ƠN GỌI NÊN THÁNH TẠI GIA TẠI THẾ
Giáo hội là Loài người mới, nên phải ở giữa đời để đổi đời thành Giáo hội. Giáo hội chỉ có thể đổi loài người thành mình như thế khi Giáo hội còn là loài người, và hiện đang bành trướng cho vừa tầm toàn loài người.
Vậy sứ mệnh Dân Chúa - hóa loài người thuộc về khối tín hữu trước tiên (Vì chính tín hữu mới ở giữa loài người, lẫn giữa loài người). Tín hữu, do ý nghĩa và tiềm lực phép Rửa, đã được gọi nên thánh và có khả năng nên thánh, nhờ đó thành men trong bột.
Thế nhưng vì đâu phần lớn tín hữu lại sống tầm thường, và hễ có ai trên mức tầm thường, họ liền bỏ đời đi làm tu sinh hay chủng sinh? Ðó là vì thành kiến ăn sâu: muốn nên thánh thì phải bỏ đời: Và do cái điều nó đập vào mắt: dòng tu chỉ tuyển người đạo đức, nên giữa đời là số còn lại, thường kém đức hạnh!
Những thành kiến ăn sâu
Trong Ấn giáo, Jaina-giáo và Phật giáo, luôn có phân biệt giữa đạo nhà tu và đạo cư sỹ. Theo truyền thống Ấn, cư sỹ là người sống giữa đời, mang trên vai gánh nặng gia đình và xã hội. Còn tu sỹ là kẻ bỏ đời (samnyâsin), thoát vòng cương tỏa của hai bổn phận ấy, để toàn lực toàn tâm cho tu luyện hầu đạt giải thoát, Niết bàn.
Nói cách khác, đạo cư sỹ là thứ đạo "binh nhì", đạo của kẻ còn tham sân si, dấn sâu trong luân hồi nghiệp quả. Nếu biết nhìn xa, một cư sỹ đạo đức có thể "quy y", nương nhờ Phật, Pháp, Tăng đoàn và giữ Ngũ giới, hầu kiếp sau tiến gần hơn về phía con đường giải thoát.
Trên lý thuyết, Kytô-giáo không phân biệt Tu với Tục. Nhưng trong thực hành, từ bao thế kỷ nay, người ta vẫn khinh Tục trọng Tu, coi Tu mới là đúng đường nên thánh, và hễ nói đến ơn gọi, là nghĩ ngay đến bỏ đời làm tu sỹ hay ít là giáo sỹ.
Nếu bên Phật giáo có chuyện Quy y, bắt chước phần nào nếp sống tăng ni, thì bên Kytô-giáo, tín hữu cũng được khuyên đi vào cách sống hoàn thiện của đan sỹ bằng ở độc thân, đọc kinh nhật tụng, thức giấc nửa đêm để nguyện cầu, v.v... Do đó vẫn ngự trị thầm kín một sự phân biệt và cách biệt giữa bên Tu và bên Tục, coi như hai thứ đạo khác nhau, và sự toàn thiện như không thể có ở nếp sống tại gia tại thế.
Bởi vậy, gia đình luôn là một trong những chủ đề chính của khoa luân lý thần học, nhưng gần như chưa bao giờ được đề cập đến trong khoa tu đức học. Tu đức học là của nhà tu, của giáo sỹ phần nào, trong khi gia đình thuộc đám đông vô danh, được coi là Công chúng hơn là Dân Chúa.
Phải chăng vì gia đình quá trần tục và thế gian không phải môi trường nên thánh? Thật ra thì cũng có đôi ba thánh giáo dân được tuyên phong hiển tu (confesseur, kẻ tuyên xưng) xưa, nhưng họ lại "tu cạn" giữa đời, hoặc độc thân hay ly thân, sống "quy y" vào một dòng tu (như thuộc dòng ba) và mô phỏng nếp sống tu.
Xem ra thật khó mà nên thánh ở cương vị người cha, người mẹ, nhất là người vợ, người chồng. Vì đời sống họ dệt sâu vào bức thảm tục của trần thế. Vì bận bịu với trăm mối lo toan vật chất, họ không rảnh rang và thanh thản để "lo việc linh hồn". Nhất là vì cái hành vi "đáng xấu hổ" của ái ân, hành vi "tục tĩu" quá để có thể siêu thăng, mãnh liệt quá để chịu sự hướng dẫn.
Mà xem ra cũng chả ai đòi thánh hóa việc ái ân ấy, cứ giữ trong giới hạn "luân lý" là đủ rổi. Xưa do ảnh hưởng Platon-thuyết, người Kytô-giáo khinh bỉ nó. Họ coi giao hợp là điều xấu vì có tham dục (concupiscence) đi kèm, có nguyên tội truyền qua, đến nỗi theo thánh Bernard, Ðức Maria không thể thánh lúc thành thai, mà thánh ở giây phút tiếp theo thôi. Thậm chí Phaolô cũng phải tiếc xót cho những ai lỡ kết hôn rồi (1Cor. 7.25-34).
Với một thành kiến ăn sâu như thế, kẻ muốn nên thánh không thể không né tránh hay từ giã hôn nhân. Nhất là khi người ta đã đồng hóa đi tu với bỏ đời, đồng hóa nếp sống tu viện (vie conventuelle) với tình trạng thánh thiện (état de perfection). Và bây giờ hẳn ta hiểu tại sao chẳng ai nghĩ vạch ra một con đường nên thánh cho nếp sống tại gia. Quả là chúng ta cũng gặp những câu nói, như "sự thánh thiện của hôn nhân", nhưng thường là trong văn mạch của một ủi an, khích lệ. Nhiều văn kiện công đồng Vatican II nhắc đến vai trò và bổn phận của gia đình. Tông huấn Familiaris consortio (1981) và Christifideles laici (1988) cũng đề cao vai trò tại thế của gia đình và tín hữu (giáo dân). Nhưng chưa hề có một phác họa thật sự về một kế hoạch cụ thể với những phương thức thực hành nhằm thánh hóa gia đình, như người ta đã làm cho tu nhân và giáo sỹ trong các sách tu đức trước đây.
Trước hết, cần đặt lại một số vấn đề
"Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết, còn anh, hãy theo Ta công bố Triều đại Thiên Chúa" (Lc. 9.60).
Câu ấy xem như lôi Nước Chúa ra khỏi trần gian, và ơn gọi nên thánh ra khỏi cuộc sống giữa đời. Ðể hiểu đúng ý nghĩa, phải đặt nó vào văn mạch và hoàn cảnh. Matthiêu (8.18-22) nói về tình trạng vô định sở của những kẻ thoát ly đi loan Tin mừng. Vâng, phải có một số đi truyền giáo, mà đi truyền giáo thì phải phiêu lưu. Nhưng như thế không có nghĩa là: không đi truyền giáo thì không nên thánh được. Thử hỏi, các ẩn sỹ và đan sỹ có đi truyền giáo hay không?
Luca (9.57-62) đặt cùng đoạn văn ấy vào hoàn cảnh Chúa đang trên đường tiến về Yêrusalem để hoàn thành cứu chuộc: một lời gọi gấp vào một hoàn cảnh rất gấp. Cần phải có một số người đi mở Nước Chúa khắp nơi, và họ cần bỏ hết mới chu toàn sứ mệnh được.
"Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết". Kẻ chết thứ nhất, theo chú giải của Guillemette (trong A kingdom for all, Makati, 1988, tr. 347) là kẻ không nghe Chúa gọi: một cái chết thiêng liêng! Ðúng ra, nên thánh chỉ là sống thuận ý Chúa hết mức, thế thôi, dù trong nếp sống tu hay tục.
Vả lại, những người đi theo Chúa hồi ấy có phải là tu sỹ hay giáo sỹ chính thức đâu. Chúa Yêsu không lập môït tu đoàn (samgha, tăng) như đức Phật. Ngài cũng không xuất thân từ dòng Lêvi để thành thày tế, không xuất thân từ Biệt phái để thành thầy luật. Ngài là "giáo dân" và các đồ đệ của Ngài là giáo dân. Chúa đã sống gần hết đời như một tục gia, mãi hồi cuối mới bỏ nghề làm nhà để cống hiến toàn thời gian cho việc loan Tin mừng. Còn Ðức Mẹ và thánh Yuse? Họ thánh tuyệt, mà thánh hoàn toàn bằng nếp sống tại gia và tại thế của mình, chỉ trừ sự phối hợp thân xác thôi.
Sau này, trong thời bách đạo, làm chứng rõ nhất là bằng cái chết, nên từ bỏ sự sống vì đạo được gọi là làm chứng (martus). Hết thời bách đạo, không thể chết vì đạo nữa, người ta tìm một cái chết theo nghĩa bóng: bỏ đời vào sống khổ hạnh trong hoang mạc. Vậy thực sự thánh là ở chỗ nào, và bằng cách nào để nên thánh đây?
Như chúng ta đã nói, thánh là kẻ sống thuận ý Cha: "Mẹ Ta và anh chị em Ta, đó là kẻ thi hành ý Cha Ta". Thuận Thiên bất chấp tất cả, như Chúa Yêsu đã vâng Lời đến chết (Php. 2.8). Thuận Thiên như Abraham, và như thế được gọi là Tin, được đánh giá là Lương chính. Thánh là ở đức tin theo ý nghĩa thánh kinh ấy. Và Tin ở chỗ hoàn thiện của nó là Ái, là Phó thác trong yêu mến, là thi hành ý Chúa bất chấp tất cả. Ðức Ái không đòi từ bỏ hết, nhưng đức Ái đòi siêu thoát đối với bất cứ gì.
Có điều việc thi hành ý Chúa và sống đức Ái, phải diễn ra thế nào trong hoàn cảnh đời sống tại gia và tại thế đây?
Gia đình, trường tu nghiệm yêu thương.
Hồi ấu thơ, nếu không được tình thương ấp ủ, sau này người ta dễ sinh tàn nhẫn và khó trưởng thành. Cũng không trưởng thành, kẻ mãi trong vị kỷ ấu nguyên, không thể quên mình vì người khác. Như thế, nếu không có kinh nghiệm về tình yêu tự nhiên, thì vô nhà tu, anh dễ sống cằn cỗi, không hiểu nổi tình Chúa bởi chưa hiểu được tình người. Ta đã chẳng thấy hay sao Tiên sa nhỏ, hồi bé được cha trần yêu, lớn lên đã hiểu sâu tình phụ tử của Cha trời và sống tinh thần ấu thơ thiêng liêng một cách vô cùng hoàn mỹ?
Vì gia đình là trường dậy yêu thương thứ nhất, nên tình cảm gia đình cũng nền tảng và sâu đậm nhất. Những tình cảm khác sau này phần thì mô phỏng tình cảm trên, phần thì chịu sự tác động ngầm của nó. Vâng, dù những tình cảm ấy là đối với Thiên Chúa hay loài người, đối với người đồng lý tưởng hay với những anh em cùng khốn. Tình cảm siêu nhiên cũng vẫn là tình cảm, mà tình cảm thì có quy luật của mình.
Từ cảm nghiệm yêu thương gia đình đến cảm nghiệm yêu thương siêu nhiên, quả có những liên quan chặt chẽ, như thú nhận sau đây của một nữ tín hữu, bà Denise Anderson (Xx. Ðường thiêng liêng cho các bà mẹ, trong Lay Spirituality Today, Jess S. Brena đạo biên, Ðài Bắc, 1988, tr.52-56):
Bà nói: "Chính nhờ kinh nghiệm làm mẹ đã có, mà tôi hiểu và lớn lên trong tương quan nó thành sâu xa hơn với Thiên Chúa".
Bà đã từng nghe nói nhiều trong đạo về tình Chúa yêu ta, rằng "Thiên Chúa là Chúa của thứ tha" và "Thiên Chúa vui thỏa giữa dân Ngài", nhưng tất cả đối với bà chỉ là những ý tưởng, và ý tưởng ấy trừu tượng, mãi cho tới khi: "Việc làm mẹ cha đưa tôi vào sự thật và kinh nghiệm về Ngài."
Một lần kia, khi thấy con mình khôn, con mình ngoan, và thấy chồng nháy mắt với mình một cách thỏa mãn, bà đã hiểu ra rằng Thiên Chúa cũng sung sướng vì ta như thế, lúc thấy ta cố gắng, dù bằng những bước đi còn chập chững của mình. Nhất là khi thấy ta tin vào Chúa, muốn bắt chước Chúa, như đứa con trai của bà lúc nó tỏ ra tin vào bố nó và thích ăn mặc giống bố nó.
Một lần kia, bà nổi nóng với bé David bốn tuổi. Mươi phút sau, bà thấy nó mon men đến chỗ bà đang ủi đồ, huyên thuyên hỏi hết cái này đến cái kia. Bà hiểu ra rằng, đây là cách nó muốn làm lành đấy. Thật ngây ngô, mà cũng thật tội nghiệp. Và thế là bà ôm chầm lấy nó, xúc động. Yên trí rồi, nó vui vẻ trở lại với mấy cái xe tí hon của nó. Còn bà thì, hằng chục năm sau, vẫn nhớ như in trước mắt cảnh làm hòa cảm động ấy, còn cái lỗi của David thì không tài nào nhớ nổi. Qua kinh nghiệm trên, bà hiểu thế nào là "Thiên Chúa thứ tha". Thiên Chúa chẳng muốn gì hơn là được tha thứ, miễn ta quay về với Ngài. Với Ngài, chỉ giây phút ấy mới quan trọng, chứ lỗi lầm của ta, thì Ngài không nghĩ đến nữa.
Còn "Thiên Chúa thương xót"?
Ðứng trước giường bệnh của con, cảm thấy đau đớn thế nào, bà cũng hiểu về nỗi đau của Chúa trước những căn bệnh điếc câm, đui què, phong cùi hay bất toại của con cái Ngài là chúng ta.
Và về đức Maria...
Hôm ấy, ôm đứa con (chắc lạnh cứng) trên tay, bà đã thấy cả thế giới như lặng đi trong giây phút ấy, giây phút của bà cũng là của đức Maria trên đỉnh Sọ.
Và cứ thế, trong quan hệ với chồng, với con, nếu biết lợi dụng và đưa hồn lên, bà có ngay những cảm nghiệm về lòng Chúa đối với con người; và những khải mạc ấy thật thiên hình vạn trạng, mỗi lần mỗi mới, mỗi ngày một phong phú thêm: "Mạc khải về Thiên Chúa cứ tiếp tục. Vấn đề chỉ còn là mở mắt để nhìn."
Ai đó có thể thắc mắc: Thiên Chúa làm gì có thứ tình cảm của chúng ta?
Quả là Thiên Chúa không có thứ tình cảm y hệt của chúng ta. Nhưng tình Chúa, nếu phản chiếu ở lòng người, lòng con người Yêsu chả hạn, sẽ là những tình cảm thế đấy, mà còn hơn thế bội phần nữa. Ta đã chẳng thấy Chúa Yêsu khóc đấy ư? Chẳng những khóc, mà còn buồn phiền đến nỗi toát máu ra lẫn với mồ hôi.
Gia đình và kinh nghiệm Giáo hội
Xét về mặt thần học, thì gia đình là "Giáo hội tại gia" (ecclesia domestica), do đó cũng là hiền thê Chúa Yêsu, phải sống xứng với danh hiệu ấy. Hôn nhân lại là hình ảnh của sự mật thiết Kytô-Hôïi thánh, nên hôn nhân Kytô-hữu, có phần trong sự mật thiết này, phải làm hiển sáng nó lên.
Chúa Yêsu nói: "Ðâu có hai ba kẻ quy tụ nhân danh Thầy, đấy có Thầy ở giữa họ" (Mt. 18.20). Qua hôn lễ huyền tích, hai người nam và nữ há chẳng long trọng hợp lại nhân danh Chúa đấy sao? Và nếu có Chúa ở giữa họ, thì ai dám bảo họ không là Hội thánh? Thì giáo phụ chẳng đã gọi họ là "Hội thánh tại gia" đó ư?
Giáo hôïi là Loài người mới, với Tân Ađam là Chúa Yêsu. Mà với loài người, thì gia đình là tế bào và hạt nhân, mà từ đó nó sinh ra và lớn lên (qua truyền sinh); hướng về đó như khuôn mẫu sống, nó gắng bắt chước để được cộng đồng hóa dần dần. Vậy nếu Giáo hội là chính loài người được đổi mới, thì nó không thể hoàn thành sứ mạng Giáo hội hóa loài người, mà không thánh hóa hạt nhân gia đình, mà không dựa vào gia đình thánh như hạt nhân của chính mình.
Hiện nay, tuy đã là Loài người ở mầm mống, Giáo hội còn là nhóm nhỏ trên đường hoàn thành bản thân. Sự giằng co giữa hai thế rộng, hẹp ấy biến toàn Giáo hội thành sứ giả (missionnaire), phải vươn mãi về sự toàn mãn của mình ở chiều rộng thế giới. Và đây là sứ mệnh trước tiên của gia đình Kytô-hữu, hạt nhân của Tân Nhân loại. Và cách thi hành sứ mệnh ấy của họ trước tiên phải là, bằng sự keo kết thiêng liêng, làm hiện nổi trước mắt người đời sự keo kết thần thánh của Chúa Kitô với Giáo hội hiền thê của Ngài:
"Này đây, chàng bỏ cả mẹ cha để gắn bó với nàng, và cả hai nên một thân xác. Một mầu nhiệm có tầm vóc lớn. Tôi có ý nói Chúa Kytô và Giáo hội" (Eph. 5. 31-32).
Vâng, thánh Phaolô đã nhìn ra mầu nhiệm trên xuyên qua Sáng thế thư 2.24:
"Chàng bỏ cả mẹ cha để gắn bó với nàng, và cả hai nên một thân xác."
Không phải chỉ có hôn nhân biểu thị "mầu nhiệm lớn", mà mầu nhiệm này (sự hiệp nhất Kytô-Giáo hội), đến lượt nó cũng thành khuôn mẫu thần thánh để hôn nhân noi theo. Chả thế mà Phaolô đã thúc vợ chồng yêu nhau như Chúa và Giáo hội yêu nhau (Eph. 5.21-33). Ðúng là chỉ bằng cách yêu nhau như thế, họ mới cho thấy hôn nhân là hình ảnh của sự gắn bó Kytô-Giáo hội.
Nhưng làm sao để vợ chồng yêu nhau theo cách đó? Làm sao để bằng tình yêu đó, họ có phần trong tình yêu thần thánh Giáo hội-Kytô, và qua tình yêu này, họ đạt tới tình yêu Tam vị?
Tất cả chỉ cần một tầm nhìn siêu nhiên, để nhờ cái nhìn siêu nhiên ấy, họ vượt cao hơn những âu yếm tự nhiên một tí. Cứ thế, trong ôm ấp, người ta sẽ cảm thấy sự có mặt của Chúa, cảm thấy gia đình mình là Giáo hội hiền thê của Ngài. Ðúng như kinh nghiệm sau đây của một cặp vợ chồng tốt, anh José và chị Immaculata (We are Church..., trong Lay Spirituality Today, tr. 42-44):
Sau một cuộc cấm phòng được "hóa cốt tẩy tâm", đã hiểu Chúa và hiểu nhau trong Chúa rồi, chàng và nàng bắt đầu ý thức rằng Giáo hội ở ngay đây giữa hai người và những đứa con, những kẻ đang sống với nhau nhân danh Chúa.
Thật sự nàng cảm thấy mình là Giáo hội khi "hạ mình ngang tầm con để hiểu chúng hơn và chia sẻ với chúng những lo âu, xao xuyến". Hay khi "cưỡng lại khuynh hướng... muốn ra lệnh và đòi tùng phục". Hay khi "trao ban cho chúng tình yêu và sự âu yếm chúng cần", khi "vất vả làm việc để cung cấp cho chúng mọât đời sống kinh tế - xã hội và Phúc âm tốt đẹp hơn".
Còn chàng cũng cảm thấy mình là Giáo hội mỗi khi "chấp nhận và yêu thương Macu (Immaculata) ... ở chỗ nàng là nàng", mỗi khi "giúp đỡ nàng" và ý thức rằng "nàng là hình ảnh phản chiếu Thiên Chúa". Hoặc sau khi cãi vã mà biết "dẹp bỏ tính kiêu căng để đối thoại". Chàng cũng cảm nhận mình là Giáo hội không kém khi thấy người nghèo gõ cửa mà sẵn sàng "chia sẻ cơm bánh", khi chịu hành động để khiến chung quanh "dễ sống và hạnh phúc hơn".
Chung cho cả hai, thì họ thấy mình là Giáo hội tại gia "khi cùng cầu nguyện với nhau" hay "khi tha thứ cho nhau sau những lỗi lầm".
Làm được thế không phải dễ, vì chẳng dễ gì một cuộc sống Giáo hội tại thế tại gia. Thế nhưng họ cứ phấn đấu, cố đứng dậy khi lỡ bước sảy chân, bằng lòng với những giới hạn của mình, đồng thời tin vào sức mạnh và ân sủng của Chúa, nhờ đó thấy rằng việc kiến thiết Giáo hội tại gia luôn ở trong tầm tay.
Việc kiến thiết Giáo hội tại gia tương đối dễ, nếu cả đôi bên vợ chồng đều chung một chí hướng, nhất là nếu con cái cũng thuận theo một đường. Trong trường hợp chỉ một người là đức hạnh và muốn như thế, thì họ sẽ cảm thấy rất cô đơn. Và càng cô đơn hơn nếu vợ chồng tính khí không hợp, mà con cái thì "phá gia chi tử".
Thế nhưng, dù bị treo trên thập giá một mình, Chúa Yêsu vẫn xây thành Giáo hội, và hoàn thành nó ở chính chỗ Ngài được treo lên, bị tất cả ruồng bỏ. Vâng, nước mắt của một Monica, nhờ thập giá Chúa, sẽ phục sinh một Augustinô và biến đứa con này thành đồng chí. Theo Phaolô, một vợ hay chồng lầm đường lạc lối có thể được thánh hóa bởi bạn đời của mình (1 Cor. 7.14).
Ðiều kiện để nên thánh tại gia tại thế
Không thể thánh hóa đời sống tại gia tại thế, mà lại không yêu gia đình và yêu những giá trị trần gian. Nhưng yêu cái tự nhiên dễ yêu, một sức hút gần như khó cưỡng, thì sao khỏi dễ sa lầy. Thay vì nhờ đó bay lên, biết đâu bởi đó bị chìm xuống. Vậy trong khi yêu những giá trị ấy, cần phải có thái độ siêu thoát đối với chúng.
Hãy bắt đầu với vế trước: sự gắn bó.
Chúng ta không làm như đan sỹ là trốn chạy hấp lực. Chúng ta phải lạc quan mà tiến vào hấp trường và lợi dụng nó. Vâng, đừng đến với thái độ e dè, sợ sệt. Ðừng sợ tình yêu, mà vun trồng, thanh lọc tình yêu. Ðừng ngại những vuốt ve, mơn trớn, vì người ta nuôi dưỡng yêu thương bằng những cử chỉ âu yếm đó. Yêu bằng tình cảm thì cũng phải yêu bằng thân xác nữa, vì tâm tình được diễn đạt nơi xác thân mà.
Sống chung thành dễ sống với một số điều kiện bên ngoài, như tiện nghi và an toàn, mà một trong những bảo đảm là của cải. Cần có thanh bần trong tinh thần, nhưng một gia đình đầm ấm khó thể đi đôi với một thanh bần thật.
Ðể dễ sống với xung quanh, tục gia cũng phải yêu chung với mọi người những cái có thể yêu và tôn trọng một số lề thói khả dĩ chấp nhận. Và trong khi ghét cái ác, đừng vì thế mà xa lánh mọi người ác hay chưa tốt, do đó dễ sinh yếm thế và tách ra khỏi đời.
Ðể sống trong bùn mà vẫn mùi sen, thì phải thành miễn nhiễm bằng thái độ siêu thoát. Mà để siêu thoát được, thì phải làm quen với từ bỏ và hy sinh.
Hy sinh ư? Trong đời sống tại gia, thiếu chi những dịp cần hy sinh cho trên thuận dưới hòa? Trước hết, đó là từ bỏ phần lớn tư hữu để làm của chung: một thanh bần trong tinh thần và do yêu thương: Kế đó là bỏ ý riêng để chiều ý nhau, bỏ cái thích của mình vì cái thích của người. Vâng, miễn là yêu nhau thật, và rồi người ta có thể hy sinh cho nhau dù cho đến sự sống!
Dù sao trong đời sống gia đình, vẫn có thừa những thỏa mãn trần tục. Lại có biết bao cái để ham muốn và bận tâm, và hấp lực của chúng thật lớn. Có khi ta tưởng yêu đấy, mà thực ra chỉ đam mê thôi. Có khi xem ngoài như hy sinh, mà thực ra chỉ tìm mình. Chính do tìm mình mới dễ ghen tương, mới chán nhau khi về già hay khi đã quá quen nhau, mới bênh con và nuông chiều con thay vì muốn cho chúng nên người và nên thánh.
Vì trọng lực lớn như thế, nên kẻ không quen từ bỏ và tự chủ thì không bay lên được. Vì quá nhiều vi rút bên trong, nên tình cảm nào cũng phải được luyện lọc tối đa.
Người ta luyện lọc chúng bằng hy sinh. Hãy hy sinh cho người thân, mưu tìm hạnh phúc của họ, dù có vì thế mà mất hạnh phúc của chính mình.
Cuộc sống tại gia tại thế là cuộc sống dấn thân. Ðể dấn thân mà không nguy, thì mức độ dấn thân chỉ có thể cao ngang bằng mức độ siêu thoát. Và đây là "thanh bần trong tinh thần", khiến "kẻ có vợ hãy coi như không có" (1Cor. 7.29)...
Ðể "có cũng như không" được như thế, thì phải chuẩn bị, cải sửa, tập luyện nhiều. Phải chăng vì vậy mà xưa kia, bên Ðông cũng như bên Tây, người ta chuẩn bị cho cuộc sống gia đình bằng cách "đi tu". Ấn giáo thì ấn định cho thiếu niên một thời gian mấy năm học đạo và giữ giới, giữ mình khiết tịnh (brahmacarya). Phật giáo Thái, Miến, Miên thì đòi họ vô tu chùa từ mấy tháng đến mấy năm. Còn trong Kytô-giáo đông phương, liền sau hôn lễ, đôi bạn cần vào tĩnh tâm trong đan viện ít lâu để sửa soạn cho "tế vụ phu thê" (sacerdoce conjugal) của mình.
Ðể giúp thêm cho tu luyện và hoàn tất thanh luyện, không thiếu chi những thử thách mà Chúa gửi đến như "đêm tối" cho gia đình Kytô-hữu. Một người thì đơn độc đấy, nhưng hai ba người thì gánh nặng và số lượng đau thương phải gánh cũng nhân thừa lên. Trước hết, vì kết hôn là đi vào một phiêu lưu đầy bất trắc, kiểu như đánh bạc. Ai dám chắc người bạn đời sẽ hợp tính và con cái sẽ ngoan. Tiếp đến, còn biết bao nhiêu cái phải bận tâm, như những khó khăn tài chánh, những bất ổn khó lường, những bệnh tật và cái chết. Không mấy lúc niềm vui được trọn vẹn. Chẳng mấy khi thiếu thốn những lo âu. Mấy ai trải qua những đau thương dập dồn mà bình tâm ứng phó và sẵn sàng "vâng theo ý Chúa" được? Cũng như trước bao cám dỗ và gương xấu chung quanh, có thể như sen "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn"? Chính vì thực trạng của đời sống gia đình thường là như thế, nên thánh Phaolô mới bi quan (quá bi quan) mà xót thương cho những ai lỡ đã vào tròng.
Theo Phaolô, thì nếu kẻ không vợ cố "làm vui lòng Chúa", thì kẻ có vợ chỉ lo "vui lòng vợ" thôi (1 Cor. 7.32-34). Nhưng có thật là người ta không thể làm vui lòng Chúa khi làm vui lòng kẻ khác? Và có đúng là hễ độc thân thì người ta sống vì Chúa, chứ không khép kín hay lo cho riêng mình? Thánh Phaolô chỉ nhìn vào sự kiện: phần lớn các gia đình đều sống phàm tục; chứ Ngài không nghĩ đến khả thể: người ta có thể nhìn thấy Chúa nơi người thân (dù người ấy là dễ yêu, là người thân) để yêu họ trong Chúa. Khó quá đấy, và quá ít người làm vậy: Nhưng khó không phải là không thể, và ít người không có nghĩa là không ai.
Trái lại, không thiếu gì những kẻ tuy độc thân, mà chỉ lo hưởng lạc. Và cũng có những tu sỹ suốt đời không thể vì ai mà làm một hy sinh đáng kể. Hẳn ai nấy đều chấp nhận: Thà có thể yêu được ít là vợ con mình, chẳng thà chỉ yêu được mỗi mình mình thôi.
* * *
Yêu gia đình rồi, còn phải mở gia đình về phía thế giới nữa. Kẻ tại gia không thể đứng ngoài mà lo cho xã hội. Vì gia đình thuộc về xã hội như tế bào làm nên nó. Vậy nên thánh đối với gia đình và các thành phần trong gia đình vẫn là dấn thân với thái độ siêu thoát, không vương vấn đấy mà vẫn yêu thương thật nhiều.
Ðường tu phu phụ: nguyên tắc
Tuy cũng nói đến tình yêu, nhưng Giáo hội trước đây chỉ coi mục đích chính của hôn nhân là sinh con và giáo dục chúng. Mà để có con, thì kết hợp thân xác cũng đủ rồi. Có vẻ như một mình kết hợp thân xác là dấu chỉ của sự khăng khít Giáo hội-Kytô. Phải chờ đến Vatican II (Gaudium et Spes, số 48), nhất là Phaolô VI (Humanae Vitae), tình yêu thương gắn bó mới được nhìn nhận như một trong hai mục đích chính,và do đó có lẽ, một trong hai thành phần của biểu hiệu.
Quả thật, nếu chỉ cốt ở thân xác, thì lang chạ cầm thú hay gặp gỡ qua đường cũng thành biểu hiệu, do đó thành hôn nhân rồi. Không không, một gặp gỡ xứng người cần có tiếng vang ở tâm hồn nữa. Cho nên, không thể có hôn nhân nếu không nhắm sự chung sống tự nguyện và vĩnh viễn trong yêu thương. Vâng, ít là có ý nhắm như thế dù chưa hiện thực như thế. Ðược thiêng liêng hóa bởi tình yêu, thì cùng với tình yêu, sự kết hợp thân xác mới có khả năng biểu thị mối tình keo sơn của Chúa với Giáo hội Ngài.
Vả nữa, sự kết hợp thân xác vốn gây một sướng khoái lớn lao, một cuồng khoái (orgasme), nên đây là cám dỗ ghê gớm nhất của con người. Vâng, nếu có phương thế và hoàn cảnh dễ, thì chẳng mấy ai đủ sức cưỡng lại sức hút của nó, để khỏi lao mình vào như những kẻ điên. Những tiểu thuyết, như Thanh cung mười ba triều, phơi bày trước ánh sáng thực tại sa đọa dễ dàng của những kẻ lắm của và nhiều quyền. Tách khỏi tình yêu, một khoái cảm như thế rõ ràng là tục tĩu, hết sức tục tĩu. Chả thế mà, để thành rất mực tà quái, một nghi lễ rất thánh phải kết hợp với dâm ô. Như "thánh lễ đen" (messe noire), chẳng hạn. Liệu cái là tục cỡ ấy có thể làm dấu chỉ cho một cái là trong sáng đến vậy (mầu nhiệm Giáo hội-Kytô) hay không?
Vâng, để biểu thị và làm hiển sáng mầu nhiệm trên, không thể không có một dấu hiệu cao quý: tình yêu. Mà một tình yêu trọn vẹn của tinh thần trong thể xác thì hiện thể qua phối hiệp thân xác. Vâng, không phải bất cứ loại tình yêu nào, mà tình yêu cực sâu của lứa đôi: Không phải bất cứ cử chỉ diễn tả nào, mà sự diễn tả hùng hồn nhất bằng hành vi phối hiệp: "Và cả hai nên một thân xác".
Với tình yêu và được thăng hoa bởi tình yêu, sự ân ái không còn gì tục tĩu và nặng nề nữa. Bởi thế, trong tình yêu nó đã thành dấu chỉ, để nhờ dấu chỉ nó mang sức thánh hóa. Ðể được như thế, khoái cảm ân ái phải có chừng mực để ở trong vòng kiểm soát của lý trí và ý chí, sao cho tình yêu thấm vào và nâng cao trong hướng nhắm thiêng liêng (visée spirituelle). Vâng, sự cứu vớt cho kết hợp thân xác là ở tình yêu, và sự cứu vớt cho tình yêu là ở ân sủng nó toát ra từ sự mật thiết Kytô-Giáo hội mà hôn nhân tín hữu hội nhập vào.
Lý thuyết là thế, nhưng thử hỏi thực sự có như thế hay không? Ta hãy nghe kinh nghiệm sau đây của nữ giáo sư người Ấn Rosalind Cherian (Now you are husband and wife, trong Lay Spirituality Today, tr. 35-41).
Nàng từng nghe nhiều phụ nữ có tuổi cho biết, họ ngại đến với Chúa mỗi khi giao hợp, bởi thấy mình nhơ uế quá. Thế nhưng nàng thì thấy "giao hợp tình dục là một trong những ân huệ Thiên Chúa ban". Và nàng tiếp:
"Nếu tôi tự hào về những khả năng tinh thần và thể lý khác, tôi cũng tự hào về dục tính (sex) của tôi. Khi Thiên Chúa quyết cho người nam và nữ có phần trong tiến trình sáng tạo của Ngài, Ngài đã phú cho họ khả năng dục tính. Trong hôn nhân, dục tính không chỉ nhắm mục đích sinh sản. Nó là một trong những ràng buộc lớn nhất để tạo ra kinh nghiệm hợp một. Ðiều này không thể được phân tích thuần thể lý, vì tính thể lý chỉ là một mặt của toàn bộ thôi. Dục tính là một mầu nhiệm thần thánh. Kinh nghiệm có thể khác nhau từ quan hệ hôn nhân này đến quan hệ hôn nhân kia. Ðây là một kinh nghiệm rất riêng tư, không tổng quát hóa được. Ðây không đơn giản là kết hợp của hai thân thể, mà phối hợp của hai con người (bản vị). Ðây là diễn đạt cuối cùng của tương ái, vì nó tượng trưng cho sự trao hiến hết mình. Nó có thể xua tan những mây mù của bận tâm và phiền ưu. Nó có thể làm tươi mát trở lại mối tương quan khi xói mòn. Sau một cuộc cãi cọ, nó khiến hai bên xích lại gần nhau hơn bao giờ hết. Sự toàn thiện của kinh nghiệm dục tính chỉ đạt được khi hai bên nhìn nhận và tôn trọng sự bình đẳng căn bản và sự cao quý của nhau. Không may là trong nhiều hôn nhân, người phụ nữ chỉ là đồ vật để được sử dụng thôi. Thậm chí có khi giao hợp trở thành một cưỡng dâm được hợp pháp hóa.
"Nam và nữ khác nhau trong kinh nghiệm dục tính. Với nam giới trong nhiều dịp, giao hợp có thể chỉ là việc của xác thôi. Anh có thể tìm thỏa mãn nơi thân xác một phụ nữ mà không bận tâm về con người của nàng. Thế nhưng với phụ nữ, sự thỏa mãn tình dục phải là kết quả của kinh nghiệm toàn bộ về con người đối diện. Nàng chỉ tìm thấy điều ấy nơi một kẻ mà bằng tâm hồn nàng chấp nhận được. Ham muốn nhục dục của nàng đổi thay với chu kỳ kinh nguyệt. Nàng hưng phấn chậm hơn và cần thời gian dài hơn để đạt tới mức sung mãn. Sự tương hợp dục tính đóng một vai trò quan yếu trong việc giúp hôn nhân có thể tồn tại qua những thăng trầm của cuộc sống thường ngày.
"Trong hôn nhân, cả yêu thương lẫn nhục dục có thể thành một thực tại không ngưng triển nở. Cao đỉnh của kinh nghiệm tình dục là sự khám phá con người kia và điều ấy cứ mỗi ngày mỗi tươi mát bao lâu chúng ta còn tiếp tục phát hiện những bề sâu ngày càng mới trong quan hệ lứa đôi.
"Thân thể con người là một bộ máy vô cùng phức tạp nó sản sinh được những xung động và cảm nhận cứ mới lạ thêm dù sau những năm tháng dài của kinh nghiệm tình dục hôn nhân. Hôn nhân có thể là tuần trăng mật xuyên suốt cuộc đời, nó mang tới cho mỗi kinh nghiệm mới một thỏa mãn lớn hơn."
Nếu hiệp nhất phu phụ cốt ở tình yêu, thì tình yêu, dù là của lứa đôi, cần đến một trường diễn đạt lớn hơn là của giao hợp và những cử chỉ ân ái khác. Vâng, sự hiệp nhất ấy phải cố đi vào toàn bộ đời sống có thể, kể cả trong giải trí, nghề nghiệp cũng như trong các tương quan gia đình, xã hội để sự cảm thông thành bao quát và thường hằng hơn. Và đây cũng là điều mà hai vợ chồng Rosalind Cherian đã làm được.
"Sự lớn khôn của tôi như một đệ tử Chúa Yêsu đã giúp tôi tiến một bước dài vào sự sung mãn của Cha, nhờ đó tôi trở nên hơn là một bản vị. Chúa Yêsu đã phú cho tôi một trực giác giúp tôi hiểu người khác hơn. Trực giác này và sự phát triển nhân cách qua đó, tất cả phản chiếu nhiều nhất trên quan hệ hôn nhân. Hồi đầu, chúng tôi chỉ là hai đứa trẻ thiếu kinh nghiệm, chẳng biết gì về cuộc sống. Giờ thì chúng tôi đã là hai người lớn được trưởng thành trong tình yêu Thiên chủ. Chàng cho tôi dự vào mọi địa hạt cuộc sống chàng. Chàng là một nhà trồng cao su, và khi chàng có vấn đề lao động cần giải quyết, thì chúng tôi cùng đi dự hội thảo và thuyết trình. Còn tôi khi được mời đi các khóa chuyên đề về giáo dục, thì chàng cũng rất quan tâm đến chúng."
Ðường tu phu phụ: thực hành
Vì vai trò của gia đình quá lớn, mà đường tu phu phụ lại khó khăn, nên ân Chúa cần đến phải thật dồi dào. Mà Chúa thì chẳng muốn gì hơn là giúp cho gia đình hiển hiện thành Giáo hội tại gia, thành dấu chỉ của sự mật thiết Kytô-Giáo hội, thành men trong bột giữa loài người mà nó thuộc về. Bởi thế, hãy tin rằng nên thánh trong gia đình là điều luôn khả dĩ. Ðường tu phu phụ có khuôn mẫu lý tưởng là sự khăng khít Kytô-Giáo hội. Có điều giống nhau không phải là mọi cái như nhau. Nam nữ đều là người và cùng thiếu nhau như nhau. Thế nhưng Chúa chẳng cần chúng ta trong khi chúng ta lại hoàn toàn cần Chúa. Do đó, nếu Chúa là Ðầu của Hội thánh, thì không phải vì thế mà chồng cũng là đầu của vợ mình đâu. Hai bên phải tôn trọng nhau và xử sự bình đẳng. Nhìn thấy Chúa nơi nhau và tôn kính nhau trong Chúa, họ sẽ không dám lợi dụng nhau, kể cả lợi dụng xác thân, nhờ đó trở nên nghiêm túc trong mọi quan hệ. Ðối xử với nhau, họ có thể noi gương Thánh gia. Họ có thể vươn cao hơn đến khuôn mẫu Cha-Con-Thần khí, với Thần khí được nhìn như Người mẹ lý tưởng.
Ðường tu phu phụ ăn vào thân xác và dệt vào trần gian, nên lý tưởng của nó không phải là Bỏ đời, mà Nhập đời trong yêu thương, siêu thoát. Tình yêu ấy là tình yêu chuyên loại, nó mạnh như sự chết. Tình yêu ấy khép lại giữa hai người đã, rồi từ hai như toàn khối, mới mở sang con cái, mở đến họ hàng, mở rộng tầm thế giới.
Ðể dễ yêu siêu nhiên, anh chị hãy nhìn nhau trong Chúa và thấy Chúa nơi nhau. Cứ tình tứ đi, thân mật vào, nhưng đừng suồng sã. Giữ một khoảng cách nào đó như thế sẽ duy trì lòng tương kính, sẽ thấy nhau mãi còn là mầu nhiệm để khám phá thêm, kinh nghiệm tươi mát mãi. Chứ nếu không, càng quen sẽ càng chán, và người ta thích đi tìm "của lạ".
Ðể duy trì và phát triển tình yêu, phải xây đắp với nhau thật nhiều kỷ niệm và nưng niu những kỷ niệm ấy. Hãy dành thì giờ cho nhau, thì giờ riêng tư của hai người thôi. Và mỗi người, hằng ngày hay hằng tuần, hãy để ra những giây phút để nghĩ về nhau, về từng đứa con của "chúng mình".
Hôn nhân là dấu chỉ của sự gắn bó Kytô-Giáo hội, và dấu hiệu chuyên biệt này sinh ra một kết buộc (vinculum) keo sơn. Hãy vượt lên trên khía cạnh pháp lý của sự ràng buộc ấy để nhìn vào thực tại huyền ẩn bên trong, cũng như trách nhiệm mỗi bên phải bảo vệ sự bền chặt ấy và chung thủy với nhau. Phải thủy chung bằng mọi cách vì đây là ý nghĩa của dấu hiệu, là trách nhiệm đôi bên đối với Hội thánh. Là hình ảnh của ràng buộc Kytô-Hội thánh, hôn nhân đúng là thứ Tân giao ước nó thiết lập Giáo hội tại gia, nên nút thắt thật thần thánh, thiêng liêng.
* * *
Trong hôn nhân, cái cần lưu ý nhất là tính dục. Nó vừa là cám dỗ ghê gớm và dai dẳng của đời người, vừa là nguồn năng lượng căn bản mà ta cần lợi dụng để nuôi dưỡng tình yêu cũng như để tu tâm tiến đức.
Ðể sử dụng sức mạnh ấy theo ý mình, thì phải thuần hóa được con ngựa bất kham đó. Tính dục tác động ngay lúc ta còn nhỏ, nên giáo dục tính dục cũng phải khởi sự xa lâu trước lúc thành hôn hay yêu đương. Ðây là một cuộc khổ luyện kéo dài, có thể nói như thế. Có lúc phải mím môi kiềm chế xung động (pulsion) hay giảm ga cho nó, để nó thuần lại dần dần. Trong chừng mực và cách khôn khéo, cố nhiên, để tránh những ức chế. Có lúc lại lợi dụng sức trớn của nó để bay tâm hồn lên hoặc để mở sang người khác trong yêu thương hay xót thương, và đó là thăng hoa (sublimation). Ðể thăng hoa và yêu được, thì hãy bớt nghĩ đến mình để nghĩ đến người, nhất là đừng tìm khoái lạc cho riêng bản thân.
Một tâm hồn thanh cao luôn đánh giá con người bằng những giá trị thiêng liêng hơn là giá trị vật chất. Họ có ái lực với một người khác phái có tấm lòng đẹp hơn là thân xác đẹp, lại giàu khả năng trí thức hơn là giàu tiền giàu của. Tâm hồn thanh cao ấy cũng luôn nghĩ đến bản thân người mình yêu, chứ không riêng xác thân họ, đồng thời thích những cử chỉ âu yếm hơn là thái độ thô tục và hành vi suồng sã.
Kết hôn rồi, hãy làm như Toby-Sara: nguyện cầu trước lúc đi ngủ, nguyện cầu ấy hướng về hạnh phúc lứa đôi trong Chúa, hướng về đứa con có thể sinh ra, nó là kết quả của sự hiến thân hiến tâm cho nhau. Trong ân ái, họ sẽ không hoàn toàn buông thả, để giữ tất cả trong giới hạn của tình yêu, trong hạnh phúc chung của cái "Chúng mình".
Thực ra, công việc sẽ không suông sẻ lắm đâu. Nhục cảm dễ biến thành cuồng cảm (orgasme), khiến lý trí bị che mờ và ý chí thành yếu đuối. Thân phận con người mà! Nhưng đây lại là lý do khiến ta khiêm tốn hơn, nhờ đó tin tưởng và phó thác hơn. Ðừng vì đó mà thất vọng, để rồi buông xuôi, không muốn cố nữa. Ân sủng bao giờ cũng đủ cho ta. Không những đủ để khỏi lầm lỗi, mà còn để nên thánh. Do huyền tích hôn nhân, đời sống phu thê được hội nhập vào sự thân mật Kytô-Giáo hội, nên ân sủng thoát sinh từ đó rất lớn, khiến cho việc nên thánh trong hôn nhân luôn ở trong tầm tay của đôi vợ chồng, khiến cho giữa gọng kìm dù của nhục dục, họ vẫn mang áo trắng tinh. Và đây là khiết tịnh trong tinh thần. Vâng, đúng là khiết tịnh trong tinh thần, cũng như từng đã có thanh bần trong tinh thần ở những người như vua thánh Louis.
Khiết tịnh vì thế không chỉ là đặc sản của dòng tu, mà còn là một trong những chân móng của đường tu gia đình nữa. Dù tu sỹ hay vợ chồng, ai cũng phải khiết tịnh trong tinh thần. Mà khiết tịnh trong tinh thần lại là nền tảng và linh hồn của mọi khiết tịnh.
Dù khiết tịnh hiện thực hay khiết tịnh tinh thần, ý nghĩa của nó chỉ tìm thấy ở đức Ái thôi. Với tu nhân, đó là tình yêu thành hiện thực bởi việc hiến toàn thân cho riêng Chúa. Với cư sỹ, đó là yêu Chúa trong tinh thần (Cũng như "nghèo trong tinh thần" vậy), bằng cách hiến toàn thân cho người yêu, người anh em mình sờ mó, trông thấy, nhờ đó hiểu được Chúa (1Yo. 4.8,20).
Nên nhớ, yêu vợ hay chồng, không thể làm như đối với khó thương, yêu bằng ý chí suông được đâu. Vì đây là sự chia sẻ suốt đời và suốt đêm ngày, chia sẻ tất cả, dù những thứ riêng tư, mật thiết nhất. Nên nếu hai bên không thể hợp nhau, thì cuộc sống sẽ trở thành địa ngục theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Chính vì thế, nên thánh Phaolô mới cho phép, trong một số trường hợp, tháo bỏ thứ địa ngục trên (1Cor. 7.15). Và vì thế trong hôn nhân, hãy chọn người cẩn thận, kiểu "chọn mặt gửi vàng", chọn kẻ mà, với những hy sinh và cố gắng, ta có thể dễ cảm thông với họ. Có như thế, yêu cố mới thành yêu thực, nhờ đó sự hòa thuận đôi bên có thể nên "dấu chỉ".
* * *
Do yêu thương khăng khít như thế, cả hai sẽ bỏ ý riêng để chiều ý nhau. Ðây có gì như của Vâng lời trong tinh thần, sau Khiết tịnh nói trên, cũng trong tinh thần nốt. Và chúng nằm trong ý nghĩa của hai lời thệ nguyện tu nhân.
Và đây, tới lời thệ nguyện thứ ba: Thanh bần. Hiệu lực pháp lý của nó đối với nhà tu là mất quyền sở hữu và không quyền sử dụng tự do. Thế nhưng ý nghĩa của nó lại ở thoát tục và yêu mến. Chính vì yêu nhau, nên người ta bỏ chung của cải vì lợi ích của mỗi thành viên cũng như lợi ích của cộng đồng.
Vì yêu nhau, đôi vợ chồng cũng làm y như thế. Họ bỏ chung tất cả hay một phần của cải để lo cho nhau và chung lo cho con cái. Ðã thương nhau thì tất cả thành chung, dù vì thế có phải hy sinh một tí, bớt đi những cái thích như sắm áo đẹp và ăn nhậu với bạn bè.
Như thế, nếu muốn thì trong đức Ái siêu nhiên, ba lời thệ nguyện của nhà tu ấy, tục gia có thể giữ trọn vẹn bằng tinh thần.
Ðường tu gia đình
Nếu Giáo hội là Loài người mới , thì như loài người, Giáo hội phải coi gia đình (trong Chúa) là tế bào nó dệt nên chính mình. Vâng, Giáo hội không thể đồng hóa mình với khối nhỏ giáo sỹ-tu sỹ, với tín hữu chỉ được coi như vệ tinh.
Nếu coi gia đình tín hữu là tế bào của mình, đồng thời là tế bào của xã hội, thì Giáo hội phải thấy rất rõ rằng, mình không thể thánh hóa loài người mà không quan tâm nhất đến việc thánh hóa gia đình Kytô-hữu. Nếu Giáo hội có đào tạo những giáo sỹ tốt và tu sỹ tuyệt vời, thì cũng là vì sự thăng tiến của toàn khối tín hữu và sự bành trướng của mình cho vừa tầm thế giới đó thôi.
Sự thánh thiện của gia đình là ở tình yêu trước hết. Vì chỉ bằng tình yêu, và tình ấy siêu nhiên, thì gia đình mới nên "dấu chỉ", do đó hoàn thiện mình như giáo hội, một giáo hội tại gia.
Ðể yêu siêu nhiên, gia đình vừa phải duy trì và phát triển tình yêu, vừa phải thanh luyện nó bằng các phương thức chung để thanh luyện và Kytô-hóa đức Ái. Và như thế, không thể chỉ yêu tự nhiên, yêu thuần theo tình cảm được. Và như thế, vừa phải khôn ngoan để áp dụng phương pháp, vừa phải tập từ bỏ để làm chủ bản năng, để có đức tính hy sinh và thái độ siêu thoát.
Sống siêu thoát, hy sinh và hòa thuận được như vậy, là sống sự lành thánh của Thánh gia đấy. Và đấy cũng là sao nguyên bản sự khăng khít Kytô-Hội thánh, sự thân mật của Thiên Chúa Ba Ngôi. Ai dám bảo như thế chưa đủ là thánh, chưa phải là chết đi với Chúa trên thập giá để sống lại thật với Ngài? Không có thánh thiện nếu không có tinh thần Mở cửa (ouverture). Không có Giáo hội nếu không có hướng sống cộng đồng. Mà Mở cửa nào lại không là đòi hỏi của nếp sống tại gia? Và cộng đồng nào lại không lấy gia đình làm gương mẫu sống? Tất cả chỉ cần đưa vô một cái nhìn siêu nhiên để chuyển hướng, và một tinh thần hy sinh để luyện lọc.
* * *
Tình yêu đôi lứa kết thành hoa, thành quả nơi đứa con, để nơi đứa con này, nó tìm thấy một sự sung mãn sờ mó được. Ở súc vật, tương quan phụ mẫu-tử chỉ tồn tại bao lâu đứa con cần được nuôi dưỡng, nên khi mèo con tự sống được rồi, thì mèo mẹ cũng coi nó như xa lạ ngay. Vì con người thân tâm thành một, nên quan hệ sinh dưỡng vang vọng tới tinh thần, để nhờ tinh thần mà trở nên vĩnh cửu. Nên vĩnh cửu luôn cả trách nhiệm về nhau và bổn phận đối với nhau.
Nơi đứa con, gia đình mở về tương lai, nên sống sâu xa đức Vọng. Trong Chúa, nó được bảo đảm sự trường tồn dòng giống, khiến mẹ cha dù trước ngưỡng cửa sự chết, vẫn thấy như mình sống tiếp phần nào. Cha mẹ càng bị hút về tương lai hơn khi nuôi dưỡng cho những mầm non kia nên người và nên thánh.
Khoái cảm trong ân ái, mừng vui nơi đứa nhỏ, khi được thăng hoa trong yêu thương siêu nhiên, sẽ cho sống Phục sinh và nếm thử phúc Trời, trong khi khó nhọc của trồng cấy được coi như thánh giá của đầu tư.
Quả thật, cuộc sống gia đình được dệt nên bằng hằng hà những niềm vui nỗi khổ, những khó nhọc lo âu, nhưng đây là khổ vui chung, khổ vui cùng chia sẻ, khiến trong tinh thần siêu nhiên, ta có thể kinh nghiệm một cách sâu xa nhất về sự cộng đồng hành hương của Giáo hội. Sự ghi đậm mầu nhiệm Thánh giá-Phục sinh và kinh nghiệm sâu về tính cộng đồng Giáo hội ấy sẽ biến gia đình thành lò luyện tuyệt vời đúc sinh những vị thánh, như gia đình Monica - Augustinô, gia đình Martin - Tiên sa nhỏ.
Bí quyết nên thánh trong gia đình là cảm thông và phục vụ, dù cách yêu thương có khác nhau do quan hệ khác nhau.
Ðứng trước đứa con, cha mẹ là hiện thân của tình Cha Thiên quốc (Ep. 3.15). Hãy yêu con như Thiên Chúa đối với Chúa Yêsu. Còn con, hãy đưa lòng mình nhập vào lòng Chúa Yêsu đối với Cha để kính yêu cha mẹ.
Yêu con, thì không cần phải hối thúc cha, nhất là mẹ, yêu nó. Nhưng phải luôn nhắc nhở họ vượt trên "đam mê con" để yêu nó vì tương lai của nó, chứ đừng nuông nó vì cái khoái ích kỷ của mình.
Bố mẹ dễ hướng về con, chứ con thì nhìn về phía trước, nên cần hối thúc nó quan tâm đến bố mẹ đứng đằng sau, nhất là khi họ đã già rồi ("Lòng các con bạn ở trong ngôi nhà của ngày mai, mà các bạn không thể tới thăm, dù là trong mộng tưởng" - Kahlil Gibran, the prophet). Con đã nhận quá nhiều từ bố mẹ, thế mà điều đáng khinh nhất ở một con người là sự vô ân. Vậy đường nên thánh của đứa con, trong tương quan với ba má nó, không gì khác hơn là sự tri ân, là đức Hiếu. Bằng cái nhìn siêu nhiên, hãy lên xuống giữa ơn sinh thành của cha mẹ trần gian và ơn tạo thành, tái tạo của Cha Thiên Chúa. Và lồng hai ân vào nhau, để bằng cái nọ mà hiểu cái kia, bằng cái sau thiêng liêng hóa cái trước. Phương đông có truyền thống cao về đức Hiếu. Hãy Kytô-hóa nó bằng "Lạy Cha chúng con ở trên Trời".
* * *
Do quan hệ hàng dọc với mẹ cha, mà có tương quan hàng ngang giữa anh chị em với nhau. Dưới bóng Cha trên trời, đang là anh em ruột, ta thành anh em thiêng liêng nữa trong Giáo hội tại gia của chúng ta. Hãy làm vui lòng cả hai cấp mẹ cha bằng cách yêu nhau như trong cùng một thân thể.
Quan hệ gia đình tự nó mở rộng thành quan hệ hàng ngang của họ hàng và tương quan hàng dọc của tông giống. Gia đình mở rộng ấy là một truyền thống rất Phương đông. Ðây là những quan hệ tốt và rất tự nhiên, nên cần được siêu nhiên hóa để trong đó gia đình được bảo vệ và thánh hóa. Vâng, chính nhờ quan hệ hai chiều đó mà gia đình Phương đông thành bền chặt. Bền chặt nhất là vì gia đình được nấp bóng thiêng liêng của tiên tổ trong tục thờ gia tiên, do đó cũng được thiêng liêng hóa theo. Hãy tái lập tục thờ gia tiên trong các gia đình Kytô-hữu, dưới một hình thức thanh thoát hơn và chuyên biệt Kytô-tính. Trước hết, hãy đặt trên bàn thờ ông bà một nến Phục sinh và một Thập giá. Và đặt dưới bóng bàn thờ ấy những vui buồn chung, nhất là trong những dịp Hiếu và Hỉ.
Trong Hội thánh, chúng ta đã là thày tế khi được dự vào tế chức Chúa Kytô. Vậy trong Giáo hội tại gia là gia đình, chủ gia đình cũng thành chủ tế nữa, để hằng ngày dâng lên Chúa tế phẩm riêng là những đau thương và cố gắng chung, tế phẩm nó thành đáng giá trong tế phẩm Thập giá Con Chiên Thiên Chúa. Rất cần một phụng vụ chính thức cho gia đình. Và thỉnh thoảng một thánh lễ tại gia, giúp cho gia đình hiển hiện thành Tập hợp (ekklêsia) Dân Chúa.
Ðường tu tại thế của gia đình
Yêu gia đình không có nghĩa là khép kín ở gia đình. Gia đình Việt Nam là gia đình nới rộng đến gia tộc. Nhưng gia đình ấy lại thường khép kín đứng trước quốc gia và thế giới, trong khi mà sống lý tưởng theo đạo Nho phải theo bốn nấc: tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.
Người đệ tử Chúa, chí càng phải ở bốn phương hơn thế. Giáo hội vừa là Dân tuyển, vừa phải là cả Loài người (đổi mới), nên bản chất Giáo hội là giằng co: Là "Số còn lại" đấy, mà nó vẫn phồng lên, sao cho vừa tầm năm châu mới được.
Gia đình, ở chỗ là Giáo hội tại gia, cũng chia sẻ sứ mệnh ngôn sứ ấy và cảm nhận sự đau đớn của giằng co này. Nó phải cảm nhận sâu xa nhất, vì tuy thuộc Chúa, nó cũng là tế bào của xã hội. Bởi thế, gia đình không thể hiện thân như "dấu chỉ" mà không đồng lúc thành "men", không tận sức cho việc loan Tin mừng. Bằng đời sống trước tiên, cố nhiên. Bằng nhiều cách khác tùy khả năng mỗi người. Hồi đầu, Giáo hội đã là của chung như thế đấy. Dù không phải nhóm Mười hai, không là chức sắc, những người như Phaolô, Apollô hay Philíp, đều xung phong đi loan Tin mừng.
Thuộc về đời, gia đình phải chu toàn các nghĩa vụ công dân, phải dấn thân vào các sinh hoạt công ích. Như thế, vừa với tư cách là thành phần của quốc gia và thế giới, vừa với thế đứng là thân mình nối dài của Chúa Kytô.
Dấn thân, họ nên dấn thân vừa với tư cách cá nhân, vừa với tư cách gia đình, tế bào lưỡng diện của loài người và Hội thánh. Bao nhiêu có thể, họ nên đi họp và sinh hoạt chung với nhau, trong khu vực ngành nghề cũng như kinh tế, chính trị, v.v... Về vai trò của nghề nghiệp trong việc thánh hóa đời sống, chúng ta sẽ đề cập đến ở một chỗ khác. Ở đây, chúng ta chỉ nhắc nhở các thành viên gia đình hãy quan tâm đến nghề nghiệp và sinh hoạt nghề nghiệp của nhau. Tình yêu sâu xa đòi chia sẻ bao nhiêu có thể. Tại sao không thể cảm thông và chia sẻ trong sinh hoạt nghề nghiệp nhỉ, khi mà nghề nghiệp hôm nay chiếm gần trọn quan tâm của mỗi người chúng ta?
Chia sẻ trong địa hạt đời rồi, càng nên chia sẻ trong địa hạt đạo nữa. Ðây là sinh hoạt giáo xứ, sinh hoạt đoàn thể , nhất là sinh hoạt của các cộng đồng cơ sở chặt chẽ hôm nay, chúng bao gồm những gia đình và cá nhân tự nguyện.
Dấn thân như thế, gia đình Kytô-giáo luôn nhớ rằng, tuy mình thuộc loài người, nhưng cũng thuộc Dân Chúa, và tư thế này quan trọng nhất. Bởi thế, khi phải sống giữa bùn, họ phải sống tinh tấn như sen. Nghĩa là, vẫn cố hòa đấy, nhưng "hòa nhi bất đồng". Ðể được thế, phải cầu ơn dũng cảm và phân định, để có thể luôn sống đơn sơ như chim câu với sự khôn khéo của con rắn.
TÓM LẠI
Thói khinh tục trọng tu khiến gần như chẳng tín hữu nào muốn nên thánh tại gia, tưởng rằng hễ tại gia thì không thể làm thánh.
Thế nhưng, nếu Giáo hội là Loài người đổi mới và gia đình là tế bào xã hội, do đó cũng là tế bào của Loài người mới này, thì Nước Chúa không thể được hoàn thành nếu gia đình không thánh đủ để nên "dấu chỉ" cho sự gắn bó mật thiết giữa Chúa Kytô với hiền thê Giáo hội của Ngài.
ät ra, gia đình có khả năng nên thánh, vì nó nhận được ân sủng rất lớn lao, nhờ hội nhập vào sự mật thiết Kytô-Giáo hội bằng huyền tích. Gia đình càng có khả năng nên thánh hơn nữa, khi mà thánh thiện nằm ở yêu thương, khi mà yêu thương lại là đặc sản của gia đình.
Vấn đề vì thế, chỉ là đưa vô tình yêu và đời sống cộng đồng sẵn có, một cái nhìn siêu nhiên cùng với những cố gắng thanh luyện. Và để được thế, phải tập hy sinh, tự chế, sao để có thái độ siêu thoát và sự quên mình dễ dàng. Vâng, có gì siêu thoát dù với sức nặng của nhục dục ái ân, có gì vị tha dù trong bão táp của tình yêu say đắm.
Vì thế, từng lúc phải dồn nén libido, chế ngự cám dỗ, đồng thời thăng hoa những xung động này. Lại phải tập bớt nghĩ về mình và năng nghĩ đến người thân, tập bớt ý riêng để dễ sống chung dù vẫn phải có những phút riêng tư và cái gì riêng tư trong cuộc sống.
Gia đình thuộc về xã hội, nên phương châm hành động của gia đình phải là vào đời với cả hai tư cách cá nhân và tập thể, và vào đời cả trong tinh thần yêu thương lẫn siêu thoát, hòa đấy mà không đồng, để có thể thành "dấu chỉ" cho sự có mặt (và tình yêu) của Chúa đang sung sướng giữa Dân Chúa.
Linh Mục Hoành Sơn, SJ.
Nguồn: http://ubmvgiadinh.org