3. Nguồn gốc họ người Việt :
3.1. Họ các triều đại :
Đa số người Việt mang một họ trong số 16 dòng họ đã từng cai trị lẫy lừng trong lịch sử. Theo thứ tự niên đại, đó là những họ Thục, Trưng, Triệu, Mai, Khúc, Lý, Phùng, Kiều, Ngô, Đinh, Lê, Trần, Hồ, Mạc, Trịnh và Nguyễn. Hoặc họ là con cháu thật sự của những dòng họ kể trên, hoặc họ xử dụng như mượn họ hoặc bị bắt buộc mang những họ đó nhưng khác họ thật.
Có gia đình tự ý đổi lấy họ đương triều để chứng tỏ sự trung thành. Có người do nhà vua ban cho như Nguyễn Trãi có lúc đổi tên là Lê Trãi theo họ nhà vua. Nguyễn Chích được vua Lê Thái-Tổ ban thưởng họ Lê thành Lê Chích. Hai anh em Đinh Lễ và Đinh Liệt đổi lấy họ cậu ruột là vua Lê Lợi thành Lê Lễ và Lê Liệt. Lê Thái-Tổ là vị vua đã ban quốc tính cho nhiều công thần nhất trong lịch sử: 221 người! Một số khác bị bắt buộc phải đổi họ của triều đại vừa bị lật đổ để lấy họ đương triều để chứng giám lòng trung thành với triều đại mới. Trong nhiều trường hợp, triều đình bó buộc dân gian bỏ họ gốc để lấy quốc tính để tránh những nhóm phản động có ý lật đổ triều đình hay làm loạn đưa người họ triều triều đại vừa bị lật đổ vào cho có lý do chính trị (ý trời, "thuận thiên"). Năm 1837, vua Minh Mạng nhà Nguyễn đã bắt những người họ Lê đổi họ thành Nguyễn chỉ vì thời đó những kẻ cầm đầu những phong trào phản động mang họ Lê như Lê Duy Lương nổi dậy năm 1833, rồi Lê Duy Cự, Lê Duy Mật, v.v.
Riêng họ Nguyễn, còn là họ triều đại quân chủ cuối cùng, có thêm một lý do khác khiến họ này trở nên thông dụng nhưng lại khó hiểu dưới mắt người Tây phương. Năm 1232, đời Trần Thái-Tông - tức Trần Cảnh lấy Lý Chiêu-Hoàng, vua cuối cùng nhà Lý (1010-1224) bị ép nhường ngai vàng cho chồng, sau khi đã đoạt ngôi nhà Lý và dàn cảnh để chôn sống tôn thất nhà Lý ở Hoa Lâm (Bắc-Ninh), thái sư Trần Thủ Độ chú của vua chuyên quyền lấy lý do ông nội vua nhà Trần tên Lý, đã bắt tất cả những người họ Lý là họ dòng vua vừa bị hoán vị, lẩn dân gian, phải đổi làm họ Nguyễn; tuy nhiên ý đồ thật sự là khai tử dòng vua Lý để sẽ không còn ai nhớ đến dòng họ Lý nữa. Chỉ có hoàng tử Lý Long-Tường con thứ của vua Lý Anh-Tông năm 1226 trước đó đã bỏ nước ra đi lưu lạc đến tận Cao-ly, là còn giữ được họ gốc cho đến cả ngày nay. Con cháu nhà Mạc từ khi rút về Cao-Bằng, đã đổi ra nhiều họ khác nhau trong số có họ Nguyễn: Mạc Cảnh Vinh vào Nam theo Chúa Nguyễn Hoàng đã đổi tên thành Nguyễn Hữu Vinh. Sử cũng ghi nhận những việc ép đổi họ khác, như năm 1460, vua Lê Thánh-Tông đã buộc tôn thất nhà Trần tiên triều đổi họ thành Trình lấy cớ bà nội vua tức Cung Từ Hoàng Thái hậu tên Phạm Ngọc Trần - trong khi vua Lê Thái Tổ dù đa nghi vẫn chưa đụng đến họ Trần trùng tên vợ vua. Thật ra là từ khi vua Lê Nghi-Dân bị tướng lãnh phản loạn, vua Lê Thánh-Tông đâm ra lo lắng cho hậu vận nhà Lê đến lúc đó đã kéo dài được 32 năm. Mặt khác, đời nhà Trần có lệ bắt những người trong tôn-thất có tội nặng phải đổi ra họ Mai. Sau khi Hồ Quý Ly lật đổ nhà Trần cũng bắt chước lệ đó bắt tất cả con cháu họ Trần đổi sang họ Mai, nhưng vì nhà Hồ không trị vì quá 7 năm nên con cháu nhà Trần đã kịp lấy lại họ gốc.
Ngoài ra, có người cải đổi tên họ vì trốn sưu thuế, trốn lính hoặc bất đắc dĩ phải đổi lấy họ đương triều vì ông cha bị tội hình như "tru di tam tộc" - cũng là lý do tại sao ngày xưa khi đi thí phải khai họ ba đời. Có người đổi họ vì một lý do riêng tư khác. Như Hàn Thuyên vốn họ Nguyễn, được vua Trần Nhân-Tông ban cho họ Hàn vì ông làm bài văn ném xuống sông khiến cá sấu bỏ đi (1284), như chuyện Hàn Dũ bên Trung Hoa trước đó. Và vì Hàn Thuyên hay làm thơ phú bằng quốc âm nên về sau các nhà văn học sử có khi gọi thơ văn chữ Nôm là thơ văn "Hàn luật". Hoặc như Hồ Quý Ly tổ tiên gốc người Chiết Giang (Trung Hoa) sang nước ta định cư, đến tổ tiên đời thứ tư là Hồ Liêm làm con nuôi ông Lê Huấn nên đổi lấy họ Lê. Nhưng khi Hồ Quý Ly dấy nghiệp, ông lấy lại họ Hồ và đặt cả quốc hiệu là Đại-Ngu vì ông nhận là dòng dõi nhà Ngu bên Trung quốc.
Hoặc vì kiêng tên húy của vua chúa, nhiều người phải đổi họ, như ông trạng Hoàng Nghĩa Phú (1511), tổ tiên vì kiêng tên vua Lý mà đổi ra họ Trịnh, rồi lại phải đổi ra họ Trần; đến đời Trần Khắc Minh mới đổi lấy lại họ Hoàng. Vua Quang Trung Nguyễn Huệ vốn họ Hồ và tương truyền thuộc dòng dõi Hồ Quý Ly, sau lấy họ mẹ là Nguyễn thành Nguyễn Quang Bình. Cùng trường hợp với Nguyễn Quang Bích là cháu đời thứ hai của Ngô Quyền.
3.2. Hoàng-tộc (patriline) nhà Nguyễn :
3.2. Hoàng-tộc (patriline) nhà Nguyễn :
Phần này bàn về họ gia đình vua nhà Nguyễn (1802-1945) vì các họ thuộc về gia đình này không khỏi gây thắc mắc cho nhiều người, nhất là đối với người nước ngoài, như làm sao họ có thể hiểu cha họ Bửu mà con họ Vĩnh. Dòng chúa Nguyễn đến đời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) mới dùng chữ lót "phúc" ("phước"). Tương truyền vợ Chúa Tiên (Nguyễn Hoàng) nằm mộng thấy thần đưa một mảnh giấy ghi đầy chữ Phúc, nên Chúa dùng phúc làm tên lót để nhiều đời được hưởng - trong khi đó dòng họ Nguyễn ở lại Gia Miêu (Thanh Hóa) thì đổi thành Nguyễn Hựu. Con cháu gia đình họ Nguyễn này, từ đời Minh Mạng (còn đọc là Mệnh,1820-1841) trở đi, đã phân biệt nhau theo dòng và thế hệ bằng nhiều "họ mới" khác nhau. Theo thứ tự, con cháu cùng một đời mang cùng một họ riêng nhưng luôn hiểu ngầm là họ Nguyễn. Cứ mỗi "họ mới" là một đời, bắt nguồn từ bài "đế-hệ thi" của vua Minh Mạng, dùng cho "chánh hệ" (primary royal branch) tức dòng vua Gia Long :
Miên Hồng (Hường) Ưng Bửu Vĩnh
Bảo Quý Định Long Trường
Hiền Năng Khang Kế Thuật
Thế Thoại Quốc Gia Xương
Bảo Quý Định Long Trường
Hiền Năng Khang Kế Thuật
Thế Thoại Quốc Gia Xương
Thí dụ :
Miên Tông (Thiệu Trị), Miên Thẩm Tùng Thiện Vương, Miên Trinh Tuy Lý Vương.
Hồng Nhậm (=Nhiệm, Tự Đức), Hồng Bảo (nổi loạn năm 1848), Hồng Dật (Hiệp Hòa).
Ưng Chân (Dục Đức), Ưng Đăng (Kiến Phúc), Ưng Lịch (Hàm Nghi), Ưng Xuỵ (Đồng Khánh), Ưng Quả, Ưng Kỳ, Ưng Thuyên, Ưng Trình.
Bửu Lân (Thành Thái), Bửu Đảo (Khải Định), Bửu Lộc, Bửu Hội.
Vĩnh San (Duy Tân), Vĩnh Thụy (Bảo Đại), Vĩnh Lộc.
Bảo Long, Bảo Quốc, v.v.
Hồng Nhậm (=Nhiệm, Tự Đức), Hồng Bảo (nổi loạn năm 1848), Hồng Dật (Hiệp Hòa).
Ưng Chân (Dục Đức), Ưng Đăng (Kiến Phúc), Ưng Lịch (Hàm Nghi), Ưng Xuỵ (Đồng Khánh), Ưng Quả, Ưng Kỳ, Ưng Thuyên, Ưng Trình.
Bửu Lân (Thành Thái), Bửu Đảo (Khải Định), Bửu Lộc, Bửu Hội.
Vĩnh San (Duy Tân), Vĩnh Thụy (Bảo Đại), Vĩnh Lộc.
Bảo Long, Bảo Quốc, v.v.
Như sẽ trình bày trong phần tiếp về chữ lót, cách định họ trước này bị ảnh hưởng của người nhà Thanh (Mãn Châu) lúc đó đang cai trị Trung Hoa. Vua Minh Mạng là vị vua nhà Nguyễn chịu nhiều ảnh hưởng của Trung quốc. Theo phong cách của những người trong giới vua chúa và quan lại nhà Thanh, một ông tổ dụng công nghĩ ra đặt sẵn chữ lót cho nhiều thế hệ nối tiếp, có khi cho là do thần truyền mộng. Đó là nguồn gốc của nguyên tắc "hệ thi" có thể dùng cho nhiều đời liên tiếp. Vua Minh Mạng với 20 "họ" là có ý mong dòng dõi trường tồn ít ra năm trăm năm, nhưng nhà Nguyễn sau ngài chỉ làm vua được năm đời mà đã lận đận phế lập, đầy ải cũng nhiều, tang thương cũng lắm!
Tuy nhiên các họ từ bài "đế-hệ thi" nói trên chỉ được dùng cho hậu duệ dòng vua Minh Mạng, vì ngoài "đế-hệ thi" vua còn làm mười bài "phiên-hệ thi" nhắm cho mười ông hoàng anh em của vua. Tưởng cũng cần biết, vua Gia Long có cả thảy 13 hoàng nam và 18 công chúa; vua Minh Mạng tên Nguyễn-Phúc Đảm là hoàng tử thứ tư và trưởng nam là hoàng tử Cảnh đã qua đời lúc trẻ tuổi. Sau khi phổ biến 10 bài "phiên-hệ thi" thì Quang-Oai Công, ông hoàng thứ 10 cũng chết trẻ, còn một số ông hoàng khác cũng tuyệt tự sớm hoặc từ đời thứ hai. Đó là lý do tại sao đến nay trong thực tế chỉ có bốn bài "phiên-hệ thi" được dùng cho hậu duệ bốn ông hoàng kể sau :
- Anh-Duệ Hoàng Thái-tử (Nguyễn-Phúc Cảnh, hoàng trưởng-tử của vua Gia Long):
Mỹ Duệ Tăng Cường Tráng
Liên Huy Phát Bội Hương
Linh Nghi Hàm Tấn Thuận
Vỹ Vọng Biểu Khôn Quang
Mỹ Duệ Tăng Cường Tráng
Liên Huy Phát Bội Hương
Linh Nghi Hàm Tấn Thuận
Vỹ Vọng Biểu Khôn Quang
Hoàng-tử Cảnh mất khi 22 tuổi, ông có hai con trai: Mỹ Đường bị chú là Minh Mạng kết tội và giáng làm dân đinh, con cháu chỉ được phụ chép vào sau tôn-phả, và người con thứ hai Mỹ Thùy mất sớm. Kỳ-Ngoại Hầu Cường Để và các con ông là Tráng Cử, Tráng Liệt, Tráng Đinh rồi đời sau nữa, Liên Thành, v.v., thuộc nhánh (phòng) này.
- Kiến-An Vương (hoàng tử thứ năm) :
Lương Kiến Ninh Hòa Thuật
Du Hành Suất Nghĩa Phương
Dưỡng Dĩ Tương Thức Hảo
Cao Túc Thể Vi Tường
Lương Kiến Ninh Hòa Thuật
Du Hành Suất Nghĩa Phương
Dưỡng Dĩ Tương Thức Hảo
Cao Túc Thể Vi Tường
Kiến-An quận-công Lương Viên, công tử Lương Kỳ cũng như ông Hòa Giai và các con là Thuật Hanh, Thuật Hy thuộc phòng này.
- Định-Viễn Quận-vương (hoàng tử thứ sáu):
Tĩnh Hoài Chiêm Viễn Ái
Cảnh Ngưỡng Mậu Thanh Kha
Nghiêm Khắc Do Trung Đạt
Liên Trung Tập Bát Da
Tĩnh Hoài Chiêm Viễn Ái
Cảnh Ngưỡng Mậu Thanh Kha
Nghiêm Khắc Do Trung Đạt
Liên Trung Tập Bát Da
Ông Tĩnh Cơ cũng như Chiêm Nguyên và các con Viễn Ngô, Viễn Cẩm, Viễn Tống hay ông Chiêm Tân và con Viễn Bào đều thuộc nhánh này.
- Từ-Sơn Công (hoàng tử thứ mười ba):
Từ Thể Dương Quỳnh Cẩm
Phu Văn Ái Diệu Dương
Bách Chi Quân Phụ Dực
Vạn Diệp Hiệu Khuông Tương
Từ Thể Dương Quỳnh Cẩm
Phu Văn Ái Diệu Dương
Bách Chi Quân Phụ Dực
Vạn Diệp Hiệu Khuông Tương
Từ Đàn, Thể Ngô cũng như giáo sư Dương Kỵ và con là Quỳnh Trân, ông Dương Thanh và con Quỳnh Nam đều là hậu duệ con trai út của vua Gia Long.
Các bài "phiên-hệ thi" và "đế-hệ thi" đồng thời là những bài thơ chữ Hán đúng niêm luật và có ý nghĩa; các từ đều có nghĩa tốt và uyên bác - tài của tác giả là ở đó, không một chữ trùng điệp! Ở mười một bài tứ tuyệt ! Người ta vẫn tương truyền là "ngự chế" do thần mộng! Các bài này năm 1823, được vua Minh Mạng ra lệnh cho khắc lên một cuốn sách kim-loại (kim sách) bằng vàng ròng cho bài "đế-hệ thi" và mười cuốn bằng bạc (ngân sách) cho mười bài "phiên-hệ thi". Các kim và ngân sách này được bảo trì kỹ lưỡng cho đến thời Tự Đức thì phần lớn phải nấu ra kim loại để trả nợ chiến phí bốn triệu đồng cho Pháp và Tây-ban-nha theo hiệp ước Nhâm-tuất (1862). Không ai biết sự thật ra sao vì đến ngày Bảo Đại, vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn, thoái vị năm 1945, các sách kim loại này đã biến mất, chỉ còn lại vài cuốn bằng "đồng sách"(bằng đồng) và "thể sách" (bằng lụa) trong các viện bảo tàng !
Vua Minh Mạng cũng quyết định rằng hậu duệ của Triệu-tổ Tịnh Hoàng-đế Nguyễn Kim mà không phải là hậu duệ ngành vua Gia Long, tức hoàng tộc "tiền hệ", thì chỉ dùng họ "Tôn-thất" (tức Tông-thất do kỵ húy tên Miên Tông của vua Thiệu Trị). Riêng về nữ giới hậu duệ của vua Minh Mạng thì dùng các cách gọi sau đây, thay đổi theo thứ tự thế hệ :
- Công-chúa : chị em vua Minh Mạng
- Công-nữ : con của vua
- Công tôn-nữ: cháu của vua
- Công-tằng tôn-nữ : chắt của vua
- Công-huyền tôn-nữ: chít của vua
- Lai-huyền tôn-nữ : con của chít của vua Minh Mạng.
- Công-nữ : con của vua
- Công tôn-nữ: cháu của vua
- Công-tằng tôn-nữ : chắt của vua
- Công-huyền tôn-nữ: chít của vua
- Lai-huyền tôn-nữ : con của chít của vua Minh Mạng.
Người trong hoàng tộc thuộc "đế-hệ thi" thường không để "Nguyễn-Phúc" hay "Tôn-thất" phía trước họ mới như Bảo Long, Bửu Dưỡng, Ưng Quả,... trong khi những người thuộc "phiên-hệ thi" thì lại hay dùng "Tôn-thất" trước họ mới như Tôn-thất Viễn-Bào, Tôn-thất Dương Kỵ,...
Nói chung, các "họ mới" này giúp đoán biết người nào thuộc hoàng tộc nhà Nguyễn và là hậu duệ của ngành Gia Long, Minh Mạng hay Nguyễn Kim. Tuy nhiên, các "họ" này không thật là "họ" theo nguyên nghĩa, do đo chúng tôi sẽ không ghi vào danh sách các họ ở cuối bài. Riêng con cháu dòng nhà Lê cũng có một hệ thống tên lót "Cam, Hồng, Phước" để phân biệt thế hệ, tuy nhiên chúng tôi chưa tìm được tài liệu xác nhận (3).
(Xin mở dấu ngoặc để trả lời một số phê bình của người đọc trên một vài báo chí hải ngoại và trang Internet trong nước về điểm này. Khi chúng tôi gọi các 'họ mới' bắt nguồn từ bài "đế-hệ thi" của vua Minh Mạng là 'họ' là chúng tôi đã nghĩ đến tình cảnh sống ở hải ngoại, việc ghi họ tên của con cháu nhà Nguyễn có thể gây hiểm lầm ở các văn phòng di trú của các nước ngoài, rồi trên giấy tờ hộ tịch, v.v. và về lâu dài các 'họ mới' như Vĩnh, Bảo, Liên, v.v. sẽ trở thành Họ, nếu 'Nguyễn Phước' chỉ được hiểu ngầm. Khác với trong nước và với người trong Hoàng-tộc, họ 'Nguyễn Phước' đã là chuyện hiểu ngầm hiển nhiên không phải bàn tới. Như vừa xác nhận, chúng tôi sẽ không ghi vào danh sách các họ ở cuối bài, tức là chúng tôi đã không xem các 'họ mới' này là Họ).
3.3. Họ dân gian :
3.3. Họ dân gian :
Trong số "trăm họ" hiện được dùng, có chừng 30 họ là gốc Việt hoàn toàn, lúc đầu vốn là họ bộ tộc. Chúng tôi nói "họ" Việt mà không nói "người" Việt vì đến nay, mấy ai có thể chứng minh là thuần "len" hay "máu" Việt.
Ngược dòng lịch sử, Việt tộc xuất phát từ chủng Cổ Mã-Lai (Indonésien) và Nam-Á (austro-asiatique), đã một phần thiên cư lên miền Bắc ở đồng bằng phía Nam sông Dương-tử bên Tàu. Bị người Hán xâm chiếm, tổ tiên ta đã phải thiên cư xuống phía Nam và cuối cùng lập quốc ở vùng đồng bằng sống Hồng, Bắc Việt, vào khoảng thế kỷ thứ IV trước Công-nguyên. Từ năm 1069, người Việt tiếp tục Nam-tiến, chiếm toàn thể nước Chiêm-Thành năm 1693 và chiếm đóng phần đồng bằng phía đông Cam-Bốt tức Thủy Chân-Lạp năm 1759 vốn là địa bàn cư trú của người Cổ Mã Lai sau chuyển biến thành chủng Nam Đảo. Cuộc Nam-tiến đã dừng lại khi người Pháp chiếm đóng và thành lập Đông dương thuộc địa. Phần khác, nước ta từng bị nhà Hán và các triều đại Trung quốc sau đó đô hộ cả ngàn năm, một số quân lính sang đất Giao Chỉ rồi ở lại lập gia đình sanh con đẻ cháu. Mặt khác nữa, nước ta đã từng đón nhận nhiều người Hoa đến tị nạn hoặc di trú. Đáng kể nhất là quần thần nhà Minh tới định cư ở Nam Việt ta sau khi bị người Mãn Châu (Thanh) xâm chiếm nước họ.
Đó là lý do lịch sử của một số họ Việt gốc Hoa như Khổng, Lưu, Trương, Mai, Lâm, Lữ, Nhan, Sử, Tăng, Trịnh, Vương, v.v. hoặc gốc Miên như Thạch, Sơn, Danh, Kim, Lâm là năm họ nhà Nguyễn đã ban cho, hoặc gốc Chàm như Chế, Chiêm, v.v. hoặc họ của đồng bào thiểu số (trong nước hiện gọi là "dân tộc") như Linh, Giáp, Ma, Đèo, Kha, Diêu, Vi, Quách, Nông, Chữ, Ngân, Ông, Trà, Lang, Lục, Sầm, v.v.
4. Ý-Nghĩa Họ Người Việt :
Lúc đầu được ghi chép bằng chữ Hán, sau thêm chữ Nôm rồi "quốc ngữ" hóa, họ người Việt theo dòng lịch sử bị nhiều ảnh hưởng, đã biến đổi hoặc hiểu sai lạc, khiến cho người thời nay khó hiểu được ý nghĩa sơ nguyên của họ. Cùng một phát âm như của ngày hôm nay, chưa chắc một chữ đã gợi lên cùng một ý nghĩa, như các họ Đinh hiện được hiểu là "công dân", "người". Quách nghĩa là vật chắc chắn, có sức đối kháng mà cũng có nghĩa là lớp thành ngoài. Họ Lê vốn nghĩa là "dân chúng" nói chung.
Vì những lý do đã nêu, các họ được ghi chép lại, được hiểu là phải viết như một danh từ chung, nhưng không nên hiểu là có cùng một ý nghĩa như danh từ đó. Cũng như người Pháp có các họ Boucher, Boulanger, ... có thể nguyên gốc dùng để chỉ nghề nghiệp của tổ tiên họ. Các chữ không nhất thiết phải gợi lên hành động, trạng thái hoặc đối tượng của danh từ, nhất là từ khi có chữ quốc ngữ la-tinh, các chữ gợi hình ít hơn và cũng dễ gây hiểu lầm hơn. Tên họ ghi chép trong các từ điển hiện nay nên được xem như không có ý nghĩa chắc chắn, vì thế ta không thể khẳng định họ viết như thế phải nghĩa là thế này hoặc họ đó tương đương với danh từ chung diển tả sự vật hoặc hành động.
(Còn tiếp)
Nguyễn Vy Khanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét