Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2012

Họ Nguyễn và Trần Lưu Quận

Họ Nguyễn là một trong những họ lớn nhất Việt Nam. Đây là một họ có nguồn gốc khá phức tạp, không thuần nhất.

Sỡ dĩ họ Nguyễn có nhân số đông là vì ngoài họ Nguyễn chính tông còn có một số do các dòng họ khác chuyển đổi sang do nhiều hoàn cảnh khác biệt. Như dòng họ Lý của Nhà Lý bị Trần Thủ Độ buộc phải đổi sang họ Nguyễn để ngăn chận việc họ Lý có thể khôi phục vương quyền đã mất về tay họ Trần. Sau khi triều nhà Hồ sụp đổ, nhiều người họ Hồ cải sang họ Nguyễn để được yên thân.

Thời nhà Nguyễn một số người họ Trịnh, họ Lê đổi sang họ Nguyễn để tỵ nạn. Có họ Nguyễn chủ trương “sinh vi Nguyễn, tử vi Trần” khi sống mang họ Nguyễn khi chết trở về với họ gốc là họ Trần để khỏi bị hại.
Cũng có một số họ do được ban quốc tính mà mang họ Nguyễn, thời Chúa Nguyễn họ Mạc của Mạc Cảnh Huống, người đã theo Nguyễn Hoàng vào Nam, góp nhiều công lao xây dựng xứ Đàng Trong được đổi thành họ Nguyễn Hữu (con Mạc Cảnh Huống là Nguyễn Hữu Vinh), về sau lại đổi thành họ Nguyễn Trường.
Danh tướng Huỳnh Đức có công phò Gia Long được ban quốc tính đổi thành họ kép Nguyễn Huỳnh là Nguyễn Huỳnh Đức.

Họ Nguyễn là người bản địa, không thấy gia phả họ Nguyễn ghi gốc tích ở nước Trung Hoa, người họ Nguyễn có tên đầu tiên trong chính sử Việt Nam là Nguyễn Bặc được suy tôn là thủy thái tổ của dòng họ Nguyễn Phúc Tộc.

Theo truyền thuyết Tản Viên Sơn Thánh họ Nguyễn tên Tuấn.

Tuy nhiên một số họ Nguyễn khi cúng tế lại bái vọng về Trần Lưu Quận như là nơi phát tích tự nghìn xưa của họ. Ngày nay nhiều họ Nguyễn mặc dầu không thể truy tầm tông tích tổ tiên, tuy chỉ biết có 5 hay 7 đời về trước vẫn nhận mình là người Trần Lưu Quận.

Trần Lưu Quận,trích từ http://maps.google.com/

Về nguồn gốc họ Nguyễn, sử thư Trung Quốc ghi là:

1- Xuất từ họ Yển, hậu duệ của Cao Dao.

2- Hậu duệ của Cao Dao, sống ở vùng Kinh thủy, nhà Thương phong lập nước Nguyễn, Văn Vương nhà Chu diệt nước Nguyễn, người trong nước chạy loạn lấy quốc hiệu làm họ.

3- Từ họ Thạch cải sang.

Cao Dao (皋陶) là hiền thần thời vua Vũ nhà Hạ, truyền thuyết nói Cao Dao sanh vào thời vua Nghiêu, thời vua Vũ nhà Hạ được cử giữ chức quan hình pháp, lấy chính trực trị người nên được xem là tỵ tổ tư pháp Trung Quốc.

Khổng Tử liệt Cao Dao vào hàng Thượng Cổ tứ Thánh: Đế Nghiêu, Đế Thuấn, Đế Vũ, Cao Dao.

Sách “Minh nhất thống chí”, “Thanh nhất thống chí” đều ghi Cao Dao người Hồng Động.

Sách “Hồng Động huyện chí” ghi Cao Dao người huyện Hồng Động, thôn Sĩ Sư, khi chết chôn tại phía đông thôn, miếu thờ lập ở phía đông bắc thôn.


Lại có thuyết khác, sách “Lã thị Xuân Thu thông thuyên” nói Cao Dao là quan Tư pháp thời Ngu Thuấn, người Cao thành (nay là Lục An tỉnh An Huy) Cao Dao là hậu duệ của Thiếu Hạo thủ lĩnh Đông Di, họ Yển. Hiện nay phía đông thành phố Lục An có mộ Cao Dao.

Cổ Cao Dao mộ http://baike.baidu.com/

Tương truyền Cao Dao có ba người con trai. Con trưởng là Bá Ế (tức Bá Ích) giỏi thuần hóa chim thú, làm quan nước Ngu, ăn lộc ở Doanh nên mang họ Doanh, hậu duệ Bá Ích được phong ấp Tần hợp xưng Doanh Tần, Tần Thủy Hoàng chính là dòng dõi Bá Ích, con cháu Bá Ích sau dời về trấn Triệu Thành, huyện Hồng Động, tỉnh Sơn Tây là thủy tổ của họ Triệu. Con thứ Trọng Chấn, làm quan nhà Hạ, được phong đất Lục (Lục An, tỉnh An Huy). sau phong đất Yển ( Khúc Phụ Tây, tỉnh Sơn Đông) nên mang họ Yển. Họ Yển sau dời về Sở. Các họ Thư, Từ, Nguyễn, Giang, Hoàng, Diệp đều là hậu duệ của Cao Dao.

Như vậy họ Nguyễn có nguồn gốc từ Cao Dao nhưng thuộc dòng con thứ Trọng Chấn. Trọng Chấn được phong ở đất Yển nên lấy họ Yển, về sau đến đời nhà Thương một số người họ Yển tụ cư về Kinh Xuyên kiến lập nên Nguyễn Quốc là chư hầu phía bắc nhà Thương. Khi nhà Thương suy tàn, nước Chu ở phía nam nước Nguyễn cũng là một chư hầu của Thương trở nên hùng mạnh đem quân diệt các chư hầu nhỏ, trong đó có Nguyễn Quốc.

Thơ “Hoàng hỉ” trong thiên Đại Nhã Kinh Thi có nói về sự kiện này:

密人不恭,
敢距大邦,
侵阮徂共。
王赫斯怒,
援整其旅,
以按徂旅。

Mật nhân bất cung
Cảm cự đại bang
Xâm Nguyễn tồ Cung
Vương hách tư nộ
Viên chỉnh kỳ lữ
Dĩ át tồ lữ …

(Nước Mật bất tùng
Dám cự đại bang
Đánh Nguyễn chiếm Cung
Văn Vương nổi giận
Chỉnh đốn quân lữ
Để chận giặc hung…)
(Nguyễn Thiếu Dũng dịch)

Văn vương sau khi chiếm được nước Nguyễn, nước Cung, nước Mật không tùng phục đem quân tiến công vào Nguyễn và Cung, nước Chu phản công diệt luôn nước Mật.

Người nước Nguyễn sợ bị hại phân tán khắp nơi nhưng không quên cố quốc mới lấy Nguyễn làm họ. Về sau người họ Nguyễn định cư ở đất Trần Lưu, đời Hán đặt Trần Lưu Quận từ đó dầu ở đâu trong tâm thức họ vẫn ghi sâu địa danh nầy mỗi khi tưởng nhớ về nguồn cội.

Hiện nay nước Nguyễn, nước Cung nằm trong địa phận huyện Kinh Xuyên, tỉnh Cam Túc, nước Nguyễn thuộc khu vực Thành Quan, La Hán Động, Kinh Minh, Hồng Hà.

Địa bàn Nguyễn Quốc trích từ http://maps.google.com/

Như vậy, họ Nguyễn có gốc từ Nguyễn Quốc đất Kinh Châu, tỉnh Cam Túc sau thiên cư về Trần Lưu Quận, tỉnh Hà Nam rồi qua nhiều đợt thiên di nữa đã định cư ở Việt Nam.

Vấn đề đặt ra ở đây là phát xuất từ đất Trung Quốc hiện nay vậy họ Nguyễn là người Hoa hay người Việt?
Câu trả lời rõ ràng họ Nguyễn là người Việt.

Ở trên ta đã biết theo sử thư Trung Quốc, Cao Dao là người Đông Di, Đế Thuấn theo Mạnh Tử cũng là người Đông Di, đúng nghĩa không phải là người Hoa. Đông Di cũng là người Việt. Tứ Thánh thời Thượng cổ, xếp theo Khổng Tử, là Đế Nghiêu, Đế Thuấn, Đế Vũ và Cao Dao, thì đều là người Việt vì tên gọi được cấu trúc theo ngữ thức Việt, chức vụ để trước (đế), tên để sau (Nghiêu, Thuấn, Vũ). Nếu theo ngữ pháp Hán ngữ phải viết là Nghiêu Đế, Thuấn Đế, Vũ Đế.

Hai nhà Hạ, Thương là triều đại của người Việt.

Trung Hoa mới lập quốc vào đời Chu họ là giống dân du mục miền Bắc ăn thực phẩm chính là thịt, cao lớn mạnh mẻ hơn người Việt phương Nam vốn là dân nông nghiệp, ăn ngủ cốc là chính.

Nhà Hạ do Đế Vũ sáng lập, Đế Vũ là người Việt (tổ tiên của Việt Vương Câu Tiển), nhà Thương vốn người Đông Di, người miền biển, quốc hiệu của họ còn mang theo cả vỏ sò  (Chữ Thương  trên Kim văn)

Địa bàn của Thương kéo dài đến Trường Giang, nơi đây trước Thương đã là một lưu vực văn minh rồi, chứ không như sử thư Trung Quốc gọi là man di (với nghĩa mọi rợ).

Chỉ cần xét tên gọi của Kiệt, vua cuối đời Hạ và Trụ, vua cuối đời Thương là ta có thể hình dung đó phải là triều đại của Việt với những con người nói tiếng Việt. Dân nhà Hạ, vì bất mãn với chính sách bạo ngược của vua nên lấy bộ phận sinh dục nam để miệt thị gọi là kiệt, âm này phải đọc đúng âm tiếng việt mới rõ hết nỗi phẩn uất đó. Thơ Vương phong trong Kinh Thi có câu 雞棲于桀 kê tê vu kiệt (gà đậu trên cọc), Kiệt, cọc, c.c cận âm. Cũng thế Trụ để chỉ động thái giao cấu mà chỉ có âm tục của tiếng Việt mới đọc đúng và gọi đúng sự ví von đó. Trụ đi đôi với Đắc Kỷ. Đắc kỷ đọc theo phiên thiết là đĩ.

Nguồn gốc họ Nguyễn góp phần cho thấy người Việt ở đất Trung Hoa hiện nay trước người Hoa nhiều nghìn năm trước. Khi Hoàng Đế thắng Viêm Đế, diệt Si Vưu, một phần người Việt ở lại chịu đồng hóa, một phần khác thiên cư về phía nam phân rả thành Bách Việt dần dần cũng bị đồng hóa nhưng dấu vết Việt không phai nhập với dân bản địa sinh sống ở vùng Hoa Nam, một bộ phận khác chạy về Việt Nam nhập với người bản địa cũng là người Việt quyết tâm giữ vững bản sắc chủng tộc, chống lại sự đồng hóa và xâm lược của Trung Quốc.

Họ Nguyễn ở Việt Nam phát thành họ lớn đã đóng góp rất nhiều công sức trong công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước.

Nguyễn Thiếu Dũng

Không có nhận xét nào: