GIÁO DỤC KITÔ GIÁO VÀ SỰ PHÁT TRIỂN TOÀN VẸN
Kính gởi : Anh em linh mục,
và anh chị em tu sĩ, giáo dân trong gia đình giáo phận
1. Ngày 27.6.2009, Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI nhắn nhủ các Giám mục Việt Nam hãy quan tâm giáo dục các kitô hữu nên người công giáo tốt để trở nên những công dân tốt. Ngày 7.7.2009, Đức Thánh Cha công bố Thông điệp "Bác Ái Trong Chân Lý". Ngày 8.7.2009, trong buổi triều yết giới thiệu Thông điệp cho nhiều ngàn người từ nhiều quốc gia trên thế giới, Ngài xác định Thông điệp phát xuất từ một đoạn văn trong thư Thánh Phaolô gởi giáo đoàn Êphêsô : "Sống trong chân lý và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Kitô, vì Ngài là Đầu" (Eph 4,15). Đồng thời Đức Thánh Cha cũng khẳng định tình yêu trong chân lý là định hướng và là động lực cho sự phát triển toàn vẹn con người và toàn thể nhân loại. Phát triển toàn vẹn có nghĩa là phát triển về mọi phương diện thể xác và tinh thần, trí tuệ và tâm linh, phát triển trong mọi lãnh vực của cuộc sống, văn hoá và giáo dục, xã hội và truyền thông, y tế và từ thiện, kinh tế và chính trị.
2. Đức Thánh Cha cũng lưu ý, trong tình hình thế giới hôm nay với những vấn đề nghiêm trọng và những khủng hoảng trầm trọng bao trùm phần lớn nhân loại trên hành tinh, công cuộc xây dựng cùng phát triển đất nước cũng như thế giới cần những con người không chỉ có kiến thức về khoa học kỹ thuật, song nhất thiết phải có cái tâm công minh chính trực, có lòng thành cùng quyết tâm phục vụ cho ích chung của cộng đồng dân tộc, cho công lý và hoà bình trong cộng đồng nhân loại. Nói cách khác, công cuộc xây dựng và phát triển trong mọi lãnh vực sống hôm nay, cần những con người không những có cái đầu đầy kiến thức thực dụng về khoa học kỹ thuật, song đặc biệt phải có tấm lòng đầy tình bác ái trong chân lý.
3. Bên cạnh nền giáo dục chỉ truyền đạt kiến thức khoa học thực dụng, nền giáo dục chuyên làm cho tấm lòng đầy tình bác ái trong chân lý là điều thực sự cần thiết cho công cuộc xây dựng cùng phát triển một cộng đồng dân tộc có ý thức trách nhiệm phục vụ cho công lý và công ích, một cộng đồng dân tộc sống tình liên đới với xã hội loài người trong hoà bình và thịnh vượng.
4. Giáo dục kitô giáo của Giáo Hội tại Việt Nam có nhiệm vụ tạo khả năng cho người công giáo Việt Nam từng bước có tấm lòng đầy tình bác ái trong chân lý như định hướng và động lực cho sự phát triển Giáo Hội cùng con người và đất nước Việt Nam hôm nay. Một mặt, mặc dù Giáo Hội tại Việt Nam chỉ là một nhóm nhỏ với 8% dân số Việt Nam, song có điều kiện sống liên đới với nhau. Mặt khác, mặc dù các sinh hoạt mục vụ thu hẹp trong khuôn viên cơ sở giáo xứ, cơ sở giáo phận, cơ sở dòng tu, song, ngoài những lớp và sinh hoạt giáo lý, cộng đồng dân Chúa vẫn có được tự do ít ra để làm hai điều tối cần sau đây. Một là tổ chức cùng nhau học hỏi Lời Chúa cùng giáo huấn của Giáo Hội về xã hội, trao đổi với nhau trong mỗi nhóm chuyên môn, nhằm rút ra những bài học thực hành cho từng lãnh vực phát triển con người và xã hội. Hai là cử hành Mầu nhiệm Thánh Thể, tôn thờ cùng chiêm ngắm Chúa Giêsu Thánh Thể. Nhờ đó, mọi người có thể nhận ra Chúa Giêsu Thánh Thể vừa là hiện thân tình yêu cứu độ của Cha trên trời, vừa là Thầy dạy con đường tình yêu như định hướng và động lực cho sự phát triển toàn vẹn nhân loại. Từ đó noi theo tấm gương Chúa Giêsu giáo dục các môn đệ của Ngài, cùng học tập phương hướng và phương pháp giáo dục của Ngài.
5. Trong những tháng tới, mọi thành phần, mỗi giới, hãy dành thời giờ sử dụng tự do đó để học hỏi Thông điệp "Bác Ái Trong Chân Lý", và trao đổi nhằm cùng nhau tìm ra những bài học cho sự phát triển con người và xã hội. Trong lời chủ chăn này, tôi gợi ý cho mọi người, đặc biệt anh em linh mục, nhìn vào tấm gương giáo dục của Chúa Giêsu, để cải tiến công việc giáo dục đức tin của mình ngày càng thêm hiệu quả cho sự phát triển Giáo Hội cùng con người và đất nước Việt Nam.
5.1 Chúa Giêsu vừa là Lời Chúa, vừa là Thầy dạy Lời Chúa. Ngài giảng truyền Lời Chúa như là ánh sáng chân lý soi dẫn đường đời cho các môn đệ, như là Lời yêu thương cảm hoá và đổi mới các ông, như là Lời Hứa thắp sáng niềm hy vọng kitô giáo nơi các ông. Từ đó, Lời Chúa, khi được con người đón nhận và mang ra thực hành, sẽ trở thành nền tảng cùng định hướng và động lực cho sự phát triển của họ.
5.2 Qua tấm gương đời sống cầu nguyện, Chúa Giêsu dạy các môn đệ sống kết hợp và hiệp thông với Chúa Cha cùng Chúa Thánh Thần là cội nguồn sự sống, là suối nguồn tình yêu, và là nguyên lý cho tình liên đới cùng sự hiệp nhất trong gia đình, trong cộng đoàn cũng như trong xã hội. Từ đó, tìm gặp ánh sáng và sức mạnh cho sự phát triển con người cùng xã hội.
5.3 Qua thái độ tự nguyện bước đi trên con đường thập giá dẫn đến Phục Sinh, cũng như qua hành vi tự hiến tế cùng tự hạ làm tấm bánh bẻ ra vì sự phát triển của nhân loại, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ bước đi trên con đường tình yêu cứu độ của Ngài như là định hướng và động lực giúp vượt qua tình trạng tội lỗi cùng sự dữ và sự chết, đồng thời tiến đến sự phát triển toàn vẹn và vững bền.
5.4 Qua tấm gương sống dấn thân yêu thương đến cùng và khiêm tốn phục vụ cho sự phát triển con người, Chúa Giêsu Thánh Thể mời gọi các môn đệ mặc lấy tâm tình và tư tưởng, thái độ và hành vi yêu thương của Ngài, và bước đi trong đường lối yêu thương đến cùng của Ngài, nhằm đón nhận cùng chia sẻ cho mọi người sức sống và tình yêu của Chúa Giêsu Thánh Thể là quà tặng của Cha trên trời cho nhân loại. Với niềm hy vọng tình yêu cứu độ của Chúa Kitô sẽ mở đường cho nhiều người thành tâm thiện chí vượt qua lối sống theo văn hoá sự chết, để đi đến phát huy nền văn hoá sự sống và văn minh tình thương trong xã hội loài người hôm nay.
6. Trong thời gian qua, cùng các trung tâm đào tạo huấn luyện, các Ban Mục vụ giáo phận, các giáo xứ, các gia đình công giáo, các cộng đoàn kitô hữu, các đoàn thể tông đồ giáo dân, đã được tổ chức dần dần thành những ngôi trường giáo dục đức tin. Nay, mọi người có trách nhiệm giáo dục đức tin hãy nhìn lại công việc giáo dục của mình có theo định hướng Chúa Giêsu Thánh Thể đã mở ra là xây dựng cộng đoàn tín hữu thành gia đình Chúa, có cùng một lòng tin cậy mến, cùng một quyết tâm khiêm tốn phục vụ cho sự phát triển của mọi người. Cùng nhau thẩm định kết quả, và cải tiến mục vụ ngôn sứ, tư tế, và quản trị của hàng linh mục, nhằm mở đường cho người giáo dân tham gia xây dựng và phát triển Giáo Hội mầu nhiệm - hiệp thông - sứ vụ, là Giáo Hội sống hiệp thông với Chúa, với nhau và với mọi người, hiệp thông trong chân lý và tình bác ái của Chúa Kitô.
6.1 Tại đa số giáo xứ, mỗi Chúa nhật có nhiều Thánh lễ, mỗi Thánh lễ dành cho một giới (thiếu nhi, giới trẻ, gia trưởng hiền mẫu...). Đa số các giáo xứ có từ 3, 4 đến 7, 8 ca đoàn, và có nhiều nhóm lễ sinh. Mỗi ca đoàn, mỗi nhóm lễ sinh phục vụ cho một thánh lễ. Dân số công giáo trong Thành phố là trên 650.000, và 90% đi lễ ngày Chúa nhật. Do đó ngày Chúa nhật, 200 nhà thờ lớn nhỏ trong Thành phố này đều đầy người dự lễ. Điều cần là các linh mục cùng các cộng sự có quan tâm tổ chức bữa tiệc thánh, tiệc Lời Chúa cũng như tiệc Thánh Thể, theo định hướng xây dựng và phát triển gia đình Chúa sống trong chân lý và tình bác ái. Việc tổ chức đó đòi hỏi phải chú tâm đến cách dọn bữa tiệc thánh cho thích hợp với tâm thức cùng trình độ văn hoá của con người hôm nay, cùng trung thành với những chỉ dẫn khôn ngoan của Giáo Hội về cử hành phụng vụ cũng như về hội nhập văn hoá trong mục vụ phụng tự.
6.2 Từ năm Thánh Thể 2005, có hơn 30 giáo xứ tổ chức chầu Thánh Thể suốt ngày. Gần đây, có hằng trăm nhóm giáo dân tự tổ chức giờ cầu nguyện trước Chúa Giêsu Thánh Thể, hoặc trước tượng đài Chúa hay Đức Mẹ. Điều cần là các linh mục có quan tâm hướng dẫn giáo dân biết cầu nguyện theo thể thức và định hướng cầu nguyện của Chúa Giêsu nhằm mở mang và phát triển Nước Chúa là Nước Chân Lý và Tình Yêu, đồng thời có giúp họ tránh chạy theo tính hiếu kỳ và tình cảm hẹp hòi, là những nguyên nhân dễ đưa đến bất đồng, chia rẽ, xáo trộn trong cộng đoàn.
6.3 Các giáo xứ tổ chức các lớp giáo lý các cấp, trước hoặc sau Thánh lễ Chúa nhật. Gần như 100% trẻ theo học các lớp giáo lý đến khi lãnh bí tích Thêm sức, sau đó số % giảm dần. Điều cần là các giáo lý viên có quan tâm tạo điều kiện cho người trẻ thực hành Lời Chúa dạy, đặc biệt sống trong chân lý và trong tình bác ái đối với mọi người trong gia đình và xã hội.
6.4 Khuyến khích gia đình, ngoài việc chuyên cần đi lễ Chúa nhật chung với nhau, hãy kiên tâm duy trì và cải tiến giờ kinh tối trong gia đình, nhằm tạo cơ hội cho gia đình phát triển thành cái nôi của sự sống và mái ấm của tình thương, thành ngôi trường đầu tiên giáo dục đức tin và thành trì bảo vệ đức tin như sức mạnh cho sự phát triển toàn vẹn của con em mình.
6.5 Đối với 23 đoàn thể tông đồ giáo dân, ngoài việc tổ chức thánh lễ và cầu nguyện chung với nhau, các linh mục đồng hành có tạo thuận lợi cho họ tổ chức những nhóm nhỏ học hỏi Lời Chúa cùng giáo huấn của Giáo Hội về xã hội, chia sẻ cho nhau kinh nghiệm sống đức tin và giáo dục đức tin cho con em, nhắc bảo nhau thi hành sứ vụ yêu thương và phục vụ cho sự phát triển của mọi người quanh cận, đặc biệt người nghèo khổ. Có giúp họ khi tụ họp thì biết tránh chỉ chú tâm đến thời sự và phê phán thiếu tính mở đường và xây dựng.
6.6 Trung Tâm Mục Vụ của giáo phận, sinh hoạt từ năm 2004, tổ chức các khoá học, tĩnh tâm, hội thảo, lễ hội, cho giới trẻ và các giáo lý viên, cho các Hội Đồng Giáo xứ cùng các đoàn thể tông đồ giáo dân, cho các giới và các gia đình, nhằm tạo cho họ khả năng và kỹ năng sống những giá trị nhân bản và đạo đức của Tin Mừng nhằm giúp người công giáo phát triển thành muối men và ánh sáng Tin Mừng trong xã hội hôm nay. Công cuộc giáo dục đức tin ở nơi này có góp phần mở đường cho người công giáo toả sáng chân lý và tình yêu của Chúa Kitô trong các lãnh vực của đời sống xã hội hôm nay.
6.7 Trung Tâm Văn Hoá Công Giáo, sinh hoạt từ năm 2005, có tạo cơ hội cho mọi người tìm gặp ngọn đuốc đức tin cùng niềm hy vọng kitô giáo của các tiền nhân cùng chứng nhân đức tin, soi sáng cho họ tiến bước trên con đường chân lý và tình yêu của Chúa Kitô.
7. Ngoài ra, tình hình xã hội Việt Nam ngày nay đang chuyển biến. Việc đất nước mở cửa cho nền kinh tế thị trường cùng khuynh hướng toàn cầu hoá, đồng nghĩa với việc du nhập vào đất nước mình những giá trị mới, như chủ nghĩa thực dụng cùng chủ nghĩa cá nhân hưởng thụ duy vật chất. Trong đời sống xã hội hôm nay, những giá trị mới đó đang dần dần thay thế những giá trị Tin Mừng cùng truyền thống văn hoá lành mạnh của dân tộc, đồng thời đe doạ tàn phá mùa màng của các hạt giống ơn thánh, hạt giống ơn đức tin, ơn gọi linh mục, tu sĩ.
8. Do tình thế đã đổi thay, nếp sống đạo và truyền thống đạo đức xưa nay, dù vẫn rất cần thiết, xem ra không còn đủ sức bảo vệ đời sống đức tin của nhiều người trẻ hôm nay. Tình hình này đòi hỏi mọi thành phần dân Chúa hãy cùng nhau thực hành lời Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI nhắn nhủ dân Chúa tại Việt Nam như sau :
(1) Chú tâm phát huy tình liên đới giữa mọi người cùng mọi gia đình, giữa các cộng đoàn tín hữu cùng các thành phần dân Chúa. Tình liên đới trong Chúa Giêsu Thánh Thể là sức mạnh giúp bảo vệ cùng phát triển đời sống tin cậy mến của cộng đồng dân Chúa.
(2) Liên đới trong công tác mở rộng và nâng cao kiến thức đức tin cho mọi người, giúp cho mỗi người ý thức và quyết tâm bước đi trên con đường phát triển trong chân lý và trong tình bác ái của Chúa Kitô.
(3) Liên đới trong việc tổ chức mục vụ thích hợp nhằm chăm sóc các người trẻ hôm nay, đặc biệt là người trẻ di dân, người trẻ nạn nhân các tệ nạn xã hội cùng các bệnh tật thời đại.
9. Công việc tổ chức mục vụ thích hợp đòi hỏi trước hết là học tập gương Chúa Giêsu Thánh Thể đồng hành, đồng cảm, quảng đại, bao dung đối với người trẻ, đem lại bình an cho họ, yêu thương và phục vụ cho sự phát triển toàn vẹn của họ. Mục đích là nhằm củng cố niềm tin của người trẻ, giúp họ cảm thấy Chúa thực sự yêu thương họ, và yêu thương tới cùng.
Duy chỉ có tình yêu của Thiên Chúa mới có sức cảm hoá và đổi mới con người, giúp người trẻ tái sinh thành con người mới, con người cùng với Chúa Kitô Phục Sinh sống đời sống mới, cùng với Chúa Giêsu Thánh Thể sống yêu thương đến cùng. Từ đó, sứ vụ yêu thương đến cùng và khiêm tốn phục vụ cho sự phát triển của mọi người anh em dần dần trở thành lẽ sống cho người trẻ hôm nay.
Giáo dục đức tin cho người trẻ hôm nay sống bác ái trong chân lý còn là củng cố nền móng vững chắc cho sự phát triển vững bền của Giáo Hội cũng như của xã hội loài người.
Toà Tổng Giám Mục Thành phố HCM, 9.9.2009
Kỷ niệm 350 năm thiết lập Giáo Hội tại Việt Nam
với hai Giáo phận Đàng Ngoài và Đàng Trong
Gioan B. Phạm Minh MẫnGiám Mục của anh chị em
Nguồn: http://tgp-tphcm.net/