũng bị dựa dẫm dễ mất phương hướng và đánh mất đi tính độc lập. Còn thế hệ trẻ bây giờ cũng thiếu tính độc lập, được tự do nhưng lại mất phương hướng, đang tìm cách thể hiện mình bằng những kiểu như cá tính. Cuối cùng cái mà người trẻ học được chỉ là tính a dua, bắt chước của người khác.
Ông Giản Tư Trung - Viện trưởng IRED và hiệu trưởng PACE cho rằng, nếu nói về người trẻ chỉ dựa trên 2 từ "nhạt nhẽo và dữ dội". Mặc dù có nhiều người đã dấn thân nhưng vẫn nhạt nhẽo.
“Trong số các bạn trẻ mà tôi đã gặp, có rất nhiều bạn đã sống dấn thân. Nhưng vẫn còn không ít bạn sống nhạt. Nếu điều này kéo dài như thế này sẽ tạo ra một xã hội nhạt nhẽo”- lời ông Trung.
Theo ông, thế hệ đi trước có nhiều người không được gặp may, nhưng đó cũng không phải là một thế hệ dữ dội lắm so với thế giới. Nhưng thế hệ trẻ ngày nay cũng không phải là một thế hệ dữ dội, bởi nếu thế hệ dữ dội thì sẽ làm nên một đất nước dữ dội.
Trong khi đó, TS Vũ Minh Khương - Trường Lý Quang Diệu - ĐH Quốc gia Singapore lập luận, sự khác biệt lớn nhất và cũng dễ phân biệt nhất giữa thế hệ đi trước và thế hệ trẻ là sự xúc cảm- tư duy và năng lực hành động.
Theo TS Khương: "so với thế hệ trẻ - thế hệ đi trước có xúc cảm nhiều hơn. Thế hệ chúng tôi chỉ trăn trở và chỉ ước rằng ngày mai đất nước mình trở thành một cường quốc. Còn giới trẻ hiện nay năng động, đổi mới và có sức sống; về mặt tư duy thì thế hệ trẻ cũng tư duy tốt, thực tế, hiện đại và khoa học hơn".
Tuy nhiên, ông cho rằng cả thế hệ trẻ và thế hệ trước đều có năng lực hành động kém do tư duy chiến lược yếu, lẩn quẩn, ngắn, thực dụng và thiếu thực tế.
Dưới góc nhìn hóm hỉnh, chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn hài hước: "các thế hệ đi trước không có tuổi trẻ là do bị già trước và chết trẻ. Còn thế hệ trẻ hiện nay (8x, 9x) hiện nay thì trẻ mãi không già vì mãi không thể trưởng thành".
“Thời đại chúng tôi, luôn suy nghĩ rằng làm sao để chiến đấu cho đất nước, vượt qua những khó khăn và sống tốt. Còn các bạn trẻ hiện nay không có phương hướng, sống vội vã nhưng không quan tâm đến tương lai. Các bạn thích làm giàu một cách dễ dàng, thích học một cách dễ dàng...” - lời ông Sơn.
Đại diện cho thế hệ trẻ, chị Ngô Thùy Ngọc Tú – ĐH Stanford, giám đốc chiến lược học viên Yola nhìn nhận, đúng là thế hệ trẻ ngày nay đang có lối sống vội vã, nóng lòng muốn chứng minh nhưng lại không có nhiệt huyết để đi vào chiều sâu. Thế hệ 9x sống dấn thân, dám làm nhưng đôi lúc quên đi chính mình và thiếu sâu sắc.
Nhảy nhót suốt đêm không phải là sức sống
Có mặt tại buổi thảo luận, nhiều bạn trẻ cho rằng, sở dĩ thế hệ trẻ hiện nay sống vội vã, không suy nghĩ, dè chừng, phân vân ...vì họ chịu ảnh hưởng dạy dỗ của thế hệ đi trước (U40, U50). Làm thế nào để giải quyết được khoảng cách giữa hai thế hệ. Các thế hệ cần giữ lại những giá trị gì để có thể cống hiến và tìm được tiếng nói chung?
"Nếu nói về người trẻ chỉ dựa trên 2 từ "nhạt nhẽo và dữ dội". Mặc dù có nhiều người đã dấn thân nhưng vẫn nhạt nhẽo" - ông Giản Tư Trung |
Theo ông Trung, để giải quyết sự khác biệt giữa hai thế hệ cần phải có một hệ quy chiếu để thế hệ đi trước và sau cùng nhìn vào nhau và tự soi mình.
“Cho dù khoảng cách giữa các thế hệ lớn tới đâu, thế giới có thay đổi thế nào thì chúng ta vẫn nói chúng tiếng nói của con người. Tại sao nhà văn Nguyên Ngọc đã 80 tuổi thường ngày ông vẫn lướt web, sử dụng Ipal và nói chuyện với một SV 20 tuổi? Tại sao thế hệ trẻ thường hay nói thế hệ đi trước là quê mùa, lạc hậu. Cha mẹ không hiểu con cái và ngược lại... là bởi vì cả hai thế hệ này không đứng trên cùng một giá trị chung" - ông Trung đặt câu hỏi và trả lời.
Nhạc sĩ Dương Thụ tiếp lời, muốn có giá trị đầu tiên thì cần phải có sức sống và đánh thức sức sống trong mỗi con người. Theo ông, các bạn trẻ có thông minh đến đâu nhưng nếu có sức sống kém thì sẽ không làm được gì. Thế hệ trẻ nhảy nhót suốt đêm, hút thuốc lá, uống cà phê ...đó không phải là sức sống. Sức sống, năng lực (học vấn và kĩ năng) để làm ra hiệu quả cho xã hội.
Trong khi đó, TS Vũ Minh Khương có suy nghĩ, thế hệ chúng ta (thế hệ đi trước - trẻ ) ai cũng tự hào về dân tộc, nhưng để thống nhất một tiếng nói chung cần một lòng thôi thúc vì đất nước.
Thế hệ trẻ hiện nay khát khao thành công, nhạy bén với cái mới và năng động. Người trẻ có cái đầu trẻ để suy nghĩ độc lập, nhưng cần tin vào một chân lý và có một dòng máu để dám làm và dám dẫn thân.
“Nhiều bạn trẻ cố gắng tìm cách cống hiến - nhưng tôi thấy thế hệ trẻ, trí thức đang không tạo ra được áp lực để chúng tôi đổi thay...” - TS Khương chia sẻ.
Vẫn theo TS Khương, chúng ta không nên đưa ra các công thức giáo dục mà nên nhìn thẳng vào những gì các nước khác đã làm thành công để thử nghiệm. Những người trẻ đứng đầu, phải biết sánh vai, biết mình đang tụt hậu ở đâu và hàng ngày đều có thể đổi mới một chút…
- Lê Huyền
- Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/98078/gioi-tre-song-voi-va-nhat-nheo.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét