Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012

ĐTC: Gia đình là môi trường thuận tiện đầu tiên để thông truyền đức tin


Linh Tiến Khải11/28/2012

Gia đình là nơi thuận tiện đầu tiên để nói về Thiên Chúa, để thông truyền đức tin cho các thế hệ mới. Vì thế các phụ huynh phải biết tỉnh thức và nhậy cảm chú ý tới các dịp thuận tiện giúp trình bầy đức tin cho con cái với niềm vui, khả năng lắng nghe và đối thoại.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói như trên với 7.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung trong đại thính đường Phaolô VI sáng thứ tư 2́́́́8-11-2012.

Trong bài huấn dự ngài đã khai triển đề tài ”Làm thế nào để thông truyền đức tin cho con người ngày nay?” Tình yêu của Thiên Chúa đã được đổ vào lòng chúng ta và bao trùm cuộc sống để nó trở nên tốt lành. Như thế chính Thiên Chúa là Tình Yêu và Sự Thiện tối cao tự thông truyền cho chúng ta. Và nếu chúng ta nói về Thiên Chúa là bởi vì chúng ta biết rằng Người yêu thương chúng ta, chú ý tới chúng ta và tình yêu của Người vô tận và vĩnh cửu, lớn lao hơn tình yêu của cha mẹ và tình yêu vợ chồng. Việc loan báo được dành cho tất cả mọi người ấy dẫn đưa tới cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa Tình Yêu, được mạc khải một cách duy nhất nơi Đức Giêsu chịu đóng đanh. Vì không có ơn cứu rỗi cho nhân loại, nếu không phải là nơi Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô. Nơi Người mọi người tìm được sự thành toàn tràn đầy của mình. Thông truyền sứ điệp này là một nhiệm vụ nòng cốt của đức tin: đức tin đến từ việc lắng nghe Lời Chúa (Rm 10,14.17).

Nhưng làm thế nào để thông truyền Tin Mừng, để mở đường cho sự thật cứu độ trong con tim thường đóng kín của con người ngày nay và trong trí khôn đôi khi bị biết bao chói lòa của xã hội làm lo ra? Trước hết phải nhìn kiểu hành động của Thiên Chúa trong lịch sử, bởi vì chính Thiên Chúa đã bước vào việc thông truyền với con người, còn hơn thế nữa Ngài tự thông truyền cho con người cho đến chỗ nhập thể làm người. Nơi Đức Giêsu thành Nagiarét chúng ta gặp gỡ gương mặt của Thiên Chúa, từ Trời xuống để chìm ngập trong thế giới loài người và dậy họ ”nghệ thuật sống”, chỉ cho họ con đường hạnh phúc, để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và khiến cho chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa một cách tràn đầy (Ep 1,5; Rm 8,14). Đức Thánh Cha định nghĩa việc nói về Thiên Chúa như sau:

Nói về Thiên Chúa trước hết có nghĩa là biết rõ điều chúng ta phải đem đến cho con người ngày nay: là Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô như câu trả lời cho vấn nạn nền tảng tại sao lại sống và sống ra sao.

Vì thế nói về Thiên Chúa đòi hỏi một sự liên tục lớn lên trong đức tin, một sự thân tình với Đức Giêsu và Tin Mừng của Người, một sự hiểu biết Thiên Chúa sâu xa và một đam mê mạnh mẽ đối với chương trình cứu độ của Người, không nhượng bộ cám dỗ thành công, nhưng theo phương pháp của Thiên Chúa, phương pháp của sự Nhập Thể trong gia đình Nagiarét đơn sơ và trong hang đá Bếtlehem, phương pháp của dụ ngôn hạt cải. Cần phải không sợ hãi sự khiêm tốn của các bước đi bé nhỏ và tin cậy nơi men vào trong bột và làm cho nó dậy lên một cách nhiệm mầu (x. Mt 13,33). Trong việc nói về Thiên Chúa, trong công tác rao giảng Tin Mừng dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, cần tái chiếm trở lại sự đơn sơ, trở lại với điều nòng cốt của việc loan báo: đó là Tin Mừng của Thiên Chúa Tình Yêu, đến gần chúng ta trong Đức Giêsu Kitô cho tới Thập gía và trong sự Sống lại, trao ban hy vọng và mở ra cho chúng ta cuộc sống vĩnh cửu. Thánh Phaolô là người đã nêu gương cho chúng ta, khi nói với tín hữu Côrintô rằng người ”không dùng lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao siêu mà loan báo mầu nhiệm của Thiên Chúa... và người không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá” (1 Cr 2,1-2). Thánh Phaolô cho biết người không có ý cho cái gì của người, nhưng rong ruổi trên các nẻo đường xa xôi chỉ với ước muốn loan báo Chúa Kitô chịu đóng đinh, suối nguồn ơn cứu rỗi, Đấng đã chinh phục thánh nhân trên đường đến thành Damasco.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha giải thích việc loan báo Tin Mừng như sau:

Nói về Thiên Chúa có nghĩa là dành khoảng trống cho Đấng làm cho chúng ta hiểu biết Thiên Chúa, mạc khải gương mặt tình yêu của Người; có nghĩa là lấy đi chính cái tôi bằng cách hiến dâng nó cho Chúa Kitô, trong ý thức rằng không phải chúng ta chiếm được người khác cho Thiên Chúa, mà phải chờ đợi họ từ chính Thiên Chúa, phải khẩn nài họ từ Người. Việc nói về Thiên Chúa luôn luôn nảy sinh từ việc lắng nghe Người, từ việc đắm chìm trong một đời cầu nguyện sâu xa.

Thật thế, đối với thánh Phaolô thông truyền đức tin là nói lên một cách công khai điều mình đã nghe đã thấy trong cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, điều đã mình kinh nghiệm trong cuộc sống được biến đổi bởi cuộc gặp gỡ ấy: nghĩa là đem Đức Giêsu đến, mà thánh nhân cảm thấy hiện diện trong mình và đã trở thành định hướng đích thực cuộc sống của người, để làm cho mọi người hiểu rằng Chúa Giêsu cần thiết cho thế giới và định đoạt đối với sự tự do của mỗi người.

Và thánh Phaolô để cho toàn cuộc sống của mình bị lôi cuốn vào công tác loan báo Chúa Kitô. Để nói về Thiên Chúa cần phải nhường chỗ cho Người trong sự tín thác rằng Người hành động trong sự yếu đuối của chúng ta, dành chỗ cho Người không sợ hãi, với sự đơn sơ và niềm vui trong xác tín sâu thẳm rằng càng để Người vào trung tâm bao nhiêu, thì việc loan báo của chúng ta càng sinh hoa trái bấy nhiêu. Điều này cũng có giá trị đối với các cộng đoàn Kitô: được mời gọi cho thấy hoạt động biến đổi của ơn thánh Chúa, bằng cách thắng vượt các khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa, các khép kín, các ích kỷ, thờ ơ và bằng cách sống tình yêu Thiên Chúa trong các tương quan thường ngày.

Chúa Giêsu đã nói về Thiên Chúa mà Người gọi là Abba Cha và về Nước Thiên Chúa với cái nhìn tràn đầy thương xót đối với các khó khăn của cuộc sống con người. Việc thông truyền của Người đã là một việc giáo dục liên lỉ cúi xuống trên con người để dẫn đưa nó tới với Thiên Chúa.

Các Phúc Âm cho chúng ta thấy Chúa Giêsu đã chú ý tới mọi hoàn cảnh Người gặp gỡ, Người đắm mình trong thực tại của con người thời đó với sự tin tưởng tràn đầy nơi sự trợ giúp của Thiên Chúa Cha. Các môn đệ sống với Chúa và các đám đông gặp gỡ Người trông thấy cung cách nói năng hành xử của Người, và nhận ra nơi đó hoạt động của Chúa Thánh Thần, hoạt động của Thiên Chúa. Nơi Chúa Giêsu lời loan báo và cuộc sống giao thoa nhau: Người hành động và giảng dậy luôn luôn khởi hành từ một tương quan thân tình với Thiên Chúa Cha. Kiểu hành xử này trở thành chỉ dẫn nòng cốt đối với các Kitô hữu. Kiểu sống trong đức tin và tình bác ái trở thành việc nói về Thiên Chúa ngày nay; vì với một cuộc đời được sống trong Chúa Kitô, nó cho thấy sự đáng tin cậy của những điều chúng ta nói bằng lời. Và ở đây chúng ta phải chú ý nhận ra các dấu chỉ thời đại, nghĩa là nhận ra các tiềm năng, các ước muốn, các chướng ngại gặp phải trong nền văn hóa hiện nay, đặc biệt phải biết nhận ra ước muốn sự trung thực, khát vọng sự siêu việt, sự nhậy cảm bảo vệ thiên nhiên và không sợ hãi thông truyền câu trả lời mà niềm tin nơi Thiên Chúa cống hiến. Năm Đức Tin là dịp giúp tái khám phá ra các lộ trình mới trên bình diện cá nhân và cộng đoàn với trí tưởng tượng được Chúa Thánh Thần linh hoạt, để tại mọi nơi sức mạnh của Tin Mừng trở thành sự khôn ngoan và định hướng cho cuộc sống.

Cả trong thời đại chúng ta nơi đặc ân để nói về Thiên Chúa là gia đình, là trường học đầu tiên để thông truyền đức tin cho các thế hệ mới. Trong Hiến Chế về Giáo Hội và Sắc lệnh về Hoạt động tông đồ Công Đồng Chung Vaticăng II coi cha mẹ là các sứ giả đầu tiên của Thiên Chúa. Họ được mời gọi tái khám phá ra sứ mệnh của mình, bằng cách lãnh trách nhiệm giáo dục và mở các lương tâm của các trẻ nhỏ cho tình yêu của Thiên Chúa, như một việc phục vụ nền tảng đối với cuộc sống của chúng, trong việc là các giáo lý viên và là các thầy dậy đức tin đầu tiên cho con cái họ. Và trong nhiệm vụ này điều quan trọng trước hết là sự tỉnh thức, có nghĩa là biết tiếp nhận các dịp thuận tiện để nói về đức tin trong gia đình, và giúp chín mùi suy tư có óc phán đoán đối với nhiều tình trạng điều kiện hóa mà con cái phải chịu. Sự chú ý ấy của cha mẹ cũng là sự nhậy cảm nhận ra các vấn nạn tôn giáo, đôi khi hiển nhiên đôi khi dấu ấn trong tâm hồn con cái. Đức Thánh Cha nói tới niềm vui trong kiểu thông truyền đức tin trong gia đình như sau:

Việc thông truyền đức tin phải có giọng điệu tươi vui. Đó là niềm vui phục sinh không im lặng hay dấu diếm các thực tại của sự đau đớn, khổ sở, mệt nhọc, khó khăn, hiểu lầm và của cả chính cái chết, nhưng biết cống hiến các tiêu chuẩn giúp giải thích tất cả trong viễn tượng của niềm hy vọng Kitô. Cuộc sống tốt lành của Phúc Âm chính là cái nhìn mới mẻ này, là khả năng nhìn mọi hoàn cảnh với chính đôi mắt của Thiên Chúa.

Thật là quan trọng giúp mọi thành phần trong gia đình hiểu rằng đức tin không phải là một gánh nặng, mà là suối nguồn của niềm vui sâu xa, là nhận ra hành động của Thiên Chúa, nhận biết sự hiện diện của sự thiện không gây ồn ào, và cống hiến các định hướng qúy báu giúp sống tốt cuộc đời mình. Và sau cùng là khả năng lắng nghe và đối thoại: gia đình phải là một môi trường, trong đó con người tập sống với nhau, giải quyết các xung khắc trong việc đối thoại với nhau bằng cách lắng nghe, nói, hiểu và yêu nhau, để là dấu chỉ của tình yêu thương xót của Thiên Chúa. Như thế, nói về Thiên Chúa có nghĩa là làm cho người ta hiểu bằng lời nói và cuộc sống rằng Thiên Chúa không phải là Đấng tranh đua với cuộc sống chúng ta, nhưng là Đấng bảo đảm đích thực cho sự cao cả của con người.

Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Với các bạn trẻ ngài ước mong Mùa Vọng sắp bắt đầu là dịp các bạn trẻ tái khám phá ra tầm quan trọng của niềm tin nơi Chúa Kitô; người đau yếu biết đương đầu với các khổ đau bằng cách ướng cái nhìn lên Chúa Hài Đồng; và các cặp vợ chồng mới cưới gia tăng ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa trong gia đình mới của họ.

Sau cùng Đức Thánh Cha đã cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/101310.htm

Thứ Ba, 27 tháng 11, 2012

Dạy bé sống thành thật

Thành thật là đức tính cha mẹ mong muốn có ở bé ngay từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên, không phải lúc nào bé cũng nói thật.

Lý do bé nói dối

- Do bé chưa đủ nhận thức để phân biệt sự thật và cái không phải sự thật. Vì thế, ở tuổi mẫu giáo, bé có xu hướng nói dối do những điều tưởng tượng hơn là nhìn nhận vào thực tế. Chẳng ngạc nhiên gì nếu bé cố tình bao biện mình không đánh chị gái (vì bé ước gì mình không làm thế).

- Bé cố giấu tội lỗi vì biết chắc sẽ bị trừng phạt.

- Nói dối có thể để tránh những quy tắc không mấy dễ chịu từ cha mẹ, như bé bảo đã làm hết bài tập để được ra ngoài chơi.


Cách xây dựng đức tính thành thật cho con

Đừng cố hỏi lý do nếu bạn đã biết rõ câu trả lời: Thay vào đó, hãy tập trung vào cảm giác của bé, như: “Mẹ biết con nói dối vì sợ bị mẹ đánh. Nhưng nếu con nói thật thì mẹ hứa sẽ không đánh con”…

Ngoài ra, bạn cũng có thể tạo cơ hội để cho bé sửa chữa; chẳng hạn, nếu bạn biết bé chưa hoàn thành bài tập, tránh hỏi: “Con chưa làm bài phải không? (vì có thể tạo điều kiện cho bé nói dối); thay vào đó, có thể nói: “Mẹ có cảm giác con chưa làm xong bài” sau đó, cho bé cơ hội để hoàn thành trách nhiệm: “Con cho mẹ kiểm tra bài tập. Nếu chưa xong thì con làm nốt đi”.

Đừng bao giờ gọi con là “kẻ dối trá”. Những cách gọi tiêu cực thế này sẽ làm hỏng lòng từ trọng của bé và hướng bé tới những hành vi xấu hơn. Tương tự, cũng không cần thiết để thống kê lỗi lầm của con: “Đây là lần thứ 3 con nói dối. Lần nào cũng nói dối”.

Nếu bạn biết con đang nói dối, cần chia sẻ với bé ngay lập tức: “Mẹ biết đó không phải sự thật. Có thể con nói dối vì sợ mẹ buồn nhưng đó không phải cách để giải quyết mọi chuyện. Con hãy nói thật cho mẹ nghe xem”.

Hiểu cảm giác khó khăn của bé khi phải nói thật

Bé nói dối điểm số ở trường học có thể do đang chịu áp lực thành tích của cha mẹ. Hoặc bé liên tục nói dối do những quy tắc của bạn quá nặng nề. Nên nhớ, để chinh phục bé hay nói dối, bạn cần giảm thiểu tối đa những yếu tố gây stress cho con. Một khi nhận diện được lý do tiềm ẩn, bạn hãy khuyến khích con nói về lỗi lo lắng của chính bản thân mình: “Mẹ biết con rất mong được điểm cao nhưng con có khó khăn gì trong bài kiểm tra vừa rồi?”.

Dạy bé về tác hại của lời nói nói

Hãy nói với bé điều quan trọng của sự thành thật và cảm giác mất lòng tin của cha mẹ khi bé hay nói dối. Ngoài ra, có thể đọc cho bé nghe quyển sách mà đưa ra thông điệp rõ ràng rằng, nói dối sẽ gây họa cho bản thân mình và người xung quanh. 

Làm gương cho con

Các bé học tập thông qua việc bắt chước hành vi hơn là chỉ nghe mệnh lệnh của cha mẹ. Thật không tốt nếu có điện thoại của mẹ chồng, bạn lại nhờ người giúp việc nhắn: “Bảo tôi không có ở nhà” hoặc nói dối tuổi của con nhằm miễn phí vé đi xe bus. Bằng cách này, bạn vô tình dạy cho con, nói dối là điều được chấp nhận.

Cổ vũ sự thành thật

Luôn động viên khi con nói thật và khuyến khích: “Mẹ không buồn khi con kể lại chuyện làm vỡ cốc. Mẹ biết con không cố ý”. Nếu bé có một hành động thật thà, hãy tặng cho bé một miếng dán bé ngoan và một miếng dán bé hư dành cho ngày bé chưa nói thật. Hãy so sánh kết quả những miếng dán mà bé đã giành được.

Theo Supernanny

Tác giả:  NHÍ (theo Supernanny)
Nguồn: http://www.giaoducconggiao.net/index.php?m=home&v=detail&ia=323

Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2012

Ông linh mục không có đạo!

Gioan Lê Quang Vinh11/24/2012


Tựa đề bài viết này có thể làm cho một số người nghĩ là người viết chơi chữ. Cũng có thể bài này viết về một vị linh mục mà gia đình ngoại giáo, nhưng ngài theo Đạo và làm linh mục như một số linh mục mà chúng ta biết. Thưa không, người ta đang bàn về một linh mục mà xã hội đều “biết” ông không tôn giáo, do ông khai trong lý lịch của mình.

Tôi còn nhớ những năm tôi thi đại học. Lúc đó mà khai tôn giáo: Công giáo, thành phần gia đình tư sản là khó vào đại học, khó xin việc làm, và dĩ nhiên không có việc làm thì không lên chức (tối đa là chuyển từ thất nghiệp sang tội nghiệp). 

Vì những lẽ ấy mà một số người có Đạo lo sợ cho tương lai, bèn khai khác đi trong lý lịch. Ví dụ gia đình buôn bán thì ghi là tiểu tư sản nghèo (xơ xác) ở thành thị. Làm nông thì khai là bần nông, rồi lại xoá ghi lại là bần cố nông cho đúng quan điểm.

Phần tôn giáo thì một cố người ghi là “không” (với lý luận rằng khai như thế mà ta cứ sống Đạo có sao). Họ vô tình không biết hay có khi hữu ý biết rằng làm điều ấy là công khai chối Đạo.

Tất cả những lời khai ấy, có lời khai nhẹ đi, có lời giả dối, nhưng khai “không tôn giáo” là minh nhiên chối Chúa, và tự mình tách ra khỏi Hội Thánh. Đại đa số người Công giáo vẫn tin vào Chúa và tin rằng Chúa làm chủ cuộc đời mình, nên họ hiên ngang ghi tôn giáo: Công giáo, dù lắm khi nhà nước bắt sửa lại: Thiên Chúa giáo, dù chẳng có Đạo nào tên là Thiên Chúa giáo cả (muốn dịch ra các thứ tiếng chắc người dịch cũng phải vận dụng hết cuốn từ điển).

Trước khi quay trở lại chuyện ông linh mục kia, tôi xin nói lan man qua một việc khác. Năm ấy tôi làm cho một công ty bảo hiểm, chức danh BDC (tư vấn phát triển kinh doanh). Chức danh là vậy nhưng công việc chính của tôi là tuyển dụng nhân viên tư vấn bảo hiểm và sau khi họ tham dự khoá học thì tôi giúp đào tạo thêm khi họ đi làm.

Một hôm có một sinh viên mới ra trường đến xin việc. Tôi thấy anh chàng trả lời phỏng vấn lơ mơ nên chưa đủ tiêu chuẩn nhận vào. Tôi bèn hỏi thêm câu này: “Em có Đạo không?” Anh chàng hăng hái nói: “Dạ không. Em được học ở trường rằng tôn giáo là thuốc phiện mê dân. Ba má em dặn không được theo tôn giáo nào, để sau này còn phấn đấu...”

Tôi mỉm cười nghe anh chàng hăng hái “phát biểu” (chắc tưởng tôi là kẻ cơ hội, cũng không thích tôn giáo). Nghe xong, tôi nhẹ nhàng nói: “Này em, tôi thấy em thiếu một số điều kiện nên hỏi em câu ấy. Công ty này đánh giá cao người có tôn giáo (theo Đạo nào cũng được). Và theo bảng chấm điểm, nếu ai có tôn giáo và thực hành tôn giáo thì được cộng 100 điểm phỏng vấn (khoảng 6%). Và tôi cho anh chàng xem bảng qui tắc chấm điểm.

Nghe vậy, anh chàng lúng túng và nói: “Dạ nãy giờ em nói theo bài học thôi, chứ ở nhà em bà nội em luôn dạy con người cần có tôn giáo”. Câu này dĩ nhiên không giúp anh ta có điểm, nhưng nói lên một thực trạng: con người ngày nay dường như không còn tin điều mình nói.

Nhưng thôi, đó là chuyện một sinh viên còn non nớt, đáng con cháu ông linh mục kia cả về tuổi đời lẫn về nền giáo dục. Vậy tại sao một ông linh mục lại khai là không tôn giáo? 

Nghĩ mãi, tôi chỉ thấy có hai khả năng: một là ông ấy là linh mục quốc doanh (mà đúng là lờ mờ quốc doanh thật). Mà đã làm linh mục “hai chủ” thì chuyện tôn giáo đối với họ có gì quan trọng. Khai không tôn giáo có khi còn dễ ăn nói nơi công đường (dễ ăn và không nói cũng không sao).

Khả năng thứ hai có thể là do người phụ trách ghi nhầm. Nhưng điều này thật vô lý. Không có anh văn thư nào khờ đến nỗi tự ghi nhầm phần tôn giáo. Mà giả như có một loại văn thư như thế thì khi văn bản xuất hiện công khai, đương sự phải đính chính chứ. Không đính chính có nghĩa là chấp nhận, thì lúc đó trùng khớp với khả năng thứ nhất.

Bài viết này không nhằm phê bình ông linh mục nọ, bởi lý do đơn giản là quý ông trong cái ban đoàn kết ấy thì cũng không cần ai góp ý, vì họ vốn biết việc họ làm mà. Và việc họ làm dù gì cũng đã công khai chối bỏ công lý rồi.

Nhưng tôi rất sợ giới trẻ sẽ bắt chước nên muốn nhân cơ hội này nhắc nhở nhau (cho các bạn và cho tôi) rằng Chúa Giêsu là tất cả. Chối Người là chối bỏ mọi giá trị của đời mình và rồi chính mình cũng không được ai tin.

Hãy vào các Facebook mà xem. Các bạn trẻ, rất trẻ, vẫn hiên ngang và hãnh diện ghi mình là môn đệ Thầy Giêsu, ngày ngày vẫn post lên đó Lời của Người, hình của Người và đường Người đi. Các bạn ơi, đừng bắt chước ai ngoài Giêsu, dù người đó có xưng là linh mục, mà lại nói là không quen với Giêsu thì chúng ta cũng không quen với họ.

Hãy cùng làm một băng reo các bạn ơi. Giêsu: ánh sáng của tôi. Giêsu: tình yêu của tôi. Giêsu: tôi trọn đời tuyên xưng Người.

Gioan Lê Quang Vinh
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/101226.htm

Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2012

Giới trẻ sống vội và nhạt nhẽo


23/11/2012 09:46
“Trong số các bạn trẻ mà tôi đã gặp, có rất nhiều bạn đã sống dấn thân. Nhưng vẫn còn không ít bạn sống nhạt. Nếu điều này kéo dài như thế này sẽ tạo ra một xã hội nhạt nhẽo...” - Viện trưởng IRED và hiệu trưởng PACE - Giản Tư Trung nhận xét.
Nhiều nhận định về giới trẻ được đưa ra tại "Diễn đàn tinh hoa trẻ Việt Nam 2012 - Đâu là sứ mệnh chung và giá trị chung của người trẻ Việt" do chương trình phát triển hạt giống lãnh đạo IPL và Hội doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức chiều 22/11 tại TPHCM.
Theo nhạc sĩ Dương Thụ: "Các bạn trẻ có thông minh đến đâu nhưng nếu có sức sống kém thì sẽ không làm được gì"
Thông minh nhưng nhạt nhẽo
Trên quan niệm của thể hệ đi trước, nhạc sĩ Dương Thụ cho rằng: người trẻ là người rất nhanh, thông minh và không duy tâm về văn hóa. Điều này thế hệ đi trước không có.
Đơn cử, chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” cho thấy người trẻ ứng xử, phản ứng rất nhanh còn thế hệ đi trước không năng động, nhanh bằng hoặc…hơi ngoan quá.
Người trẻ hiện nay và người thế hệ đi trước đều có những người xuất sắc, có người dẫn đường, có người hiến thân nhưng cả hai thế hệ đều thiếu tính độc lập.
“Sự thiếu tính độc lập của hai thế hệ hiện nay thể hiện ở việc vẫn còn tồn tại tư duy xin – cho. Tại sao chúng ta cứ phải xin cho tiền mới làm, phải làm hồ sơ xin cái này, cái khác?” – ông đặt câu hỏi
Theo ông, quan hệ xin- cho hiện nay đang diễn ra 2 chiều và đó là tư duy không thể chấp nhận được của thế hệ lớn tuổi. Ngoài ra, thế hệ trước cũng cứng nhắc và giáo điều hơn thế hệ trẻ nên cái gì cũng bị dựa dẫm dễ mất phương hướng và đánh mất đi tính độc lập. Còn thế hệ trẻ bây giờ cũng thiếu tính độc lập, được tự do nhưng lại mất phương hướng, đang tìm cách thể hiện mình bằng những kiểu như cá tính. Cuối cùng cái mà người trẻ học được chỉ là tính a dua, bắt chước của người khác.
Ông Giản Tư Trung - Viện trưởng IRED và hiệu trưởng PACE cho rằng, nếu nói về người trẻ chỉ dựa trên 2 từ "nhạt nhẽo và dữ dội". Mặc dù có nhiều người đã dấn thân nhưng vẫn nhạt nhẽo.
“Trong số các bạn trẻ mà tôi đã gặp, có rất nhiều bạn đã sống dấn thân. Nhưng vẫn còn không ít bạn sống nhạt. Nếu điều này kéo dài như thế này sẽ tạo ra một xã hội nhạt nhẽo”- lời ông Trung.
Theo ông, thế hệ đi trước có nhiều người không được gặp may, nhưng đó cũng không phải là một thế hệ dữ dội lắm so với thế giới. Nhưng thế hệ trẻ ngày nay cũng không phải là một thế hệ dữ dội, bởi nếu thế hệ dữ dội thì sẽ làm nên một đất nước dữ dội.
Trong khi đó, TS Vũ Minh Khương - Trường Lý Quang Diệu - ĐH Quốc gia Singapore lập luận, sự khác biệt lớn nhất và cũng dễ phân biệt nhất giữa thế hệ đi trước và thế hệ trẻ là sự xúc cảm- tư duy và năng lực hành động.
Theo TS Khương: "so với thế hệ trẻ - thế hệ đi trước có xúc cảm nhiều hơn. Thế hệ chúng tôi chỉ trăn trở và chỉ ước rằng ngày mai đất nước mình trở thành một cường quốc. Còn giới trẻ hiện nay năng động, đổi mới và có sức sống; về mặt tư duy thì thế hệ trẻ cũng tư duy tốt, thực tế, hiện đại và khoa học hơn".
Tuy nhiên, ông cho rằng cả thế hệ trẻ và thế hệ trước đều có năng lực hành động kém do tư duy chiến lược yếu, lẩn quẩn, ngắn, thực dụng và thiếu thực tế.
Dưới góc nhìn hóm hỉnh, chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn hài hước: "các thế hệ đi trước không có tuổi trẻ là do bị già trước và chết trẻ. Còn thế hệ trẻ hiện nay (8x, 9x) hiện nay thì trẻ mãi không già vì mãi không thể trưởng thành".
“Thời đại chúng tôi, luôn suy nghĩ rằng làm sao để chiến đấu cho đất nước, vượt qua những khó khăn và sống tốt. Còn các bạn trẻ hiện nay không có phương hướng, sống vội vã nhưng không quan tâm đến tương lai. Các bạn thích làm giàu một cách dễ dàng, thích học một cách dễ dàng...” - lời ông Sơn.
Đại diện cho thế hệ trẻ, chị Ngô Thùy Ngọc Tú – ĐH Stanford, giám đốc chiến lược học viên Yola nhìn nhận, đúng là thế hệ trẻ ngày nay đang có lối sống vội vã, nóng lòng muốn chứng minh nhưng lại không có nhiệt huyết để đi vào chiều sâu. Thế hệ 9x sống dấn thân, dám làm nhưng đôi lúc quên đi chính mình và thiếu sâu sắc.
Nhảy nhót suốt đêm không phải là sức sống
Có mặt tại buổi thảo luận, nhiều bạn trẻ cho rằng, sở dĩ thế hệ trẻ hiện nay sống vội vã, không suy nghĩ, dè chừng, phân vân ...vì họ chịu ảnh hưởng dạy dỗ của thế hệ đi trước (U40, U50). Làm thế nào để giải quyết được khoảng cách giữa hai thế hệ. Các thế hệ cần giữ lại những giá trị gì để có thể cống hiến và tìm được tiếng nói chung?
"Nếu nói về người trẻ chỉ dựa trên 2 từ "nhạt nhẽo và dữ dội". Mặc dù có nhiều người đã dấn thân nhưng vẫn nhạt nhẽo" - ông Giản Tư Trung
Theo ông Trung, để giải quyết sự khác biệt giữa hai thế hệ cần phải có một hệ quy chiếu để thế hệ đi trước và sau cùng nhìn vào nhau và tự soi mình.
“Cho dù khoảng cách giữa các thế hệ lớn tới đâu, thế giới có thay đổi thế nào thì chúng ta vẫn nói chúng tiếng nói của con người. Tại sao nhà văn Nguyên Ngọc đã 80 tuổi thường ngày ông vẫn lướt web, sử dụng Ipal và nói chuyện với một SV 20 tuổi? Tại sao thế hệ trẻ thường hay nói thế hệ đi trước là quê mùa, lạc hậu. Cha mẹ không hiểu con cái và ngược lại... là bởi vì cả hai thế hệ này không đứng trên cùng một giá trị chung" - ông Trung đặt câu hỏi và trả lời.
Nhạc sĩ Dương Thụ tiếp lời, muốn có giá trị đầu tiên thì cần phải có sức sống và đánh thức sức sống trong mỗi con người. Theo ông, các bạn trẻ có thông minh đến đâu nhưng nếu có sức sống kém thì sẽ không làm được gì. Thế hệ trẻ nhảy nhót suốt đêm, hút thuốc lá, uống cà phê ...đó không phải là sức sống. Sức sống, năng lực (học vấn và kĩ năng) để làm ra hiệu quả cho xã hội.
Trong khi đó, TS Vũ Minh Khương có suy nghĩ, thế hệ chúng ta (thế hệ đi trước - trẻ ) ai cũng tự hào về dân tộc, nhưng để thống nhất một tiếng nói chung cần một lòng thôi thúc vì đất nước.
Thế hệ trẻ hiện nay khát khao thành công, nhạy bén với cái mới và năng động. Người trẻ có cái đầu trẻ để suy nghĩ độc lập, nhưng cần tin vào một chân lý và có một dòng máu để dám làm và dám dẫn thân.
“Nhiều bạn trẻ cố gắng tìm cách cống hiến - nhưng tôi thấy thế hệ trẻ, trí thức đang không tạo ra được áp lực để chúng tôi đổi thay...” - TS Khương chia sẻ.
Vẫn theo TS Khương, chúng ta không nên đưa ra các công thức giáo dục mà nên nhìn thẳng vào những gì các nước khác đã làm thành công để thử nghiệm. Những người trẻ đứng đầu, phải biết sánh vai, biết mình đang tụt hậu ở đâu và hàng ngày đều có thể đổi mới một chút…
  • Lê Huyền
  • Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/98078/gioi-tre-song-voi-va-nhat-nheo.html

Thứ Tư, 21 tháng 11, 2012

Cha mẹ là những nhà giáo dục đức tin đầu tiên của con cái



Trong nhiều năm dạy Giáo Lý, tôi thường nghe cha mẹ than phiền rằng con cái họ hư vì các thầy cô không biết dạy dỗ. Thật là oan uổng cho các thầy cô, nhất là các Giáo Lý viên. Vai trò của các thầy cô và các Giáo Lý viên thực sự quan trọng trong việc giáo dục đức tin và nhân bản cho con cái chúng ta. Nhưng theo giáo huấn của Hội Thánh, thì chính chúng ta phải là “những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu” của con cái chúng ta. Còn các thầy cô hay Giáo Lý viên chỉ là những người phụ giúp chúng ta trong sứ mệnh giáo dục này.

Không Ai Có Thể Thay Thế Được Cha Mẹ

Tuyên ngôn về Giáo Dục Kitô Giáo của Công Đồng Vaticanô II viết: “Vì là người truyền sự sống cho con cái, nên cha mẹ có bổn phận hết sức quan trọng là giáo dục chúng và vì thế họ được coi là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của chúng. Vai trò giáo dục này quan trọng đến nỗi nếu thiếu sót thì khó lòng bổ khuyết được” (Gravissimum Educationis (GE), số 3). 

Theo Tông Huấn Familiaris Consortio (FC) của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II thì quyền lợi và nhiệm vụ giáo dục của cha mẹ là điều thiết yếu, vì việc giáo dục liên quan đến việc truyền sinh; vai trò này là vai trò căn bản và chính yếu so với vai trò của những người khác, bởi vì sự liên hệ độc nhất và yêu thương giữa cha mẹ và con cái; không ai có thể thay thế được và chuyển nhượng được, như thế không ai có thể hoàn toàn uỷ quyền cho người khác hay để cho người khác cướp đoạt quyền này (FC, số 36).

Hai đoạn văn trên cho chúng ta thấy vai trò rất quan trọng của cha mẹ trong việc giáo dục con cái. Đôi khi vai trò này xem ra vượt khả năng của một số phụ huynh. Dù chúng ta có khả năng hay không, thì chính chúng ta là những người phải gánh chịu mọi hậu quả nếu nhà trường thất bại trong việc giáo dục con cái chúng ta. Đồng thời không ai có thể hiểu biết và yêu thương con cái chúng ta hơn chúng ta. Cho nên, dù muốn dù không, chúng ta cũng phải lãnh trách nhiệm làm những nhà giáo “đầu tiên và chính yếu” của con cái chúng ta. Dù chúng ta có là những nhà giáo bất toàn, việc giáo dục của chúng ta vẫn tốt hơn là khoán trắng cho người khác giáo dục con cái thay cho chúng ta.

Giáo Dục là Cộng Tác vào Công Trình Sáng Tạo của Thiên Chúa

Kết quả của tình yêu vợ chồng không phải chỉ giới hạn trong việc sinh sản con cái, nhưng nó được mở rộng và phong phú hoá bằng những hoa quả về luân lý, tâm linh và đời sống siêu nhiên mà cha mẹ được mời gọi để truyền lại cho con cái, và qua con cái đến Hội Thánh và thế giới (FC, số 28).

Công tác giáo dục được bắt nguồn từ ơn gọi chính của đôi vợ chồng là cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa: bằng cách sinh ra vì yêu và để yêu một con người mới là con người có sẵn trong mình ơn gọi lớn lên và tăng trưởng, như thế cha mẹ nhận công tác giúp con người đó sống một đời sống nên người (FC, số 36).

Khi cặp vợ chồng được Thiên Chúa cho phép cộng tác vào việc tạo dựng một con người mới, họ cũng được quyền làm cha mẹ, và chia sẻ vai trò tiếp tục sáng tạo của Ngài. Đó là lý do tại sao sinh sản và dạy dỗ con cái đi liền với nhau. Một trong những lý do tự nhiên đòi hỏi cha mẹ phải chung thủy với nhau vì không những cha mẹ có nhiệm vụ dưỡng dục con cái cho đến khi trưởng thành mà còn có nhiệm vụ cố vấn cho con cái trong việc dưỡng dục cháu chắt của mình. 

Đối với cha mẹ Công Giáo, sứ vụ giáo dục được bắt nguồn từ Bí Tích Hôn Phối, là Bí Tích thánh hiến họ để giáo dục con cái: Bí Tích này mời gọi họ chia sẻ chính quyền bính và tình yêu của Thiên Chúa Cha, và của Đức Kitô vị Mục Tử, và trong tình mẫu tử của Hội Thánh, và phong phú hóa họ bằng ơn khôn ngoan, biết lo liệu, cương nghị, và tất cả những ơn khác của Chúa Thánh Thần để họ giúp con cái trong việc tăng trường như những con người và Kitô hữu (FC, số 38).

Nuôi Nấng, Dạy Dỗ và Làm Thành Môn Đệ

“Nhờ ơn bí tích Hôn Phối, cha mẹ nhận trách nhiệm và đặc quyền giáo dục đức tin cho con cái. Cha mẹ là những sứ giả đầu tiên của đức tin, khai tâm cho con về các mầu nhiệm đức tin từ lúc chúng còn nhỏ. Họ phải đưa con cái, hòa nhập vào đời sống của Hội Thánh ngay từ lúc còn thơ bé. Nếp sống gia đình có thể tạo nên những tâm tình tốt đẹp, chuẩn bị và nâng đỡ đức tin sống động cho con trong suốt cuộc đời” (GLCG 2225).
“Cha mẹ phải giáo dục đức tin cho con cái ngay từ tuổi ấu thơ. Việc giáo dục này khởi đầu ngay khi các phần tử trong gia đình giúp nhau lớn lên trong đức tin, nhờ làm nhân chứng bằng một đời sống đạo phù hợp với Tin Mừng. Việc dạy giáo lý trong gia đình đi trước, đồng hành và làm phong phú thêm các hình thức giáo dục đức tin khác. Cha mẹ có sứ mạng dạy cho con cái biết cầu nguyện và khám phá ra ơn gọi làm con Thiên Chúa (x. Lumen Gentium 11). Giáo xứ là cộng đồng Thánh Thể và là trung tâm đời sống phụng vụ của các gia đình Kitô giáo, nên là nơi tốt nhất để giáo dục đức tin cho trẻ em và cha mẹ chúng” (GLCG 2226).

Làm Thế Nào Để Chu Toàn Sứ Vụ Này?

Để chu toàn sứ vụ này, chính cha mẹ cũng phải cố gắng học tập để hiểu biết và sống đạo. Có rất nhiều sách vở, tài liệu hay các khoá huấn luyện cho phụ huynh như “Chương trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình”, “Chương Trình Hội Ngộ Phu Thê”, hay những chương trình Linh Thao cho phụ huynh mà tất cả các phụ huynh nên tích cực tham gia. Đồng thời mỗi giáo xứ nên tổ chức những buổi học hỏi để giúp phụ huynh chu toàn bổn phận này. Ở đây chúng tôi chỉ tóm tắt một số điểm chính yếu.

1) Giáo Dục bằng Gương Sáng

“Cha mẹ là những người đầu tiên có trách nhiệm giáo dục con cái. Họ thể hiện trách nhiệm này qua việc xây dựng một mái ấm gia đình dựa trên tình âu yếm, lòng tha thứ, tôn trọng lẫn nhau, chung thủy và tinh thần phục vụ vô vị lợi. Mái ấm gia đình là nơi thích hợp cho việc giáo dục các đức tính, nơi đây con cái học biết hy sinh, phán đoán lành mạnh, tự chủ, là những điều kiện cho tự do đích thực. Cha mẹ phải dạy cho con cái biết ‘coi trọng các chiều kích tâm linh hơn là những gì thuộc thể lý và bản năng’. Cha mẹ có trách nhiệm quan trọng là phải nên gương tốt cho con cái. Khi biết nhìn nhận những thiếu sót của mình trước mặt con cái, cha mẹ có uy tín hơn để hướng dẫn và sửa dạy con cái Giáo Dục bằng Chia Sẻ Lời Chúa trong Gia Đình” (GLCG 2223).
Cha mẹ phải giáo dục đức tin cho con cái ngay từ tuổi ấu thơ. Việc giáo dục này khởi đầu ngay khi các phần tử trong gia đình giúp nhau lớn lên trong đức tin, nhờ làm nhân chứng bằng một đời sống đạo phù hợp với Tin Mừng (GLCG 2226).

2) Giáo Dục bằng Cầu Nguyện và Thánh Kinh

Thánh Phaxicô nói rằng cần phải dạy bằng lời, cần phải rao giảng Tin Mừng, nhưng lời thường vào lỗ tai này rồi đi qua lỗ tai khác. Nhưng các em không thể quên được những gì các em thấy chúng ta làm, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm nọ. Cha mẹ nào phản ảnh tình yêu của Cha Trên Trời đối với con cái, cha mẹ nào sống đời cầu nguyện và làm việc lành, chung thủy với nhau và siêng năng lãnh nhận các Bí Tích, thì đã làm được ba phần tư công tác là nhà giáo dục đầu tiên của con cái mính.

Hơn nữa, qua việc cầu nguyện chung với con cái, qua việc đọc Lời Chúa với các em và dẫn các em đi xâu vào việc gia nhập Nhiệm Thể Đức Kitô…, họ hoàn toàn trở nên cha mẹ, mà trong đó không những chỉ họ sinh ra sự sống thể xác mà còn sự sống phát sinh từ Thánh Giá và sự Phục Sinh của Đức Kitô qua sự canh tân của Chúa Thánh Thần (FC, số 39).

“Chắc chắn rằng … Tràng Hạt Mân Côi phải được kể là một trong những kinh nguyện tốt và có hiệu quả nhất mà gia đình Kitô giáo được mời gọi để đọc” (FC, số 61).
Bằng cách cầu nguyên trong gia đình, cha mẹ không những gương cho con cái mà còn đem các em đến gần Thiên Chúa. Cầu nguyện mỗi ngày và thường xuyên cần ơn khôn ngoan và cương nghị. Đương nhiên là rất ít trẻ em thích đọc kinh Mân Côi, hay tham dự Thánh Lễ hằng ngày. Bắt buộc các em đôi khi tạo ra những phản ứng ngược lại. Vì thế cha mẹ phải biết cách hướng dẫn cầu nguyện làm sao cho các em không nhàm chán. Dù thế nào đi nữa, đừng buông xuôi, nhưng cứ làm và phó thác cho Chúa. Nhiệm vụ của chúng ta là dẫn trâu xuống nước. Chúa sẽ làm cho chúng uống nước.

3) Giáo Dục bằng Dạy Giáo Lý

“Việc dạy giáo lý trong gia đình đi trước, đồng hành và làm phong phú thêm các hình thức giáo dục đức tin khác” (GLCG 2226).

“Sứ mệnh giáo dục đòi hỏi các cha mẹ Kitô giáo phải trình bày cho con cái tất cả các đề tài cần thiết để các em từ từ trưởng thành về nhân cách theo quan điểm giáo dục của Hội Thánh” (FC, số 39).

Điều này có nghĩa là dù dạy con ở nhà, gửi các em đến trường Công Giáo hay trường công lập, kể cả các lớp Giáo Lý, nhiệm vụ dạy Giáo Lý cho con cái vẫn là nhiệm vụ chính của cha mẹ. Điều này có thể thực hiện được bằng cách trước hết là làm gương cho con bằng việc học đạo và sống đạo của mình, rồi bỏ ít thì giờ ra mỗi ngày để dạy con về cách sống đạo. Có thể mỗi tối vài phút trong giờ kinh tối, có thể trước bữa ăn, hoặc nghe băng trong lúc lái xe thay vì nghe nhạc…

Cách tốt nhất để dạy Giáo Lý cho con là cùng con ôn lại các bài Giáo Lý trong các sách hay các bài tập mà các em đem về từ các lớp Giáo Lý tại nhà trường. Chúng ta là giáo dân không ai hoàn toàn hiểu về Giáo Lý, nhưng trong khi giúp con cái học Giáo Lý ở nhà, chúng ta cũng có dịp học thêm về Giáo Lý. 

Nếu gia đình có con trong tuổi thiếu niên hay thanh niên, cha mẹ có thể đem ra những đề tài về tín lý hay luân lý để cả nhà bàn thảo…

Muốn được như thế, chính cha mẹ phải dành một ít thì giờ để học thêm về Thánh Kinh và Giáo Lý. Chúng tôi đề nghị cha mẹ nên tham khảo những tài liệu về Giáo Lý trong website của Ủy Ban Giáo Lý Việt Nam tại Hoa Kỳ. Nếu có thắc mắc gì về Giáo Lý, các thành viên của Ủy Ban sẵn sàng trả lời quý vị trong Diễn Đàn hay trong mục ý kiến.

4) Giáo Dục bằng việc Chọn Trường Học và Bạn Bè Cho Con

“Cha mẹ là những người đầu tiên có trách nhiệm giáo dục con cái, nên có quyền chọn lựa cho con cái một trường học theo ý mình. Quyền này là quyền căn bản. Cha mẹ phải cố gắng chọn lựa trường học nào giúp chu toàn tốt nhất trách vụ của người giáo dục đức tin. Nhà Nước có bổn phận bảo đảm và giúp đỡ để cha mẹ thực thi quyền ấy” (GLCG 2229).

Trong một xã hội bị thế tục hoá đến cao độ như thế giới Âu Mỹ ngày nay, những chương trình truyền thông đại chúng có tính cách vô luân, chống Kitô giáo, cùng cổ võ một nền văn hoá tiêu thụ và “thỏa mãn lập tức” (instant gratification), cha mẹ có quyền và có bổn phận che chở con em khỏi những ảnh hưởng xấu xa này. Cha mẹ có quyền chọn lựa trường học cho con hay dạy con ở nhà. Dù học ở trường công lập, cha mẹ cũng có quyền đòi hỏi nhà trường cho con mình miễn tham gia những chương trình hoặc những lớp học truyền bá những điều nghịch lại đức tin của mình. Xin nhớ rằng khi chúng ta lãnh nhận Bí Tích Hôn Phối, Thiên Chúa ban cho chúng ta đủ ơn để hướng dẫn gia đình chúng ta. Điều quan trọng là chúng ta biết cầu nguyện và cậy trông vào Chúa trong những quyết định về giáo dục con cái.

Hầu hết các em dễ bị ảnh hưởng của bạn bè hơn là của cha mẹ. Cha mẹ nên tìm cách để biết bạn bè con mình là ai và gia đình các em ra sao. Không nên cấm cung con cái, nhưng nên để con cái đến nhà bạn bè mà chính cha mẹ cũng đến để quen biết cha mẹ của bạn con mình. Cách tốt nhất là cho các em tham gia các đoàn thể thanh thiếu niên Công Giáo như Hướng Đạo Công Giáo, Hùng Tâm Dũng Chí và Thiếu Nhi Thánh Thể. Muốn cho các đoàn thể này có hiệu quả trong việc giáo dục con cái mình, chính cha mẹ nên tham gia làm huynh trưởng, cố vấn hay ban phụ huynh để có thể theo sát các sinh hoạt của đoàn thể và góp tiếng nói cũng như công sức vào việc xây dựng tương lai của các đoàn thể này. Khi các em tham gia những đoàn thể như thế, các em sẽ có một môi trường và một nhóm bạn tốt để giúp nhau chống lại những ảnh hưởng xấu của các bạn bè và các môi trường khác.

Nhưng dù học ở đâu và gia nhập đoàn thể nào, cha mẹ vẫn không tránh né được nhiệm vụ day con về đức tin và làm gương sống đạo cho con ngay ở trong gia đình của mình.

Kết Luận

“Khi trở thành cha mẹ, đôi hôn nhân nhận được ân sủng của Thiên Chúa và đồng thời cũng lãnh nhận trách nhiệm. Trước mặt con cái, tình yêu của cha mẹ phải trở thành dấu chỉ của chính tình yêu Thiên Chúa, ‘là Đấng mà từ Ngài mọi gia đình trên trời dưới đất được đặt tên’” (FC, số 14).

Thánh Kinh nói “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4:8). Là cha mẹ chúng ta được mời gọi để trở thành dấu chỉ và cách diễn tả tình yêu của Thiên Chúa, và điều này được thể hiện qua tình yêu của cha mẹ đối với con cái. Tình yêu của Thiên Chúa là tình yêu sáng tạo, tình yêu của chúng ta cũng phải trờ thành động lực để giúp cho chúng ta tìm mọi cách trong phạm vi khả năng của mình mà tạo nên trong con cái chúng ta một Kitô hữu và một con người hoàn hảo.]

Là con người, chúng ta không ai hoàn hảo, nhưng Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta phải cố gắng, và Ngài ban cho chúng ta đủ ân sủng và phương tiện để chu toàn bổn phận này nếu chúng ta biết khiêm nhường chạy đến cùng Ngài và dùng các phương tiện Ngài ban. Giáo dục con cái là bổn phận chính yếu nhất của chúng ta, còn quan trọng hơn cả cơm ăn áo mặc. Đôi khi chúng ta cố gắng rất nhiều mà dường như thất bại, vì không thấy kết quả cụ thể nơi con cái. Chúng ta cần kiên nhẫn. Những gì chúng ta làm hôm nay chỉ là những hạt giống nằm sâu trong tâm hồn các em. Chúa sẽ làm cho chúng mọc lên vào đúng thời điểm của Ngài. Phần chúng ta hãy làm hết sức, còn kết quả hãy dâng cho Thiên Chúa, như Đức Mẹ và Thánh Giuse kiên nhẫn làm mọi việc vì vâng lời Thiên Chúa mà không bao giờ thắc mắc rằng tương lai Con Trẻ Giêsu sẽ đi về đâu.

Phaolô Phạm Xuân Khôi
Ủy Ban Giáo Lý Việt Nam Tại Hoa Kỳ 
Nguồn: http://ubgmgiadinh.org/?open=contents&display=2&id=3189

Thứ Hai, 19 tháng 11, 2012

Người Pháp biểu tình không đồng ý đám cưới đồng tính

Hà Minh Thảo11/18/2012
Thứ bảy ngày 17.11.2012, những cuộc tuần hành được tổ chức tại Paris và những thành phố lớn để, phần quan trọng, yêu cầu thực hiện những cuộc thảo luận rộng rãi về Dự luật mang tên ‘Đám cưới cho tất cả’ (Mariage pour tous).


I. CÁC CUỘC BIỂU TÌNH TUẦN HÀNH.

A.- Tại Paris, 70 đến 100 người biểu tình đã hẹn nhau tại công trường Denfert, giữa các nhóm thân hữu, gia đình hay Giáo xứ, thông qua Đại lộ Raspail để đáp lời Ban tổ chức ‘Manif pour tous’ (Tất cả cùng tuần hành).

Những khẩu hiệu như ‘Không có cuộc hôn nhân ảo’, ‘Đừng đụng tới tuơng quan giữa người nam và nữ’, ‘Cha-Mẹ bình đẳng và bổ túc nhau’… được ghi trên những bảng giấy bồi nâng cao trong tay họ. Họ hợp thành một đám đông dày đặc người biểu tình diễu hành trong âm nhạc, trong bầu không khí lễ hội, đôi khi có sự hiện diện của các Cha sở, Linh mục và Tu sĩ nam nữ. Nhiều trẻ em được cỏng trên vai cha mẹ hoặc dây đai bị mòn là khẩu hiệu được minh họa cho cuộc diễu hành.

Khi được phỏng vấn, họ cho biết họ hỗ trợ cải thiện định chế PACS (Pacte civil de Solidarité, Khế ước dân sự liên đới). Chúng tôi phản đối cuộc hôn nhân giữa những người cùng giới tính chính yếu là vì việc nhận con nuôi. và cho thấy một cặp vợ chồng trẻ với một em bé hai tháng. ‘Các quyền của trẻ con tồn tại, nhưng không có quyền cho con. Trẻ em có lợi ích được lớn lên trong tình thương của cha và mẹ. Những người nam và những người nữ được tạo dựng để có con chung: chúng ta không thể đi ngược Thiên nhiên’.

Một kiến nghị kêu gọi cho một cuộc tranh luận đã thu thập được 104.000 chữ ký. Những người ký yêu cầu chánh phủ ‘tả phái’ đừng từ chối một hành vi dân chủ. Đây là một vi phạm pháp luật: chúng ta có nhiều điều để suy nghĩ rằng hai ông bố không phải là một hữu ích cho em bé.

Tổng thư ký đảng UMP (Union pour un Mouvement Populaire, Liên minh vì Phong trào Nhân dân), ông Jean-Francois Cope, đã gửi một lá thư hỗ trợ đến Ban Tổ chức xin lỗi vì, rất tiếc, không thể đến tham dự cuộc tuần hành do lịch trình bận rộn vào hôm trước cuộc bình chọn Chủ tịch đảng mới mà ông cho là một ứng cử viên. 

B.- Tại thành phố màu hồng Toulouse, Ban tổ chức chỉ có 10 phụ huynh cho biết đã có 12.000 tham dự viên, cảnh sát chỉ tính có 5.000, nhưng con số này cũng đúnh như dự trù của những người tổ chức. 

Phát xuất từ Công trường Esquirol, đoàn người tuần hành, không biểu ngữ và phù hiệu đoàn thể đặc thù, đi qua các đường chính trung tâm thành phố với các khẩu hiệu như ‘Một cha và một người mẹ cho tất cả các con’, ‘Franẫois, luật của ông, chúng tôi không muốn!’ (François là Tổng thống Hollande)… 

Trong số những vị tham dự, người ta nhận thấy Đức Tổng Giám mục Toulouse, Đức Giám mục Albi, Dân biểu Jean-Luc Moudenc, cựu Thị trưởng Toulouse… Đức cha Robert Le Gall, Tổng Giám mục Toulouse, nói là Người không biểu tình chống những người đồng tính, nhưng vì định chế (hôn nhân) không đáng. Chúng ta hiện diện ở đây vì các trẻ em. 

Khi đoàn người tuần hành đến Công trường Capitole, nơi có Tòa thị chính, biểu tượng của hôn nhân, khoảng 350 người chống biểu tình có sự hiện diện của cảnh sát võ trang CRS (Compagnie républicaine de sécurité). Nhóm này thẳng thừng từ chối đoàn 5.000 người đi ngang. Do cảnh sát tuy có sử dụng hơi cay nhưng không tái lập được an ninh, Ban tổ chức yêu cầu đoàn biểu tình chống ‘Mariage pour tous’ giải tán. Không ai bị thương hoặc bắt giữ.

C.- Tại Lyon, Đức Hồng y Philippe Barbarin, Giáo chủ Pháp, Tổng Giám mục Lyon, đã góp mặt trong một thởi gian ngắn, với tư cách ‘một công dân’. Theo Ban tổ chức, đã có 27.000 người (22.000 theo tỉnh Rhone). Giáo chủ Đền thờ Hồi giáo lớn Lyon, Kamel Kabtane, cũng tham gia.

Số người biểu tình tại Marseille giữa 6000 và 8000, Nantes 4500, hoặc 2500 ở Rennes. 

Ngoài ra, một vài con số, bao gồm nhiều đại diện của các tôn giáo khác nhau, đã ký Thế giới trong một bài báo có tựa đề ‘Hãy thêm thời gian để tranh luận’. ‘Laissons du temps au débat’.

http://www.lemonde.fr/idees/article/2012/11/17/laissons-du-temps-au-debat_1792080_3232.html


Hà Minh Thảo
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/101145.htm

Thứ Tư, 14 tháng 11, 2012

Thế nào là nên người?


Không ai tự nhiên nên người, song người ta trở nên người (Homo, fit, non est).

Người ta thường lầm lẫn ý nghĩa hai danh từ “nên người” và “làm nên”.

Một người xoay ở đâu được một món tiền to, tậu nhà, tậu xe, được người hàng xóm trầm trồ đưa làm mẫu cho con cháu: “Đấy, con người ta cũng bằng tuổi bây mà xem, người ta đã nên thân với đời”. Vâng, người ấy đã làm nên với đời thật, song có thể bảo người ấy đã “nên người” chăng, nếu phần trí thức của họ là miếng đất hoang vu hoặc phần tâm đức của họ là một vũng sình lầy?

Đây là một bác sĩ du học ở ngoại quốc mới về quê. Cha mẹ đến mừng cho đứa con đã nên thân với đời. Nhưng nếu người bác sĩ ấy mang thân xác vè quê mà chỉ còn một lá phổ, thử hỏi có thể bảo ông ta đã nên người chăng?

Đây là một nhà văn đã làm nên một sự nghiệp văn chương. Nhưng nếu nhà văn ấy sống cuộc đời bê tha, vô liêm sỉ, lợi dụng chút tài hoa lừa dối bạn bè cùng những người hâm mộ, có thể bảo nhà văn ấy đã xứng đáng làm người chăng?

Một người chỉ làm nên ở một điểm hoặc một phần nào, thí dụ về chức nghiệp hay về tiền bạc, còn những phần khác lại khiếm khuyết hay hư hỏng. Những người như thế, dù tài năng hay địa vị họ đến đâu, cũng không thể bảo họ đã nên người, một người xứng đáng làm người với tất cả ý nghĩa của nó.

Năm xưa, một tờ báo bên Pháp bình phẩm về một phi công có tài nhưng đã hợp tác với quân Đức: “Là một vị phi công đại tài nhưng là một người thấp kém”.

Cũng bởi quan niệm làm người như thế nên nhạc sĩ trứ danh Beethoven nói: “Tôi thích làm một người xứng đáng hơn làm một nhạc sĩ trứ danh”. Ông Roosevelt, cựu Tổng thống Mỹ nói về một giáo sư danh tiếng: “Ông ấy đã hơn là một nhà bác học, vì ông đã là một người với tất cả ý nghĩa của nó”.

Có thể nói một người đã nên người là khi họ biết làm phát triển con người họ một cách điều hòa và đầy đủ vè tất cả những phương diện: thể chất, trí thức, tâm đức và xã hội.

Một người toàn diện là một người có một thân thể tráng kiện, một khối óc sáng suốt, một lý tưởng phấn đấu.

Người ấy không phải là y sĩ, nhưng cũng biết cách giữ gìn sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật, biết chọn thức ăn, biết cách cầm máu, biết làm hô hấp nhân tạo, biết phép nuôi con.

Người ấy không phải là lực sĩ, nhưng có thể cử tạ vài mươi cân, mang bao bị trên vai, đi bộ đôi ba chục cây số, có thể ở ngoài trời giữa đồng mà không sợ trúng cảm gió, có thể, nếu cần, thức liền hai ba đêm để làm xong một công việc mà không ốm đau, có thể nhảy xuống sống cứu người sắp chết đắm.

Người ấy không phải là tu sĩ, nhưng luôn luôn tìm hiểu những thị dục, những chỗ yếu của mình, có đủ sáng suốt để phân biệt đâu là hạnh phúc thanh cao, đâu là thú vui thấp hèn, có đủ cả, hoặc có thể làm một cách âm thầm những công việc bất vụ lợi, mong đem lại đôi chút hạnh phúc cho người xấu số hơn mình.

Người ấy không phải là thi sĩ, nhưng rất có thể cảm thông cái Đẹp của vũ trụ cũng như cái khổ của nhân loại. Tim họ có thể hòa nhịp với những khúc nhạc của gió chiều dạo trên lá trúc, cũng như đôi khi họ cũng nhỏ như những giọt nước mắt không đâu để khóc thay cho thiên hạ.

Người ấy không phải là chiến sĩ, nhưng họ rất hiểu về luật Sắt của Tạo vật: Luật chiến đấu. Họ chiến đấu để chinh phục con người của họ, chiến đấu chinh phục cuộc đời.

Biết rõ giá trị cảu cần lao và của sức cố gắng, họ dám liều lĩnh nếu cần liều lĩnh. Thành công, họ không vênh váo, vì họ biết đó là kết quả rất tự nhiên của sự cố gắng. Bị ngã quỵ, họ không sờn lòng, vì họ rất yêu đời, tin ở đời, tin ở sự tiến bộ không ngừng của nhân loại… vì họ biết rằng chỉ có những người không làm gì cả mới không thất bại.

Người ấy dù là một tay thợ hay là một người làm công cũng có một giá trị trong xã hội. Vì chỉ có nhân phẩm mới đáng làm tiêu chuẩn để đánh giá một người.

Và trong xã hội nào, người ta cũng cần đến những người ấy. Thời xưa, ông Diogène xách đèn giữa thanh thiên bạch nhật để đi tìm một người; ở thế kỷ thứ 19, ông Jouffroy đã thốt tiếng than: “Chúng ta thiếu người”. Phải chăng là những người như thế?

Có bạn sẽ bảo: Đó là người lý tưởng trong tiểu thuyết! Không, đó là một người chúng ta có thể chung đụng hàng ngày.

Đó là hạng người mà nền giáo dục có phận sự hun đúc. Vì có ai tự nhiên mà nên người, song người ta trở nên người nhờ sự giáo dục khôn ngoan và hợp lý.

Ngày xưa, người học trò tốt là người có trí nhớ deo dai, có thể trả thuộc lòng cho thầy nghe những bài học thường khi vô dụng.

Ngày xưa, đứa con ngoan là đứa con nhu mì, thiệt thà, nước da trắng như bột, thích sống quanh quẩn trong gai đình.

Ngày nay, với đời sống hoạt động cần nhiều tranh đấu, muốn nên người, muốn sống với tất cả ý nghĩa thực của cuộc đời, người bạn trẻ phải được hun đúc theo một lề lối giáo dục mới. Vì “giáo dục một người là gì? Phải chăng là rèn tập cho họ có thể đối đầu với mọi hoàn cảnh”.

Đương nhiên, dù xưa hay nay cũng thế, người tốt là người biết nhân, lễ, nghĩa… Song với cuộc sống đầy tranh đấu hiện nay, là một người nết na, nhu mì chưa đủ, phải là người quả quyết, đầy tự tin; là người hiền đức chưa đủ, phải là người hoạt động, đầy nghị lực; là người biết lo tròn bổn phận chưa đủ, phải là người có nhiều sáng kiến để làm hơn bổn phận của mình phần nào; là người có thiện chí chưa đủ, phải là người có nhiều ý chí…

Những giá trị cũ không phải hoàn toàn bị phá giá, nhưng chúng ta phải thừa nhận thêm những giá trị mới. Và chúng ta hãy thử tìm một con đường giáo dục mới…

Phạm Cao Tùng
Nguồn: http://www.giaoducconggiao.net/index.php?m=home&v=detail&ia=309

Thứ Hai, 5 tháng 11, 2012

Cơn khủng hoảng đầu đời hôn nhân


NGUYÊN NHÂN KHỦNG HOẢNG: CHƯA ĐỦ TRƯỞNG THÀNH.

Cơn khủng hoảng đầu đời hôn nhân. Đó là vấn đề mà chúng tôi xin được trình bày.
1. Những cơn khủng hoảng trong đời sống hôn nhân thường xảy đến trong hai thời kỳ:
- Thời kỳ thứ nhất là những năm đầu của đời sống vợ chồng.
- Thời kỳ thứ hai là những năm tháng khi hai vợ chồng bước vào tuổi trung niên. Trong thời kỳ này, người đàn ông xem ra đã nếm đủ mùi vị của cuộc sống gia đình; do đó, dễ sống hướng nội hơn. Về phía người đàn bà, sau khi đã trải qua mọi khía cạnh của đời sống hôn nhân, nếu không cảm thấy được thỏa mãn, họ dễ bị cám dỗ quay về với những ước mơ của thời niên thiếu. Ở lứa tuổi này người đàn bà dễ rơi vào những cuộc phiêu lưu mà họ không lường trước được.
Một người chồng khép kín, một người vợ mộng mơ chính là nguyên nhân đưa đến cơn khủng hoảng trong thời kỳ thứ hai của đời sống hôn nhân.
2. Trái lại, nguyên do đưa đến khủng hoảng đầu đời hôn nhân phần lớn là vì một hoặc cả hai người phối ngẫu thiếu chuẩn bị trước khi bước vào đời sống hôn nhân.
Nhiều người không hiểu rõ hoặc không được giáo dục đầy đủ về những nghĩa vụ và trách nhiệm của đời sống vợ chồng cũng như những khía cạnh tâm sinh lý và luân lý của đời sống chung. Nhiều người bước vào đời sống vợ chồng mà chưa đủ trưởng thành, do đó, cũng chưa đủ ý thức về những trách vụ mới của đời sống hôn nhân.
Hôn nhân phải là một giao ước được ký kết giữa hai người có tự do. Để có tự do thực sự, con người cần phải hiểu rõ mục đích việc làm của mình và chịu trách nhiệm về hậu quả của việc làm ấy. Có hiểu biết như thế, con người mới thực sự là người trưởng thành.
Thật ra, trưởng thành không phải là một tình trạng mà con người thủ đắc một lần cho tất cả, cũng không hẳn khi ra khỏi tuổi vị thành niên hoặc bước vào tuổi 30, con người đương nhiên đã là người trưởng thành. Lại không hẳn càng thêm tuổi, càng trưởng thành. Ai cũng có kinh nghiệm, thỉnh thoảng trong cuộc sống, mình đã cư xử như một người thiếu trưởng thành.
3. Đã hẳn cần phải là người trưởng thành, người ta mới có thể làm một quyết định hệ trọng như việc bước vào đời sống hôn nhân. Nhưng cũng chính đời sống hôn nhân làm cho con người nên trưởng thành hoặc trưởng thành hơn. Kinh Thánh xem ra đã xác định điều đó khi nói, “Con người ở một mình không tốt. Người đàn ông sẽ bỏ cha mẹ để luyến ái vợ và nên một với vợ”.
Để có thể nên một với người phối ngẫu, người ta cần phải ra khỏi chính mình. Hay nói như Chúa Giêsu: quên mình, mất mạng sống mình, thí mạng sống mình vì người khác. Đó là biểu hiện của một nhân cách trưởng thành. Do đó, hôn nhân đòi hỏi hai người phối ngẫu phải không ngừng đi vào tiến trình của sự trưởng thành. Chính trong đời sống vợ chồng mà con người học hỏi và tập luyện để nên trưởng thành hơn.
4. Hiểu được sự trợ giúp của đời sống vợ chồng trong sự thành toàn nhân cách như thế, chúng ta sẽ thấy rằng, cơn khủng hoảng của đầu đời hôn nhân xem ra là một điều cần thiết. Bước từ một giai đoạn này sang một giai đoạn khác trong cuộc sống, con người phải trải qua những cơn khủng hoảng. Đó là định luật của cuộc sống.
Người ta thường gọi đó là cơn khủng hoảng của sự trưởng thành. Ngay cả trong đời sống thiêng liêng, khủng hoảng cũng là một giai đoạn cần thiết giúp con người trưởng thành hơn trong đức tin. Có trải qua thử thách và đau khổ, con người mới cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa, và nhờ đó đức tin được tinh luyện hơn.
Chính trong cái nhìn đó mà đôi vợ chồng trẻ nên lượng giá cơn khủng hoảng đang hoặc sẽ diễn ra trong những năm tháng đầu của cuộc sống vợ chồng. Đây là cơn khủng hoảng của sự trưởng thành, cho nên, hãy xem đó như là một điều cần thiết.
Thực ra, cần có những va chạm để hiểu nhau hơn và nhất là để hiểu được chính bản thân mình. Đôi vợ chồng trẻ sẽ thấy rằng, họ sẽ có những phản ứng, những cách cư xử mà họ chưa từng có trước kia; họ sẽ khám phá thêm một bộ mặt mới, những khía cạnh mới trong con người của họ. Và chính nhờ sự khám phá đó mà đôi vợ chồng mới tìm cách điều chỉnh lại mối quan hệ đối với nhau. Điều chỉnh lại mối quan hệ ấy chính là một cố gắng để đạt được sự trưởng thành trong nhân cách.
5. Cơn khủng hoảng trong những năm tháng đầu của đời sống vợ chồng thường bùng nổ bằng một cuộc cãi vã to tiếng. Đôi vợ chồng trẻ chợt nhận ra những phản ứng không ngờ của người phối ngẫu cũng như của chính mình. Đó là một khám phá cần thiết. Tuy nhiên, nếu họ không biết lợi dụng khám phá ấy để điều chỉnh mối quan hệ giữa hai người thì bùng nổ sẽ tiếp diễn. Lúc đó, sự cãi vã sẽ trở thành như cơm bữa và làm cho đời sống chung trở nên khó thở.
Cơn khủng hoảng của sự trưởng thành là điều cần thiết nếu người ta vượt qua nó. Đôi vợ chồng trẻ đã nhận ra được phản ứng nóng giận của mỗi người. Họ đã hiểu, lớn tiếng trong cuộc tranh luận là không muốn lắng nghe người khác. Khăng khăng bảo vệ lập trường của mình là không muốn nhìn những khía cạnh khác nhau của một vấn đề. Muốn áp đảo người khác bằng bạo động trong lời nói hay hành vi là tỏ rõ chính sự bất lực yếu đuối của mình. Một thái độ như thế cho thấy sự thiếu trưởng thành. Một người chồng cãi vã lớn tiếng với vợ và khước từ mọi giải thích của vợ để giữ lại mọi đắng cay trong tâm hồn là một người chồng chưa trưởng thành. Một người vợ cãi vã với chồng và khước từ mọi giải thích của chồng cũng là một người chưa trưởng thành.
Cuộc sống vợ chồng tựa một bản nhạc. Hát cho đúng từng nốt nhạc trong một bài hát không phải là chuyện dễ. Có người không có tai để nghe cho chính xác, có người không có giọng hát chuẩn. Có những người vợ đánh giá sai về quyền lợi của mình nhưng cũng không thiếu những người chồng không biết đáp ứng những đòi hỏi chính đáng của vợ. Nhiều người vợ có khuynh hướng phiền muộn, lo lắng hoặc gây hấn, khiến người chồng chỉ biết đáp trả bằng những lời lẽ cộc cằn thô thiển, thậm chí bằng những cử chỉ bạo lực. Cả hai, chồng cũng như vợ đều tỏ ra là những người chưa trưởng thành và chưa đóng trọn vai trò phối ngẫu của mình.
6. Hôn nhân là trường đào luyện con người: Chính trong bậc hôn nhân mà con người đạt được sự trưởng thành của mình cũng như giúp cho người phối ngẫu nên người trưởng thành.
Để trưởng thành, con người cần có ý chí. Ý chí không là một ước muốn mơ hồ mà chính là luôn cố gắng chống lại sự ngoan cố, những định kiến, sự gây hấn. Có ý chí cũng có nghĩa là tập sống lạc quan, cởi mở, nhìn rộng, quảng đại, tha thứ.
Nhưng, trên tất cả mọi cố gắng của ý chí, cầu nguyện là phương thế quan trọng và cần thiết nhất trong đời sống của đôi vợ chồng trẻ. Họ phải luôn tâm niệm rằng, một gia đình cầu nguyện là một gia đình đứng vững, và sự trưởng thành nhân cách thực sự chỉ được xây dựng trên sự trưởng thành trong niềm tin mà thôi.


D. WAHRHEIT (Lm. Minh Anh, GP. Huế tổng hợp biên tập)

Nguồn: http://www.giaoducconggiao.net/index.php?m=home&v=detail&ia=322