DIỄN BIẾN BUỔI BUỔI HỘI THẢO THỨ I VỀ GIA ĐÌNH
TẠI DCCT SÀI GÒN NGÀY 4.3.2012
Quí độc giả rất thương mến! Như đã thông báo, nhóm tìm hiểu Giáo Huấn Xã hội Công Giáo tại Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn sẽ tổ chức 4 buổi học hỏi và thảo luận về đề tài hôn nhân gia đình trong suốt 4 chủ nhật tháng 3 tại lầu 2 nhà sách Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Chủ Nhật 04/3/2012 vừa qua, buổi đầu tiên đã diễn ra trong không khí thân tình, sôi nổi với phần thuyết trình của ông Tạ Đình Vui, người đã có 18 năm kinh nghiệm trong mục vụ gia đình trên con đường “Cùng theo Chúa”. Trong tháng 2, cùng với các giảng viên khác trong Ban giảng huấn của Ủy ban Công lý và Hòa bình, ông Vui đã “viễn du” để trình bày Chương V Sách Tóm lược HTXHCG” với chủ đề: “GIA ĐÌNH – TẾ BÀO ĐEM SỰ SỐNG CHO XÃ HỘI” tại Thanh Hóa và Huế. Nội dung phần này đã được tác giả viết và được đăng tải trên trang web Lam Hồng và được đăng lại trong chuyên mục Gia Đình của trang web www.ghxhcg.com tạihttp://ghxhcg.com/article.aspx?id=787 nên Mẩu Bút Chì không lặp lại phần nội dung để tránh mất thời giờ của quí vị, chỉ mong chia sẻ phần nào không khí buổi thảo luận và ghi lại những câu hỏi đáng được quan tâm.
Mở đầu buổi nói chuyện, ông Vui đã đưa ra một hình ảnh hết sức sống động và dễ hình dung về vai trò của gia đình trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa và trong xã hội trần thế. Đó là hình ảnh một cơ thể con người mà phần thân là một trái tim rất lớn tượng trưng cho “gia đình tiếp sự sống cho xã hội”, bơm máu cho xã hội, trái tim ấy được đứng vững vàng trên hai chân: chân phải là “ hôn nhân”, chân trái là “ gia đình- chủ thể của xã hội”. Tay phải đưa xuống biểu hiện cho sự “tích cực tham gia vào đời sống xã hội”, tay trái hướng lên là sự đón nhận “ xã hội phục vụ con người”. Tất cả cơ thể ấy được sáng lập và phát triển vững bền nhờ “Kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa”, được Sách Tóm lược HTXHCG trình bày trong Phần I của sách. Hình ảnh ấy cho thấy:
Trong kế hoạch của Thiên Chúa, gia đình có tầm quan trọng và vị trí trung tâm đối với con người và xã hội. Vì thế, Giáo Hội coi gia đình như là xã hội tự nhiên đầu tiên và đặt gia đình làm trung tâm đời sống xã hội (Sách Tóm lược HTXHCG, 211).
Gia đình phải được đặt trên xã hội và quốc gia, vì gia đình không hiện hữu cho xã hội hay quốc gia, nhưng xã hội hay quốc gia hiện hữu cho gia đình.
Gia đình có những quyền lợi bất khả xâm phạm, và những quyền lợi ấy được coi là chính đáng, do bản tính con người, chứ không do nhà nước nhìn nhận. (214)
Trong gia đình, các thành viên không sống độc lập với nhau mà sống với nhau, vì nhau, cho nhau và nhờ nhau.
Những nội dung chính yếu trên cũng chính là những đề tài để hội thảo diễn ra sôi nổi.
“Giáo Hội ngày nay có thật sự đặt gia đình là trung tâm của đời sống xã hội chưa? Giáo Hội đã có những việc làm thiết thực cụ thể nào để xây dựng một gia đình ổn định, bền vững, biết sống hiệp nhất để nuôi dạy con cái sống đức tin và nên người, bổ khuyết cho nền giáo dục quá phiến diện, nghèo nàn và xơ cứng như hiện nay?” – Một chị đặt dấu hỏi. Thưa có, nhưng còn quá ít. Điển hình như những khóa học “Thăng tiến hôn nhân gia đình”, do giáo phận tổ chức. Khóa học này dành cho các đôi vợ chồng đã kết hôn, nhất là những gia đình có nguy cơ rạn nứt và tan vỡ. Cụ thể khi khóa học này tổ chức tại nhà thờ Tân Thái Sơn, vào ngày kết thúc, đã có những đôi vợ chồng trẻ có, già có, nắm tay nhau trước Cung Thánh mà nước mắt ràn rụa. Họ cám ơn Chúa đã đưa họ đến lớp học ấy, giúp họ hiểu nhau, biết cách giải quyết các mâu thuẫn và dạy dỗ con cái, cứu gia đình thoát khỏi sự rạn nứt ly tan. Nhưng liệu một năm, có bao nhiêu gia đình được tham gia vào khóa học này? Và trong giáo phận, có bao nhiêu người được nghe và được biết đến lớp học đầy ơn ích ấy?
Bên cạnh đó, “giáo hội và giáo xứ đã làm gì để nâng đỡ về mặt tinh thần, thủ tục và vật chất cho các đôi hôn phối có hoàn cảnh khó khăn, nhất là các em di dân xa quê?” – Một anh làm công tác sinh hoạt với các em di dân lại thao thức. Anh nói tiếp : “Các em gặp quá nhiều trở ngại trong việc xác nhận các thủ tục để kết hôn cũng như trong việc học giáo lý. Nhiều địa phương ở Nghệ An hằng năm, cứ đến kỳ lại buộc các em phải bỏ công ăn việc làm quay về quê học giáo lý thì mới cho làm thủ tục kết hôn. Do chưa có sự thống nhất trong toàn Giáo Hội Việt Nam về các thủ tục cũng như giấy chứng nhận đã học giáo lý hôn nhân (GLHN), nên khi các em đem giấy chứng nhận đã học GLHN ở giáo xứ khác về, các cha không công nhận!!! ”
Ngày nay, giáo lý viên ở các nhà thờ thường than phiền rằng Thiếu Nhi Thánh Thể không còn ngoan như ngày trước, nghịch ngợm, phá phách, không yêu mến Thánh Lễ và kinh kệ nữa. Còn thiếu nhi thì kêu ca là các anh chị quá dữ dằn, chỉ biết quát mắng, bắt học bài và khảo bài, không thuộc thì bắt phạt, gọi điện báo phụ huynh, chẳng có gì vui và hấp dẫn nơi nhà thờ cả! Nói đến đây, chợt nhớ đến những câu chuyện hấp dẫn thuở thiếu thời của Cha Lê Quang Uy, Ngài kể mà ngay cả người lớn nghe cũng còn thèm muốn ngưỡng mộ : Thiếu nhi được tổ chức thành từng đội với các tên gọi rất dễ thương như Sói Trắng, Sói Xám, Sói Đen..., dưới sự chỉ huy và quản lý của các anh Báo, chị Sư Tử... có biết bao hoạt động bổ ích để giáo dục nhân cách và đức tin. Thiếu nhi tham gia hăng say đến độ ngoài đường không có cọng rác bởi thiếu nhi đã nhặt hết, và vì vậy người lớn không dám vứt rác bừa bãi nữa! Sao hay, sao đẹp và ý nghĩa quá! Phải chăng ngày nay Giáo Hội có quá nhiều việc để lo, như xây dựng nhà thờ, nhà xứ, phát triển các hội đoàn cho thật hoành tráng, mà quên đi việc đầu tư phát triển cho thiếu nhi, đầu tư một đội ngũ giáo lý viên thật sự trưởng thành về đức tin, nhân cách, kỹ năng, và quan trọng là lòng mến – đó chính là việc xây dựng nhân cách và đức tin con người ngay từ cái gốc, tạo ra những đứa con ngoan – há chẳng phải là góp phần phát triển gia đình sao? Mỗi người một ý, bầu khí chung đã nóng râm ran...
Trong gia đình, “mỗi người sống với nhau, vì nhau, cho nhau và nhờ nhau, ý nghĩa đó liệu ngày nay mọi gia đình đều thấu đáo?”, một bác đứng tuổi chép miệng. “Nhiều bậc cha mẹ ngày nay coi con cái là cục nợ, là gánh nặng, vừa tốn tiền, vừa lì lợm khó bảo, nuôi cho xong tránh nhiệm, không xem việc nuôi dạy con cái là một điều rất cao quí thiêng liêng, phải làm với hết tâm tình như những lời ca dao xưa vẫn ngâm nga: “ miệng nhai cơm nắm, lưỡi lừa cá xương...”, anh em trong nhà thì mỗi người một kiểu, mạnh ai nấy sống, nghiêm trọng hơn là tranh giành tài sản, chém giết lẫn nhau... ôi thôi, báo chí đã viết đầy ra đó, như cơm bữa.. Giáo hội mời gọi mỗi người chúng ta nên Thánh trong bậc sống gia đình, tôi nghĩ chính là mời gọi chúng ta sống hiệp thông, cho nhau và nhờ nhau...”
Một ngẫu nhiên đầy thú vị là có một nhóm thảo luận chiếm đa phần là những người sống độc thân, nên một câu hỏi “bức xúc” được đặt ra từ một chị luống tuổi: “ Vậy chỉ có những người lập gia đình mới “đủ yếu tố” để tham gia xây dựng một xã hội biết sống hiệp thông thôi sao? Những người độc thân thì sao?” – “Thưa, bậc sống độc thân cũng là một ơn gọi Chúa ban” – một anh cũng độc thân lên tiếng – “Chúa không thiếu việc để chúng ta nên Thánh ở bậc sống độc thân”. Một chị tiếp lời: “ chúng ta không có gia đình riêng tư, nhưng chúng ta có gia đình của anh em, con cháu, có gia đình của giáo xứ và giáo hội, có những việc dấn thân mà những người có gia đình con cái lại không làm được. Không có gia đình không có nghĩa không thể hay không cần có trách nhiệm xây dựng và phát triển gia đình, xã hội. Xin đừng xem nhẹ và thành kiến với những người độc thân chúng tôi.. Ai biết sống cho đi, người đó biết kiến tạo hạnh phúc... ”
Ông Tạ Đình Vui đúc kết buổi thảo luận: “Thiên Chúa gửi tặng món quà gì cho các gia đình? Ngài tiếp sức cho các gia đình bằng chính mình máu Ngài trong các Thánh Lễ, và Ngài hứa dẫn chúng ta về nhà Ngài. Sứ mệnh của các gia đình là xây dựng những con người biết sống hiệp thông...”
Cha Vũ Khởi Phụng cười thú vị tiếp lời trước khi kết thúc buổi họp mặt bằng một Thánh Lễ, khi Cha nghe ông Vui nhắc đến “mình” và “ nhà” của Chúa Giêsu. Cha đọc hai câu thơ dí dỏm của nhà thơ tài hoa lỗi lạc được mệnh danh là “nhà thơ điên” Bùi Giáng:
“Mình ơi! tôi gọi là nhà
Nhà ơi! tôi gọi mình là nhà tôi”
“Cái sâu sắc và thâm thúy là ở chổ ấy” – Cha tiếp lời – “Nếu như Chúa Giêsu trao chính “mình” và “ nhà” của Ngài cho các gia đình, thì vợ chồng hãy chính là “mình” và là “nhà” của nhau...”
Buổi hội thảo đã khép lại trong niềm hân hoan, bởi dường như ai cũng nhận ra một điều gì đó mới mẻ nơi gia đình mình. Từ đây, khi bước về với gia đình, mỗi người sẽ có một cái nhìn mới đầy trách nhiệm,đầy yêu thương và chia sẻ...
Một thánh lễ do Cha Phụng cử hành ngay sau hội thảo. Giảng viên cùng với nhiều anh chị em hội thảo viên đã cùng ở lại hiệp thông trong thánh lễ. Buổi học thứ hai chủ nhật tuần tới 11/3/2012, Linh mục Lê Đình Phương sẽ thuyết giảng đề tài Quyền của Gia đình.
Xin được kết thúc bài viết bằng vài tư tưởng và lời cầu nguyện đơn sơ của người viết:
Xin đừng bôn ba xây đắp một lý tưởng cao đẹp nào ngoài xã hội, trước khi xây đắp nền tảng cho gia đình bé nhỏ của mình.
Xin đừng làm ngơ trước ánh mắt thất vọng buồn thiu của trẻ thơ, khi chúng không tìm thấy niềm ủi an nơi người lớn.
Xin nghĩ đến những yếu đuối của mình, để mở lòng đóng nhận nhau...
Gia đình là quà tặng của Thiên Chúa. Tuy nhiên, không phải ai cũng đều biết đón nhận ân sủng đó. Xin đừng coi nhẹ gia đình, để rồi một ngày, hạnh phúc gia đình vuộ khỏi tầm tay...
Lạy Cha đầy lòng nhân ái và trắc ẩn! Cha hiểu nỗi khát khao nên Thánh của chúng con và Cha cũng biết những yếu đuối dễ đổ gãy của chúng con. Xin ban cho chúng con sức mạnh để vượt qua tất cả mọi chông gai, hầu xây dựng một gia đình như mẫu gia đình Thánh Gia mà Cha đã tặng ban cho trần thế!...
Mẩu Bút Chì
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét