Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2012

Hội Thảo Về Gia Đình Tại DCCT.Sàigòn 18.3.2012


BUỔI HỘI THẢO THỨ BA VỀ GIA ĐÌNH: GIÁO DỤC KI-TÔ GIÁO TRONG GIA ĐÌNH



Quí độc giả rất thương mến! Thế là ba buổi hội thảo về gia đình đã diễn ra trong thân tình và gặt hái được  nhiều thành quả tốt đẹp. Trong  buổi thứ nhất,  Ông Tạ Đình Vui đã chia sẻ về vai trò của gia đình trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa và trong xã hội trần thế. Gia đình – tế bào đem sự sống cho xã hôi. Trong buổi thứ hai, Cha JB Lê Đình Phương đã chia sẻ về các quyền của gia đình thông qua “ Hiến chương về các quyền của gia đình”, được Tòa Thánh ban hành năm 1983. Hôm nay, Mẩu Bút Chì xin được chuyển tải đến quí vị nội dung của buổi hội thảo thứ ba đã diễn ra tại Dòng Chúa Cứu Thế ngày 18/3/2012 vừa qua. Và thú vị là cũng với một vị khách mời có tên lót là “Đình” : Ông Gioan Kim Trương Đình Giai với đề tài chia sẻ: Giáo dục Ki-tô Giáo trong gia đình. Ông Giai là Thạc Sĩ Khoa học Giáo dục tại Quebec, Canada. Gia đình ông đã được Giáo Hội cử đi học mục vụ gia đình tại Rome. Với phần trình bày rất chi tiết và đầy đủ, ông Giai đã mở ra những góc nhìn mới trong giáo dục gia đình, từ thái độ, cách nhìn của người lớn đối với con trẻ, đến những kỹ năng giáo dục con cái trong yêu thương. Và quan trọng trên hết là cách hiểu giáo dục như thế nào là đúng nghĩa GIÁO DỤC KI-TÔ GIÁO.

Trong các buổi hội thảo trước, và đặc biệt là trong buổi hội thảo về “bệnh vô cảm”, những “báo động đỏ” về thực trạng xã hội đã thực sự làm nhức nhối lòng người: sự suy đồi đạo đức, băng hoại luân lý với áp bức, bất công, cướp giật, giết người, tham ô, tệ nạn…, cộng thêm vào đó là một nền giáo dục “phản giáo dục” được biểuhiện cụ thể qua chính sách “thương mại hóa giáo dục”  và “chủ nghĩa hình thức” trong giáo dục. Hệ lụy kéo theo là tình trạng trẻ em phạm pháp, nghiện ngập, ăn chơi sa đọa với thái độ dửng dưng ngày càng tăng cao.

Tuy nhiên, một nguyên nhân ít được chú ý  tới nhưng lại là tác nhân chính đẩy các em đi vào ngỏ cụt, đó là sự dửng dưng, thiếu quan tâm, thiếu gương mẫu của những tác nhân giáo dục. Đối với một trẻ em Công Giáo, có bốn tác nhân giáo dục cơ bản: Gia đình, Giáo xứ, nhà trường và xã hội. Nhưng, chính những ảnh hưởng tiêu cực và phản chứng từ những tác nhân giáo dục này lại có tác động rất lớn đến các em. Đặt biệt, sự mâu thuẫn, thậm chí đối chọi giữa các tác nhân giáo dụctrong xã hội ngày nay làm các em mất phương hướng. Điển hình như việc người lớn dạy các em làm một đường, nhưng chính người lớn lại làm một nẻo. Cha mẹ bảo con cái hãy xử sự như thế này, ăn mặc như thế kia, nhưng ngoài xã hội thì phải ngược lại như thế mới được gọi là mốt và thời thượng! Hay giáo xứ dạy các em phải thờ kính Thiên Chúa, hãy biết sống  đời sau, thì nhà trường lại phủ nhận Thiên Chúa, áp đặt tư tưởng vô thần, chết là hết! Chính những mâu thuẫn này đưa các em đến sự khủng hoảng về niêm tin, không biết làm thế nào cho đúng.

- “Con cái của chúng ta chưa đủ khả năng biện phân, bị mất phương hướng, lung lạc niềm tin. Không biết tin vào đâu, vào ai. Không còn tin người lớn, cha mẹ, thầy cô, cũng không tin vào mục tử, và từ đó không tin cả Chúa. Mất đức tin dẫn đến tương đối hóa mọi sự, bị cuốn theo chiều gió, lạc lõng giữa dòng đời, sống theo bản năng tự nhiên, buông thả, trôi nổi...từ đó đi vào con đường phạm pháp, nghiện ngập, sa đọa sẽ là những mệnh đề kéo theo...” (trích lời ông Giai)

Nguy cơ ấy lại còn cao hơn nơi những trẻ có bố mẹ chỉ lo quần quật kiếm tiền. Họ nghĩ rằng thương con, lo cho con là phải tạo điều kiện vật chất cho thật dồi dào, tiền bạc lúc nào cũng rủng rỉnh cho “hơn bạn hơn bè” mà không cần biết con nghĩ gì, cần gì. Những em trong hoàn cảnh này thường cảm thấy cô đơn, dễ tự tử, dễ bị lôi kéo.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Cái đáng ngại của xã hội là không ai muốn nhìn nhận trách nhiệm ấy thuộc về mình.  Mà hình như ai cũng bị cái cám dỗ thích buông lời than oán, trách móc xã hội xuống cấp, phàn nàn thầy cô vô trách nhiệm, và nhất là kêu ca con cái hư đốn, mà ít ai chịu lắng nghe các em, tìm hiểu nguyên nhân sâu xa để dấn thân vào cuộc giải thoát các em. Trách nhiệm thuộc về toàn xã hội, nhưng không phải là trách- nhiệm- chung mà là trách-nhiệm-của- từng-người, nhất là những bậc làm cha, làm mẹ.

Phải chăng chúng ta đang sống trong một xã hội quá tồi tệ và quá bất lực? Thưa không !

Trong quá trình phát triển của nhân loại, mỗi giai đoạn lịch sử, mỗi hình thái xã hội đều chứa đựng những tiêu cực và khó khăn nhất định.  Và chắc chắn, cũng chứa đựng những tích cực và thuận lợi nhất định. Điều tất yếu này đòi hỏi con người cần có một thái độ sống tích cực, một sự sáng suốt khách quan trong việc nhận định những nguyên nhân sâu xa của các thực trạng xã hội. Từ đó có cách cải thiện hợp lý. Bởikhông ai có thể thoát ly xã hộihay có thể chối bỏ xã hội mình đang sống dù rằng có thể có những chính kiến khác nhau. Tất cả đều phải “sống với lũ, bơi trong lũ và phải vượt trên lũ”. Và phải hành động! Ngay lúc này – không phải chờ lúc nào khác!

Đứng ở góc độ đức tin, người Ki-tô hữu thấy mình may mắn vì có cứu cánh Thiên Chúa. “Hãy để trẻ em đến với Thầy”  ( Mc 10, 13)- Chúa đã kêu gọi ta.

Chúa là đường, là sự thật và là sự sống”. NGiáo dục Kit-tô Giáo là một nền giáo dục thật sự.

Vậy, Giáo dục Ki-tô giáo là gì?

Theo bài chia sẽ của ông Trương Đình Giai, thì:
Giáo dục Ki-tô Giáo vừa là giáo dục đức tinvừa là giáo dục theo tinh thần Ki-tô Giáo. Nghĩa là tuy vẫn tham chiếu mọi nền giáo dục của nhân loại, nhưng tiên vàn dựa trên mạc khải Ki-tô giáo về con người và vũ trụ, theo Thánh Kinh, Thánh Truyền. Giáo dục Ki-tô Giáo nghĩa là: lấy Đức Ki-tô và giáo huấn Tin Mừng của Người làm chuẩn mực, làm qui chiếuLấy Đức Ki-tô làm thầy đích thực, là động lực và là cứu cánh.

Giáo dục chính là cứu độ, cứu những gì đã hư mất. Giáo dục không phải là áp đặt mà là khơi dậy, là giúp con cái phát sinh hạt giống Chúa gieo trồng; không chỉ là khám phá vũ trụ mà còn là khám phá chính mình, khá phá ý nghĩa cuộc đời.

Giáo dục không chỉ là tạo khả năng hành nghề sinh sống, mà còn để đạt đến sự sống viên mãn.

Giáo dục là mở cửa thiên đàng cho con cái – không phải là giúp con cái đạt được thành tích trần thế mà là ơn cứu độ vĩnh hằng.

Giáo dục là vun trồng và tập luyện.

Theo ý hướng đó, cha mẹ cần truyền thông cho con cái sứ điệp mạc khải của Tin Mừng và đức tin Ki-tô Giáo, làm cho con cái thấm nhuần Tin Mừng của Đức Ki-tô, sống đúng phẩm giá của con người; Cha mẹ đóng vai trò trung gian qua lời nói, hành động và nêu gương để dẫn đưa con cái mình đến vơi đấng Ki-tô – người thầy đích thực – Đấng là đường, là sự thật và là sự sống; Cha mẹ cũng phải không ngừng tự giáo dục và rèn luyện bản thân, vì “không ai có thể cho kẻ khác điều mình không có”. Phải lấy Đức Ki-tô làm mẫu mực, và phải là bạn đồng hành cùng con cái. Có một số nguyên tắc cha mẹ cần lưu ý: “nghe nhiều hơn nói, nói ít hơn làm, bớt lời thêm gương”Thay vì chê tráchbắt phạt khi trẻ phạm sai lầm, hãy tỏ rathán phục, khen ngợi, khuyến khích, khen thưởng khi trẻ làm việc tốt. Và đừng nên cớ vấp phạm cho con cái. Đôi khi, cũng cần học hỏi nơi con trẻ ở tâm hồn đơn sơ, khiêm nhường, trông cậy, vì ai muốn được vào nước trời phải trở nên như trẻ nhỏ.

Cần khuyên răn sửa dạy con cái cách khôn ngoan và tiếp đón, nâng niu con cái. Tạo ý thức về tội lỗi chưa đủ, phải cho con cái cảm nếm niềm vui của một đời sống thánh thiện và ân sủng.

Qua kinh nghiệm thực tế, từng người trong chúng ta đều có thể tìm được những tư tưởng đẹp, những phương thức dạy dỗ con cái rất đáng được học hỏi và trân trọng. Song, với khuôn khổ bài viết, Mẫu Bút C chỉ có thể ghi nhận một vài nét khiêm tốn.

Đặt ngược vấn đề:

Nếu gọi Giáo dục  Ki-tô Giáo là một nền giáo dục thật sự, qui hướng về Đức Ki-tô và đặt nền tảng trên đức tin, vậy các gia đình không Công Giáo sẽ qui hướng về đâu và đặt nền trên những giá trị nào? Và liệu những gia đình không Công Giáo có thể đạt được một nền giáo dục thật sự?

Thưa, Thiên Chúa là tình yêu, là sự thật và là sự sống. Hướng tới Thiên Chúa là hướng tới tình yêu, chân lý, hướng đến văn hóa sự sống. Ngược lại, nền giáo dục nào hướng tới tình yêu, chân lý, và hướng tới văn hóa sự sống chính là hướng đến Thiên Chúa, và đó cũng sẽ là một nền giáo dục thật sự.

Người Công Giáo có cần quan tâm đến việc xây dựng một nền giáo dục toàn diện cho xã hội? Và phải xây dựng như thế nào?

Thiết nghĩ, xây dựng xã hội là trách nhiệm của mọi người. Mỗi người với lòng nhiệt thành, trong năng lực của mình đều có thể góp phần xây dựng xã hội, xây dựng nền giáo dục lành mạnh, chí ít là bằng đời sống gương mẫu, sống có Chúa.

 Để kết lại bài viết, Mẩu Bút Chì xin được mượn lời cầu nguyện của vị khách mời đầy tâm huyết trong sứ vụ mục vụ gia đình, ông Trương Đình Giai:

“Lạy Chúa, xin cho chúng con biết yêu con cái với quả tim của Chúa và tạo mọi điều kiện thuận lợi, đặc biệt bằng gương sáng, để con cái  chúng con  có thể khám phá ra Chúa là tình yêu, và đến với Chúa là người thầy đích thực, Đấng là đường, là sự thật và là sự sống.”

Tuần tới, 25/3/2012, sẽ là một buổi hội thảo đặc biệt được tổ chức tại Tòa tổng Giám Mục Sài Gòn180 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3 (vào cửa bên đường Trần Quốc Thảo), với nội dung: NHỮNG NGỘ NHẬN VỀ HÔN NHÂN KI-TÔ GIÁO, do Linh Mục Gioan Bùi Thái Sơn, đại diện Tư pháp Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn trình bày. Đây cũng là buổi cuối cùng của đợt hội thảo về hôn nhân gia đình mà nhóm tìm hiểu về Giáo Huấn xã hội Công Giáo tổ chức. Ước mong những ai quan tâm đến gia đình, hay đang đeo mang  những gánh nặng gia đình, xin hãy tìm đến để lắng nghe, chia sẻ, hầu được cởi mở những khúc mắc cũng như chia sẻ những kinh nghiệm cho nhau, để mỗi gia đình riêng cũng như gia đình chung của Giáo Hội được nâng đỡ, thăng tiến.

Mẩu Bút Chì.

Thứ Hai, 19 tháng 3, 2012

Đau đớn cái chết của ba học sinh lớp 7

Đau đớn cái chết của ba học sinh lớp 7
TTO - Cái chết của cả ba học sinh lớp 7 Trường THCS Phan Chu Trinh, tỉnh Đắk Nông dường như đã được chuẩn bị từ trước. Cả ba là bạn thân của nhau, học lớp 7A2, cùng học khá, giỏi.
Những dòng tâm sự trong cuốn nhật ký của em Hạnh đang được gia đình giữ - Ảnh: Đức Lập

Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Lê Thị Bích Loan, Nguyễn Thị Cẩm Nhung là bạn thân học cùng lớp 7A2, Trường THCS Phan Chu Trinh.
Những người thân của Nguyễn Thị Mỹ Hạnh vẫn chưa hết sốc và bàng hoàng trước cái chết bất ngờ của Hạnh. Người mẹ trẻ cứ thảm thiết kêu tên con gái, rồi lại ngất xỉu trong vòng tay của người thân.
Người nhà Hạnh cho biết ở nhà em rất ngoan, nghe lời ông bà, cha mẹ, thường xuyên giúp việc nhà và trông em, trước khi đi học bao giờ Hạnh cũng vòng tay chào hết người thân trong nhà rồi mới đi. Thời gian vừa qua cũng không có gì thay đổi. Gia đình không nghe thầy cô phán ảnh gì về em, ngoài việc học giỏi và nghe lời thầy cô, cuối năm đều được học sinh khá.
Bố Hạnh, ông Nguyễn Duy Lân, cho biết: "Sáng xảy ra sự việc, Hạnh dậy dọn cơm cho cả nhà ăn, rồi chuẩn bị sách vở đi học, chào bố mẹ và chào đứa em út "Hiếu ơi, chị đi học đây", rồi lấy xe đạp đi học như bình thường".
Khi Hạnh mất, gia đình thấy trong cặp em có cuốn nhật ký "những bí mật không thể bật mí" được ghi trong cuốn vở từ học kỳ 2, năm học lớp 7. Trong đó kể về những niềm vui, nỗi buồn trong mối quan hệ bạn bè. Những suy nghĩ riêng và nỗi buồn không chia sẻ cùng ai. Trong một trang nhật ký Hạnh viết: "Sắp đến ngày chia tay cuộc đời, mình sẽ có một thế giới mới".
Anh Lục Tiến Thân, người thân em Hạnh, nói: "Gia đình rất bất ngờ khi đọc được những thông tin của em trong cuốn nhật ký, nó khác xa so với những biểu hiện của em ở gia đình, khi gặp gỡ nói chuyện với người thân". 
Theo người nhà em Hạnh, còn có các bức thư kẹp trong cuốn sách lịch sử của các em đã được các cơ quan chức năng thu giữ, cùng chai nước cam được cho là nước các em đã uống trước khi chết.
Gia đình em Lê Thị Bích Loan đang sống trong cảnh buồn rầu khi người mẹ trẻ của em vừa mới qua đời được 37 ngày. Anh Lê Sỹ Tuất, bố của Loan, cho biết: "Gia đình đang rất sốc trước sự việc này, mẹ Loan chết, giờ đây con lại như thế này. Ở nhà Loan rất ngoan, nghe lời bố, thường xuyên dậy sớm lo cơm nước cho gia đình, rồi cùng em đi học. Sáng xảy ra sự việc, tôi đang ngủ thì cháu chào tôi đi học, không có biểu hiện gì lạ cả, khi nghe nhà trường báo tin tôi không tin nổi".
Anh Nguyễn Sỹ Diệu, bố của Nhung, cũng cho biết: "Nhung vẫn đi học như bình thường, về nhà ngoan ngoãn thường xuyên phụ giúp gia đình đi mua đồ gia vị vì gia đình bán quán nhậu".
Chị Trần Thị Trang, hàng xóm em Nhung, kể: "Sáng nào em cũng đến đây mua bánh mì ăn sáng, lúc nào cũng thấy em tươi cười, mua xong thường nói "chào chị em đi học", rất lễ phép. Tôi thật sự bất ngờ khi nghe thông tin em Nhung chết".
Theo cô giáo chủ nhiệm Trần Thị Nhài, ở trường các em rất ngoan, nghe lời thầy cô và chuyên cần trong học tập. Ba em này đều là học sinh khá, giỏi của trường trong nhiều năm liền.
Nhiều học sinh chứng kiến sự việc ngày 17-3 kể lại hết tiết 4, Hạnh, Nhung, Loan khoác tay nhau đi xuống nhà vệ sinh, có giấu một chai nước cam trong áo khoác, một lát sau cả ba khoác tay nhau đi ra, được một đoạn Hạnh chạy trước lên lớp và ngã vào các bạn nam đang đứng chơi, còn Nhung và Loan ngã tại sân trường. Trước đó, vào hôm thứ năm, các bạn đang chuẩn bị uống chai nước lọc, nghi là có thuốc độc nên một số bạn trong lớp đã ngăn cản và đổ đi.
Trong cuốn nhật ký của Nhung được viết năm 2010, và trong cuộc sống đời thường mà cô Nhài giáo viên chủ nhiệm cho biết thì hai năm nay Nhung có tư tưởng chán chường, do hoàn cảnh gia đình.
Theo bạn học cùng lớp, Nhung là một trong những học sinh giỏi của trường, và thời gian gần đây trong lúc nói chuyện cùng bạn bè Nhung nói "Tao chết, tao hiện về chỉ bài cho mấy đứa bay"...
Cái chết của các em đã để lại nỗi bất hạnh to lớn cho gia đình và thực sự là sự kiện đáng báo động cho gia đình và nhà trường trong quá trình tiếp cận, giải quyết tâm lý cho trẻ bước vào tuổi mới lớn.
ĐỨC LẬP

Thứ Năm, 15 tháng 3, 2012

Thánh Giuse thuộc Cựu ước hay Tân ước?

Hoành Sơn, Hoàng Sỹ Quý, S.J.3/12/2012 
Nhân ngày lễ 19/3, mở lại vụ án : Thánh Giuse thuộc Cựu ước hay Tân ước? 

Vấn đề đặt ra


Lòng tôn sùng thánh Giuse phát triển mạnh hẳn từ thế kỷ XV nhờ công thánh Bernarđinô thành Siêna. Người ta thường kính thánh Giuse như một tổ phụ, tức thuộc Cựu Ước, và thánh Bernarđinô thành Siêna xưng tụng ngài là tận kết các tổ phụ.



Giuse mà là tận kết các tổ phụ ư? E rằng tư thế đó thuộc về Gioan Tẩy giả mất rồi. Vâng, chính Gioan Tẩy giả, người cuối cùng của CƯ, đã đại diện cho CƯ đứng ra làm lễ bàn giao với người đầu của TƯ là Đức Giêsu Kytô vào lúc Chúa đến chịu rửa (dìm) trên sông Giócđan : Gioan thì giới thiệu Chúa là người phải đến với phép rửa (dìm) bằng Thánh Thần, còn Trời thì công bố :”Đây là Con Ta…” (Mt.3.13-17…).



Chẳng những vì vai trò ấy của Gioan, mà còn do sự lành thánh vượt bậc của ông, mà về ông, Chúa Giêsu đã đánh giá như sau:



-“…trong số những kẻ sinh ra từ phụ nữ, không ai lớn hơn (meizôn) Gioan Tẩy giả, nhưng dù người nhỏ hơn cả (mikroteros) trong Nước Trời cũng còn lớn hơn (meizôn) ông ta.” (Mt.11.11)



“Sinh ra từ phụ nữ”, đó là sinh bằng sinh sản tự nhiên (dù sinh trong CƯ cũng vậy), sinh như thế không thể so sánh mảy may với việc sinh trong Nước Trời, bởi lẽ, như Chúa khải mạc (mở màn) cho Nicôđêmô : “từ xác thịt (sarx) sinh ra thì (chỉ) là xác thịt”, “từ Thần khí sinh ra mới là thần khí (pneuma, tức thiêng liêng, siêu nhiên)” (Gio.3.5-6).



Sinh ra từ Thánh Thần -cũng là Thần khí Chúa Giêsu Con TC-, thì nơi Chúa người ta trở thành con TC, có Ba Ngôi trong hồn, được dự phần thiên tính (2Phr.1.4), và cùng với ân sủng có Tín-Vọng-Ái thiên phú như khả năng và sức mạnh để nên thánh giống Cha trên Trời, và đây cũng là sống toàn vẹn tinh thần Phúc âm, con đường Phúc âm ấy vượt xa con đường công chính của CƯ. Chứ Gioan Tẩy giả thì không được thế, dù ông là người công chính nhất của CƯ, với sự công chính ấy ông dám thẳng thừng lên án nhà vua vi phạm luật mà cướp vợ người, và thẳng thắn nhận mình chỉ là kẻ dọn đường cho Chúa đến thôi, chưa kể ông còn sống rất khổ hạnh, sống đạm bạc chỉ bằng mật ong rừng và châu chấu.



Người lớn nhất của CƯ như Gioan mà còn không bằng người nhỏ nhất của TƯ như anh và tôi, thì thử hỏi thánh Giuse còn lép vế tới đâu nếu ngài chỉ là một tổ phụ?



Thế nhưng dựa vào đâu mà người xưa coi ngài thuộc CƯ nhỉ? Phải chăng chỉ vì ngài qua đời trước khi có Phép rửa bằng nước và Thần khí? Hay vì Phúc âm Matthiêu đánh giá ngài là “người công chính”, mà công chính là từ ngữ quen dùng để chỉ người lành thánh theo tinh thần CƯ?



Sự “công chính” của Giuse



Theo Phúc âm Matthiêu, thấy Maria có thai mà chưa về sống chung với mình, “Giuse chồng nàng, vì là người công chính (dikaios) và không muốn đưa nàng ra trước công chúng (deigmatisai), nên quyết định bỏ nàng [tức từ hôn] một cách bí mật” (Mt.1.19).



Dikaios, dikaiosunê, mà Công giáo VN quen dịch là “công chính”, là người tôn trọng công lý và hết lòng giữ luật Maisen:



-“Phúc cho ai giữ luật và luôn thực thi công lý” (Tv.106.3).



Sau này, người ta cũng thêm vào lòng thương xót nữa, như ông Gióp tự coi mình “mang công chính như áo trong, mang công lý như khăn và áo choàng” vì đã cứu giúp kẻ khốn đốn (Giop, 29.12-17). Dù sao chăng nữa, trung thành với Luật vẫn là điều căn bản của dikaiosunê.



Thế thì, là người “công chính”, phải chăng Giuse có thể vì bác ái mà lén bỏ đi chứ không rẫy vợ công khai như luật dạy?



Theo chú giải của T.O.B. (Bản dịch Kinh thánh Đại kết), thì không một bản văn CƯ nào có thể biện bạch cho tính “bí mật” của sự bỏ vợ như thế. Theo luật thì ngưới phụ nữ là sở hữu của đàn ông, “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu” y như trong phong tục Trung Quốc xưa. Do đó xâm phạm đến họ (bằng chuyện chăn gối) được kể chung với các tội xâm phạm quyền lợi người khác (Xh.20.14; Nl.5.18; Gr.7.9), bởi thế hãm hiếp một thiếu nữ thì phải xin cưới cô ta với bố cô, và không có quyền rẫy vợ nữa, còn như chung chạ với một đàn bà thì người này bị ném đá vì ngoại tình, trong khi người đàn ông, dù có vợ hay không, chỉ bị xử chung do tội đồng lõa thôi (Lv.20.10; Nl.22.22-24). Tuy thế, trong thực hành, người chồng bị cắm sừng có thể rẫy vợ công khai bằng giấy tờ (Nl.24.1; Gr.3.8), cố nhiên là sau khi đã điều tra rõ chân tướng, và do đó người phụ nữ kia sống không bằng chết khi bị đưa ra bêu riếu công khai như vậy.



Chính vì muốn tránh cho Maria khỏi chết hay chịu nhục mà Giuse muốn bỏ đi biệt tích. Nhưng làm như vậy đâu có hợp luật đây? Thế mà Phúc âm Mt lại đánh giá Giuse là “người công chính”. Và đây là điều gây tranh cãi, như bản dịch TOB nói rõ. Vâng, đúng như thánh Giêrônimô nói, “làm sao Giuse có thể được coi là người công chính, khi mà ngài che dấu tội ác của vợ mình?”



*



Theo tôi nghĩ, giải đáp cho vấn đề phải tìm ở chính ý nghĩa của tiếng công chính này, công chính hiểu theo CƯ hay TƯ. Vì quả thực tiếng Dikaios cũng lắm khi được dùng trong TƯ nữa, có khi theo ý nghĩa CƯ, có khi theo một ý nghĩa khác hẳn. Theo ý nghĩa thứ hai này, thì công chính đi đôi với “sự sống” (zôê) của Gioan và “ân sủng” (kharis) của Phaolô. Chính theo Phaolô, công chính là sống bằng đức tin, -mà tin đây là tin vào Đức Giêsu như Con TC, đấng cứu thế bằng cái chết của mình-, nhờ đó được sống sự sống siêu nhiên. Còn theo Gioan, thì người ta phải nên công chính “như đức Giêsu là công chính”, nghĩa là công chính theo sự công chính của nền móng TƯ là Đức Giêsu Kytô. Và như thế, công chính thành một với hoàn hảo, hoàn thiện (teleios) như lời Chúa dạy trong Mt.5.48:



-“Hãy nên hoàn thiện như Cha trên Trời là hoàn thiện!”



Thế thì thánh Giuse công chính theo ý nghĩa CƯ hay TƯ đây? Không ai mà không nhận thấy thái độ khoan dung của Giuse y hệt thái độ của Thầy Giêsu đối với người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình :



-“Cả Ta, Ta cũng không kết tội chị đâu. Hãy đi đi, và đừng phạm tội nữa!” (Gio.3.11)



Tội thì vẫn là tội, nhưng Chúa muốn lòng thương xót (Mt.9.13; 12.7) và cần sự cải hối thôi! Vì Chúa đến là để cứu chúng ta khỏi sự tội và sự chết thiêng liêng nó là hậu quả khủng khiếp của tội.



Xem như thế, khi coi Giuse là công chính khi khoan dung với Maria, Matthiêu -hoặc tác giả của nguồn văn mà Matthiêu dựa vào để viết- chắc chắn đã hiểu Dikaiosunê theo tinh thần bao dung TƯ. Và ít là ở điểm này, thánh Giuse đã thuộc về TƯ, cũng như Đức Maria thuộc TƯ khi không muốn “biết” người đàn ông, nghĩa là làm ngược lại bản năng truyền sinh mãnh liệt của loài người (cũng là của động vật nói chung) và yêu quý sự đồng trinh.



Phép rửa bằng nước và Thánh Thần



Gioan Tiền hô công bố Đấng đến sau ông sẽ “rửa bằng Thần khí” (Gio.1.33). Theo Chúa, chỉ ai “sinh ra từ nước và Thần khí thì mới là thiêng liêng và thuộc về Nước Trời” (Gio.3.5-6). Thế mà rửa bằng nuớc và Thần khí, Chúa chỉ sai nhóm Mười hai đi làm việc ấy sau khi Chúa về Trời đã sai Thánh Thần xuống (Mt.28.19).



Thế thì làm sao Thánh Giuse có thể thuộc về Nước Trời cả trước khi Chúa đi công bố Tin mừng, chịu chết, về Trời và sai Thánh Thần đến lập quốc được?



Thế nhưng dù mấy tháng nữa mới thăng vinh, Chúa đã hứa với kẻ ác hối hận :”Ngay hôm nay, anh sẽ ở cùng Ta trên thiên đường!” (Lc.23.43). Sớm hơn thế, các tử đạo anh hài cũng được tôn kính như thánh của TƯ luôn. Như vậy, thời gian không thể trói chặt ân sủng Chúa vốn là của “cho không”!



Còn biết và sống Phúc âm? Phúc âm đã bắt đầu được giảng dạy ngay dưới mái trường Thánh gia từ lâu, trước khi được công bố cho thiên hạ. Vâng, Phúc âm được giảng dạy trong gia đình bằng chính cách sống, cách xử sự và nói năng của cậu bé Giêsu trong vô số những tình huống khác nhau, để Giuse và Maria hiểu một cách thấm thía rằng Chúa đến là để vâng lời và hầu hạ, chứ không phải để được hầu (Mc.10.45); rằng phải tha cho anh em, không phải bảy lần, mà mãi mãi (Mt.18.22); rằng phải làm ơn cho kẻ làm hại mình (Lc.6.27tt.), nghịch hẳn với luật “mắt đền mắt, răng đền răng” của CƯ (Xh.21.23-25), mà Chúa sẽ nói trắng ra sau này trong Mt.5.38tt.



Cậu Giêsu chẳng những đáng mến đối với người xung quanh, mà còn sống vô cùng thân mật với TC (Lc.2.52) nữa. Vâng, mỗi khi cậu hướng về Trời trong cầu nguyện hay khi nói về TC với mẹ cha, cậu đều tỏ rõ một sự thành kính đậm mùi thương mến, chứ không thành kính suông như thánh hiền CƯ, và đó là khúc dạo đầu cho kinh Lạy Cha. Để rồi mầu nhiệm Ba Ngôi sẽ được khải mạc chính thức lúc Chúa mười hai tuổi trưởng thành:



-“Ông bà không biết rằng tôi phải ở nhà Cha tôi sao?” (Lc.2.49)



Quả thật, bằng giọng lưỡi khách khí ấy, Chúa tỏ ra giữ một khoảng cách giữa Ngài và cha mẹ Ngài. Không, Ngài không chỉ có một nguồn gốc : con đẻ của bà Maria, mà còn một nguồn gốc khác nữa: Ngài là Con Thiên Chúa, do đó ở lại nhà của Cha (tức đền thờ) là điều phải đạo thôi. Đây cũng là lúc Chúa giúp Maria và Giuse, chẳng những để siêu nhiên hóa tình cảm phụ mẫu-tử tự nhiên, mà còn để “tôn giáo hóa” liên hệ của họ với Chúa nữa. Vâng, Chúa không chỉ là con của các ngài, Chúa còn là Chúa của các ngài. Nói cho đúng ra, Đức Mẹ không quên lời thiên thần Gabrien :”người sinh ra sẽ là thánh và được gọi là con TC” (Lc.1.35). Nhưng Maria ngờ đâu Giêsu là Con thật sự của TC. Và tình cảm của nàng, dù không khuyết điểm gì cả, vẫn phải được uốn nắn và mài rũa để ngày càng thiêng liêng và hoàn hảo hơn : Mẹ phải học bằng giữ khoảng cách như thế để yêu Chúa cho thật xứng đáng, cũng như chính Chúa phải học vâng lời bằng đau khổ vậy (Hyb.5.8). Riêng với Đức Mẹ, sau này ngài sẽ còn phải học thêm mỗi khi Chúa lại giữ khoảng cách như thế:



-Bà muốn tôi làm gì: Giờ của tôi chưa đến! (Gio.2.4)



-Ai thực thi ý Cha Ta Đấng ngự trên Trời, người ấy là mẹ, là anh chị em Ta! (Mt.12.50)



-Hỡi người phụ nữ, đây là con bà…! (Gio.19.26-27)



Được khải mạc[1] về Ba Ngôi rồi, cùng với ĐM, Giuse còn được khải mạc về kế hoạch cứu thế nữa. Và đây là lời sấm Simêon với biến cố nó gắn kết hai mẹ con trong cùng một nỗi đau với cùng một hậu quả phổ biến:



-Ngài có đó để nhiều người ngã xuống hay đứng lên ở Israen. Còn bà, một lưỡi gươm sẽ xuyên qua lòng bà khiến các tâm tư hiển lộ.” (Lc.2.34-35)



Vâng, đây là những nét sơ phác cho bức tranh Can va sau này, với Chúa trên thập giá và Maria đứng dưới chân. Thế nghĩa là ngay từ bây giờ, mầu nhiệm bộ ba (Nhập thể-Thánh giá- Phục sinh) trong kế hoạch cứu thế của Chúa đã được hai ông bà chia sẻ. Và đây là Phép rửa bằng máu và nước mắt (Rom.6.4; Col.2.2; Mt.3.11; Mc.10.38; Lc.12.50) mà cùng với Maria, Giuse phải chịu khi nghe lời sấm Simêon, khi hốt hoảng đưa Chúa trốn chạy sang Ai cập, để rồi, như Đức Mẹ (Lc.2.51), còn niệm suy và lo nghĩ mãi cho đến khi chết trong vòng tay của chàng thanh niên Giêsu. Phép rửa bằng máu và nuớc mắt ấy há chẳng thay thế được phép rửa bằng nuớc (như trướng hợp các thánh Anh hài), để Chúa Thánh Thần khiến Giuse nên một với Giêsu, và nơi Giêsu trở thành con Cha hay sao? Vâng, ngay nhóm Mười hai cũng đâu có được rửa bằng nước nhân danh Chúa Kytô. Họ được rửa trực tiếp bằng Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ Tuần, để đến lượt họ mới rửa cho người khác bằng nước và Thần khí.



[1] Apokaluptô, Revelare là Bỏ, Mở tấm màn che (kalupsis, velum), mà Mở màn là Khải (mở ra) mạc (tấm màn), cũng như Ăn cơm là Thực phạn (cơm) vậy, chứ không phải Phạn thực. Quả không thể dịch là mạc khải được, ít nhất khi đây là động từ. 

Lm. Hoàng Sỹ Quý, S.J. 

Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2012

Hội Thảo Về Gia Đình Tại DCCT.Sàigòn 4.3.2012



 DIỄN BIẾN BUỔI BUỔI HỘI THẢO THỨ I VỀ GIA ĐÌNH
TẠI DCCT SÀI GÒN NGÀY 4.3.2012




Quí độc giả rất thương mến! Như đã thông báo, nhóm tìm hiểu Giáo Huấn Xã hội Công Giáo tại Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn sẽ tổ chức 4 buổi học hỏi và thảo luận về đề tài hôn nhân gia đình trong suốt 4 chủ nhật tháng 3 tại lầu 2 nhà sách Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Chủ Nhật 04/3/2012 vừa qua, buổi đầu tiên đã diễn ra trong không khí thân tình, sôi nổi với phần thuyết trình của ông Tạ Đình Vui, người đã có 18 năm kinh nghiệm trong mục vụ gia đình trên con đường “Cùng theo Chúa”. Trong tháng 2, cùng với các giảng viên khác trong Ban giảng huấn của Ủy ban Công lý và Hòa bình, ông Vui đã “viễn du” để trình bày Chương V Sách Tóm lược HTXHCG” với chủ đề: “GIA ĐÌNH – TẾ BÀO ĐEM SỰ SỐNG CHO XÃ HỘI” tại Thanh Hóa và Huế. Nội dung phần  này đã được tác giả viết và được đăng tải trên trang web Lam Hồng và được đăng lại trong chuyên mục Gia Đình của trang web www.ghxhcg.com tạihttp://ghxhcg.com/article.aspx?id=787 nên Mẩu Bút Chì không lặp lại phần nội dung để tránh mất thời giờ của quí vị, chỉ mong chia sẻ phần nào không khí buổi thảo luận và ghi lại  những câu hỏi đáng được quan tâm.

Mở đầu buổi nói chuyện, ông Vui đã đưa ra một hình ảnh hết sức sống động và dễ hình dung về vai trò của gia đình trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa và trong xã hội trần thế. Đó là hình ảnh một cơ thể con người mà phần thân là một trái tim rất lớn tượng trưng cho “gia đình tiếp sự sống cho xã hội”, bơm máu cho xã hội, trái tim ấy được đứng vững vàng trên hai chân: chân phải là “ hôn nhân”, chân trái là “ gia đình- chủ thể của xã hội”. Tay phải đưa xuống biểu hiện cho sự “tích cực tham gia vào đời sống xã hội”, tay trái hướng lên là sự đón nhận “ xã hội phục vụ con người”. Tất cả cơ thể ấy được sáng lập và phát triển vững bền nhờ “Kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa”, được Sách Tóm lược HTXHCG trình bày trong Phần I của sách. Hình ảnh ấy cho thấy:

 Trong kế hoạch của Thiên Chúa, gia đình có tầm quan trọng và vị trí trung tâm đối với con người và xã hội. Vì thế, Giáo Hội coi gia đình như là xã hội tự nhiên đầu tiên và đặt gia đình làm trung tâm đời sống xã hội (Sách Tóm lược HTXHCG, 211).

 Gia đình phải được đặt trên xã hội và quốc gia, vì gia đình không hiện hữu cho xã hội hay quốc gia,  nhưng xã hội hay quốc gia hiện hữu cho gia đình.

Gia đình có những quyền lợi bất khả xâm phạm, và những quyền lợi ấy được coi là chính đáng, do bản tính con người, chứ không do nhà nước nhìn nhận. (214)

Trong gia đình, các thành viên không sống độc lập với nhau mà sống với nhau, vì nhau, cho nhau và nhờ nhau.

Những nội dung chính yếu trên cũng chính là những đề tài để hội thảo diễn ra sôi nổi.

“Giáo Hội ngày nay có thật sự đặt gia đình là trung tâm của đời sống xã hội chưa? Giáo Hội đã có những việc làm thiết thực cụ thể nào để xây dựng một gia đình ổn định, bền vững, biết sống hiệp nhất để nuôi dạy con cái sống đức tin và nên người, bổ khuyết cho nền giáo dục quá phiến diện, nghèo nàn và xơ cứng như hiện nay?” – Một chị đặt dấu hỏi. Thưa có, nhưng còn quá ít. Điển hình như những khóa học “Thăng tiến hôn nhân gia đình”, do giáo phận tổ chức. Khóa học này dành cho  các đôi vợ chồng đã kết hôn, nhất là những gia đình có nguy cơ rạn nứt và tan vỡ. Cụ thể khi khóa học này tổ chức tại nhà thờ Tân Thái Sơn, vào ngày kết thúc, đã có những đôi vợ chồng trẻ có, già có, nắm tay nhau trước Cung Thánh mà nước mắt ràn rụa. Họ cám ơn Chúa đã đưa họ đến lớp học ấy, giúp họ hiểu nhau, biết cách giải quyết các mâu thuẫn và dạy dỗ con cái, cứu gia đình thoát khỏi sự rạn nứt ly tan. Nhưng liệu một năm, có bao nhiêu gia đình được tham gia vào khóa học này? Và trong giáo phận, có bao nhiêu người được nghe và được biết đến lớp học đầy ơn ích ấy?

Bên cạnh đó, “giáo hội và giáo xứ đã làm gì để nâng đỡ về mặt tinh thần, thủ tục và vật chất cho các đôi hôn phối có hoàn cảnh khó khăn, nhất là các em di dân xa quê?” – Một anh làm công tác sinh hoạt với các em di dân lại thao thức. Anh nói tiếp : “Các em gặp quá nhiều trở ngại trong việc xác nhận các thủ tục để kết hôn cũng như trong việc học giáo lý. Nhiều địa phương ở Nghệ An hằng năm, cứ đến kỳ lại  buộc các em phải bỏ công ăn việc làm quay về quê học giáo lý thì mới cho làm thủ tục kết hôn. Do chưa có sự thống nhất trong toàn Giáo Hội Việt Nam về các thủ tục cũng như giấy chứng nhận đã học giáo lý hôn nhân (GLHN), nên khi các em đem giấy chứng nhận đã học GLHN ở giáo xứ khác về, các cha không công nhận!!! ”

Ngày nay, giáo lý viên ở các nhà thờ thường than phiền rằng Thiếu Nhi Thánh Thể không còn ngoan như ngày trước, nghịch ngợm, phá phách, không yêu mến Thánh Lễ và kinh kệ nữa. Còn thiếu nhi thì kêu ca là các anh chị quá dữ dằn, chỉ biết quát mắng,  bắt học bài và khảo bài, không thuộc thì bắt phạt, gọi điện báo phụ huynh, chẳng có gì vui và hấp dẫn nơi nhà thờ cả! Nói đến đây, chợt nhớ đến những câu chuyện hấp dẫn thuở thiếu thời của Cha Lê Quang Uy, Ngài kể mà ngay cả người lớn nghe cũng còn thèm muốn ngưỡng mộ : Thiếu nhi được tổ chức thành từng đội với các tên gọi rất dễ thương như Sói Trắng, Sói Xám, Sói Đen..., dưới sự chỉ huy và quản lý của các anh Báo, chị Sư Tử... có biết bao hoạt động bổ ích để giáo dục nhân cách và đức tin. Thiếu nhi tham gia hăng say đến độ ngoài đường không có cọng rác bởi thiếu nhi đã nhặt hết, và vì vậy người lớn không dám vứt rác bừa bãi nữa! Sao hay, sao đẹp và ý nghĩa quá! Phải chăng ngày nay Giáo Hội có quá nhiều việc để lo, như xây dựng nhà thờ, nhà xứ, phát triển các hội đoàn cho thật hoành tráng, mà quên đi việc đầu tư phát triển cho thiếu nhi, đầu tư một đội ngũ giáo lý viên thật sự trưởng thành về đức tin, nhân cách, kỹ năng, và quan trọng là lòng mến – đó chính là việc xây dựng nhân cách và đức tin con người ngay từ cái gốc, tạo ra những đứa con ngoan – há chẳng phải là góp phần phát triển gia đình sao? Mỗi người một ý, bầu khí chung đã nóng râm ran...

Trong gia đình, “mỗi người sống với nhau, vì nhau, cho nhau và nhờ nhau, ý nghĩa đó liệu ngày nay mọi gia đình đều thấu đáo?”, một bác đứng tuổi chép miệng. “Nhiều bậc cha mẹ ngày nay coi con cái là cục nợ, là gánh nặng, vừa tốn tiền, vừa lì lợm khó bảo, nuôi cho xong tránh nhiệm, không xem việc nuôi dạy con cái là một điều rất cao quí thiêng liêng, phải làm với hết tâm tình như những lời ca dao xưa vẫn ngâm nga: “ miệng nhai cơm nắm, lưỡi lừa cá xương...”, anh em trong nhà thì mỗi người một kiểu, mạnh ai nấy sống, nghiêm trọng hơn là tranh giành tài sản, chém giết lẫn nhau... ôi thôi, báo chí đã viết đầy ra đó, như cơm bữa.. Giáo hội mời gọi mỗi người chúng ta nên Thánh trong bậc sống gia đình, tôi nghĩ chính là mời gọi chúng ta sống hiệp thông, cho nhau và nhờ nhau...”

Một ngẫu nhiên đầy thú vị là có một nhóm thảo luận chiếm đa phần là những người sống độc thân, nên một câu hỏi “bức xúc” được đặt ra từ một chị luống tuổi: “ Vậy chỉ có những người lập gia đình mới “đủ yếu tố” để tham gia xây dựng một xã hội biết sống hiệp thông  thôi sao? Những người độc thân thì sao?” – “Thưa, bậc sống độc thân cũng là một ơn gọi Chúa ban” – một anh cũng độc thân lên tiếng – “Chúa không thiếu việc để chúng ta nên Thánh ở bậc sống độc thân”. Một chị tiếp lời: “ chúng ta không có gia đình riêng tư, nhưng chúng ta có gia đình của anh em, con cháu, có gia đình của giáo xứ và giáo hội, có những việc dấn thân mà những người có gia đình con cái lại không làm được. Không có gia đình không có nghĩa không thể hay không cần có trách nhiệm xây dựng và phát triển gia đình, xã hội. Xin đừng xem nhẹ và thành kiến với những người độc thân chúng tôi.. Ai biết sống cho đi, người đó biết kiến tạo hạnh phúc... ”

Ông Tạ Đình Vui đúc kết buổi thảo luận: “Thiên Chúa gửi tặng món quà gì cho các gia đình?  Ngài tiếp sức cho các gia đình bằng chính mình máu Ngài trong các Thánh Lễ, và Ngài hứa dẫn chúng ta về nhà Ngài. Sứ mệnh của các gia đình là xây dựng những con người biết sống hiệp thông...”

Cha Vũ Khởi Phụng cười thú vị tiếp lời trước khi kết thúc buổi họp mặt bằng một Thánh Lễ, khi Cha nghe ông Vui nhắc đến “mình” và “ nhà” của Chúa Giêsu. Cha đọc hai câu thơ dí dỏm của nhà thơ tài hoa lỗi lạc được mệnh danh là “nhà thơ điên” Bùi Giáng:
“Mình ơi! tôi gọi là nhà                                                                                                         
Nhà ơi! tôi gọi mình là nhà tôi”
“Cái sâu sắc và thâm thúy là ở chổ ấy” – Cha tiếp lời – “Nếu như Chúa Giêsu trao chính “mình” và “ nhà” của Ngài cho các gia đình, thì vợ chồng hãy chính là “mình” và là “nhà” của nhau...”

Buổi hội thảo đã khép lại trong niềm hân hoan, bởi dường như ai cũng nhận ra một điều gì đó mới mẻ nơi gia đình mình. Từ đây, khi bước về với gia đình, mỗi người sẽ có một cái nhìn mới đầy trách nhiệm,đầy yêu thương và chia sẻ...    
Một thánh lễ do Cha Phụng cử hành ngay sau hội thảo. Giảng viên cùng với nhiều anh chị em hội thảo viên đã cùng ở lại hiệp thông trong thánh lễ. Buổi học thứ hai chủ nhật tuần tới 11/3/2012, Linh mục Lê Đình Phương sẽ thuyết giảng đề tài Quyền của Gia đình.

Xin được kết thúc bài viết bằng vài tư tưởng và lời cầu nguyện đơn sơ của người viết:                                      

Xin đừng bôn ba xây đắp một lý tưởng cao đẹp nào ngoài xã hội, trước khi xây đắp nền tảng cho gia đình bé nhỏ của mình.

Xin đừng làm ngơ trước ánh mắt thất vọng buồn thiu của trẻ thơ, khi chúng không tìm thấy niềm ủi an nơi người lớn.
Xin nghĩ đến những yếu đuối của mình, để mở lòng đóng nhận nhau...

Gia đình là quà tặng của Thiên Chúa. Tuy nhiên, không phải ai cũng đều biết đón nhận ân sủng đó. Xin đừng coi nhẹ gia đình, để rồi một ngày, hạnh phúc gia đình vuộ khỏi tầm tay...

Lạy Cha đầy lòng nhân ái và trắc ẩn! Cha hiểu nỗi khát khao nên Thánh của chúng con và Cha cũng biết những yếu đuối dễ đổ gãy của chúng con. Xin ban cho chúng con sức mạnh để vượt qua tất cả mọi chông gai, hầu xây dựng một gia đình như mẫu gia đình Thánh Gia mà Cha đã tặng ban cho trần thế!...

Mẩu Bút Chì