Thứ Tư, 31 tháng 10, 2012

Cầu Cho Cha Mẹ 2 / Prayer for Parents 2


Uploaded by  on Feb 28, 2012
Cầu Cho Cha Mẹ 2 / Prayer for Parents 2
Song ca: Nini Nguyễn và Lê Quốc Tuấn
Lời: Phanxicô; chuyển Anh ngữ bởi Thầy Rufino Zaragoza, OFM.
Text and music © 1982, 2006, Phanxicô.
Published by spiritandsong.com ®. All rights reserved

Truy cập www.ocpvn.org để biết thêm chi tiết.
Songbook and CD available from ocp.org and ocpvn.org.


Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2012

Sống Đức Tin Giữa Đời Thường


Nhằm giúp tín hữu khám phá lại hành trình đức tin để sống đức tin cách trưởng thành, đầy tự do và phong phú theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong Tự sắc Porta Fidei (Cánh Cửa Đức Tin), Chương trình Chuyên đề đã tổ chức buổi giao lưu với Linh mục Giuse Nguyễn Trọng Viễn ,OP. qua đề tài “Sống đức tin giữa đời thường” tại giảng đường Phanxiô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, thuộc Trung tâm Mục vụ TGP. TPHCM lúc 14g30 chiều thứ Bảy ngày 20/10/2012.

Với giọng nói dí dỏm, cách trình bày khoa học, ngài dẫn dắt cộng đoàn nhìn lại lối sống của mình qua việc thực thi “chữ tín” là nền tảng dẫn đến “niềm tin”, để từ đó giúp ta dễ dàng sống và thực thi niềm tin ấy giữa đời thường.

Lãnh vực của lòng tin

Dựa vào câu chuyện rất đời thường của người phóng viên: Để có tư liệu đưa các thông tin chuẩn xác, người phóng viên thường mượn tài liệu, tư liệu, hình ảnh... của người liên quan với lời hứa: “Chắc chắn sẽ trả lại”. Thế nhưng, khi xong việc, có những phóng viên vì một lý do nào đó, đã không gửi trả lại tư liệu mình đã mượn. Điều đó ảnh hưởng đến “Chữ tín người cầm bút”. Cha Giuse đã quảng diễn thêm:  Sống trong xã hội, mỗi người luôn có các mối quan hệ khi giao tiếp với nhau và với thiên nhiên. Tuy nhiên, “chữ tín” là mối dây liên kết chặt chẽ để củng cố lòng tin với nhau trong các lãnh vực của lòng tin giữa bản thân với bạn bè và nơi làm việc. Vì vậy, một khi đã hứa, chúng ta phải thực hiện bằng được lời hứa đó. Còn khi thấy khó thực hiện, chúng ta không nên hứa... 

Hiện nay, với sự phát triển như vũ bão của nền khoa học kỹ thuật và hệ thống truyền thông, nhiều khi chúng ta ít quan tâm đến mối quan hệ giữa đạo đức con người với nền khoa học kỹ thuật, giáo luật và pháp luật. Với chủ nghĩa thực dụng, thật nguy hiểm nếu chúng ta sử dụng một người có trình độ chuyên môn cao nhưng không có lòng đạo đức. Ngược lại, nếu sử dụng một người có đạo đức, lòng nhiệt thành nhưng thiếu khả năng chuyên môn, chưa chắc đã thực hiện tốt công việc được giao. Do đó, chúng ta cần phải quan tâm đến “cái tâm” và “chữ tín” để xây dựng và củng cố niềm tin nơi mọi người.

Đặc biệt, Cha Giuse nhấn mạnh đến phẩm chất của lòng tin trong đời sống con người. Theo ngài, khi sống lòng tin với nhau trong mối tương quan phẩm giá con người, chúng ta sẽ sống với nhau như một cuộc phiêu lưu đầy kỳ thú, mối quan hệ giữa người với người trở nên ngẫu hứng và kỳ thú hơn, không so đo tính toán nhưng sống với nhau hết mình, con người thật của mình được bộc lộ không chút e dè, để tiếp tục mở ra chân trời mới. Chỉ khi đạt đến được mối tương giao như trên, chúng ta mới được tự do sống và cảm nhận được niềm vui khi gặp gỡ, làm việc... chung với mọi người.

Đức tin Kitô giáo

 Với những gợi mở trên, Cha Giuse đã giúp người Kitô hướng đến một chiều kích mới, đó là “Đức tin Kitô giáo”. Ngài trình bày: Thiên Chúa tạo dựng con người và cho con người được quyền tự do lựa và chọn. Vì thế, chúng ta phải tuyệt đối đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa để được ơn cứu độ và sự giải thoát khỏi mọi tội lỗi. Tuy nhiên, vì tính xác thịt, con người vẫn còn bị bế tắc khi sống niềm tin của mình, luôn chạy theo điều ác thay vì sống khát vọng trong yêu thương, hiệp nhất, sứ vụ và ơn gọi. Thế nhưng, sự bế tắc trên sẽ được giải tỏa, nếu chúng ta nhìn nhận được sự bất toàn của mình, cùng với lòng khát khao sống vĩnh cửu, để đón nhận ơn cứu rỗi nhờ đức tin. Đức tin là món quà vô giá mà Chúa đã trao cho mỗi người. Vì thế, mọi người cần sống niềm tin ấy trong tất cả sự tự do và phó thác, bởi nhờ sống niềm tin ấy, chúng ta sẽ được cứu chuộc.

Chỉ có niềm tin mới giúp chúng ta mạnh dạn vượt qua mọi cám dỗ, thử thách của điều ác để dứt khoát chỉ “Tin vào Chúa”, chọn Chúa là cứu cánh của đời mình để “sống vì và sống cho” mọi người, để gặp gỡ hình ảnh Thiên Chúa nơi anh em mình. Đó là hạnh phúc đích thực mà mình tìm gặp khi “Sống đức tin giữa đời thường”.

Qua những thí dụ rất cụ thể, như khi ta tham gia công tác bác ái với tấm lòng quảng đại, không vì lợi danh, hoặc khi ta mạnh dạn không tham ô, hối lộ hoặc quay cóp khi thi cử... ngài khẳng định, đó là chúng ta đang sống đức tin trong hành trình Kitô giáo trong đời thường mà nhiều khi ta không cảm nhận được. Bởi lẽ, vì tin vào Chúa, chúng ta đã sống hết mình vì Chúa và cho tha nhân. Chỉ như vậy, chúng ta mới thực sự sống đức tin ngay trên mảnh đất đời người, và sống đời mình như một lịch sử cứu độ. Sống đức tin trong đời thường, là thể hiện niềm tin trong từng khoảnh khắc của cuộc sống, là tâm tình tuyên xưng phó thác vào Đấng Cao Cả là Thiên Chúa.

Kết luận, căn cứ vào Tự sắc Porta Fidei (Cánh Cửa Đức Tin), ngài ước mong mọi người đáp lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha: “Mọi tín hữu hãy khám phá lại hành trình đức tin để sống đức tin cách trưởng thành, đầy tự do và phong phú”.

Buổi trao đổi kết thúc lúc 17g30 khi mọi người hân hoan hát vang “Con làm dấu hằng ngày. Con làm dấu một đời, khắc ghi tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa trong trái tim con. Ôi dấu thánh nhiệm mầu, dấu ấn tình yêu nhắc nhở con luôn hướng lòng lên Chúa...”

Bài: Hoa Tâm & Ảnh: Văn Chiến

Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2012

Sứ Mệnh Của Gia Đình Trong Năm Đức Tin


Posted on  on Tháng Chín 19, 2012 
(Zenit.Org). – Gia đình có thể đóng vai trò gì trong bối cảnh của việc Tân Phúc Âm hóa và của Năm Đức Tin? Đây là vấn đề mà tờ Zenit đã hỏi khi phỏng vấn phóng viên Jowita Kostrzewska của tờ “Niedziela”, nhật báo Công giáo Ba Lan.
Zenit: Người ta đang nói đến sự khủng hoảng của gia đình trong thế giới hiện đại. Cùng lúc đó, một số người tin rằng gia đình rất quan trọng trong việc làm chứng nhân trong Năm Đức Tin, sẽ được khai mạc vào tháng 10 sắp tới. Vậy quan điểm của ông về vấn đề này là như thế nào?
Kostrzewska: Vâng, điều đó rất đúng. Hiện nay, thật dễ nhìn thấy cuộc khủng hoảng gia đình ngày càng tăng. Những vấn đề nghiêm trọng nảy sinh trong nhiều gia đình, chẳng hạn như thiếu việc làm, hay khó khăn trong việc kiếm tiền trang trải những nhu cầu về một cuộc sống đầy đủ. Rồi khi không có sự giúp đỡ từ bên ngoài, sự cô đơn xuất hiện, thiếu lòng hy vọng, và các bi kịch phát sinh. Hơn nữa, với nhịp độ của cuộc sống hiện đại, các cá nhân và thành viên trong các gia đình chịu áp lực công việc đến nỗi họ thường không còn thời gian dành cho gia đình và con cái. Chủ nghĩa thực dụng, nỗi ám ảnh của việc lệ thuộc vào nhịp độ công việc tăng lên, khiến thời gian dành cho đời sống tình cảm bị giảm sút, dẫn đến sự đổ vỡ trong các gia đình.
Vấn đề đặc biệt đúng cho những con người sống hôn nhân cách bề ngoài. Con số vụ ly dị tăng lên xảy ra khi các cá nhân không phấn đấu cho việc hợp nhất và củng cố chiều kích thiêng liêng của gia đình họ. Những trường hợp như thế thường xảy ra khi Thiên Chúa và đức tin không có chỗ đứng chính đáng trong họ. Vì thế, tôi nghĩ Năm Đức Tin sẽ là một cơ hội tốt và là một sự kiện đặc biệt để củng cố các gia đình.
Zenit: Chúng ta có thể mong chờ những kết quả gì trong Năm Đức Tin?
Kostrzewska: Trước hết, tôi mong chờ Năm Đức Tin sẽ đem nhiều gia đình đến gần hơn với Tin Mừng của Chúa Kitô. Vô số những cuộc khủng hoảng trong các gia đình xảy ra không chỉ vì thiếu sự bảo đảm trong các mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, mà đặc biệt là do thiếu vắng các giá trị Tin Mừng, như tình yêu, hy vọng, niềm tin, sự tín nhiệm, lòng trung thành và sự thật. Khi Tin Mừng của Chúa Kitô vắng bóng trong các gia đình, thì những người trẻ tìm đến trú ẩn tại những nơi mà sự hỗn loạn và chủ nghĩa tương đối thống trị. Theo đó, họ trở thành nạn nhân của những gì vượt quá giới hạn, trong đó có rượu và ma túy. Hơn nữa, họ còn gây ra những gương xấu. Như thế, những ai không có một khuôn mẫu gia đình phù hợp trong tương lai, sẽ gặp khó khăn trong việc tạo nên một mối quan hệ chân thực và bền vững trong chính gia đình của họ. Đây là lý do giải thích tại sao việc xây dựng các mối quan hệ trong gia đình dựa trên các giá trị đích thực là rất quan trọng, đặc biệt là những giá trị mà Tin Mừng đã chỉ ra. Năm Đức Tin là thời gian lý tưởng để dừng lại và suy nghĩ xem điều gì sẽ xảy ra và vai trò của các gia đình trong thế giới hôm nay như thế nào?
Zenit: Sự tục hóa đã ảnh hương đến nhiều gia đình. Việc chuyển đạt đức tin, từ cha mẹ sang con cái, không còn là một thực hành liên tục nữa. Một số bậc cha mẹ có đức tin thậm chí còn bị thuyết phục bởi chủ trương không cần thiết phải chuyển đạt đức tin cho con cái họ. Số khác lại nghĩ rằng con cái tự chúng, trong sự tự do hoàn toàn, sẽ quyết định chọn tôn giáo để theo. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Kostrzewska: Tôi nghĩ Năm Đức Tin sẽ rất quan trọng để tái khám phá cũng như đào sâu chất lượng và số lượng các mối quan hệ trong gia đình. Chúng ta sẽ có nhiều cơ hội để suy nghĩ xem đức tin thực sự là gì và nó được chuyển tải như thế nào.
Tôi nghĩ, thực tế thì trong suốt Năm Đức Tin, gia đình phải tìm thời gian để cùng nhau đọc Kinh Thánh và cầu nguyện, nhưng cũng để nói chuyện, vui cười, và chia sẻ niềm vui nỗi buồn, điều đó là để củng cố sợi dây tình cảm giữa tất cả mọi thành viên trong gia đình. Nếu đức tin của chúng ta mạnh mẽ, nó sẽ giúp chúng ta vượt thắng ngay cả những khó khăn to lớn nhất. Đối với gia đình của các tín hữu, Năm Đức Tin là để Phúc Âm hóa và giúp đỡ các gia đình bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng, đang rất cần sự giúp đỡ lớn của chúng ta. Sự động viên về tinh thần và vật chất cho các gia đình là rất cần thiết. Bằng cách này, chúng ta sẽ khám phá được nhiều kho tàng thiêng liêng.
Tóm lại, tôi có ý muốn tham khảo các tài liệu của Công Đồng Vaticano II, và tư tưởng của Đức Chân phước Gioan Phaolô II; cả hai đều nhấn mạnh rằng: “Gia đình là thiêng liêng”.
Đức Khả  (chuyển dịch)
(Nguồn: www.zenit.org)

Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2012

Giáo dục và Gia đình


Giáo dục con người không giống giống như trồng khoai nuôi cá, không giống như làm lúa nuôi heo, cũng không giống như trồng rau nuôi gà. Giáo dục con người cần phải có thời gian, kiến thức, kinh nghiệm, tâm lý, phương pháp, nhẫn nại, tình yêu và lòng đạo đức. Vì con người là một huyền nhiệm và thật khó hiểu. Bởi con người chịu ảnh hưởng bởi tuổi tác, hoàn cảnh, môi trường, thời tiết, giàu nghèo, giáo dục, kiến thức, tôn giáo, xã hội. 

Nói về giáo dục, Chúa Giêsu là mẫu gương đào tạo tuyệt vời nhất. 5 trong vô số cách thức Ngài thực hiện mà mỗi gia đình nếu biết quan tâm và khéo léo áp dụng để giáo dục con cái thì sẽ thu được rất nhiều kết quả.

Giáo dục khởi đi từ những sự thật

Chúa Giêsu. Ngài nói: “Không ai thắp đèn rồi đem đặt gầm giường, nhưng đặt trên đế” (Mc 4,21-25; Lc 8,16-18). Không ai đốt đèn rồi lấy thùng úp lên… Người nghe sẽ chấp nhận ngay, vì đó là sự thật. Vâng, rồi từ đây Ngài dẫn người nghe đi xa hơn: đặt trên cao để ai đi thì nhìn thấy ánh sáng. Rồi tiếp, vì chẳng có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng. Vậy hãy để ý tới cách thức anh em nghe. Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất. Ngài dẫn từ ánh sáng thường đến ánh sáng chân lý mà chính mỗi người phải thắp lên. Vì thế hãy cẩn thận và chăm chú lắng nghe.

Gia đình. Ví dụ nói về tuổi dậy thì. Ta có thể bắt đầu là: cây trồng, vật nuôi mỗi ngày mỗi tháng sẽ phát triển lớn lên, cành lá sum xuê, thân xác lớn dần. Con người cũng vậy, từ 11 tuổi trở đi, ta sẽ thấy người ta cao to, nặng, rồi tóc, râu mọc nhiều, bắp chân bắp tay nổi to, giọng nói thì ồm ồm, toàn thân phát triển… Như thế người ta gọi là dậy thì. Mẹ thấy con đang lớn nhanh. Đó là chuyện bình thường. Con không có gì phải lo sợ mà hãy vui mừng vì đây là dấu hiệu của người khoẻ mạnh. Con đã đến tuổi dậy thì rồi. 

Người con được cha mẹ nói như tâm sự vậy quả thật rất an tâm và sẽ quên hết những lo âu sợ hãi bởi sự thay đổi nhanh của thân xác.

Giáo dục khởi đi từ những dư luận

Chúa Giêsu. Ngài hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai?” Dạ, “kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ”. Ngài lại hỏi: “Thế anh em bảo Thầy là ai?” Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,13-16; Lc 9,18-22). 

Nếu hỏi trực tiếp “Anh em bảo Thầy là ai?” chắc chắn các Tông đồ sẽ bỡ ngỡ, ngạc nhiên, hoặc vì tế nhị mà im lặng, hay không dám nói hết sự thật. Với cách của Chúa Giêsu, các Tông đồ nhập cuộc từ xa, rồi lúc đang hào hứng, sôi nổi, Ngài mới hỏi đến các ông. Dĩ nhiên, các ông trả lời một cách tự nhiên, chân thành và trung thực. 

Gia đình. Ta cũng dễ dàng áp dụng cách này để không những thăm dò về cha mẹ họ hàng, mà còn trực tiếp đến con cái. 

Ví dụ: đi họp phụ huynh học sinh, mẹ nghe thầy cô giáo nói về tình hình của lớp, của từng thành viên, về các bạn cùng lớp trong làng xã của mình thế này thế này… Thế con thì sao?
Người con có thể sẽ chối, sẽ nói khác đi nếu cha mẹ hỏi trực tiếp. Nhưng với cách thức này, người con hiểu rằng bố mẹ biết rồi, không cần phải giấu giếm, phải nói quanh nữa. Và cha mẹ biết rõ sự thật hơn về con mình.

Giáo dục khởi đi từ những câu truyện

Chúa Giêsu. Ngài thường lấy những hình ảnh đời thường liên quan đến nghề nghiệp và cuộc sống con người; hoặc kể chuyện rồi giải thích giúp cho người nghe dễ hiểu, dễ đón nhận. 

Ví dụ: dụ ngôn người gieo giống, người cha nhân từ, con chiên lạc, các thợ làm vườn nho, những nén bạc, lễ phục ngày cưới… 

Gia đình. Câu truyện sẽ giúp con cái cảm thấy nhẹ nhõm. Coi mình như một khán giả ngồi trước sân khấu. Tâm hồn nhẹ nhàng, nhập cuộc dễ dàng. Áp lực dạy bảo từ trên sẽ giảm nhỏ đến mức tối thiểu. Và khi giải thích, người nghe tưởng đơn thuần là giải thích truyện. Nhưng thực tế lại là bài học mà ta nhắm tới khi dùng truyện để dạy dỗ. Truyện liên quan đến các lãnh vực nhân bản học làm người, đạo đức, khoa học, tâm lý thì rất nhiều. Ta có thể dễ dàng tìm thấy ở tạp chí, sách vở, báo đài...

Giáo dục khởi đi từ những tiền nhân

Chúa Giêsu. Người xưa bảo rằng, luật xưa dạy rằng “chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ ly dị, đừng bội thề, mắt đền mắt, răng đền răng, hãy yêu đồng loại và ghét kẻ thù”. Còn Thầy, Thầy bảo rằng: đừng giận, đừng mắng chửi, đừng bất bình với anh em mình. Còn Thầy, Thầy bảo rằng: chớ nhìn người khác phái mà thèm muốn, chớ ngoại tình dù là trong tâm hồn.

Còn Thầy, Thầy bảo rằng: trời là ngai Chúa, đất là bệ dưới chân Người, Giêrusalem là thành của Đức Vua cao cả. Vì thế, đừng có thề. Mà có thì nói có không thì nói không. Thêm điều đặt chuyện là do ma quỷ. Còn Thầy, Thầy bảo rằng: đừng chống cự mà hãy chia sẻ. Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những người ngược đãi mình. Có như vậy ta mới trở thành con cái của Cha anh em Đấng ngự trên trời (Mt 5,21-48).

Chúa Giêsu đủ khả năng và khôn ngoan để hướng dẫn, thế nhưng Ngài vẫn nhắc lại uy tín và công phúc của tiền nhân. Ngài làm thế vừa tạo cảm giác thân quen cho người nghe, vừa để con cháu tránh đi thái độ phủ nhận, coi thường, đả phá. Và tiếp đó, Ngài nâng cấp để cho thấy, tuy các vị này có nhiều điểm hay, nhưng mà cần phải bổ sung, hoàn chỉnh như thế này thế này. Còn Thầy, Thầy bảo rằng… Người nghe đã được chuẩn bị tâm lý trước khi lĩnh hội một điều tốt và cao hơn.

Gia đình. Với kinh nghiệm và kiến thức nuôi dạy con, cha mẹ có thể nói trực tiếp. Nhưng con cái, tâm lý đôi khi không muốn nghe dạy bảo. Đơn giản vì chúng nghĩ mình là người lớn, đủ khôn ngoan, là trưởng thành rồi, là trung tâm của vũ trụ.

Nếu cha mẹ biết dùng những danh nhân nổi tiếng mà người đời cũng như con cái biết đến và thán phục mà khởi sự cho nội dung hướng dẫn của mình thì chắc chắn có nhiều thuận lợi hơn. Bởi con cái biết là ta cũng có kiến thức, có hiểu biết và kinh nghiệm.

Muốn đạt hiệu quả, đầu tiên ta phải gây được sự chú ý của con cái. Tiếp đến là tạo sự tò mò, thắc mắc, tìm hiểu và cảm thấy thích nghe, hay ít là cần nghe. Sau cùng ta nói điều cần nói.

Giáo dục khởi đi từ những mệnh lệnh

Chúa Giêsu. “Hôm nay con đi làm vườn nho cho ta” (Mt 21,28-32). Ngài không cần phải nại đến các tiền nhân, những câu truyện, hay dựa vào một sự thật, hoặc từ dư luận, mà là một áp lực. Vì giáo dục cần thiết phải có sự đòi hỏi và áp lực.

Cách thức này không phải để biểu dương quyền lực, nhưng vâng lời là việc cần có trong tiến trình trưởng thành nhân cách. 

Gia đình. Cách thức này xem ra được các bậc phụ huynh thích dùng. Nhưng nếu lạm dụng nhiều quá thì bầu khí gia đình sẽ căng thẳng, sợ hãi. Khiến cho con cái nghĩ rằng cha mẹ chỉ dùng quyền để áp chế, bắt chúng phải thế này thế nọ.

Như con dao, nếu dùng đúng sẽ phục vụ con người, nếu dùng sai sẽ gây nguy hiểm cho bản thân và cộng đồng. Giáo dục kiểu mệnh lệnh cũng vậy. Phải biết cần thận, nghĩa là dùng lúc nào, tuổi nào, việc nào.

Những chuyện thông thường như quét nhà, rửa ly, giặt quần áo… thì không có vấn đề. Nhưng nếu là tình yêu, tình cảm, tiền bạc, tình nghĩa… mà áp dụng cách này thì thật nguy hiểm.

Cha mẹ nào chẳng thương con. Nhưng là thương cách nào. Nếu không thương đúng cách, chúng sẽ hiểu lầm, nghi ngờ, mất lòng tin, hoặc vô hình chung làm cho chúng hư hỏng. Giáo dục con cái là một chặng đường đầy chông gai, đòi hỏi cha mẹ luôn phải để tâm suy nghĩ, cố gắng phấn đấu học hỏi để có được cách thức tốt nhất. Vì:

Con cái là hồng ân Chúa ban, nên cha mẹ cần tạ ơn Chúa, bởi Ngài đã cho làm mẹ làm cha, và được thay Chúa giáo dục để chúng trở thành con người và thành người con Chúa.

Con cái là kết tinh của tình yêu cha mẹ, nên hãy yêu thương giáo dục chúng với tất cả tình thương yêu và hy sinh.

Con cái cần được chăm sóc kỹ lưỡng, cha mẹ cần quan tâm nhiều hơn, để biết được tình tình, tâm tư nguyện vọng, sở thích… để có thể đưa ra cách thức giáo dục kịp thời, hợp tâm lý.

Con cái còn nhiều sai phạm và lỡ lầm, cha mẹ cần có lòng kiên nhẫn và thứ tha để ngay từ nhỏ, con cái đã hiểu và cảm nhận được thế nào là bao dung nhẫn nại.

Con cái là tương lai của Giáo hội và xã hội, cha mẹ hãy vì sự tồn vong lớn lao này mà đầu tư nhiều hơn. Đầu tư về tiền bạc, thời gian, tình thương, tha thứ, kiến thức, kinh nghiệm, kiên trì, quảng đại, hy sinh, nhẫn nhục… 

Con cái là người, mà con người thì huyền nhiệm và khó hiểu, nên không những cha mẹ cần có phương pháp và tâm lý, mà cần thiết hơn cả là lòng đạo đức.

Nếu muốn con cái vâng lời, thì ta hãy vâng lời Thiên Chúa trước.

Nếu muốn con cái kính sợ và mến yêu, ta hãy làm như thế với Thiên Chúa.

Hãy bắt chước Thánh Mônica, chính nhờ lòng đạo đức và mến Chúa, Người đã chỉ cho cách thức khôn ngoan giáo dục con cái. Và hoa trái lớn lao là Thánh Augustinô.

Hãy cầu nguyện thật nhiều để mình thêm đạo đức, nhất là xin ơn kính sợ Chúa. Ơn khôn ngoan dẫn đầu các nhân đức, nhưng ơn kính sợ Chúa mới làm cho các nhân đức ấy phát triển, trổ hoa, kết trái. 

Thanh Thanh
Nguồn: http://ubmvgiadinh.org/?open=contents&display=2&id=3169

Thứ Hai, 8 tháng 10, 2012

Lương tâm Công Giáo


Hôm qua có người nhắn tin vào máy điện thoại của tôi, nội dung tin nhắn báo cho tôi biết các người làm bếp của Nhà Dòng đi chợ mua thịt có tẩm formol về để nấu cho các cha các thầy ăn. Người nhắn tin đã không cho biết họ là ai và có thêm một bằng chứng nào ( mua của ai ngoài chợ, hay cửa hàng nào, dấu hiệu nào để biết thịt có formol ) để tôi có lý nói chuyện với mấy người nhà  bếp, nhắn chung chung như vậy rất khó nói chuyện.
Tôi vẫn cứ hay bị nhắn tin như vậy, đủ mọi vấn đề, có những tin đọc biết được thiện chí tốt lành của người nhắn, nhưng có những tin vu vơ không biết từ đâu, không có lý lẽ gì quan trọng, thậm chí có khi là ác ý. Mặt trái của truyền thông là vậy.
Nhưng nếu có thêm chi tiết về cái vụ thịt có formol thì tôi có lẽ cũng không dám nói với nhà bếp, nói cái gì bây giờ ? Mấy ngày nay trên các báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ, có những phóng sự về vụ thịt thối, thịt heo chết, nội tạng bẩn… tràn lan khắp nơi ( báo Tuổi Trẻ số ra ngày 4, 5 tháng 10 năm 2012 ), công nghệ kinh doanh tinh vi đến mức sau khi đã chế biến không ai còn phân biệt được nữa, báo Tuổi Trẻ số ra ngày hôm qua ( thứ bảy 6 tháng 10 ) còn có phóng sự về chả cá và giò thịt nữa. Không phải hôm nay, giai đoạn này, nhưng nhiều năm nhiều tháng trước, báo chí cứ phanh phui những vụ như thế được một thời gian rồi lại bặt tăm hơi, đâu vào đó, thịt thối, thịt heo chết, nội tạng bốc mùi, cứ tiếp tục chế biến, cứ tiếp tục kinh doanh, cứ tiếp tục tung ra thị trường, len lỏi vào khắp nơi khắp chốn, leo lên từng mâm cơm gia đình.
Đâu chỉ có thịt, cả rau và trái cây. Chuyện rau xanh nói đi nói lại hoài, tìm mỏi mắt không có rau sạch, ngay siêu thị là nơi tạm gọi là đáng tin cậy thì rau vẫn không sạch, trái cây càng không sạch và cả cái vụ thịt không sạch cũng lấn chiếm ê hề. Câu chuyện gà phế bỏ dùng cho chăn nuôi gia súc, lại nhập từ Đại Hàn về làm thực phẩm cho… người, bày bán công khai trong các siêu thị là môt câu chuyện điển hình, cũng vẫn là báo chí ( báo Tuổi Trẻ ) phanh phui mấy ngày nay. Trái cây thì cho đến Sầu Riêng, Mít, và cả Chuối nữa cũng không thoát khỏi hóa chất, ngay cọng giá nhỏ nhắn đến tội nghiệp cũng được… ướp hóa chất. Còn chuyện trái cây Trung Quốc thì hết thuốc chữa ! Nói ra không biết tính làm sao, cứ hỏi nhau: “Tẩy chay không ăn nó nữa thì ăn cái gì bây giờ ?”
Đọc báo Tuổi Trẻ, những bài phanh phui về đường đi nẻo đến của thịt heo chết, ký giả ghi địa chỉ các lò mổ heo chết và chế biến trên trang phóng sự làm tôi ngờ ngợ, toàn những địa chỉ rất quen, rất đặc trưng của khu vực người có Đạo thuộc tỉnh Đồng Nai. Tôi gọi điện nhờ người quen ở vùng đó xác minh về tên tuổi chủ nhà cũng như địa chỉ ghi rõ trên báo, các gia đình ấy có phải dân Đạo mình không ? Câu trả lời làm tôi choáng váng: “Thưa cha, số người buôn heo chết ở GK đông lắm, toàn là dân Công Giáo. Như vợ chồng H.P. là Giáo Dân của Giáo Xứ PN; M. là người của VD, vợ chồng Th. thì người ở GY, H. người xứ KT… Sáng nay báo Thanh Niên đưa tin phát hiện thịt thối ở Giáo Xứ GM Thuộc xã GT 1” ( bản tin nhắn vào máy ngày 5.10.2012 ).
Nếu người tôi nhờ kiểm chứng cho tin sai thì những cái tên và địa danh trên mặt báo xem ra lại là đúng, đúng là vùng có Đạo, Đạo gốc toàn tòng, nơi đó tập kết heo chết để mổ thịt, là nguồn phát xuất heo chết và thịt thối chế biến lừa gạt người mua về ăn.
Hôm sau, ngày 6 tháng 10 tôi nhận thêm được tin từ GK: “Cha ơi, những người buôn heo chết đa số là ân nhân của các Giáo Xứ. Riêng vợ chồng anh Th. Giáo Xứ GY thường xuyên làm công quả cho… Họ là ân nhân nhiều chỗ lắm đấy !” Tôi lặng người đi !
Cha mẹ sinh con trời sinh tính, chuyện ai làm người ấy chịu, nhưng những chuyện thất đức công khai như vậy lại cứ tồn tại nhiều năm nhiều tháng trong các Xứ Đạo truyền thống cổ kính và sầm uất thì thật khó nghĩ. Khó coi, khó trả lời với công luận và khó trả lời cả với Chúa nữa, càng khó trả lời khi người ấy nghiễm nhiên dùng đồng tiền của mình kiếm được bằng phương cách làm ăn như vậy để trở nên ân nhân Giáo Xứ thì… khó coi thật ! Ta có dám trả lời với công luận và lương tâm của chúng ta là: chúng tôi không biết không ? Những chính quyền địa phương ăn hối lộ, dung túng cho những sai phạm tại địa phương mình, khi bị báo chí công khai cũng hay trả lời cái kiểu như vậy, người dân đã coi thường và phỉ báng kiểu trả lời trốn trách nhiệm, thậm chí thể hiện sự cấu kết thỏa hiệp với tội ác.
Tôi có quen một gia đình chăn nuôi heo ở Bảo Lộc, anh chị chủ trại tâm sự với chúng tôi, chính những mối mua thịt lại đặt hàng nhà trại nuôi heo bằng hóa chất siêu nạc chứ chẳng phải nhà trại chủ đích nuôi siêu nạc, tiền kiếm được do cách làm ăn này không hơn bao nhiêu, nhưng lương tâm áy náy nên anh chị nhà trại ấy quyết định không làm thế. Điều làm ngăn cản hành vi tồi tệ chính là lương tâm mỗi người. Một lương tâm nhạy bén với sự công bằng và sự lương thiện.
Ngày nay, đạo đức đảo điên, đồng tiền lên ngôi soán đoạt xã hội, những con người có tiền đang khuynh đảo mọi người. Điều tệ hại là những người nhân danh sự lương thiện, nhân danh sự công bằng bác ái, nhân danh người nghèo lại để cho những lợi nhuận khuynh đảo chính mình, khuynh đảo lập trường quan niệm sống, khuynh đảo cả hành vi và những quyết định liên quan đến phần rỗi đời đời của chính mình và của người khác. Sự công bằng và lương thiện không hề làm quy chuẩn để phán đoán lương tâm, đánh giá hành vi sống, nhưng là tiệc tùng, các phương tiện hiện đại, ra vào rành rẽ các chốn ăn chơi sa hoa phù phiếm, những chuyến du lịch nước ngoài và bây giờ thêm những chuyến… “hành hương” Đất Thánh nữa !
Đạo đức xuống cấp, luân lý suy đồi, không cần chứng minh nữa, một đứa trẻ con cũng biết, không cần thí dụ nữa, nhan nhản hàng ngày trước mắt, không cần phải im lặng nữa, im lặng là chết nhát khi không cần và không đáng chết nhát, và càng không nên rống to lên hòa âm với một luận điệu học tập về một thứ đạo đức mà không còn ai công nhận nữa. Điều cần hôm nay là huấn luyện lương tâm Công Giáo cho người tín hữu, những nguyên tác cơ bản về công bằng, lương thiện phải được thực thi ngay trong sinh hoạt của gia đình, Giáo Xứ và cộng đồng người có Đạo, nếu không thì đừng mong gì nữa, đừng mong truyền giáo cho bất cứ ai, đừng mong góp phần vào Ơn Gọi cho bất cứ Chủng Viện nào, bất cứ Dòng Tu nào.
Đức Gioan Phaolô II trong Thông điệp “Sứ vụ Đấng cứu chuộc, 8.12.1990” đã chỉ ra là “Làm chứng là hành vi nền tảng và cũng là hành vi thứ nhất trong công cuộc truyền giáo” ( số 42 và 43 ).

Lm. VĨNH SANG, DCCT, 7.10.2012
Nguồn:  EPHATA 530

Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2012

Vai trò của người giáo dân cần được đề cao


Đăng lúc: Thứ ba - 02/10/2012 21:18 - Người đăng bài viết: ccshue

Giáo huấn của Vatican II gợi hứng cho nhiều giáo dân tham gia vào các lĩnh vực của đời sống xã hội.
 

Bác sĩ Giuse Nguyễn Đăng Phấn thuyết trình tại tọa đàm

Khoảng 500 linh mục, tu sĩ và giáo dân tham dự tọa đàm Vai trò và sứ vụ của giáo dân theo Công đồng Vatican II do Trung tâm Mục vụ tổng giáo phận TP.HCM và CLB Phaolô Nguyễn Văn Bình tổ chức hôm 29-9 nhằm kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng Vatican II.

Tọa đàm nổi bậc với các tham luận như Vị trí và sứ vụ của giáo dân của Đức giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giáo huấn của Công đồng về ơn gọi và sứ vụ của giáo dân trong Giáo hội và thế giới của Linh mục Giuse Nguyễn Trọng Viễn, Người giáo dân trưởng thành của ông Giêrônimô Nguyễn Văn Nội và Ơn gọi dấn thân và nên thánh của giáo dân giữa trần thế của Bác sĩ Giuse Nguyễn Đăng Phấn.

Bác sĩ Phấn nói nhiều giáo dân sau khi đọc Sắc lệnh tông đồ giáo dân, Hiến chế Ánh sáng muôn dân và Giáo hội trong thế giới ngày nay đã hứng khởi lên đường dấn thân vào các lãnh vực y tế, văn hóa, giáo dục.

Bác sĩ cho biết một số giáo dân chăm sóc sức khỏe miễn phí cho người có HIV/AIDS, khám chữa bệnh cho người nghèo vùng sâu xa, mở lớp học tình thương, cấp học bổng cho học sinh nghèo, chăm sóc tâm lý, tâm linh và huấn nghiệp cho người hậu cai nghiện ma túy, lập nhà tình thương chị em lỡ lầm, chôn cất thai nhi bị phá bỏ để bảo vệ sự sống.

Ông ao ước người giáo dân dấn thân vào lãnh vực chính trị để “đem đời sống thanh liêm và các giá trị tôn giáo chống lại bất công áp bức, độc tài của những cá nhân hay đảng phái chính trị”.

Một giáo dân 60 tuổi chia sẻ rằng tọa đàm là cơ hội cho giáo dân lên tiếng với hàng giáo phẩm.

“Nhiều giáo dân rất muốn đóng góp công sức vào các sinh hoạt của Giáo hội nhưng họ gặp rào cản từ chính các vị chủ chăn” - ông khẳng định.

Ông giải thích những rào cản đó xuất phát từ mô hình kim tự tháp trong Giáo hội với hai giai cấp: Chủ chăn (giáo sĩ) là người lãnh đạo và con chiên (giáo dân) là người phục tùng, thi hành lệnh chủ chăn. Ở đó, vai trò của người giáo dân hoàn toàn không được nhắc đến.

Ông liệt kê hàng loạt cách ứng xử của chủ chăn như linh mục không tôn trọng giáo dân, linh mục như ông quan, giáo dân chỉ là người phục vụ, linh mục không mời gọi giáo dân cộng tác vì nghĩ giáo dân không có khả năng, linh mục không đón nhận sáng kiến của giáo dân.

Chị Têrêsa Bùi Thị Nhàn, giáo dân giáo xứ Tân Việt, bức xúc nói rằng một số linh mục không chú trọng đào tạo nhân bản, mục vụ, Kinh thánh, hôn nhân gia đình cho giáo dân vì “sợ giáo dân trưởng thành thì không còn vâng lời các ngài”.

Chị Nhàn nói rằng người giáo dân cần được đào tạo để sống chứng tá trong môi trường của mình theo tinh thần của Công đồng Vatican II.

“Linh mục cần thay đổi quan điểm và cách nhìn về người giáo dân” - chị giáo lý viên lưu ý.

Đức cha Hợp, người sáng lập CLB, nhận xét Công đồng Vatican II xuất hiện như một mùa xuân trong Giáo hội và đưa ra những định hướng mới, khai mở một cái nhìn khác về vai trò của giáo dân trong lòng Giáo hội.

Vị giám mục 67 tuổi nhận định ở Việt Nam, “óc giáo sĩ trị vẫn tồn tại nhiều nơi, những người lãnh đạo trong Giáo hội vẫn chưa biết lắng nghe những ý kiến khác biệt của những giáo dân có lòng yêu mến và thiết tha với Giáo hội”.

Ngài nói trong khi đó người giáo dân vẫn còn chú trọng việc giữ đạo và thiên về các nghi thức.

Ngài cho biết sắp tới CLB sẽ tổ chức các tọa đàm cho từng giới và cung cấp các tài liệu học hỏi về Vatican II cho giáo dân để họ trưởng thành hơn trong đời sống đức tin và làm men muối Tin Mừng giữa đời.
Tác giả bài viết: Ucanews 

Nguồn tin: vietnam.ucanews.com

Thứ Tư, 3 tháng 10, 2012

Các giá trị gia đình bền vững được tôn vinh


Người Công giáo tôn vinh tình yêu chung thủy.
 

Các đôi vợ chồng cao niên và Đức cha Tất.

Các đôi vợ chồng cao niên Công giáo luôn trung thành với hôn ước và đạo lý vợ chồng dù cho gặp những khó khăn trong cuộc sống.

Khoảng 2.000 người tham dự Thánh lễ đặc biệt tôn vinh 55 cặp vợ chồng kỷ niệm 25 năm, 50 năm và 60 năm hôn phối tại nhà thờ Thánh Micae ở thành phố Yên Bái hôm 29-9.

Đức Cha Gioan Maria Vũ Tất của giáo phận Hưng Hóa đồng tế cùng năm linh mục. Đây cũng là dịp kỷ niệm năm năm cung hiến thánh đường này.

Trong những bộ áo chùng màu vàng sặc sỡ, hai ông bà Giuse Nguyễn Đồng Tiếp, 77 tuổi, và Maria Lê Thị Xương, 76 tuổi, một trong 9 cặp mừng kim khánh hôn nhân, sánh đôi bên nhau trong đoàn rước giữa tiếng trống kèn và tiếng hát ca đoàn. Con cháu họ dâng hoa chúc mừng.

“Không có gì hạnh phúc bằng hai vợ chồng đã sống chung thủy với nhau trong suốt 54 năm qua, vượt qua bao nhiêu gian nan khi đói ăn khi hiểu lầm. Đó là do ơn Chúa ban, chứ sức người chắc tan vỡ lâu rồi” - cụ Tiếp chia sẻ sau lễ.

Hai ông bà có chín người con, 23 cháu và ba chắt.

Cụ cho biết hai con người sống chung với nhau hơn nửa thế kỷ không dễ đâu nhưng vì Lời Chúa dạy, “chúng tôi luôn sẵn sàng tha thứ, hy sinh cho nhau và đặc biệt phải yêu thương, tôn trọng nhau nhất là những lúc ốm đau bệnh tật”.

Hai cụ Giuse Trịnh Văn Thuận, 85 tuổi, và cụ bà Maria Nguyễn Thị Liễu, 80 tuổi, một trong năm cặp mừng ngọc khánh, cũng vui mừng không kém dù hai cụ không sinh được người con nào.

Cụ Thuận, một người lương gia nhập đạo để kết hôn, chia sẻ: “Tôi cưới bà ấy lúc bà 20 tuổi. Chúng tôi không có con nhưng cũng không thể bỏ nhau vì đã hứa trọn đời yêu nhau rồi”.

Hai ông bà nuôi một đứa cháu họ rồi nhận làm con nuôi. Nay ông bà có thêm hai đứa cháu.

Chị Thủy, con nuôi của cụ Thuận, tự hào nói: “Em hạnh phúc vì có cha mẹ nuôi như thế, họ nuôi em khôn lớn và cho ăn học đầy đủ, em khâm phục nhất là tấm gương hai cụ yêu thương nhau không bao giờ cãi nhau to tiếng, hồi còn trẻ thì bố em tham gia công việc tông đồ lãnh đạo giáo xứ, còn mẹ em thì siêng năng đi nhà thờ, lần hạt Mân côi cầu nguyện”.

Chị Nguyễn Thị Bích, cũng có cha mẹ mừng kim khánh hôm ấy, nói hai vợ chồng chị sống với nhau 10 năm có hai con trai và gái, nhưng đành ly hôn. Chị không thể chịu được người chồng cứ rượu chè suốt ngày, đêm thì đi đánh bạc, hết tiền thì về đòi vợ con, không cho thì đánh đập.

Chị nói tình trạng ly hôn bây giờ trong giới Công giáo cũng nhiều. Tình yêu và sự chung thủy không còn quan trọng bằng cơm áo gạo tiền. Người vợ không thể chịu đựng nạn bạo hành gia đình mãi nên ly hôn.

Đức Cha Tất nói rằng lòng chung thủy sắt son của các cụ là dấu chỉ tình yêu Thiên Chúa, là tấm gương sáng về hôn nhân Công giáo bền vững và đó là niềm tự hào của cộng đoàn giáo xứ và xã hội.
Tác giả bài viết: UCANEWS 

Nguồn tin: vietnam.ucanews.com

Thứ Hai, 1 tháng 10, 2012

ĐGM Daniel Jenky của Hoa Kỳ so sánh Obama với Hitler, Stalin


Đăng lúc: Thứ hai - 01/10/2012 07:16

ĐGM Daniel Jenky của Hoa Kỳ so sánh Obama với Hitler, Stalin
 
Đức Giám mục Daniel Jenky của GP. Peoria, thuộc Tiểu bang Illinois, Hoa Kỳ, vào cuối tuần qua đã tức giân kết án  Tổng thống Obama về "chương trình ủng hộ phá thai và chủ trương tục hoá cực đoan của ông".

Ngài đã so sánh tư cách lãnh đạo của ông Obama với các nhà độc tài Adolf Hitler và Josef Stalin.

Ngài kêu gọi người Công giáo bỏ phiếu chống lại ông Obama.

"Mùa thu này, mọi người Công giáo chân chính phải tham gia bầu cử, và phải bỏ phiếu theo lương tâm Công giáo của mình, nếu không thì trước mùa thu năm tới, các trường học Công giáo, các bệnh viện Công giáo, các Trung tâm Newman Công giáo,  tất cả các công trình mục vụ công cộng của chúng ta - chỉ trừ các nhà thờ của chúng ta - đều có nguy cơ bị đóng cửa dễ dàng.

Đức Giám mục Daniel Jenky đã tuyên bố như trên tại một cuộc họp dành cho nam giới Công giáo ngày thứ Bảy vừa qua, theo LifeSiteNews.

“Bởi vì sẽ không có tổ chức Công giáo nào, dưới bất kỳ hoàn cảnh nào, có thể hợp tác với ác quỷ thực chất nhằm chủ trương giết hại thai nhi vô tội trong bụng người mẹ”, ngài nói.

 

Đức Giám mục Daniel Jenky cảnh giác rằng bởi vì một sắc lệnh của tổng thống nhằm ép buộc những chủ hãng xưởng người Công giáo phải tài trợ cho các biện pháp ngừa thai, triệt sản và các loại thuốc phá thai, cho nên nước Mỹ đang đi vào con đường dẫn đến tình trạng giống như các chế độ độc tài trong quá khứ khi mà các Kitô hữu đã buộc phải "vội vàng trốn chui trốn nhủi" như thời  Hitler của Đức quốc xã và Stalin của Cộng sản.

“Hitler và Stalin, ở những giai đoạn dễ thở hơn, chỉ nương tay chút đỉnh cho một số nhà thờ còn được mở cửa, nhưng tuyệt đối không dung thứ bất kỳ thứ cạnh tranh nào với nhà nước trong lĩnh vực giáo dục, các dịch vụ xã hội và chăm sóc sức khoẻ”, Đức cha Jenky nói.

“Rõ ràng đây là một hành động vi phạm quyền vốn được ghi trong Tu Chính Án Thứ Nhất. Ông Barack Obama với chủ trương cấp tiến cực đoan, triệt để ủng hộ phá thai, xem ra đang có ý muốn theo đuổi con đường độc tài tương tự”, ngài nói thêm.

Trong khi các Kitô hữu có thể bị thảm bại trong cuộc chiến chống lại sắc lệnh của ông Obama, các giám mục đã nhấn mạnh: “Trước toà án xét xử đáng kính sợ của Thiên Chúa Toàn Năng, đây không phải là một cuộc chiến tranh mà bất kỳ người Công giáo nào có đức tin lại chọn thái độ dửng dưng, thờ ơ.”

"Không có mục vụ Công giáo - và, thưa Tổng thống, có chứ! Đối với người Công giáo, các trường học và bệnh viện của chúng tôi là công tác mục vụ. Không mục vụ Công giáo nào có thể trung thành với Uy Quyền của Chúa Kitô Phục Sinh và với Phúc Âm Vinh Hiển của Sự Sống nếu họ bị ép buộc phải trả tiền cho các vụ phá thai" - ngài nói - “Người tín hữu không thể là người Công giáo do ngẫu nhiên nữa, mà là người Công giáo với niềm tin xác tín."

“Những chuỗi ngày mà chúng ta đang sống bây giờ đòi hỏi phải có đạo Công giáo anh hùng, chứ không phải đạo Công giáo vô trách nhiệm”, Đức GM Jenky nói tiếp.

“Trong gia đình riêng của chúng ta, trong các giáo xứ của chúng ta, nơi chúng ta sống và nơi chúng ta làm việc - giống như thế hệ tông đồ tiên khởi - chúng ta phải là những chứng nhân can trường của Quyền Uy Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta phải là một đạo binh những người Công giáo không hề sợ hãi, luôn sẵn sàng cho đi tất cả mọi thứ chúng ta có cho Thiên Chúa, mà chính Người đã cho mọi thứ để cứu rỗi chúng ta.”

Lê Thiên & Lê Tinh Thông viết dựa theo bản tường trình của Thông tấn xã Newsmax
Tác giả bài viết: Lê Thiên & Lê Tinh Thông 
Nguồn tin: EVERYTHING MEANING TO YOU