Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

Phải lên tiếng trước vụ chính quyền Mỹ xâm phạm quyền tự do lương tâm.


PHẢI LÊN TIẾNG!

Xin đính chính ngay lập tức là đây chỉ xin mượn hơi nhạc sĩ Anh Bằng để nói đến một vấn đề thời sự, nhưng không phải là thời sự VN, nhằm chống bọn TQ xâm lăng nước mình, mà là thời sự Mỹ Quốc, nhằm lên tiếng với chính quyền vì vụ xâm phạm đến quyền tự do lương tâm của mọi người.

Theo tin tức đăng trên trang mạng riêng, hôm 22 tháng 9 vừa qua, Linh Mục (LM) Terence Henry, TOR, Viện Trưởng Đại Học Phan Sinh tại Steubenville, Ohio, đã công bố một bản lên tiếng phản đối những chỉ thị mới do Bộ Sức Khỏe và Phục Vụ Con Người ban hành nhằm cưỡng bức các cơ sở Công Giáo phải lựa chọn giữa đức tin và bảo hiểm sức khỏe. Các chỉ thị này, dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày mùng 1 tháng 8 năm 2012, đòi buộc các chương trình bảo hiểm sức khỏe, cá nhân cũng như tập thể, bao gồm cả các chương trình tự bảo hiểm, phải chi trả tất cả mọi phí tổn về các thủ tục ngừa thai và triệt sản đã được liên bang chấp thuận (76 Luật Liên Bang 46621, ngày 3 tháng 8 năm 2011).

Bản lên tiếng của LM Viện Trưởng viết rằng: “Khi biến việc bảo hiểm chi trả này trở thành bắt buộc, chính phủ đã xâm phạm lãnh vực lương tâm của người tín hữu, và vi phạm quyền lợi hành xử niềm tin tôn giáo của chúng tôi. Sự cưỡng bức phải có bảo hiểm trang trải chi phí ngừa thai và triệt sản đã gây phương hại đến sứ mệnh của các trường đại học Công Giáo.”

Ngài còn tuyên bố thêm rằng: “Cái gọi là ‘quyền đặc miễn tôn giáo’ chắc chắn sẽ không hề bảo vệ cho Viện Đại Học Phan Sinh tại Steubenville, cũng như cả hàng trăm trường đại học, trung học và cơ quan Công Giáo khác, kể cả các bệnh viện, viện dưỡng lão, và các cơ sở phục vụ xã hội Công Giáo khác, vốn chỉ chăm lo phục vụ con người, bất kể họ thuộc tôn giáo nào.”

Bản lên tiếng của LM Viện Trưởng kết thúc bằng lời kêu gọi ‘bãi bỏ các luật lệ do Bộ Sức Khỏe và Phục Vụ Con Người ban hành, và bảo vệ quyền tự do tôn giáo của người Công Giáo cũng như các dân tộc thuộc mọi tôn giáo khác.”

Bình luận về quyết định lên tiếng của LM Viện Trưởng, Michael Henon, phó Viện Trưởng, đã nói thế này: “Viện Đại Học Phan Sinh buộc phải lên tiếng vì cái lệnh ‘vô tiền khoáng hậu’ này của chính phủ là một sỉ nhục đối với niềm tin của mọi người, nam cũng như nữ, và là một vi phạm hiển nhiên đối với các quyền lợi của chúng ta, đã được quy định trong Đệ Nhất Tu Chính Án.” Ông còn ghi nhận rằng hạn chót để công chúng lên tiếng là ngày 30 tháng 9 này, có nghĩa là ta phải hành động ngay lập tức. Ông kêu gọi mọi người thành tâm thiện chí cùng đứng lên với Viện Đại Học Phan Sinh, và với nhiều nhóm tôn giáo khác, nhằm chống lại chỉ thị quái đản này, vì nó đúng là một phát súng lệnh tấn công vào quyền tự do lương tâm của tất cả chúng ta.

Bản lên tiếng này hòa điệu với lời của vị Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Đức Tổng Giám Mục (TGM) Timothy Dolan, cũng vào ngày 22 tháng 9 vừa qua, đã cảnh báo đương kim Tổng Thống (TT) Obama và chính phủ của ông là phải chấm dứt ngay việc họ tấn công Dự Luật Bảo Vệ Hôn Nhân (Defense of Marriage Act, tức DOMA) và quyền tự do tôn giáo của những người ủng hộ dự luật này.

Trong lá thư đề ngày 20 tháng 9 năm 2011 vừa qua, Đức TGM đã cảnh báo rằng, nếu cứ đà này, chính phủ của TT Obama sẽ “đẩy nhanh, trên bình diện quốc gia, cái tiến trình tạo ra mối xung đột giữa Giáo Hội và Nhà Nước, ở nhiều tầm mức cực kỳ lớn, và như thế là gây phương hại cho cả hai thể chế.” Ngài giải thích thêm rằng, nếu chính quyền cứ tiếp tục nỗ lực tái định nghĩa hôn nhân, thì Công Giáo, xét cả về hai phương diện cá nhận cũng như thể chế, sẽ phải đối đầu với những vụ kiện tụng về “phân biệt đối xử đối với xu hướng tính dục” trong khi chỉ biết phục vụ công ích trong các lãnh vực như công ăn việc làm, giáo dục và nuôi nhận. Lá thư nói rằng: “Xã hội sẽ lãnh phần thiệt hại khi các thực thể tôn giáo bó buộc phải rút lui khỏi mạng lưới phục vụ xã hội do trách nhiệm phải duy trì sự liêm chính của thể chế và không nhượng bộ về các nguyên tắc luân lý căn bản.”

Đức TGM tái khẳng định “tính khôn lường của nhân phẩm và giá trị bình đẳng nơi mỗi cá nhân, bao gồm cả những ai có xu hướng đồng tính,” nhưng phi bác “mọi sự ganh ghét và cư xử bất công đối với bất kỳ ai.” Ngài cũng nêu rõ lập trường của Giáo Hội là “việc luôn rất mực tôn trọng hôn nhân như là một sự kết hợp mang tính cách bổ xung và hiệu quả giữa một người nam và một người nữ, không những không chối bỏ mối quan tâm về phúc lợi của tất cả mọi người, mà trái lại, còn củng cố nó hơn nữa.”

Đức TGM còn nhấn mạnh rằng: “Trong khi mọi người đều đáng tôn trọng, điều cần phải khẳng định là không một mối quan hệ nào đem lại nhiều công ích cho bằng hôn nhân giữa đôi vợ chồng. Luật pháp phải phản ánh điều đó.” Rồi ngài kết luận rằng: “Tôi xin tha thiết yêu cầu chính quyền ngưng ngay chiến dịch chống phá DOMA, cơ chế hôn nhân mà nó bảo vệ, và quyền tự do tôn giáo.”

Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ cũng cho rằng chính quyền của TT Obama đã làm ngơ trước nguyện vọng của dân chúng Hoa Kỳ. Trong các tiểu bang mà công dân được phép đi bỏ phiếu về tính hợp hiến của DOMA, thì có 29 tiểu bang đã xác nhận—với đại đa số cử tri—rằng hôn nhân chính là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ.

Các vị Giám Mục nhất loạt cho rằng việc chính quyền chuẩn thuận các cặp đồng tính được có con nuôi rõ ràng đi ngược lại sự xác nhận của TT Obama về tầm quan trọng của cả người mẹ lẫn người cha trong những công bố của ông trong hai dịp lễ Hiền Mẫu và Hiền Phụ năm nay. Trong các công bố này, chính TT đã thừa nhận “tầm quan trọng ngoại thường của các người mẹ trong đời sống mỗi người,” và nhận xét rẳng việc “vắng bóng người cha được cảm nhận bằng nhiều cách thức bởi những đứa con, những gia đình, và các cộng đoàn, vì sự thiếu vắng người cha đó đã khoét sâu một lỗ hổng có thể di hại lâu dài.”

(xin đọc thêm: http://www.ewtnnews.com/catholic-news/US.php?id=4011#ixzz1Yin!iaHK)

09/27/11

Lễ Thánh Vinh Sơn Phaolô

Nguyễn Kim Ngân

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2011

Những con người đang "rô bốt hóa"?

Cập nhật 25/09/2011 06:00:00 AM (GMT+7)
Vô cảm là một "căn bệnh tâm lý". Do đó, để chữa trị căn bệnh này thì cách tốt nhất là cách "đánh vào lòng người".
Xã hội chúng ta là một xã hội vô cảm? Điều đó có đúng hay sai? Đúng thì đúng chỗ nào. Nếu sai thì sai chỗ nào? Những câu hỏi này khiến tôi bứt rứt khi đọc trên Tuần Việt Nam một loạt bài viết về chủ đề này.
Đã là con người thì phải có tình cảm. Đó là kết luận về mặt tâm lý học. Có nghĩa là con người không bao giờ vô cảm. Hiểu theo nghĩa đơn giản nhất là con người luôn luôn có phản ứng về mặt tình cảm hoặc hành động, hoặc là cả hai khi có kích thích từ bên ngoài tác động vào các giác quan.
Điều khẳng định này đúng trong cả các trường hợp như trẻ trong bụng mẹ, người có đời sống thực vật hoặc bệnh nhân mắc bệnh tâm thần. Có lẽ chỉ có một trường hợp duy nhất không đúng. Đó là người đã chết. Vì người đã chết thì không biết gì cả. Và cũng không ai trách người chết "vô cảm" với mình và xã hội.
Không thể trách con người về sự "vô cảm"
Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta gặp phải những khó khăn. Lúc đó chúng ta sẽ cần, hoặc muốn người khác giúp đỡ. Nhưng không phải cứ khó khăn là chúng ta lại cầu xin người khác giúp đỡ mình. Bởi khi người khác không "thỏa mãn nhu cầu" (từ chuyên môn trong tâm lý học) nhỏ nhặt của bản thân thì chúng ta sẽ gọi ngay những "kẻ đó" là đồ "vô cảm", "không có trái tim", "khúc gỗ", "chỉ sống vì mình". Hãy xem xét xem: Điều suy nghĩ hẹp hòi trên của chúng ta đã đúng chưa?
Chúng ta không thể trách người bạn thân của mình chẳng cho chúng ta mượn tiền để tiêu xài. Bởi vì người bạn đó thấy chúng ta tiêu xài tiền không đúng cách và không có chữ tín trong việc trả tiền.
Một bác sĩ không rớt một giọt nước mắt trước cái chết một bệnh nhân. Chúng ta không thể trách về lương tri của con người đó. Bởi đơn giản con người đó là một vị... bác sĩ. Nước mắt của một vị bác sĩ luôn chảy cho những cái chết đầu tiên trong sự nghiệp nghề y của họ. Và khi đã quen thuộc, người bác sĩ sẽ chai sạn dần về mặt tình cảm. Hành động khóc, biểu hiện của sự xúc động sẽ được chuyển thành tâm trạng ưu tư thường thấy trên các vị bác sĩ có thâm niên.
Sự vô cảm- những hành động trái đạo đức
Chúng ta đã từng nghe các câu ca dao, tục ngữ như: "Thương người như thể thương thân", "Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ", "Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn", "Chị ngã em nâng", "Kính lão đắc thọ"... Vậy chúng ta hiểu những ca dao, tục ngữ này như thế nào? Tại sao ông cha ta lại có quá nhiều câu tục ngữ, ca dao về tình nghĩa con người như vậy?
Bởi ông cha ta thời xưa cũng đã băn khoăn rất nhiều về vấn đề đạo đức xã hội.
Trong các chuyện cổ tích thì có người xấu, có người tốt. Và người xấu lại nhiều hơn người tốt.
Ngay cả cô Tấm cũng băm xác em gái- cô Cám- thành tương gửi cho bà mẹ ghẻ để trả thù. Vậy mà sự hiền, sự ác thời xưa lại được thể hiện bằng câu: "Chuyện cô Tấm ở hiền, thằng Lý Thông ở ác" trong văn thơ chúng ta ngày nay.
Điều không đúng sẽ dẫn đến việc hiểu không đúng. Và sau đó là hậu quả tiêu cực.
Vô cảm phải được hiểu là căn bệnh kinh niên của xã hội chúng ta. Trong cuộc sống hiện nay cũng vậy, những hành động không giống bản chất "người" vẫn đang diễn ra.
Một quan chức cấp cao vẫn ăn nhậu với bạn bè trong căn hộ 3 tầng sang trọng, đầy đủ tiện nghi do Nhà nước cấp. Trong khi đó thì lũ đang dâng cao, người dân kêu cứu còn các cơ quan phòng chống bão lũ liên lạc với "sếp" thì vợ sếp bắt máy rồi... dập máy. Gọi lần 2 thì "sếp" bắt máy nhưng chối từ đến "rốn" lũ chỉ đạo vì đang "bận họp".
Một vụ cướp của thành một vụ "hôi của". Hàng mấy chục người xúm lại lượm tiền của nạn nhân bị cướp giật và nhanh chóng bỏ đi.
Một cặp thanh niên nam thanh nữ tú vẫn điềm nhiên ngồi chễm chệ trên ghế xe khách trong khi cặp vợ chồng già nua đứng cạnh vẫn giật mình thon thót khi xe buýt thình lình phóng nhanh, "cua" mạnh.
Đó là sự vô cảm  trái với đạo đức, chuẩn mực xã hội. Một xã hội dù tiến bộ đến đâu nhưng không có văn hóa chỉ là một xã hội phát triển khập khiễng.

Một vụ cướp của thành một vụ "hôi của".
Không ai dại gì "một mình chống lại mafia"
Trong 9 kỳ thi đấu Robocom thì Việt Nam vô địch đến 3 lần. Điều đó có nghĩa quốc gia chúng ta đang mong muốn, dù trong dự định, sẽ chế tạo các rô- bốt phục vụ cho đời sống con người. Và lẽ dĩ nhiên, rô- bốt sẽ ngày càng được chế tạo giống người hơn. Đặc biệt là giống về mặt tình cảm. Như rô- bốt dành cho người khuyết tật, rô- bốt  dành cho người già, rô- bốt dành cho người neo đơn....
Nhưng ngược với trào lưu rô- bốt "phỏng nhân cách" thì một số con người trong xã hội ta đang được "rô bốt hóa". Biểu hiện của những con người này là hình như họ không quan tâm đến việc phục hưng các giá trị đạo đức của xã hội nữa. thậm chí, lối sống và hành vi của họ thực chất là dẫm đạp lên những giá trị chuẩn mực đó.
Điển hình là vấn nạn tham nhũng.
Cho đến nay, bao vụ tham nhũng gặm nhấm hàng tỉ đồng tiền công quỹ còn nằm trong bóng tối vì "chưa được phát hiện".
Hay phải chăng chưa có ai dám làm hiệp sĩ "chống tham nhũng"? Không phải. Bởi các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì Luật chống tham nhũng có lẽ chưa đủ mạnh. Và việc thực thi luật cũng đang là một... "ẩn số". Cũng bởi không có ai dại gì dám "một mình chống mafia".
Phải chăng người Việt Nam chúng ta chống giặc thì hăng hái, kiên cường nhưng để vượt bản thân mình thì chúng ta lại chưa muốn làm và không làm nổi?
Xã hội không vô cảm- làm gì đây?
Muốn cho xã hội không vô cảm, cần những điều kiện gì?

Một là, pháp luật Việt Nam phải có những quy định chế tài cụ thể về những hành vi vô cảm đối với cộng đồng. Chúng ta đã có những quy định pháp luật hiệu quả như phạt hành chính đối với việc xả nước thải ra đường, đổ rác bừa bãi, tại sao không nhân rộng, tăng cường hơn nữa?
Chẳng hạn, pháp luật sẽ phạt hành chính thật nặng đối với các hành vi khạc nhổ, nhả kẹo cao su... như ở Singapore. Hay báo về trường, bình xét đạo đức đối với các học sinh, sinh viên không nhường chỗ trên xe buýt cho trẻ em và người già.
Hai là, cả xã hội cùng vào cuộc. Trong đó Nhà nước và nhân dân phải cùng nghĩ, cũng làm, cùng đưa ra biện pháp và cùng khắc phục, giúp đỡ hỗ trợ nhau. Trong sự nghiệp chống tham nhũng, nếu Nhà nước và nhân dân cũng hăng hái như trong các phong trào thi đua chống Mỹ khi xưa thì "con ma" tham nhũng đâu còn dám lộng hành?
Ba là, vô cảm là một "căn bệnh tâm lý". Do đó, để chữa trị căn bệnh này thì cách tốt nhất là cách "đánh vào lòng người".
Danh ngôn có câu: "Kẻ mất của cải là kẻ mất ít, mất bạn là kẻ mất nhiều, nhưng đánh mất đi cái "tình" thì là mất tất cả". Chúng ta phải làm sao để mọi người đều biết và phải hiểu rõ về điều này. Họ làm điều xấu, họ sẽ bị cô lập, sẽ bị lên án thì họ sẽ không dám làm nữa. Chẳng hạn như vấn đề đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy. Lúc đầu, ít người tuân theo. Nhưng khi dụng liệu pháp tâm lý - tuyên truyền thì hiệu quả tăng lên rõ rệt. Nhà nước giáo dục cho nhân dân biết đội mũ bảo hiểm không những "vì mình" mà còn "vì mọi người".
Bên cạnh đó, Nhà nước còn kết hợp việc tăng cường phạt tiền, từ mấy chục ngàn đồng lên mấy trăm ngàn. Rồi những thủ tục nộp phạt cố tình làm cho rườm rà khiến người vi phạm nhớ đời.Người ta hiểu thì người ta thấm thía, người ta sẽ làm theo và lôi kéo người khác làm theo.
Cuối cùng, con người sống trên đời chỉ vì hai điều "danh" và "lợi". Nếu hiểu được điều này thì công tác tuyên truyền chống lại sự vô cảm lại càng tốt hơn. Báo chí phản biện các việc xấu. Rất tốt. Nhưng sẽ tốt hơn nếu như nói nhiều hơn nữa việc nêu gương "người tốt việc tốt". Tất nhiên phải là gương người tốt việc tốt "thật". Nếu thưởng phạt xứng đáng, công minh thì ai cũng cũng muốn làm các việc tốt. Điều đó chỉ có ích lợi cho cộng đồng.
Toàn Nguyễn
Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/40707/nhung-con-nguoi-dang--ro-bot-hoa--.html

Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2011

Lặng người khi trẻ con học đòi làm...người lớn

Cập nhật 24/09/2011 06:15:00 AM (GMT+7)
- Thời đại công nghệ cao, tâm hồn của trẻ nhỏ dường như cũng "già đi" bởi nhiều khi những hình ảnh trên phim ảnh, ngôn từ của âm nhạc đã "đập" vào chúng như một điều tất nhiên.

Quang Minh (6 tuổi) con trai chị Hà An (Thanh Xuân, Hà Nội) ngay từ khi biết nói đã được hàng xóm khen ngợi vì những phát ngôn như "ông cụ non". Đến khi lên 6, cậu bé tỏ ra là người khá nhanh mồm nhanh miệng.

Một hôm, gia đình chị Hà An đưa Minh về quê ngoại (Sơn Tây) chơi. Về đến đầu làng, chồng chị Hà An bị sổ mũi nên hai vợ chồng chị dừng xe ở một hiệu thuốc để mua thuốc. Vừa dựng xe, Minh nhảy tót xuống chạy vào niềm nở nói với cô bán hàng: "Cô ơi, cô bán cho bố mẹ cháu thuốc gì mà một người khoẻ, hai người vui ấy. Bố cháu bị sổ mũi". Cô bán hàng "mắt chữ o, mồm chữ a" đứng như trời trồng một lúc rồi mới vỡ lẽ và lăn ra cười. 



Nhiều trẻ em ngày nay thích học đòi và bắt chước làm người lớn. Ảnh minh hoạ (Nguồn: Getty)

Ấy vậy mà khi về đến nhà, vợ chồng chị Hà An lại kể lại câu chuyện này cho bố mẹ nghe, khiến cậu bé tưởng như thế mình đã lập công lớn.

Chị Tâm (Nguyễn Quý Đức, Hà Nội) thì "choáng nặng" khi vừa đi làm về đến ngõ đã thấy giọng cậu con trai mới 5 tuổi ngân nga mấy câu: "Ấy ơi ấy à đừng xa anh/ Ấy à à ơi anh yêu em thẩn thờ say đắm/ Sao em luôn ngẩn ngơ với anh/ Cho tim mong nhớ em từng đêm/ Ấy ơi ấy đừng đi ­đâu/ Ấy đừng đi xa/ Cho người ta cũng đừng xa ấy/ Cho yêu thương sẽ mau đến đây".

Quá bực mình, chị quát con "trẻ con dớ dẩn, vắt mũi chưa sạch mà còn yêu với chả đương, có im ngay đi không. Học ở đâu cái thứ vớ vẩn như thế". Cậu con trai vẫn tỉnh bơ nói: "Ơ mẹ, hôm trước đến nhà bác Lan (Hà Đông) chị Mai Anh (12 tuổi) mở internet ra thấy mấy anh cũng bé tẹo nhảy múa và hát mà mẹ".

Chị Lan (Minh Khai, Hà Nội) đang ngồi cho cậu con trai tên Hốp (mới tròn 7 tháng tuổi) ăn bột thì cậu con trai lớn tên Bo (5 tuổi) chạy về và cũng xông vào nựng em. "Ái chà, ái chà, ngoan anh thương ăn nhiều vào cho khoẻ để lớn lên trả thù cho anh". Nghe vậy, chị Lan toát mồ hôi hột mặc dù trời mùa đông, chị quát con sao lại trả thù, thù hận gì ở đây, lần sau mẹ cấm không được nói những câu như thế nhé. Bo chỉ biết vâng và chạy ra ngoài.

Chiều đến, khi mấy anh họ của Bo đi học tiểu học về, chị Lan mới ngã ngửa khi thấy Nhím (con anh chồng của chị Lan) nói: "Bo ơi, tí anh trả thù cho Bo nhé. Thằng Quân là đồ rác rưởi". Gặng hỏi Nhím chị Lan mới biết, bọn trẻ học lời thoại trong phim hoạt hình...



Ảnh minh hoạ (Nguồn : Getty)


Lần khác, cả nhà đang ngồi chơi cùng Hốp thì Bo lại vuốt má em và nói: "Anh yêu em, hãy tin tưởng vào anh". Rồi Bo cứ nói đi nói lại câu đấy. Cuối cùng, cả nhà mới vỡ lẽ đấy là những câu hát trong phim "Tấm lòng cha mẹ".

Ở khu chung cư 21 tầng (Thanh Xuân Nam, Hà Nội) chiều nào cũng có rất đông các bà các mẹ đưa con xuống sảnh chơi vì mát mẻ. Và cũng có nhiều chuyện của con trẻ mà khiến phụ huynh phải "khóc dở mếu dở".

Vừa dẫn con xuống sảnh chơi, do mắc bệnh tiền đình nên mỗi lúc đau đầu là chị Phượng lại buồn nôn. Một mẹ khác ở cùng chung cư hỏi: "mệt thì nghỉ xuống đây, gió lắm". Chưa kịp trả lời thì Hà Mi (8 tuổi) con gái chị đã nhanh nhảu đáp: "Chắc chẳng phải mẹ cháu mệt đâu, có lẽ mẹ cháu đang mang bầu". Chị Phượng "dừng hình" vài giây rồi quát, sao Hà Mi lại nói thế. Hà Mi liền đáp ngay: "tại con thấy bố mẹ ngủ với nhau mà. Trong phim cứ ngủ với nhau là y như rằng hôm sau cô đấy nói là có bầu mà mẹ".

Rồi còn loạt các chuyện khác như, đến trường nhiều cô bé cậu bé cứ ngâm nga câu hát xuyên tạc bài đi học mà diễn viên hài Tự Long đã hát trong chương trình Táo Quân: "Hôm qua em đến trường, bạn đánh em gần chết ớ ơ ... Bao nhiêu bạn quay phim, cả trường em biết hết,..." và bật cười ha hả với nhau. 

Thật ra, trẻ con không có lỗi, các cháu rất ngây thơ, và đang ở độ tuổi thích học hỏi, khám phá, thích bắt chước người lớn. Các cháu chỉ ghi lại những gì nhìn được, nghe được, rồi "phát" lại mà thôi.

Theo nhà giáo Đặng Thị Lệ Thủy, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng kỹ năng sống Smile's House (Láng Hạ, Hà Nội) từng chia sẻ trên Webtretho rằng: Hiện tượng trẻ hay nói những từ ngữ không phù hợp với lứa tuổi, thậm chí các câu gây phản cảm khá phổ biến. Nhiều phụ huynh cho đó là biểu hiện sự nhanh nhạy, thông minh và nghộ nghĩnh của trẻ thơ nên không để tâm, thậm chí còn gián tiếp khích lệ bằng cách cười đùa, đế thêm những câu như "bé mà khoắm lắm", "nó khôn lắm, bắt chước cực nhanh"... Một số bố mẹ khác lại giật mình, lo lắng, mắng con là láo, hư mà không giải thích vì sao khiến trẻ càng tò mò và tiếp tục nói vậy. Do đó, cách tốt nhất là cha mẹ nên nhẹ nhàng chỉ bảo, giải thích cho con trẻ hiểu những cách bắt chước trên là không tốt, không ngoan. Để thuyết phục, cha mẹ cũng nên lấy ví dụ thực tế để bé hiểu và sửa theo.

Mẫn Chi

Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2011

Đài Loan: Diễn Đàn Phụng Vụ Á Châu bàn về các nghi thức mai táng theo Công Giáo

Tiền Hô9/16/2011
Hội thảo sẽ giải quyết các quan niệm hiện nay về chôn cất hay hỏa táng người chết.



Đài Bắc (Đài Loan), 16 Tháng Chín 2011 (UCANEWS) - Sau một quyết định vừa đạt được hồi tháng trước rằng: việc rải rắc tro cốt người chết là mâu thuẫn với những nghi thức mai táng được khuyến khích, Đài Loan sẽ tổ chức một hội thảo về phụng vụ vào tháng sau để bàn về các hình thức mai táng được chấp nhận trong Công Giáo. 

Diễn Đàn Phụng Vụ Á Châu lần thứ 15 sẽ được tổ chức tại Đài Bắc bắt đầu từ ngày 17 Tháng Mười sắp tới. Khoảng 60 nhà nghiên cứu về phụng vụ đến từ Hồng Kông, Nam Dương, Mã Lai, Phi Luật Tân, Singapore, Đài Loan và Thái Lan dự kiến sẽ tham dự sự kiện kéo dài 5 ngày này.

Cha Charles Pan - thư ký điều hành Ủy Ban Giám Mục Về Phụng Vụ của Đài Loan, cũng là chủ tọa cuộc hội thảo lần này cho biết: vấn đề mai táng người chết sẽ được đề cập trong chủ đề về hội nhập văn hóa.

Để chuẩn bị cho hội thảo này, Ủy Ban của Đài Loan đã tham khảo Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ 'và Sách Hướng dẫn về Lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ (Directory of Popular Piety and the Liturgy) của Vatican trong việc quyết định rằng: việc rải rắc tro cốt trên biển, trên đất "không phải là một nghi thức mai táng phù hợp với Công Giáo".

Ủy Ban này lưu ý, việc rải rắc tro cốt mâu thuẫn với giáo huấn Giáo Hội về sự sống lại của xác loài người và cũng đi ngược lại vấn đề về môi trường khi làm lây lan các bệnh truyền nhiễm vẫn còn sót lại sau khi hỏa táng.

Giáo Hội Công Giáo không cho phép hỏa táng trong trường hợp tại các nơi không thiếu thốn đất chôn cất, và yêu cầu phải chôn lấp tro cốt mà không được phân tán đi.

Cha Pan cũng đã tham dự một cuộc hội thảo do chính phủ tổ chức hồi tuần trước về chủ đề nghi lễ chôn cất. Ngài cho biết, lãnh đạo giáo hội địa phương có thể sẽ tham khảo quyển hướng dẫn về nghi lễ chôn cất do chính phủ công bố vào cuối năm nay để xem xét các vấn đề về hội nhập văn hóa.

Ấn phẩm này được coi là sẽ nhạy cảm với phong tục văn hóa khi quy định về các vấn đề liên quan đến việc quản lý và chôn cất người quá cố.


Một truyền thống văn hóa lâu nay của nhiều nước Á Đông là tìm cho người quá cố một mảnh đất chôn làm nơi để họ an nghỉ.

Tiền Hô

Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2011

Mái ấm của đôi vợ chồng thọ nhất Việt Nam

Thứ năm, 15/9/2011, 13:30 GMT+7

Dù đôi mắt đã mù hẳn, song hễ ngồi vào bàn ăn mà chưa thấy vợ, ông cụ 110 tuổi cứ luôn miệng gọi: "Bà đi đâu rồi bà ơi, đi đâu mà lâu thế?", rồi ông chờ mãi đến khi con cháu dìu bà đến ngồi bên cạnh mới chịu ăn cơm.
Cụ già Sài Gòn sống thọ nhất Việt Nam


Ông cụ ấy tên là Huỳnh Văn Lạc (110 tuổi) và cụ bà Nguyễn Thị Lành (106 tuổi) vừa được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận là cặp vợ chồng sống thọ nhất Việt Nam cho đến nay.

Sau 82 năm sống dưới mái nhà, hai cụ đã có với nhau 4 người con, 3 dâu rể, 24 cháu nội ngoại, 41 chắt và chuẩn bị đón đứa chút sắp ra đời vào cuối năm nay. Hiện tại ông bà sống cùng con gái thứ tư trong căn nhà ở khu phố 2, phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TP HCM.

Cuộc sống bình yên của cặp vợ chồng cao tuổi nhất Việt Nam. Ảnh: Thi Ngoan


Bước vào mái ấm của vợ chồng ông Sáu Lạc (tên thường gọi của ông cụ), bầu không khí yên bình, nhịp sống diễn ra chầm chậm, nhẹ nhàng cách biệt hẳn với thế giới ồn ã bên ngoài. Hai ông bà cụ nằm trên hai chiếc giường tre đơn sơ được kê sát nhau. Con gái thứ tư là bà Huỳnh Thị Hoa năm nay cũng đã 71 tuổi đang cần mẫn chăm chút cho cha mẹ từng miếng ăn giấc ngủ, dọn dẹp vệ sinh, lâu lâu lại nhẹ nhàng đỡ các cụ ngồi dậy cho đỡ mỏi lưng...

Ở vào cái tuổi bách niên xưa nay hiếm, song tinh thần ông Lạc và bà Lành vẫn còn minh mẫn. Riêng bà cụ, hễ nghe có khách đến thăm, bà lại dậy tiếp chuyện, kể ngày xưa thời còn đi cắt lúa, câu cá, nuôi lợn, rồi còn đọc thơ, ca dao... Tuy nhiên mỗi lần có ai hỏi về tuổi tác, bà Lành thường kiêng, tránh không nói tuổi thật mà chỉ cười xòa bảo: "Cũng bội tuổi rồi đó, không ít đâu".

Nhớ lại thời thanh xuân ngày ấy, bà cụ hóm hỉnh kể là con út trong nhà, hồi còn trẻ cũng thuộc hàng xinh gái nhất nhì làng nên có nhiều mối đến hỏi, song bà không ưng. Còn ông Lạc lúc ấy 28 tuổi, nhà nghèo, mồ côi cha từ nhỏ, nhưng được cái tính tình hiền lành, đức độ, có hiếu với mẹ nên vừa được cậu Bảy làm mối là bà đồng ý liền.

"Lúc đó ổng đen lùi lũi, nhưng được cái tính hiền lành, mà việc gì cũng biết làm nghen, từ bốc thuốc nam đến làm ruộng, ổng nói chuyện hay, còn biết chữ Nho nữa nên tui mới ưng. Rồi từ hồi lấy nhau ổng chưa bao giờ làm cho tôi buồn điều gì hết trơn...", bà cười hóm hỉnh nói, thỉnh thoảng lại quay sang nhìn về phía ông.

Ngồi ở giường bên cạnh, ông Sáu Lạc nghe vậy cười móm mém bảo: "Cũng là cái lương duyên trời định cho mới gặp nhau. Hồi đó tui nghèo lắm nhưng bả hổng chê. Lấy tui rồi, bả vất vả hơn nhiều, suốt ngày làm ruộng cực khổ nhưng bả vẫn chịu khó, hổng than phiền gì".

Sống đến tuổi này, tài sản lớn nhất của ông bà là con cái hiếu thảo hết lòng phụng dưỡng cha mẹ. Ảnh: Thi Ngoan


Khi được hỏi về bí quyết sống trường thọ, cả hai ông bà bảo rằng, chưa bao giờ nghĩ đến chuyện ăn uống thế nào để sống lâu mà chỉ hàng ngày cần cù lao động, sống bình dị, vui vẻ như bao người khác, đặc biệt là không bon chen, không lừa lọc hay làm cho ai buồn lòng.

Bà Lành tâm sự: "Từ đó đến giờ gia đình nghèo khổ, ăn uống cũng thiếu thốn, nhưng được cái sắp nhỏ hiếu thảo lắm, chắc nhờ tụi nó chăm sóc chu đáo nên tui mới khỏe đến giờ này".

Là hàng xóm nhà ông Lạc từ thời trước giải phóng, ông Trịnh Văn Đơn (còn gọi là Tám Đơn, nguyên chủ tịch hội Người cao tuổi phường Đông Hưng Thuận) cho biết, hai vợ chồng ông Sáu Lạc là mẫu gương cho khu xóm về lối sống yêu lao động, tính tình thật thà, chịu thương chịu khó và hay giúp đỡ mọi người.

"Ông Sáu tốt bụng lắm, hồi trước ổng trồng thuốc Nam bán rẻ cho bà con chữa bệnh. Ai đến bốc thuốc, ổng cũng tận tình khuyên bảo, còn người nào nghèo quá, ổng bốc thuốc cho luôn không lấy đồng nào", ông Tám nói.

Sống trong cảnh nghèo khổ, nhưng gia đình ông Lạc sống hòa thuận, đầm ấm, có trước có sau, chưa bao giờ xảy ra cảnh vợ chồng lục đục hay to tiếng với con cái. Do vậy, mỗi khi trong làng có ai cưới vợ gả chồng, người ta đều mời hai cụ đến dự tiệc và trải chiếu hoa giường tân hôn. "Người dân quê có quan niệm rằng, như thế đôi uyên ương sẽ được nhờ cái phúc của ông bà ấy mà cũng sống bách niên giai lão, gia đình hạnh phúc như họ", theo ông Tám giải thích.

Ông Tám Đơn cũng cho biết thêm, xét trong gia tộc của cả hai gia đình ông bà Sáu Lạc chưa có người nào được trường thọ như hai cụ. Cuộc sống miền quê ngày xưa lao động lại vất vả, thức khuya dậy sớm, ăn uống kham khổ nên các cụ thế hệ trước thọ lắm cũng chỉ đến 80 tuổi.

Vì thế ông phỏng đoán: "Có lẽ ông bà Sáu sống được đến tuổi này là do hay làm việc phúc, sống hòa nhã, vui vẻ, yêu đời nên tâm hồn lúc nào cũng thanh thản. Rồi cũng một phần nhờ có cô con gái không lấy chồng hết lòng phụng dưỡng, chăm sóc cha mẹ. Cô Hoa học cao hiểu rộng nên khéo lắm, không bao giờ làm gì phật lòng hai cụ".

Thi Ngoan

Thứ Tư, 14 tháng 9, 2011

Cách Dùng Từ Ngữ Trong Đối Thoại Hôn Nhân


Đa số hay nói đúng hơn là tất cả những cuộc cãi vã, tranh chấp lớn nhỏ giữa vợ chồng với nhau trong gia đình, đều có một nguyên nhân duy nhất, đó là hiểu lầm, là không cảm thông được với nhau hay còn được gọi là miscommunication.

Kinh nghiệm cho thấy ngay trong những giao tiếp thường ngày giữa cha mẹ và con cái, hiện tượng thiếu hiểu nhau này cũng xảy ra, nhất là khi con cáo muốn nói gì với cha mẹ mà cha mẹ không hiểu. Những lúc như vậy, các em thường la lên, hoặc vùng vằng bỏ đi. Nhưng giữa vợ chồng với nhau thì khác, đa số đã không vùng vằng bỏ đi, mà còn muốn đứng lại, hoặc ngồi lại để ăn thua đủ.

Đó cũng là lý do chúng ta cần phải khai triển thêm về đề tài cảm thông hay đối thọai trong hôn nhân qua việc xử dụng từ ngữ. Bao gồm, chữ dùng, âm điệu và cường điệu, ngôn ngữ cử chỉ, và ngôn ngữ hành động.

CHỮ DÙNG:

Về chữ dùng khi đối thọai và trao đổi giữa vợ chồng cần theo nguyên tắc mà cổ nhân đã dạy, là: “Lời nói không mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Ai cũng muốn nghe những lời êm ái, ngọt ngào. Và cùng một tâm lý ấy, ta phải dùng lời nói êm ái, ngọt ngào để đối thọai, chia sẻ, và cảm thông giữa vợ chồng.

Nhiều người vấp phạm sai lầm này, đó là chỉ dùng những lời nói êm ái, ngọt ngào để theo đuổi, hoặc để ngầm muốn đạt được một ý đồ gì. Sau khi đã có nhau trong đời, hoặc đạt được điều mình muốn, lập tức vốn liếng ngữ vựng tốt, dễ nghe trở thành nghèo nàn. Thay vào đó là những ngôn từ chua chát, thô lỗ, cộc cằn, và cay đắng.

Để bào chữa cho hành động này, nhiều người thường nói: “Đã là vợ chồng với nhau rồi cần gì mà phải màu mè, khách sáo!”. Thật ra, sáo ngữ, màu mè và những lời êm ái, ngọt ngào hoàn toàn khác nhau và không liên kết gì với nhau.

Trở lại tâm lý thích nghe những lời êm ái, dịu dàng, đó là mặc dù biết đôi khi người khác nói “xạo” hay “nịnh” mình, nói chỉ cốt để cho mình vui, người đời vẫn thích nghe những lời ấy hơn là những lời tuy “chân thật” nhưng lại chói tai, vụng về và thô lỗ. Trong một cuộc khảo cứu về giá trị của ngôn ngữ trong đời sống, các nhà khảo cứu tìm thấy yếu tố này, đó là những người có vốn liếng ngữ vựng cao, có khả năng dùng từ ngữ chính xác, và ở trình độ cao là những người có khả năng chinh phục, thu hút người khác. Trong công việc làm thường ngày, họ thường nắm giữ những chức vụ cao và quan trọng.

Do đó, việc vợ chồng nên dùng những lời thế nào để làm cho nhau nghe mà cảm thấy thổn thức, xúc động, và nhận ra sự quan tâm của nhau. Nói để làm cho chồng hay vợ nghe cảm thấy xấu hổ, nhục nhã hay bị xúc phạm là cách nói của thành phần thiếu văn hóa, và thiếu giáo dục. Người nghe dù là chồng hay vợ không những không muốn nghe mà còn cảm thấy khó chịu, giận dữ.

Một điều nữa là trong cách dùng từ ngữ, những người đối thọai ở tầm mức trí thức và hiểu biết thường chú trọng vào ý hơn chú trọng vào từ. Họ nói ít những hiểu nhiều. Ngược lại, thành phần bình dân lại thích dùng từ nhiều mà ý tưởng thì thấp kém, thiếu tính thuyết phục.

ÂM ĐIỆU VÀ CƯỜNG ĐIỆU:

Ngoài việc dùng chữ, âm điệu và cường điệu trong lúc đối thọai cũng rất quan trọng. Điều này thường đưa đến một trong hai hậu quả:

Phía người nói:

Người nói mà nói trong tâm lý bất an, hốt hoảng, bực tức thường là không tự chủ được chính mình. Kết quả là nói những lời nói thiếu suy nghĩ, chín chắn và thận trọng. Nói cho đã cái miệng, nói cho bõ ghét, nói cho thỏa mãn tự ái. Nói như thế là để tự bào chữa.

Ngoài ra, giọng nói trong lúc nóng giận thường trở nên lạc điệu, tắt nghẽn, hoặc la hét ầm ỹ. Cường điệu và âm điệu, vì thế, trở nên chói tai, khó nghe và khó chấp nhận.

Phía người nghe:

Phía người nghe đương nhiên là bị va chạm và cảm thấy khó chịu. Tốt nhất cũng là nhịn cho xong chuyện mà trong lòng ấm ức, khó chịu và không thấy kính nể. Nếu phản ứng tiêu cực hơn sẽ dẫn đến tranh cãi và khi hai cái tôi gặp nhau, sẽ đưa đến bất phân thắng bại vì cả hai đều muốn đề cao và bảo vệ cái tôi của mình. Cuộc nói chuyện lúc này đã biến thành cãi lộn và đôi co.

Tâm lý tự vệ lúc này dẫn đến tư tưởng bào chữa và khỏa lấp bằng một tâm thức bất thường, đó là “khắc khẩu”. Tôi và vợ tôi, hoặc tôi và chồng tôi khắc khẩu không nói chuyện được với nhau. Và cũng để biện minh cho hai chữ khắc khẩu, người vợ hay người chồng quay sang đổ lỗi cho vấn đề tuổi tác. Vợ chồng khác tuổi và sinh ra trong năm những con vật xung khắc nhau. Thí dụ, chồng sinh năm mèo, vợ sinh năm chuột.

Với cái nhìn tâm lý, ta không thấy có căn bản của sự khắc khẩu. Tại sao lúc mới quen nhau, cả hai đều thích nói chuyện với nhau, thích gặp gỡ, tâm sự hàng giờ với nhau. Và cũng không có cơ sở khi gán ghép cho việc vợ chồng cãi vã, tranh cãi vì không hợp tuổi. Thí dụ, tuổi dần hay tuổi tỵ…

NGÔN NGỮ CỬ CHỈ:

Từ ngữ chuyên môn gọi là body language, bao gồm những nụ cười, ánh mắt, những cát bắt tay thân mật, những nụ hôn, những âu yếm, vuốt ve… Trong lãnh vực tình cảm, và trong ngôn ngữ thường ngày, đây là những chữ viết của trái tim. Nó cho người đối diện biết là mình đang yêu, đang thương hoặc đang ghét ai. Ngôn ngữ này vợ chồng dùng nhiều trong lúc thân mật, tình nghĩa mặn mà; đặc biệt, trong lúc hai người đang theo đuổi, chinh phục nhau.

Nhưng đến khi sức nóng tình yêu nguộn dần, ngọn lửa tình yêu leo lét, và rượu nồng tình yêu trở nên chua chát, thì nó biết thành những ánh mắt của hận thù. Thay vì những cử chỉ vuốt ve âu yếm, là thái độ phùng mang, trợn mắt, bậm môi, mím miệng, khua chân, múa tay. Chỉ cần một lời nói hay một cử chỉ khiêu khích của bên này hay bên kia, cộng thêm sự thiếu cầm hãm, tự chủ, những dấu hiệu này biến thành thượng cẳng chân, hạ cẳng tay. Kết quả cả vợ lẫn chồng đều biến thành nạn nhân của thứ ngôn ngữ tiêu cực này.

NGÔN NGỮ HÀNH ĐỘNG:

“Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo”. Thánh Gioan Tông Đồ còn khuyên vợ chồng: “Đừng yêu thương nhau bằng môi miệng, nhưng bằng chân lý và việc làm” (1 Gioan 3:18).

Nếu thấy mình thiếu sót hoặc yếu kém về ngôn ngữ và cách thức biểu lộ bằng cử chỉ, thì lời nói bằng hành động là một ngôn ngữ có ảnh hưởng lớn nhất. Dần dần với tình yêu chân thật và hành động, người phối ngẫu cũng sẽ nhận ra tấm chân tình của mình.

Nhưng đã không biết khéo nói, không thân thiện, mà lại còn ươn lười thì khi bước vào cuộc đối thọai, dù là đối thọai giữa chồng và vợ, nó sẽ trở nên vô duyên, thiếu hấp dẫn, nếu không muốn nói là một cuộc độc thọai hay cãi lộn.

Điểm tâm lý khác biệt giữa đàn ông và đàn bà mà ta cần phải quan tâm khi đối thọai, đó là khả năng lý luận khác nhau. Người đàn bà nhìn vào những thực tế trước mắt, và người đàn ông nhìn vào những viễn ảnh và bao quát. Dùng hình ảnh, dùng việc làm chứng minh và trao đổi theo quan niệm này, người vợ trong lúc nóng giận có thể nói với chồng, đại khái: “Ông giỏi thì làm đi. Ông mà làm được thì tôi đã chẳng phải thuê thợ về làm…” Và khi nói vậy, người vợ đã nhìn và nhớ lại những lần mà người chồng đã nói mà không làm, hoặc làm mà không được như ý của mình.

Tóm lại, ngôn ngữ trong đối thọai là một lý thuyết có tính cách tâm lý, mà cũng là một ứng dụng thực tế trong giao tiếp vợ chồng. Không phải lúc đã trở thành vợ chồng rồi muốn nói gì thì nói, muốn nói sao thì nói. Hoặc ngược lại, khi nói không lại thì dùng sức mạnh để lấn át.

Dù là vợ hay chồng, chúng ta cần phải lưu tâm đến điều này, đó là có những khoảng cách không thể vượt qua dưới nhiều góc độ từ thể lý, tâm lý và tâm linh giữa hai người. Cũng như ảnh hưởng giáo dục gia đình, trình độ hiểu biết, và khả năng kiến thức, nghề nghiệp. Để san bằng những khoảng cách ấy chỉ có một phương pháp duy nhất là phải nói và nghe nhau; người này phải chia sẻ và lắng nghe người kia. Và đó là lý do tại sao vợ chồng phải thường xuyên trao đổi, chia sẻ, lắng nghe nhau bằng thái độ cảm thông, yêu thương, và hiểu biết.

Trần Mỹ Duyệt

Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2011

Học viện Giáo hoàng Gioan Phaolô II: nghiên cứu về Hôn nhân và Gia đình


“Tương lai của Giáo hội tùy thuộc vào Gia đình”. Câu nói mang tính định hướng mục vụ này của Đức cố Gioan Phaolô II, đấng vừa được phong chân phước gần đây nói lên quan tâm đặc biệt của ngài, và của cả Giáo hội nói chung với triều đại của ngài đối với Gia đình trong một thời đại mà các giá trị nền tảng đạo đức bị đảo ngược, xuống cấp trầm trọng có nguồn gốc sâu xa từ những rạn nứt, và khủng hoảng trầm trọng của đời sống hôn nhân gia đình, hiện đang bị đe dọa, ảnh hưởng nặng nề bởi nền văn minh sự chết. 


Sự ra đời của Học viện Gioan Phaolô II chuyên nghiên cứu về Hôn nhân và Gia đình, được thành lập vào năm 1981 do sáng kiến của ngài là một minh chứng hiển nhiên và cụ thể nhất của mối quan tâm sâu sắc này, nhằm đương đầu với những thách đố của thời đại liên quan trực tiếp đến đời sống hôn nhân gia đình, nhằm mang lại một đóng góp cụ thể và thiết thực cho Giáo hội công giáo, nhằm đào sâu chân lý mạc khải về Hôn nhân và Gia đình bằng việc nghiên cứu mang tính khoa học, nhằm tạo điều kiện cho người giáo dân, tu sĩ và linh mục nhận được một sự đào tạo có tính khoa học, vừa mang tính triết học và thần học vừa trong khoa học nhân văn để có thể thực hiện công việc mục vụ của họ một cách thích ứng và hiệu quả hơn.


“Kết hợp thần học thân xác với thần học tình yêu hầu tìm kiếm sự hiệp nhất về con đường của con người.” Đức Giáo hoàng Benedicto XVI đã ngỏ lời với cộng đoàn hàn lâm của Học viện Giáo hoàng Gioan Phaolô II về Nghiên cứu Hôn nhân và Gia đình vào dịp tiếp kiến diễn ra vào ngày 13 tháng 5. “Tôi vui mừng đón nhận quý vị hôm nay, vài ngày sau khi phong Chân phước cho Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, mà cách đây 30 năm như chúng ta đã nghe, muốn thành lập cùng lúc Hội đồng Giáo hoàng về Gia đình và Học viện Giáo hoàng nghiên cứu về hôn nhân gia đình. Hai tổ chức này chứng tỏ ngài xác tín vững mạnh về tầm quan trọng quyết định của gia đình đối với Giáo hội và Xã hội. Tôi chào đón các vị đại diện cộng đoàn lớn của các bạn đến từ khắp các châu lục [...]”


“Tôi xin cảm ơn Đức Ông Viện trưởng Melina về những lời ngài ngỏ với tôi nhân danh mọi người. Đức tân Chân phúc Gioan Phaolo II, như quý vị nhớ, đúng cách đây ba mươi năm bị tấn công thảm hại tại Quảng trường Thánh Phêrô, đã đặc biệt trao phó cho tôi việc nghiên cứu, tìm kiếm và quảng bá Giáo lý về tình yêu con người chứa đựng một suy tư sâu xa về thân xác con người."


“Kết hợp thần học thân xác với thần học tình yêu để tìm kiếm sự hiệp nhất về con đường của nhân loại: đó là đề tài mà tôi muốn đưa ra cho quý vị như chân trời mở ra cho công việc của quý vị”.


Với tư cách là cơ cấu thuộc Giáo hoàng, Học viện được phẩm trật Giáo hội trực tiếp cai quản. Dù về mặt tổ chức Học viện nằm trong Đại học Giáo hoàng Laterano, Học viện vẫn độc lập và được quyền cấp học vị licenza về thần học (thạc sỹ dành cho những ai đã có trình độ cử nhân về thần học), dottorato (tiến sỹ) và master về khoa học Hôn nhân và Gia đình cùng chuyên ngành về đạo đức sinh học (thạc sỹ dành cho những ai có trình độ cử nhân về khoa học nhân văn).
Học viện xuất bản tạp chí khoa học quốc tế mang tên Anthropotes bao gồm những khảo luận nghiên cứu liên quan đến đời sống hôn nhân và gia đình.


Cho đến năm 2006 Viện trưởng của Học viện tương đương với Hiệu trưởng của Đại học Giáo hoàng Laterano. Sau đó Đức Benedicto XVI đã cấp cho Học viện toàn quyền tự trị của Đại học dù vẫn duy trì cơ sở trung ương ở trong Đại học.
Hiện nay ngoài Học viện trung ương tại Roma, còn có các chi nhánh tại các nước Hoa Kỳ, Benin, Brazil, Ấn độ, Mexico, Tây ban Nha và Úc.


Cả hai vị viện trưởng đầu tiên của Học viện Carlo Caffarra (1981-1995) và Angelo Scola (1995-2002), sau này đều trở thành hồng y. Viện trưởng kế tiếp là Đức Giám mục Salvatore Fisichella (2002-2006) và hiện nay là Đức ông Livio Melina từ năm 2006.


Sinh viên được trang bị những kiến thức khoa học về triết học, thần học, luân lý, nhân học, tâm sinh lý học, đạo đức sinh học, huấn quyền, mục vụ lên quan đến hôn nhân và gia đình. 


Ngoài những giờ học chính quy trên lớp hay tại giảng đường với các giáo sư tại Học viện, Học việc còn tổ chức những buổi học với các giáo sư được mời đến từ những nơi khác (visiting professors) và những cuộc hội thảo chuyên đề định kỳ hay bất thường với các bài thuyết trình chuyên môn do các giáo sư tên tuổi trong, ngoài Học viện, trong hay ngoài nước Ý, và nhiều sinh hoạt văn hóa, tôn giáo khác.

Sinh viên thuộc nhiều quốc quốc tịch khác nhau đến từ mọi châu lục, nhưng phần đông từ Châu phi và Châu Á, thuộc mọi bậc sống: linh mục, tu sĩ và giáo dân.
Riêng ở Việt nam, tốt nghiệp tiến sỹ tại Học viện Hôn nhân và Gia đình cùng thời với Đức Ông Melina, về phía Việt nam có linh mục Agostino Nguyễn Văn Dụ, giám đốc Trung tâm mục vụ cho người Việt hải ngoại tại Bắc Ý. Sau đó có linh mục Louis Nguyễn Anh Tuấn, hiện là thư ký của hội đồng giám mục Việt nam, phụ trách Mục vụ hôn nhân gia đình của Tổng giáo phận, tốt nghiệp vào năm 2006. Gần đây có một số linh mục Việt nam từ các giáo phận Nha Trang, Lạng Sơn, Đà Nẵng, Đà Lạt, Xuân Lộc, Phú Cường, đã tốt nghiệp Thạc sỹ (licenza) hoặc đang theo học tại Học viện. 


Về phía giáo dân, có một cặp đầu tiên tại giáo xứ Tân Định, thuộc Tổng giáo phận Sài gòn cũng được gửi đi học tại Học viện nói trên, đã tốt nghiệp Thạc sỹ (Master) năm 2010, hiện đang cộng tác với ban Giáo lý hôn nhân, và ban Mục vụ Hôn nhân và Gia đình của Tổng giáo phận.


Ước mong ngày càng có nhiều người thiện chí dấn thân vào mục vụ hôn nhân và gia đình, phục vụ cho sự sống của các gia đình Kitô hữu và gia đình nhân loại đang gặp phải nhiều thách đố và thử thách và đe dọa, nhằm góp phần xây dựng và phục hồi nền văn minh tình thương trong thế giới hôm nay.


Gioakim Trương Đình Giai - Cựu sinh viên của Học viện

Thứ Tư, 7 tháng 9, 2011

Người Mẹ

9/5/2011
Câu chuyện của một Tiến sĩ toán học Harvard University

"...Mẹ ít văn hoá, nhưng mẹ nhớ khi nhỏ được thầy giáo dạy là, Golgi có nói một câu: Nghèo đói là trường ĐH tốt nhất. Nếu con có thể tốt nghiệp trường ĐH này, thì những trường ĐH như Thiên Tân, Bắc Kinh con chắc chắn đều đỗ...".

Ngọn khói bếp dài cất lên từ trên nóc ngôi nhà nông dân cũ nát gia đình tôi. Người mẹ chân thập thễnh của tôi đang nấu mì sợi cho tôi, những bột mì này có được nhờ mẹ đổi năm quả trứng gà cho hàng xóm, chân mẹ bị thương vì mấy hôm trước, để thêm tí tiền cho tôi nhập học, mẹ đẩy một xe chất đầy rau từ thôn ra thị trấn, trên đường bị trật chân.

Bưng bát mì, tôi đã khóc.

Tôi buông đũa quỳ xuống đất, xoa nắn chỗ chân sưng phồng lên to hơn cả cái bánh bao của mẹ, nước mắt rơi xuống đất... Nhà tôi ở Thiên Tân, làng Đại Hữu Đới, huyện Vũ Thanh, tôi có một người mẹ tốt nhất thế gian tên là Lý Diệm Hà.

Nhà tôi vô cùng nghèo khó.

Khi tôi ra đời, bà nội ngã bệnh ngay trên giường sưởi, tôi bốn tuổi, ông nội lại mắc bệnh hẹp khí quản và bán thân bất toại, những món nợ trong nhà lớn dần theo năm.

Khi bảy tuổi, tôi được đi học, học phí là mẹ vay người khác.

Tôi thường đi nhặt những mẩu bút chì bạn bè vứt đi, dùng dây buộc nó lên một cái que rồi viết tiếp, hoặc dùng một cái dây chun xoá sạch những cuốn vở bài tập đã viết, rồi viết lại lên đó, mẹ thương tôi đến mức, cũng có lúc đi vay vài hào của hàng xóm để mua vở và bút chì cho tôi.

Nhưng cũng có những khi mẹ vui vẻ, là khi bất kể bài kiểm tra nhỏ hay kỳ thi lớn, tôi luôn đứng đầu, toán thường được 100/100 điểm. Dưới sự khích lệ của mẹ, tôi càng học càng thấy ham thích. Tôi thực sự không hiểu trên đời còn có gì vui sướng hơn được học hành.

Chưa đi học lớp một tôi đã thông thạo cộng trừ nhân chia và phân số, số phần trăm; khi học Tiểu học tôi đã tự học để nắm vững Toán Lý Hoá của bậc Trung học Phổ thông; Khi lên trung học, thành phố Thiên Tân tổ chức kỳ thi vật lý của bậc Trung học, tôi là đứa học trò nông thôn duy nhất của cả năm huyện ngoại thành Thiên Tân được giải, một trong ba người đỗ đầu.

Tháng 6 năm đó, tôi được đặc cách vào thẳng trường Trung học số 1 danh tiếng của Thiên Tân, tôi vui sướng chạy như bay về nhà.

Nào ngờ, khi tôi báo tin vui cho cả nhà, mặt bố mẹ chất chứa toàn những đau khổ; bà nội vừa mất nửa năm, ông nội đang gần kề cái chết, nhà tôi đã mắc nợ tới hơn mười nghìn Nhân dân tệ rồi. Tôi lặng lẽ quay về bàn học, nước mắt như mưa suốt một ngày.

Đến tối, tôi nghe thấy ở ngoài nhà có tiếng ồn ào. Thì ra mẹ tôi đang định dắt con lừa con của nhà đi bán, cho tôi đi học, nhưng ba tôi không chịu.

Tiếng ồn ào làm ông nội nghe thấy, ông đang bệnh nặng, trong lúc buồn bã ông đã lìa đời.

Sau lễ an táng ông nội, nhà tôi lại mắc thêm vài nghìn tệ tiền nợ nữa. Tôi không còn dám nhắc đến việc đi học nữa, tôi cất "Giấy báo nhập học" thật kỹ vào vỏ gối, hàng ngày tôi ra đồng làm việc cùng mẹ.

Sau hai hôm, tôi và ba tôi cùng lúc phát hiện ra: con lừa con biến mất rồi.

Ba tôi sắt mặt lại, hỏi mẹ tôi: "Bà bán con lừa con rồi à? Bà bị thần kinh à? Sau này lấy gì kéo, lương thực hoa màu bà đẩy xe tay nhé, bà tự cõng nhé? Bà bán lừa một hai trăm bạc liệu cho nó học được một học kỳ hay là hai học kỳ?"

Hôm đó mẹ tôi khóc, mẹ tôi dùng một giọng rất dữ dội rất hung dữ để gào lại ba tôi:

"Con cái mình đòi đi học thì có gì sai? Nó thi lên được trường số 1 của thành phố nó là đứa duy nhất của cả huyện này đấy, tôi không thể để cho tiền đồ của nó bị lỡ dở được. Tôi sẽ dùng tay đẩy, dùng lưng vác, để cho nó đi học..."

Cầm sáu trăm tệ mẹ vừa bán lừa, tôi thật sự chỉ muốn quỳ xuống dập đầu trước mẹ. Tôi đã thích được học quá rồi, mà còn học tiếp, thì mẹ sẽ khổ sở bao nhiêu, vất vả bươn chải thêm bao nhiêu?

Mùa thu năm đó tôi quay về nhà lấy áo lạnh, thấy mặt ba tôi vàng như sáp, gầy da bọc xương đang nằm trên giường sưởi. Mẹ bình thản bảo: "Có gì đâu, bị cảm, sắp khỏi rồi". Ai ngờ, hôm sau tôi xem vỏ lọ thuốc của ba, thì thấy đó là thuốc ngăn ngừa tế bào ung thư phát triển.

Tôi kéo mẹ ra ngoài nhà, khóc hỏi mẹ mọi chuyện là thế nào, mẹ bảo, từ sau khi tôi đi học, ba bắt đầu đi ngoài ra máu, ngày càng nặng lên. Mẹ vay sáu nghìn tệ đưa ba lên Thiên Tân, Bắc Kinh đi khắp nơi, cuối cùng xác định là u nhu ruột bowel polyps, bác sĩ yêu cầu ba phải mổ gấp. Mẹ chuẩn bị đi vay tiền tiếp, nhưng ba kiên quyết không cho. Ông nói, bạn bè họ hàng đã vay khắp lượt rồi, chỉ vay mà không trả thì còn ai muốn cho mình vay nữa!

Hàng xóm kể với tôi: Mẹ dùng một phương pháp nguyên thuỷ và bi tráng nhất để gặt lúa mạch.

Mẹ không đủ sức gánh lúa mạch ra sân kho để tuốt hạt, mẹ cũng không có tiền thuê người giúp, mẹ bèn gặt dần, lúa mạch chín chỗ nào gặt chỗ đó, sau đó dùng xe cải tiến chở về nhà, tối đến mẹ trải một tấm vải nhựa ra sân, dùng hai tay nắm từng nắm lúa mạch đập lên một hòn đá to...

Lúa mạch trồng trên ba mẫu đất của nhà, một mình mẹ làm, mệt đến mức không đứng dậy nổi nữa thì mẹ ngồi xổm xuống cắt, đầu gối quỳ còn chảy máu, đi đường cứ cà nhắc...

Không đợi hàng xóm kể hết, tôi chạy như bay về nhà, khóc to gọi mẹ: "Mẹ, mẹ, con không thể đi học nữa đâu...". Kết quả, mẹ vẫn tống tôi lên trường.

Tiền sinh hoạt phí mỗi tháng của tôi chỉ 60 đến 80 tệ (tương đương 120-160.000 VND), thật thảm hại nếu so với những người bạn học khác mỗi tháng có 200-240 tệ. Nhưng chỉ mình tôi biết, món tiền nhỏ này mẹ tôi cũng phải tằn tiện lắm, từ ngày đầu tháng đã dành từng hào từng hào, bán từng quả trứng gà, rau xanh lấy từng đồng từng đồng, có lúc dành dụm không đủ đã phải giật tạm vài đôi chục. Mà cha tôi, em trai tôi, dường như chẳng bao giờ có thức ăn, nếu nhà ăn rau cũng chẳng dám xào mỡ, chỉ chan tí nước dưa muối ăn qua bữa.

Mẹ không muốn tôi đói, mỗi tháng mẹ chăm chỉ đi bộ hơn mười cây số mua mì tôm với giá bán buôn. Rồi mỗi cuối tháng, mẹ vất vả cõng một túi nặng lên Thiên Tân thăm tôi. Trong túi ấy ngoài những gói mì tôm ra, còn có nhiều xếp giấy loại mẹ phải đi bộ ra một xưởng in ngoài thị trấn cách nhà 6km để xin cho tôi (đó là giấy để tôi làm nháp toán), cả một chai tương cay rất to, cải bẹ muối thái sợi, và cả một cái tông đơ để cắt tóc. (Cắt tóc nam rẻ nhất Thiên Tân cũng phải 5 tệ, mẹ muốn tôi dành tiền cắt tóc để mua thêm lấy vài cái bánh bao mà ăn).

Tôi là học sinh cấp 3 duy nhất của Thiên Tân đến cả rau ở bếp ăn nhà trường cũng không mua nổi, chỉ có thể mua vài cái bánh bao, mang về ký túc ăn cùng mì sợi khô hoặc chấm với tương ớt, kẹp dưa muối để ăn qua bữa. Tôi cũng là học sinh duy nhất không có giấy kiểm tra, chỉ có thể tận dụng giấy một mặt của xưởng in để viết bài. Tôi là đứa học sinh duy nhất chưa bao giờ dùng xà phòng, khi giặt quần áo tôi thường đi nhà bếp xin ít bột kiềm nấu ăn (alkali - chất kiềm, dùng để hấp bánh bao, làm bánh nướng, làm nước sôđa) là xong. Nhưng tôi chưa bao giờ tự ti, tôi cảm thấy mẹ tôi khổ cực cả đời, như người anh hùng chống lại đói khổ, làm con của người mẹ như thế tôi rất tự hào.

Hồi mới lên Thiên Tân, tiết học tiếng Anh đầu tiên khiến tôi ù cạc. Khi mẹ lên, tôi kể cho mẹ nghe tôi sợ tiếng Anh thế nào, ai ngờ mẹ chỉ cười bảo: "Mẹ chỉ biết con là đứa trẻ con khổ cực nhất, mẹ không thích con kêu khó, vì chịu khổ được thì chả còn gì khó nữa."

Tôi hơi bị nói lắp, có người bảo, học tiếng Anh đầu tiên cần làm chủ được cái lưỡi của mình, bởi vậy tôi thường kiếm một hòn sỏi ngậm vào miệng mình, rồi gắng đọc tiếng Anh. Hòn sỏi cọ xát vào lưỡi tôi, có lúc máu chảy ra bên mép, nhưng tôi cố gắng để kiên trì.

Nửa năm trôi qua, hòn sỏi nhỏ đã bị mài tròn đi, lưỡi tôi cũng đã nhẵn, tiếng Anh đã thành người giỏi thứ 3 của lớp.

Tôi vô cùng cảm ơn mẹ, lời mẹ khích lệ tôi vượt qua khó khăn lớn trong học tập.

lần đầu tiên tôi được tham gia cuộc thi Olympic tri thức toàn quốc khu vực Thiên Tân, đoạt giải Nhất môn Vật lý và giải Nhì môn Toán học, tôi được đại diện Thiên Tân đi Hàng Châu tham gia Cuộc thi Olympic toàn Trung quốc môn Vật lý.

"Đoạt lấy chiếc Cup giải Nhất toàn Trung quốc tặng mẹ, rồi lên đường dự Olympic Vật lý Thế giới!" Tôi không ngăn được nỗi khao khát trong lòng, tôi viết thư báo cho mẹ tin vui và mơ ước của tôi.

Kết quả, tôi chỉ được giải Nhì, tôi nằm vật ra giường, không ăn không uống.

Dù tôi là người đạt thành tích cao nhất trong đoàn Thiên Tân đi thi, nhưng nếu tính cả những khốn khổ của mẹ tôi vào, thì thành tích này không xứng đáng!

Tôi về trường, các thầy ngồi phân tích nguyên nhân thất bại cho tôi thấy: Tôi những muốn phát triển toàn diện cả Toán Lý Hoá, những mục tiêu của tôi quá nhiều nên sức lực tinh thần tôi phải phân tán rộng. Nếu giờ tôi chỉ chọn một mục tiêu trước mắt là kỳ thi Toán, nhất định tôi thắng.

Tôi cuối cùng đã giành chiến thắng tại kỳ thi Olympic Toán toàn Trung Quốc với điểm số tuyệt đối, lọt vào đội tuyển Quốc gia, cả mười kỳ thi kiểm tra ở đội tuyển tôi đều là người đứng đầu. Với thành tích đó, tôi được sang Argentina tham gia kỳ thi Olympic Toán quốc tế.

Nộp xong phí báo danh, tôi gói những sách vở cần chuẩn bị và tương đậu cay của mẹ lại, chuẩn bị lên đường.
Giáo viên chủ nhiệm và thầy giáo dạy Toán thấy tôi vẫn mặc bộ quần áo thải của người khác cho, những thứ áo quần màu sắc chả đâu vào đâu, kích cỡ khác nhau, bèn mở tủ áo của tôi ra, chỉ vào những áo trấn thủ vá, những áo bông tay đã phải nối hai lần, vạt đã phải chắp ba phân, hỏi tôi:

"Kim Bằng, đây là tất cả quần áo của em ư?"

Tôi chả biết nói sao, vội đáp: "Thầy ơi, em không sợ người khác chê cười! Mẹ em thường bảo, Phúc Hữu Thi Thư Khí Tự Hoa - trong lòng có sách vở tất mặt mũi sáng sủa, em mặc những thứ đồ này đi Mỹ gặp tổng thống Clintơn em cũng chẳng thấy ngượng."

Olympic Toán học Thế giới lần thứ 38 chính thức khai mạc.

Chúng tôi thi liên tục suốt năm tiếng rưỡi, từ 8 giờ 30 phút sáng tới 2h chiều. Ngày hôm sau công bố kết quả, đầu tiên công bố Huy chương Đồng, tôi không muốn nghe thấy tên mình; Sau đó công bố Huy chương Bạc, cuối cùng, công bố Huy chương Vàng, người đầu tiên, người thứ hai, người thứ ba là tôi.

Tôi khóc lên vì sung sướng, trong lòng tự nói: "Mẹ ơi, con mẹ thành công rồi!"

Tin tôi và một người bạn nữa đoạt Huy chương Vàng kỳ thi Olympic Toán học ngay chiều hôm đó đã được Đài phát thanh Nhân dân Trung ương TQ và Đài truyền hình Trung ương TQ đưa. Ngày 1/8, chúng tôi vinh quang trở về, lễ đón long trọng được Hiệp hội khoa học Trung Quốc và Hội Toán học TQ tổ chức. Khi đó, tôi muốn về nhà, tôi muốn sớm gặp mẹ, tôi muốn chính tay tôi đeo tấm huy chương vàng chói lọi lên cổ mẹ...

Hơn mười giờ đêm tối hôm đó, tôi cuối cùng đã đội trời đêm về đến nhà. Người mở cửa là ba tôi, nhưng người một tay ôm chặt lấy tôi vào ngực trước lại chính là mẹ tôi.

Dưới trời sao vằng vặc, mẹ tôi ôm tôi rất chặt...

Tôi lấy tấm huy chương vàng đeo lên cổ mẹ, khóc một cách nhẹ nhõm và sung sướng.

Trường Trung học số Một của Thiên Tân chật ních người, mẹ được ngồi lên bàn Chủ tịch danh dự cùng với các quan chức Cục giáo dục Thiên Tân và các giáo sư toán học hàng đầu. Hôm đó, tôi đã phát biểu thế này:

"Tôi muốn dùng cả sự sống của tôi để cảm tạ một người, là người mẹ đã sinh và nuôi nấng tôi. Mẹ tôi là một người phụ nữ nông dân bình thường, nhưng những đạo lý mẹ dạy tôi nên người đã khích lệ tôi cả đời. Năm tôi học lớp 10, tôi muốn mua cuốn sách "Đại từ điển Anh-Trung" để học tiếng Anh, mẹ tôi không có tiền, nhưng mẹ vẫn nghĩ cách giúp tôi.
Sau bữa cơm sáng, mẹ tôi mượn một chiếc xe cải tiến, chất một xe rau cải trắng, hai mẹ con tôi đẩy ra chợ huyện cách hơn bốn mươi km bán rau. Đến được chợ đã gần trưa, buổi sáng đó tôi và mẹ chỉ ăn hai bát cháo ngô nấu với khoai lang đỏ, lúc đó bụng đói cồn cào, chỉ mong có ai tới mua cho cả xe rau ngay. Nhưng mẹ vẫn nhẫn nại mặc cả từng bó, cuối cùng bán với giá 1 hào một cân. Hai trăm cân rau đáng lẽ 21 tệ, nhưng người mua chỉ trả 20 tệ.

Có tiền rồi tôi muốn ăn cơm, nhưng mẹ bảo nên đi mua sách trước, đó là việc chính của ngày hôm nay. Chúng tôi đến hiệu sách hỏi, giá sách là 18 tệ 2 hào 5 xu, mua sách rồi còn lại 1 tệ 7 hào 5 xu. Nhưng mẹ chỉ cho tôi 7 hào rưỡi đi mua hai cái bánh bột nướng, một tệ kia còn phải cất đi để dành cho tôi làm học phí. Tuy ăn hết hai cái bánh nướng, nhưng đi bộ tiếp 40km về nhà, tôi vẫn đói tới mức hoa mắt chóng mặt, lúc này tôi mới nhớ ra tôi đã quên không phần cho mẹ ăn một miếng bánh nướng nào, mẹ tôi chịu đói cả ngày, vì tôi mà kéo xe suốt 80km đường xa.

Tôi hối hận tới mức chỉ muốn tát cho mình một cái, nhưng mẹ tôi chỉ bảo: "Mẹ ít văn hoá, nhưng mẹ nhớ khi nhỏ được thầy giáo dạy là, Golgi có nói một câu: Nghèo đói là trường đại học tốt nhất. Nếu con có thể tốt nghiệp trường đại học này, thì những trường đại học như Thiên Tân, Bắc Kinh con chắc chắn đều đỗ."

Khi mẹ nói thế mẹ không nhìn tôi, mẹ nhìn ra con đường đất xa xôi, cứ như thể con đường đất đó có thể thông tới tận Thiên Tân, đi thẳng tới Bắc Kinh.

Tôi nghe mẹ bảo thế, tôi không thấy đói nữa, chân tôi không mỏi nữa..

Nếu nghèo đói là trường đại học tốt nhất, thì tôi muốn nói rằng, người mẹ nông dân của tôi chính là người thầy giáo giỏi nhất của đời tôi."

Dưới khán đài, không biết có bao nhiêu đôi mắt đã ướt đẫm, tôi quay về phía người mẹ tóc hoa râm của tôi, cúi người xuống kính cẩn...



TS Thiên Tân
Nguồnhttp://vietcatholic.net/News/Html/92510.htm