(Zenit.Org). – Gia đình có thể đóng vai trò gì trong bối cảnh của việc Tân Phúc Âm hóa và của Năm Đức Tin? Đây là vấn đề mà tờ Zenit đã hỏi khi phỏng vấn phóng viên Jowita Kostrzewska của tờ “Niedziela”, nhật báo Công giáo Ba Lan.
Zenit: Người ta đang nói đến sự khủng hoảng của gia đình trong thế giới hiện đại. Cùng lúc đó, một số người tin rằng gia đình rất quan trọng trong việc làm chứng nhân trong Năm Đức Tin, sẽ được khai mạc vào tháng 10 sắp tới. Vậy quan điểm của ông về vấn đề này là như thế nào?
Kostrzewska: Vâng, điều đó rất đúng. Hiện nay, thật dễ nhìn thấy cuộc khủng hoảng gia đình ngày càng tăng. Những vấn đề nghiêm trọng nảy sinh trong nhiều gia đình, chẳng hạn như thiếu việc làm, hay khó khăn trong việc kiếm tiền trang trải những nhu cầu về một cuộc sống đầy đủ. Rồi khi không có sự giúp đỡ từ bên ngoài, sự cô đơn xuất hiện, thiếu lòng hy vọng, và các bi kịch phát sinh. Hơn nữa, với nhịp độ của cuộc sống hiện đại, các cá nhân và thành viên trong các gia đình chịu áp lực công việc đến nỗi họ thường không còn thời gian dành cho gia đình và con cái. Chủ nghĩa thực dụng, nỗi ám ảnh của việc lệ thuộc vào nhịp độ công việc tăng lên, khiến thời gian dành cho đời sống tình cảm bị giảm sút, dẫn đến sự đổ vỡ trong các gia đình.
Vấn đề đặc biệt đúng cho những con người sống hôn nhân cách bề ngoài. Con số vụ ly dị tăng lên xảy ra khi các cá nhân không phấn đấu cho việc hợp nhất và củng cố chiều kích thiêng liêng của gia đình họ. Những trường hợp như thế thường xảy ra khi Thiên Chúa và đức tin không có chỗ đứng chính đáng trong họ. Vì thế, tôi nghĩ Năm Đức Tin sẽ là một cơ hội tốt và là một sự kiện đặc biệt để củng cố các gia đình.
Zenit: Chúng ta có thể mong chờ những kết quả gì trong Năm Đức Tin?
Kostrzewska: Trước hết, tôi mong chờ Năm Đức Tin sẽ đem nhiều gia đình đến gần hơn với Tin Mừng của Chúa Kitô. Vô số những cuộc khủng hoảng trong các gia đình xảy ra không chỉ vì thiếu sự bảo đảm trong các mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, mà đặc biệt là do thiếu vắng các giá trị Tin Mừng, như tình yêu, hy vọng, niềm tin, sự tín nhiệm, lòng trung thành và sự thật. Khi Tin Mừng của Chúa Kitô vắng bóng trong các gia đình, thì những người trẻ tìm đến trú ẩn tại những nơi mà sự hỗn loạn và chủ nghĩa tương đối thống trị. Theo đó, họ trở thành nạn nhân của những gì vượt quá giới hạn, trong đó có rượu và ma túy. Hơn nữa, họ còn gây ra những gương xấu. Như thế, những ai không có một khuôn mẫu gia đình phù hợp trong tương lai, sẽ gặp khó khăn trong việc tạo nên một mối quan hệ chân thực và bền vững trong chính gia đình của họ. Đây là lý do giải thích tại sao việc xây dựng các mối quan hệ trong gia đình dựa trên các giá trị đích thực là rất quan trọng, đặc biệt là những giá trị mà Tin Mừng đã chỉ ra. Năm Đức Tin là thời gian lý tưởng để dừng lại và suy nghĩ xem điều gì sẽ xảy ra và vai trò của các gia đình trong thế giới hôm nay như thế nào?
Zenit: Sự tục hóa đã ảnh hương đến nhiều gia đình. Việc chuyển đạt đức tin, từ cha mẹ sang con cái, không còn là một thực hành liên tục nữa. Một số bậc cha mẹ có đức tin thậm chí còn bị thuyết phục bởi chủ trương không cần thiết phải chuyển đạt đức tin cho con cái họ. Số khác lại nghĩ rằng con cái tự chúng, trong sự tự do hoàn toàn, sẽ quyết định chọn tôn giáo để theo. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Kostrzewska: Tôi nghĩ Năm Đức Tin sẽ rất quan trọng để tái khám phá cũng như đào sâu chất lượng và số lượng các mối quan hệ trong gia đình. Chúng ta sẽ có nhiều cơ hội để suy nghĩ xem đức tin thực sự là gì và nó được chuyển tải như thế nào.
Tôi nghĩ, thực tế thì trong suốt Năm Đức Tin, gia đình phải tìm thời gian để cùng nhau đọc Kinh Thánh và cầu nguyện, nhưng cũng để nói chuyện, vui cười, và chia sẻ niềm vui nỗi buồn, điều đó là để củng cố sợi dây tình cảm giữa tất cả mọi thành viên trong gia đình. Nếu đức tin của chúng ta mạnh mẽ, nó sẽ giúp chúng ta vượt thắng ngay cả những khó khăn to lớn nhất. Đối với gia đình của các tín hữu, Năm Đức Tin là để Phúc Âm hóa và giúp đỡ các gia đình bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng, đang rất cần sự giúp đỡ lớn của chúng ta. Sự động viên về tinh thần và vật chất cho các gia đình là rất cần thiết. Bằng cách này, chúng ta sẽ khám phá được nhiều kho tàng thiêng liêng.
Tóm lại, tôi có ý muốn tham khảo các tài liệu của Công Đồng Vaticano II, và tư tưởng của Đức Chân phước Gioan Phaolô II; cả hai đều nhấn mạnh rằng: “Gia đình là thiêng liêng”.
Đức Khả (chuyển dịch)
(Nguồn: www.zenit.org)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét