Thứ Tư, 29 tháng 6, 2011

Lm. Nguyễn Hữu Giải


Cha Giải với một trong 3 bé bại não được nuôi tại nhà xứ An Bằng, Huế.
Theo Cha Giáo cho biết thì Cha Giải là con của Ông Nhạc - Bà Năm.
Ông Nhạc là con Ông Điển, còn Bà Năm là con Ông Du, cả hai ông đều ở làng Di Loan.
Cha Giải là bà con cả hai bên nội ngoại với Cha Giáo.

Lm. Nguyễn Văn Giáo

Cha Giáo tại nhà của cháu Đính ở giáo xứ Vĩnh Cẩm,
Vinh Trang, Cam An Nam,
ngày 27.06.2011
*

Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2011

Một Người Cha Như Thiên Chúa

MỘT NGƯỜI CHA NHƯ THIÊN CHÚA – HÌNH ẢNH CỦA NGƯỜI CHA

Một đứa bé năm tuổi đầy kiêu hãnh nói với mẹ: "Con chẳng muốn là người thông 
minh, chẳng muốn là người lịch sự. Con muốn được giống như bố cơ!" "Một người giống như bố" đối với đứa trẻ là tất cả trên đời. 

Sau một thời kỳ được xác định như là "xã hội vắng bóng người cha", bây giờ tất cả các nghiên cứu về xã hội học, tâm lý học, nhân chủng học đều cho thấy vai trò quan trọng của người cha trong sự quân bình tâm lý xã hội nơi con trẻ. Tuy vậy các đấng sinh thành ít biết đến vai trò của người cha đối với con cái mình. Như nữ văn sĩ khôi hài Erma Bombeck đã viết về cha của mình: "Khi tôi còn nhỏ, bố tôi như ánh đèn bên trong tủ lạnh: nhà nào mà chẳng có, nhưng không một ai thực sự lưu tâm tới những gì họ đã làm cả khi đóng sập cánh cửa lại". 

Đây là tư tưởng của Don Bosco: "Những gì học sinh luôn có với con mắt trông nom của Cha giám đốc hay quý thầy hộ trực, như những người cha thân thương hãy nói, hãy tận tình chỉ dẫn cho mỗi sự kiện, hãy đưa ra những lời khuyên và sửa chữa với lòng nhân ái". Chẳng ai có những phẩm tính bẩm sinh của một người cha tốt: để trở thành một người cha nhân ái, người ta phải ao ước có được sự kiên nhẫn, biết lưu tâm và lòng yêu mến. Hơn nữa cũng cần có một mức độ nhất định của sự chỉ dẫn. 

Và như thế chúng ta có được mẫu gương khó tin nhất trong tất cả: chính Thiên Chúa. Là Đấng mà Kinh Thánh xác định là "Cha". Và Thiên Chúa đã biểu lộ như Ngài đã là Cha. 

Khi kêu gọi Môsê, Thiên Chúa xác nhận "Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta và Ta đãnghe tiếng chúng kêu than ... Ta biết nỗi khổ đau của họ. Ta xuống để giải cứu họ ... "(Xh 3,7-8). Bốn động từ trong câu này ta gặp được một phương pháp sư phạm tuyệt vời cho một người cha qua bốn pha: quan sát (xem) – lắng nghe (nghe) – nhận biết (xét) – hành động (làm).
 Tất cả những điều này có thể diễn tả qua vài nhận xét đơn giản. Để trở thành một người cha tốt nên có việc sau:
Hãy là chính mình và đừng mang chiếc mặt nạ của Người Cha Vĩ Đại. Làm một người cha không phải là thủ một vai diễn và vì vậy người ta chẳng cần đến 
mặt nạ. Thông thường các ông bố hoàn hảo tạo ra hàng tá rắc rối. Dân chúng tin rằng kẻ biết tất cả có thể là kẻ rất nguy hiểm. Một người cha không phải cạnh tranh với con cái cũng không trở thành một biểu tượng trong tầm vóc không thể đạt được. Bác sĩ nhi khoa Marcello Bernardi và cũng là nhà sư phạm viết: "Phải làm sao để trở thành một ông bố tốt lành? Ông ta không phải là kẻ độc đoán, nhưng cũng chẳng phải là kẻ dễ dãi, kẻ không được vắng mặt nhưng chẳng phải lúc nào cũng chườn mặt ra đấy. Tóm lại, ông ta phải là ai? Rất đơn giản: là chính mình. Một người đàn ông tôn trọng người khác nhưng chính ông ta cũng là kẻ đáng kính, một người đàn ông có thể yêu mà không trông mong bất cứ điều gì bù lại, một người đàn ông đã và đang tìm cách giữ lại cái vương miện của loài người chúng ta, cái được gọi là lý trí. Tất cả là vậy đấy. Tôi muốn lưu tâm rằng: với tư cách người mẹ là biểu hiệu cho những gì con trẻ chinh phục thế giới và sự tự lập của riêng mình, cũng như thế người cha là các biểu hiệu cho những gì con trẻ khám phá gia đình. Trước tiên đứa trẻ chỉ có mỗi mình mẹ, với những gì nó đã sống "trong sự cộng sinh", trong mối quan hệ chặt chẽ giữa mẹ và con, còn bây giờ nó có cả mẹ lẫn cha, nghĩa là một gia đình". 

Trước hết, một người cha là chính mình khi biết biểu lộ cảm xúc và các ý tưởng của riêng mình với sự điềm tĩnh. Là kẻ luôn có mặt và quan tâm đến con cái. Là kẻ luôn biết lắng nghe trong mọi cuộc chơi, cuộc thảo luận. Hầu như tất cả các số liệu thống kê người ta cho biết rằng, trung bình một người cha dành ít hơn năm phút một ngày trong cách thức giáo dục thật tình cho con em của mình. Có nhiều nghiên cứu đã cho thấy một liên kết giữa sự vắng mặt của người cha và thành tích học tập kém cỏi, chỉ số thông minh thấp, sự phạm pháp và tính hung hăng của người con. Phương pháp sư phạm của Thiên Chúa gợi nhắc đến quan sát, lắng nghe và nhận biết. Quan sát cũng là học cách để nhận ra tất cả những tín hiệu lớn nhỏ mà bọn trẻ đang phát ra liên tục. 

Cho một tỉ dụ về sự tự chủ. Một lời khuyên khôn ngoan cho cha mẹ nói như thế này: "Hãy nhớ rằng: Khi con bạn làm những chuyện thất thường, đừng để bạn cũng hành động như chúng". Kiểm soát tính tình của mình với con trẻ như thể với người lạ là gương sáng quý trọng nhất cha mẹ phải dành cho chúng. Thành công trong việc tỏ ra nhẫn nại và cảm thông cả khi căng thẳng thăng cao tạo cải thiện những mối quan hệ. 
Tạo sự an toàn từ việc nhỏ đến việc lớn để dạy cho trẻ em biết xem thấy điều cốt yếu trên phương diện tích cực cũng tiêu cực của cuộc sống. Trẻ em luôn có thể tin cậy vào cha mình. Ông phải là người đầu tiên mà chúng hướng về trong trường hợp cần thiết. 

Dạy nghệ thuật việc giải quyết các vấn đề: “rốt cuộc” một người cha sẽ tìm ra một giải pháp cho các vấn đề của cuộc sống. 
Hãy thu phục được sự tín nhiệm và lòng quý mến của con trẻ. Một phần ba số trẻ em ở Mỹ độ tuổi từ bốn đến năm khi được hỏi đã nói rằng chúng muốn bỏ ông bố của mình hơn là bỏ truyền hình. Những ông bố chẳng phải giữ khoảng cách về mặt tình cảm với con cái, nhưng hãy cố gắng tiến tới sự hòa đồng thông cảm với chúng. Một người cha tốt lắng nghe con cái "với trái tim", hãy luôn nói những lời thần diệu này: "Bố hãnh diện về con". Có lẽ chưa có gì phải hãnh diện về đứa trẻ, nhưng rồi nó sẽ sớm đến, bởi vì đó là những lời thực sự tuyệt diệu. 

Bày tỏ sự hài hòa, lòng quý mến và tính đồng thuận về phương pháp dạy dỗ với vợ trước mặt con cái. Người cha tốt lành hành động tâm đầu ý hợp với vợ mình. 

Làm "biển báo giao thông". Hình ảnh người cha là nền tảng cơ bản trong việc hình thành lương tri. Trên hết thiếu niên nhi đồng cần được hướng dẫn rõ ràng và cần một tính cách mạnh mẽ để dựa vào trong thời kỳ còn non dại và nhiều thách đố của sự tự đào luyện nhân cách. Don Bosco xác nhận "Hãy nói, hãy tận tình chỉ dẫn cho mỗi sự kiện". 

Hãy là tổ ấm cho “những cánh chim mỏi mệt" (kể cả người vợ). Tạo ra những khoảnh khắc đặc biệt, chẳng hạn như trong bữa ăn tối, một thời khắc gặp gỡ cho gia đình, không gian mọi người có thể trò chuyện trong một bầu khí bình an. Một người cha tốt biết làm thế nào để tạo ra sự kỳ diệu của những kỷ niệm, thông qua các nghi thức nho nhỏ của tình thương mến. Tại sao không thử "chúc lành cho con trẻ" mỗi đêm? Nó nằm trong sổ tay cầu nguyện cho gia đình đã được các giám mục Ý soạn thảo. Một người mẹ cầu nguyện với con cái mình là một nét đẹp đức tin, nhưng gần như là chuyện thường tình. Một người cha cầu nguyện với con cái của mình, ông sẽ để lại dấu ấn không thể xóa nhòa trong tâm trí chúng.  

Thỉnh thoảng cảm ơn con cái, vì chúng làm người cha bị thúc đẩy để thoát ra khỏi chính mình cách tốt hơn. Nghề nghiệp của một người cha có thể hữu ích cho 
giới mày râu hơn là cho trẻ em. Chẳng một người đàn ông nào có thể hiểu được ý nghĩa của cuộc sống, ý nghĩa của thế giới, ý nghĩa của bất cứ điều gì, cho đến khi ông ta có một đứa con để yêu thương. Sau đó, cả vũ trụ sẽ thay đổi và chẳng có gì sẽ trở lại giống như trước nữa. 
Và nếu một người cha muốn một nhiệt kế gần như chắc chắn của sự thành công của mình với tư cách là một người cha, hãy hỏi mẹ những đứa con của mình: "Liệu bà có muốn con cái mình giống tôi không?".
Tôi sẽ cẩn thận trong cách bày tỏ ý kiến của mình. Những gì tôi nói hay làm có ảnh hưởng sâu xa đến con cái tôi.

Lm. giuse Đinh Quang Vinh chuyển dịch
Nguồn: http://ubmvgiadinh.org/?open=contents&display=2&id=2953

Thứ Hai, 13 tháng 6, 2011

Luôn Hâm Nóng Lại Tình Yêu

LUÔN HÂM NÓNG LẠI TÌNH YÊU – CHA MẸ CŨNG LÀ MỘT ĐÔI UYÊN ƯƠNG 

Giả thiết "Mười Điều Răn" cho các bậc cha mẹ phải nên bắt đầu như thế này: "Chính vợ chồng phải chăm sóc nhau nhiều nếu họ muốn có sự chăm nom con cái của họ. Bổn phận số một của ông bố đối với con mình là yêu thương mẹ của nó; và ngược lại, nhiệm vụ ưu tiên của bà mẹ đối với con mình là yêu mến bố của nó". 

Ông bố và bà mẹ nên nhớ luôn rằng mình cũng là vợ, là chồng và bởi đó tình yêu giữa họ phải gia tăng đồng thời cho con cái của họ. Trong gia đình, nếu mối quan hệ mà nó liên kết họ lại vẫn sống động và mạnh mẽ thì thường ra tất cả vận hành suôn sẻ và các vấn đề có thể giải quyết được. 

Chúng ta có một vài nhận xét đơn giản về đề tài này, đôi khi bị lãng quên khi nói đến việc dạy dỗ con cái. 

Các cực đối kháng thu hút nhau. Luôn luôn có một cách ứng xử nữ tính và cách ứng xử nam tính khi nhìn xem và đối mặt với thực tế cũng như với các vấn đề. Tính đa dạng này phải được nhìn thấy, đừng để nó bị bóp chết. Vai trò của người mẹ và người cha không được đảo ngược một cách nông nổi. Một trong hai người có thể buông xuôi bởi cảm thấy bị loại trừ. Sự khác biệt đó bổ sung cho nhau, làm hài hòa và hình thành một khuôn mẫu "của gia đình" khi nhìn xem và đánh giá sự vật. 

Canh tân và thay đổi. Điều quan trọng là đừng để rơi vào sự đơn điệu buồn tẻ của các thói quen cũng đừng là chỉ duy trì ở một mức độ chấp nhận được. Lớn lên có nghĩa là đổi mới, phá vỡ những thói quen, để lắng nghe, để nhận biết những chuyển biến đang diễn tiến. Đừng nói chuyện cách máy móc với người khác, kẻ đã bị lên khuôn hoặc bị yên trí, nhưng với con người lúc này đây. 
Đàn ông cũng nên nhớ rằng phụ nữ đảm nhận trọng trách trong việc nội trợ và do đó hiếm có thời giờ dành cho chính mình. Một người mẹ đã viết: "Nó sẽ tốt đẹp biết bao nếu thi thoảng người ta nhận ra rằng tôi là một con người, với những lúc bị nhục mạ, chán nản, yếu thế. Tóm lại tôi cũng là một con người như họ và tôi cũng có khả năng yêu thương lớn lao, cái mà bao người có thể lợi dụng tôi về nhiều mặt từ lời hứa tôn trọng tôi như một người bạn đời, chứ không phải như một con bò sữa." 

Những ngày kỷ niệm, lễ hội, quà tặng, đi chơi và ăn ngoài trời cùng những thiệp chúc mừng chúng có thể phá tan những tầng mây xám vô vị của những thói quen bất trị. 

Phá bỏ những bức tường ngăn cách đang vây bọc con tim. Một câu chuyện cổ kể về hai vị ẩn tu chốn sa mạc, họ sống trong các hang động gần nhau. Một trong hai vị tin rằng giờ đây ông gần đạt tới sự thiện hảo và không chấp nhận những cái thường ngày, ngay cả điều nhỏ nhặt, chẳng cần cả người kia. Để cụ thể hóa việc người kia còn xa sự thánh thiện là bao nhiêu, việc đầu tiên ông quyết định là đặt một tảng đá ở cửa hang mỗi khi người kia phạm điều gì đó sai trái. Sau một vài tháng trước cửa hang là một bức tường đá xám ngắt và ngột ngạt. Đôi khi chúng ta xây những bức tường như thế xung quanh trái tim mình, với những hòn đá to nhỏ hàng ngày của sự thù oán, mích lòng, lặng thinh, hờn dỗi, những vấn đề chưa được giải quyết.

Biểu lộ tình cảm là điều quan trọng, duy trì tính nhạy cảm trước nỗi đau của người khác. Chấp nhận sự bất toàn không thể tránh khỏi của người khác. Người nữ có nhu cầu truyền đạt tình cảm của mình, cảm nhận được nghe và được che chở; người nam có nhu cầu cảm thấy được đánh giá cao cho những gì họ đang là. 

Giữ cho cánh cửa luôn rộng mở. Cánh cửa của sự hiểu nhau thình lình bị đóng lại với việc đánh mất sự tin tưởng, lòng kính trọng, tình yêu thương, sự đón nhận nhau và sự thông cảm. Nó xảy ra khi mọi thứ bắt đầu từ sự làm phát cáu, khi người ta đả thương nhau gây đau bởi những chuyện vặt vãnh, khi những cái dường như "dễ thương" bổng dưng trở thành dở dở ương ương dễ ghét. 
Tình thế trở nên nặng nề u ám khi vợ và chồng luôn ở thế phòng ngự và cảm thấy bị tấn công ngay cả khi người kia chỉ đơn giản nói những gì họ cảm nhận. 

Tình yêu, sự lãng mạn, lòng chung thủy. Gia đình vận hành khi nó là một tổ ấm yêu thương bền vững. Nó phải được hít thở một tình yêu bền bỉ và cụ thể, bởi vì đây là sự tiếp sức hàng ngày cho niềm hy vọng mà con trẻ cần có để nó sống còn trong cuộc đời. 
Vợ chồng nên phải hâm nóng lại tình yêu cách định kỳ. Làm mới lại cách đều đặn các nghi thức lãng mạn, từ những bông hoa trao tặng nhau đến cái liếc mắt đưa tình nhìn bạn mình khi nói chuyện với nhau. 
Các kẻ thù thật sự nham hiểm của gia đình là tính lơ đễnh. Thường không phải là vấn đề lớn gây đổ vỡ và chia rẽ gia đình, nhưng sự gỉ sét gây ra hiềm thù nằm trong sự lơ đễnh. Như người ta có thể nhận ra rằng nhiều tình huống khả dĩ cứu vãn tình thế nhưng lại bị bỏ qua, có lẽ những cái chẳng đáng là gì trong một tình trạng tột cùng lại gây nguy cơ đổ vỡ, vì sự lơ đễnh anh chồng đã chẳng thể nâng nổi một đôi vớ bẩn từ sàn nhà lên để mang lại một niềm vui cho vợ.
Trong một xã hội mà mọi thứ đều tạm bợ và "không hơn không kém" như ngày nay, dấn thân cho lòng chung thủy, sống và tái xác nhận sự trung thành, nó là điều cần cho các gia đình như nước cần cho hoa vậy. 

Tìm kiếm sự quân bình đúng đắn giữa sự phụ thuộc và sự tự chủ. Một gia đình không thể là một loại doanh trại với vị chỉ huy và cấp dưới, cũng chẳng phải phân xưởng với ông chủ và nhân viên. Thật cần thiết để có được sự hòa hợp thật sự. Truyền đạt cho nhau thật nhiều, nhưng trên hết phải lắng nghe thật nhiều.
Yêu đương và kết hôn người ta có thể làm trên đôi cánh của thiên thần với ước mộng cao xa bay bổng phi thực tế. Nhưng sống với nhau là không phải là chuyện máy móc: nó đòi hỏi phải học biết, lao tâm khổ tứ và sự hy sinh. Nó giống như học khiêu vũ vậy, khi người này bước tới, thì người kia phải bước lùi. Mỗi người phải tuân theo thứ tự của nhịp điệu. Nhưng người ta chỉ có thể được thực hiện được điều đó khi đang tay trong tay xiết bao ân tình. 

Sống với nhau là một sứ mạng. Có lẽ đây là cái bí quyết lớn lao: hôn nhân là một giao ước cho một mục đích cao cả hơn. Không có đẳng cấp trong đó. Người ta cùng nhau đưa ra những quyết định. Với những chức vụ khác nhau, trách nhiệm không giống nhau. Nhưng nó cần phải giữ cho đôi mắt luôn hướng về một mục đích những gì có thể vượt ra ngoài tầm nhìn hẹp của một sự chung sống dưới một mái nhà để giúp đỡ nhau thăng tiến.
  
Chúng ta sẽ thực hiện sự quan tâm đến nhau.

 Lm. Giuse Đinh Quang Vinh chuyển dịch

Thứ Ba, 7 tháng 6, 2011

Làng tôi làng Chắt Chắt



Ảnh Lê Đức Dục


Con Chắt Chắt là họ hàng với Ngao, Hến ... nhưng nó nhỏ hơn con Hến một tý, con Chắt Chắt sống chủ yếu ở những vùng nước lợ. Đất bùn phù sa cộng với cát là nơi sinh sống của Chắt Chắt. Không biết từ bao giờ mỗi khi nhắc đến làng tôi họ đều ví von là làng Chắt Chắt. Quê tôi là một ngôi làng nằm dọc theo con sông Thạch Hãn, làng An Giạ xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.


Nếu ở Sài Gòn ta nói con Chắt Chắt thì chắc chắn không ai biết là con gì? Vì con Chắt Chắt đặc biệt chỉ có người quê Quảng Trị chúng tôi mới gọi như vậy? Nhiều khi tôi đưa cho bạn bè ăn bát canh Chắt Chắt, họ nói sao con Hến này nó ngọt vậy? Ở Huế người ta có món Cơm Hến (nhiều người cứ nghĩ con Hến là con Chắt Chắt) Thực chất nó là 2 con khác nhau.








Để bắt con Chắt Chắt người ta thường dùng một dụng cụ tự tạo là cây Cào và một con thuyền tre. Đi dọc theo bờ sông và cào, có chỗ cào nước sâu ngang đầu gối, có nơi phải lặn một hơi sâu mới cào được. Người làng tôi hay nói câu " Nghề cào Chắt Chắt ni là nghề Ăn Tới, Mần Lui". Bà con phải cầm cây Cào và đi thụt lùi, cho chắt chắt vào cây cào. Ngay khúc sông làng tôi, con Chắt Chắt sinh sôi và phát triển rất nhanh, bà con cứ cào hoài mà không cạn kiệt. Làng tôi cung cấp con Chắt Chắt với khối lượng khá lớn cho Đông Hà và các làng lân cận: làng Gia Độ, Đồng Giám, An Lợi, Trung Yên, Thanh Liêm ...






Bà con sau những ngày làm ruộng, rãnh rổi lại ra sông làm thêm nghề cào Chắt Chắt kiếm thêm cái ăn cái mặc. Sáng sớm, chúng ta đã thấy bà con đi cào Chắt Chắt, đứng trên bờ nhìn ra sông thấy bà con ngụp lặn để cào. Khi cào đầy thuyền bà con lại đem về nhà ngồi sàng lọc, nhặt những viên đá nhỏ ra, rồi lấy Chắt Chắt sạch ngâm với nước. Sáng ra thì bà con lại đem lên Chợ Đông Hà hay chợ Đồng Giám bán. Những buổi sáng sớm, chồng và con trai thì ra sông ngụp lặn cào Chắt Chắt, còn các mạ, các mệ hay các O thì đi lên chợ bán. Những gánh Chắt Chắt đè nặng trên đôi vai, chạy bộ một quãng đường dài mới tới chợ. Trên đôi quang gánh đó có biết bao nhiêu người con đã học hành nên người, thành ông này bà kia.








Quê tôi, một vùng quê với thời tiết rất khắc nghiệt, vào mùa hè oi bức với những cơn gió Lào thổi, mang theo cái nóng, cái cháy ... Bà con dân làng phải tìm ra những cái món ăn thức uống cho giảm đi cái khô nóng đó. Trong những món ăn giúp cho ta thoải mái nhất thì phải nhắc đến món canh Chắt Chắt. Để nấu được một nồi canh cho cả nhà ăn thì phải mua tới 6 hay 7 lon Chắt Chắt. Bà con đi chợ họ bán bằng lon (Lon sửa ông Thọ mài đi một phía). Muốn có một nồi canh thật ngon thì phải đi chợ từ sớm, chọn mua những mớ Chắt Chắt tươi. Đem về nhà ngâm với nước, cho Chắt Chắt nhả bùn non ra, ngâm khoảng 2 giờ đồng hồ thì đem rửa lại bằng nước giếng, rồi đem lên bếp nấu. Nước sôi thì lấy đũa khuấy liên tục cho Chắt Chắt mở cái vỏ mỏng ra (lửa phải đều không làm cho nước quá sôi hay quá nguội, con Chắt Chắt sẻ ngậm lại). Sau đó đem đi đãi vỏ lấy mặt (xác Chắt Chắt), rồi xào qua với dầu phi hành tỏi, cho thấm đều với gia vị (ngày xưa bà con dùng tóp mỡ heo). Tiếp đến, đổ nước lên nồi xào thêm mắm muối, nhớ cho Gừng vào để khử mùi tanh của bùn đất. Khi nước xôi là cho rau muống thái nhỏ vào. Nếu đúng bài của nó thì phải có thêm bắp rang, bắp sau khi thu hoạch về phơi khô, bà con lấy cát để rang bắp, những hạt bắp khô gặp cát nóng cứ nổ lốp bốp trên nồi. Bên cạnh đó đâm một chén muối ớt, những hạt muối sống với trái ớt tươi + Gừng, đâm thật cay. Cái canh Chắt Chắt là vị mát lạnh thêm muối ớt và Gừng vào, thứ nhất cho hợp khẩu vị mặn nhạt của từng người, thứ 2 giúp ta không lo bụng kêu khóc. Bên cạnh rau muống, Chắt Chắt còn nấu với Khế chua hay trái bầu ... để thay đổi khẩu vị. Cái nước luộc Chắt Chắt thật là ngọt, lúc nấu không cần phải cho gia vị nhiều, vì cái chất ngọt trong con Chắt Chắt ra đã đủ. Mà nếu cho quá nhiều gia vị khác vào thì mất đi cái chất, cái hương vị của con Chắt Chắt.



Cả dòng sông Thạch Hãn ở đâu cũng có con Chắt Chắt, nhưng riêng khúc sông ở làng tôi Chắt Chắt mới ngọt, mới ngon. Thế nên bà con các làng đặt cho làng tôi cái tên là làng Chắt Chắt. Ở quê người ta hay ví von các món ăn, hay các ngành nghề thành cái tên. Như làng Thanh Liêm là làng Mắm Còng ...



Dọc theo con sông làng tôi, ta thấy bên những hàng tre chắn gió có những cụm vỏ Chắt Chắt, đó là cái sau cùng của bát canh ngon ngọt. Có nơi người ta thu gom vỏ Chắt Chắt để nung Vôi. Nung Vôi để dùng ăn với Trầu Cau, hay quét tường nhà.



Trong những bữa ăn của người dân quê Quảng Trị, ta luôn thấy món canh Chắt Chắt. Mỗi khi đi xa, không người con nào lại không nhớ cái món ăn đơn sơ mà nhiều tình cảm đó. Nó như gắn với cuộc sống của từng con người, cái cơ cực, cái vất vả đi cùng trên chặng đường xưa. Giờ đây con cháu làng quê có người đã bôn ba đi tìm nơi khác lập nghiệp. Nhưng mỗi khi nhớ về quê họ lại nhớ cái món ăn mà mạ ngày xưa thường hay nấu. Chan bát canh đầy ngọt bùi sớt chia bao khó nhọc đắng cay. Bát canh như những lời mạ nhắn nhũ: Ăn đi con cho có sức mà lớn mà khôn, rồi học hành sau này mong khỏi cực ...



Mỗi lần về quê, bà con hỏi thích ăn món gì? Tôi không trả lời mà tự lấy xe chạy đến nhà có người Cào Chắt Chắt. Thấy còn một gốc bao cát gai, tôi mua luôn, mà đâu chỉ hơn mười mấy ngàn đồng, thế mới thấy sự cơ cực cào Chắt Chắt, mà bán thì được mấy đồng tiền. Lúc mua về ai cũng cười tôi: Mua về Nung Vôi xây nhà à? mua gì nhiều rứa mi ... Tôi nói lâu lâu về ăn cái cho đã mà. Ăn thì ngon thiệt, nhưng mà cái công nấu lên một nồi mà ăn thì thật khổ.



Chắt Chắt còn làm thêm món xào với hành tây, rồi lấy bánh tráng xúc ăn. Cái món này mà làm món nhấm thì không có gì bằng. Bà con ngồi quây quần, một dĩa Chắt Chắt xào + mấy cái bánh tráng + 1 chai rượu là thành một cuộc vui rồi. Đến đêm ngà ngà men say, lại đem Chắt Chắt đi đãi rồi nấu với cháo gạo ăn. Ôi thật đậm đà cái hương vị Quê hương.
Ngày nay đôi khi cuộc sống nhanh hơn, vội hơn, bà con ở thành thị họ thường mua con Chắt Chắt đã đãi thành xác về ăn. Như vậy thì bát canh sẻ mất đi cái ngon rất nhiều. Mình phải tự đãi lúc còn tươi, thì mới ngon và ngọt. Đôi khi tôi hay nói với người quen, mình ăn nhớ hoài là do: Mạ ngồi đãi, mồ hồi mạ nhỏ xuống càng làm canh ngọt hơn đó ...
Có những bà con đi xa, trở về thăm quê, mới cầm bát canh húp 1 cái, con mắt đã nhoè đi vì nước mắt. Nước mắt nhớ về người mệ, người mạ tảo tần năm xưa, nhớ đến cái vị ngọt mà bát canh mạ nấu cho đàn con ăn ...


Trong cuộc đời có những món Sơn Hào Hải Vị, có thể là những món ăn đắt tiền. Nhưng hãy thử húp một bát canh Chắt Chắt, thì không gì tả được, nó làm lòng mình thật là mát, bao nhiêu cái mệt nhọc cũng tự nhiên tan biến.



ĐINH THANH HẢI, KTS
Sài Gòn 21-12-2009

Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2011

Thăm ''Các em Sinh linh'' nhân ngày Quốc Tế Thiếu Nhi 1/6

Paul Maria6/1/2011

Hôm nay, 1 tháng 6: Ngày Quốc tế Thiếu Nhi, chúng tôi theo chân các Bạn Trẻ Nhóm Bảo Vệ Sự Sống thuộc Chi Hội Bác Ái Vinh Sơn của Giáo xứ Thanh Đức đến thăm Nghĩa địa Sinh Linh, nơi chôn cất các thai nhi bị giết do nạn nạo phá thai, tại nghĩa địa Giáo xứ Phú Thượng Đà Nẵng.





Ngày Quốc tế Thiếu Nhi được lập ra để chăm sóc các trẻ thơ và thiếu nhi trên toàn thế giới, và Việt Nam là một trong những nước đã ký cam kết " Bảo vệ và chăm sóc bà mẹ và trẻ em ".



Điều thật đau buồn khi cũng chính tại Việt Nam, nạn phá thai tăng dần theo ngày tháng qua đi. Từ những năm 2008, 2009, báo chí, nhất là Báo mạng đã đưa ra những bài viết kèm theo những con số hằng trăm " Bé thơ " bị giết chết một cách vô nhân đạo hằng ngày mà chưa kịp khóc tiếng khóc chào đời chỉ trên một " Chợ hút nạo thai " ở ngay Thủ đô Hà Nội. Vậy trên toàn quốc, ai đếm được có bao nhiêu " Bé thơ " bị hủy diệt mỗi ngày trong các bệnh viện và những ổ nạo hút thai chui ? Thật kinh khủng và đau xót chừng nào !



Chúng tôi đến thăm các em Sinh Linh bằng những lời cầu nguyện và tặng các em những món quà nho nhỏ nhân ngày Quốc tế Thiếu Nhi 1/6 là những chiếc bong bóng được thổi lên bằng hơi thở của anh em trong đoàn. Một món quà quá nhỏ bé và cũng thật đơn sơ nếu không muốn nói là rẻ tiền nữa.



Hơn 500 ngôi mộ nhỏ bé nằm sát cạnh nhau theo từng hàng thẳng tắp, nơi chôn cất không dưới 5000 em Sinh Linh. Chúng tôi không khỏi giật mình xen lẫn niềm thương cảm vô hạn. Hai ngôi mộ một chiếc bong bóng, mỗi ngôi mộ chỉ một nén hương. Chút gì đó thổn thức trong tâm khảm chúng tôi : Thật tội nghiệp cho các em và cho cả Dân tộc vẫn luôn tự hào với chiều dài lịch sử bốn ngàn năm Văn hiến !



Nhưng chúng tôi tin rằng, chỉ bằng những món quà bé nhỏ ấy, các em hôm nay, cũng cảm nhận được " an ủi " ít nhiều. Bởi vậy, chúng tôi đã quyết định lên thăm các em.



Nguyện xin Thiên Chúa ban tràn đầy Thần Khí Ngài trên Giáo Hội Việt Nam, để Giáo Hội can đảm dấn bước trên con đường loan báo Tin Mừng, làm cho " tinh thần Phúc âm được thấm nhập vào mọi lãnh vực đời sống xã hội và văn hóa ", cùng với muôn tâm hồn thiện chí xây đắp " nền văn minh tình thương và sự sống ", thôi không còn cảnh hủy diệt chính sự sống của các thai nhi tràn lan cách vô nhân đạo như ngày nay.

Bé gái 12 tuổi rủ bạn trai vào nhà nghỉ!


Mặc dù mới 12 tuổi nhưng bé gái này lại chủ động rủ bạn trai vào 
nhà nghỉ rồi quan hệ tình dục. Tuy nhiên, cuối cùng bạn trai kia 
vẫn bị bắt vì tội hiếp dâm trẻ em.

Sáng 31/5, CAP Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm nhận được đơn trình báo của gia đình cháu Nguyễn Thị Thuận (sinh tháng 9/1998) trú tại tỉnh Hưng Yên về việc cháu Thuận bị một đối tượng hiếp dâm.


Theo đó, khoảng 21h ngày 28/5, cháu Thuận có ngồi chơi với 1 đối tượng ở ghế đá khu vực hồ Hoàn Kiếm chơi, đến khoảng 1h30 ngày 29/5 thì đối tượng này thuê xe taxi đưa cháu Thuận vào một nhà nghỉ (không rõ ở đâu) để hiếp dâm cháu.
CAP Hàng Bạc phối hợp với Đội Điều tra hình sự - CAQ Hoàn Kiếm khẩn trương thu thập tài liệu, xác minh, đã xác định đối tượng liên quan là Lê Tuấn Anh (SN 1994) trú ở huyện Phú Xuyên. Được triệu tập tới cơ quan công an, bước đầu Tuấn Anh khai nhận, vào chiều 28/5, cháu Thuận có rủ Tuấn Anh đi chơi.
Tuấn Anh nhờ người anh họ lấy xe máy đèo đi đón Thuận ở Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm. Sau khi chở Tuấn Anh và Thuận tới khu vực hồ Hoàn Kiếm ngồi chơi, người anh họ của Tuấn Anh ra về.
Đến đêm, Thuận rủ Tuấn Anh đi tìm nhà nghỉ ngủ, sau đó Tuấn Anh và Thuận đã thuê xe taxi đến một nhà nghỉ (hiện chưa xác định). Tại đây, Thuận đã chủ động trong việc quan hệ tình dục với Tuấn Anh.
Theo điều tra viên thụ lý vụ án, cho dù cháu Thuận tự nguyện nhưng Tuấn Anh thực hiện quan hệ giao cấu với cháu Thuận (chưa đủ 13 tuổi) là hành vi vi phạm pháp luật hình sự.
(Tên người bị hại đã thay đổi)
(Theo Người đưa tin)