TÌNH YÊU
BÀI THUỐC CHINH PHỤC CÕI LÒNG
(Những thách đố mới của thời đại trong việc giáo dục con cái.)
“Cá không ăn muối cá ươn
Con cãi cha mẹ trăm đường con hư”
Trong nền văn hóa truyền thống đạo đức của Việt Nam, nét giáo dục vẫn luôn là điểm nổi bật ưu tiên hàng đầu và cũng đã ăn sâu vào những câu ca dao tục ngữ hầu lưu truyền cho con cháu các thế hệ mai sau những bài học mang giá trị đạo đức, luân lý. Trải qua từng thời gian cùng tiến bước theo trào lưu văn minh tiến bộ của xã hội thì nét giáo dục cũng mang một sắc thái mới để phù hợp với tâm lý, tình cảm và môi trường xã hội hầu thích ứng với thời đại. Nhưng ngày nay, nét đạo đức truyền thống đó đang có nguy cơ biến mất trong các gia đình, đã tạo nên sự rạn nứt trong các mối tương quan.
Trong bối cảnh xã hội của thời hiện đại văn minh tiến bộ, các trào lưu văn hóa mở rộng nối kết con người trên khắp thế giới gần gũi nhau hơn, những luồng gió mới lành mạnh được giao lưu, học hỏi, đồng thời cả những luồng gió độc cũng lợi dụng ùa vào. Chính vì thiếu cảnh giác, không phân biệt đâu là tốt, đâu là xấu, đâu là lợi, đâu là hại đã làm cho đời sống của nhiều cá nhân và gia đình đã và đang phải đối đầu với những vấn nạn phức tạp. Đặc biệt là vấn đề về giáo dục. Giới trẻ ngày nay đang chơi vơi trước những nhu cầu cuộc sống, các bậc phụ huynh đang phải đối diện và gánh chịu sức ép nặng nề trong việc giáo dục con cái. Và nhất là đối với các gia đình Kitô giáo việc giáo dục con cái trong đời sống đức tin đang là một thách đố nghiêm trọng cho các bậc làm cha mẹ.
Thiên Chúa còn ngự trị trong gia đình ta, ngự trị trong từng tâm hồn của mỗi bậc làm cha làm mẹ trong việc giáo dục con cái, ngự trị trong tâm hồn của những người trẻ Kitô giáo ngày nay hay không? Đó chính là nỗi băn khoăn, ưu tư của các Nhà Giáo Dục Kitô Giáo và của những người có trách nhiệm trong Giáo Hội.
Trước nỗi thao thức, ưu tư đó, ngày 25.09.2010 vừa qua Lm. FX. Nguyễn Minh Thiệu, Dòng Donbosco đã đến chia sẻ với hơn 100 tham dự viên trong Chương Trình Chuyên Đề Chiều Thứ Bảy tại TTMV - TGP Sài Gòn với đề tài: “NHỮNG THÁCH ĐỐ MỚI CỦA THỜI ĐẠI TRONG VIỆC GIÁO DỤC CON CÁI”.
Giáo dục trong tầm nhìn Kitô giáo. Khán giả đã đưa ra một số điều khó khăn, cản trở nhất của các bậc phụ huynh liên quan đến việc giáo dục con trẻ đã làm cho các cha mẹ lo lắng và sợ hãi nhất, là cảm thấy mình lỗi thời, không hiểu tâm lý giới trẻ, không hiểu tâm lý của từng lứa tuổi, khó giáo dục về giới tính, không đủ kiến thức để hiểu con cái, khó thuyết phục, bị ảnh hưởng môi trường bên ngoài và về sự tiến bộ truyền thông ngày nay.. v ...v...
Những khó khăn mà khán giả đưa ra hầu hết thuộc về vấn đề dạy dỗ nhưng chưa thấy nói đến khó khăn về việc nuôi con.
Lm. FX. Nguyễn Minh Thiệu, chia sẻ:
Đức Giáo Hoàng Bênêdictô đã nhấn mạnh rằng “Không nên coi nhẹ ảnh hưởng của nền văn hóa duy tương đối, nhiều khi thiếu các giá trị, nó đang xâm nhập cung thánh của gia đình, đột nhập vào lãnh vực giáo dục, và các môi trường khác của xã hội, làm ô nhiễm chúng, lèo lái các lương tâm con người, nhất là người trẻ”. (Sứ Điệp Gửi Bộ Truyền Giáo Của Đức Giáo Hoàng, 16-11-2009).
Đức Giáo Hoàng đã dùng một cách trân trọng và rất là thiêng liêng từ cung thánhcủa gia đình, mà ngài đã xác định và đặt tên cho gia đình, đây chỉ là một khía cạnh mà ngài đưa ra. Trên khắp thế giới cái duy tương đối đang đang làm xáo trộn, làm tục hóa thế giới.
Lời cảnh báo đó nhắc chúng ta, những bậc phụ huynh, những nhà giáo dục thời đại, cần phải cảnh tỉnh và cần có khả năng để nhìn nhận, đánh giá những vấn đề của nền văn hoá đương đại với nhiều quan niệm sống khác nhau đang tác động mạnh mẽ trên đời sống gia đình, nhất là trong việc giáo dục con cái. Nhìn vào trực tiếp những luồng tư tưởng đang ảnh hưởng đến gia đình. Đối diện với những thách đố mới của thời đại, chúng ta cần phải tìm ra những giải pháp thiết thực và hiệu quả nhất trong việc chăm sóc, bảo vệ, giáo dục và thăng tiến cách toàn diện con em của mình.
Ta cần xác định chiều rộng của vấn đề, thăng tiến toàn diện con người không chỉ có việc ăn uống ngủ nghỉ, học hành, bằng cấp mà còn cả niềm tin, tình yêu, hy vọng, lý tưởng sống, lẽ sống, hướng sống, cả việc đánh giá về vấn đề đạo đức trong cuộc sống như thế nào. Đây là điều mà ta cần xác định chiều rộng của nó, lúc đó ta mới phần tích được bối cảnh của nó. Như một bác sĩ cần tìm ra nguyên nhân dẫn đến căn bệnh một cách chuẩn xác, nếu chuẩn đoán sai sẽ đưa thuốc sai, mà đưa thuốc sai, thì bệnh nặng hơn hoặc lờn thuốc hoặc bệnh nhân sẽ chết.
Đây là một vần đề rất lớn không chỉ dành cho chúng ta là bậc làm cha mẹ mà dành cho cả các nhà lãnh đạo Giáo Hội và Xã Hội.
Hãy cứu lấy giới trẻ trước khi quá muộn. Đó là lời hiệu triệu các bậc phụ huynh và các Nhà Giáo Dục phải khiêm nhường để nhìn lại mình trong tư cách và nỗ lực lo cho công việc giáo dục, đồng thời phải can đảm và dấn thân hết mình cho công việc giáo dục với một con tim không phân chia và không mệt mỏi.
I) CÔNG VIỆC GIÁO DỤC TRƯỚC NHỮNG THÁCH ĐỐ MỚI.
a. Đồng tiền và môi trường giáo dục:
Đồng tiền đang chiếm một vị trí rât lớn và quan trọng trong cuộc sống của con người, ngay cả trong văn hóa VN “đồng tên liền khúc ruột, có tiến mua tiên cũng được”.Đồng tiền đã đi vào trong gia đình môi trường lành mạnh là căn bản của cái nôi của sự sống.
Đồng tiền đi vào trong Gia Đình:
Vì khó khăn về tiền bạc làm cho nhiều gia đình hạn chế sinh con vì không có khả năng nuôi. Điều này diễn tả cụ thể việc sinh con không còn là kết quả của tình yêu mà kết cục của đồng tiền nó đã đi vào não trạng của cả hai vợ chồng. Dạy con cũng thế, người nào làm ra tiền quyết định trong gia đình, điều khiển mọi việc trong gia đình. Con cái về thăm cha mẹ chỉ vì xin tiền chứ không phải vấn đề tình cảm. Chọn lựa nghề nghiệp cho con cái, chọn nghề nào “hot”, nghề nào làm ra tiền nhiều.
§ Có nhiều trường hợp con cái vào đại học không được chọn lựa theo ý mình mà phải theo ý của cha mẹ, phải theo ngành nghề mà cha mẹ chọn, ảnh hưởng tâm lý người con đó rất đau khổ vì không còn biết mình là ai?
Đồng tiền là đảo lộn các giá trị khác của đời sống, ông bà, cha mẹ, anh chị em họ hàng đều đứng đàng sau đồng tiền, vì đồng tiên mà chém giết, hành hạ, sỉ vả, trừ khử nhau. Đồng tiền đã ảnh hưởng đến ngay trong môi trường an toàn lành mạnh nhất của người trẻ là gia đình. Các bậc cha mẹ cần phải ý thức đúng giá trị của đồng tiền và giáo dục sử dụng đồng tiền cho chính đáng nơi mọi thành phần của gia đình.
Đồng tiền đi vào trong Nhà Trường:
Tình trạng “trường chạy trường” vào mỗi đầu năm học, giáo dục chạy theo thành tích, bằng thật người giả, trục lợi trong giáo dục, mất phương hướng đào đạo, cải cách liên tục và kéo dài, mỗi lần in sách cho hơn 20 triệu cho học sinh trên toàn quốc thì tốn kém và gây ra nhiều tệ nạn. Đó cũng là nguyên nhân tại sao ngày nay anh chị không để sách lại cho em học như ngày trước. Chính vì cải cách liên tục mà cha mẹ và anh chị không thể dạy toán cho con em được, không biết đánh vần làm sao nữa. Chưa nói đến còn bao nhiêu tệ nạn xảy ra trong trường. Vì đồng tiền mà thầy cô bán cả lương tâm, cả danh dự, chuyện dạy thêm, dạy kèm đã gây nhiều nhức nhối. Chuyện ra trường, chuyện tốt nghiệp muốn đậu cao cũng phải tiền, hay khi xin việc vào bệnh viện hay vào các trường học cũng phải tiền. Chính vì những tiêu cực đó trong giáo dục mà giới trẻ ngày nay đã tiếp nhận, nó đã trở thành một thông lệ đến nỗi người ta không còn cảm thấy e ngại, dè dặt khi đặt vấn đề “thủ tục đầu tiên” trong mọi công việc, thì khi người trẻ đi làm, họ sẽ phải tìm cách lấy lại những gì mà họ đã phải “chi ra” cũng là điều dễ hiểu.
Bởi thế trong dư luận có câu: “ Lương tâm thua lương tháng, lương tháng thua lương lậu”, chính vì đồng tiền mà người ta không xác định đâu là cái quan trọng nhất trong nền giáo dục, đâu là cái giá phải hy sinh, can đảm phải gạt bỏ, của những kẻ ham lợi nhuận không lồ. Đạo đức bị coi nhẹ, kiến thức không thực tiễn, giáo dục không toàn diện, sinh viên không có khả năng làm công việc chuyên môn, hoặc phải đi làm các công việc khác. Do bởi trường giả, thầy giả, bằng cấp giả, rồi học cũng giả luôn. Đó là hậu quả của đồng tiến đã làm thoái hóa, ăn sâu sâu vào trong giáo dục Nhà Trường
Đồng tiền đi vào trong Xã Hội.
Ngày nay người ta xử lý mọi sự bằng tiền, cán chết người cũng giải quyết bằng tiền, trắng thành đen, đen thành trắng, đồng tiền đã trở thành cán cân công lý, báo chí cũng đã đăng tải rất nhiều tình trạng tham nhũng, chuyện rút ruộc công trình, chuyện đinh tặc, và cả vấn đề trồng rau và các loại cây ăn trái. Vì ham lợi nhuận mà ngừơi ta đã sử dụng các loại thuốc kích thích tăng trưởng chỉ sau một đêm có thể đem bán cho người tiêu dùng, như rau cần, rau bí xịt loại thuốc kéo ngọn tăng trưởng rất nhanh, xịt thuốc để giữ tươi xanh, kể cả trái cây sầu riêng, bơ, chuối xịt thuốc cho mau chín, tươi lâu … Dân chúng đang sống và tiêu thụ cả một môi trường thuốc độc. Vì đồng tiền người ta chấp nhận lương tâm mù mờ để đạt được mục đích của mình.
Về xã hội tất cả chỉ vì lợi nhuận, chương trình quảng cáo, khuyến mãi chỉ vì lợi nhuận, chuyện chống game online không thực tiễn chỉ vì lợi nhuận quá lớn. Đống tiền thu từ game online lên đến hằng trăm triệu đôla/ 1 năm.
§ Nước Nhật là nước văn mình sản xuất rất nhiều game online bán cho thế giới, khi họ biết game online ảnh hưởng đến con cái họ ngay lập tức trên toàn quốc cắt bỏ hết không cho kinh doanh game online nữa. Khi họ thấy TV làm ảnh hưởng đến trẻ thơ khi vừa bập bẹ nói đã biết đọc câu quảng cáo trước khi nói tiếng “Mẹ ơi”, họ đã đẩy TV ra khỏi nhà ngay không chần chờ, không lý luận, họ phải can đảm và mạnh mẽ để cứu con người hơn đồ vật.
b) Thách đố trong Văn Hóa Truyền Thông và Đời Sống Gia Đình
Quảng cáo đã tạo nhu cầu giả tạo cho người tiêu dùng, như quảng cáo “sữa” chẳng hạn, cha mẹ sợ con mình thế nọ, thế kia, sợ con mình không thông minh, không phát triển …Bệnh shopping tạo một nhu cầu giả tạo cho khách hàng, đi xem giảm giá… tạo cảm giác rẻ, đánh lừa khách hàng ghiền mua sắm, đánh lừa làm xáo trộn các giá trị. Phim ảnh bạo lực, khiêu dâm, hưởng thụ, thực tại ảo, đánh lừa cảm xúc hay giác quan khán giả…dàn dựng một chiều… tạo cảm giác ảo cho giới trẻ một lối sống giả tạo. TV là một ông thầy đen (đa văn hoá, không phân biệt lứa tuổi, một chiều), là vị khách không mời mà đến (có mặt ở mọi nơi, mọi lúc trong nhà)… dạy cho giới trẻ lối sống hưởng thụ. Điện thoại di động đang thành nhu cầu (lệ thuộc mới), tách người trẻ khỏi mối tương quan với các thành viên trong gia đình, có nhiều nguy cơ bị lừa đảo, tốn tiền, mất giờ và khó kiểm soát hơn. Phá hoại gia đình, làm nhiều gia đình tan nát tạo ra những thông tin giả tạo, giải quyết mọi việc qua điện thoại, vợ chồng, cha mẹ con cái không cần phải gặp nhau. Điện thoại phá vỡ mọi tương quan trong gia đình, vì người ta dùng điện thoại để giải quyết tất cả mọi chuyện.
Game online một thế giới mới, một không gian vô định, làm thay đổi lối suy nghĩ và biến đổi nhân cách con người… học sinh, sinh viên không thể tập trung học hành, vì thấy mình thoải mái, tự do và là mình hơn qua các nhân vật ảo trong game. Từ thế giới ảo này, người chơi tự tạo cho mình một nhân cách mới, một không gian riêng, một tương quan với nhân vật mình tạo nên, từ đó, game thủ không còn muốn hay thấy hứng thú khi tương quan với những con người thật, ngay cả những người thân trong gia đình. Nhất là các chuẩn mực đạo đức của những con nghiện game này sẽ mất hoặc lệch lạc, khó có thể chữa lành.
Hơn 10 triệu người VN hiện nay sử dụng Internet để chat và chơi game online. Tình trạng nghiện game online nơi giới trẻ khiến các gia đình đang khủng hoảng, xã hội đang đau đầu, mà chưa có giải pháp cho vấn đề này cách thiết thực và hiệu quả.
c) Hiện tượng “Cậu Ấm – Cô Chiêu”
Một số vần đề được đưa ra:
§ Cấu trúc gia đình từ 1 đến 2 con có thực là hoàn hảo không?
§ Từ đó vấn đề của tiền bạc có giải quyết được vấn đề giáo dục con người hay không?
§ Ngày nay theo đúng tiêu chuẩn từ 1-2 con thì thực sự có dễ dạy không?
§ Phương tiện đầy đủ, tiền bạc không thiếu nhưng nuôi con có dễ hơn xưa không?
§ Mối tương quan trong gia đình có gần gũi, bền chặt và nồng ấm hơn xưa không?
§ Sự hy sinh vất vả của cha mẹ có được con cái nhận ra dễ dàng không?
Hiện tượng con một, con nhà giàu, vì ít con nên con cái được nuông chiều, quen thói đời hỏi kẻ khác, tự quy về mình, lối sống ích kỷ, đòi hỏi, sống không có trách nhiệm với mình và người khác. Khi con cái được nuông chiều quá mức. Từ đó nhiều trẻ không có khả năng tự lo cho mình. Trường hợp cha mẹ chỉ lo kiếm tiền thiếu quan tâm, con cái được tự do không có người quan tâm giáo dục, trẻ dễ tiêm nhiễm nhiều thói hư tật xấu, mà báo chí cũng đã nói rất nhiều đến những tiêu cực của hiện tượng “cậu ấm, cô chiêu” này.
Gia đình và xã hội giàu có, giới trẻ cô đơn nhiều, bị áp lực nhiều mặt, thiếu khả năng tự quản, tự rèn luyện, tự chế,…
Cuộc điều tra về giới trẻ tuổi từ 14 đến 25 tại 63 tỉnh thành cho thấy, giới trẻ ngày nay có điều kiện sống tốt hơn nhiều độ tuổi cách đây 5 năm, song mức độ buồn chán cũng tăng lên đáng kể. (Vietnamnet, Thứ Tư, 09/06/2010)
Khảo sát riêng về "sự buồn chán và dồn nén"trong giới trẻ. Trạng thái này được đánh giá qua sự trải nghiệm bản thân như buồn chán, thấy vô giá trị, thất vọng, muốn tự tử.
Giới nữ (77,9%) và thanh thiếu niên thành thị (78,9%) có tỷ lệ buồn chán nhiều hơn, các đối tượng ngược lại (phe tóc ngắn là 68,4% và giới trẻ nông thôn 71%).
Kết quả cũng cho thấy, 73,1% từng có cảm giác buồn chán; 27,6% từng "rất buồn", thấy mình vô tích sự đến nỗi không muốn hoạt động như bình thường. Có tới 21,3% từng thất vọng hoàn toàn về tương lai và 4,1% nảy sinh ý nghĩ tự tử.
PGS.TS Vũ Mạnh Lợi cho hay, so với 5 năm trước đó, tỷ lệ thanh thiếu niên trải qua cảm giác buồn chán đã tăng lên, từ 32% đến 73%.
“Cậu ấm, cô chiêu” đi thi
Khác với nhiều bạn bè cùng lớp phải tất tả tay xách nách mang đồ đạc lên Hà Nội cách ngày thi cả tuần để tìm nhà và tìm đường đến địa điểm thi. Thương (tên cô gái) thảnh thơi ngồi trên chiếc Audi - Q7 sáng loáng với một tài xế kiêm vệ sĩ riêng. Ngoài ra, còn có một người giúp việc chuyên lo chuyện ăn uống, cơm nước cho "tiểu thư". Thương lên Hà Nội trước ngày thi 2 ngày để thăm thú Thủ đô đồng thời mua sắm quần áo khỏi phải mang quần áo ở nhà cho... vất vả. Chỗ ở của "cô chiêu” này đã được bố mẹ đặt trước một phòng tại khách sạn 5 Sao có tiếng ở Hà Thành.
Hiện tượng có nhiều phụ huynh cuối năm đưa tiền cho cô giáo để thưởng cho con mình cho nó khỏi xấu hổ, dù con mình học không tốt.
Vậy khi những “cậu ấm, cô chiêu” đến tuổi lập gia đình thì thế nào?
d) Hiện tượng nói dối cha mẹ.
Những thông tin trên được công bố tại Hội thảo “Giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên ở nước ta hiện nay - Thực trạng và Giải pháp” do Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam được tổ chức tại Đồng Nai(8/2008), cho thấy những tệ nạn trong học sinh-sinh viên: tỷ lệ quay cóp, có tới 8% học sinh tiểu học đã biết... quay cóp. Con số này lên đến bậc THCS đã nhảy vọt thành 55%, THPT là 60% và đến bậc ĐH, CĐ đã thành 69%.
Cũng ở bậc Tiểu học, đã có tới 22% “sinh viên đại học chữ to” biết... nói dối cha mẹ, còn ở bậc THCS và THPT thì có tới 50% và 64% học sinh “lừa cha dối mẹ”. Và ở bậc ĐH, CĐ có đến hơn 80% sinh viên sẵn sàng nói dối để qua mặt phụ huynh.
Trong xã hội đang lan tràn tư tưởng “nói dối mới sống được chứ”. Nguy hiểm của thói nói dối là mất ý thức về “tội” nói dối. Và nói dối trong mọi vấn đề của cuộc sống. Người lớn đôi lúc đã vô tình dạy trẻ nói dối hay nói dối trước mặt trẻ. Nên biết rằng một đứa trẻ không thật thà thì không thể giáo dục nên tốt được.
e) Những khoảng cách mới.
Khoảng cách tâm lý theo lứa tuổi: sự khác biệt về tâm lý lứa tuổi, ông bà và cha mẹ có khoảng cách về tuổi tác xa hơn trước, nhận thức của con người thế hệ hiện đại khá khác biệt với thế hệ trước.
Khoảng cách về kiến thức văn hóa và kiến thức sư phạm
§ Cha mẹ, anh chị không thể dạy cho con em vì những cuộc cải cách giáo dục: cách làm toán, cách đánh vần, ngoại ngữ,…
§ Thời gian và phương pháp sư phạm không có…
Khoảng cách về văn hoá truyền thông: internet, ĐTDĐ
§ Một hiện tượng loại trừ mới xảy ra giữa người lớn và thế hệ trẻ trong văn hóa kỹ thuật số.
§ Người lớn không biết hay không theo kịp với những đổi thay của các dụng cụ truyền thông mới…
§ Khả năng sử dụng không có nên nhận thức hay đánh giá về nội dung thông tin cũng khó thấu đạt…
f) Hiện tượng Tôn Giáo bị coi nhẹ hay loại trừ ra khỏi giáo dục
Hiện tượng không sống đạo, sợ liên lụy về đạo, bỏ đạo không dám làm chứng cho đạo, coi nhẹ hay loại trừ tôn giáo. Không chỉ xã hội đã và đang loại bỏ tôn giáo ra khỏi nhà trường và coi nhẹ, mà cả môi trường gia đình, tôn giáo đang bị xếp vào hàng cổ hay bậc thang thấp, đứng sau chỗ thăng tiến vị trí trong xã hội của cha mẹ. Cụ thể, việc học văn hóa luôn là ưu tiên số một. Khi nào rảnh thì mới đến nhà thờ. Các gia đình đầu tư thời gian, tài chính cho việc học hành của con em hơn là thời gian dành cho vấn đề đạo đức.
Trong bối cảnh xã hội như vậy, các gia đình công giáo cũng đang bị ảnh hưởng với lối sống tục hóa cách mạnh mẽ, coi hẹ, hạ thấp đức tin, thì cũng coi nhẹ các giá trị thiêng liêng khác, chẳng hạn như khế ước hôn nhân chỉ là một giao kèo, ký hợp đồng không hơn không kém, nên chuyện ngoại tình trở nên phổ biến ngoài xã hội, nếu có tội thì đi xưng tội là xong, coi tòa giải tội như là một nơi xả Stress. Các giá trị tâm linh bị hạ thấp.
§ Có một người vợ gặp tình trạng căng thẳng, chồng ngoại tình, trước sóng gió gia đình bối rối khủng hoảng tâm lý lẫn tâm linh, Hồi nhỏ còn biết đọc kinh nhưng từ khi lập gia đình, thành công ngoài xã hội, không còn đọc kinh nữa, giờ đây gia đình gặp sóng gió không biết cách tổ chức cho các con đọc kinh trong gia đình để hầu mong nhờ lời kinh đánh thức, lôi kéo người chồng về với gia đình.
§ Có một nữ tu rất giỏi làm hiệu trưởng 10 năm, nhưng một ngày kia trong xứ số tân tòng rất đông, cộng đoàn cần Sr dạy dùm một lớp giáo lý nhưng không dạy được, vì Sr đã quên rồi, về chuyên môn thì giỏi nhưng quên lãng những cái đụng đến bản chất của người tu sĩ, cứ tưởng làm việc trong giáo dục thì lý tưởng ơn gọi của mình vẫn còn đó, nhưng nếu mình không biết ý thức và thánh hóa công việc đó thì ta chỉ đang làm công tác xã hội đơn thuần mà thôi.
§ Có những người làm việc trong Hội Đồng Giáo Xứ công việc xem ra đạo đức, nhưng thực chất tính cách chỉ là công tác xã hội, vì chỉ lo tìm cho mình một chỗ đứng, thái độ và đời sống nội tâm của mình không thăng tiến, chỉ tranh giành vị trí, đến một lúc nào đó bị hụt hẫng, lúc đó mới toát ra, không cứu lấy bản thân và gia đình cũng sụp đổ, vì đức tin không thăng tiến, sống đạo không chân thật.
§ Nội dung giáo lý không được tiếp nhận chân thành, không có lòng yêu mến mà đi học giáo lý. Trẻ em chỉ học giáo lý để được Rước Lễ lần đầu và Thêm sức. Việc học giáo lý hay tham dự các buổi đạo đức, phụng vụ với thái độ đối phó hay giải toả tâm lý mà thôi.
§ Thái độ duy vật len vào trong đời sống đạo, rất thực dụng, ngay cả việc cầu nguyện chỉ toàn là XIN , xin trúng số, xin xây nhà, xin sắm xe …..tất cả đều xin toàn về vật chất. Thiên Chúa là một nhân vật do họ nghĩ ra, Thiên Chúa phải như thế này thế kia mới là Thiên Chúa …..
Chính vì nội dung giáo lý không được tiếp nhận cách chân thành. Lời Chúa không được đón nhận cách xác tín. Hậu quả là đức tin mỗi ngày một suy yếu.
Một triết gia Trung Quốc đã từng nói:
§ “Một đất nước mà không có tôn giáo là một đất nước đáng buồn; một con người mà không có tôn giáo là một con người đáng sợ”.
Bởi vì không có việc gì mà họ không dám làm, làm tất cả mọi sự trên đời này chỉ để đạt mục đích, sống chỉ để hưởng thụ vì thế chà đạp lên những giá trị thiêng liêng của đời sống con người.
Từ đây, ta sẽ thấy những cuộc khủng hoảng các giá trị trong đời sống xã hội và gia đình mà không có lối thoát. Con cái bất hiếu, vợ chồng ly dị, cha mẹ, anh chị em chém giết nhau …. Những cuộc đời trượt dốc mà không có điểm dừng, những chao đảo trong cuộc sống mà không có điểm tựa.
ĐHY đã nói: “còn đức tin là còn tất cả mất đức tin là mất hết tất cả”
g) Hiện tượng bạo lực học đường gia tăng.
Hậu quả bạo lực học đường gia tăng không kềm chế được ngày xưa trường học là nơi an toàn sau gia đình cho con em của mình, nhưng ngày nay nhà trường không còn là nơi an toàn nữa.
Vài hiện tượng mới xảy ra trong xã hội:
Hội thảo chuyên đề Phòng chống bạo lực trong học đường do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức vào chiều 9/4/2010: Nhiều đại biểu tham dự Hội thảo này là các GV, trợ lí thanh niên của các trường THCS, THPT trong TP cũng đồng tình rằng, việc dạy chữ nặng hơn dạy người, môi trường sư phạm chưa đảm bảo, GV chưa gương mẫu, thiếu nghiêm túc và công bằng.... đang ngày càng ảnh hưởng xấu đến tính cách và tâm hồn thanh thiếu niên, những người chủ tương lai của đất nước.
Về các giải pháp phòng chống bạo lực trong HS, người đứng đầu ngành GD-ĐT TP.HCM kiến nghị: Cần tuyệt đối nghiêm cấm các loại trò chơi có tính bạo lực xuất hiện ra ngoài XH, xây dựng cơ chế phối hợp hoạt động chặt chẽ giữa 3 môi trường GD là nhà trường – gia đình – xã hội, tăng cường và phát huy hơn nữa vai trò của các tổ chức đoàn thể để đẩy mạnh, cổ vũ và tuyên truyền lối sống đẹp của thanh niên, kiên quyết lên án các hành vi bạo lực trong môi trường học đường…
Về các giải pháp phòng chống bạo lực trong HS, người đứng đầu ngành GD-ĐT TP.HCM kiến nghị: Cần tuyệt đối nghiêm cấm các loại trò chơi có tính bạo lực xuất hiện ra ngoài XH, xây dựng cơ chế phối hợp hoạt động chặt chẽ giữa 3 môi trường GD là nhà trường – gia đình – xã hội, tăng cường và phát huy hơn nữa vai trò của các tổ chức đoàn thể để đẩy mạnh, cổ vũ và tuyên truyền lối sống đẹp của thanh niên, kiên quyết lên án các hành vi bạo lực trong môi trường học đường…
Chị Quỳnh Nga đã khẳng định trong hội nghị:
§ “Một gia đình hạnh phúc, một XH thịnh vượng là một gia đình, một XH mà ở đó giá trị con người cần phải đặt lên hàng cao nhất…”
h) Mái ấm gia đình đang có nhiều rạn nứt và đổ vỡ: Tình trạng Ly dị, ngoại tình, bạo lực, bất hiếu ngày càng gia tăng.
Những câu chuyện bất hiếu mới xảy ra như:
§ Chấn động vụ con trai đổ nước sôi lên mẹ già 83 tuổi (tại Quảng Trạch, Quảng Bình, Theo báo Pháp Luật Việt Nam, 16/09/2010)
§ Mẹ liệt sỹ 96 tuổi bị con trai hành hạ dã man, (tại Dòng Yến Vỹ (Mỹ Đức – Hà Nội), theo Tuổi Trẻ Thủ Đô, 04/09/2010)
Bạo lực gia đình:
§ Một người mẹ cầm tờ báo đọc về bản án tử hình tòa tuyên cho Phan Minh Mẫn giết cha, khóc nói: “Không ở trong cảnh bị hành hạ tra tấn bởi một người say, người ta không thể hiểu đó là địa ngục”. Một đêm không ngủ, chị viết thư gửi cho báo, xin cho em Mẫn đừng chết. Chị khóc trên trang giấy. Nước mắt của một gia đình (đúng hơn là của chị và những đứa con) rơi suốt 20 năm, có lẽ phải nhiều bằng cả một dòng sông nặng nhọc gom lại... (Tuổi Trẻ 23-7-2010)
§ Bé 9 tháng tuổi bị mẹ đánh dã man, (Đồng Tháp, Tuổi Trẻ 19/09/2010)
§ Chém chết chồng bằng búa bổ củi (Cần Thơ, Tiền Phong 21/09/2010)
Đâu là nguyên nhân của những tình trạng này?
i) Hiện tượng thiếu sân chơi lành mạnh.
Trẻ em thiếu sân chơi lành mạnh, thậm chí không còn giờ chơi, vì học hành quá tải, mùa hè không thể nào nghỉ ngơi, vui chơi các hoạt động tuổi thơ. Sân chơi không có thì trẻ chỉ xem TV hoặc vào game online mà chơi. TV, máy computer là bạn đồng hành của giới trẻ, nhưng TV và computer lại là con dao hai lưỡi.
Không có sân chơi thì:
§ Khi rảnh rỗi, người trẻ xem ti vi nhiều nhất: Theo khảo sát 13 hoạt động giải trí của giới trẻ lúc rảnh rổi, tỷ lệ xem ti vi chiếm nhiều nhất: Xem ti vi (96,8%), nghe nhạc (90,8%), đi chơi với bạn bè/người yêu (85,4%), đọc sách (77,1%), chơi thể thao (60,9%), sử dụng Internet (45%), tham gia các hoạt động xã hội (44%), chơi game (38,2%), uống rượu bia (27,5%), đi xem phim, văn nghệ (25,5%), đến các trung tâm giải trí (21,8%), tham gia các câu lạc bộ thể thao (20,3%), đánh bạc (3,3%).(Vietnamnet, Thứ Tư, 09/06/2010)
§ Khu vui chơi hoá đất xây nhà: Từ năm 2000, Thủ tướng đã giao Bộ VH-TT&DL “trủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan và UBND các cấp xây dựng quy hoạch tổng thể và chính sách hỗ trợ, phát triển các cơ sở văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ em để trình Thủ tướng Chính phủ”. Tuy nhiên, cho đến tháng 8- 2010, bộ này vẫn chưa thực hiện. Tại phiên điều trần, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã nhận “khuyết điểm”. Nguyên nhân do bộ có quá nhiều việc mà “làm cái này thì quên cái khác”. Và ông chia sẻ: hồi ông làm chủ tịch tỉnh “chưa thấy ai nói về việc xây dựng khu vui chơi, giải trí cho trẻ em”. (Theo báo Tiền Phong 23/09/2010, Điều trần về sân chơi cho trẻ em: Khu vui chơi hóa đất xây nhà)
Sân chơi không có, giới trẻ vào quán cà phê, nơi có nhiều thứ mời mọc, đời sống xã hội thu hẹp vào các dịch vụ ăn chơi.
II. PHÂN TÍCH VẤN ĐỀ DƯỚI CÁI NHÌN GIÁO DỤC CON NGƯỜI TOÀN DIỆN
a) Chúng ta đang sống trong một xã hội vô thần và duy vật: Các giá trị Tin Mừng bị gạt bỏ hoặc xem thường. Muốn sống đức tin chúng ta tự lo lấy, gia đình giúp nhau sống đức tin, nhức nhối nhất là giáo dục giới tính cho giới trẻ, vì theo thuyết duy vật con người chỉ là một cơ thể của một loài vật nào đó. Đánh giá giới tính dựa trên cơ thể con người, dựa trên tâm lý tình cảm.
§ Tình trạng các học sinh cá biệt làm nhức nhối nhiều gia đình nhà trường và xã hội. Có những gia đình cha mẹ đều là giáo viên, bác sĩ, ông nọ bà kia trong xã hội như cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc giáo dục con cái, con cái hư đốn mà vô phương hoán cải.
Con người cần có một lý tưởng và một niềm tin, đối với người có đức tin thì còn có những giây phút cầu nguyện với Đấng Tối Cao để kín múc sức mạnh thiêng liêng để chịu đựng và cứu giúp con cái hoặc giới trẻ, vì con người là một tuyệt tác của TC, là một mầu nhiệm và mỗi cá nhân lại khác nhau.
b) Chủ thuyết tương đối và trào lưu tục hóa đang lan rộng và len lỏi vào các giađình. Tương đối hóa mọi sự, cào bằng mọi sự không thấy cái gì là quan trọng nhất trong đời sống để bảo vệ.
§ Có một người mẹ, chồng bị liệt, sống ly thân có 2 người con trai, xây nhà lầu, mua vi tính cho con, khi con ghiền game online, không cần gặp mẹ, chỉ gặp mẹ khi cần tiền. Bà đau khổ tìm giải pháp cứu con mình thoát khỏi bệnh ghiền game online này?
Đây là một thử thách cho các bậc cha mẹ. Ta có can đảm dám bỏ mọi sự để đồng hành với con để cứu con cái mình không? Ta có dám đánh đổi mọi sự để cứu con cái mình không?
c) “Giáo dục là công việc của con tim” (Don Bosco).
Ta phải xác định giáo dục là công việc của con tim chứ không phải của sư phạm, sách vở không là cách thế giải quyết cho tất cả mọi sự, vấn đề là chúng ta phải sống thế nào mới là vấn đề đích thực, giáo dục phải dựa trên nền tảng là con tim, con tim sẽ dạy ta biết làm gì.
d) “Yêu con chưa đủ nhưng phải làm sao cho chúng thấy rằng chúng được yêu” (Don Bosco).
Vì cha mẹ chưa biết cách yêu, nên con cái trở thành cậu ấm cô chiêu, vì cách cưng chiều vì cha mẹ đã cho con cái những điều sai trái, mà hậu quả của nó cha mẹ là người phải gánh chịu trước tiên.
§ Có một người con đã về đòi bán căn nhà cha mẹ đang ở, cha mẹ hỏi tại sao con bán căn nhà này thì cha mẹ ở đâu, đứa con đã trả lời: “tại sao ông bà sinh ra tôi”, thật là một nỗi đau nhức nhối.
Không phải tự nhiên mà dẫn đến tình trạng này, mà nó có cả tiến trình dài, phương pháp giáo dục sai lầm. Đời sống bận rộn quá nhiều mà người trẻ ngày nay không được chuẩn bị để làm cha làm mẹ trong thời đại mới, con người ngày nay phải lo kiếm sống, lo nhiều chuyện quá không có thời gian lo cho kiến thức để xây dựng cho bản thân, cho gia đình.
e) Giáo dục không thể thiếu tôn giáo: Xã hội liên tục đổi thay nên giáo dục và con người cần phải thăng tiến không ngừng với cái nhìn toàn diện cả về đời sống vật chất đến đời sống tinh thần, đời sống tri thức đến đời sống tâm linh.
III. HỆ THỐNG GIÁO DỤC DỰ PHÒNG CỦA DON BOSCO: GIÁO DỤC CON NGƯỜI TOÀN DIỆN
1. So sánh phương pháp cưỡng bách và phương pháp dự phòng
a) Phương pháp cưỡng bách
- Nhấn mạnh đến luật lệ
- Kỷ luật áp dụng hình thức cưỡng bức, ép buộc, dùng roi vọt
- Sự hiện diện của nhà giáo dục là đứng kiểm soát, nghiêm nghị, đòi hỏi hiệu quả ngay
b) Phương pháp dự phòng
- Nhấn mạnh đến tình thương, đón nhận, tha thứ, kiên nhẫn, hy sinh, tận hiến làm cho người được giáo dục thấy chúng được yêu thương bằng chính cuộc sống của người giáo dục, hoặc cha mẹ. Ngày nay, cơ hội cha mẹ biểu lộ tình yêu của mình cho con cái quá ít.
- Kỷ luật đòi hỏi sự tự giác, tự nguyện của người được giáo dục.
- Sự hiện diện của nhà giáo dục thì thân tình và đòi hỏi hiện diện liên tục, kiên nhẫn và cần nhiều thời gian giải thích để tự ý thức.
2. Nền tảng của phương pháp dự phòng
a) Tình yêu có lý trí hướng dân không biên giới: Bắt nguồn từ con tim Mục Tử Đức Giêsu: “Ta biết các chiên ta, các chiên ta biết ta, ta tự hiến mình vì đoàn chiên” Người mục tử luôn sống bằng con tim và tình yêu. 100 con chiên mất 1 con người mục tử đều biết.
Theo Đức Ái Kitô giáo: “Tình thương thì tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13,7). Cha mẹ dám bỏ tất cả để đồng hành với con cái không? Không có phương thức nào bằng cách ở gần bên con của mình, cùng chia sẻ và đồng hành với con.
“Yêu chưa đủ mà còn làm sao cho chúng thấy rằng, chúng được yêu.” (Don Bosco)
“Yêu đi rồi bạn sẽ biết phải làm gì.” (St.Augustino). Tình yêu sẽ phát sinh sáng kiến, chẳng học sư phạm mà biết bao nhiêu cha mẹ dạy con nên người, qua cách sống của cha mẹ đã để lại cho con những bài học không thể nào xóa nhòa trong cuộc cuộc đời, hầu như nó là hành trang cho con biết ứng xử, biết sống yêu thương, con biết xây dựng một gia đình mới.
Đừng nghĩ các khoa sư phạm, các khoa tâm lý ngày nay là giải pháp hay để giải quyết mọi vấn đề của cuộc sống hôn nhân. Ngày xưa thời Chúa Giêsu có ai hiểu gì về tâm lý đâu mà Chúa đã đem lại niềm vui và hạnh phúc cho người khác. Mẹ Teresa Calcutta có học gì đâu mà lời của Mẹ đã trở thành những lời vàng ngọc mà các trường đại học mời đến thuyết trình.
Nhà Giáo Dục thiết lập mối quan hệ dựa trên tình thương. Nhờ yêu thương mà nhà GD hy sinh cách trọn vẹn và trung thành. Không ngẫu hứng, không nhất thời không tùy hoàn cảnh. Yêu thương khiến cho nhà GD trở nên người bạn và người thầy của người trẻ.“Có thân thiện thì mới có tin tưởng, có tin tưởng thì mới có giáo dục.” (Don Bosco).
Cha mẹ có gần gũi thì con cái mới tin tưởng và chia sẻ những tâm tư vui buồn của con cái. Con cái có chia sẻ thì ta mới giáo dục được con cái.
b) Sống Lý trí là lắng nghe và đối thoại: là biểu lộ sự tôn trọng sự tự do của người trẻ, để người trẻ cởi mở, triển nở, tự tìm lấy con đường của mình cách trưởng thành. Chứ cha mẹ không làm thay hay chèn ép con cái, làm sai không biết xin lỗi mà dùng quyền áp đặt là mình đúng, con cái cảm thấy bị xúc phạm và bất mãn. Bất công đã xảy ra ngay từ trong gia đình.
Nhiều gia đình giáo dục kiểu phong kiến, áp đặt, làm cho con cái mặc cảm, đóng kín, con cái không học được bài học sự khiêm nhường, bài học giới hạn của con người dựa trên người cha. Như thế là làm hại con, không chuẩn bị cho con bài học nền tảng sự giới hạn của con người. Giáo dục là cùng đồng hành, bước đi cùng con, chứ không thay thế con. Giúp con biết đảm nhận trách nhiệm của mình.
§ Một gia đình kỷ niệm 10 năm ngày cưới, chiếu lại hình ảnh ban đầu mang thai đứa thứ nhất, ông bà đến thăm từ bệnh viện, tắm cho con, khi đứa anh chập chững bước đi biết cầm cái tã của em bỏ vào sọt rác, một hình ảnh thật đẹp, rất là ý nghĩa trong tình yêu mến của anh em và lòng hiếu thảo đối với cha mẹ. Khi xem lại con cái không thể nào bỏ gia đình được, vì họ không thể tìm được tình yêu nào như thế ở ngoài xã hội.
Khoa giáo dục này đặt nền tảng trên sự tự do được soi sáng và hướng dẫn con. Nên hành động lắng nghe và đối thoại phải thân tình và liên tục để giúp người trẻ nhận thức đúng đắn về sự thật và sự thiện mà chọn lựa và bước tới, giúp con phân tích và nhận thức chịu trách nhiệm về công việc.
c) Yếu tố Tôn giáo: là thánh hoá và biến đổi con người nhờ bởi niềm tin mà người trẻ hướng tới điểm cao hơn cuộc sống trần thế này, khi người trẻ biết rằng mai kia tôi sẽ chết sẽ phải gặp Chúa và chịu phán xét. Phương pháp của Don Bosco mỗi tháng dọn mình chuẩn bị tâm hồn chết lành, giúp người trẻ hiểu biết về Bốn Sự Sau.
Phải nhìn người trẻ trong cả con người toàn diện: thể lý - tinh thần - vật chất - thiêng liêng trong bối cảnh lịch sử của cá nhân, gia đình và xã hội. Phải dùng các bí tích để hoán cải tâm hồn con cái dù khi cha mẹ bất lực, giới hạn trước nhiều vấn đề của con người, ân sủng của các bí tích sẽ giúp biến đổi con cái và thêm sức mạnh cho cha mẹ.
Phẩm giá con người chỉ có thể được đánh giá đúng mức và tròn đầy khi đối chiếu dưới ánh sáng Tin Mừng, hướng về những giá trị vĩnh cửu, từ đó phẩm giá con người mới được tôn trọng đúng mức và việc giáo dục con cái mới trở thành công việc thiêng liêng.
Niềm tin vào sự sống vĩnh cửu sẽ là động lực thúc đẩy con người vượt thắng những ngăn trở của các giá trị trần thế, vượt lên trên đồng tiền, vượt lên những đam mê và yếu đuối của con người.
Các Bí Tích, nhất là Bí Tích Thánh Thể và Hoà Giải là nguồn ân sủng để Chúa nâng đỡ giúp thánh hoá, biến đổi không chỉ người được giáo dục mà cả Nhà giáo dục.
3. Áp dụng phương pháp dự phòng
a. Tạo môi trường tốt: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”
Môi trường tốt đó là môi trường an toàn, luôn có sự hiện diện thân tình của Nhà Giáo Dục và đề phòng những nguy cơ khiến các trẻ phạm tội. Lý do mà trẻ ghiền game onlie hoặc phạm tội là không có sự hiện diện của cha mẹ hay Nhà Giáo Dục.
Môi trường đó là: sân chơi, chỗ ở, chỗ học, bạn bè,…chuẩn bị cho con cái môi trường vui chơi, quan hệ trong sáng, lành mạnh. Thí dụ: cha mẹ dặn dò các con khi tiếp khách phải mở cửa phòng, tiếp khách có giờ giấc. Khi con cái chơi game đặt máy tính nơi nhiều người qua lại, quay màn hình ra ngoài, phải biết con cái chơi với ai, chơi ở đâu…
Như vậy, đòi hỏi Nhà Giáo Dục hay cha mẹ phải đầu tư thời gian, tâm trí và vật chất cho việc tạo lập “môi trường an toàn và thân thiện” này. Làm cha làm mẹ phải biết “sốt ruột” khi vắng bóng con cái, sốt ruột là biểu lộ trách nhiệm của mình trên con cái, đó là biểu lộ sự trưởng thành trong tình yêu, trong đời sống gia đình.
Tạo một môi trường tốt cho con cái và người trẻ là thành công được một nửa.
b. Sự hiện diện của nhà giáo dục như một người cha, người mẹ, người thầy, người bạn.
Hiện diện là thường xuyên ở với con cái, vui tươi, sinh động và thân tình không để cho trẻ ở một mình. Cha mẹ ra khỏi nhà sau cùng và về nhà trước khi con về. Cha mẹ hiện diện trong các cuộc vui và sự kiện đặc biệt của con mình, con chiến thắng biết chúc mừng, con thất bại biết an ủi. Tạo điều kiện thuận lợi để con cái tiếp đón bạn bè trong gia đình. Hiện diện thường xuyên của cha mẹ làm giảm bớt sai lỗi của con cái.
Tạo bầu khí gia đình và tín nhiệm con cái. Không biểu lộ thái độ điều tra hay rình rập thay vào đó là thái độ lắng nghe, ân cần và nhân hậu, tránh lên án chỉ trích con cái, chỉ bảo cặn kẽ và hướng dẫn cách kiên nhẫn (vì trẻ mau quên). Không đòi hỏi hay vặn hỏi con cái quá mức cần thiết hay quá khả năng của con mình, biết gợi chuyện với trẻ về những sở thích của trẻ, quan tâm đến những điều mà trẻ đang cần, đang thiếu. “Hãy thích những gì trẻ thích rồi trẻ sẽ thích những gì mình muốn” (Don Bosco). Không chỉ nghe trẻ nói mà còn chia sẻ với trẻ những ưu tư, lo lắng và những vấn đề của đời sống gia đình (tuỳ theo lứa tuổi của chúng). Tập cho trẻ biết suy nghĩ và đảm nhận trách nhiệm, phải kiên nhẫn trước những câu hỏi của trẻ và nhẫn nại trả lời. Gương sáng của cha mẹ là những bài học giá trị và tạo thêm uy lực cho cha mẹ trong việc dạy dỗ con cái.
c. Đôi lời về hình phạt.
Con em được dạy bảo trước về kỷ luật thì sẽ không mất tinh thần, khi có những sai phạm và khi cha mẹ biết được lỗi của mình các em sẽ không buồn bực vì lời nhận xét, hoặc vì bị đe dọa một hình phạt, hoặc bị sửa phạt. Bởi vì sửa phạt luôn bao gồm một sự cảnh cáo thân tình và cảnh cáo đề phòng trước, để các em suy nghĩ, và như vậy thường chiếm được trái tim của các em. Vấn đề là làm cho trẻ hiểu chứ không phải làm cho trẻ sợ, sợ không phải là giải pháp tốt trong giáo dục, hình phạt giúp cho trẻ hiểu và sửa mới là giáo dục, cần giải thích để trẻ hiểu và tin tưởng. Khi các em đã hiểu được sự cần thiết của việc sửa phạt và chính các em sẽ xin được sửa phạt.
Mục đích của kỷ luật là hợp tác chứ không ép buộc. Hợp tác có nghĩa là con cái sẽ làm theo một khi nó đã hiểu chuyện đó là đúng và tự nó cảm thấy nên làm. Kỷ luật không nên mang lại cảm giác nặng nề cho cả con cái lẫn cha mẹ.
Không nên sửa phạt con khi mình nóng giận, vì “giận mất khôn”. Đàng khác, sự nóng giận khi sửa phạt dễ là cái cớ để trẻ chối từ lời dạy bảo.
Sống giữa trẻ, Nhà giáo dục phải tìm cách làm cho chúng yêu mến mình. Khi đó, tỏ mặt không vui đối với một em, sẽ là một hình phạt rồi. Và đó là một hình phạt khuyến khích sự đua tranh, khích lệ, chớ không làm cho các em ra người hèn. Những lời khen khi các em đạt được kết quả tốt, những lời quở trách khi các em biếng nhác, đó đã là thưởng và phạt.
Trừ những ngoại lệ rất ít có, không bao giờ nên phạt hoặc sửa dạy nơi công chúng, nhưng phải làm ở nơi riêng, xa các em khác. Chúng ta cũng phải hết sức khôn ngoan và kiên nhẫn chờ cho lý trí và đức tin của các em soi sáng, hầu nhận ra lầm lỗi của mình.
Chúng ta không nên mất niềm hy vọng nơi trẻ, khi nhìn trẻ không nên nhìn vào khuyết điểm, tội lỗi, giới hạn của trẻ mà hãy nhìn vào những tích cực, những điều tốt nơi trẻ để nối mối tương quan với trẻ và từ đó khích lệ trẻ vươn lên, và ta cũng có niềm hy vọng nơi trẻ, tất cả được phát xuất từ niềm tin và tình yêu chân chính từ người Mục Tử là Chúa Giêsu mà ta phải học và kín múc lấy và cũng là nơi mà ta đón nhận sức mạnh làm điểm tựa cho đời sống của bậc làm cha mẹ và các Nhà Giáo Dục.
Con người là một mầu nhiệm, là tuyệt tác mà Thiên Chúa sáng tạo, Ngài đã chia sẻ công trình sáng tạo đó cho con người, con cái chính là hồng ân, là quà tặng tuyệt vời của TC ban tặng cho bậc làm cha mẹ. Giáo dục con cái nên người hữu ích cho gia đình, xã hội và Giáo Hội là trọng trách và là sứ mạng của cha mẹ. Trong môi trường gia đình, cha mẹ là Nhà Giáo Dục, là người Mục Tử đầu tiên của con cái. Những thách đố mới của thời đại trong việc giáo dục con cái cũng đang bóp nát con tim, khối óc của cha mẹ. Nhưng cho dù vấn đề giáo dục con cái có khó khăn đến đâu, chúng ta cũng không rơi vào tuyệt vọng. Vì với niềm tin vào Thiên Chúa, chúng ta đã có một nguồn sức mạnh thiêng liêng để kín múc. Chính cuộc sống, cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô là nơi mà chúng ta kín múc sẽ đem lại cho chúng ta niềm bình an và hy vọng. Vì chìa khóa để mở cửa cõi lòng là sự thân thiện, bài thuốc để chinh phục cõi lòng chính là tình yêu.
AP. Mặc Trầm Cung tường trình.
Mời nghe buổi thuyết trình của Lm. Nguyễn Minh Thiệu:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét