Thứ Tư, 21 tháng 10, 2009

10 Đề Tài Về Gia Đình (4)

Mười đề tài giáo lý của Hội Đồng Tòa Thánh về Gia Đình cho Cuộc Hội Ngộ Quốc Tế Gia Đình lần thứ VI ở Mêxicô

Đề tài 4: GIA ĐÌNH TRUYỀN ĐẠT CÁC NHÂN ĐỨC VÀ CÁC GIÁ TRỊ
Jn 1, 43-51
1. Gia đình, được sinh ra từ sự hiệp thông mật thiết của sự sống và của tình yêu vợ chồng, được xây dựng trên hôn nhân của một người nam và một người nữ, là nơi đầu tiên của các mối tương quan liên nhân vị, là nền tảng của đời sống của các nhân vị và là nguyên mẫu của mọi tổ chức xã hội.

Chiếc nôi sự sống và tình yêu này là nơi thích hợp trong đó, con người sinh ra và lớn lên, lãnh nhận những ý niệm đầu tiên về chân lý và sự thiện, là nơi mà con người học biết thế nào là yêu thương và được yêu thương và, do đó, thế nào là một nhân vị.

Gia đình là cộng đồng tự nhiên, nơi diễn ra kinh nghiệm đầu tiên và việc học tập đầu tiên của xã hội loài người, nơi đó, người ta không chỉ khám phá ra tương quan nhân vị giữa cái «tôi» và cái «bạn», nhưng còn cái «chúng ta» nữa.

Sự trao ban hỗ tương của người nam và người nữ được kết hiệp trong hôn nhân, tạo nên một môi trường sống trong đó, con cái có thể phát triển các khả năng của mình, ý thức về phẩm giá của mình và chuẩn bị đương đầu số phận độc nhất của mình và không thể tái diễn, trong bầu khí tình cảm tự nhiên nối kết các thành viên trong cộng đồng gia đình này, mỗi nhân vị được nhìn nhận và trở nên có trách nhiệm trong tính độc đáo của mình.

2. Gia đình giáo dục con người theo tất cả những chiều kích hướng đến phẩm giá tròn đầy của nó. Đó là mảnh đất thích hợp nhất cho việc giáo huấn và truyền đạt các giá trị văn hóa, luân lý, xã hội, thiêng liêng và tôn giáo, mà thiết yếu cho sự triển nở và hạnh phúc cho các thành viên của nó cũng như của xã hội. Quả thế, đó là trường học đầu tiên về các đức tính xã hội mà mọi quốc gia cần đến.

Gia đình trợ giúp các nhân vị phát triển những giá trị căn bản không thể thiếu để hình thành những công dân tự do, lương thiện và có trách nhiệm: chân lý, công bằng, tình liên đới, giúp đỡ người yếu thế nhất, tình yêu tha nhân và bản thân, lòng bao dung…

3. Gia đình là trường học tốt nhất để tạo nên những tương quan cộng đồng và huynh đệ, đối diện với những khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa hiện hành. Quả thế, tình yêu – linh hồn của gia đình trong mọi chiều kích của nó – là chỉ có thể nếu có sự trao ban chân thành chính mình cho người khác.

Yêu mến có nghĩa là cho đi và lãnh nhận những gì không thể bán hay mua. nhưng chỉ là trao ban cách tự do và hỗ tương.

Nhờ tình yêu, mỗi thành viên của gia đình được nhìn nhận, chấp nhận và tôn trọng trong phẩm giá của mình.

Từ tình yêu, nảy sinh ra những tương quan được sống, như là sự trao ban nhưng không, và những tương quan vô vị lợi và liên đới sâu xa.

Như kinh nghiệm cho thấy, gia đình xây dựng một mạng lưới tương quan liên vị và chuẩn bị cho cuộc sống ở xã hội trong một bầu khí tôn trọng, công bằng và đối thoại đích thực.

4. Gia đình kitô hữu làm cho con cái khám phá rằng các bậc ông bà và những người già cả không phải là những người vô dụng bởi vì họ không sản xuất, cũng chẳng phải là những gánh nặng bởi vì họ cần đến sự chăm sóc vô vị lợi và liên lỉ về phía con cháu; gia đình dạy cho các thế hệ mới biết rằng bên cạnh những giá trị kinh tế và chức năng, còn có những điều thiện hảo khác nữa: nhân bản, văn hóa, luân lý, xã hội mà thậm chí, cao hơn cả chúng nữa.

5. Gia đình giúp khám phá ra giá trị xã hội của các của cải mà họ sở hữu. Một chiếc bàn quanh đó, mọi người chia sẻ cùng các thức ăn, thích nghi cho sức khỏe và tuổi tác của các thành viên, là một ví dụ đơn sơ, nhưng rất hữu hiệu, để khám phá ra ý nghĩa xã hội của các của cải được làm ra. Như thế, con cái học lấy những tiêu chuẩn và thái độ sẽ giúp đõ chúng về sau trong một gia đình rộng lớn hơn, là chính xã hội.

(Còn tiếp)
Lm Võ Xuân Tiến chuyển ngữ từ bản tiếng Pháp

Nguồn: Website Tổng giáo phận Huế
http://tonggiaophanhue.net

Không có nhận xét nào: