Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2009

Lưu Ý Về Mục Vụ Hôn Phối

ÍT ĐIỀU NÊN LƯU Ý VỀ MỤC VỤ HÔN PHỐI
A.VIỆC ĐIỀU TRA TRƯỚC HÔN PHỐI.
B. RIÊNG VỀ MẤY NGĂN TRỞ HÔN PHỐI.
C. HÌNH THỨC KẾT HÔN VÀ VIỆC CHỨNG HÔN.
D. VỀ ĐẶC ÂN THÁNH PHAOLÔ.
E. VIỆC GHI SỔ SÁCH.

A- VIỆC ĐIỀU TRA TIỀN HÔN (DE INVESTIGATIONE PRAEMATRIMONIALI)
I. LUẬT ĐIỀU TRA.
“ Trước khi thành hôn phải biết chắc không có gì ngăn trở để kết hôn thành và thích pháp.”(Can.1066,§)

Để được biết chắc như thế, một trong các phương thế Giáo hội dạy, là điều tra cho kỹ lưỡng trước khi kết hôn.

Chiếu theo Can.1067 và Huấn thị SACROSANCTUM ngày 29.6.1941 của Thánh bộ Bí tích, chúng ta nên lưu ý mấy điểm sau:

1/ Ai điều tra?
· Là Cha xứ (sở) có quyền chứng hôn, tức là cứ thường lệ Cha xứ đàng gái (Can.1115§ 2), dù Ngài có đồng ý cho đôi hôn phối thành hôn ở giáo xứ đàng trai hay ở một giáo xứ khác.

· Việc điều tra này buộc nhặt (sub gravi) dù cha xứ chắc (moraliter certus) không có gì ngăn trở cũng phải thi hành.

· Và phải đích thân làm lấy, trừ khi có lý do chính đáng mới được nhờ người khác (H.T. Sacrosanctum, số 4).

· Còn cha xứ đàng trai và cha khác, nếu có liên hệ, tự động hay do chính vị hôn phu hoặc cha xứ của y xin, phải sẵn sàng giúp việc điều tra đó. (Ibid)

2/ Điều tra lúc nào?
· Phải điều tra vào thời gian thích hợp (tempore opportuno) trước khi kết hôn, nghĩa là trước hoặc trong thời gian hôn phối.


3. Điều tra về những gì?
· Phải dò xét tất cả những gì có thể ngăn trở cho vụ hôn phối bất cứ cách nào.

a/ Trước hết là Bí tích rửa tội và Bí tích thêm sức, coi đã lãnh nhận chưa, nơi lãnh nhận… (Sacrosanctum, số 4, C).

- Chiếu theo Can.1122 nếu đương sự đã không được rửa tội tại xứ hay sở của cha, thì ngài phải đòi Chứng Chỉ Rửa Tội của cả hai bên hoặc của bên Công Giáo, nếu là hôn phối được chuẩn ngăn trở dị giáo; nếu là hôn phối xin chuẩn ngăn trở tạp giáo, thì đòi Chứng Chỉ Rửa Tội cả bên Kitô-hữu không công giáo.

- Theo Huấn Thị Sacrosanctum, Chứng Chỉ Rửa Tội phải mới được cấp chưa quá 6 tháng tính đến ngày định thành hôn. Huấn Thị dạy như vậy, nhưng thiết tưởng khi không có lý gì mà nghi đương sự đã có đôi bạn, thì chứng chỉ cấp đã lâu cũng được. Và chứng chỉ đó phải được trích lục từ Sổ Rửa Tội của giáo xứ (giáo sở) và trong đó phải ghi đầy đủ những điều cần phải ghi chú theo Can. (xem sau đây Đ.2: về việc ghi sổ sách).

- Trường hợp nguy tử, nếu không thể có bằng chứng gì hơn, thì đương sự thề mà qủa quyết mình đã chịu phép Rửa tội là đủ (Can.1068). Ngoài trường hợp nguy tử, nếu không có chứng chỉ chính thức trích sao từ Sổ Rửa Tội của giáo xứ, thì một nhân chứng thật chắc chắn cũng đủ, hay nếu đương sự chịu phép Rửa tội khi đã khôn lớn thì chính người ấy thề quả quyết mình đã chịu phép Rửa tội cũng được.

b/ Tiếp đến là điều tra xem đôi hôn phối có liên hệ với những giáo xứ hay giáo sở nào để nếu cần thì sẽ rao ở đó, hay sẽ phải thông báo một khi đã thành hôn: xem họ đã đến tuổi thành niên hay còn là vị thành niên; xem cả hai hay ít ra một bên là góa thì thì lại phải điều tra về cái chết của người bạn cũ của họ để biết chắc không có gì ngăn trở đôi hôn phối, và còn xét coi giữa hai người toan kết hôn có ngăn trở họ kết bạn, ngăn trở công hạnh hay ngăn trở tội ác chăng.

c/ Cha xứ, cha sở phải hỏi vị hôn phu và vị hôn thê, hỏi riêng lẻ và một cách khôn ngoan, khéo léo, tế nhị, dè dặt… xem họ có mắc ngăn trở gì không – có tự do ưng thuận hay bị ai ép buộc (Can.1066).

- Theo H.T.Sacrosanctum thì đây là lúc lấy KHẨU CUNG theo mẫu số 1 (có tờ in sẵn), nhưng vì có những câu hỏi sau khi học giáo lý hôn phối mới để trả lời, nên chúng ta thường lấy khẩu cung sau khi đã dạy đủ giáo lý, miễn là trước khi cho kết hôn.

II. VỀ RAO HÔN PHỐI
Rao hôn phối là 1 phương thức điều tra, Giáo Luật buộc phải thi hành (Can.1067) và thỉnh thoảng nên nhắc cho tín hữu nếu biết ngăn trở gì thì buộc phải báo cáo cho Cha xứ hay Đấng Bản quyền (Can.1069).

· Bình thường phải rao đủ ba lần.

· Theo Năng Quyền thập niên số 30, cha xứ (sở) được chuẩn rao 01 lần, miễn là có lý do chính đáng và chắc chắn không có ngăn trở nào.

· Cha quản hạt được chuẩn rao 02 lần (N.Q.T.N số 33).

· Chỉ Đấng Bản quyền mới được rao 03 lần.

· Trái lại, những vụ hôn phối được chuẩn ngăn trở khác tôn giáo thì không rao

· Nếu đàng trai thuộc một giáo xứ hay một giáo sở khác, thì phải rao cả hai nơi: Nếu có một bên nào – sau 14 tuổi – đã ở nơi nào khác quá 06 tháng, thì phải xin ý kiến Đấng Bản quyền coi có cần rao nơi đó không; nếu có lý do mà nghi có ngăn trở, thì cũng xin ý kiến như vậy.

III. CHUYỂN HỒ SƠ
Các cha xứ (sở) đã được xin điều tra, xin rao hôn phối, phải cố gắng làm tốt và sớm, và sau khi làm xong gởi cho cha xứ (sở) đàng gái đã xin rao: Văn thư điều tra, chứng chỉ rao, chứng chỉ rửa tội, thêm sức v.v… hay có tài liệu gì khác trong văn hàm xứ sở mình liên quan đến vụ hôn phối.

IV. KHẢO VÀ DẠY GIÁO LÝ.
Cha xứ phải khảo hạch đôi hôn phối, xem họ có biết đủ Giáo Lý Công Giáo không (cách riêng về Bí Tích Hôn Phối).

· Theo U.B. Giải thích Giáo Luật của Toà Thánh ngày 23-6-1918 và Cộng Đồng Đông Dương, số 262, nếu thấy đôi hôn phối dốt Giáo Lý, thì hãy chịu khó dạy kỹ cho họ ít là những điều căn bản của Giáo Lý Công Giáo; (nếu họ không chịu học thì cũng phải chứng hôn cho họ, không được xử họ như là một tội nhân công khai, theo Can.1066)

Do đó, thiết tưởng chúng ta nên uyển chuyển trong vấn đề này, nhất là đối với hoàn cảnh khó khăn hiện nay; không nên bắt học thuộc lòng nhiều quá: Chúng ta nên chịu khó dạy cho họ hiểu là đủ.

· Những người xin theo đạo để cưới vợ lấy chồng, mà lại trong hoàn cảnh khó khăn, thì phải hiểu đó là trường hợp ngoại thường. Vậy thiết tưởng nên xử trí một cách uyển chuyển, theo khả năng của họ. Dĩ nhiên phải cố gắng dạy cho họ biết Giáo lý tối thiểu, để họ có thể có một đức tin chân thật, sống đạo có căn bản, chứ không phải chỉ dạy qua loa sơ sài… Nhưng nếu đòi hỏi quá kéo dài thời gian, có thể thiệt hại cho họ, làm họ chán nản, có thể sinh ác cảm với đạo Công giáo, hay liều về sống chung với nhau, sinh gương xấu… và “rối”.

B- VỀ CÁC NGĂN TRỞ HÔN PHỐI
Chúng ta đã thấy Giáo luật buộc cha xứ (sở) phải điều tra kỹ lưỡng xem đôi hôn phối có mắc ngăn trở gì không (x cc 1073-1094). Cũng biết chúng ta có quyền chuẩn một số ngăn trở. Do đó, chúng ta cần hiểu rõ các ngăn trở, phân biệt các ngăn trở nào là do luật tự nhiên hay luật Thiên Chúa, những ngăn trở nào là do luật Giáo Hội, ngăn trở nào là thượng đẳng, ngăn trở nào là hạ đẳng. Chúng ta nên xem kỹ lại bản giải thích các Năng Quyền Thập Niên đã phát cho chúng ta từ trang 68-78.

Sau đây, xin lưu ý thêm về mấy ngăn trở.

Ngăn trở khác đạo. Chúng ta biết:

· Ngăn trở khác đạo giữa một người đã rửa tội trong Giáo Hội Công Giáo (hoặc) đã rửa tội trong một giáo phái Kitô giáo không công giáo mà sau đã gia nhập Công giáo (và) một người Kitô hữu không Công giáo, được gọi là ngăn trở tạp giáo và là ngăn trở cấm hôn.

· Ngăn trở khác đạo giữa một người Công giáo và một người lương không hay chưa rửa tội được gọi là ngăn trở dị giáo và là ngăn trở tiêu hôn (impedimentum dirimens), thượng đẳng.

Trước đây, Giáo Hội Công Giáo rất khắc khe đối với những vụ hôn phối khác tôn giáo (Cc 1124-1129). Nhưng ngày 31-3-1970 Đức Phaolô VI đã ban hành Tư Sắc Matrimonia Mixta (MM) làm dịu bớt các đòi hỏi trước, nhất là về các cam kết (cautiones).

Thiết tưởng, chúng ta cũng nên vì hoàn cảnh thay đổi mà dễ dãi hơn, nhất là đối với những trường hợp GỠ RỐI để bên Công Giáo được yên lương tâm, được hưởng các ân huệ của Hội Thánh và con cái họ được chính thức hóa. Lý do GỠ RỐI này (ut cesset publicus concubinatus) là một lý do mạnh để ban Ơn Chuẩn.

Theo Tự Sắc Matrimonia Mixta, để được chuẩn ngăn trở khác đạo, chỉ cần những điều kiện sau đây:

1/ Người bạn Công giáo phải làm hai điều:
a. Một là tuyên bố mình sẵn sàng tránh những nguy hiểm làm mất Đức Tin của mình.

b. Hai là thành thật hứa (buột nhặt) sẽ lo liệu hết sức đề con cái ĐÃ hay SẼ SINH được rửa tội và giáo dục trong Giáo Hội Công Giáo.

2/ Phải cho người bạn không Công giáo hiểu rõ những điều người bạn Công giáo phải cam kết, để người ấy ý thức người bạn Công giáo cam kết những gì, buộc làm những gì.

3/ Phải dạy cho cả hai bên biết các mục đích và hai đặc tính của hôn nhân, mà không bên nào được loại bỏ một đặc tính nào. Ngoài ra, cần dạy giáo lý cho bên Công giáo thật kỹ càng, giúp người ấy sống đức tin thật vững vàng, ý thức nhiệm vụ của mình, làm gương tốt… để người ấy nhờ đó sẽ cảm hóa người bạn không Công giáo (và gia đình) gây cảm tình đối với đạo Công giáo.

III. HÌNH THỨC PHỤNG VỤ NÓI ĐƯỢC LÀ CÓ 3 NGHI LỄ HÔN PHỐI:
1. Trong Thánh lễ (S.Lễ mùa Vọng, trg.341-349)

2. Ngoài Thánh lễ (S.Lễ mùa Vọng,trg.352-359)

3. Giữa người Công giáo và người chưa rửa tội (S.Lễ mùa Vọng, trg. 354-356)

IV. THEO HÌNH THỨC NÀO?
1/ Bình thường, đôi hôn phối của hai người công giáo phải được cử hành theo hình thức pháp lý thông thường, kèm theo hình thức Phụng vụ, trong thánh lễ, hoặc ngoài thành lễ khi có lý do chính đáng.

2/ Hôn phối giữa một người Công giáo và một người không Công giáo (được chuẩn ngăn trở khác đạo) cũng phải cử hành theo hình thức pháp lý thông thường; nhưng khi có lý do quan trọng thì Đấng Bản Quyền được chuẩn, miễn là giữ được tính cách công khai cho tòa ngoài (TS Matrimonia Mixta, số 8,9).

Còn về hình thức phụng vụ:

· Nếu bên kia là người Kitô giáo không công giáo, thì cử hành theo nghi thức ngoài Thánh lễ, nhưng khi Đấng Bản Quyền đồng ý, thì được cử hành trong Thánh lễ, trừ việc người không công giáo KHÔNG RƯỚC LỄ.

· Nếu người bên kia là lương (chưa rửa tội) thì theo nghi thức riêng, nói ở khoảng III, 3 trên đây

3/ Khi cử hành hôn phối khác đạo (đã được chuẩn ngăn trở), nếu có lý do chính đáng, có thể bỏ hình thức Phụng vụ.

Khi cử hành hôn phối theo hình thức pháp lý ngoại thường hay đặc biệt, có thể ngần nào thì cũng nên kèm theo nghi thức phụng vụ (ít là đọc Lời Chúa); nhưng có lý do hợp lẽ, thì bỏ hết nghi thức phụng vụ.

V. “PHÉP GIAO” LÀ GÌ?

Như vậy, chúng ta thấy hình thức kết hôn mà người ta quen gọi là PHÉP GIAO không có nghĩa là chỉ cử hành hôn phối theo hình thức pháp lý không kèm theo hình thức phụng vụ. PHÉP GIAO chỉ là cử hành hôn phối theo hình thức phụng vụ ngoài Thánh lễ, một cách khiêm tốn, âm thầm, không long trọng, không rầm rộ… Đây thường là một biện pháp kỷ luật, theo thói quen từ lâu trong nhiều giáo xứ Việt Nam (nhất là trong các địa phận ĐÀNG NGOÀI) áp dụng cho những đôi hôn phối ít xứng đáng, đã làm gương xấu (Ví dụ đã công khai sống chung với nhau, đã “mang bầu” rõ ràng trước khi kết hôn theo tôn giáo,v.v…)

Nói là: “theo thói quen các giáo xứ Việt Nam ” vì luật chung không có các biện pháp kỷ luật đó.

VI. KẾT HÔN Ở ĐÂU?
Bình thường, hôn phối phải cử hành trong nhà thờ, mà là nhà thờ xứ. Nhưng khi có lý do chính đáng, thì được cử hành tại cư gia.(Can.1116) (cf.CĐĐD,số 277).

D- VỀ ĐẶC ÂN THÁNH PHAOLÔ
1- HÔN PHỐI GIỮA 2 NGƯỜI LƯƠNG (NGHĨA LÀ KHÔNG RỬA TỘI):
Hôn phối giữa 2 người lương (nghĩa la không rửa tội) nếu thành là chính đáng (matromonium legitimum) và theo luật tự nhiên, nó cũng phải có tính cách bền vững. Tuy nhiên vì không phải là bí tích, nên sự bền vững đó không tuyệt đối. Vì thế, theo I Cor.VII.15 thì khi 1 trong 2 người trở lại đạo công giáo, nếu người không trở lại hay không chịu sống chung hòa thuận khỏi làm sỉ nhục Đấng Tạo Hóa, thì người đã trở lại đạo công giáo có quyền kết hôn với 1 người công giáo và hôn phối trước bị ĐOẠN TIÊU, đó là đặc ân đức Tin (privilegium Fidei) hay đặc ân Thánh Phaolo (privilegium Paulinum: cc.1143 – 1147)

2- ĐIỀU KIỆN
a. Hôn phối giữa hai người lương thành, nghĩa là có hôn phối thật sự.

b. Một bên trở lại đạo công giáo, bên kia cứ đi lương.

c. Bên đi lương bỏ (discedit) bên công giáo: (discessus physicus) BỎ THẾ LÝ hay (discessus moralis) BỎ TINH THẦN.

3- GIẢI THÍCH 3 ĐIỀU KIỆN:

a. Hôn phối thành giữa hai người lương: LƯƠNG đây phải là chưa rửa tội, dù là dự tòng. Nếu 1 bên rửa tội ngoài công giáo, 1 bên lương thì không có đặc ân Thánh Phaolo theo đúng nghĩa, nhưng trường hợp đặc biệt, có lợi cho đức tin (cho đạo) thì Tòa Thánh có thể tháo gỡ hôn phối đó để người trở lại công giáo được kết hôn (chữa tận căn sanatio in radice) với một người công giáo khác.

Toà Thánh có ban quyền cho các Giám Mục VN, được tháo gỡ hôn phối như vậy do Năng Quyền đặc biệt, 5.5.1972 (số 2)

Hôn phối giữa 2 người lương là thành:

- Khi có cưới hỏi, có giá thú đàng hoàng.

- Khi chính hai vợ chồng tự coi mình là vợ chồng thật và cả láng giềng bà con cũng con như thế, không thắc mắc.

- Dù HỒ NGHI thì cũng phải cho là thành: (In dubio standum est pro valore matrimonii. Can.1060).

b. Một bên trở lại công giáo: Việc một bên trở lại đạo công giáo là chịu phép rửa tội trong giáo hội công giáo, tự nó không đoạn tiêu hôn phối giữa hai người lương, nhưng chỉ BAN QUYỀN cho người trở lại công giáo được hỏi (interpellare) người bạn còn đi lương. Nếu người này trả lời PHỦ QUYẾT, thì bên trở lại công giáo được quyền đi kết hôn với người công giáo, và chỉ khi kết hôn thật sự, thì dây hôn phối trước mới đứt.

Để dùng đặc ân Thánh Phaolo thành pháp (valide) thì một bên trở lại và rửa tội rồi, bên kia chưa rửa tội là đủ. Nhưng để thích pháp (licite) thì sự trở lại công giáo đó phải chân thành, vì chỉ có thế thì chịu phép rửa tội mới thích pháp.

Do đó, thường phải bảo người muốn trở lại công giáo về điều đó trước khi làm phép rửa tội cho họ. Nếu không có ý ngay lành, không thật lòng muốn chung sống hoặc làm hòa lại với người bạn hợp pháp hay là mưu mô để người ấy bỏ đi… thì không có điều kiện để chịu phép rửa tội. Tuy nhiên, nếu thấy bảo vô ích thì có khi không nên QUẤY RỐI lòng ngay. (Vromant, De Matrim.N.285sq)

c. Bên còn đi lương bỏ đi
- Bỏ thể lý : Thật sự đã không còn sống chung, hoặc hỏi mà từ chối hẳn việc sống chung: (dissessus có thể là formalis hay materialis)

- Bỏ tinh thần: Muốn sống chung nhưng không sống hòa thuận, không làm sỉ nhục Đấng Tạo Hóa (pacifice sine contumelia Creatoris): chế nhạo đạo thánh, nói hay làm những điều nguy hiểm cho Đức Tin hay đạo đức của bên công giáo, hoặc hay cãi cọ mắng chửi, đập đánh,v.v…

4 - INTERPELLATIO (HỎI)
Để chứng minh “sự bỏ đi” của người bạn bên lương, thì phải HỎI (danh từ Giáo Luật là Interpellare) người ấy hai điều:

a. Có muốn trở lại đạo công giáo, chịu phép Rửa tội như người bạn kia không?

b. Có bằng lòng sống chung với người bạn đã đi đạo công giáo cách hòa thuận, không sỉ nhục đến Đấng Tạo Hóa không?(Can.1144 § 21)

CÁC CHI TIẾT:

1/ Thời gian hỏi:

Thường phải hỏi SAU KHI bên trở lại công giáo đã được rửa tội, trước khi kết hôn với người công giáo. Trường hợp có lý do quan trọng, thì Đấng Bản Quyền có thể cho phép hỏi trước khi rửa tội. (T.S.Pastorale munus, số 23).

2/ Hỏi ai?

Phải hỏi chính người bạn còn đi lương, và hỏi nhân danh người bạn đã trở lại đạo công giáo.

3/ Trường hợp nào phải hỏi?

Phải hỏi luôn, trừ khi Toà Thánh đã tuyên bố thể khác (Can.1114).

Dù thấy hỏi mà vô ích cũng vẫn cứ hỏi, nhưng khi không thể hỏi được hay thấy hỏi mà vô ích, thì có thể xin Đấng Bản Quyền chuẩn cho khỏi hỏi. Thường Đấng Bản Quyền chỉ được chuẩn hỏi sau khi người bạn trở lại công giáo đã được rửa tội. Nhưng nếu có lý do quan trọng. Ngài có thể chuẩn hỏi trước khi rửa tội.(Pastorale munus số 23).

Trong cả hai trường hợp (chuẩn hỏi, chuẩn trước rửa tội) trước khi ban Ơn Chuẩn, phải làm thủ tục điều tra về lý do, ít là theo lối hành chánh (processu summario extrajudiciali). Nếu bỏ câu hỏi 1, chỉ hỏi câu 2 và người ấy trả lời KHÔNG thì dùng Đặc Ân thành.

4/ Hình thức hỏi.

Có 3 hình thức hỏi:

- Hỏi tư (riêng) privatim.
- Theo lối Toà An (có trát gọi, có thẩm phán.v.v…)
- Lối ngoài Toà An, tức là lối hành chánh.
Hai hình thức sau là chính thức (authentica) làm do lệnh Đấng Bản Quyền của người tân tòng.

5/ Hỏi thế nào?

a. Phải hỏi THẲNG, đừng nói loanh quanh, úp mở, mà phải nói rõ là nếu… thì người tân tòng có quyền đi lấy chồng hay vợ công giáo.
b. Phải hỏi DO QUYỀN của Đấng Bản Quyền và nhân danh người tân tòng. Nếu đương sự yêu cầu thì Đấng Bản Quyền phải cho họ một thời gian để suy tính, và bảo họ, nếu quá thời gian đó mà không trả lời thì coi như trả lời PHỦ QUYẾT.
c. Đại diện Đấng Bản Quyền có thể là Cha Xứ hay một giáo sĩ hoặc giáo dân đứng đắn, khôn ngoan. Nếu 1 người không chắc thì nên có thêm 1 nhân chứng nữa. Phải ủy quyền bằng văn thư. Và thường nếu giao cho 1 giáo sĩ chức nhỏ hay 1 giáo dân thì bắt họ thề làm việc cho đàng hoàng. Khi hỏi phải làm biên bản hay báo cáo viết thành văn (2 bản).
d. Hỏi tư là khi người tân tòng tự ý hỏi lấy nhân danh cá nhân y, hoặc do Đấng Bản Quyền cho phép. Dù người tân tòng tự ý hỏi lấy, nếu Đấng Bản Quyền xét thấy có giá trị, Ngài có thể cho là đủ, nhưng phải có bằng chứng để có giá trị ở Toà ngoài – thí dụ- có hai nhân chứng. Trường hợp không hỏi được chính thức thì phải hỏi như vậy; nhưng nếu có thể thì chính linh mục hỏi lấy. Trong mỗi trường hợp, các câu hỏi và các câu trả lời phải được viết vào giấy. Cũng có thể hỏi BẰNG THƯ (gởi tay cách chắc hoặc bảo đảm) và cho một thời hạn đủ rộng rãi để trả lời (Syn.Tunq.Tit.III,c III.1,5)

N Q T A: Để tránh những rắc rối có thể xảy đến, cần bảo người bạn tân tòng, trước khi tái hôn với người công giáo hãy liệu giải quyết vụ hôn phối trước cho dứt khoát đi đã – thí dụ – ly dị ở toà đời (nếu trước có giá thú) hoặc tuyên bố trước mặt gia đình người bạn cũ, hoặc hai bên làm giấy dứt khoát bỏ nhau, bên người tân tòng giữ một bản.

E/ VỀ VIỆC GHI SỔ SÁCH.

1- Cử hành Phép Hôn Phối xong, linh mục quản xứ phải ghi vào sổ hôn phối (những điều đã in sẵn trong sổ) (cc.1121).

Nếu là hôn phối có phép chuẩn: phải ghi chú điều đó bên lề và giữ văn bản tha ngăn trở cùng với tờ khai khẩu cung (cc.1121/3)

2- Phải ghi chú hôn phối vào sổ rửa tội của người lãnh Bí Tích Hôn Phối, nếu họ đã được rửa tội trong giáo xứ (cc.1122/1)

Phải thông báo (notificatio) cho giáo xứ nơi những người ấy đã chịu phép Rửa tội để ghi vào sổ (cc.1122/2).

Thứ Tư, 21 tháng 10, 2009

10 Đề Tài Về Gia Đình (4)

Mười đề tài giáo lý của Hội Đồng Tòa Thánh về Gia Đình cho Cuộc Hội Ngộ Quốc Tế Gia Đình lần thứ VI ở Mêxicô

Đề tài 4: GIA ĐÌNH TRUYỀN ĐẠT CÁC NHÂN ĐỨC VÀ CÁC GIÁ TRỊ
Jn 1, 43-51
1. Gia đình, được sinh ra từ sự hiệp thông mật thiết của sự sống và của tình yêu vợ chồng, được xây dựng trên hôn nhân của một người nam và một người nữ, là nơi đầu tiên của các mối tương quan liên nhân vị, là nền tảng của đời sống của các nhân vị và là nguyên mẫu của mọi tổ chức xã hội.

Chiếc nôi sự sống và tình yêu này là nơi thích hợp trong đó, con người sinh ra và lớn lên, lãnh nhận những ý niệm đầu tiên về chân lý và sự thiện, là nơi mà con người học biết thế nào là yêu thương và được yêu thương và, do đó, thế nào là một nhân vị.

Gia đình là cộng đồng tự nhiên, nơi diễn ra kinh nghiệm đầu tiên và việc học tập đầu tiên của xã hội loài người, nơi đó, người ta không chỉ khám phá ra tương quan nhân vị giữa cái «tôi» và cái «bạn», nhưng còn cái «chúng ta» nữa.

Sự trao ban hỗ tương của người nam và người nữ được kết hiệp trong hôn nhân, tạo nên một môi trường sống trong đó, con cái có thể phát triển các khả năng của mình, ý thức về phẩm giá của mình và chuẩn bị đương đầu số phận độc nhất của mình và không thể tái diễn, trong bầu khí tình cảm tự nhiên nối kết các thành viên trong cộng đồng gia đình này, mỗi nhân vị được nhìn nhận và trở nên có trách nhiệm trong tính độc đáo của mình.

2. Gia đình giáo dục con người theo tất cả những chiều kích hướng đến phẩm giá tròn đầy của nó. Đó là mảnh đất thích hợp nhất cho việc giáo huấn và truyền đạt các giá trị văn hóa, luân lý, xã hội, thiêng liêng và tôn giáo, mà thiết yếu cho sự triển nở và hạnh phúc cho các thành viên của nó cũng như của xã hội. Quả thế, đó là trường học đầu tiên về các đức tính xã hội mà mọi quốc gia cần đến.

Gia đình trợ giúp các nhân vị phát triển những giá trị căn bản không thể thiếu để hình thành những công dân tự do, lương thiện và có trách nhiệm: chân lý, công bằng, tình liên đới, giúp đỡ người yếu thế nhất, tình yêu tha nhân và bản thân, lòng bao dung…

3. Gia đình là trường học tốt nhất để tạo nên những tương quan cộng đồng và huynh đệ, đối diện với những khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa hiện hành. Quả thế, tình yêu – linh hồn của gia đình trong mọi chiều kích của nó – là chỉ có thể nếu có sự trao ban chân thành chính mình cho người khác.

Yêu mến có nghĩa là cho đi và lãnh nhận những gì không thể bán hay mua. nhưng chỉ là trao ban cách tự do và hỗ tương.

Nhờ tình yêu, mỗi thành viên của gia đình được nhìn nhận, chấp nhận và tôn trọng trong phẩm giá của mình.

Từ tình yêu, nảy sinh ra những tương quan được sống, như là sự trao ban nhưng không, và những tương quan vô vị lợi và liên đới sâu xa.

Như kinh nghiệm cho thấy, gia đình xây dựng một mạng lưới tương quan liên vị và chuẩn bị cho cuộc sống ở xã hội trong một bầu khí tôn trọng, công bằng và đối thoại đích thực.

4. Gia đình kitô hữu làm cho con cái khám phá rằng các bậc ông bà và những người già cả không phải là những người vô dụng bởi vì họ không sản xuất, cũng chẳng phải là những gánh nặng bởi vì họ cần đến sự chăm sóc vô vị lợi và liên lỉ về phía con cháu; gia đình dạy cho các thế hệ mới biết rằng bên cạnh những giá trị kinh tế và chức năng, còn có những điều thiện hảo khác nữa: nhân bản, văn hóa, luân lý, xã hội mà thậm chí, cao hơn cả chúng nữa.

5. Gia đình giúp khám phá ra giá trị xã hội của các của cải mà họ sở hữu. Một chiếc bàn quanh đó, mọi người chia sẻ cùng các thức ăn, thích nghi cho sức khỏe và tuổi tác của các thành viên, là một ví dụ đơn sơ, nhưng rất hữu hiệu, để khám phá ra ý nghĩa xã hội của các của cải được làm ra. Như thế, con cái học lấy những tiêu chuẩn và thái độ sẽ giúp đõ chúng về sau trong một gia đình rộng lớn hơn, là chính xã hội.

(Còn tiếp)
Lm Võ Xuân Tiến chuyển ngữ từ bản tiếng Pháp

Nguồn: Website Tổng giáo phận Huế
http://tonggiaophanhue.net

Thứ Hai, 12 tháng 10, 2009

Thành Hôn: Minh Cường - Ngọc Hiền

Đại gia đình NGUYỄN TỘC
chúc mừng lễ thành hôn
của Nguyễn Vũ Minh Cường và Nguyễn Thị Ngọc Hiền
(Cường là cháu nội Ông Bính - Bà Có
và là chắt thuộc chi Ông Quy - Bà Nhạn)







Chủ Nhật, 11 tháng 10, 2009

Giải Quyết Bất Đồng Trong Gia Đình

GIẢI QUYẾT BẤT ĐỒNG GIA ĐÌNH TRONG TINH THẦN PHÚC ÂM HÓA
Xung khắc trong các quan hệ gia đình không phải là điều mới mẻ. Phúc Âm thánh Luca thuật chuyện Mát-ta than phiền với Chúa Giêsu về việc cô em Maria không giúp mình trong việc phục vụ mà chỉ biết ngồi bên chân Chúa để nghe lời Người dạy. Nhưng Chúa không chê trách Maria mà còn bênh vực cho cô nữa (cf. Luca 10:39-42).

Nhưng đó chỉ là lời than phiền chưa đến nỗi gây bất hoà gia đình. Trong một chương khác, thánh Luca kể cho chúng ta câu chuyện xung đột gia đình trầm trọng giữa người cha với hai đứa con trai. Đứa em đòi người cha chia gia tài và sau khi lãnh phần chia, anh đã trẩy đi xa phung phá tất cả tài sản của mình. (cf. Luca 15:11-32).

Sách Cựu Ước cũng tường thuật nhiều mối bất đồng trong các quan hệ gia đình. Không kể câu chuyện Cain giết em Aben là cơn khủng hoảng gia đình đầu tiên của lịch sử nhân loại, các gia đình tổ phụ nổi tiếng như Ápraham, I-xa-ác và Jacob đều có các xung khắc gia đình trầm trọng.

Bà Sarah, vợ chánh của Ápraham, đã hành hạ thiếp của chồng mình là bà A-ga, rồi đuổi A-ga ra khỏi nhà khi cô ấy đang mang thai. Về sau, khi bà không thích thái độ của Ích-ma-ên, con của A-ga đã lên 14 tuổi, đùa nghịch với I-xa-ác, thì bà đã đòi Ápraham đuổi cả hai mẹ con họ về Ai-cập. Ápraham, tuy đau đớn trong lòng, nhưng cũng nghe lời Sarah đuổi mẹ con A-ga ra đi nơi đồng hoang với cái nóng thiêu người (cf. Sáng Thế Ký 15, 21).

Tổ phụ Jacob xung khắc trầm trọng với cha vợ, cũng là cậu ruột của mình, và sau 20 năm chung sống với nhau, ông đã kéo bầu đoàn thê tử và đoàn súc vật đông đảo, lén lút bỏ trốn vào ban đêm để về lại quê hương xứ sở của mình. Và như chúng ta biết, trong cuộc sống gia đình, Jacob thương đứa con áp út là Giuse hơn tất cả, làm cho các anh ganh tị. Và sau đó các anh trả thù bằng cách ném Giuse vào giếng và rồi bán Giuse qua Ai-Cập (cf. Sáng Thế Ký 37).

Vì sao có các xung khắc gia đình?

Chỉ một vài ví dụ ở trên, chúng ta đã thấy xung khắc gần như không thể tránh được trong các quan hệ gia đình. Một cuộc nghiên cứu với 52 gia đình ghi nhận, trung bình cứ mỗi bữa cơm, người ta có 3.3 ý kiến khác biệt nhau. Vì thế, chúng ta có thể nói, khi giữa hai người có điều trái ý nhau là có xung khắc. Nghĩa là, bất cứ lý do gì người ta cũng có thể bất đồng với nhau. Nhưng các hệ qủa của nó thì rất tai hại, vì người trong cuộc thường có cảm giác tức tối, đau đớn, buồn phiền, thất vọng, hoặc đối kháng nhau.

Khi nghiên cứu về gia đình, các nhà chuyên môn nhận ra rằng vấn đề đàm thoại là nguyên do hàng đầu gây đổ vỡ gia đình, thứ đến là các vấn đề như tiền bạc, tình dục, thân thuộc nội ngoại hai bên, quan hệ qúa khứ và con cái.

Các nghiên cứu nầy cho biết, có 4 thái độ thường gây xích mích gia đình và hay xảy ra trong các ca ly dị, đó là:

- Phê bình / chỉ trích (criticism)
- Coi thường / bất cần (contempt),
- Tự vệ / thủ thế (defensiveness), và
- Cản trở / né tránh (stonewalling).
Đọc các mục cố vấn tâm lý, người ta nhận ra có sự thay đổi về các lời cố vấn cho vợ chồng trong những thập niên gần đây. Vào thập niên 1950, vợ chồng được khuyên bảo nên tránh các cuộc cãi vã và họ nên tuân theo các vai trò truyền thống dành cho mỗi phái. Tuy nhiên, bắt đầu từ giữa thập niên 1960 trở đi có một sự thay đổi rõ rệt là vợ chồng, khi có chuyện bất bình, hãy nói cho nhau biết; nghiã là họ vừa biểu lộ tình thương yêu vừa bộc lộ cả những tức giận cho người phối ngẫu để họ hiểu mình.

Vậy, theo các qui luật mới về tình cảm trong hôn nhân, sự khác biệt giữa những người bạn đường là bình thường. Hơn thế nữa, việc nói về những khác biệt trong mối quan hệ được coi là điểm mạnh, chứ không phải là điểm yếu của vợ chồng. Họ cho rằng thật là điều không tưởng nếu một mối quan hệ kéo dài mà không có xung đột.

Chỉ có điều, phương cách họ đối phó với xung khắc hoặc biểu lộ sự tức giận ra sao mới là vấn đề.

Các phương thức giải quyết bất đồng

Dưới con mắt đức tin, chúng ta thấy Thiên Chúa đã để những bất đồng xảy ra trong gia đình. Ngài can thiệp cách nào là điều kỳ diệu mà chúng ta không hiểu nổi. Nhưng là con người, chúng ta cần nhận rằng, bất công có thể xảy ra, và ai ai cũng có thể nổi giận vì đó là cảm xúc thông thường. Tuy nhiên, ngay cả khi không thể thay đổi con người hoặc tình huống làm cho mình nổi giận, chúng ta có thể kiểm soát cách mình đối phó với cơn giận.

Cái gốc và là điểm chung trong việc giải quyết chuyện gia đình là tình yêu thương. Gương sống đạo của thánh nữ Mônica được nhiều người nhắc đến vì cách Phúc Âm hóa gia đình của ngài là mẫu mực đáng cho chúng ta noi theo. Chính nhờ gương sáng, sự kiên nhẫn và lời cầu nguyện liên lỉ của bà mà người con trai Augustinô đã được hoán cải và trở thành một vị thánh thông thái lỗi lạc bậc nhất của Giáo Hội. Không những thế, thánh nữ còn hoán cải cả chồng mình và bà mẹ chồng là những người chống báng đạo, để cả hai được ơn trở lại.

Trong các lớp học 52 tuần lễ cho những can phạm bị tội Bạo Hành Gia Đình, họ thường trao đổi với nhau về nguồn gốc sâu xa cũng như lý do gần dẫn đến bạo hành. Họ cho biết phần lớn sự việc xảy ra là vì trong một chốc lát nào đó họ đã không kềm chế được cơn nóng giận của mình. Khi kết thúc khóa học, hầu hết những người tham dự đều nói rằng, nếu họ biết và áp dụng các phương pháp thì đã không vướng vào những chuyện đáng tiếc. Đó là phương pháp Tạm Nghỉ (Time-outs) và cải tiến lối đàm thoại.

Chúng ta biết rằng, trong sinh hoạt hằng ngày, người ta có lúc vui, lúc bực mình. Có những điều tạo nên căng thẳng, và nếu không biết giải quyết thì chúng ta dễ có phản ứng bùng nổ với những người chung quanh, mà thông thường họ là vợ chồng, con cái, anh chị em, hay những người đồng sự gần gũi của mình. Sự bùng nổ có thể là chưởi bới, chỉ trích nặng lời hoặc xô xát. Đây là điều đáng tiếc cần ngăn ngừa.

Lấy giờ tạm nghỉ (Time out)

Khi nóng giận, điều chúng ta cần làm là để ý phản ứng của cơ thể như tái mặt, tay run, tim đập nhanh... lúc đó, chúng ta cần cho người đối diện biết mình lấy giờ “tạm nghỉ”. Trong nhiều trường hợp, việc rút lui khỏi hiện trường là hiệu qủa nhất vì nó giúp chúng ta dễ lấy lại bình tĩnh và tránh bầu khí căng thẳng. Trong khi lấy giờ tạm nghỉ, chúng ta thực hành các điều sau:

+ Làm nguôi ngoai sự căng thẳng—bằng cách đi uống nước, đi bộ, hít thở, tắm, đếm số,...
+ Tự tranh luận—Đây là phương pháp tự nói với chính mình, tự giải thích vấn đề theo quan điểm của người đối diện, nhờ vậy chúng ta nhận ra lý lẽ của người khác nên dễ có lòng thông cảm hơn.
+ Đặt kế hoạch đàm thoại với người đối diện nhằm đưa ra giải pháp.

Thiếu khả năng truyền đạt là căn nguyên của nhiều vấn đề gây ra các cảm giác tức tối, hiểu lầm và xung đột. Chúng ta cần cải tiến kỹ năng am hiểu người khác bằng cách tiếp nhận chính xác điều họ truyền đạt và thăng tiến kỹ năng diễn đạt là nói điều mình muốn cho người khác hiểu.

Để giải quyết vấn đề một cách hữu hiệu, chúng ta cần áp dụng các phương thức trong đàm thoại theo các bước tuần tự như: lắng nghe điều người khác phát biểu; lập lại điều đã nghe để bày tỏ lòng tôn trọng cũng như hiểu cho chính xác; rồi trình bày trong ôn hoà quan điểm của mình. Trong cách lắng nghe và trình bày, để tránh đẩy người khác vào vị thế bị tấn công, chúng ta cần dùng lối nói lấy tôi làm chủ từ (I message). Ví dụ, thay vì nói “Anh về trễ làm em tức giận” thì nói, “Em cảm thấy tức giận vì chờ anh hơn hai tiếng đồng hồ ”. Đây là lối nói bộc lộ cảm xúc, trình bày sự kiên một cách không phán đoán nên dễ được đón nhận hơn.

Nhưng chúng ta cần biết rằng, không phải các bất đồng đều được giải quyết theo ý mình. Có những khó khăn trong cuộc sống mà chúng ta đành phải chấp nhận. Đây là điều mà những người trong các nhóm hỗ trợ thường gặp và họ dùng lời nguyện sau để tìm sự an tâm cho mình: “Trời ban cho tôi sự bình thản để chấp nhận những điều tôi không thể thay đổi, sự can đảm để thay đổi những điều tôi có thể thay đổi, và sự khôn ngoan để biết phân biệt giữa hai điều đó”.-

Trần Hiếu

Thứ Sáu, 9 tháng 10, 2009

Lễ Thành Hôn Phước Luật - Hiền Lương 19.09.2009




Thánh lễ tại Nhà thờ Giuse, giáo xứ Đồng Tiến, Sài Gòn



Tiệc cưới tại nhà hàng Kim Thanh, Q.10

Xin bấm vào các đường dẫn dưới đây để xem thêm hình ảnh:

Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2009

Thư Mục Vụ Giáo Phận Kontum Nhân Tết Trung Thu

THƯ MỤC VỤ GIÁO PHẬN KONTUM CHO HỌC SINH THIẾU NHI NHÂN TẾT TRUNG THU
Kontum, ngày 15 tháng 09 năm 2009


Mến gửi: Các thiếu nhi
Gia đình Giáo phận Kontum.

Các con yêu quý,

Cha gửi tới các con lời cầu chúc bình an của Chúa Giêsu. Cha cũng cám ơn các con đã cầu nguyện thật nhiều cho cha trong những ngày tháng qua. Nhân những ngày đầu Năm Học mới, cha muốn chia sẻ với các con đôi điều.

Mừng Năm Học mới 2009-2010
Một Năm Học mới vừa bắt đầu. Xin Chúa ban ơn giúp sức để các con có một năm học tốt đẹp. Hãy nhớ mọi người thân yêu đang hy sinh để các con được giáo dục nên người trưởng thành mọi mặt, có trí khôn mở mang biết phân biệt tốt xấu, phải trái; có con tim biết thương yêu và chuộng công bằng chân lý; có khả năng phục vụ Giáo hội và xã hội. Lòng hiếu thảo biết ơn sẽ là một động lực mạnh mẽ thúc đẩy các con chăm ngoan. Hãy chăm chỉ học tập nên người anh em với mọi người, nên người con của Chúa. Các con đừng quên “thời giờ là vàng”, “có chí thì nên”, “có công mài sắt có ngày nên kim”… Cha cầu chúc các con một năm học thật tốt đẹp và xứng danh người học sinh Công Giáo.

Mừng Tết Trung Thu 2009
Tết Trung Thu cũng sắp tới. Phố phường đã thấy bầy bán đủ kiểu đèn. Bánh Trung Thu cũng bầy bán khắp nơi. Các bậc cha anh đang rộn rã chuẩn bị Tết cho con cháu. Nhiều vị còn nghĩ tới các con em nghèo, các con em ở vùng sâu vùng xa. Các con em đó cũng có quyền được hưởng niềm vui của ngày Tết như các con. Các con đừng quên các bạn đó nhé. Ngoài những món quà chia sẻ gửi cho các bạn đó, các con còn có thể chia sẻ bằng lời cầu nguyện, bằng việc chăm học để sau này có khả năng giúp nâng cao cuộc sống của lớp người nghèo, giúp cuộc sống của nhiều người trở nên tươi sáng hơn, tốt đẹp hơn. Chúc các con một Tết Trung Thu giàu tình người hơn được thể hiện qua nhiều việc làm có ý nghĩa.

Mừng lễ Chúa Giáng Sinh 2009
Còn đúng 100 ngày nữa tới lễ Chúa Giáng Sinh. Nhưng hiện nay có nhiều em học sinh đã nghĩ tới kỳ thi học kỳ I. Tại sao vậy? Vì suốt hơn 30 năm qua - kể từ năm 1975 - kỳ thi này vẫn được xếp vào chính ngày Đại Lễ Mừng Chúa Giáng Sinh, mặc dầu đã có nhiều góp ý xây dựng. Nhiều học sinh vẫn bị cái ngày thi đó “ám ảnh”! Với con mắt người đời, đây là một nỗi buồn phiền, với cái nhìn của lòng tin vào “Thiên Chúa là chủ lịch sử” thì “biến cố” này lại mang một giá trị khác. Xin Chúa cho chúng ta biết đọc ra được ý Ngài! Cụ thể các con cần ứng xử thế nào? Để niềm vui Giáng Sinh được lan toả rộng khắp, các con có thể đón mừng Chúa Giáng Sinh không chỉ một ngày 25.12 mà là mừng nhiều ngày, mừng ngay từ ngày hôm nay. Hãy biến nhà trường thành “ngôi thánh đường” mới. Hãy biến lớp học thành hang đá kiểu mới. Hang đá không còn chỉ là túp lều bằng tranh hay bằng giấy với vài dây đèn điện nhấp nháy, mà là bằng những bài học bài tập đạt thành quả cao nhất, bằng những ngày sống lành thánh. Các thiên sứ là chính các con, những học sinh Công Giáo ưu tú, xuất sắc, chăm ngoan. Mục đồng là bạn bè của các con. Hãy nhìn các thầy cô như những nhà đạo sĩ thuộc mọi tôn giáo hay chính kiến đến viếng thăm Hài Nhi Giêsu đang ngự trong tâm hồn các con, đang hiện diện ngay trong lớp học của các con. Hãy cầu nguyện cho các thầy cô và bạn bè cũng được gặp Chúa Hài Đồng. Làm được thế thì ngày thi học kỳ I có còn tiếp tục được xếp vào đúng ngày 25.12 như bao năm qua chỉ còn là “chuyện nhỏ”. Làm được như thế, thì sứ điệp giáng sinh “Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người Chúa thương” sẽ được cất vang không chỉ ngày 25.12 mà suốt cả năm học của các con cũng như khắp nơi các con đặt chân đến.

Mến gửi tới các con những lời nguyện chúc tốt đẹp nhất nhân danh Thiên Chúa quyền năng và giàu lòng xót thương.

Mến thương,
Giám Mục Giáo Phận Kontum
+ GM Micae Hoàng Đức Oanh