Thứ Hai, 16 tháng 4, 2012

Biến Gia Đình Thành Cõi Phúc An Bình


Điểm quan trọng đầu tiên là tâm tình và cử chỉ biểu lộ lòng yêu thương trìu mến. Đối với chúng tôi, đôi vợ chồng trong cuộc sống nơi gia đình, nên luôn luôn lưu ý đến việc bày tỏ tình yêu, qua các cử chỉ dịu dàng trìu mến như vuốt ve, ôm hôn nhau, đi kèm với lời nói êm ái ngọt ngào. Đôi vợ chồng nên thường xuyên ở trong trạng thái âu yếm nhau, ngước nhìn nhau, chiều đãi nhau và tìm cách làm vui lòng nhau. Nét thân mật trìu mến trong cử chỉ và lời nói, chứng tỏ một tình yêu chân thật và tràn đầy. Nếu không có nó, thì ngay trong hành động giao hợp, là hành động cao nhất trong mối liên hệ vợ chồng, cũng sẽ mất đi cái ý nghĩa chính yếu của tình yêu đôi lứa. Xin phép nói thêm rằng, thái độ cùng cử chỉ trìu mến, không phải chỉ giới hạn giữa đôi vợ chồng, mà còn lan rộng giữa mọi phần tử trong gia đình như ông bà, cha mẹ, con cái và họ hàng v.v... Làm thế nào để trong đời sống gia đình, chúng ta không bao giờ cảm thấy quá đủ, quá dư thừa trong các cử chỉ âu yếm, biểu lộ tâm tình trìu mến.

Có lẽ có người lên tiếng phản đối, cho rằng chúng tôi quá chú trọng các cử chỉ bên ngoài, và có thể rơi vào tâm thức ”trẻ con” hoặc ”tình cảm ướt át” quá độ, vô ích! Hoặc có người sẽ nói: trở thành vợ chồng rồi, không đủ sao, mà còn phải tìm kiếm thêm những cái "phụ trội” khác? Không! Chúng tôi không quá lời, khi đề nghị những cử chỉ đơn sơ nhưng vô cùng cần thiết! Tâm tình, cử chỉ và lời nói trìu mến, chính là món quà quí báu mà mỗi người có thể trao tặng người bạn đời dấu ái, và con cái của mình, trong đời sống hàng ngày, giữa lòng một gia đình hòa điệu và hiệp nhất.

Điểm quan trọng thứ hai là, tránh xa mọi chỉ trích tiêu cực trong gia đình. Thông thường, việc chỉ trích luôn ẩn chứa một tâm tình xấu, một ý hướng xấu: vạch trần một khuyết điểm, để hạ nhục người bạn đời. Đôi khi để trút bỏ nỗi hậm hực giận dữ đang sùng sục nung nấu trong lòng! Chỉ trích luôn luôn để lại hậu quả tiêu cực. Nó phá đổ lòng tin tưởng lẫn nhau, cũng như phá đổ sự tự tin, và khiến người bị chỉ trích rơi vào mặc-cảm tự-ti. Chỉ trích là liều thuốc độc giết chết sự bình an trong gia đình. Người bạn đời khi lớn tiếng nặng lời chỉ trích, thì họ quên mất rằng: "Gia Đình là nơi nương náu, là cái tổ ấm, là chốn yêu thương, mà mỗi phần tử đều yêu thích và mong mỏi tìm về, mỗi khi gặp phản bội và thất bại bên ngoài xã hội!”

Điểm quan trọng thứ ba là, hãy biến gia đình thành nơi chốn của lời khen tặng. Vợ khen chồng. Chồng khen vợ. Cha Mẹ khen tặng con cái. Hãy quảng đại trong lời khen, và cẩn trọng dè xẻn trong tiếng chê. Hãy nhìn thấy cái hay, cái đẹp, cái tích cực nơi người bạn đời, nơi người khác, để khuyến khích và để phát huy tối đa. Tâm tình tự nhiên này, giúp đôi vợ chồng Công Giáo dễ nâng tâm hồn lên chúc tụng ngợi khen THIÊN CHÚA. Hơn thế nữa, họ còn cảm tạ tri ân THIÊN CHÚA, Đấng là Tình Yêu và là Chủ Tể sự sống.

Nói tóm lại, tình yêu vợ chồng được kiến thiết ngày qua ngày, nhờ các cử chỉ và thái độ giản dị tự nhiên nhất, nhưng cũng chân thành sâu đậm nhất. Chính tâm tình trìu mến là nét đẹp dịu dàng, xóa bỏ mọi chỉ trích tiêu cực nơi gia đình, và biến gia đình thành nơi chốn của phúc lành. Có như thế, Gia Đình Công Giáo sẽ trở thành cõi phúc, chốn an bình. Mong lắm thay! Ước gì được như vậy!

...“Oán hờn và giận dữ là những điều ghê tởm, về chuyện đó kẻ tội lỗi có biệt tài. Kẻ báo thù sẽ chuốc lấy báo thù của THIÊN CHÚA, tội lỗi nó, Người xem xét từng ly. Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác, thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha. Người với người cứ nuôi lòng hờn giận, thế mà lại xin THIÊN CHÚA chữa lành! Nó chẳng biết thương người đồng loại, mà lại dám xin tha tội cho mình! Nó chỉ là người phàm mà để tâm thù hận, thì ai sẽ xin tha tội cho nó? Hãy nhớ đến ngày tận số, mà chấm dứt thù hận, nhớ mình sẽ phải hao mòn và phải chết, mà trung thành giữ các điều răn. Hãy nhớ đến các điều răn, mà đừng oán hờn kẻ khác, nhớ đến giao ước của Đấng Tối Cao, mà không chấp nhất điều lầm lỗi”(Sách Huấn Ca 27,30/28,1-7).
 
(”La Madonna del Carmine”, Bimestrale dei Carmelitani, Anno LXIV, n.4, 2010, trang 12-13)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Không có nhận xét nào: