Sau lễ Tạ Ơn là nhạc Giáng Sinh đã bắt đầu vang vang đó đây. Noel đang dần về, và lòng người lại rộn ràng, chờ đợi cho một mùa lễ hội mới.
Trong khi nhiều người nôn nao chuẩn bị Noel, coi Noel đơn thuần chỉ là một lễ hội, thì đối với những người Kitô Giáo, Noel lại mang một ý nghĩa hết sức đặc biệt. Đó là kỷ niệm việc Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần mang ơn cứu độ cho nhân loại. Ngày sinh nhật của Đấng Cứu Thế. Do đó, việc kỷ niệm biến cố này cũng là một nhắc nhở cho mọi người rằng chúng ta được dựng nên cho nước trời, và một ngày rất gần, mọi người sẽ về với nơi mình đã xuất phát nếu như đã có những chuẩn bị cần thiết. Và trong tinh thần ấy Giáo Hội Công Giáo đã long trọng mừng đại lễ Giáng Sinh với 4 tuần lễ chuẩn bị tâm hồn, tiếng tôn giáo gọi là Mùa Vọng (Advent).
Tuần lễ thứ nhất, Giáo Hội đã dùng chính lời của Chúa Giêsu để nhắc nhở tín hữu mình rằng “Hãy canh chừng và tỉnh thức” (Máccô 13:33). Tuần lễ thứ hai, Giáo Hội dùng lời Gioan Tẩy Giả để nói với họ về một đấng rất quyền uy sẽ xuất hiện. và để đón tiếp Ngài, tất cả cần phải chuẩn bị bằng việc sửa sai, thống hối về mọi lỗi lầm của mình (xem Gioan 1:1-8). Tuần lễ thứ ba, đặt nền tảng trên lời của Gioan, Giáo Hội đã đưa ra một hành động cụ thể cho việc chuẩn bị, đó là cần phải sửa sang, uốn nắn lại con đường dẫn đến nhà của mỗi người. Đây là giai đoạn cuối của việc chuẩn bị, một chuẩn bị tổng hợp và chi tiết hơn của cả hai tuần trước: “Hãy sửa cho ngay con đường cho Chúa” (Gioan 1:23). Và sau khi cuộc sống và tâm hồn đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, lúc đó mỗi người chúng ta mới trở thành một hang Belem đẹp đẽ, thơm tho đón nhận Ngôi Hai giáng trần vào chính tâm hồn mình, để cảm nhận được thế nào là một “đêm thánh vô cùng!” Thế nào là những “giây phút tưng bừng!” mà hội nhạc thiên quốc đã hát mừng Ngài cách đây hơn 2000 năm tại đồng quê Belem: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm” (Luca 2:14).
Đối với niềm tin Kitô Giáo thì việc chờ đợi được gặp gỡ Thiên Chúa trong lần quang lâm thứ hai tức là ngày chết của mỗi người, cũng như ngày thế mạt (tận thế) trong sự xuất hiện lần Thứ Hai của Chúa Giêsu Kitô trong vinh quang là một sự chờ đợi hết sức quan trọng. Vì ngoài trừ chỉ một số rất ít như Giuse, Maria, Isave, Gioan, Simêon, Anna, một số mục đồng, và ba nhà đạo sỹ đã biết và đón tiếp Ngài lần đến thứ nhất, còn phần đông nhân loại đã không có cơ may này. Như vậy, nếu bất cứ ai mà để lỡ mất cơ hội lần thứ hai là coi như con tầu vũ trũ đã khởi hành mà không hề chờ đợi họ…
Trở lại ý nghĩa tuần lễ đầu của mùa hy vọng và chờ đợi ấy, như chính lời Chúa Giêsu đã phán: “Hãy canh chừng và tỉnh thức” (Máccô 13:33). Lùi về lịch sử của dân Do Thái, hơn 4 ngàn năm các tổ phụ của họ đã khóc lóc, than van, và cầu xin Đấng Thiên Sai nhưng rất tiếc khi Ngài đến thì không ai ra đón tiếp Ngài: “Sự sáng chiếu soi trong u tối. Và u tối đã không tiếp nhận sự sáng” (Gioan 1:5). Vì: “Người đã đến nhà của Người, và các gia nhân đã không tiếp nhận Người” (Gioan 1:11). Câu truyện Thánh Kinh kể lại cha mẹ Ngài trên đường về Belem ghi danh sổ sách, các quán hàng đều từ chối vì họ nghèo, mặc dù họ biết mẹ của Ngài đang có thai Ngài và rất có thể sẽ sinh Ngài bất cứ lúc nào. Do đó, Ngài đã được hạ sinh ở một chuồng bò (chuồng nuôi súc vật) ngoài thành giữa một đêm đông giá lạnh. Đó là kinh nghiệm của bản thân Ngài. Kinh nghiệm bị hất hủi và từ chối của dân Ngài ấy còn tiếp tục tái diễn cho đến cái chết của Ngài trên thập tự giá. Nhìn lại cuộc giáng trần của Ngài, sự hy sinh vì ơn cứu độ nhân loại bị lãng quên ấy, nên Ngài mới nhắc nhở mọi người rằng đừng ngủ mê và chểnh mảng.
Tiếp đến Chúa Nhật thứ hai, mặc dù Ngài đã có mặt trên trái đất và đang ở giữa họ, nhưng Gioan Tẩy Giả vẫn phải nhắc nhở cho mọi người về Đấng sẽ đến sau Ông, quyền năng mà Ông tự cho mình không đáng cởi dây giầy cho Ngài. Ông đã khuyên họ để đối diện với Đấng ấy thì họ phải chuẩn bị kỹ lưỡng. Bởi vì Ngài là Đấng Thánh trên hết các Thánh nên khi ra trước mặt Ngài, mỗi người phải được sửa soạn, bằng cách chỉnh trang lại nội tâm cũng như cách sống của mình. Nhưng bằng cách nào? Bằng một cái nhìn tâm linh, con người phải thanh tẩy mình qua dòng nước rửa tội, phải được trang bị bằng sức mạnh Thánh Thần, phải hằng ngày nuôi dưỡng mình bằng bánh ban sự sống là Thánh Thể Chúa, phải rửa sạch tâm hồn mình bằng ơn Xá Giải và giao hòa mình với Thiên Chúa qua bí tích Hòa Giải, phải đi vào ơn gọi riêng biệt mình với sức mạnh, quyền năng và ơn phù trợ của Ngài dù là trong ơn gọi Hôn Nhân, hay đời sống Tận Hiến. Và sau cùng phải chuẩn bị cẩn thận cho lần gặp gỡ cuối bằng ơn thánh của Bí Tích Sức Dầu Thánh như một trang sức thơm tho cho tâm hồn khi đón nhận và ra trước mặt Ngài.
Sau khi đã thường xuyên chuẩn bị cho mình một cách cẩn thận, cũng có nghĩa là con người đã hoàn thành việc chuẩn bị như khi ta đón tiếp một vĩ nhân, một thượng khách bằng con đường trơn tru, sạch sẽ và phẳng lặng như lời Gioan đã nói: “Hãy dọn đường ngay thẳng để đón Chúa”. Đây cũng là ý nghĩa của tuần lễ thứ ba trong mùa Vọng.
Như vậy, khi Chúa đến qua việc kỷ niệm Giáng Trần của Ngài cũng như lần hiện đến thứ hai với mỗi người và của nhân loại, lúc đó, mỗi người và toàn thể nhân loại mới thực sự hạnh phúc. Lúc đó mới có thể hát lên những tiếng hát thánh thót của nhạc Giáng Sinh. Và lúc đó lời ca mừng của thiên sứ năm xưa mới thực sự trở thành lời chúc cho riêng mỗi người và toàn thể nhân loại được tuyển chọn: “Bình an”. Hay hạnh phúc viên miễn bên Đấng đã đến và đã đón nhận mỗi người chúng ta vào nơi ánh sáng và hạnh phúc.
Ngoài việc chuẩn bị tinh thần, đi vào thực tế, có lẽ mỗi người cũng nên nhân Mùa Noel thực hành một việc gì rõ ràng. Mỗi người, mỗi gia đình nên dành ra một ngân khỏan bớt ra từ những tiêu dùng xa xỉ của mình cho những người nghèo, những cô nhi, quả phụ để chia sẻ niềm đau, những bất hạnh, kém may mắn của họ nhân mùa Noel. Với cái nhìn tâm linh, điều này cũng có nghĩa là làm sống lại câu nói mà chính Chúa Giêsu, Vua Vinh Quang sẽ nói với từng người và toàn thể nhân loại được tuyển chọn trong ngày Ngài đến lần thứ hai: “Xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn. Ta khát, các ngươi đã cho uống. Ta là lữ khách, các ngươi đã tiếp rước. Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc. Ta đau yếu, các ngươi đã viếng thăm. Ta bị tù đày, các ngươi đã đến với Ta.” (Mátthêu 25:35-36). Nếu ta không có may mắn được tiếp đón Ngài trong cái khó nghèo của Ngài lần đầu thì hãy tiếp đón Ngài qua những anh chị em khó nghèo của Ngài. Hãy tặng Ngài một món quà Noel thật ý nghĩa.
Tóm lại, mùa Vọng và ý nghĩa chờ đợi của nó không mang ý nghĩa của tự nhiên hay tục hóa qua những hào nhoáng đã được các cơ sở thương mại đang ồn ào quảng cáo. Nó cũng không gồm trong việc chuẩn bị quà cáp, áo quần, nhà cửa, tiệc tùng. Chúa đến trong nghèo khó, Ngài phải hạ sinh trong một chuồng nuôi súc vật không phải là cơ hội để con người vui mừng, tiệc tùng và múa hát. Nếu đón tiếp Ngài bằng tâm tình ấy thì chẳng khắc gì chúng ta cười nhạo và xỉ nhục Ngài. Chẳng khác gì lịch sử tái diễn của hơn 2000 năm trước trong khi mọi người vui mừng, ấm áp thì Ngài đã được sinh ra cách âm thầm trong tủi nhục, khó nghèo, và lạnh giá. Do đó, ý nghĩa vui mừng và chờ đợi chắc chắn phải nằm ở chiều sâu tâm linh, và đó là điều mà mọi người, cũng như các Kitô hữu phải chuẩn bị.
Noel đang về. Thực ra Chúa đã đến, đang đến, và sẽ đến với từng người và nhân loại như qua từng biến cố và từng thời điểm cuộc đời. Điều quan trọng là cần nhận ra được những dấu hiệu ấy, và ý thức được những dấu hiệu ấy để chuẩn bị và đón nhận Ngài hay không? “Mùa Vọng là một cơ hội để nhắc nhở chúng ta rằng, chúng ta được tạo dựng nên vì Nước Trời”. Và việc chuẩn bị, đón tiếp quan trọng nhất của mỗi người là lần gặp gỡ Ngài sau khi ta từ giã cõi đời. Lần gặp gỡ mà không ai được quyền lơ là trong việc chuẩn bị.
Trần Mỹ Duyệt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét