Ảnh Lê Đức Dục
Con Chắt Chắt là họ hàng với Ngao, Hến ... nhưng nó nhỏ hơn con Hến một tý, con Chắt Chắt sống chủ yếu ở những vùng nước lợ. Đất bùn phù sa cộng với cát là nơi sinh sống của Chắt Chắt. Không biết từ bao giờ mỗi khi nhắc đến làng tôi họ đều ví von là làng Chắt Chắt. Quê tôi là một ngôi làng nằm dọc theo con sông Thạch Hãn, làng An Giạ xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
Nếu ở Sài Gòn ta nói con Chắt Chắt thì chắc chắn không ai biết là con gì? Vì con Chắt Chắt đặc biệt chỉ có người quê Quảng Trị chúng tôi mới gọi như vậy? Nhiều khi tôi đưa cho bạn bè ăn bát canh Chắt Chắt, họ nói sao con Hến này nó ngọt vậy? Ở Huế người ta có món Cơm Hến (nhiều người cứ nghĩ con Hến là con Chắt Chắt) Thực chất nó là 2 con khác nhau.
Để bắt con Chắt Chắt người ta thường dùng một dụng cụ tự tạo là cây Cào và một con thuyền tre. Đi dọc theo bờ sông và cào, có chỗ cào nước sâu ngang đầu gối, có nơi phải lặn một hơi sâu mới cào được. Người làng tôi hay nói câu " Nghề cào Chắt Chắt ni là nghề Ăn Tới, Mần Lui". Bà con phải cầm cây Cào và đi thụt lùi, cho chắt chắt vào cây cào. Ngay khúc sông làng tôi, con Chắt Chắt sinh sôi và phát triển rất nhanh, bà con cứ cào hoài mà không cạn kiệt. Làng tôi cung cấp con Chắt Chắt với khối lượng khá lớn cho Đông Hà và các làng lân cận: làng Gia Độ, Đồng Giám, An Lợi, Trung Yên, Thanh Liêm ...
Bà con sau những ngày làm ruộng, rãnh rổi lại ra sông làm thêm nghề cào Chắt Chắt kiếm thêm cái ăn cái mặc. Sáng sớm, chúng ta đã thấy bà con đi cào Chắt Chắt, đứng trên bờ nhìn ra sông thấy bà con ngụp lặn để cào. Khi cào đầy thuyền bà con lại đem về nhà ngồi sàng lọc, nhặt những viên đá nhỏ ra, rồi lấy Chắt Chắt sạch ngâm với nước. Sáng ra thì bà con lại đem lên Chợ Đông Hà hay chợ Đồng Giám bán. Những buổi sáng sớm, chồng và con trai thì ra sông ngụp lặn cào Chắt Chắt, còn các mạ, các mệ hay các O thì đi lên chợ bán. Những gánh Chắt Chắt đè nặng trên đôi vai, chạy bộ một quãng đường dài mới tới chợ. Trên đôi quang gánh đó có biết bao nhiêu người con đã học hành nên người, thành ông này bà kia.
Quê tôi, một vùng quê với thời tiết rất khắc nghiệt, vào mùa hè oi bức với những cơn gió Lào thổi, mang theo cái nóng, cái cháy ... Bà con dân làng phải tìm ra những cái món ăn thức uống cho giảm đi cái khô nóng đó. Trong những món ăn giúp cho ta thoải mái nhất thì phải nhắc đến món canh Chắt Chắt. Để nấu được một nồi canh cho cả nhà ăn thì phải mua tới 6 hay 7 lon Chắt Chắt. Bà con đi chợ họ bán bằng lon (Lon sửa ông Thọ mài đi một phía). Muốn có một nồi canh thật ngon thì phải đi chợ từ sớm, chọn mua những mớ Chắt Chắt tươi. Đem về nhà ngâm với nước, cho Chắt Chắt nhả bùn non ra, ngâm khoảng 2 giờ đồng hồ thì đem rửa lại bằng nước giếng, rồi đem lên bếp nấu. Nước sôi thì lấy đũa khuấy liên tục cho Chắt Chắt mở cái vỏ mỏng ra (lửa phải đều không làm cho nước quá sôi hay quá nguội, con Chắt Chắt sẻ ngậm lại). Sau đó đem đi đãi vỏ lấy mặt (xác Chắt Chắt), rồi xào qua với dầu phi hành tỏi, cho thấm đều với gia vị (ngày xưa bà con dùng tóp mỡ heo). Tiếp đến, đổ nước lên nồi xào thêm mắm muối, nhớ cho Gừng vào để khử mùi tanh của bùn đất. Khi nước xôi là cho rau muống thái nhỏ vào. Nếu đúng bài của nó thì phải có thêm bắp rang, bắp sau khi thu hoạch về phơi khô, bà con lấy cát để rang bắp, những hạt bắp khô gặp cát nóng cứ nổ lốp bốp trên nồi. Bên cạnh đó đâm một chén muối ớt, những hạt muối sống với trái ớt tươi + Gừng, đâm thật cay. Cái canh Chắt Chắt là vị mát lạnh thêm muối ớt và Gừng vào, thứ nhất cho hợp khẩu vị mặn nhạt của từng người, thứ 2 giúp ta không lo bụng kêu khóc. Bên cạnh rau muống, Chắt Chắt còn nấu với Khế chua hay trái bầu ... để thay đổi khẩu vị. Cái nước luộc Chắt Chắt thật là ngọt, lúc nấu không cần phải cho gia vị nhiều, vì cái chất ngọt trong con Chắt Chắt ra đã đủ. Mà nếu cho quá nhiều gia vị khác vào thì mất đi cái chất, cái hương vị của con Chắt Chắt.
Cả dòng sông Thạch Hãn ở đâu cũng có con Chắt Chắt, nhưng riêng khúc sông ở làng tôi Chắt Chắt mới ngọt, mới ngon. Thế nên bà con các làng đặt cho làng tôi cái tên là làng Chắt Chắt. Ở quê người ta hay ví von các món ăn, hay các ngành nghề thành cái tên. Như làng Thanh Liêm là làng Mắm Còng ...
Dọc theo con sông làng tôi, ta thấy bên những hàng tre chắn gió có những cụm vỏ Chắt Chắt, đó là cái sau cùng của bát canh ngon ngọt. Có nơi người ta thu gom vỏ Chắt Chắt để nung Vôi. Nung Vôi để dùng ăn với Trầu Cau, hay quét tường nhà.
Trong những bữa ăn của người dân quê Quảng Trị, ta luôn thấy món canh Chắt Chắt. Mỗi khi đi xa, không người con nào lại không nhớ cái món ăn đơn sơ mà nhiều tình cảm đó. Nó như gắn với cuộc sống của từng con người, cái cơ cực, cái vất vả đi cùng trên chặng đường xưa. Giờ đây con cháu làng quê có người đã bôn ba đi tìm nơi khác lập nghiệp. Nhưng mỗi khi nhớ về quê họ lại nhớ cái món ăn mà mạ ngày xưa thường hay nấu. Chan bát canh đầy ngọt bùi sớt chia bao khó nhọc đắng cay. Bát canh như những lời mạ nhắn nhũ: Ăn đi con cho có sức mà lớn mà khôn, rồi học hành sau này mong khỏi cực ...
Mỗi lần về quê, bà con hỏi thích ăn món gì? Tôi không trả lời mà tự lấy xe chạy đến nhà có người Cào Chắt Chắt. Thấy còn một gốc bao cát gai, tôi mua luôn, mà đâu chỉ hơn mười mấy ngàn đồng, thế mới thấy sự cơ cực cào Chắt Chắt, mà bán thì được mấy đồng tiền. Lúc mua về ai cũng cười tôi: Mua về Nung Vôi xây nhà à? mua gì nhiều rứa mi ... Tôi nói lâu lâu về ăn cái cho đã mà. Ăn thì ngon thiệt, nhưng mà cái công nấu lên một nồi mà ăn thì thật khổ.
Chắt Chắt còn làm thêm món xào với hành tây, rồi lấy bánh tráng xúc ăn. Cái món này mà làm món nhấm thì không có gì bằng. Bà con ngồi quây quần, một dĩa Chắt Chắt xào + mấy cái bánh tráng + 1 chai rượu là thành một cuộc vui rồi. Đến đêm ngà ngà men say, lại đem Chắt Chắt đi đãi rồi nấu với cháo gạo ăn. Ôi thật đậm đà cái hương vị Quê hương.
Ngày nay đôi khi cuộc sống nhanh hơn, vội hơn, bà con ở thành thị họ thường mua con Chắt Chắt đã đãi thành xác về ăn. Như vậy thì bát canh sẻ mất đi cái ngon rất nhiều. Mình phải tự đãi lúc còn tươi, thì mới ngon và ngọt. Đôi khi tôi hay nói với người quen, mình ăn nhớ hoài là do: Mạ ngồi đãi, mồ hồi mạ nhỏ xuống càng làm canh ngọt hơn đó ...
Có những bà con đi xa, trở về thăm quê, mới cầm bát canh húp 1 cái, con mắt đã nhoè đi vì nước mắt. Nước mắt nhớ về người mệ, người mạ tảo tần năm xưa, nhớ đến cái vị ngọt mà bát canh mạ nấu cho đàn con ăn ...
Trong cuộc đời có những món Sơn Hào Hải Vị, có thể là những món ăn đắt tiền. Nhưng hãy thử húp một bát canh Chắt Chắt, thì không gì tả được, nó làm lòng mình thật là mát, bao nhiêu cái mệt nhọc cũng tự nhiên tan biến.
ĐINH THANH HẢI, KTS
Sài Gòn 21-12-2009
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét