Trong mùa chay, Giáo Hội đưa ra ba việc chính mà chúng ta, những người tin Chúa cần lưu ý để thực hiện. Theo Phúc Âm Thánh Mathêu (Mt 6, 1-6.) được đọc trong ngày Thứ Tư Lễ Tro, ngày bắt đầu mùa chay, thì ba việc ấy là: Làm phúc, Cầu Nguyện và Ăn Chay.
Làm phúc " thì làm sao đừng để tay trái biết việc tay phải làm, để việc con bố thí được giữ kín và Cha con, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con".
Cầu nguyện," thì hãy vào phòng đóng cửa lại mà cầu xin với Cha con, Đấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con".
Ăn chay," thì đừng làm như bọn giả hình thiểu não: họ làm cho mặt mũi ủ dột, để có vẻ ăn chay trước mặt người ta... khi ăn chay, hãy xức dầu thơm trên đầu và rửa mặt, để thiên hạ không biết con ăn chay, nhưng chỉ tỏ ra cho Cha con, Đấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con".
Chúa lên án bọn giả hình. Chúng ta cũng lên án bọn giả hình. Nhưng cứ hồi tâm mà xét mình thì chúng ta cũng đang hành động như những kẻ giả hình.
Giả hình vì chúng ta không làm những việc đạo đức ấy hoàn toàn vì Chúa mà vì chúng ta, vì danh dự, vì tăm tiếng của mình và như Chúa nói kẻ giả hình đã được người đời khen ngợi rồi và không có công trạng gì trước mặt Chúa.
Đã biết danh gía ở đời chỉ là hão huyền nhưng sao người đời cứ mãi mê với cái phù du ấy? Đó là cái lắt léo của cuộc đời được sự đạo diễn tài tình lừa phỉnh của ma quỷ với sự cộng tác nhiệt tình của " cái tôi" đáng ghét. Ai cũng kinh tởm ma quỷ nhưng ma quỷ không hiện nguyên dạng với hình hài gớm ghiếc, dữ tợn, răng nanh, đuôi dài..để chúng ta tránh xa, nhưng nó phù phép che đậy với nhiều hình thức: cái tôi danh gía, quyền lực, tự ái, ghen tỵ... Nhiều khi chúng ta cứ tưởng làm việc ấy vì Chúa, nhưng nghĩ kỹ lại thì chúng ta làm vì chúng ta. Chúng ta đã vô tình lợi dụng Chúa mà thôi.Chúa bị chúng ta đánh lừa vì Chúa luôn yêu thương, sẵn sàng và kiên nhẫn đợi chờ chúng ta nhận ra lỗi lầm mà ăn năn trở lại .
Có những lễ hội tôn giáo mà trong đó người ta chúc tụng nhau, tán thưởng nhau, ghi công nhau, cám ơn nhau nhưng không thấy hình bóng Chúa Giêsu ở đâu cả. Thế mà những người vất vả tổ chức cuộc lễ cứ luôn miệng nói chúng ta hy sinh vì Chúa, làm việc này vì Chúa.Giống như gia đình giàu có kia tổ chức mừng thượng thọ ông bố, trong khi ông bố thì bị nhốt ở trong phòng riêng vì lý do thể diện với khách mời, và các con ông đều thành đạt cả, đứa thì ông này, đứa thì bà nọ, họ săn đón chào mừng khách quý của họ. Tất cả chủ, khách đều vui say nhảy nhót. Đến khuya mọi người mới biết là ông cụ đã chết trong phòng do bị nhồi máu cơ tim. Cuộc vui biến thành đám tang. Mọi người nguyền rủa những đứa con bất hiếu.
Có khi nào chúng ta cũng đã vô tình hành xử như những người con trong gia đình này đối với bố của họ không? Chúa có chiếm một vị trí quan trọng nào trong tâm hồn mình, trong nhà mình, trong hội đoàn mình không ? Chớ gì mùa chay sẽ giúp tôi nhìn lại cách sống của mình để có thể yêu mến Chúa nhiều hơn.
Nguyên nhân nào làm cho con người thích khoe khoang về mình, làm phúc cũng khoe, cầu nguyện cũng khoe và ăn chay cũng khoe? Lẽ thường tình, con người thích được ca tụng, thích được tiếng tốt cho nên cần phải khoe khoang. Tôi nhớ có một ông thích nói trước đám đông, ông nhất đình không chịu nhường cái mirco phone cho người khác đến nỗi người ta phải tắt máy đi. Chúng ta cười ông này, nhưng xét cho cùng, có lúc chúng ta cũng hành xử tương tự. Sự khoe khoang, giả dối, hợm hĩnh ấy làm tiêu tan bao công sức của chúng ta và cũng là nguyên nhân của bao nhiêu bất đồng, bao nhiêu hệ lụy nảy sinh trong các sinh hoạt nơi các giáo xứ, nơi các hội đoàn, phong trào ..
Theo các nhà tâm lý, người ta mải mê đi tìm cái mà mình thiếu. Kẻ thiếu tiền của thì tìm mọi cách để kiếm tiền, kẻ thiếu vắng danh vọng thì đi tìm danh vọng. Không phải tất cả mọi người, nhưng cũng có người đi tìm dang vọng bằng cách dấn thân làm một công việc gì đó có tích cách xã hội, hay tôn giáo để khỏa lấp cái khát vọng tâm linh của mình. Cái khát vọng tâm linh ấy là được người ta kính nể, được trọng vọng, được khen ngợi. Trong trường hợp này, thì mục đích cao đẹp của công tác xã hội, mục đích làm sáng danh Chúa chỉ là bình phong để lấp đầy cái chỗ trống vắng trong tâm hồn họ mà thôi. Mong rằng chúng ta sẽ không rơi vào trường hợp này khi tham gia công tác tông đồ.
Nếu hăng say dấn thân làm việc này việc nọ nơi nhà thờ, nơi các hội đoàn mà chỉ vì tiếng khen thì chắc là ít người tham gia lắm. Nhưng nếu khi tham gia chỉ vì lòng yêu mến Chúa, chỉ vì tinh thần phục vụ thuần túy thì e cũng không có nhiều người . Len lỏi giữa hai gianh giới đó lá cái tôi ẩn nấp dười nhiều hình thức. Làm việc thì cũng cần được đánh giá ở mức độ nào đó. Mà muốn được đánh gía là tốt thì cần phải nhiều người biết . Ma quỷ thường che dấu sự khoe khoang của chúng ta bằng cái vỏ khiêm nhường . Cái tôi là hiện thân của ma quỷ. Cái tôi thường đưa ra trăm ngàn lý do để chúng ta đánh bóng nó mà cứ như là chúng ta đang rất khiêm nhường .
Nếu tôi ở trong ban Phụng Vụ, hôm nay là đến lượt tôi đọc Phụng Vụ Lời Chúa. Tôi đã chuẩn bị đâu vào đó rồi kể cả việc lo quần áo tươm tất nữa. Thế mà vì một lý do nào đó tôi được yêu cầu nhường cho người khác. Tôi có vui vẻ chấp nhận không ? Vui vẻ nhiều hay ít, bực mình ít hay nhiều là do cái tôi trong mình nhỏ hay to? Nếu tôi thực sự không một chút bực mình mà vui vẻ chấp nhận ngay thì may ra tôi mới có lòng khiêm nhường.
Có thể lúc đó tôi sẽ lý luận như thề này."Tôi không cần phải đọc Phụng Vụ Lời Chúa ngày hôm nay, chẳng đọc cũng không sao, nhưng làm việc như thế là thiếu tổ chức, là các anh chị tự tiện quá . Tôi nói đây là vì lợi ích chung cho mọi người chứ chẳng phải vì tôi đâu...". Tôi hoàn toàn có lý, nhưng tự trong đáy tâm hồn của tôi, có phải tôi bực mình lắm không? Có phải tôi cảm thấy bị tổn thương không? Có phải tôi muốn bỏ ra về không ? Chẳng ai biết tôi bằng chính tôi. Khiêm nhường là ở chỗ chấp nhận thua thiệt vì mến yêu Chúa.
Tôi có nghĩ rằng nếu thiếu vắng tôi, hay thiếu phần đóng góp của tôi thì ban phụng vụ này, hội đoàn này, phong trào này sẽ sinh hoạt khác như hiện nay không? Nếu tôi cho rằng tôi đã giúp cho những hội đoàn này, phong trào này khá hơn là tôi đã không khiêm nhường đủ, tôi đã bắt đầu khoe khoang về thành tích của tôi rồi.
Tôi có bao giờ nghĩ mình là nhân vật quan trọng trong các hội đoàn tôi đang sinh hoạt không? Nếu tôi nghĩ là mình giữ vai trò quan trọng nào đó, nếu mà thiếu tôi thì hội đoàn này sẽ đi xuống... thì tôi đã lầm lẫn rồi. Không có tôi mọi việc vẫn tiến hành tốt đẹp như hiện nay. Nếu tôi không khiêm nhường đủ thì có thể tôi lại trở thành rào cản cho sự phát triển chung đấy.
Chúa dạy chúng ta khiêm nhường trong lòng, nhưng chúng ta lại thích khiêm nhường bên ngoài . Khiêm nhường bên ngoài là sự lừa dối chính mình, nó đánh bóng cá nhân và đang mong chờ được khen ngợi vì anh/chị ấy khiêm nhường quá!
Nơi các hội đoàn, phong trào luôn có sự kêu gọi hiệp nhất yêu thương. Mỗi người hãy mang ngọn lửa yêu thương nhỏ bé đến các nơi mình đang sinh hoạt và với lòng khiêm nhường, mơ uớc làm tông đồ của Chúa, Chúa sẽ làm cho những ngọn lửa yêu thương ấy bùng lên lan tỏa trên khắp thế giới vì chính Chúa là Cha Yêu Thương.
Để làm được những điều mơ ước trên đây, điều tối cần là chúng ta biết quên mình. Khi còn cái tôi, còn cái mình đầy tự mãn thì chúng ta cứ mãi luẩn quẩn trong vở kịch lừa dối mà không thực sự theo Chúa được. Chỉ khi nào tôi thực sự biết bỏ mình, biết chấp nhận thập giá mỗi ngày, nghĩa là tôi cam tâm chịu thiệt thòi, chịu nép vế, chịu là người sau chót...thì tôi mới có thể theo Chúa được. "Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta". (Luca 9,22-25).
Lạy Chúa, Chúa biết chúng con yếu đuối và nhiều thiếu xót. Xin Chúa thêm sức mạnh và bổ khuyết những bất toàn nơi chúng con để chúng con được kiên trì sống trong khiêm nhường, phó thác nơi Chúa và dám dấn thân cộng tác với anh chị em trong việc thánh hóa bản thân và phúc âm hóa môi trường chúng con đang sống. Chúng con tin tưởng ơn của Chúa sẽ đủ cho chúng con.
Nhân dịp Đức Thánh Cha công bố Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền Thông Năm 2012, chúng tôi xin điểm hầu quý vị và các bạn một số những suy tư về những khía cạnh tích cực và tiêu cực của Inter
Ngay từ những ngày đầu của kỹ thuật Internet, Giáo Hội đã thấy ở đây những cơ hội thật bất ngờ và lớn lao. Nó cho phép người ta trực tiếp và tức khắc tiếp cận những tài nguyên tôn giáo và tâm linh quan trọng - những thư viện khổng lồ, những nhà bảo tàng và những nơi thờ phượng, những văn kiện giáo huấn của Huấn Quyền, những bài viết của các Giáo Phụ và các Tiến Sĩ Hội Thánh và kho tàng khôn ngoan tôn giáo của nhiều thời đại. Internet có một khả năng đáng kể để vượt qua khoảng cách và sự cô lập, giúp con người có thể tiếp xúc với những người thiện chí có cùng tư tưởng, những người gia nhập vào những cộng đoàn đức tin ảo (virtual communities of faith) để khích lệ và nâng đỡ lẫn nhau. Giáo Hội có thể thực thi một sự phục vụ quan trọng cho người Công Giáo cũng như không Công Giáo bằng sự lựa chọn và truyền đi những dữ liệu hữu ích qua phương tiện truyền thông này.
Chúng ta có thể nói như Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: “Chúa đang đặt vào tay chúng ta một phương tiện truyền bá sứ điệp của Đức Kitô vượt quá trí tưởng tượng phong phú nhất của những người truyền giảng Tin Mừng đi trước chúng ta”.
Tuy nhiên, đồng tiền có hai mặt. Phương tiện truyền thông mới này trong khi có thể được dùng cho lợi ích của cá nhân, gia đình, cộng đồng, xã hội và Giáo Hội thì chính nó cũng có thể được dùng để khai thác, gây ảnh hưởng, thống trị và làm băng hoại. Mặt trái tối tăm của đồng tiền này là những tác hại khôn lường cho mỗi người trong chúng ta, cho gia đình chúng ta, cho Giáo Hội và xã hội.
Một trong những vấn đề trầm trọng nhất là những hình ảnh dâm dục trên Internet
Ngay những ngày đầu của Internet, người ta đã thấy trước hiểm họa này. Tuy nhiên, tất cả những cố gắng ngăn chặn đều tỏ ra vô hiệu, phần lớn vì thái độ không quyết tâm của chính quyền các nước. Quyền tự do phát biểu đã được các chính quyền nại ra để tránh né phải đối đầu với những thế lực tư bản khổng lồ trong kỹ nghệ hình khiêu dâm trên Net. Hiện tượng hình ảnh, sách báo dâm dục là một thực trạng kinh hoàng. Các hình ảnh khiêu dâm đã tràn lan hơn bao giờ trong lịch sử loài người.
Trong thư Mục Vụ nhan đề “Giá phải trả: Những hình ảnh khiêu dâm và cuộc tấn công vào Đền Thờ Sống Động của Thiên Chúa”, Đức Cha Paul Loverde, Giám Mục giáo phận Virginia, Hoa Kỳ đã lên tiếng báo động về thực trạng kinh hoàng đang hoành hành như một trận dịch khổng lồ cướp đi linh hồn người ta và tàn phá hôn nhân gia đình.
Đức Cha Loverde nhận định: “Ngày nay có lẽ hơn bao giờ, người ta thấy hồng ân thị giác của mình và qua đó là viễn ảnh về Thiên Chúa bị bóp méo bởi những hình ảnh dâm dục tội lỗi. Chúng cản trở và hủy hoại khả năng con người nhìn thấy tha nhân như những biểu hiện độc đáo và đẹp đẽ của kỳ công sáng tạo của Thiên Chúa. Thay vào đó chúng làm tối tăm tầm nhìn của họ, khiến họ nhìn người khác như những thứ để lợi dụng và lèo lái”.
Lo ngại của Đức Cha Loverde hoàn toàn có căn cứ. Thật vậy, trong số ra ngày 28/5/2006, tờ Independent tại Anh công bố một kết quả nghiên cứu về việc truy nhập vào các trang chuyên cung cấp các hình ảnh khiêu dâm trên Net. Cuộc nghiên cứu được thực hiện bởi Nielsen NetRatings cho thấy hơn 40% người nam tại Anh đã truy nhập vào các trang dâm dục trong năm 2005.
Cuộc nghiên cứu cũng ghi nhận hơn 50% trẻ em tại Anh đã vào các trang dâm dục trong khi “đang tìm kiếm những thứ khác”.
Một khi computer đã nối vào Internet thì việc truy cập vào các trang dâm dục là vô cùng dễ dàng, nếu người sử dụng chủ ý muốn truy cập vào các trang đó. Điều đáng quan ngại là trong nhiều trường hợp, người dùng không chủ ý vào các trang này nhưng các chương trình tìm kiếm trên Internet cũng vẫn trình bày ra những hình ảnh khiêu dâm hay những nối kết (links) dẫn vào các trang dâm dục.
Trong số ra ngày 10/11/2006 tờ Colorado Catholic Herald ghi nhận rằng những người thường truy cập vào các trang dâm dục trên Net thường nhanh chóng trở thành nghiện ngập. Ông Dan Spadaro của Trung Tâm Tư Vấn Imago Dei Counseling ở Colorado Springs cho biết thêm: “Khi tình trạng nghiện ngập này đạt đến một mức độ nào đó, tính dục thay vì hướng đến một quan hệ yêu thương, nó chỉ còn đơn thuần như một cảm giác”, và khi đó người ta có khuynh hướng “tìm những cảm giác lạ hơn”.
Thật vậy, tại Úc Châu, tờ The Age ở Melbourne, trong số ra ngày 4/6/2006 cảnh cáo rằng những người thường truy cập vào các trang dâm dục cũng thường là những kẻ “săn tình trên Net”, và những “mối tình trên Internet này” đang làm gẫy đổ hạnh phúc của nhiều gia đình. Bà Simone Buzwell, giáo sư môn Tâm Lý tại Đại Học Swinburne cho biết “nhiều mối quan hệ hôn nhân bị tan nát bởi những mối tình bí mật trên mạng, trong khi các luật sư cho biết ngày càng có sự gia tăng những vụ li dị có liên quan đến Internet”.
Trong báo cáo nhan đề "Finding Love Online" (Tìm Tình Trên Mạng), bà Simone Buzwell đã phỏng vấn hơn 1000 người có dính líu đến những mối tình trên Net và ghi nhận rằng hơn một nửa số người được phỏng vấn nhìn nhận đã đi xa đến mức có quan hệ tính dục với người “bạn tình” trên Net.
Trong số ra ngày 16/8/2006 tờ Christian Science Monitor tại Hoa Kỳ ghi nhận rằng những hình ảnh khiêu dâm trên Net đang làm thay đổi nhân cách nhiều người theo chiều hướng xấu đi và bạo lực. Corydon Hammond, đồng giám đốc của Trung Tâm Tính Dục và Hôn Nhân tại Đại Học Utah cho biết: “Tôi chưa từng thấy một kẻ tấn công tính dục nào lại không có dính líu đến những hình ảnh dâm ô”.
Tờ Colorado Catholic Herald cho biết đối với những kẻ nghiện hình dâm ô, tất cả các mối quan hệ quan trọng đều bị dẹp qua một bên. Những kẻ nghiện thường có khuynh hướng phủ nhận các vấn nạn hay đổ lỗi cho người khác. Ông Dan Spadaro ghi nhận những kẻ nghiện này thường phải chống đỡ với những u uất.
Dan Spadaro cũng lưu ý rằng việc những người chồng truy nhập vào những trang dâm ô gây ra một ảnh hưởng tiêu cực nơi người vợ. Với những người chồng công khai xem những hình ảnh này, người vợ cảm thấy lo ngại mình không đủ hấp lực để giữ nổi hạnh phúc gia đình. Trong khi với những người chồng lén lút truy nhập vào các trang dâm ô, người vợ cảm thấy bị phản bội hay là nạn nhân của những lời dối trá.
Một chuyên gia tâm lý khác, ông Rob Jackson, nói với tờ Colorado Catholic Herald rằng những bà vợ của những ông chồng nghiện hình ảnh dâm ô thường có “những biểu hiện phức tạp về cảm xúc bao gồm giận dữ, buồn phiền và u uất”.
Văn hóa của thế giới ngày nay thường coi vấn đề hình ảnh dâm ô chỉ là một sự yếu đuối cá nhân, người ta thường tình; hay ngay cả một thú vui hợp pháp. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh với ông bà và anh chị em rằng việc nhìn ngắm những hình ảnh dâm ô này là một tội trọng, một lỗi hết sức nghiêm trọng, như đã được nêu trong sách Giáo Lý Công Giáo câu 2354.
Tính chất vô luân của hành vi này là ở chỗ nó xuyên tạc sự thật về tính dục của con người. Và do đó, điều đáng lẽ là biểu hiệu sự kết hiệp thân mật của đôi lứa trong cuộc sống và trong tình yêu thì giờ đây bị giản lược thành một thứ giải trí tầm thường hay ngay cả một thứ lợi ích cho những kẻ khác.
Đức Cha Loverde cảnh cáo rằng các hình ảnh dâm ô phương hại đức khiết tịnh vì nó dẫn đến những ý nghĩ dơ bẩn trong trí người nhìn nó và thường dẫn đến các hành vi đồi bại như thủ dâm hay ngoại tình.
Các hình ảnh dâm ô cũng vi phạm công lý. Vì chúng gây ra các thương tổn nghiêm trọng cho phẩm giá những người dự phần, mỗi người trong đó trở thành vật mua vui hay thứ dùng để đem lại lợi nhuận cho kẻ khác.
Các hình ảnh dâm ô dìm tất cả những kẻ dự phần vào trong một thế giới đầy ảo tưởng, trong đó con người hướng chú ý và tình cảm của mình khỏi người phối ngẫu của mình. Chúng làm cho những người nam nữ ngày nay khó lòng sống trung tín với nhau hơn bao giờ.
Trí thông minh rất dễ nhận thấy, nhưng không phải ai cũng biết con mình có một tài năng xuất chúng. Trong phần tiếp theo của bài thuyết trình "giáo dục triệt tiêu khả năng sáng tạo", diễn giả Ken Robinson nêu những quan niệm về tương lai của giáo dục, nhìn nhận lại "trí thông minh".
Bên cạnh quan điểm "môn học nào hữu dụng nhất cho các nhóm công việc hàng đầu", thì quan điểm thứ hai ảnh hưởng đến thự tự ưu tiên các môn học trong nhà trường chính là khả năng học thuật.
Đây là một phạm trù đã ngự trị trong cách nhìn nhận của chúng ta về trí thông minh, bởi các trường đại học đã vạch ra hệ thống này theo ý niệm của họ.
Toàn bộ hệ thống giáo dục công trên thế giới là một quá trình kéo dài để dẫn tới cổng trường đại học. Và hậu quả là rất nhiều người tài năng, thông minh, sáng tạo không được mọi người nhìn nhận và đánh giá đúng. Bởi những khả năng mà họ thể hiện ở trường học lại bị cho là không có giá trị gì, thậm chí còn bị bêu xấu.
Và tôi nghĩ chúng ta không thể cứ tiếp tục như vậy.
Trong 30 năm tới, theo UNESCO, số người tốt nghiệp các trường lớp trên toàn thế giới sẽ lớn nhất trong lịch sử. Bỗng nhiên, bằng cấp sẽ không còn giá trị nữa. Thời tôi còn là sinh viên, nếu bạn có bằng, bạn sẽ có được một công việc. Còn nếu bạn không có, nghĩa là vì bạn không muốn có!
Nhưng bây giờ những bạn trẻ có bằng cấp, thường quay về nhà, tiếp tục chơi điện tử. Bởi vì một công việc mà trước đây chỉ đòi hỏi bằng cử nhân, thì bây giờ lại yêu cầu phải có bằng thạc sĩ. Thậm chí, bây giờ bạn cần có cả bằng tiến sĩ để làm một số công việc khác.
Đó là một quá trình lạm phát học thuật. Và nó chỉ ra toàn bộ cấu trúc của giáo dục đang trượt xuống dưới chân chúng ta. Chúng ta cần suy nghĩ lại một cách căn bản và triệt để về trí thông minh.
Ba điều về trí thông minh
Chúng ta biết ba điều về trí thông minh. Thứ nhất, nó đa dạng. Chúng ta suy nghĩ về thế giới theo mọi cách mà chúng ta trải nghiệm nó. Ta suy nghĩ bằng trực quan, bằng âm thanh, và bằng tất cả những vận động của cơ thể ta. Ta suy nghĩ qua ngôn ngữ trừu tượng và qua cả những biến đổi xung quanh.
Thứ hai, trí thông minh rất năng động. Nếu bạn để ý đến sự tương tác của não bộ thì có thể thấy trí thông minh tương tác một cách diệu kỳ. Bộ não không chia thành các phần tách biệt.
Thật ra, tính sáng tạo, mà tôi định nghĩa như một quá trình sở hữu những ý tưởng nguyên bản có giá trị, thường xảy ra trong quá trình tương tác của những cách thức rèn luyện trí óc khác nhau khi nhìn nhận một vấn đề.
Và điều thứ 3 về trí thông minh, đó là sự khác biệt.
Phát hiện tài năng xuất chúng
Tôi đang viết một cuốn sách dựa trên một loạt phỏng vấn với nhiều người, về việc họ phát hiện ra tài năng của mình ra sao. Tôi bị mê hoặc bởi cách họ khám phá điều đó.
Nó được thôi thúc bởi một lần nói chuyện với một phụ nữ tuyệt vời tên là Gillian Lynne. Cô ấy là nghệ sĩ múa và mọi người đều biết các tác phẩm của cô.
Khi tôi hỏi: "Gillian, cô trở thành nghệ sĩ múa như nào?", cô ấy nói điều đó khá thú vị. Vào những năm 30, khi cô còn học ở nhà trường, cô cảm thấy rất tuyệt vọng. Và nhà trường đã gửi thư cho bố mẹ cô và phàn nàn: Chúng tôi nghĩ Gillian bị rối loạn trong chuyện học hành." Gillian không thể tập trung và luôn bồn chồn, đứng ngồi không yên.
Tôi nghĩ bây giờ người ta sẽ nói cô ấy bị rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD). Nhưng đó là năm 1930, và khái niệm ADHD còn chưa ra đời lúc đó. Người ta đã không nhận thức được rằng con người có thể có triệu chứng đó.
Trở lại câu chuyện, cô ấy được mẹ dẫn đi gặp một bác sĩ chuyên khoa. Gillian được dẫn tới ngồi trên một chiếc ghế cuối phòng, và cô ấy nhấp nhổm suốt 20 phút trong khi vị bác sĩ nói chuyện với mẹ cô về mọi vấn đề mà Gillian gặp phải ở trường như luôn làm phiền mọi người, bài tập về nhà luôn nộp muộn… và rất nhiều những rắc rối khác của một đứa bé 8 tuổi.
Cuối cùng, vị bác sĩ tới ngồi cạnh Gillian và nói, "Gillian, ta đã nghe mọi chuyện mà mẹ cháu đã kể, và ta cần nói chuyện riêng với bà ấy." Ông ấy nói tiếp: "Cháu hãy đợi ở đây, chúng ta sẽ quay lại, không lâu đâu" và họ rời khỏi phòng, để cô ấy lại. Nhưng trước khi họ bước ra, ông bác sĩ bật chiếc đài đặt trên bàn của ông ấy.
Khi hai người đã ra khỏi phòng, ông ấy nói với mẹ cô, "Hãy đứng và xem con bé." Và Gillian kể rằng, giây phút họ rời khỏi phòng, cô ấy đứng dậy, bắt đầu di chuyển theo nhạc. Hai người họ đứng theo dõi vài phút, rồi ông bác sĩ quay sang mẹ cô và nói, "Bà Lynne, Gillian không bị bệnh, cô bé là một nghệ sĩ múa." Hãy để cô bé theo học trường múa".
Và mẹ cô đã làm theo lời của bác sỹ. “Tôi không thể diễn tả điều tuyệt vời đó. Chúng tôi bước vào căn phòng có toàn những người như tôi. Những người không thể ngồi yên. Những người phải di chuyển để suy nghĩ”, Gillian chia sẻ.
Cô ấy đã thi vào trường múa balê hoàng gia, rồi trở thành vũ công, với những thành tích tuyệt vời ở ngôi trường danh tiếng này. Sau khi tốt nghiệp, cô còn thành lập công ty riêng của mình hoạt động về lĩnh vực mà cô yêu thích. Cô ấy chịu trách nhiệm sản xuất những vở nhạc kịch thành công nhất trong lịch sử, cô ấy đã đem lại niềm vui cho hàng triệu người và hơn nữa cô còn là một triệu phú. Vậy mà, một ai khác có thể đã bắt cô điều trị bệnh và yêu cầu cô phải học cách điềm tĩnh.
Tôi tin rằng niềm hy vọng duy nhất cho tương lai là tiếp nhận một quan niệm mới về nhân sinh học, mà trong đó chúng ta bắt đầu xây dựng lại nhận thức của chúng ta về khả năng dồi dào của con người.
Hệ thống giáo dục của chúng ta đã định hướng suy nghĩ của chúng ta theo hướng bóc lột Trái Đất để đạt được những tiện nghi đặc biệt. Và trong tương lai, nó sẽ không thể đáp ứng được chúng ta nữa. Chúng ta phải nghĩ lại những nguyên tắc nền tảng mà dựa trên đó chúng ra đang dạy dỗ thế hệ trẻ.
Có một câu nói tuyệt vời của Jonas Salk rằng "Nếu tất cả côn trùng biến mất khỏi trái đất, trong vòng năm mươi năm sự sống trên Trái Đất sẽ chấm dứt.Nếu tất cả loài người biến mất khỏi trái đất, trong vòng năm mươi năm tất cả sự sống sẽ sum xuê." Và ông ấy nói đúng.
Điều mà TED đề cao là khả năng tưởng tượng của con người. Chúng ta giờ đây phải sử dụng khả năng này một cách cẩn trọng, thông thái. Cách duy nhất chúng ta có thể làm điều đó là thấy được sự dồi dào của khả năng sáng tạo của chúng ta, và thấy được niềm hy vọng vào thế hệ trẻ.
Nhiệm vụ của chúng ta là giáo dục chúng một cách toàn diện, để chúng có thể đối mặt được với tương lại. Mặc dù có thể chúng ta không được chứng kiến tương lai này, nhưng thế hệ trẻ sẽ được. Và trách nhiệm của chung ta là giúp đỡ chúng làm được điều gì có ích cho tương lai đó.
- Tất cả trẻ em đều có tài năng, nhưng dường như chính hệ thống giáo dục hiện nay đang triệt tiêu dần khả năng sáng tạo của các em.
Lời tòa soạn: Chuỗi hội thảo công nghệ, giải trí, thiết kế (viết tắt là TED - Technology Entertainment Design) là cuộc hội thảo lưu động, quy tụ rất nhiều tinh hoa của thế giới như: Bill Clinton, Gorden Brown, Bill Gates, Mark Zuckerberg (“ông chủ” Facebook), Larry Page và Sergey (những nhà sáng lập ra Google)... cùng rất nhiều những người đoạt giải Nobel và các chuyên gia, học giả ưu tú trên nhiều lĩnh vực khác. Họ đến đây để trình bày những vấn đề quan trọng, với mong muốn có thể góp phần thay đổi thế giới.
Cách đây sáu năm, một chuyên gia về sáng tạo đến từ Anh, ngài Ken Robinson đã làm thế giới dấy lên nhiều suy nghĩ về hệ thống giáo dục trên toàn thế giới, cách nhìn nhận lại về trí thông minh, sự tu dưỡng khả năng sáng tạo và cách phát hiện tài năng xuất chúng của con người.
Để giúp các bậc cha mẹ tham khảo một quan điểm về giáo dục tài năng của trẻ em, VietNamNet giới thiệu bài thuyết trình nổi tiếng này. Bài thuyết trình thu hút hơn 8 triệu lượt xem và rất nhiều bình luận (comment) cho một chủ đề nghiêm túc. Do dung lượng dài, phần lược dịch được chia thành 2 phần.
Học giả Ken Robinson đã đưa ra một luận điểm mới về cách đánh giá trí thông minh.
Tất cả trẻ em đều tài năng
Cuộc hội thảo này có ba chủ đề chính xuyên suốt. Thứ nhất là bằng chứng đáng kinh ngạc về sức sáng tạo của con người cũng như sự đa dạng và phạm vi của nó.
Thứ hai là chính điều đó đặt chúng ta vào một vị trí mà chúng ta không có một ý niệm gì về những chuyện sẽ xảy ra trong tương lai, không tưởng tượng được mọi thứ sẽ diễn ra như thế nào.
Chúng ta có sự quan tâm lớn đối với giáo dục vì nó ảnh hưởng sâu sắc tới chúng ta, giống như tôn giáo, tiền bạc và những thứ thiết yếu khác vậy. Đó là phương tiện để đưa chúng ta tới một tương lai mà ta chưa thể nắm bắt được.
Hãy nghĩ mà xem, những đứa trẻ bắt đầu đi học năm nay sẽ nghỉ hưu vào năm 2065. Không ai trong chúng ta biết thế giới sẽ ra sao trong năm năm tới. Vậy mà bằng bất cứ giá nào, chúng ta vẫn phải giáo dục bọn trẻ cho tương lai.
Và vì thế, chủ đề thứ ba của hội thảo này sẽ là về khả năng sáng tạo đặc biệt của trẻ em.
Luận điểm của tôi là, tất cả trẻ em đều rất tài năng. Nhưng chúng ta đã phung phí điều đó một cách không thương tiếc.
Bởi thế, tôi muốn nói đến giáo dục và khả năng sáng tạo. Luận điểm của tôi trong vấn đền này là ngày nay tính sáng tạo trong giáo dục cũng quan trọng như khả năng biết đọc, biết viết vậy. Và chúng ta cần quan tâm tới chúng ở mức độ ngang nhau.
Mới đây, tôi đã được nghe kể một câu chuyện rất thú vị về một cô bé trong giờ học hội họa.
Cô bé đó 6 tuổi và ngồi ở cuối lớp, hí hoáy vẽ. Giáo viên nói rằng cô bé hiếm khi chịu tập trung chú ý, nhưng trong giờ học hôm nay thì lại khác hẳn.
Cô giáo thấy tò mò nên hỏi: Em đang vẽ gì thế?.
Cô bé trả lời, "Em đang vẽ Chúa trời ạ." Cô giáo lại nói "Nhưng không ai biết Chúa trời trông như thế nào cả." Và con bé hồn nhiên đáp: "Họ sẽ biết trong một phút nữa thôi ạ. "
Một câu chuyện khác, khi con trai tôi bốn tuổi, nó có một vai trong vở kịch “Truyền thuyết sự ra đời của Chúa”.
Chúng tôi ngồi phía dưới, và tôi nghĩ chúng bị sai kịch bản, bởi chúng đã tự đổi thứ tự cho nhau. Đến đoạn khi ba vị vua tiến mang theo vàng, hương trầm và nhựa thơm, cậu bé đầu tiên nói, "Tôi xin dâng tặng ngài vàng." Cậu bé thứ hai nói, "Tôi xin dâng tặng ngài ...(ậm ừ, vì không nhớ lời thoại)". Và cậu bé thứ ba nhanh nhảu: "Frank đã gửi cái này", khiến mọi người cười ầm lên.
Điểm chung của những câu chuyện này là trẻ con sẽ luôn làm những điều chúng nghĩ. Nếu chúng không biết, chúng vẫn cứ thử làm mà không hề sợ sai.
Tôi không có ý nói rằng sai đồng nghĩa với sáng tạo. Nhưng điều mà chúng ta biết đó là, nếu bạn không sẵn sàng mắc lỗi, bạn sẽ không bao giờ có thể sáng tạo ra cái gì đó nguyên bản.
Tài năng của trẻ nên được nhìn nhận trên mọi lĩnh vực
Giáo dục triệt tiêu khả năng sáng tạo?
Đến khi trở thành người lớn, phần lớn lũ trẻ mất đi khả năng đó. Chúng trở nên sợ bị mắc lỗi. Chúng ta đang điều hành các công ty cũng theo kiểu như vậy. Chúng ta kiểm điểm những sai lầm. Và hiện nay, chúng ta đang vận hành các hệ thống giáo dục quốc gia mà ở đó, lỗi lầm là thứ tồi tệ nhất bạn có thể gây ra.
Kết quả là chúng ta đang giáo dục con người triệt tiêu khả năng sáng tạo của họ. Picasso đã từng nói rằng tất cả mọi đứa trẻ khi sinh ra đều là nghệ sĩ. Nhưng làm thế nào để vẫn là một nghệ sĩ khi ta trưởng thành mới là vấn đề.
Tôi tin tưởng chắc chắn một điều rằng: Càng lớn lên, chúng ta càng mất dần khả năng sáng tạo. Hoặc là chúng ta được giáo dục để đánh mất nó. Vậy tại sao lại như vậy?
Nếu bạn đã từng đi vòng quanh thế giới thì bạn sẽ thấy ngạc nhiên rằng: Tất cả mọi hệ thống giáo dục trên trái đất đều có chung một thứ tự ưu tiên các môn học. Các môn học đầu bảng sẽ là toán và ngôn ngữ, sau đó là khoa học nhân văn, và cuối cùng là các môn nghệ thuật.
Và trong phần lớn các hệ thống giáo dục đó, bản thân bộ môn nghệ thuật cũng có thứ tự ưu tiên riêng. Ở các trường phổ thông, mỹ thuật và âm nhạc thường được chú trọng hơn là kịch và khiêu vũ.
Không có một hệ thống giáo dục nào trên hành tinh này mà dạy trẻ em khiêu vũ mỗi ngày giống như cách dạy mà chúng ta dạy bọn trẻ môn toán học. Tại sao?
Tôi nghĩ môn toán quan trọng nhưng khiêu vũ cũng vậy. Trẻ em sẽ nhảy múa cả ngày nếu chúng được phép, và tất cả chúng ta đều thế. Tất cả chúng ta đều có thân thể, phải không? Nhưng khi bọn trẻ lớn lên chúng ta bắt đầu giáo dục chúng càng ngày càng tăng dần từ phần thắt lưng trở lên. Sau đó tập trung vào cái đầu và lệch dần về một bên.
Nếu bạn nhìn nhận về giáo dục, như là một người ngoài hành tinh, và bạn thắc mắc "Giáo dục công để làm gì?". Nếu bạn nhìn vào đầu ra, ai thực sự sẽ thành công bởi những điều này, ai làm được những thứ mà họ nên làm, ai được khen thưởng, ca ngợi, ai là người chiến thắng - tôi nghĩ bạn sẽ kết luận được toàn bộ mục đích của giáo dục công lập trên toàn thế giới là sản xuất ra những giáo sư đại học.
Đó là những người đứng đầu. Tôi cũng đã từng là một trong số đó. Và tôi cũng yêu mến các vị giáo sư đại học, nhưng quý vị biết đấy, chúng ta không nên coi họ là đỉnh điểm cao nhất trong mọi thành tựu của loài người.
Họ chỉ một hình thái khác của cuộc sống. Có một điều kỳ lạ về các giáo sư, theo kinh nghiệm của tôi, không phải tất cả, nhưng rất điển hình, là họ sống trong đầu họ. Họ sống trên đó, và hơi lệch về một bên. Tâm trí họ tách rời khỏi thể xác, có thể hiểu theo nghĩa đen. Họ coi thân thể của mình như một loại phương tiện di chuyển cho cái đầu của họ, phải vậy không? Như là một cách để đầu của họ đến các cuộc họp.
Hệ thống giáo dục hiện nay dựa trên quan niệm về khả năng học thuật. Và nó có lý do của nó. Toàn bộ hệ thống được thiết lập khắp thế giới, và không hề có một hệ thống giáo dục công nào, trước thế kỷ 19.
Chúng ra đời, để đáp ứng nhu cầu của công nghiệp hóa.Thế nên thứ tự ưu tiên đó bắt nguồn từ hai quan điểm. Điều thứ nhất, những môn nào hữu dụng nhất cho các nhóm công việc hàng đầu. Vì thế bạn có thể bị lái đi dần dần khỏi những thứ mà bạn thích khi còn bé, bởi vì bạn lo sợ rằng có thể bạn không bao giờ tìm được việc gì liên quan đến nó.
Đừng theo âm nhạc, bạn sẽ không trở thành nhạc sĩ đâu. Đừng vẽ vời gì cả, bởi rốt cuộc bạn cũng sẽ chẳng là một hoạ sĩ được. Những lời khuyên chân thành ấy đã tạo nên những sai lầm nghiêm trọng. Và kết quả là cả thế giới bị cuốn theo cuộc cách mạng công nghiệp.
Điểm quan trọng đầu tiên là tâm tình và cử chỉ biểu lộ lòng yêu thương trìu mến. Đối với chúng tôi, đôi vợ chồng trong cuộc sống nơi gia đình, nên luôn luôn lưu ý đến việc bày tỏ tình yêu, qua các cử chỉ dịu dàng trìu mến như vuốt ve, ôm hôn nhau, đi kèm với lời nói êm ái ngọt ngào. Đôi vợ chồng nên thường xuyên ở trong trạng thái âu yếm nhau, ngước nhìn nhau, chiều đãi nhau và tìm cách làm vui lòng nhau. Nét thân mật trìu mến trong cử chỉ và lời nói, chứng tỏ một tình yêu chân thật và tràn đầy. Nếu không có nó, thì ngay trong hành động giao hợp, là hành động cao nhất trong mối liên hệ vợ chồng, cũng sẽ mất đi cái ý nghĩa chính yếu của tình yêu đôi lứa. Xin phép nói thêm rằng, thái độ cùng cử chỉ trìu mến, không phải chỉ giới hạn giữa đôi vợ chồng, mà còn lan rộng giữa mọi phần tử trong gia đình như ông bà, cha mẹ, con cái và họ hàng v.v... Làm thế nào để trong đời sống gia đình, chúng ta không bao giờ cảm thấy quá đủ, quá dư thừa trong các cử chỉ âu yếm, biểu lộ tâm tình trìu mến.
Có lẽ có người lên tiếng phản đối, cho rằng chúng tôi quá chú trọng các cử chỉ bên ngoài, và có thể rơi vào tâm thức ”trẻ con” hoặc ”tình cảm ướt át” quá độ, vô ích! Hoặc có người sẽ nói: trở thành vợ chồng rồi, không đủ sao, mà còn phải tìm kiếm thêm những cái "phụ trội” khác? Không! Chúng tôi không quá lời, khi đề nghị những cử chỉ đơn sơ nhưng vô cùng cần thiết! Tâm tình, cử chỉ và lời nói trìu mến, chính là món quà quí báu mà mỗi người có thể trao tặng người bạn đời dấu ái, và con cái của mình, trong đời sống hàng ngày, giữa lòng một gia đình hòa điệu và hiệp nhất.
Điểm quan trọng thứ hai là, tránh xa mọi chỉ trích tiêu cực trong gia đình. Thông thường, việc chỉ trích luôn ẩn chứa một tâm tình xấu, một ý hướng xấu: vạch trần một khuyết điểm, để hạ nhục người bạn đời. Đôi khi để trút bỏ nỗi hậm hực giận dữ đang sùng sục nung nấu trong lòng! Chỉ trích luôn luôn để lại hậu quả tiêu cực. Nó phá đổ lòng tin tưởng lẫn nhau, cũng như phá đổ sự tự tin, và khiến người bị chỉ trích rơi vào mặc-cảm tự-ti. Chỉ trích là liều thuốc độc giết chết sự bình an trong gia đình. Người bạn đời khi lớn tiếng nặng lời chỉ trích, thì họ quên mất rằng: "Gia Đình là nơi nương náu, là cái tổ ấm, là chốn yêu thương, mà mỗi phần tử đều yêu thích và mong mỏi tìm về, mỗi khi gặp phản bội và thất bại bên ngoài xã hội!”
Điểm quan trọng thứ ba là, hãy biến gia đình thành nơi chốn của lời khen tặng. Vợ khen chồng. Chồng khen vợ. Cha Mẹ khen tặng con cái. Hãy quảng đại trong lời khen, và cẩn trọng dè xẻn trong tiếng chê. Hãy nhìn thấy cái hay, cái đẹp, cái tích cực nơi người bạn đời, nơi người khác, để khuyến khích và để phát huy tối đa. Tâm tình tự nhiên này, giúp đôi vợ chồng Công Giáo dễ nâng tâm hồn lên chúc tụng ngợi khen THIÊN CHÚA. Hơn thế nữa, họ còn cảm tạ tri ân THIÊN CHÚA, Đấng là Tình Yêu và là Chủ Tể sự sống.
Nói tóm lại, tình yêu vợ chồng được kiến thiết ngày qua ngày, nhờ các cử chỉ và thái độ giản dị tự nhiên nhất, nhưng cũng chân thành sâu đậm nhất. Chính tâm tình trìu mến là nét đẹp dịu dàng, xóa bỏ mọi chỉ trích tiêu cực nơi gia đình, và biến gia đình thành nơi chốn của phúc lành. Có như thế, Gia Đình Công Giáo sẽ trở thành cõi phúc, chốn an bình. Mong lắm thay! Ước gì được như vậy!
...“Oán hờn và giận dữ là những điều ghê tởm, về chuyện đó kẻ tội lỗi có biệt tài. Kẻ báo thù sẽ chuốc lấy báo thù của THIÊN CHÚA, tội lỗi nó, Người xem xét từng ly. Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác, thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha. Người với người cứ nuôi lòng hờn giận, thế mà lại xin THIÊN CHÚA chữa lành! Nó chẳng biết thương người đồng loại, mà lại dám xin tha tội cho mình! Nó chỉ là người phàm mà để tâm thù hận, thì ai sẽ xin tha tội cho nó? Hãy nhớ đến ngày tận số, mà chấm dứt thù hận, nhớ mình sẽ phải hao mòn và phải chết, mà trung thành giữ các điều răn. Hãy nhớ đến các điều răn, mà đừng oán hờn kẻ khác, nhớ đến giao ước của Đấng Tối Cao, mà không chấp nhất điều lầm lỗi”(Sách Huấn Ca 27,30/28,1-7).
(”La Madonna del Carmine”, Bimestrale dei Carmelitani, Anno LXIV, n.4, 2010, trang 12-13)
Bản dịch của Ủy ban Giáo lý Đức tin – Hội đồng Giám mục Việt Nam
--------------------------------
GIỚI THIỆU
1. Phẩm giá nhân vị phải được công nhận nơi mọi hữu thể nhân linh từ khi thụ thai cho tới lúc chết. Nguyên tắc nền tảng này nói lên thái độ hết sức kính trọng đối với sự sống con người và nguyên tắc ấy phải chiếm vị trí trung tâm trong suy tư đạo đức về nghiên cứu y-sinh học, vốn có vai trò ngày càng quan trọng hơn trong thế giới ngày nay. Huấn quyền của Hội Thánh đã nhiều lần can thiệp để lám sáng tỏ và giải quyết những vấn đề luân lí có liên hệ. Về vấn đề này, Huấn thị Donum Vitae(1) chiếm một tầm quan trọng đặc biệt. Nhưng đã hai mươi năm kể từ khi được công bố, nay đã đến lúc tài liệu ấy cần được cập nhật hóa.
Giáo huấn của Donum Vitae vẫn được bảo toàn nguyên vẹn giá trị, cả về các nguyên tắc nó dựa vào cũng như những đánh giá luân lí diễn tả nơi huấn thị đó. Thế nhưng, những công nghệ y-sinh học mới hiện nay được đem vào áp dụng trong lãnh vực tế nhị của sự sống con người và của gia đình, đang khơi lên những vấn đề xa hơn, nhất là trong lãnh vực nghiên cứu các phôi thai người, việc sử dụng các tế bào gốc cho những mục đích chữa trị cũng như trong những lãnh vực y học thực nghiệm khác. Những vấn đề mới mẻ này đòi hỏi phải có câu trả lời thích đáng. Sự tiến bộ nhanh chóng của khoa học cùng với sự lan rộng của nó nhờ các phương tiện truyền thông xã hội tạo ra những mong đợi và những băn khoăn nơi công luận ngày càng rộng khắp. Để quy định pháp lí cho những vấn đề này, các Quốc Hội (cơ quan lập pháp) thường được thôi thúc phải đưa ra những quyết định và họ đôi khi có tham khảo rộng rãi trong dân chúng.
Những lí do này đã khiến Bộ Giáo Lý Đức Tin soạn thảo một Huấn thị mới có tính giáo thuyết, để đối diện với một số vấn đề gần đây, dưới ánh sáng của các tiêu chuẩn đã được Huấn thị Donum Vitae loan báo. Huấn thị này cũng xét lại một số đề tài khác dẫu đã được bàn đến rồi, nhưng cần làm sáng tỏ hơn nữa.
2. Trong khi nghiên cúu những vấn đề này, Bộ Giáo lý Đức tin luôn quan tâm đến những khía cạnh khoa học của chúng, bằng cách dùng tới những phân tích của Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng Vì Sự Sống và nhờ đến sự cộng tác của một số lớn các chuyên gia. Tất cả điều đó được lượng giá dưới ánh sáng của các nguyên tắc nhân học kitô giáo. Các thông điệp Veritatis splendor(2)vàEvangelium Vitae (3) của Đức Gioan Phaolô II và những tham luận khác của Huấn Quyền cho những chỉ dẫn rõ ràng về phương pháp và nội dung để xem xét những vấn đề này.
Trong toàn cảnh có nhiều thứ triết học và khoa học như hiện nay, người ta có thể thấy một số lớn các nhà khoa học và triết học, trong tinh thần của lời thề Hippocrate, xem y khoa như một sự phục vụ con người mỏng giòn, nhằm chữa trị các bệnh tật, xoa dịu những đau đớn cũng như mở rộng chăm sóc cần thiết cho tất cả mọi người trong sự bình đẳng. Thế nhưng, cũng có một số người trong giới triết học và khoa học này xem những tiến bộ của công nghệ y-sinh học theo một thứ quan điểm có bản chất là ưu sinh (essentially eugenic perspective).
3. Trong khi đưa ra những nguyên tắc và những đánh giá luân lí cho nghiên cứu y-sinh học về sự sống con người, Giáo Hội Công Giáo đón lấy ánh sáng của cả lí trí lẫn đức tin, và như thế góp phần đề xuất một tầm nhìn toàn diện về con người và ơn gọi của nó. Cái nhìn đó có khả năng tiếp nhận tất cả những gì tốt đẹp đến từ những công trình của con người và từ những truyền thống văn hóa và tôn giáo khác nhau, vốn thường tỏ ra có một thái độ rất kính trọng đối với sự sống.
Huấn Quyền cũng muốn bày tỏ sự khích lệ tin tưởng đối với viễn tượng văn hóa trong đó người ta xem khoa học như một việc phục vụ cao quý cho thiện ích toàn diện của sự sống và cho phẩm giá của mỗi con người. Vì thế, Giáo Hội quan tâm đến việc nghiên cứu khoa học với niềm hy vọng, và mong muốn có nhiều kitô hữu hiến mình cho sự tiến bộ của y-sinh học để làm chứng cho đức tin của mình trong lãnh vực đó. Hơn nữa, Giáo Hội ước muốn những kết quả của việc nghiên cứu này phải làm sao sẵn sàng được đem phục vụ ở những nơi nghèo khổ và có nhiều bệnh tật trên thế giới, làm sao để những người đau khổ nhất nhận được sự trợ giúp nhân đạo. Sau cùng, Giáo Hội muốn hiện diện bên cạnh tất cả những người đau khổ, nơi thể xác và tâm hồn, để không chỉ an ủi, nhưng còn mang lại cho họ ánh sáng và niềm hy vọng. Nhờ đó, con người có thể tìm lại một ý nghĩa của bệnh tật và kinh nghiệm về cái chết, thật ra vốn là thành phần của sự sống con người và có mặt trong lịch sử của mỗi người, khai mở nó ra với mầu nhiệm Phục Sinh. Quả thật, cái nhìn của Giáo Hội luôn đầy sự tin tưởng bởi lẽ “sự sống sẽ chiến thắng: đối với chúng ta, đây là một niềm hy vọng chắc chắn. Vâng, sự sống sẽ chiến thắng, vì chân lí, sự thiện, niềm vui, sự tiến bộ đích thực đều thuộc về phía sự sống. Thiên Chúa, Đấng yêu mến sự sống và ban sự sống cách quảng đại, đứng về phía sự sống” (4).
Huấn thị này nói với các tín hữu Công giáo và tất cả những ai tìm kiếm chân lí (5). Huấn thị gồm ba phần: phần thứ nhất nhắc lại một số khía cạnh rất quan trọng về phương diện nhân học, thần học và đạo đức học; phần thứ hai đề cập đến những vấn đề mới mẻ liên hệ với việc sinh sản; phần thứ ba xem xét một số ý kiến trị liệu mới mẻ bao hàm việc cải biến phôi và gia sản di truyền của con người.
PHẦN THỨ NHẤT
NHỮNG KHÍA CẠNH NHÂN HỌC, THẦN HỌC, VÀ ĐẠO ĐỨC HỌC
VỀ SỰ SỐNG CON NGƯỜI VÀ SỰ TRUYỀN SINH
4. Trong những thập niên vừa qua, các ngành y khoa đã có những bước tiến bộ đáng kể trong sự hiểu biết về sự sống con người ở những giai đoan đầu tiên của nó. Người ta đã đã đạt đến mức biết rõ hơn những cấu trúc sinh học của con người và tiến trình sinh sản của nó. Những tiến bộ này chắc chắn là tích cực, xứng đáng để được ủng hộ nếu như chúng được dùng để thắng vượt hay chữa trị các bệnh lí và khi chúng đóng góp vào việc tái lập sự hoạt động bình thường của tiến trình sinh sản. Trái lại, chúng là tiêu cực, và do đó không thể được tán thành, khi chúng kéo theo việc tiêu hủy sự sống con người hay khi chúng dùng những phương tiện làm hại đến phẩm giá của con người, hoặc khi chúng được sử dụng nhằm những mục đích trái với thiện ích toàn diện của con người.
Thân xác của một con người, từ những giai đoạn đầu tiên của cuộc sống của nó, không bao giờ được giản lược chỉ còn xem như một tổng thể các tế bào. Thân xác phôi thai ấy được phát triển dần dần theo một “chương trình” đã được xác định rõ ràng và theo một cứu cánh riêng được biểu lộ lúc đứa trẻ ra đời.
Cần nhắc lại ở đây tiêu chuẩn đạo đức nền tảng nói tới trong huấn thị Donum Vitae để đánh giá tất cả những vấn đề luân lí liên quan đến việc can thiệp trên phôi người: “Kết quả của sự truyền sinh của con người từ giây phút hiện hữu đầu tiên, tức là từ khi hợp tử được hình thành, đòi hỏi phải được tôn trọng vô điều kiện như thái độ luân lí phải có đối với một con người trong tính toàn vẹn thể xác và thiêng liêng của nó. Con người phải được tôn trọng và đối xử như là một nhân vị từ lúc thụ thai, nghĩa là từ giây phút này, người ta cần phải nhìn nhận những quyền của con người đối với sinh linh đó, trong số đó trước tiên là quyền được sống vốn bất khả xâm phạm của mọi hữu thể nhân linh vô tội” (6).
5. Nguyên tắc đạo đức này được chính lí trí nhìn nhận là chân thật và phù hợp với luật luân lí tự nhiên; nguyên tắc ấy phải là nền tảng của mọi hệ thống pháp lí (7). Thật vậy, khẳng định ấy được coi như là một chân lí hữu thể học, như huấn thịDonum Vitae đã chứng minh tính liên tục của sự phát triển của một con người, dựa trên chứng cứ khoa học vững chắc.
Dẫu cho Donum Vitae, để tránh không rơi vào một xác quyết có tính triết học minh nhiên, không xác định phôi người là một ngôi vị, nhưng văn kiện cũng chỉ cho thấy có một liên kết nội tại giữa chiều kích hữu thể học và giá trị đặc thù của mỗi sự sống con người. Dẫu cho người ta không thể chứng minh sự hiện diện của một linh hồn thiêng liêng từ mọi quan sát dữ kiện thực nghiệm, nhưng chính những kết luận của khoa học về phôi người đã cho “một chỉ dẫn quý giá để lí trí phân định sự hiện diện có tính nhân vị từ sự xuất hiện đầu tiên của một sự sống con người: làm sao một cá thể người (human individual) mà lại không phải là một nhân vị (human person)?” (8). Thực vậy, thực tại con người, trong suốt cuộc sống của nó, cả trước và sau khi sinh, không cho phép ta khẳng định một sự thay đổi bản tính, cũng không cho phép khẳng định một sự biến thiên dần về giá trị luân lí, vì nó có một phẩm chất nhân học và luân lí đầy đủ. Bởi thế, phôi người, ngay từ ban đầu, có một phẩm giá riêng của nhân vị.
6. Người ta phải tôn trọng một phẩm giá như thế đối với mỗi con người, bởi lẽ nơi mỗi con người phẩm giá và giá trị riêng này được ghi khắc sâu xa không thể xóa nhòa được. Mặt khác, cội nguồn của sự sống con người ở trong một bối cảnh chân thực của nó là hôn nhân và gia đình, trong đó nó được sinh hạ nhờ một hành động biểu lộ tình yêu hỗ tương giữa người nam và người nữ. Sự sinh sản thực sự có trách nhiệm đối với đứa trẻ sắp sinh ra, đó “phải là hoa trái của hôn nhân” (9).
Trong mọi thời và nơi mọi nền văn hóa, hôn nhân “là một thiết lập khôn ngoan và quan phòng của Thiên Chúa Tạo Hóa để thực hiện nơi nhân loại kế hoạch tình yêu của Ngài. Qua việc hiến thân cho nhau, vốn là chuyện riêng biệt và độc quyền của vợ chồng, hai người hướng đến sự hiệp thông nên một để hoàn thiện con người của nhau hầu cộng tác với Thiên Chúa để sinh ra và giáo dục những sự sống mới” (10). Qua tình yêu phong nhiêu vợ chồng, người nam và người nữ cho thấy ở cội nguồn của đời sống vợ chồng của họ có một tiếng “vâng” chân thực được họ công bố và sống thực sự cho nhau và luôn cởi mở ra với sự sống. […] Luật tự nhiên là cội rễ để người ta nhìn nhận sự bình đẳng đích thực giữa người với người và giữa các dân tộc với nhau, luật ấy xứng đáng được nhìn nhận như là nguồn mạch gợi hứng cho đôi vợ chồng sống với nhau trong trách nhiệm sinh sản những đứa con mới của họ. Việc thông truyền sự sống (truyền sinh) được ghi khắc trong tự nhiên và những qui luật của nó vẫn mãi là luật bất thành văn mà mọi người phải quy chiếu đến” (11).
7. Giáo Hội xác tín rằng những gì là nhân bản thì không những được đón nhận và tôn trọng bởi đức tin, mà còn được thanh luyện, nâng cao và hướng đến sự hoàn thiện. Sau khi đã tạo dựng con người theo hình ảnh và giống như Ngài (x. St 1, 26), Thiên Chúa đã thấy công trình tạo dựng của Ngài «rất tốt đẹp » (St 1, 31), và tiếp đến đảm nhận nó nơi Người Con của Ngài (x. Ga 1, 14). Qua mầu nhiệm Nhập Thể, Con Thiên Chúa đã xác nhận phẩm giá của thân xác và linh hồn, là những yếu tố cấu thành con người. Đức Kitô đã không khinh miệt thân xác; nhưng Người đã mạc khải trọn vẹn ý nghĩa và giá trị của nó: «quả thật, mầu nhiệm của con người chỉ thực sự được sáng tỏ nơi mầu nhiệm của Ngôi Lời Nhập Thể » (12).
Khi trở nên một người trong chúng ta, Người Con chứng thực rằng chúng ta có thể trở nên «con của Thiên Chúa » (Ga 1, 12), có thể «tham dự vào bản tính thần linh » (2 Pr 1, 4). Chiều kích mới mẻ này không mâu thuẫn với phẩm giá của thọ tạo mà nhờ lí trí mọi người có thể nhận biết. Đúng hơn, nó nâng phẩm giá con người lên đến chân trời sự sống bên kia rộng lớn hơn của Thiên Chúa, điều đó giúp chúng ta khả năng suy nghĩ cách sâu xa hơn về sự sống của con người và về những hành vi mang lại sự sống (13).
Nhờ sự soi sáng của những chân lí đức tin này, người ta càng phải tôn trọng và tôn trọng nhiều hơn nữa từng cá vị con người, đó là điều lí trí đòi hỏi. Bởi thế không hề có đối lập giữa khẳng định về phẩm giá và khẳng định tính linh thánh của sự sống con người. «Những cách thức khác nhau mà Thiên Chúa dùng để chăm lo cho thế giới và con người trong lịch sử không những không loại trừ nhau, mà trái lại, còn củng cố và thấm nhập lẫn nhau. Tất cả đều xuất phát từ và hướng đến kế hoạch khôn ngoan và yêu thương ngàn đời mà Thiên Chúa tiền định cho con người, nam và nữ, «nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài » (Rm 8, 29) (14) ».
8. Khởi đi từ hai chiều kích nhân bản và thần linh này, người ta có thể hiểu rõ hơn giá trị bất khả xâm phạm của con người : con người có một ơn gọi vĩnh cửu và được mời gọi tham dự vào tình yêu Ba Ngôi của Thiên Chúa hằng sống.
Giá trị này thuộc về hết mọi người không phân biệt. Chỉ đơn giản vì đã hiện hữu, nên mỗi hữu thể nhân linh phải được tôn trọng cách đầy đủ. Người ta không được phép đưa ra những tiêu chuẩn để kì thị liên quan đến phẩm giá con người, những tiêu chuẩn đặt cơ sở trên sự phát triển về mặt sinh học, tâm lí học, văn hóa hay tình trạng sức khỏe. Nơi con người, được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa, dù ở giai đoạn nào của cuộc sống của nó, cũng đều phản chiếu «dung nhan của Người Con duy nhất của Ngài […]. Tình yêu vô tận và hầu như không thể hiểu thấu này của Thiên Chúa đối với con người biểu lộ sự cao cả đến mức độ nhân vị tự thân xứng đáng được yêu mến, không lệ thuộc vào bất cứ một lí do nào khác – dù là trí thông minh, sắc đẹp, sức khỏe, sự trẻ trung, sự trinh nguyên … Nói tóm lại, sự sống con người luôn là một điều thiện hảo, vì «đó là môt biểu lộ của Thiên Chúa trong thế gian, một dấu chỉ của sự hiện diện của Ngài, một dấu vết của vinh quang của Ngài » (x. Evangelium vitae, n. 34) » (15).
9. Hai chiều kích này của sự sống con người, chiều kích tự nhiên và chiều kích siêu nhiên, giúp ta hiểu rõ hơn ý nghĩa củacác hành vi làm cho một con người sinh ra đời và qua đó người nam và người nữ hiến mình cho nhau, là một phản ảnh của tình yêu của Ba Ngôi. «Thiên Chúa, Đấng là tình yêu và là sự sống, đã ghi khắc nơi người nam và người nữ ơn gọi tham dự đặc biệt vào mầu nhiệm hiệp thông nhân vị và vào công trình của Tạo Hóa và của Chúa Cha» (16).
Hôn nhân kitô giáo «có cội rễ phát xuất từ sự bổ sung tự nhiên vốn có giữa người nam và người nữ, và được nuôi dưỡng bởi ý muốn cá nhân chia sẻ toàn thể dự phóng cuộc đời của đôi vợ chồng, tất cả những gì họ có và tất cả những gì họ là : bởi đó, một sự hiệp thông như thế là hoa trái và là dấu chỉ của một nhu cầu sâu thẳm của con người. Nhưng trong Chúa Kitô, Thiên Chúa đã mang lấy nhu cầu này, Ngài xác nhận nó, thanh tẩy nó và nâng nó lên, làm cho nó hoàn hảo nhờ bí tích hôn nhân : Thánh Thần được tuôn tràn trong bí tích được cử hành, Ngài thông ban cho các vợ chồng kitô hữu một hồng ân, đó là sự hiệp thông trong tình yêu mới, là hình ảnh sống động và thực sự của một sự hiệp nhất hoàn toàn đặc biệt biến Giáo Hội thành Thân Thể huyền nhiệm bất khả phân ly của Chúa Kitô» (17).
10. Khi đưa ra một nhận định đạo đức về những kết quả gần đây của các nghiên cứu y khoa liên quan đến con người và nguồn gốc của nó, Giáo Hội không can thiệp vào lãnh vực riêng của y khoa, nhưng muốn nhắc nhở tất cả mọi người có liên quan về trách nhiệm luân lí và xã hội của các các việc họ làm. Giáo Hội nhắc họ nhớ rằng giá trị đạo đức của khoa y-sinh học được đo bằng sự quy hướng đến sự tôn trọng bắt buộc và vô điều kiện đối với mọi hữu thể nhân linh, trong mọi giai đoạn cuộc sống của nó, cũng như qui hướng đến việc bảo vệ tính đặc thù của các hành vi nhân vị truyền thông sự sống. Sự can thiệp của Huấn Quyền là bởi sứ mạng thăng tiến việc giáo dục lương tâm, bằng cách đưa ra giáo huấn đích thực về chân lí là chính Chúa Kitô, đồng thời, cũng bằng cách tuyên bố và xác nhận trong thẩm quyền của mình những nguyên tắc thuộc bình diện luân lí phát xuất từ chính bản tính của con người (18).
PHẦN THỨ HAI
NHỮNG VẤN ĐỀ MỚI LIÊN QUAN ĐẾN SỰ TRUYỀN SINH
11. Được soi sáng bởi các nguyên tắc nói trên, giờ đây ta cần phải xét một số vấn đề liên quan đến sự truyền sinh, những vấn đề đã nổi lên và lộ ra ngày càng rõ hơn trong những năm theo sau kể từ khi Huấn thị Donum Vitae ra đời.
Những kĩ thuật trợ giúp cho sự sinh sản
12. Về việc chữa trị chứng vô sinh, các kĩ thuật y khoa mới phải tôn trọng ba thiện ích căn bản sau đây: a) quyền sống và quyền toàn vẹn thể lí của mọi hữu thể nhân linh từ lúc thụ thai cho đến cái chết tự nhiên ; b) sự đơn nhất của hôn nhân, trong đó bao hàm sự tôn trọng quyền của người này trở thành cha hay thành mẹ chỉ nhờ người kia và ngược lại (19); c) những giá trị tính dục đặc thù của con người, vốn «đòi hỏi một nhân vị được sinh ra phải như là hoa trái của hành vi phối ngẫu đặc thù của tình yêu của vợ chồng » (20). Các kĩ thuật trợ giúp sinh sản «không nên bị loại bỏ bởi vì bị gán cho là nhân tạo. Những kĩ thuật như thế chứng tỏ những khả năng của nghệ thuật y khoa. Nhưng chúng cần phải được lượng giá về mặt luân lí qua việc quy chiếu đến phẩm giá của nhân vị, kẻ được kêu gọi thực hiện ơn gọi thần linh của mình là trao ban tình yêu và sự sống » (21).
Dưới ánh sáng của nguyên tắc này, người ta cần phải loại trừ tất cả những kĩ thuật thụ tinh nhân tạo dị ngẫu (heterologous artificial fertilization) (22) và những kĩ thuật thụ tinh nhân tạo đồng ngẫu (homologous artificial fertilization) (23) nào thay thế cho hành vi vợ chồng. Trái lại, những kĩ thuật nào trợ giúp cho hành vi vợ chồng và cho việc sinh sản của họ thì được phép. Huấn thị Donum Vitae diễn tả như sau : «Thầy thuốc nhằm phục vụ con người và việc sinh sản của con người : người ấy không có quyền tùy tiện sử dụng họ cũng không có quyền quyết định thay cho họ. Những can thiệp y khoa trong phạm vi này phải tôn trọng phẩm giá của các nhân vị trong khi có ý trợ giúp hành vi kết hợp vợ chồng, sao cho việc ấy được diễn tiến thuận lợi, và giúp nó đạt đến mục đích một khi hành vi ấy được thực hiện cách bình thường » (24). Về việc thụ tinh nhân tạo đồng ngẫu, huấn thị khẳng định : «Không thể chấp nhận sự thụ tinh nhân tạo đồng ngẫu trong hôn nhân, trừ trường hợp phương tiện kĩ thuật không thay thế hành vi kết hợp vợ chồng, nhưng phục vụ như một tiện ích trợ giúp để hành vi này đạt tới mục đích tự nhiên của nó» (25).
13. Dĩ nhiên, những kĩ thuật nhằm loại bỏ những trở ngại của việc sinh sản tự nhiên, chẳng hạn như sự chữa trị vô sinh bằng hoóc-môn có nguồn gốc từ tuyến sinh dục, chữa trị phẫu thuật bệnh lạc nội mạc tử cung, khai thông ống dẫn trứng, hay phẫu thuật để khôi phục ống dẫn trứng, tự chúng là hợp pháp. Tất cả những kĩ thuật này có thể được xem như là những trị liệu pháp đích thực, vì rằng một khi vấn đề nguồn gốc của sự vô sinh đã được giải quyết, vợ chồng có thể thực hiện những hành vi vợ chồng trong mục đích sinh sản mà không có sự can thiệp trực tiếp của bác sĩ. Không có kĩ thuật nào trong các kĩ thuật này thay thế cho hành vi vợ chồng được, là hành vi xứng đáng duy nhất của việc sinh sản có trách nhiệm.
Để đáp lại ước muốn của nhiều đôi vợ chồng hiếm muộn muốn có con, cũng nên khích lệ, thăng tiến và tạo điều kiện dễ dàng - bằng những biện pháp pháp chế thích hợp - thủ tục nhận nuôi trẻ mồ côi, còn bao nhiêu em đang cần đến một mái ấm gia đình để được phát triển thích đáng thành người. Cuối cùng, cũng cần phải khích lệ những việc nghiên cứu và đầu tư nhằm mục đích ngăn ngừa việc vô sinh.
Thụ thai trong ống nghiệm và việc hủy bỏ các phôi có chủ ý
14. Huấn thịDonum vitae đã lưu ý rằng tiến trình thụ tinh trong ống nghiệm rất thường bao gồm cả việc loại bỏ cách chủ ý một số phôi nhất định (26). Một số người nghĩ rằng điều đó là do phần kĩ thuật còn chưa được hoàn hảo như thế nào đó. Nhưng kinh nghiệm đã cho thấy rằng, trên thực tế, tất cả các kĩ thuật thụ tinh trong ống nghiệm được tiến hành như thể phôi người chỉ là một đống tế bào được sử dụng, chọn lọc và loại bỏ.
Đúng là khoảng một phần ba những phụ nữ nhờ đến phương pháp sinh sản nhân tạo đã đạt ước nguyện có con. Thế nhưng, phải nhìn nhận rằng khi so sánh giữa con số toàn thể các phôi được sản sinh và các phôi rốt cuộc đã thành em bé chào đời, thì con số phôi bị hy sinh vẫn là rất cao (27). Những phôi bị mất này được các chuyên viên kĩ thuật thụ tinh trong ống nghiệm chấp nhận như là cái giá phải trả để đạt được những kết quả tích cực. Thật ra điều đáng lo ngại đó là, trong lãnh vực này, việc nghiên cứu chủ yếu nhắm tới chỗ đạt được những kết quả tốt nhất xét theo nghĩa tỉ lệ phần trăm các trẻ sinh ra càng ngày càng cao hơn so với các phụ nữ bắt đầu việc chữa trị, mà không tỏ ra thực sự quan tâm đối với quyền sống của mỗi phôi nhi.
15. Người ta thường phản bác lại rằng những tổn thất phôi này trong đa số các trường hợp là không chủ ý hay thậm chí ngược với ý muốn của các bậc cha mẹ và các y bác sĩ. Họ nói rằng vấn đề là ở sự rủi ro, một sự rủi ro không khác biệt lắm với sự rủi ro vốn gắn liền với tiến trình sinh sản tự nhiên; và nếu có ai muốn sinh ra một sự sống mới mà không chấp nhận rủi ro nào thì thực tế có nghĩa là người đó tránh truyền lại nó. Dĩ nhiên, tất cả những tổn thất phôi nơi việc sinh sản trong ống nghiệm không đồng nhất với ý muốn của những người trong cuộc. Nhưng trong nhiều trường hợp, người ta đã thấy trước và muốn bỏ đi, hủy diệt hay làm tổn thất phôi.
Các phôi được sản sinh trong ống nghiệm mà bị khuyết tật đều bị trực tiếp loại bỏ. Càng ngày càng có nhiều cặp vợ chồng dù không bị vô sinh mà vẫn nhờ cậy đến kĩ thuật sinh sản nhân tạo với mục đích duy nhất là tiến hành việc chọn lọc di truyền con cái của họ. Trong nhiều nước hiện nay có một sự kiện phổ biến, đó là người ta kích thích sự rụng trứng nơi chu kì người phụ nữ để có được thật nhiều noãn bào mà đem đi thụ tinh. Một số phôi đạt được mức độ như thế được cấy vào trong tử cung, đang khi những phôi khác lại được đông lạnh để dùng cho những can thiệp sinh sản có thể có trong tương lai. Mục đích của việc cấy truyền nhiều như thế là để bảo đảm tối đa cấy ghép thành công được một phôi. Để đạt đến mục tiêu này, người ta cấy nhiều phôi hơn đứa con mong đợi, và đang khi đó đã dự kiến trước một số phôi sẽ bị tổn thất và người ta lại thường tránh việc mang nhiều thai. Như thế, thực ra kĩ thuật truyền cấy nhiều phôi này ẩn chứa một thái độ duy lợi đối với các phôi. Người ta ngạc nhiên khi thấy trong mọi lãnh vực khác của y khoa, cả đạo đức nghề nghiệp thông thường cũng như các cấp thẩm quyền về y tế sức khỏe đều không chấp nhận một kĩ thuật lại hàm chứa một tỉ lệ thất bại và nguy hiểm sinh mạng cao như thế. Thật ra các kĩ thuật thụ tinh trong ống nghiệm sở dĩ được chấp nhận vì họ giả định rằng ở đây phôi không xứng đáng để được tôn trọng đầy đủ, và vì nó phải đua tranh với một ước muốn có con như ý muốn của người ta.
Thực tế đáng buồn và thường bị người ta lờ đi này là điều hết sức đáng tiếc, bởi vì «các kĩ thuật sinh sản nhân tạo, xem ra là để phục vụ sự sống và thường được dùng với ý hướng này, nhưng trên thực tế chúng đã mở ngỏ cho những tấn công mới nhắm vào sự sống» (28).
16. Hơn nữa, Giáo Hội xem sự tách biệt sinh sản ra khỏi bối cảnh mang tính nhân vị toàn diện của hành vi vợ chồnglà không thể chấp nhận được trên bình diện luân lí (29) : việc sinh sản của con người là một hành vi có tính nhân vị của cặp vợ chồng không thể ủy quyền thay thế được. Sự chấp nhận cách vô tư tỉ lệ phá thai rất cao hàm chứa trong các kĩ thuật thụ tinh trong ống nghiệm chứng minh cách hùng hồn rằng việc thay thế hành vi vợ chồng bởi một thủ tục kĩ thuật – ngoài việc không tôn trọng việc sinh sản, vốn không được giản lược thành chỉ còn là một việc sản xuất – góp phần vào việc làm yếu đi ý thức tôn trọng phải có đối với mọi hữu thể nhân linh. Ngược lại, thái độ tôn trọng này được nhìn nhận và phát huy bởi sự thân mật của vợ chồng sống yêu thương. Giáo Hội nhìn nhận ước muốn có con là hợp pháp, và thông cảm với những đau khổ của các cặp vợ chồng đang gặp thử thách do những vấn đề son sẻ. Thế nhưng, ước muốn này không thể được đặt bên trên phẩm giá của mọi sự sống con người, đến mức như một chúa tể. Ước muốn có một đứa con không thể biện minh cho «sự sản xuất » ra nó, cũng như ước muốn không có con không thể biện minh cho việc bỏ đi hay hủy hoại thai nhi.
Thực ra, người ta có cảm tưởng một số nhà nghiên cứu, vì thiếu hoàn toàn quy chiếu đạo đức và vì họ biết những tiềm năng của tiến bộ kĩ thuật, nên đã chịu thua cái lô-gích của ước muốn chủ quan (30) và để mình chịu áp lực kinh tế, vốn đặc biệt rất mạnh trong lãnh vực này. Đứng trước sự kiện hữu thể nhân linh ở giai đoạn phôi bị đối xử như dụng cụ, ta cần phải lặp lại lần nữa rằng «không có kì thị trong tình yêu của Thiên Chúa giữa một hữu thể nhân linh vừa được thụ thai còn trong dạ mẹ, và em bé sơ sinh, hay một cô cậu thanh thiếu niên, hay là một người lớn hoặc người già. Ngài không phân biệt, vì nơi mỗi người trong họ Ngài thấy dấu ấn của hình ảnh và họa ảnh của Ngài […] Bởi đó Huấn Quyền của Giáo Hội không ngừng tuyên bố đặc tính linh thánh và bất khả xâm phạm của mỗi sự sống con người, từ khi thụ thai cho đến lúc kết thúc tự nhiên của sự sống đó» (31).
Kĩ thuật bơm tinh trùng vào trứng (Intracytoplasmic sperm injection ( ICSI))
17. Kĩ thuật bơm tinh trùng vào trứng (ICSI) là một trong số những kĩ thuật thụ tinh nhân tạo phát triển gần đâyđang dần dần trở nên đặc biệt quan trọng (32). ICSI đã trở nên kĩ thuật được sử dụng càng ngày càng nhiều, do nó có hiệu quả giúp khắc phục được những hình thức vô sinh nam khác nhau (33).
Cũng như sự thụ tinh trong ống nghiệm nói chung mà nó là một biến thể, ICSI tự thân là một kĩ thuật bất hợp pháp, vì nóchia cắt hoàn toàn việc sinh sản và hành vi vợ chồng. Thật vậy, ICSI cũng được «thực hiện bên ngoài cơ thể của đôi vợ chồng, bởi hành động của đệ tam nhân, là những người có khả năng và kĩ thuật quyết định sự thành công của việc can thiệp. Như thế nó phó mặc sự sống và căn tính của phôi cho quyền lực của các y bác sĩ và các nhà sinh học, và để cho kĩ thuật thống trị trên nguồn gốc và số phận của nhân vị. Một tương quan thống trị như thế tự nó trái với phẩm giá và sự bình đẳng chung giữa cha mẹ và con cái. Việc thụ tinh trong ống nghiệm là kết quả của một hành động kĩ thuật chi phối sự thụ tinh. Sự thụ tinh đó quả thực không được thực hiện mà cũng không được đôi vợ chồng thực sự muốn, như là sự diễn tả và là hoa trái của một hành vi đặc thù do vợ chồng kết hợp» (34).
Kĩ thuật làm đông lạnh phôi (Freezing embryos)
18. Một trong những phương pháp dùng để gia tăng cơ hội thành công cho các kĩ thuật sinh sản trong ống nghiệm là nhân bội số lần chữa trị liên tiếp. Để không lặp đi lặp lại việc lấy ra các noãn bào nơi người phụ nữ, người ta lấy nhiều noãn bào một lần duy nhất, và sau đó giữ đông lạnh một số đáng kể các phôi đã được thụ tinh trong ống nghiệm (35). Nếu như lần thử đầu tiên giúp mang thai không thành công, thì tiến hành thủ tục ấy lần thứ hai, hoặc như trong trường hợp những cha mẹ nào muốn mang thai thêm một lần khác. Đôi khi, người ta cũng tiến hành làm đông lạnh cả các phôi định truyền cấy cho lần đầu tiên, bởi vì việc kích thích trứng rụng bằng hoóc môn trong chu kì nữ giới tạo ra những hiệu quả khiến ta phải chờ đợi cho đến khi các điều kiện sinh lí được trở lại bình thường trước khi tiến hành truyền cấy các phôi vào trong dạ mẹ.
Việc bảo quản phôi đông lạnh là hành động thiếu sự tôn trọng cần phải có đối với các phôi người, bởi nó giả thiết người ta phải sản xuất phôi trong ống nghiệm, và đặt chúng vào hoàn cảnh nguy tử nghiêm trọng hay làm xâm hại sự toàn vẹn thể lí của chúng, bởi lẽ số phôi không sống sót sau khi đông lạnh và làm tan đông lạnh chiếm một tỉ lệ cao. Kĩ thuật này, dẫu ít ra cách tạm thời, tước bỏ đi sự đón tiếp và ấp ủ của người mẹ thai nghén và đặt sinh linh bé bỏng ấy trong một hoàn cảnh có nguy cơ bị tổn hại và bị con người sử dụng tùy tiện về sau (36).
Đa số các phôi không được sử dụng vẫn là «những trẻ mồ côi ». Cha mẹ chúng không nhớ đến chúng nữa, và đôi khi người ta làm mất luôn dấu vết của các cha mẹ này. Đó là lí do tại sao có các ngân hàng với hàng ngàn phôi đông lạnh trong hầu hết các nước có việc thụ tinh trong ống nghiệm.
19. Đối với rất nhiều phôi đông lạnh đang có, câu hỏi đặt ra là người ta phải làm gì với chúng. Một số người tự đặt câu hỏi này mà không hiểu biết bản chất đạo đức của vấn đề, họ chỉ được thúc đẩy bởi sự đòi hỏi của luật pháp trong một số nước yêu cầu các trung tâm đông lạnh phôi, sau mỗi một thời kì nào đó, phải thanh lí các kho lưu trữ phôi, rồi lại chờ đổ đầy chúng một lần nữa. Nhưng một số khác ý thức được rằng người ta đã phạm phải một sự bất công nghiêm trọng, và họ băn khoăn tự hỏi làm sao để sửa chữa tốt nhất những bất công này.
Những ý kiến đề nghị sử dụng các phôi này cho việc nghiên cứu hay cho những mục đích chữa trị hiển nhiên là không thể chấp nhận được, bởi vì người ta sử dụng chúng chỉ như là một thứ «vật liệu sinh học », điều này hàm ý hủy hoại chúng. Sư đề nghị làm tan đông lạnh các phôi này mà không phục hoạt chúng, sử dụng chúng cho việc nghiên cứu như thể đó chỉ là những tử thi, cũng không thể chấp nhận được (37).
Cũng thế, ý kiến đề nghị dùng những phôi này để chữa trị cho các cặp vợ chồng hiếm muộn như là « liệu pháp chữa trị vô sinh » làkhông thể chấp nhận về mặt đạo đức cũng bởi chính những lí do đã làm cho việc sinh sản nhân tạo dị ngẫu và mọi hình thức mang thai thay thế trở nên bất hợp pháp (38). Hơn nữa, thực hành này còn đưa tới bao nhiêu vấn đề khác trên bình diện y khoa, tâm lí và pháp lí.
Người ta cũng đưa ra đề nghị, chỉ nhằm mục đích tạo cơ hội cho các hữu thể nhân linh được sinh ra thay vì phải bị hủy hoại, một hình thức «nhận con nuôi trước khi sinh» (prenatal adoption). Giải pháp này đáng được ca ngợi bởi ý hướng tôn trọng và bảo vệ sự sống con người, tuy nhiên cũng cho có thấy nhiều vấn đề không khác với những vấn đề đã được nói đến trên đây.
Sau cùng, cần phải công nhận rằng hằng nghìn phôi trong tình trạng bị bỏ rơi thể hiện cả một hoàn cảnh bất công thực tế không thể giải quyết được. Chính vì thế Đức Gioan Phaolô II đã lên tiếng «kêu gọi lương tâm của các vị chức trách của thế giới khoa học và cách đặc biệt kêu gọi các bác sĩ hãy dừng lại việc sản xuất các phôi người, họ cần nhận thấy rằng không có một giải pháp chính đáng nào về mặt luân lí cho số phận nhân linh của hàng ngàn phôi «đông lạnh», chúng luôn là và vẫn là những chủ nhân có những quyền cơ bản, và bởi thế chúng cần phải được bảo vệ về mặt luật pháp như là những nhân vị» (39).
Kĩ thuật làm đông lạnh các noãn bào (Freezing of oocytes)
20. Để giải quyết những vấn đề đạo đức nghiêm trọng được đặt ra do việc bảo quản đông lạnh các phôi, người ta đã đề nghị làm đông lạnh các noãn bào (tế bào trứng), trong phạm vi các kĩ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (40). Một khi một số noãn bào thích hợp đã được lấy ra nhằm tiên liệu cho nhiều vòng sinh sản nhân tạo, người ta chỉ đem đi thụ tinh những noãn bào nào dự định sẽ được truyền cấy vào cơ thể của người mẹ ; những noãn bào khác thì được đông lạnh để dành cho sự thụ tinh và truyền cấy trong tương lai trong trường hợp lần thử đầu bị thất bại.
Về điểm này, cần minh định rằng việc bảo toàn đông lạnh các noãn bào nhằm tiến hành việc sinh sản nhân tạo phải được xem là không thể chấp nhận được về mặt luân lí.
Kĩ thuật giảm trừ phôi
21. Một số kĩ thuật được dùng trong việc sinh sản nhân tạo, nhất là kĩ thuật truyền nhiều phôi vào trong dạ của người mẹ đã gây ra một sự gia tăng đáng kể tỉ lệ đa thai. Hoàn cảnh đó khiến người ta nghĩ đến giải pháp kĩ thuật được gọi là «giảm trừ phôi » (embryo reduction). Đó là một thủ tục trong đó người ta can thiệp để giảm trừ số phôi hay bào thai trong dạ người mẹ, bằng cách tiến hành loại chúng trực tiếp. Quyết định loại bỏ các hữu thể nhân linh như thế, là điều mà trước đó người ta đã rất khát khao, biểu lộ một nghịch lí, và thường làm cho những người cha người mẹ ấy phải đau khổ và mang một cảm giác tội lỗi có thể kéo dài trong nhiều năm.
Từ quan điểm đạo đức, việc giảm trừ phôi là một sự phá thai chủ ý có chọn lọc. Quả thế, đó là việc loại bỏ có chủ ý và trực tiếp một hay nhiều hữu thể nhân linh vô tội trong giai đoạn ban đầu của cuộc sống của chúng. Như thế, nó luôn luôn tạo nên một sự vô trật tự luân lí nghiêm trọng (41).
Những lí luận được trình bày để biện minh về đạo đức cho việc giảm trừ phôi thường dựa trên sự loại suy (trường hợp tương tự) từ trường hợp như thảm họa thiên nhiên hay những hoàn cảnh cấp bách trong đó, dẫu ai cũng muốn nhưng ta không thể cứu hết tất cả mọi người trong cuộc. Dẫu sao đi nữa, những loại suy như thế không thể làm cơ sở cho một hành động phá thai trực tiếp. Trong trường hợp khác, người ta có thể quy chiếu đến những nguyên tắc luân lí, như nguyên tắc chọn cái ít xấu hơn hay nguyên tắc song hiệu, nhưng cũng không thể được áp dụng trong trường hợp này. Quả thật, thực hiện một hành vi bất chính nội tại không bao giờ là chính đáng cả, cho dẫu để nhắm đến một cứu cánh tốt : mục đích không biện minh cho phương tiện.
22. Việc chẩn đoán tiền cấy ghép là một hình thức chẩn đoán trước khi sinh ra, liên hệ tới những kĩ thuật thụ tinh nhân tạo. Việc ấy bao gồm sự chẩn đoán di truyền các phôi được tạo ra trong ống nghiệm trước khi được truyền cấy vào dạ người phụ nữ. Kĩ thuật này được dùng với mục đích bảo đảm chỉ truyền cho bà mẹ những phôi không có khuyết tật hay những phôi với một giới tính đã xác định hay có một số phẩm chất đặc biệt nào đó.
Trong những hình thức chẩn đoán trước khi sinh khác, giai đoạn chẩn đoán tách bạch khỏi giai đoạn loại bỏ có thể có về sau và trong khoảng cách thời gian này, các cặp vợ chồng vẫn còn tự do để quyết định đón nhận đứa con bệnh tật của mình hay không. Sự chẩn đoán tiền cấy ghép thông thường đi liền sau đó là việc loại bỏ những phôi «đáng ngờ » bị cho là có những khuyết tật di truyền hay nơi nhiễm sắc thể, hoặc là phôi mang giới tính hay có những phẩm chất khác không mong muốn. Sự chẩn đoán này – vốn luôn gắn liền với việc thụ tinh nhân tạo tự nó đã là bất hợp pháp – thực ra nhằm chọn lọc phẩm chất và hậu quả của nó là sự hủy hoại các phôi, điều đó trong thực tế không gì khác hơn là một hành động phá thai sớm. Như thế việc chẩn đoán tiền cấy ghép bộc lộ não trạng ưu sinh «chấp nhận phá thai có chọn lọc để ngăn cản sự ra đời của những đứa trẻ bị những loại khuyết tật dị thường. Não trạng đó xúc phạm phẩm giá con người và hoàn toàn đáng chê trách, bởi lẽ nó muốn đo lường giá trị của mạng sống con người chỉ theo những tham số là «sự bình thường» và sự khỏe mạnh thể lí, từ đó mở đường cho việc giết trẻ sơ sinh và trợ tử cách hợp pháp» (42).
Khi đối xử với phôi người như chỉ là một thứ «chất liệu phòng thí nghiệm», người đã làm biến đổi và kì thị ngay cả đối với chính ý niệm phẩm giá con người. Mỗi hữu thể nhân linh có phẩm giá như nhau và phẩm giá ấy không lệ thuộc vào kế hoạch của cha mẹ, điều kiện xã hội hay giáo dục văn hóa, cũng không phụ thuộc mức phát triển thể lí. Nếu như, vào những thời gian khác của lịch sử, người ta chấp nhận cách chung quan niệm cũng như những yêu sách về phẩm giá con người, dù thực tế vẫn có kì thị do khác biệt chủng tộc, tôn giáo hay địa vị xã hội, thì ngày nay, vẫn có sự kì thị cũng nghiêm trọng và bất công không kém đối với các hữu thể nhân linh có mang các bênh tật nghiêm trọng hay bị tật nguyền, họ không được nhìn nhận có một tư cách về đạo đức và pháp lí. Người ta quên rằng những người bệnh và những người khuyết tật không phải là một giới riêng tách biệt xã hội; bệnh tật hay tật nguyền thuộc về thân phận con người và liên quan đến hết mọi người, cả khi người ta không có kinh nghiệm trực tiếp mang bệnh tật. Thái độ phân biệt như thế là phi luân và bởi đó không thể chấp nhận được về mặt pháp lí; cũng thế, người ta phải loại trừ những rào chắn văn hóa, kinh tế và xã hội, chúng xói mòn sự nhìn nhận trọn vẹn và việc bảo vệ những người khuyết tật và những người bệnh.
Những hình thức ngăn cản mang thai mới : ngăn chặn mang thai (interceptive) và loại bỏ phôi thai (contragestative)
23. Bên cạnh những phương pháp ngừa thai đúng nghĩa ngăn cản việc thụ thai sau một hành vi tính dục, còn có những phương tiện kĩ thuật khác can thiệp sau khi trứng đã thụ tinh, nghĩa là khi phôi đã hình thành trước hay sau khi phôi đã làm tổ ở thành tử cung. Những kĩ thuật này được gọi là kĩ thuật ngăn chặn mang thai (interceptive) khi chúng can thiệp trước khi phôi làm tổ, và được gọi là kĩ thuật loại bỏ phôi thai (sau khi làm tổ) (contragestative) nếu chúng gây ra việc loại bỏ phôi vừa mới làm tổ.
Để khuyến khích việc truyền bá các phương tiện ngăn chặn mang thai (43), đôi khi người ta khẳng định rằng cơ chế hoạt động của chúng có lẽ đã không được biết đến cách đầy đủ. Hẳn là người ta vẫn chưa hiểu biết đầy đủ về cơ chế hoạt động của các dược phẩm khác nhau đang được sử dụng. Nhưng những nghiên cứu khoa học cho thấy rằng hiệu quả việc ngăn chặn phôi làm tổ là có thực, cho dẫu điều đó không có nghĩa là các phương tiện ngăn chặn mang thai đó gây ra một việc phá thai mỗi lần chúng được sử dụng, và bởi vì một quan hệ tính dục không phải lúc nào cũng tạo ra sự thụ thai. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, ai muốn ngăn chặn việc phôi làm tổ và yêu cầu hay kê toa những dược phẩm như thế, thì nói chung họ đã có ý hướng phá thai rồi.
Khi nhận thấy kinh nguyệt bị chậm trễ, thì có khi người ta lại cậy nhờ đến kĩ thuật loại bỏ phôi thai (44), kĩ thuật thường được dùng trong thời gian khoảng một đến hai tuần sau khi nhận thấy kinh nguyệt chậm trễ. Mục tiêu được tuyên bố là tái lập kinh nguyệt bình thường, nhưng thực ra đó là việc phá phôi thai vừa làm tổ.
Như chúng ta biết, phá thai là «sự giết người có chủ ý và trực tiếp, dù làm bằng cách nào đi nữa, giết chết một hữu thể nhân linh trong giai đoạn đầu, kể từ khi thụ thai cho tới lúc sinh ra, của cuộc sống của nó» (45). Vì thế, việc sử dụng các phương tiện ngăn chặn mang thai và loại bỏ phôi thai đều thuộc về tội phá thai và vẫn là một hành vi phi luân nghiêm trọng. Hơn nữa, khi biết chắc mình đã gây ra một việc phá thai thì, theo giáo luật, người ta còn chuốc lấy những hệ quả hình phạt nghiêm trọng (46).
PHẦN THỨ BA
NHỮNG TRỊ LIỆU MỚI LIÊN HỆ TỚI SỰ CẢI BIẾN PHÔI
VÀ GIA SẢN DI TRUYỀN CỦA CON NGƯỜI
24. Những kiến thức gặt hái được trong những năm qua đã mở ra những viễn ảnh mới cho cả y học tái tạo (regenerative medecine) lẫn việc chữa trị các bệnh tật do di truyền. Khác với trường hợp của nghiên cứu trên các tế bào gốc trưởng thành, việc nghiên cứu trên các tế bào gốc phôi thai và những áp dụng điều trị có thể có trong tương lai, một cách đặc biệt, đã khơi dậy một sự quan tâm lớn lao, mặc dù cho đến nay những nghiên cứu ấy chưa tạo ra những kết quả thực tế nào. Kể từ khi một số người cho rằng những mục tiêu điều trị có thể đạt tới được về sau nhờ những tế bào gốc phôi thai có thể biện minh cho những hình thức cải biến (manipulation) và hủy hoại phôi người khác nhau, xuất hiện cả một loạt những vấn nạn trong lãnh vực liệu pháp gien, từ kĩ thuật nhân bản vô tính (cloning) cho đến việc sử dụng các tế bào gốc (stem cells), đòi ta phải có một sự phân định cẩn thận về mặt luân lí.
Liệu pháp gien (Gene therapy)
25. Liệu pháp gien cách chung muốn nói đến việc ứng dụng trên con người những kĩ thuật của công nghệ di truyền với mục đích điều trị, tức là nhằm chữa trị các bệnh di truyền, dù từ ít lâu nay người ta muốn áp dụng liệu pháp gien trong khuôn khổ của việc chữa trị các bệnh tật không di truyền, và đặc biệt là bệnh ung thư.
Về mặt lí thuyết, có thể áp dụng liệu pháp gien ở hai cấp độ : cấp độ của các tế bào thân (somatic cells) và cấp độ các tế bào mầm (germ line cells). Liệu pháp gien trên các tế bào thân (somatic cell gene therapy) muốn loại bỏ hay giảm trừ các khuyết tật di truyền hiện diện ở cấp độ các tế bào thân, tức là những tế bào không sinh sản, bao gồm các mô và các bộ phận của thân thể. Đây là trường hợp của những can thiệp nhắm đến cá thể những tế bào nhất định, với những hệ quả được giới hạn cho chỉ một mình cá nhân người chữa trị. Trái lại, liệu pháp gien trên các tế bào mầm(germ line cell therapy) nhắm sửa chữa những khuyết tật di truyền nơi các tế bào mầm, để những hiệu quả trị liệu đạt được có thể được thông truyền cho con cháu về sau của mình. Những can thiệp liệu pháp gien trên các tế bào thân cũng như trên tế bào mầm này có thể được thực hiện trên bào thaitrước khi sinh (liệu pháp gien trong tử cung) hay sau khi sinh (trên đứa trẻ hay trên người lớn).
26. Để đánh giá về luân lí người ta cần lưu tâm đến những phân biệt sau đây. Những can thiệp trên tế bào thân chỉ hoàn toàn nhằm mục đích điều trị, về nguyên tắc, là hợp pháp về mặt luân lí. Những can thiệp này muốn tái tạo cấu hình di truyền bình thường của bệnh nhân hay đền bù những thiệt hại gây ra bởi những dị thường di truyền hay do những chứng bệnh khác liên hệ. Vì liệu pháp gien có thể ẩn chứa những nguy cơ lớn đối với bệnh nhân, nên cần phải tuân thủ nguyên tắc chung về đạo đức nghề nghiệp, theo nguyên tắc đó để tiến hành một can thiệp điều trị, cần thiết phải bảo đảm trước rằng bệnh nhân được điều trị sẽ không gặp những nguy hiểm (cho sức khỏe hay cho sự toàn vẹn thân thể của mình) thái quá hay nguy cơ mà mức độ không tương xứng với sự trầm trọng của căn bệnh muốn chữa trị. Cũng đòi hỏi phải có sự ưng thuận rõ ràng của bệnh nhận hay của người đại diện hợp pháp của người bệnh.
Trái lại, đánh giá luân lí về liệu pháp gien trên tế bào mầm, thì khác. Mọi biến đổi gien thực hiện nơi các tế bào mầm của một người chắc chắn sẽ được truyền lại cho con cháu tương lai của người ấy. Vì những nguy cơ gắn liền với mọi cải biến di truyền là đáng kể và còn ít được kiểm soát, nên về mặt luân lí, trong tình trạng hiện nay của việc nghiên cứu, không thể chấp nhận những hành động liều lĩnh có thể gây những tổn hại khả dĩ truyền lại cho con cái. Trong những giả định áp dụng liệu pháp gien cho phôi, cũng cần phải nói thêm rằng người ta chỉ có thể thực hiện điều đó trong khuôn khổ kĩ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, đó lại là điều bị phản đối về mặt đạo đức. Vì những lí do đó, cần phải khẳng định rằng trong tình trạng hiện nay liệu pháp gien trên tế bào mầm dưới mọi hình thức đều bất hợp pháp về mặt luân lí.
27. Vấn đề sử dụng công nghệ di truyền cho những mục đích khác với việc trị liệu cũng cần phải được xem xét cách riêng. Một số người nghĩ rằng có thể sử dụng những kĩ thuật của công nghệ di truyền để thực hiện những cải biến với mục đích cải tiến hay củng cố vốn di truyền. Một số ý kiến theo hướng này tỏ ra không thỏa đáng hay thậm chí họ chối bỏ cả giá trị con người như là thụ tạo và là nhân vị hữu hạn. Ngoài những khó khăn kĩ thuật, với tất cả những nguy cơ hiện thực và tiềm tàng gắn liền với chúng, rõ ràng những cải biến như thế còn khuyến khích một não trạng ưu sinh và gián tiếp tạo ra trong xã hội một thái độ khinh thường đối với những người không có những phẩm chất nào đó, đang khi lại đề cao những phẩm chất được các nền văn hóa và xã hội nhất định ưa thích, những phẩm chất ấy lại không phải những phẩm chất đặc thù của con người. Điều đó trái ngược với chân lí nền tảng mọi người đều bình đẳng, thường được diễn tả qua nguyên tắc công bằng, mà nếu nguyên tắc ấy bị vi phạm dần dà, cuối cùng rồi cũng sẽ làm hại đến sự chung sống hòa bình giữa các cá nhân. Hơn nữa, người ta tự hỏi ai sẽ là người xác định những can thiệp biến đổi này thì tích cực và những biến đổi kia thì không, và đâu là giới hạn phải đặt ra đối với các yêu sách cá nhân muốn cải tiến, bởi vì thực tế người ta không thể đáp ứng được ước muốn của từng người. Dù sao đi nữa, câu trả lời nào cho những câu hỏi này cũng đều dựa trên những tiêu chuẩn tùy hứng và không chắc chắn. Tất cả những điều đó cho phép ta kết luận rằng một viễn tượng can thiệp như thế, rốt cuộc, sớm hay muộn rồi cũng sẽ làm hại đến công ích, bởi vì nó làm thỏa mãn ý muốn của một số người mà coi thường tự do của những người khác. Sau cùng, cũng nên lưu ý rằng, trong ý định muốn tạo ra một loại người mới, lộ ra một thứ ý thức hệtrong đó con người có tham vọng thay thế Đấng Tạo Hóa của mình.
Khi khẳng định sự tiêu cực về đạo đức của những kiểu can thiệp này vốn hàm ẩn một sự thống trị bất công của con người đối với người, Giáo Hội cũng nhắc nhở cần thiết phải trở về với viễn ảnh chăm sóc con người và giáo dục bằng cách đón nhận sự sống con người trong bản tính hữu hạn lịch sử cụ thể của nó.
Kĩ thuật nhân bản vô tính trên người (human cloning)
28. Thuật ngữ nhân bản vô tính trên người chỉ việc sinh sản vô tính (asexual) và vô giao (agametic) toàn thể cơ thể người để sản xuất ra một hay nhiều «bản sao» về thực chất giống với nguyên bản độc nhất về mặt di truyền (47).
Nhân bản vô tính được đề nghị với hai mục tiêu căn bản : mục tiêu sinh sản, tức là nhằm sinh ra một đứa con, và mục tiêu kia là điều trị hay nghiên cứu. Về mặt lí thuyết, sinh sản vô tính có thể đáp ứng một số yêu cầu đặc biệt như kiểm soát sự tiến hóa của con người, chọn lọc con người với những phẩm chất siêu đẳng, chọn lọc trước giới tính của đứa trẻ sắp sinh ra, sản sinh ra một đứa trẻ là «bản sao» của một người khác, sản sinh ra một đứa con cho đôi vợ chồng bị hiếm muộn không thành công trong các cách chữa trị khác. Trái lại, việc nhân bản vô tính điều trị được đề nghị như là phương tiện sản sinh ra những tế bào gốc phôi thai có một gia sản di truyền được xác định trước, nhằm khắc phục vấn đề loại bỏ hệ thống miễn dịch; bởi thế, kĩ thuật này gắn liến với vấn đề sử dụng các tế bào gốc phôi thai.
Những nỗ lực nhân bản vô tính đã khơi lên mối quan ngại rất lớn trên toàn thế giới. Nhiều tổ chức cấp quốc gia và quốc tế đã bày tỏ những đánh giá tiêu cực đối với việc nhân bản vô tính trên con người và, nó đã bị cấm trong đại đa số các nước.
Nhân bản vô tính trên con người tự bản chất là bất hợp pháp, vì nó đẩy sự tiêu cực về đạo đức của kĩ thuật thụ tinh nhân tạo đến cực độ, nó muốn tạo sinh một con người mới mà không có chút liên hệ gì với hành vi trao hiến giữa vợ và chồng, và cực đoan hơn nữa, nó không có liên hệ nào với giới tính. Tình trạng này đưa tới những cải biến và lạm dụng xâm hại nghiêm trọng đến phẩm giá nhân vị (48).
29. Nếu nhân bản vô tính nhằm mục đích sản xuất, thì chủ thể được tạo thành sẽ bị áp đặt bởi một gia sản di truyền đã được định trước, thực tế người ta bắt nó phải chịu phục tùng một hình thức nô lệ sinh học mà nó khó có thể được giải thoát. Một người mà tự cho mình quyền hạn quyết định cách tùy tiện những đặc tính di truyền của một người khác, là một sự xúc phạm nghiêm trọng đối với phẩm giá của người ấyvà xúc phạm tới sự bình đẳng cơ bản giữa người với người.
Nét độc đáo của mỗi người xuất phát từ mối tương quan riêng biệt giữa Thiên Chúa và con người từ những giây phút đầu tiên của cuộc sống của mình. Điều đó bó buộc người ta phải tôn trọng tính độc đáo và sự toàn vẹn của người ấy, cả trên bình diện sinh học lẫn di truyền. Mỗi người chúng ta gặp gỡ nơi người khác một con người chịu ơn tình yêu của Thiên Chúa về cuộc sống và những đặc tính riêng của mình, và chỉ có tình yêu giữa vợ và chồng mới là trung gian phù hợp với kế hoạch của Đấng Tạo Hóa và là Cha trên trời.
30. Cái gọi là nhân bản vô tính nhằm mục đích điều trị còn nghiêm trọng hơn nữa xét trên bình diện đạo đức. Tạo nên những phôi thai với ý định sẽ hủy diệt chúng, là hoàn toàn không phù hợp với phẩm giá nhân vị, cho dầu với ý hướng là trợ giúp những người bệnh, vì điều đó biến cuộc sống của một con người, dù ở giai đoạn phôi thai, thành không gì khác hơn một phương tiện để sử dụng và để hủy hoại. Hy sinh mạng sống một con người với mục đích điều trị là một điều hết sức phi luân.
Do nhiều người ở nhiều lãnh vực chống đối việc nhân bản vô tính để điều trị và chống việc sử dụng phôi người được sản xuất trong ống nghiệm, một số nhà khoa học đã đề nghị những kĩ thuật mới, được giới thiệu như là có khả năng sản xuất ra các tế bào gốc kiểu phôi không giả thiết phải hủy diệt các phôi người thật (49). Những đề nghị này đã khơi lên nhiều nghi vấn ở cấp độ khoa học và đạo đức học, đặc biệt là những gì liên quan đến quy chế hữu thể học của «sản phẩm» đạt được bằng cách đó. Bao lâu những nghi ngại này chưa được làm sáng tỏ, thì người ta cần phải lưu tâm đến những gì mà thông điệp Evangelium vitae đã khẳng định : «vấn đề ấy rất là quan trọng vì, từ quan điểm bó buộc luân lí, chỉ cần có một chút xác suất ta đối diện với một con người thôi cũng đủ để có một mệnh lệnh cấm đoán rõ ràng cấm mọi sự can thiệp dẫn đến việc hủy diệt phôi người » (50).
Việc sử dụng các tế bào gốc nhằm điều trị
31. Các tế bào gốc là những tế bào không biệt hóa có hai đặc điểm căn bản sau đây: a) khả năng vững bền tự nhân bội mà bản thân vẫn không bị biệt hóa ; b) khả năng sinh ra những tế bào mẹ chuyển tiếp, từ đó phát xuất ra những tế bào biệt hóa cao, chẳng hạn như các tế bào thần kinh, tế bào cơ, tế bào máu.
Từ khi thực nghiệm chứng minh rằng các tế bào gốc, khi được cấy vào một mô bị hư hỏng, có khuynh hướng giúp phát triển các tế bào và tái sinh lại mô này, thì những viễn ảnh mới được mở ra cho khoa y học tái tạo, và từ đó khơi lên một sự quan tâm lớn lao giữa các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới.
Nơi con người, những nguồn của các tế bào gốc cho đến nay được xác định là : phôi ở những giai đoạn phát triển đầu tiên của nó, thai, máu của dây rốn, những mô khác nhau nơi người trưởng thành (tủy xương, dây rốn, não, trung mô của các cơ quan …) và nước ối. Lúc đầu, những công trình nghiên cứu tập trung vào các tế bào gốc từ phôi vì người ta nghĩ rằng chỉ những tế bào gốc phôi mới có nhiều khả năng nhân bội và biệt hóa. Thế nhưng, nhiều công trình nghiên cứu đã cho thấy rằng các tế bào gốc từ người lớn cũng cho thấy chúng có khả năng linh hoạt lớn. Cho dù những tế bào này có vẻ không có cùng khả năng làm mới và cùng độ mềm dẻo như các tế bào gốc lấy từ phôi, nhưng những nghiên cứu và thí nghiệm khoa học sâu xa hơn cho thấy những tế bào này cho những kết quả tích cực hơn các tế bào gốc từ phôi. Các hình thức điều trị đang thịnh hành hiện nay dự kiến sử dụng các tế bào gốc từ người lớn và nhiều hướng nghiên cứu đã được triển khai mở ra những chân trời mới đầy hứa hẹn.
32. Để lượng giá về mặt đạo đức, ta cần phải xem xét những phương pháp lấy các tế bào gốc cũng như những nguy cơ liên hệ tới việc sử dụng điều trị hay thí nghiệm.
Về các phương pháp được sử dụng để thu tập các tế bào gốc, người ta cần phải xét đến nguồn gốc của chúng. Những phương pháp không gây hại nghiêm trọng cho người được lấy tế bào gốc đều được xem là hợp pháp. Cách chung, điều kiện này được chứng thực nơi những trường hợp sau : lấy a) mô của một cơ thể trưởng thành; b) máu của dây rốn vào lúc sinh;c) các mô bào thai đã chết bởi một nguyên nhân tự nhiên. Ngược lại, lấy các tế bào gốc từ một phôi người còn sống chắc chắn sẽ làm cho nó chết và bởi thế, điều đó là hết sức bất hợp pháp. Trong trường hợp này, «cho dù các kết quả có ích lợi điều trị như thế nào, thì việc nghiên cứu không còn thực sự nhằm phục vụ nhân loại nữa. Quả thật, việc nghiên cứu này như thế là đã hủy diệt các mạng sống của con người vốn có một phẩm giá ngang hàng với các nhân vị khác và với chính các nhà nghiên cứu. Chính lịch sử đã kết án trong quá khứ và sẽ còn kết án trong tương lai thứ khoa học như thế, không chỉ vì nó thiếu vắng ánh sáng của Thiên Chúa, nhưng còn vì nó thiếu cả nhân tính nữa» (51).
Việc sử dụng các tế bào gốc từ phôi hay các tế bào đã biệt hóa phát xuất từ đó – ngay cả khi chúng được cung cấp bởi các nhà nghiên cứu khác – do sự hủy diệt phôi hay phôi bị thương mại hóa, đặt ra những vấn đề nghiêm trọng do cộng tác vào điều ác và gây gương mù (52).
Việc sử dụng nhằm mục tiêu điều trị các tế bào gốc lấy được từ các phương thế hợp pháp thì không có gì phải bị phản đối về mặt luân lí. Tuy nhiên, cần phải tôn trọng các tiêu chuẩn chung của khoa đạo đức y học. Việc sử dụng này cần phải được tiến hành với độ chính xác khoa học và thận trọng, làm sao để giảm thiểu tối đa những nguy hiểm có thể xảy ra đối với bệnh nhân, và bằng cách tạo điều kiện cho các nhà khoa học trao đổi với nhau và cung cấp thông tin đầy đủ cho đại chúng.
Cần khuyến khích gia tăng và ủng hộ việc nghiên cứu các tế bào gốc trưởng thành, xét vì nó không có những vấn đề đạo đức (53).
Những cố gắng lai tạo
33. Thời gian gần đây, noãn bào động vật đã được dùng để tái lập trình các nhân tế bào thân của con người. Phương pháp này, nói chung được gọi là phương pháp nhân bản lai tạo, có mục đích trích lấy các tế bào gốc kiểu phôi từ các phôi có được mà không cần phải sử dụng các noãn bào người.
Từ quan điểm đạo đức, các phương pháp như thế là một sự xúc phạm đến phẩm giá của con người vì đã pha trộn các yếu tố di truyền người và súc vật, điều đó có thể làm phá vỡ căn tính đặc thù của con người. Việc sử dụng các tế bào gốc được lấy ra từ những phôi này như thế có thể bao hàm những nguy cơ nào đó còn chưa được biết đến đối với sức khỏe, do sự có mặt của chất liệu di truyền súc vật trong tế bào chất của chúng. Đặt một con người một cách ý thức trước những nguy cơ này là không thể chấp nhận được xét về mặt luân lí và đạo đức nghề nghiệp.
Việc sử dụng «chất liệu sinh học» người từ nguồn gốc bất hợp pháp
34. Để phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học và sản xuất các vắc-xin hay những sản phẩm khác, thỉnh thoảng người ta dùng những dòng tế bào mà đó lại là kết quả thu được từ một can thiệp bất hợp pháp nào đó chống lại sự sống và sự toàn vẹn thể lí của con người. Sự liên can tới hành vi bất chính có thể là trực tiếp hay gián tiếp, vì nói chung đó là những tế bào được sản sinh cách dễ dàng và rất dồi dào. «Chất liệu» này đôi khi được thương mại hóa hay được phân phối miễn phí ở những trung tâm nghiên cứu của các tổ chức chính phủ được luật pháp cho phép. Tất cả những điều đó khơi lên những vấn đề đạo đưc khác nhau liên quan tới sự cộng tác với điều xấu và điều tai tiếng. Bởi thế, cần phải công bố những nguyên tắc chung nhờ đó những người có lương tâm ngay thẳng có thể đánh giá và giải quyết trong những hoàn cảnh mà họ rất có thể bị liên lụy trong hoạt động nghề nghiệp của mình.
Trước tiên, cần phải nhớ rằng phạm trù phá thai «cũng được áp dụng cho các hình thức can thiệp gần đây trên phôi người cho dẫu được tiến hành với những mục đích tự chúng là hợp pháp nhưng hàm chứa việc giết các phôi thai. Đó là trường hợp các thí nghiệm trên phôi người mà càng ngày càng thấy phổ biến trong lãnh vực nghiên cứu y sinh học, và được thừa nhận về mặt pháp lí trong một số quốc gia […]. Việc sử dụng phôi hay thai người như những đồ vật thí nghiệm là một tội ác chống lại phẩm giá con người, vì phôi thai người cũng có quyền được tôn trọng bình đẳng như phải tôn trọng đối với một trẻ em đã sinh ra đời và cũng như đối với tất cả mọi người » (54). Những hình thức thí nghiệm này luôn là một sự xáo trộn luân lí nghiêm trọng (55).
35. Một trường hợp khác cần được lưu ý là khi các nhà nghiên cứu sử dụng «chất liệu sinh học» có nguồn gốc bất hợp pháp, được sản xuất từ bên ngoài trung tâm nghiên cứu của họ hay do mua bán đổi chác. Huấn thị Donum Vitae đã trình bày nguyên tắc chung phải tuân giữ trong trường hợp sau đây : « Các thây của phôi hay thai người, dẫu có bị phá cách chủ ý hay không, cũng cần phải được tôn trọng như những thi hài của những con người khác. Đặc biệt, người ta không được phép cắt xẻo hay mổ xác nếu chưa xác định được chắc chắn chúng đã chết, và nếu chưa có sự ưng thuận của cha mẹ hay của người mẹ. Hơn nữa, một đòi hỏi luân lí cần phải được bảo đảm, đó là không được phép đồng lõa trong việc phá thai chủ ý, cũng như phải loại trừ mọi nguy cơ gây gương xấu » (56).
Về vấn đề này, tiêu chuẩn độc lậpđược một số ủy ban đạo đức đưa ra vẫn chưa đủ. Theo tiêu chuẩn này, việc sử dụng «chất liệu sinh học» có nguồn gốc bất hợp pháp sẽ được phép về mặt đạo đức với điều kiện là, luôn phải có một sự tách rời rạch ròi giữa, một bên là những người sản xuất, làm đông lạnh và cho giết chết các phôi, và bên kia là những nhà nghiên cứu triển khai các thí nghiệm khoa học. Tiêu chuẩn độc lập không thể tránh được một sự mâu thuẫn trong thái độ của người nói không chấp thuận sự bất chính do những người khác, nhưng đồng thời lại chấp nhận, vì công việc của mình, «chất liệu sinh học» do những người kia làm ra cách bất chính. Khi điều bất hợp pháp lại được luật pháp điều hành hệ thống y tế và nghiên cứu khoa học thông qua, thì người ta buộc phải tách ly mình ra khỏi những khía cạnh bất chính của hệ thống này để không gây cho người khác tưởng lầm mình dung túng tới mức nào đó hay mình ngầm chấp thuận các hành động tội lỗi nghiêm trọng như thế (57). Mọi vẻ biểu hiện như chấp nhận hẳn góp phần làm cho ngày càng gia tăng hơn thái độ dửng dưng, nếu không muốn nói là đồng thuận, đối với những hành vi tội lỗi như thế trong một số giới y khoa và chính trị.
Đôi khi người ta phản bác và cho rằng những xét nét trên đây dường như giả thiết những nhà nghiên cứu có lương tâm ngay lành có nghĩa vụ phải chủ động đối lập với mọi hành vi bất hợp pháp trong lãnh vực y khoa, như thế là đã mở rộng thái quá trách nhiệm luân lí của họ. Thực ra, nghĩa vụ tránh cộng tác vào điều xấu và điều gây cớ vấp phạm liên hệ đến các hoạt động nghề nghiệp thường ngày của họ, các hoạt động mà họ cần phải định hướng cách đúng đắn và qua đó họ phải làm chứng cho giá trị của sự sống, bằng cách chống lại những luật lệ bất công nghiêm trọng. Vì thế, cần phải nói rõ rằng người ta có nghĩa vụ phải từ chối «chất liệu sinh học» này, cho dẫu không có một liên hệ gần gũi nào giữa các nhà nghiên cứu với các nhà kĩ thuật thực hiện việc thụ tinh nhân tạo hay phá thai, và không có một thỏa thuận nào trước với những trung tâm thụ tinh nhân tạo. Nghĩa vụ này phát xuất từ nghĩa vụ phải tách ly mình ra, trong phạm vi hoạt động nghiên cứu của mình, khỏi một khuôn khổ pháp chế bất công nghiêm trọng và phải khẳng định cách rõ ràng giá trị của sự sống con người. Do đó, tiêu chuẩn độc lập nói trên là cần thiết, nhưng không đủ theo quan điểm đạo đức.
Dĩ nhiện, trong bối cảnh chung này có những mức độ trách nhiệm khác biệt. Những lí do nghiêm trọng có thể tương xứng về mặt luân lí để biện minh cho việc sử dụng «chất liệu sinh học» này. Chẳng hạn, khi đứng trước nguy cơ đe dọa sức khỏe của con cái, các cha mẹ có thể cho phép sử dụng một thứ vắc-xin vốn được làm ra từ những dòng tế bào có nguồn gốc bất hợp pháp, trong khi họ vẫn phải biểu lộ sự bất đồng ý kiến về vấn đề này và vẫn có bổn phận phải yêu cầu các hệ thống y tế làm ra các loại vắc-xin khác để sử dụng. Đàng khác, trong những doanh nghiệp sử dụng các dòng tế bào có nguồn gốc bất hợp pháp, trách nhiệm của những người quyết định hướng sản xuất và trách nhiệm của những người không có quyền quyết định không như nhau.
Trong bối cảnh hiện nay với nhu cầu cấp bách động viên các lương tâmủng hộ sự sống, cần phải nhắc nhở những người làm công tác y tế rằng «ngày nay, trách nhiệm của họ càng gia tăng. Trách nhiệm ấy được gợi hứng sâu xa nhất và tìm được sự ủng hộ mạnh mẽ nhất chính ở nơi chiều kích luân lí vốn nội tại và không chối bỏ được của nghề nghiệp y tế, là điều đã được nhìn nhận rồi nơi Lời thề Hippocrate xưa mà vẫn luôn hiện thực, lời thề đó yêu cầu mọi y sĩ phải cam kết tôn trọng tuyệt đối sự sống con người và tính chất thánh thiêng của sự sống ấy» (58).
KẾT LUẬN
36. Giáo huấn luân lí của Giáo Hội đôi khi đã bị cáo buộc chứa đựng quá nhiều cấm đoán. Thực ra, giáo huấn ấy được xây dựng trên sự nhìn nhận và làm tăng trưởng mọi ân huệ mà Đấng Tạo Hóa đã ban cho con người, như sự sống, tri thức, sự tự do và tình yêu. Vì thế, không chỉ các hoạt động tri thức của con người mới xứng đáng được quý trọng, nhưng cả những hoạt động thực tiễn như lao động và hoạt động kĩ thuật nữa. Nhờ những hoạt động thực tiễn này, con người tham dự vào quyền năng tạo dựng của Thiên Chúa và được kêu gọi biến đối công trình tạo dựng, bằng cách sắp xếp vô vàn tài nguyên hướng đến phục vụ cho phẩm giá và phúc lợi của tất cả mọi người và của toàn thể con người, và như thế con người còn trở nên người canh giữ giá trị và vẻ đẹp nội tại của tạo thành.
Tuy nhiên, lịch sử nhân loại cho thấy con người đã và còn tiếp tục lạm dụng như thế nào các quyền hạn và các khả năng mà Thiên Chúa đã trao cho, gây nên nhiều hình thức kì thị và áp bức bất công đối với những người yếu thế nhất và những người không có chút khả năng tự vệ nào cả. Những tấn công hằng ngày chống lại sự sống con người; cuộc sống của những vùng nghèo rộng lớn ở đó con người chết vì đói khát và bệnh tật, không hề biết đến những nguồn tri thức lí thuyết và thực hành vốn sẵn có dồi dào ở nhiều nước; sự phát triển kĩ thuật công nghệ và công nghiệp đang gây ra nguy cơ cụ thể có thể làm sụp đổ hệ thống sinh thái; việc sử dụng các nghiên cứu khoa học trong vật lí, hóa học và sinh học với mục đích chiến tranh; rất nhiều xung đột vẫn còn tiếp tục chia rẽ các dân tộc và các nền văn hóa. Tất cả những điều này này, đáng buồn thay, chỉ mới là một vài trong các dấu chỉ hiển nhiên nhất nói lên một thực tế là con người đã sử dụng sai trái các khả năng của mình và trở thành kẻ thù xấu nhất của chính mình, con người đánh mất đi ý thức về ơn gọi cao cả và đặc biệt của mình như là người cộng tác vào công trình tạo dựng của Thiên Chúa.
Đồng thời , lịch sử nhân loại cũng cho thấy những tiến bộ thực sự trong sự hiểu biết và nhìn nhận giá trị và phẩm giá của mỗi nhân vị như là nền tảng của các quyền và những mệnh lệnh đạo đức, nhờ đó xã hội loài người đã và vẫn còn đang được xây dựng. Do đó chính nhân danh sự thăng tiến phẩm giá của con người mà những thực hành và thái độ gây hại phẩm giá đó đã bị cấm. Chẳng hạn, có các biện pháp chính trị và pháp lí – chứ không chỉ là cấm đoán đạo đức – chống sự kì thị chủng tộc và các hình thức nộ lệ khác nhau, chống những sự phân biệt bất công và gạt ra bền lề những người phụ nữ, trẻ em, những người bệnh hay khuyết tật. Những cấm đoán ấy là một bằng chứng rõ ràng cho giá trị bất khả nhượng và phẩm giá nội tại của mỗi con người và là dấu chỉ của một sự tiến bộ đích thực của lịch sử nhân loại. Nói cách khác, sự hợp pháp của mọi lệnh cấm đoán được xây dựng trên cơ sở nhu cầu bảo vệ sự thiện luân lí đích thực.
37. Nếu sự tiến bộ của con người và xã hội ban đầu được đánh dấu bởi sự phát triển công nghiệp và sản xuất các hàng hóa tiêu thụ, thì ngày nay lại được đặc trưng bởi sự phát triển của công nghệ thông tin, của những nghiên cứu trong lãnh vực về di truyền, y khoa và công nghệ sinh học ứng dụng cho con người. Đó là những lĩnh vực rất quan trọng cho tương lai của nhân loại, nhưng ở đó cũng cho thấy có những lạm dụng rõ ràng và không thể chấp nhận được. «Cách nay một thế kỷ, chính giai cấp công nhân đã bị áp bức trong các quyền căn bản của mình, và Giáo Hội đã can đảm bảo vệ họ bằng cách tuyên bố các quyền linh thánh của nhân vị của người lao động. Cũng thế, ngày nay, khi một nhóm người (phạm trù những nhân vị) khác bị ức hiếp nơi quyền sống căn bản của mình, Giáo Hội, cũng với một sự can đảm như thế, cảm thấy mình có bổn phận phải lên tiếng nói thay cho những người không có tiếng nói. Tiếng nói của Giáo Hội luôn là một tiếng kêu Tin Mừng bênh vực những người nghèo của thế giới, những người bị đe dọa, bị khinh thường và những người mà nhân quyền của họ bị chà đạp» (59).
Do sứ vụ của mình, vốn thuộc về lãnh vực giáo thuyết và mục vụ của Giáo Hội, Bộ Giáo Lý Đức Tin cảm thấy có bổn phận phải tái khẳng định phẩm giá và các quyền căn bản và bất khả nhượng của mỗi cá thể người, ngay từ những giai đoạn đầu tiên của cuộc sống mình, và làm sáng tỏ những đòi hỏi, bởi sự nhìn nhận phẩm giá này, mỗi con người dù ở giai đoạn nào của cuộc sống mình đều cần phải được bảo vệ và tôn trọng.
Thực thi nhiệm vụ này bao hàm một sự can đảm chống lại mọi thực hành do một sự kì thị bất công nghiêm trọng đối với các hữu thể nhân linh chưa được sinh ra, vốn có một phẩm giá nhân vị, cũng được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Trong nỗ lực phân định giữa điều tốt và điều xấu, đằng sau mỗi tiếng «không» từ chối chính là một tiếng «vâng» tuyệt vời nhìn nhận phẩm giá và giá trị bất khả nhượng của mỗi hữu thể nhân linh, độc đáo và duy nhất, được kêu gọi đi vào hiện hữu.
Các tín hữu sẽ dấn thân mạnh mẽ phát triển một nền văn hóa sự sống mới, bằng cách đón nhận những nội dung của Huấn thị này với tinh thần đồng thuận trong đức tin, và nhận biết rằng Thiên Chúa luôn ban ân sủng cần thiết để ta có thể tuân giữ những giới răn của Người và nơi mọi hữu thể nhân linh, đặc biệt nơi những người bé nhỏ nhất, họ gặp gỡ chính Chúa Kitô (x. Mt 25, 40). Tất cả những người thiện chí, nhất là các bác sĩ và những nhà nghiên cứu có tinh thần cởi mở đối thoại và khao khát tìm biết chân lí, cũng sẽ hiểu và đón nhận những nguyên tắc và những đánh giá này, là nhằm bảo vệ thân phận mỏng manh của hữu thể nhân linh trong những giai đoạn đầu tiên của sự sống và để cổ võ một nền văn minh nhân bản hơn.
Huấn thị này đã được thông qua trong Khóa họp thường kì của Bộ Giáo Lý Đức Tin
và Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, trong buổi tiếp kiến ngày 20/06/2008
dành cho Đức Hồng Y Bộ Trưởng, người ký tên dưới đây,
đã chấp thuận và truyền cho xuất bản Huấn thị.
Rôma, tại Văn Phòng Bộ Giáo Lý Đức Tin, ngày 8/9/2008, lễ Sinh Nhật Đức Trinh Nữ Maria.
Hồng Y WILLIAM LEVADA
Bộ trưởng
LUIS LADARIA, S.I.
Tổng Giám Mục hiệu tòa Thibica
Tổng Thư ký
Chú thích:
(1) Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn thị Donum Vitae về việc tôn trọng sự sống con người lúc phôi thai và phẩm giá của việc sinh sản (22/02/1987) : AAS 80 (1988), 70-102.
(2) Gioan-Phaolô II, Thông điệp Veritatis splendor về một vài vấn đề căn bản của giáo huấn luân lí của Giáo Hội (06/08/1993) : AAS 85 (1993), 1133-1228.
(3) Gioan-Phaolô II, Thông điệp Evangelium Vitae về giá trị và tính bất khả xâm phạm của sự sống con người (25/03/1995) : AAS 87 (1995), 401-522.
(4) Gioan-Phaolô II, Diễn từ nói với các tham dự viên Hội Nghị lần thứ VII của Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về Sự Sống (03/03/2001), s.3 : AAS 93 (2001), 446.
(5) X. Gioan-Phaolô II,, Thông điệp Fides et ratio về các mối tương quan giữa đức tin và lí trí (14/09/1998), s.1 : AAS 91 (1999), 5.
(6) Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn Thị Donum vitae, I, 1: AAS 80 (1988), 79.
(7) Như Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhắc nhớ, nhân quyền, nhất là quyền sống của mỗi người, «đặt nền tảng trên luật tự nhiên vốn được ghi khắc nơi tâm hồn con người và có mặt trong các nền văn hóa và văn minh khác nhau. Tách các quyền con người khỏi bối cảnh này có nghĩa là hạn chế tầm hoạt động của chúng và nhượng bộ cho một quan niệm tương đối luận, theo đó ý nghĩa và việc giải thích các quyền này có thể thay đổi và tính phổ quát của chúng có thể bị phủ nhận nhân danh những bối cảnh văn hóa, chính trị, xã hội và thậm chí tôn giáo. Có nhiều quan điểm khác nhau không thể là lí do để quên đi sự kiện rằng không chỉ những quyền con người là phổ quát, mà còn nhân vị, vốn là chủ thể của những quyền này, cũng phổ quát» (Diễn văn tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc (18/04/2008) : AAS 100 (2008), 334).
(8) Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn Thị Donum vitae, I, 1: AAS 80 (1988), 78-79.
(9) Ibid., II, A, 1: l.c., 87.
(10) Phaolô VI, Thông điệp Humanae vitae (25/07/1968), s.8: AAS 60 (1968), 485-486.
(11) Bênêđictô XVI, Diễn văn nói với các tham dự viên của Hội nghị quốc tế được tổ chức bởi Đại học Giáo Hoàng Latêranô nhân dịp kỷ niệm 40 năm thông điệp Humanae vitae (10/05/ 2008) : L’Osservatore Romano, 11/05/2008, tr.1; cf. Gioan XXIII, Thông điệp Mater et magistra (15/05/1961), III: AAS 53 (1961), 447.
(12) CĐ Vatican II, Hiến Chế Mục vụ Gaudium et spes, s.22.
(13) Gioan-Phaolô II, Thông điệp Evangelium vitæ, ss.37-38 : AAS 87 (1995), 442-444.
(14) Gioan-Phaolô II, Thông điệp Veritatis splendor, s.45 : AAS 85 (1993), 1169.
(15) Bênêđictô XVI, Diễn văn tại Đại Hội của Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về Sự Sống và Hội nghị quốc tế về «Phôi người trong giai đoạn tiền cấy » (27/02/2006) : AAS 98 (2006), 264.
(16) Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn Thị Donum vitae, Dẫn nhập, 3 : AAS 80 (1988), 75.
(17) Gioan-Phaolô II, Tông huấn Familiaris consortio về những nhiệm vụ của gia đình kitô hữu trong thế giới ngày nay (22/11/1981), s.19: AAS 74 (1982), 101-102.
(18) X. CĐ Vatican II, Tuyên ngôn Dignitatis humanae, s.14.
(19) X. Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn thị Donum vitae, II, A, 1 : AAS 80 (1988), 87.
(20) Ibid., II, B, 4: l.c., 92.
(21) Ibid., Dẫn nhập, 3: l.c., 75.
(22) Thụ tinh hay sinh sản nhân tạo dị ngẫu (heterologous artificial fertilization or procreation) được hiểu là«những kĩ thuật nhằm thụ thai con người cách nhân tạo từ những giao tử của ít nhất là một người hiến tặng mà không phải là vợ hay chồng có kết hôn» (ibid., II : l.c., 86).
(23) Thụ tinh hay sinh sản nhân tạo đồng ngẫu (homologous artificial fertilization or procreation), được hiểu là«những kĩ thuật nhằm thụ thai con người cách nhân tạo từ những giao tử của hai vợ chồng đã kết hôn» (ibid.).
(24) Ibid., II, B, 7: l.c., 96 ; x. Piô XII, Diễn văn nói với các tham dự viên Hội nghị quốc tế các bác sĩ Công giáo lầnthứ IV (29/09/1949) : AAS 41 (1949), 560.
(25) Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn thị Donum vitae, II, B, 6 : l.c., 94.
(26) X. Ibid., II : l.c., 86.
(27) Hiện nay, số phôi bị hy sinh ngay cả tại các trung tâm thụ tinh nhân tạo có kĩ thuật tiên tiến nhất có thể xấp xỉtrên 80%.
(28) Gioan-Phaolô II, Thông điệp Evangelium Vitae, s.14 : AAS 87 (1995), 416.
(29) X. Piô XII, Diễn văn nói với các tham dự viên tại Hội nghị thế giới tại Napôli về sinh sản và vô sinh của con người(19/05/1956) : AAS 48 (1956), 470 ; Phaolô VI, Thông điệp Humanae vitae, s.12 : AAS 60 (1968), 488-489 ; Bộ giáo lý đức tin, Huấn thị Donum vitae, II, B, 4-5 : AAS 80 (1988), 90-94.
(30) Càng ngày càng có nhiều người, không có liên hệ hôn nhân, cậy nhờ đến những kĩ thuật thụ tinh nhân tạo đểcó con. Những hành động đó làm yếu đi định chế hôn nhân và cho sinh ra những em bé trong những môi trường không thuận lợi cho chúng tăng trưởng thành người đầy đủ.
(31) Bênêđictô XVI, Diễn văn tại Đại Hội của Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về Sự Sống và Hội nghị quốc tế về «Phôi người trong giai đoạn tiền cấy » (27/02/2006) : AAS 98 (2006), 264.
(32) Kĩ thuật bơm tinh trùng vào trứng (Intracytoplasmic Sperm Injection (ICSI)), hầu như giống với những hình thức thụ tinh trong ống nghiệm khác, nhưng khác biệt ở điểm này là, sự thụ tinh không xảy ra cách tự động trong ống nghiệm, nhưng qua việc bơm một tinh trùng duy nhất được chọn lọc trước vào trong tế bào chất của trứng, hay đôi khi qua việc bơm các tế bào mầm chưa trưởng thành lấy từ người đàn ông.
(33) Về vấn đề này, các chuyên gia vẫn còn tranh cãi về một số nguy cơ mà ICSI có thể bao hàm đối với sức khỏe của đứa con được cưu mang.
(34) Bộ giáo lý đức tin, Huấn thị Donum vitae, II B, 5 : AAS 80 (1988), 93.
(35) Làm đông lạnh phôi (Cryopreservation of embryos) là một kĩ thuật đông lạnh ở nhiệt độ rất thấp nhằm bảo quản lâu dài các phôi.
(36) X. Bộ giáo lý đức tin, Huấn thị Donum vitae, I, 6 : AAS 80 (1988), 84-85.
(37) X. các số 34-35 của Huấn thị này.
(38) X. Bộ giáo lý đức tin, Huấn thị Donum vitae, II, A, 1-3 : l.c., 87-89.
(39) Gioan-Phaolô II, Diễn văn nói với các tham dự viên của Hội thảo chuyên đề về «Evangelium vitae và Luật» và Hội thảo quốc tế về Luật Rôma và Giáo luật lần thứ XI (24/05/1996), n. 6 : AAS 88 (1996), 943-944.
(40) Việc bảo quản đông lạnh các noãn bào cũng được dự định trong những bối cảnh khác không được bàn đến ở đây. Thuật ngữ noãn bào (oocyte) chỉ tế bào mầm của người nữ, chưa được tinh trùng đâm vào.
(41) X. CĐ Vatican II, Hiến Chế Mục vụ Gaudium et spes, s.51; Gioan-Phaolô II, Thông điệp Evangelium Vitae,s.62 : AAS 87 (1995), 472.
(42) Gioan-Phaolô II, Thông điệp Evangelium Vitae, s.63 : AAS 87 (1995), 473.
(43) Các phương tiện ngăn chặn mang thai (interceptive) nổi tiếng nhất là vòng tránh thai (IUD – IntraUterine Device), và cái gọi là «viên thuốc ngày hôm sau».
(44) Những phương tiện loại bỏ phôi thai (contragestative) chính yếu là viên thuốc RU-486 hay Mifepristone, prostaglandins và Methotrexate.
(45) Gioan-Phaolô II, Thông điệp Evangelium vitæ, s.58 : AAS 87 (1995), 467.
(46) X. CIC (Giáo luật Giáo hội LaTinh), đ.1398 và CCEO (Giáo Luật Giáo hội Đông Phương) đ.1450 §2 ; cũng nên xem thêm CIC, đ.1323-1324. Ủy ban Toà Thánh về việc Giải thích Giáo Luật Đích thực tuyên bố rằng khái niệm phá thai theo nghĩa hình luật được hiểu như là «giết chết một bào thai dù bằng cách nào và khi nào kể từ lúc thụ thai » (Trả lời cho những hoài nghi của ngày 23/05/1988: AAS 80 [1988], 1818).
(47) Trong phạm vi hiểu biết của nhân loại cho tới nay, có hai kĩ thuật được vận dụng để thực hiện nhân bản vô tính trên người, đó là : kĩ thuật phân đôi (embryo twinning) và kĩ thuật truyền nhân (cell nuclear transfer). Kĩ thuật phân đôi hệ tại việc tách rời cách nhân tạo các tế bào đơn hay nhóm tế bào từ một phôi, trong thời kì đầu tiên của sự phát triển của phôi, và truyền liên tiếp các tế bào này vào trong tử cung để có được, cách nhân tạo, những phôi giống y như vậy (gọi là sinh đôi). Kĩ thuật truyền nhân, hay nhân bản vô tính đúng nghĩa, hệ tại việc đưa nhân lấy từ một tế bào phôi hay tế bào thân vào trong một noãn bào (hay trứng) đã được rút bỏ nhân trước, sau đó kích hoạt noãn bào này để đến lượt nó bắt đầu tự phát triển như là một phôi.
(48) X. Bộ giáo lý đức tin, Huấn thị Donum Vitae, I, 6 : AAS 80 (1988), 84; Gioan-Phaolô II, Diễn văn nói với các thành viên của Ngoại giao đoàn bên cạnh Tòa Thánh (10/01/2005), s.5: AAS 97 (2005), 153.
(49) Các kĩ thuật mới thuộc thể loại này chẳng hạn như là : sự trinh sản (parthenogenesis) được áp dụng cho con người, sự truyền một nhân đã được thay đổi (Altered Nuclear Transfer : ANT) và những kĩ thuật tái lập trình noãn bào có trợ giúp ( l’OAR -Oocyte Assisted Reprogramming).
(50) Gioan-Phaolô II, Thông điệp Evangelium vitæ, s.60 : AAS 87 (1995), 469.
(51) Bênêđictô XVI, Diễn văn tại Hội nghị quốc tế về đề tài «Các tế bào gốc: đâu là tương lai của trị liệu pháp?» được tổ chức bởi Viện Hàn Lâm Giáo hoàng về Sự Sống (16/09/2006): AAS 98 (2006), 694.
(52) X. các số 34-35 của Huấn thị này.
(53) Bênêđictô XVI, Diễn văn tại Hội nghị quốc tế về đề tài «Các tế bào gốc: đâu là tương lai của trị liệu pháp?» được tổ chức bởi Viện Hàn Lâm Giáo hoàng về Sự Sống (16/09/2006): AAS 98 (2006), 693-695.
(54) Gioan-Phaolô II, Thông điệp Evangelium vitæ, s.63 : AAS 87 (1995), 472-473.
(55) X. Ibid s.62 : l.c., 472.
(56) X. Bộ giáo lý đức tin, Huấn thị Donum Vitae, I, 4 : AAS 80 (1988), 83.
(57) X. Gioan-Phaolô II, Thông điệp Evangelium vitæ, s.73 : AAS 87 (1995), 486: «Phá thai và gây cái chết êm dịu là những tội ác mà không có luật lệ nào của con người có thể đòi hợp pháp hóa được. Lương tâm không hề bị bó buộc phải tuân theo những luật lệ như thế; trái lại, lương tâm còn hiển nhiên bị bó buộc phải nghiêm ngặt chống lại các thứ luật lệ ấy». Quyền phản đối của lương tâm, vốn diễn tả quyền tự do lương tâm, cần phải được bảo vệ bởi luật pháp.
(58) Gioan-Phaolô II, Thông điệp Evangelium vitæ, s.89 : AAS 87 (1995), 502..
(59) Gioan-Phaolô II, Thư gởi cho tất cả các Giám mục về «Tin Mừng sự sống » (19/05/1991) : AAS 84 (1992), 319.
Bản dịch của Ủy ban Giáo lý Đức tin – Hội đồng Giám mục Việt Nam