Cập nhật 17/02/2012 09:59:22 AM (GMT+7)
- Tất cả trẻ em đều có tài năng, nhưng dường như chính hệ thống giáo dục hiện nay đang triệt tiêu dần khả năng sáng tạo của các em.
Lời tòa soạn: Chuỗi hội thảo công nghệ, giải trí, thiết kế (viết tắt là TED - Technology Entertainment Design) là cuộc hội thảo lưu động, quy tụ rất nhiều tinh hoa của thế giới như: Bill Clinton, Gorden Brown, Bill Gates, Mark Zuckerberg (“ông chủ” Facebook), Larry Page và Sergey (những nhà sáng lập ra Google)... cùng rất nhiều những người đoạt giải Nobel và các chuyên gia, học giả ưu tú trên nhiều lĩnh vực khác. Họ đến đây để trình bày những vấn đề quan trọng, với mong muốn có thể góp phần thay đổi thế giới.
Cách đây sáu năm, một chuyên gia về sáng tạo đến từ Anh, ngài Ken Robinson đã làm thế giới dấy lên nhiều suy nghĩ về hệ thống giáo dục trên toàn thế giới, cách nhìn nhận lại về trí thông minh, sự tu dưỡng khả năng sáng tạo và cách phát hiện tài năng xuất chúng của con người.
Để giúp các bậc cha mẹ tham khảo một quan điểm về giáo dục tài năng của trẻ em, VietNamNet giới thiệu bài thuyết trình nổi tiếng này. Bài thuyết trình thu hút hơn 8 triệu lượt xem và rất nhiều bình luận (comment) cho một chủ đề nghiêm túc. Do dung lượng dài, phần lược dịch được chia thành 2 phần.
Học giả Ken Robinson đã đưa ra một luận điểm mới về cách đánh giá trí thông minh.
Tất cả trẻ em đều tài năng
Cuộc hội thảo này có ba chủ đề chính xuyên suốt. Thứ nhất là bằng chứng đáng kinh ngạc về sức sáng tạo của con người cũng như sự đa dạng và phạm vi của nó.
Thứ hai là chính điều đó đặt chúng ta vào một vị trí mà chúng ta không có một ý niệm gì về những chuyện sẽ xảy ra trong tương lai, không tưởng tượng được mọi thứ sẽ diễn ra như thế nào.
Chúng ta có sự quan tâm lớn đối với giáo dục vì nó ảnh hưởng sâu sắc tới chúng ta, giống như tôn giáo, tiền bạc và những thứ thiết yếu khác vậy. Đó là phương tiện để đưa chúng ta tới một tương lai mà ta chưa thể nắm bắt được.
Hãy nghĩ mà xem, những đứa trẻ bắt đầu đi học năm nay sẽ nghỉ hưu vào năm 2065. Không ai trong chúng ta biết thế giới sẽ ra sao trong năm năm tới. Vậy mà bằng bất cứ giá nào, chúng ta vẫn phải giáo dục bọn trẻ cho tương lai.
Và vì thế, chủ đề thứ ba của hội thảo này sẽ là về khả năng sáng tạo đặc biệt của trẻ em.
Luận điểm của tôi là, tất cả trẻ em đều rất tài năng. Nhưng chúng ta đã phung phí điều đó một cách không thương tiếc.
Bởi thế, tôi muốn nói đến giáo dục và khả năng sáng tạo. Luận điểm của tôi trong vấn đền này là ngày nay tính sáng tạo trong giáo dục cũng quan trọng như khả năng biết đọc, biết viết vậy. Và chúng ta cần quan tâm tới chúng ở mức độ ngang nhau.
Mới đây, tôi đã được nghe kể một câu chuyện rất thú vị về một cô bé trong giờ học hội họa.
Cô bé đó 6 tuổi và ngồi ở cuối lớp, hí hoáy vẽ. Giáo viên nói rằng cô bé hiếm khi chịu tập trung chú ý, nhưng trong giờ học hôm nay thì lại khác hẳn.
Cô giáo thấy tò mò nên hỏi: Em đang vẽ gì thế?.
Cô bé trả lời, "Em đang vẽ Chúa trời ạ." Cô giáo lại nói "Nhưng không ai biết Chúa trời trông như thế nào cả." Và con bé hồn nhiên đáp: "Họ sẽ biết trong một phút nữa thôi ạ. "
Một câu chuyện khác, khi con trai tôi bốn tuổi, nó có một vai trong vở kịch “Truyền thuyết sự ra đời của Chúa”.
Chúng tôi ngồi phía dưới, và tôi nghĩ chúng bị sai kịch bản, bởi chúng đã tự đổi thứ tự cho nhau. Đến đoạn khi ba vị vua tiến mang theo vàng, hương trầm và nhựa thơm, cậu bé đầu tiên nói, "Tôi xin dâng tặng ngài vàng." Cậu bé thứ hai nói, "Tôi xin dâng tặng ngài ...(ậm ừ, vì không nhớ lời thoại)". Và cậu bé thứ ba nhanh nhảu: "Frank đã gửi cái này", khiến mọi người cười ầm lên.
Điểm chung của những câu chuyện này là trẻ con sẽ luôn làm những điều chúng nghĩ. Nếu chúng không biết, chúng vẫn cứ thử làm mà không hề sợ sai.
Tôi không có ý nói rằng sai đồng nghĩa với sáng tạo. Nhưng điều mà chúng ta biết đó là, nếu bạn không sẵn sàng mắc lỗi, bạn sẽ không bao giờ có thể sáng tạo ra cái gì đó nguyên bản.
Tài năng của trẻ nên được nhìn nhận trên mọi lĩnh vực
Giáo dục triệt tiêu khả năng sáng tạo?
Đến khi trở thành người lớn, phần lớn lũ trẻ mất đi khả năng đó. Chúng trở nên sợ bị mắc lỗi. Chúng ta đang điều hành các công ty cũng theo kiểu như vậy. Chúng ta kiểm điểm những sai lầm. Và hiện nay, chúng ta đang vận hành các hệ thống giáo dục quốc gia mà ở đó, lỗi lầm là thứ tồi tệ nhất bạn có thể gây ra.
Kết quả là chúng ta đang giáo dục con người triệt tiêu khả năng sáng tạo của họ. Picasso đã từng nói rằng tất cả mọi đứa trẻ khi sinh ra đều là nghệ sĩ. Nhưng làm thế nào để vẫn là một nghệ sĩ khi ta trưởng thành mới là vấn đề.
Tôi tin tưởng chắc chắn một điều rằng: Càng lớn lên, chúng ta càng mất dần khả năng sáng tạo. Hoặc là chúng ta được giáo dục để đánh mất nó. Vậy tại sao lại như vậy?
Nếu bạn đã từng đi vòng quanh thế giới thì bạn sẽ thấy ngạc nhiên rằng: Tất cả mọi hệ thống giáo dục trên trái đất đều có chung một thứ tự ưu tiên các môn học. Các môn học đầu bảng sẽ là toán và ngôn ngữ, sau đó là khoa học nhân văn, và cuối cùng là các môn nghệ thuật.
Và trong phần lớn các hệ thống giáo dục đó, bản thân bộ môn nghệ thuật cũng có thứ tự ưu tiên riêng. Ở các trường phổ thông, mỹ thuật và âm nhạc thường được chú trọng hơn là kịch và khiêu vũ.
Không có một hệ thống giáo dục nào trên hành tinh này mà dạy trẻ em khiêu vũ mỗi ngày giống như cách dạy mà chúng ta dạy bọn trẻ môn toán học. Tại sao?
Tôi nghĩ môn toán quan trọng nhưng khiêu vũ cũng vậy. Trẻ em sẽ nhảy múa cả ngày nếu chúng được phép, và tất cả chúng ta đều thế. Tất cả chúng ta đều có thân thể, phải không? Nhưng khi bọn trẻ lớn lên chúng ta bắt đầu giáo dục chúng càng ngày càng tăng dần từ phần thắt lưng trở lên. Sau đó tập trung vào cái đầu và lệch dần về một bên.
Nếu bạn nhìn nhận về giáo dục, như là một người ngoài hành tinh, và bạn thắc mắc "Giáo dục công để làm gì?". Nếu bạn nhìn vào đầu ra, ai thực sự sẽ thành công bởi những điều này, ai làm được những thứ mà họ nên làm, ai được khen thưởng, ca ngợi, ai là người chiến thắng - tôi nghĩ bạn sẽ kết luận được toàn bộ mục đích của giáo dục công lập trên toàn thế giới là sản xuất ra những giáo sư đại học.
Đó là những người đứng đầu. Tôi cũng đã từng là một trong số đó. Và tôi cũng yêu mến các vị giáo sư đại học, nhưng quý vị biết đấy, chúng ta không nên coi họ là đỉnh điểm cao nhất trong mọi thành tựu của loài người.
Họ chỉ một hình thái khác của cuộc sống. Có một điều kỳ lạ về các giáo sư, theo kinh nghiệm của tôi, không phải tất cả, nhưng rất điển hình, là họ sống trong đầu họ. Họ sống trên đó, và hơi lệch về một bên. Tâm trí họ tách rời khỏi thể xác, có thể hiểu theo nghĩa đen. Họ coi thân thể của mình như một loại phương tiện di chuyển cho cái đầu của họ, phải vậy không? Như là một cách để đầu của họ đến các cuộc họp.
Hệ thống giáo dục hiện nay dựa trên quan niệm về khả năng học thuật. Và nó có lý do của nó. Toàn bộ hệ thống được thiết lập khắp thế giới, và không hề có một hệ thống giáo dục công nào, trước thế kỷ 19.
Chúng ra đời, để đáp ứng nhu cầu của công nghiệp hóa.Thế nên thứ tự ưu tiên đó bắt nguồn từ hai quan điểm. Điều thứ nhất, những môn nào hữu dụng nhất cho các nhóm công việc hàng đầu. Vì thế bạn có thể bị lái đi dần dần khỏi những thứ mà bạn thích khi còn bé, bởi vì bạn lo sợ rằng có thể bạn không bao giờ tìm được việc gì liên quan đến nó.
Đừng theo âm nhạc, bạn sẽ không trở thành nhạc sĩ đâu. Đừng vẽ vời gì cả, bởi rốt cuộc bạn cũng sẽ chẳng là một hoạ sĩ được. Những lời khuyên chân thành ấy đã tạo nên những sai lầm nghiêm trọng. Và kết quả là cả thế giới bị cuốn theo cuộc cách mạng công nghiệp.
(Còn nữa)
Sinh Phạm (lược dịch)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét