Thứ Tư, 30 tháng 1, 2008

Của Tùng Nỗi Nhớ Không Nguôi (2)

- Làng An ninh: Một làng trung bình về diện tích lãnh thổ lẫn dân số. Người làng An ninh hiền hoà. An ninh được nhiều người biết vì có Tiểu chủng viện cuả Giáo phận Huế đóng lâu đời tại đó. Tiểu chủng viện là nơi đào tạo linh mục trong giai đoạn 8 năm đầu, sau đó vào học ở Đại chủng viện Huế 6 năm rồi mới thụ phong linh mục. Tiểu chủng viện An ninh cũng giúp giáo huấn chủng sinh cho Giáo hội Công giáo Lào. Một ít chủng sinh thụ giáo ở đây sau nầy nổi danh như Đức cha Hồ ngọc Cẩn, Giám mục Giáo phận Bùi chu; Đức cha Ngô đình Thục, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế; Đức cha Lê hữu Từ, Giám mục Giáo phận Phát diệm; Đức cha Nguyễn văn Hiền, Giám mục Giáo phận Đà lạt; Đức Hồng y Nguyễn văn Thuận, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình Toà thánh Vatican; Đức cha Nguyễn như Thể, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế; Linh mục Nguyễn hy Thích, giáo sư hán văn và triết học Đông phương tại Đại học Huế, Sài gòn và Đà lạt; Linh mục Nguyễn văn Lập, Viện trưởng viện Đại học Đà lạt.

Tiểu Chủng viện tọa lạc trong một khuôn viên khá rộng, trên 1 mẫu tây (hectare) đất. Trong đó có ba nhà thờ: Nhà thờ chính, Nhà thờ Đức Bà và Nhà thờ thánh An tôn; hai dãy nhà lầu lớn làm nơi học và ở cho giáo sư và chủng sinh, còn có nhà khách, nhà chơi, sân chơi, nhà ăn, nhà bếp và lẫm lúa (kho thóc)...

Tiểu chủng viện An ninh cũng là nơi trú ẩn và bảo vệ giáo dân trong thời kỳ Văn thân giết hại tín đồ Công giáo vào năm 1885.

Nguyên vào thời bấy giờ, tình hình trong nước quá rối loạn: Vua Tự đức băng hà, vua Dục đức lên nối ngôi, làm vua được ba ngày bị truất phế và giam đói cho đến chết; vua Hiệp hoà lên thay, làm vua được bốn tháng mười ngày bị ép uống thuốc độc chết; vua Kiến phước lên ngôi được tám tháng thì chết đột ngột, nghi là bị đầu độc; vua Hàm nghi lên ngôi lúc 12 tuổi. Thời đó, việc triều chính ở Huế đều do hai quan phụ chính là Nguyễn văn Tường và Tôn thất Thuyết định đoạt. Do tình hình căng thẳng giữa triều đình Huế và quan chức Pháp tại Huế, họ áp bức triều đình nộp chiến phí 20.000 thoi vàng, 200.000 thoi bạc, 200.000 quan tiền và có thái độ hống hách với triều đình. Đêm 4 tháng 7 năm 1885, nhân phía Pháp tổ chức tiệc, ông Tôn thất Thuyết đã cho lệnh tấn công, đốt cháy các trại ở tòa Khâm, đánh vào thành Mang cá, một số sĩ quan và binh lính Pháp chết. Đến sáng ngày 5 tháng 7 quân Pháp mới chấn chỉnh lại hàng ngũ và phản công. Hai quan phụ chánh Nguyễn văn Tường và Tôn thất Thuyết thấy thất bại, vội phò vua Hàm Nghi ra Quảng trị. Việc hai ông Tường và Thuyết đánh Pháp, vua chẳng hay biết gì cả. Ông Tôn thất Thuyết sau khi đưa vua Hàm Nghi đến Tân sở, Quảng trị, nhân danh vua ra một chiếu thư kể tội giặc Pháp và hô hào nhân dân cả nước chống Pháp. Chiếu thư nầy được gọi là “Hịch Cần vương” (hết sức cứu viện vua), sau đó ông Tôn thất Thuyết đưa vua ra Quảng bình rồi ông trốn sang Trung hoa, còn ông Nguyễn văn Tường ra đầu thú Pháp.

Hịch Cần vương kêu gọi bình tây sát tả. Bình tây thì chẳng chống được giặc Pháp, còn sát tả thì giết dã man tàn bạo vô số đồng bào ruột thịt theo đạo công giáo trên khắp nước. Hịch Cần vương được nhóm Văn thân, gồm thành phần thư lại, thân hào, hưởng ứng cuồng nhiệt, họ cho người trang bị giáo mác xông vào các làng công giáo vùng Cửa Tùng chém giết không nương tay bất kể nam phụ lão ấu, đốt sạch nhà thờ và nhà giáo dân, vơ vét hết của cải thóc gạo áo quần, làm thịt hay dẫn đi tất cả trâu bò heo gà của giáo dân.

Giáo dân nào may mắn thoát khỏi chém giết thì chạy đến Tiểu chủng viện An ninh, tại đây, họ cùng nhau đào hào đắp lũy chống lại lũ người đang hăm he tấn công cướp của giết người ở Tiểu chủng viện. Toán quân của Văn thân đã mấy lần tấn công bằng hỏa mai đốt phá hàng rào để đột nhập, nhưng lực lượng bên trong kiên quyết cố thủ. Quân tấn công dần dần rút lui.

Tháng 8 năm 1885, vua Đồng Khánh lên ngôi.

Nước đã có vua, trật tự an ninh được vãn hồi, giáo dân trở về nơi ở, giúp nhau chặt cây, cắt tranh làm lại tạm thời nhà ở và nhà thờ, gây dựng lại cơ nghiệp với nhiều lầm than gian khổ trong nhiều năm liên tiếp. Các giáo xứ dần dần ổn định và xây dựng lại cơ sở bằng gạch ngói như nhà thờ, trường giáo lý và khai tâm quốc ngữ,v.v...

Theo tổ chức của Giáo phận Huế thì các giáo xứ vùng Cửa Tùng được gọi là Giáo hạt “Đất Đỏ” gồm có các giáo xứ sau đây: Di loan (Di luân), An ninh, An du tây, An du đông, An bằng, An lễ, An trí, An ngãi, Loan lý (Luân lý) và Hoà ninh. Hằng năm vào tháng 9 dương lịch, Giáo hạt tổ chức kiệu Đức Mẹ Mân-côi tại nhà thờ An ninh. Đoàn rước dài hàng cây số, thiếu nhi tung hoa, cờ phướn rợp trời, chuông đổ hồi, trống đại điểm nhịp, trống cà-rầng rập ràng như một bản nhạc tuyệt vời trổi lên giữa tiếng cầu kinh của hàng ngàn giáo dân.

Đầu làng Vĩnh an có một ngôi chùa cổ, một vị tăng già trụ trì. Xóm nhà ở gần chùa gọi là xóm Chùa.

Các làng An du đông, An du nam, Tân trại, Cổ trai đều có đình thờ Thành hoàng và có tự điền, hằng năm thu hoa lợi ở đó mà lo việc tế Kỳ Phúc xuân thu nhị kỳ và giỗ Khai khẩn. Dịp nầy đình làng trở nên náo nhiệt, cờ quạt phất phới, các chức sắc mặc áo rộng xanh xướng lễ trước hương án, chiêng trống rộn rã, tiếng sáo hoà đờn cò các bản cổ nhạc nam ai nam bình trầm bổng. Khi lễ tất, dân làng yến tiệc rất vui vẻ.

Người Cửa Tùng hiền hoà, tiếng nói mang đặc điểm thổ ngữ miền bắc Trung phần Việt nam (Thanh hoá, Nghệ an, Hà tĩnh, Quảng bình, Quảng trị, Thừa thiên). Có một số ngữ ngôn cổ xưa như : ả (chị), cụ mự (cậu mợ), cơn (cây), cấy giôông (vợ chồng), cươi (sân), nác chiếng (nước giếng), ló chôống (lúa giống), eng ả (anh chị), nghin ngái (gần xa), ôông mụ (ông bà), roọng (ruộng), v.v...

Một mẫu đối thoại:

-Mùa ni tui có làm thêm một trào roọng, eng có ló chôống khôông, để cho tui ít thúng. (Mùa này tôi có làm thêm một sào ruộng, anh có lúa giống không, để cho tôi ít thúng).
-Eng qua bên cụ mự tui. (Anh qua bên cậu mợ tôi.)
-Từ đay qua đó nghin ngái (Từ đây qua đó xa gần)
-Đứng đay ngó chộ nị (Đứng đây trông thấy mà).

Từ ngõ ngách trong các thôn xóm, thỉnh thoảng vọng lên giọng hát khoan thai, dịu dàng, truyền cảm của bà ru cháu, mẹ ru con theo điệu dân ca Bình Trị Thiên:

Ơ! à! ơ! chàng về thiếp một theo mây. Ơ! à! ơ! con thơ (mà) để lại Ơ! à! ơ! chốn nầy ai nuôi.
Ơ! à! ơ! chàng về thì đục cũng về, ơ! à! ơ! dùi cui ở lại, ơ! à! ơ! làm nghề chi đây?
Ơ! à! ơ! gió đưa cây cải về trời. Ơ! à! ơ! cây rau răm ở lại, Ơ! à! ơ! chịu lời đắng cay.
Ơ! à! ơ! Ru em! ơ! à! ơ! em théc cho muồi, ơ! à! ơ! để mẹ đi chợ, ơ! à! ơ! mua vôi ăn trầu. Ơ! à! ơ! mua vôi thì mua chợ Quán chợ Cầu, ớ à! ơ! mua cau Nam phổ, ơ! à! ơ! mua trầu chợ Dinh.. Chợ Dinh bán áo con trai, ơ! à! ơ! Mậu sơn bán vải, ơ! à! ơ! Mậu tài bán kim. Ơ! à! ơ! kim xa kim ở bên Tàu, chỉ xa Hà nội, ơ! à! ơ! gặp nhau tình cờ. Tình cờ mà đáng nhân duyên, ơ! à! ơ! những nơi kết vấn thề nguyền bỏ đi,v.v...

Nơi thôn lương hiền hoà yên tĩnh ấy vẫn có những hoạt động chính trị âm thầm len lỏi trong dân chúng dưới thời Pháp thuộc. Một ít thân hào nhân sĩ địa phương kín đáo ủng hộ các nhà ái quốc Phan bội Châu, Ngô đình Diệm và thỉnh thoảng bàn tán về Việt nam Quốc dân đảng. Cũng có một vài ông người Nghệ an, hoạt động chính trị, bị mật thám Pháp tầm nả, trốn đến Cửa Tùng, xin nhập làng An du bắc, đổi tên và cải họ Nguyễn.

Một sáng mùa thu năm 1941, một lá cờ đỏ có hình búa liềm được treo trên một cây tre dài 3,4 mét cắm tại sân máy bay Cửa Tùng. Xã địa phương báo phủ Vĩnh linh, Phủ cho một thầy Ký về cùng với địa phương lập biên bản và hạ cờ. Kể từ đó, chính quyền cho lệnh mỗi làng phải lập điếm canh, cắt đinh tráng (đàn ông khỏe mạnh) tổ chức toán “Tuần đinh” trang bị bằng gậy gộc và dây buộc, hằng đêm tuần tiểu trong làng để giữ an ninh trật tự.

Một đêm hè năm 1942, toán “Tuần kiểm” của phủ Vĩnh linh gồm năm sáu người do thầy Ba dẫn đầu, tất cả đều đi bằng xe đạp, khi đến địa phận làng An du bắc vào khoảng 9 giờ tối, trăng sáng lờ mờ, toán Tuần đinh đang đứng ở điếm canh nhìn thấy biết là toán Tuần kiểm của Phủ, Tuần đinh hô to “Ai đó, đứng lại” Toán Tuần kiểm khinh thường, tiếp tục đạp xe đi, Tuần đinh liền dùng gậy thọc bánh xe, Tuần kiểm xuống xe dùng roi da bò đánh Tuần đinh, Tuần đinh dùng gậy phang đầu Tuần kiểm, hai bên cận chiến vật lộn nhau, rồi mõ làng đánh gấp ngũ liên, chuông nhà thờ đổ hồi, dân chúng kéo tới hỗ trợ Tuần đinh đánh toán Tuần kiểm một trận nhừ tử. Kể từ đó, cơ quan phủ huyện bớt thói hống hách với nhân dân địa phương.

Tuy ở gần biển nhưng chỉ độ 5% cư dân sống theo ngư nghiệp. Vùng Cửa Tùng ruộng ít đất nhiều, đại đa số dân chúng theo nông nghiệp. Một số sản phẩm được xuất bán các nơi khác như: muối ăn, nước mắm, ruốc, cá, tôm hùm, mực khô, chè (trà) khô, hạt tiêu, tơ lụa, nón lá, tơi lá, khoai sắn khô, các đồ bằng mây tre,v.v...

Có hai loại tiền tệ lưu hành song song trên thị trường địa phương: Tiền đồng hình tròn giữa có lỗ vuông, một mặt trơn, mặt khác có bốn chữ hán, do vua phát hành, như: tiền Gia long, tiền Minh mạng, tiền Tự đức... Tiền đồng phát hành lần chót ghi năm phát hành là “Bảo đại nguyên niên”. Lưu hành song song với tiền đồng là Giấy bạc Đông dương (dùng chung cho ba nước Việt Miên Lào) do Chính phủ Bảo hộ Pháp phát hành. Bạc giấy Đông dương ngày càng mất giá nên dân chúng thích lưu trữ tiền đồng cho đến ngày 1 tháng 8 năm 1954, ngày di cư vào Nam.

Cách mạng tháng 8 năm 1945: một số người không rõ xuất phát từ làng nào, trang bị bằng gậy gộc, tới chiếm Nhà Dây thép (Bưu điện), Đồn Lính tập (lính khố xanh), cờ đỏ sao vàng cũng đồng thời xuất hiện tại hai nơi nầy. Mấy ngày sau, một cuộc mít-tinh (meeting) được tổ chức tại sân vận động Cửa Tùng, dân chúng tham dự khá đông, ba bốn cán bộ đứng trên ghế gỗ, tay cầm loa thông báo “Bảo đại thoái vị ... chống thực dân Pháp và quân phiệt Nhật ... giành chánh quyền lại cho nhân dân... Từ nay nước ta độc lập dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ chí Minh .... Tha hẳn thuế thân.... Khi nghe tuyên bố “Tha hẳn thuế thân” dân chúng hoan hô nhiệt liệt, bởi “Thuế thân” là loại thuế mà tất cả đàn ông đến tuổi, phải đóng hằng năm cho Chính quyền Bảo hộ Pháp, ai không đóng sẽ bị hình phạt kềm kẹp tay chân đau khủng khiếp.

Sau khi giành được độc lập, trong tiến trình tiến tới thể chế dân chủ, các chính đảng công khai hoạt động, gây ảnh hưởng lôi cuốn nhân dân bầu cho người của đảng phái mình vào quốc hội để có tiếng nói bày tỏ lập trường góp phần xây dựng đất nước. Trong tinh thần đó, Liên đoàn Công giáo cũng được thành lập với khối giáo dân Công giáo hạt Đất Đỏ. Một Ban Chấp hành Liên đoàn Giáo hạt được bầu ra để điều hành công việc.

* Cửa Tùng trong chiến tranh 1945-1954 :

Trước khi quân Pháp tái chiếm Cửa Tùng, Uỷ ban Hành chánh Kháng chiến phủ Vĩnh linh cho lệnh đập phá toàn bộ cơ quan và nhà cửa của người Pháp, đốn sạch rừng dương liễu quanh bãi tắm và phi trường Cửa Tùng, đào hào ngang dọc giữa sân bay để không cho máy bay đáp, cắm nhiều cây tre vạt nhọn trên sân bay để đề phóng quân nhảy dù, đào lỗ dọc theo bờ biển đặt ống tre lớn hướng mũi ra biển ngụy tạo súng đại bác để đánh lừa tàu chiến Pháp đang đậu ngoài biển.

Đầu năm 1947, quân bộ Pháp từ Đồng hà tới Cửa Tùng không có tiếng súng giao tranh, thỉnh thoảng điểm vài tiếng hải pháo từ tàu thủy bắn vào. Bộ đội Pháp đóng 2 đồn, 1 tại làng Tân trại và 1 tại làng Vĩnh an, ngay trên hải khẩu, cạnh nhà Thừa lương của vua Bảo đại.

Dần dần chánh quyền lâm thời địa phương được thành lập, các chánh phó tổng và hương lý chế độ quân chủ cũ trở lại làm việc. Lúc nầy đời sống yên ổn, kinh tế thịnh vượng , xe hàng mỗi tuần vài chuyến CửaTùng - Đồnghà - Huế. Trường An du được xây mới mang tên trường “Tiểu học An du” với 5 lớp (từ lớp năm đến lớp nhất), Nữ tu viện Di loan cũng mở một trường Tiểu học tại đầu làng Vĩnh an. Chợ Do chợ Cựa họp đông đúc. Đình làng chiêng trống cờ quạt tiệc tùng linh đình sôi nổi náo nhiệt mỗi lần tế Kỳ phúc cầu quốc thái dân an. Ba ngày tết mở hội “Bài chòi” tại chợ Do, nghe hô “Ông Ầm, Ông Rún” ồn ào, ai tới thì gõ mõ, đốt pháo, nhắp rượu và lãnh thưởng. Mùa hè có cuộc đấu võ giữa các võ sinh 2 lò của 2 võ sư, 1 của ông Túy (Di loan) và 1 của ông Hiếu (Tùng luật). Nghe các Cụ nói vào thập niên 1920-1930 có ông Nguyễn văn Bổn, người làng An du bắc, giáo xứ Hoà ninh, là người võ nghệ cao cường, ông có mở lò dạy võ và thanh trừng bọn cướp trong vùng.

Cảnh thái bình chỉ ngắn ngủi vài năm trong thời gian lực lượng Việt minh rút vào mật khu để kháng chiến chống Pháp.

Kể từ mùa thu năm 1949 tình hình an ninh trở nên bất ổn. Khởi đầu với vụ ông Chánh tổng bị giết ngay tại sân nhà ở làng An du nam. Một thời gian sau, một số thân hào làng An du bắc bị bắt mất tích, ông Lý trưởng (Xã trưởng) làng An du nam bị ám sát. Kể từ đây, các Cán bộ của Liên đoàn Công giáo, Chánh Phó tổng, Hương lý và các nhân sĩ trong vùng đều đi ngủ chui ở nhà bà con hay bạn bè để tránh khỏi bị bắt cóc hay ám sát. Về phía Cán bộ Việt minh cũng bị đồn Pháp bắt giết như anh Đinh (làng Tùng luật), ông Thuận (làng An du nam), ông Mậu (Giáo xứ An bằng), ông Diêm (làng An du đông).

Một buổi sáng mùa hè năm 1949, một toán tuần tiểu của đồn Cửa Tùng do một sĩ quan Pháp chỉ huy với 10 lính người Việt, bị phục kích tại sân banh Tiểu chủng viện An ninh. Mấy người lính chạy thoát được vào làng An ninh, còn vị Sĩ quan Pháp bị thương được quân phục kích băng bó và đem gửi trong Tiểu chủng viện. Đêm đó, họ tấn công đồn Cửa Tùng nhưng không chiếm được. Sáng hôm sau, viện binh Pháp giải tỏa áp lực địch và đưa sĩ quan bị thương đi bệnh viện.

Tình hình an ninh ngày càng bất ổn, dân chúng sống trong lo sợ dưới áp lực của 2 phía, ngày thì lính Pháp, đêm thì Việt minh.

Do nhu cầu chiến sự, quân bộ Pháp rút lính các đồn để thành lập các đơn vị lưu động, hai đồn Cửa Tùng và Tân trại được giao cho Bảo vệ quân Việt nam trấn giữ. Các làng Công giáo cũng tổ chức “Đoàn Hương vệ” trang bị bằng súng trường mousqueton và lựu đạn, xây đồn đắp lũy để tự bảo vệ xóm làng. Nhờ vậy xóm làng được yên ổn và vùng Cửa Tùng trở thành nơi tạm gọi là an toàn, giúp cho những người ở ngoài vùng đang lo sợ đến tính mạng đến đây ẩn náu. (Một chút hồi tưởng: Năm 1885, khi quân của Văn thân chém giết dã man đồng bào theo đạo Công giáo, một số giáo dân đã chạy đến các làng lương và được các người lương che chở khỏi bị sát hại. Thảm cảnh giết tróc lại tái diễn với chu kỳ 60 năm (1885-1945), các biến cố chính trị xảy đến, một số anh em bên lương cũng đã đến ẩn náu trong các gia đình ở khu vực Công giáo để được bảo toàn tính mạng).

. Hiệp định Genève: Nỗi đau của Đất Nước, Nỗi niềm của Di Dân:

Sau khi chiếm được Trung quốc, Chính phủ Bắc kinh viện trợ ồ-ạt cho bộ đội Việt minh chống Pháp. Tình hình chiến sự trở nên khốc liệt. Do áp lực quốc tế, cả hai phía Pháp và Việt minh đều muốn chấm dứt chiến tranh và giải quyết vấn đề Việt nam theo phương cách hoà bình. Một cuộc họp tứ cường gồm Anh, Pháp, Mỹ và Liên xô ngày 18-2-1954 đã đưa ra quyết định mở hội nghị Genève vào ngày 26-4-1954 để giải quyết vấn đề
Triều tiên và Đông dương trong hoà bình.

Để gây áp lực tại hội nghị, Việt minh tấn công mạnh, Điện biên phủ thất thủ vào ngày 7-5-1954. Ngày 26-5-1954, Pháp và Việt minh đồng ý ngưng bắn và rút quân về các khu chỉ định.

Tại hội nghị Genève, Pháp và Việt minh đồng ý chia cắt lãnh thổ Việt nam. Phía Việt minh đòi chia ở vĩ tuyến 13 (sông Đà Rằng, Tuy hoà), sau đó đòi chia ở vĩ tuyến 16 (Đà nẵng). Ngày 12-7-1954, Thủ tướng Trung hoa Chu ân Lai và Thủ tướng Pháp Mendès France thỏa thuận lấy vĩ tuyến 17 (sông Bến hải, bắc Quảng trị) và ngưng bắn theo lịch trình như sau :

27-7-1954 : ngưng bắn tại Bắc Việt.
01-8-1954 : ngưng bắn tại Trung Việt.
11-8-1954 : ngưng bắn tại Nam Việt.
(Theo tài liệu Hiệp định Genève)

Thời bấy giờ thiếu phương tiện thông tin nên đa số người Cửa Tùng không hay biết gì về Hội nghị Genève và Hiệp định Đình chiến.

Việc di cư đã đến với dân chúng quá đột ngột. Thoạt tiên, có tin cụ Ngô (Ngô đình Diệm) về nước chấp chánh. Giới thân hào nhân sĩ và hương lý lâu nay ngưỡng mộ cụ Ngô, mặt khác, vì sợ Việt minh, nên dự định di cư cá nhân hay gia đình, để tài sản lại cho bà con, bạn thân, xóm giềng... Họ chưa kịp thực hiện dự tính ấy thì có tin hai đồn Cửa Tùng và Tân trại rút, các đoàn Hương vệ giải tán, giao nộp vũ khí cho đồn Cửa Tùng. Dân chúng hoang mang, dao động và cảm thấy sợ hãi. Các Linh mục trong hạt cũng muốn cho giáo dân có được cuộc sống yên ổn trong một xã hội an bình, tự do nên cũng giúp hướng dẫn giáo dân di cư vào Nam.

Di dân ra đi trong thương tiếc quê hương làng xã, nhà cửa, vườn tược, ruộng đất, mồ mã tổ tiên, thánh đường, đình chùa, lăng miếu, trường học,v.v... Qua nhiều trăm năm kiến công lập nghiệp của tiền nhân, nay đành chịu bỏ đi.

Năm 1558, Tổ Tiên người Cửa Tùng đã lìa bỏ quê hương Thanh hoá, Nghệ an, theo chúa Nguyễn di cư xuống phía nam đến định cư tại Quảng trị để tránh một cuộc chiến tranh kéo dài trên 50 năm giữa Bắc triều của nhà Mạc vùng Bắc bộ và Nam triều của chúa Trịnh từ Thanh hoá trở vào. Đây là một cuộc nội chiến ác liệt giữa hai tập đoàn phong kiến, nạn nhân trực tiếp của cuộc nội chiến ấy là nhân dân, cả hai phe dùng mọi thủ đoạn vơ vét nhân, tài, vật lực của nhân dân để phục vụ cho chiến tranh.

Năm 1954, người Cửa Tùng cũng rời bỏ quê hương đi về phía nam để tìm một cuộc sống an bình, tự do và dân chủ.

Đoàn di dân đầu tiên khởi hành ngày 01 tháng 8 năm 1954 (nhằm ngày 3 tháng 7 năm Giáp ngọ) là ngày ngưng bắn tại Trung Việt. Các đoàn khác đi vào các ngày kế tiếp. Đa số di dân đều chọn định cư ở những vùng đất gần thị xã Quảng trị như An đôn, La vang chính, La vang trung, La vang tả, La vang hữu, La vang thượng. Các làng di cư nầy, một lần nữa, phải di tản vì chiến sự “Mùa hè đỏ lửa 1972” và phân tán đến nhiều địa phương khác trên lãnh thổ miền Nam nước ta và sau biến cố tháng 4 năm 1975, nhiều người gốc Cửa Tùng đã đến định cư tại nhiều nước trên thế giới như Hoa kỳ, Canada, Úc, Tân tây lan, Pháp, Nhật, Anh, Đức, Ý, Hoà lan, Thụy điển, Đan mạch... Riêng giáo xứ Loan lý (Luân lý) được linh mục Phan văn Cơ hướng dẫn đến định cư tại Lăng-cô, dọc quốc lộ 1, trên một vùng cát trắng ven biển, gần chân đèo Hải vân tỉnh Thừa thiên. Giáo xứ Loan lý vẫn tồn tại trọn vẹn cùng với kỷ vật “Quả chuông đồng và Bàn thờ cổ chạm trổ rất công phu” được giáo dân đem từ Cửa Tùng vào. Hiện nay, một ngôi thánh đường khang trang vừa được xây xong thay cho ngôi nhà thờ cũ. Nay toàn xã Lăng cô đã trở thành “Thị trấn Lăng cô”, có điện, khu du lịch, bãi tắm, khách sạn, phòng trọ, cửa hàng, tiệm vàng, tiệm thuốc tây, hãng nước đá, chợ, trường học... Con đường hầm xuyên đèo Hải vân nối liền Đà nẳng - Lăng cô - cảng Chân mây giúp kinh tế địa phương phát triển.

Tất cả người Cửa Tùng ở lại (không di cư) đều phải sơ tán đến các tỉnh Quảng bình, Hà tĩnh, Nghệ an để tránh bom đạn thời chiến và hồi cư sau khi hoà bình đã vãn hồi trên toàn lãnh thổ Việt nam. Tất cả 10 nhà thờ của 10 giáo xứ và các đình, chùa, tu viện, tiểu chủng viện đều bị bom san bằng.

Tháng 5 năm 1989, trở về thăm quê cũ, Cửa Tùng còn đậm nét thê lương.

Mùa thu năm 2004, đúng 50 năm xa quê, tôi trở về thăm cố hương lần nữa, Cửa Tùng đã hồi sinh, tuy chưa bằng thuở trước nhưng sức sống đang vươn lên với nhiều triển vọng. Xe đưa tôi từ Huế, Đồng hà, Gio linh, xuống Ba dốc, qua cầu Bến hải, rẽ phải vào tỉnh lộ, qua làng Liêm công đến hết làng Tân trại có dựng một bảng lớn “Làng An du nam”, đi tiếp đến ngã ba vào chợ Do cũ, cũng dựng một bảng lớn “Làng An du đông”, vườn Tiểu chủng viện An ninh nay được chia lô làm nhà ở, vùng đất đỏ Hoà-ninh Di-loan, vườn mít, chè, tiêu, cam, quít, chuối...xanh tốt. Tại vườn nhà thờ Di loan, một ngôi trường học 2 gian mới xây, tường gạch mái ngói, cửa lá sách sơn nâu, mái hiên đúc với hàng chữ nổi “Trường Mầm non Di loan”. Đi tiếp về phía Loan lý cũ, người sơ tán hồi cư nay đã xây nhà gạch, vườn tược xanh tươi. Gần bờ biển, một số nhà gạch mái ngói ẩn khuất trong những vườn cây lưu niên. Sát bãi biển, năm sáu quán ăn với thực đơn đặc sản Cửa Tùng như tôm hùm, mực cơm, mực nang, mực thước, cá mú .....

Du khách ngồi ăn chỉ cách bờ sóng vỗ vài chục thước, những làn sóng bạc đầu từ xa cuốn vào bờ, tỏa nhẹ lên bãi cát trắng mịn tạo âm thanh “ầm ầm”, hơi nước bốc lên tựa làn sương mỏng quyện với gió lùa vào phòng ăn, thực khách cảm thấy mát rượi, thoải mái và ngon miệng.

Biết bao giờ Cửa Tùng lấy lại phong độ ngày trước, ngày mà Cửa Tùng được xem là thắng địa thắng cảnh của Đất Nước, là vùng trù phú trù mật của Vĩnh linh.

Cụ Thượng thư Nguyễn hữu Bài đã đề cảnh Cửa Tùng qua bài thơ sau đây:

Hóng mát chiều hôm dạo cảnh chơi,
Trông vào bãi cát, ngó ra khơi.
Núi bông trắng xát bao Cồn Hến,
Hòn Cỏ xanh dờn thẳng Trôốc Voi.
Phất phưởng đầu gành hơi gió thổi,
Long lanh mặt nước bóng trăng soi.
Hỏi thăm ông Tạo khi nào rảnh
Lấp biển, dời non dễ thử coi.

Cố Bác sĩ Phan văn Hy đến thưởng ngoạn Cửa Tùng năm 1936 đã cảm đề bài thơ “Vịnh Cửa Tùng” như sau:

Qua Cửa Tùng chơi bóng xế chiều,
Cảnh Thừa lương trước ngó buồn thiu.
Năm xưa Bến Ngự đôi gềnh đá,
Dấu cũ sân chầu mấy cụm rêu.
Quyên gọi luống đau lòng cố quốc,
Tùng reo như nhắc chuyện Tiền Triều.
Cuộc đời dâu bể nhìn thêm ngán,
Nhớ Chúa thương ai ruột chín chiều.

Tôi xót xa mỗi lần hoài cảm cố hương và càng xót xa hơn, lòng rạo rực bâng khuâng nhớ cảnh nhớ người, khi viết về Cửa Tùng.

Canada/Montréal, ngày 01-01-2006

Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2008

Cửa Tùng Nỗi Nhớ Không Nguôi



Cửa Tùng là hải khẩu sông Bến hải, con sông mang dấu ấn tang thương của đất nước. Tôi rời Cửa Tùng đã trên nửa thế kỷ mà nỗi nhớ vẫn không nguôi, lòng cứ bâng khuâng nhớ cảnh nhớ người, bởi nơi đây là “Quê Cha Đất Tổ”, nơi Tổ Tiên tôi cùng các vị đồng bối, hưởng ứng công cuộc di dân của chúa Nguyễn Hoàng, đã đến đây lập nghiệp. Các bậc tiền bối, qua nhiều thế hệ nối tiếp nhau khai sơn phá thạch biến hoang địa thành vùng đất phì nhiêu và cửa Tùng trở nên chốn “Thanh phong lưu thủy”, một hải ngạn đẹp đẽ được người đương thời so sánh “nhất Đồ sơn, nhì Cửa Tùng”. Thi sĩ Đông Hồ khi tả cảnh Hà tiên đã nhắc đến Cửa Tùng “...có một ít Đồ sơn, Cửa Tùng, một ít Nha trang, Long hải...”.

Theo Việt sử, vùng đất Cửa Tùng nguyên là lãnh thổ của nước Chiêm thành. Vì quân Chiêm hay quấy nhiễu nước ta nên năm 1069 vua Lý Thánh Tông thân chinh đi đánh Chiêm thành, bắt được vua Chiêm là Chế Củ. Chế Củ xin dâng ba châu để chuộc tội là châu Địa lý, châu Bố chính và châu Ma linh. Ba châu ấy nay thuộc địa hạt tỉnh Quảng bình và một phần phía bắc tỉnh Quảng trị. Năm 1075, vua Lý Nhân Tông sai ông Lý Thường Kiệt vẽ lại họa đồ hình thể sông núi của ba châu và đổi tên châu Địa lý thành châu Lâm bình, châu Bố chính vẫn giữ nguyên tên cũ và châu Ma linh đổi thành châu Minh linh, rồi chiêu mộ di dân sang ở.

Theo Cương Mục Chính Biên thì châu Địa lý là phần đất huyện Quảng ninh, châu Bố chính là phần đất thuộc các huyện Bố trạch, Quảng trạch và Tuyên đức thuộc tỉnh Quảng Bình, còn châu Ma linh là phần đất toàn phủ Vĩnh linh và một phần phía bắc huyện Gio linh, tỉnh Quảng trị.

Như vậy, Cửa Tùng, phần đất phía đông bắc của phủ Vĩnh linh được sáp nhập vào lãnh thổ Việt nam kể từ năm 1069, năm mà Chế Củ xin dâng ba châu để chuộc tội.

Chủ trương của vua Lý Nhân Tông chiêu mộ di dân sang lập nghiệp vùng ba châu đã mở đầu công cuộc Nam tiến của nước ta. Tuy ban đầu, người Việt còn dè dặt trong việc di cư xuống phía Nam vì e ngại người Chiêm quấy nhiễu, trả thù, nhưng dần dần lãnh thổ phía nam nước ta bành trướng đến đèo Hải vân, rồi đến Quảng nam, Quảng ngãi..., người Việt phía Bắc mới an tâm đến lập nghiệp ở phía Nam.

Năm 1558 (Mậu ngọ), đời vua Anh Tông, chúa Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận hoá, đóng ở Ái-Tử tỉnh Quảng trị. Bấy giờ những người họ hàng với chúa Nguyễn ở huyện Tống sơn tỉnh Thanh hoá và những quân binh ở Thanh hoá Nghệ an và gia đình họ cùng đi theo chúa Nguyễn. Đợt di dân nầy được xem là đông đúc. Những đợt di dân tiếp theo trong nhiều năm sau đã tăng dân số trong vùng được gọi là “Đàng Trong” từ sông Gianh trở vào thuộc quyền cai trị của chúa Nguyễn. Qua hàng trăm năm các đời vua nối tiếp nhau cho đến cuối triều nhà Nguyễn, ngày vua Bảo Đại thoái vị (29-8-1945), thì vùng Cửa Tùng gồm có các làng xã sau đây:

Đại xã An du gồm có bốn làng : An du Đông, An du Tây, An du Bắc, An du Nam, làng Di loan (Di luân), làng An ninh, làng Vĩnh an, làng Tân trại, làng Cổ trai và làng Tùng luật thuộc tổng Hiền lương, phủ Vĩnh linh, tỉnh Quảng trị.

Cửa Tùng là nơi sông Bến hải chảy ra biển. Con sông nầy phát xuất từ dãy Trường sơn, dài 59 km, diện tích lưu vực 936 km2. Đoạn nguồn mang tên “Ben Hai” một tên gọi của người Thượng địa phương. Khúc sông nầy dài nhưng hẹp và cạn, có nơi có thể lội bộ qua được, nhưng khi chảy đến bến đò Hiền lương (cầu Bến hải) được một phụ lưu khác hợp lưu, chảy vào địa phận tổng Hiền lương nên được gọi là sông Hiền lương, vừa rộng vừa sâu, chảy qua các làng Thuỷ khê, Cẩm phổ, Xuân mị, Cát sơn phía bờ nam và làng Tùng luật, Di loan, Vĩnh an phía bờ bắc rồi chảy ra biển.

Hải khẩu cửa Tùng nguyên thuộc địa phận một phường của làng Tùng luật, người địa phương gọi là làng Tùng, cửa biển gọi là cửa Tùng. Vào khoảng năm 1915-1920, phường nói trên được xuất làng mang tên là làng Vĩnh an. Dân cư trong làng sống chen chúc trên một đoạn bờ bắc cạnh cửa biển. Sát cửa biển, mặt tiền làng Vĩnh an, một ngôi chợ nhóm vào buổi chiều gọi là chợ Hôm hay chợ Cựa (Cửa). Chợ gồm mấy dãy quán tranh, sạp tre, bán các loại hải sản như cá, tôm, cua ... của các thuyền câu cập bến sau một ngày ra khơi. Cạnh chợ có mấy nhà gạch, một tiệm thuốc bắc, một tiệm hớt tóc và một tiệm may. Khu vực chợ Cựa ban mai mang bầu khí tịch mịch nơi thôn dã, đến xế chiều, thuyền câu đổ bến và họp chợ mang lại cảnh tấp nập huyên náo, trên bến dưới thuyền chen chúc nhau mua bán vội vàng vì chợ tan trước lúc mặt trời lặn.

Hằng năm, hai mùa xuân hạ, sóng êm biển lặng, các thương thuyền cũng cập bến để thu mua các loại sản phẩm như khoai khô, sắn khô, chè (trà) khô gọi là chè Tùng, cá khô, mực khô, hạt tiêu...

Xa về phía bắc chợ Cựa, một vùng đá khá rộng chạy từ bờ đất doi ra biển. Mỏm đá nầy tạo cảnh quang cho cửa biển thêm đẹp nhưng cũng là mối nguy cho thuyền bè có thể bị vỡ khi vào cửa gặp lúc bão lụt sóng to gió lớn.

Cách mỏm đá nói trên vài cây số về phía bắc, một dàn đá khác lớn gấp ba, nhô ra biển. Sóng biển nhấp nhô len lỏi trong các gềnh đá phủ đầy rong, một vài loại hải sản như đỉa biển (hải sâm), cua, còng ở vùng cạn, còn vùng cao, mặt đá phẳng lì, người địa phương chia ô, cô nước biển thành nước muối, sau đó chế thành muối ăn.

Giữa hai vùng đá nói trên là một eo biển, gọi là Bãi Eo hay “Bãi Tắm Cửa Tùng”, cong hình trăng non với bãi cát trắng mịn, dài trên 1 km rộng độ 100 mét, với hai đường xe song song theo độ cong của bờ đất. Bãi Eo là một bãi tắm lý tưởng bởi đáy biển thoai thoải, cát mịn, nước trong, mùa hè mặt biển gợn sóng lăn tăn, gió nồm hiu hiu thổi từ biển vào rừng dương liễu bọc quanh bờ bãi tắm nghe vi vu như tiếng sáo trúc trầm bổng vang vọng trong cảnh yên hà tịch mịch.

Phía bắc bãi Eo độ 2 km, một mỏm đá vôi doi ra biển trông xa như đầu con voi, người địa phương gọi là “trôốc voi”, danh từ địa lý gọi là “Mũi Lài”, người Pháp gọi là “Cap Lay”.

Xa xa phía biển đông có cù lao “Cồn Cỏ” thấp thoáng in hình trên mặt biển. Tương truyền rằng : ngày xưa có ông “Thồ lồ” (khổng lồ) gánh đất từ dãy Trường sơn về lấp biển, bị gảy đòn gánh nên một đầu bị đổ ra biển đông nay gọi là đảo Cồn Cỏ và đầu kia đổ ở làng Hồ xá, nay là núi “Lò Reng”

Phía tây bãi tắm là sườn dốc cao với rừng dương liễu dày đặc xanh rì, cao vút, tiếng reo vi vu hoà quyện với gíó biển tạo âm hưởng vọng lên khắp vùng hải ngạn.

Hết dốc cao đến vùng bình địa đất đỏ bazan, loại đất thích hợp trong kinh tế vườn với các loại cây mít, chè, thơm, chanh, cam, quít, bưởi, cau, tiêu, sắn, khoai, chuối v.v...

Giữa hai đường cái quan song song dọc bờ đất hình cánh cung, nhiều nhà cửa, nhà hàng, biệt thự của người Pháp, các cơ quan như nhà Dây thép (Bưu điện), Nhà thương (Trạm y tế), Đồn lính tập (Lính khố xanh), Nhà máy đèn (Nhà máy phát điện) và nhà Thừa Lương (Nhà hóng mát) của các vua cuối đời nhà Nguyễn.

Tuy là nhà Thừa lương của vua nhưng chẳng phải “lầu son gác tía” hay “Lầu đãi nguyệt đứng ngồi dạ vũ, gác thừa lương thức ngủ thu phong”(CgO), mà là một ngôi nhà khá to, lợp tranh, đóng lát bằng gỗ mang dáng uy nghiêm. Nơi đây đã nảy sinh mối tình dang dở của vua Duy Tân.

Chuyện kể rằng năm 1914, vua Duy Tân ra nghỉ mát ở Cửa Tùng, lúc ấy nhà vua độ 15 tuổi muốn có bạn chơi cùng lứa nên đã truyền cho ông Hồ đắc Trung, Thượng thư bộ Học theo hầu và dẫn thêm mấy người con của ông Trung, 2 trai 16 và 15 tuổi, 2 gái 13 và 10 tuổi đi theo cho vui. Nhà Vua tuy nghiêm trang nhưng vẫn vui đùa với hai cậu trai và cô gái út, còn cô gái 13 được Ngài lưu ý để mắt tới nhưng ít tiếp chuyện. Nghỉ hè sắp mãn, vua tôi bịn rịn quấn quít lúc chia tay, cô chị ứa lệ nhìn Ngài. Ngài bảo sang năm sẽ gặp nhau lại. Năm sau, gần đến hè, cô chị xin đi theo các anh em ra Cửa Tùng, nhưng quan Thượng không cho, bảo ở nhà với mẹ, cô chị oà lên khóc nức nở. Khi đến Cửa Tùng, gặp lại mấy anh em, Nhà Vua hỏi sao thiếu mất một người, cô em tâu rằng mẹ bảo ở nhà. Vua nói “Thật tội nghiệp cho chị ấy”. Mãn hè một tháng, một hôm có quan Thị vệ đến xin ảnh cô chị đem vào Nội cho bà Thái Hậu xem mặt. Khoảng một tuần sau đó, Thái Hậu cho mời ông bà Thượng thư Hồ đắc Trung vào chầu. Ít bữa sau, kiệu vua đệ ra nhà quan Thượng một đôi bông tai và một đôi vòng vàng cho cô chị. Đó là lễ hỏi và cô chị ra lạy tạ ơn vua hạ cố.

Vào khoảng tháng 12 năm 1915, sau khi ở triều về, quan Thượng kín đáo báo cho quan Bà và bảo con lấy đôi vòng và đôi bông tai để mẹ con đem vào Nội dâng lại cho vua vì Ngài từ hôn và Ngài bảo hãy an ủi con và gả ngay cho người khác, đừng để con buồn tội nghiệp, Ngài còn bảo “Thầy nên hiểu vì ta thương gia đình thầy nên mới phải từ hôn với người mà ta mến từ hai năm nay”.

Sở dĩ có sự đổi ý đột ngột như thế vì vua Duy Tân đã có kế hoạch đánh quân Pháp ở Huế vào đêm 3 tháng 5 năm 1916. Cuộc khởi nghĩa bại lộ, vua Duy Tân bị bắt. Ngài có tâm sự rằng “Vì tôi thương gia đình ông Hồ đắc Trung, sợ ông ấy bị liên lụy nên tôi từ hôn”.

Cũng có một vài giai thoại về vua Duy Tân tại Cửa Tùng: Có lần tay vua đầy cát bẩn, quan Thị vệ đem chậu nước đến để vua rửa. Vua vừa rửa vừa hỏi quan Thị vệ “Tay nhớp thì lấy nước rửa, nước nhớp thì lấy chi rửa?”.

Ông quan còn ấp úng chưa trả lời được, thì vua nói “Nước nhớp thì lấy máu mà rửa. Nhà ngươi biết chưa?”.

Sau khu biệt thự của người Pháp và cơ quan của nhà nước là làng mạc sầm uất, đường sá ngoằn ngoèo, nhà cửa ẩn khuất trong những khu vườn đất đỏ trồng cây lưu niên như chè, mít, tiêu, cau, trầu, ổi, cam, quít, chanh, bưởi, vả, thơm, chuối ... Cây chè (trà) ở đây to lớn, gốc đường kính 2,3 tấc, cao 5,6 mét, mỗi năm bẻ (cắt cành) 2 lần, giả nát, phơi khô, cho vào bao xuất khẩu gọi là “Chè Tùng”. Còn cây mít cao trên chục mét, trái để ăn, gỗ ròng màu vàng dùng làm phản, giường, tủ, bàn, ghế, cột nhà, rui, kèo... Những cây mít cổ thụ được dùng làm cột đình, chùa, nhà thờ ...

Hai bên đường và bìa vườn người ta trồng tre. Tre khắp nơi, nhiều loại, nhiều thứ, đường nào cũng có tre, vườn nào cũng có tre, dùng để ăn măng, làm nhà, làm phên, đan đát thúng mủng, sàng, dần, gàu giai, gàu sòng, thuyền nan, chuồng trại gia súc, v.v...

Trung tâm khu vực Cửa Tùng là một vùng đất cao, rộng và bằng phẳng được dùng làm sân máy bay loại nhẹ thường gọi là “máy bay bà già”. Vào một trưa mùa đông năm 1941, một phi cơ chiến đấu của Nhật bổn lâm trận với máy bay địch ở Biển Đông không trở về hậu cứ được, cạn xăng, nên tìm nơi gần nhất để hạ cánh, đã đáp xuống phi trường Cửa Tùng. Bởi phi đạo quá ngắn nên phi cơ đã vượt ra xa, đâm vào bờ đất, bị vỡ. Phi hành đoàn 6 người gồm 1 Trung úy, 1 Thiếu uý và 4 quân nhân. Thân phụ tôi đã dùng chữ Hán tiếp xúc với Trung úy Trưởng đoàn, ông muốn có một nơi tạm trú cho phi hành đoàn. Ba tôi đã mời cả 6 người về nhà và cung cấp ẩm thực trong 7 ngày, cho đến khi họ liên lạc được với Bộ Tư Lệnh Bộ Binh Nhật ở Huế cho xe đến đón.

Cạnh phi trường nầy có một sở Tằm (Sở Canh nông) cung cấp trứng tằm giống, cố vấn việc nuôi tằm, giới thiệu giống dâu năng suất cao (lá to và nhiều lá).

Gần phi trường có một sân vận động nhỏ và một trường học tọa lạc trên đất xã An du, sát tỉnh lộ, cạnh sân banh của Tiểu chủng viện An ninh, trên cổng trường có một bảng lớn đề : “École élémentaire d’An-du”.

Người Cửa Tùng gọi trường này là “Trường Hương sư”, thời Pháp thuộc chỉ có ba lớp: Đồng ấu (cours enfantin), Dự bị (cours préparatoire) và Sơ đẳng (cours élémentaire). Lúc đầu chỉ có thầy giáo Thạnh, người làng An du tây dạy 2 lớp đồng ấu và dự bị, sau thầy Thạnh là 2 thầy Nguyễn quang Yêng , người làng An du Nam và thầy Phiên người làng Sơn công Sơn quả tỉnh Thừa thiên, dạy 3 lớp Đồng ấu, Dự bị và Sơ đẳng. Hai thầy Yêng và Phiên thuyên chuyển, hai thầy khác đến thay là thầy Lê văn Thử người làng Vĩnh an và thầy Nguyễn văn Nghi người làng An ninh. Các thầy phục sức chỉnh tề: khăn đóng, áo dài đen, quần trắng, mang guốc hay sandale, thỉnh thoảng áo chemise trắng, quần tây xanh đậm. Cả trường chỉ có một cái đồng hồ để bàn của thầy Hiệu trưởng. Hộc bàn thầy nào cũng có một cây roi ngắn để “trị” các trò không thuộc bài. Đặc biệt bài “Học thuộc lòng”phải thuộc làu, đọc suôn sẻ như tụng kinh. Năm 1940, đệ nhị thế chiến diễn ra khốc liệt tại châu Âu, Chính phủ Bảo hộ Pháp kêu gọi người Việt đi lính sang giúp Pháp đánh Đức, đã truyền hịch “Tùng chinh”, được thầy cắt làm 3 đoạn bắt học thuộc lòng như sau:

Hỡi anh em bạn tùng chinh,
Vì sao nước Pháp hưng binh phen này.
Chỉ vì nước Đức cố gây,
Muốn làm bá chủ đông tây một mình.
Bấy lâu sinh sự hoành hành,
Chiếm xong Áo Tiệp lại dành Ba lan.
Kể sao xiết nỗi hung tàn,
Giết người cướp của dã man vô cùng.
Pháp Anh hai nước một lòng,
Quyết phò công lý, chẳng dung cường quyền
Đồng minh quân đội kết liên,
Với quân Thuộc địa khắp miền gần xa.
Binh hùng tướng dũng kéo ra,
Dưới cờ Đại Pháp kể là rất đông.
Thù giặc Đức, cũng thù chung,
Nếu không chinh phạt thời không hoà bình.
Đánh cho Quốc xã tan tành,
Hít-le đến phải thất kinh oai trời.
Anh em Nam Việt ta ơi!
Vốn dòng nghĩa khí, vốn nòi thông minh.
Trong lòng vốn sẳn cảm tình,
Biết ơn Bảo hộ với mình lâu nay.
Tùng chinh lại gặp hội này,
Đền ơn ta phải góp tay với người.
Quản gì vượt biển ra khơi,
Chí nam nhi đặng gặp thời càng hay.
Sắt son ghi tạc dạ này,
Lo tròn phận sự cho tày người ta.
Khi về cổi bức chiến bào,
Hai Nhà nước thưởng công lao cho mình.
Ngoài xã hội, trong gia đình,
Tháng ngày vui hưởng thái bình phước chung
Anh em nên cố gắng công!.

Không biết tác giả bài nầy, nhưng được thầy giáo bắt học thuộc lòng và bảo đọc lớn
tiếng cho trong nhà và hàng xóm nghe để cổ động đi lính qua Pháp đánh Đức.

Mỗi chiều, nửa giờ trước khi bãi, thầy tập hát. Thời đó chưa có tân nhạc, chỉ có cổ nhạc theo điệu dân ca Bình Trị Thiên, cũng gọi là dân ca Huế.

Một vài bài điển hình sau đây:

1) Khuyến học (điệu lý con sáo)

Bớ trò đi học nhà trường,
Phải chăm, phải chăm mà bước,
Kẻo đường ơi trò ơi còn xa.
Giữa đường chớ giỡn chớ la,
Phải so, phải so ngày tháng,
Thoát đà ơi trò ơi nhường thoi.

2) Đạo làm trai (điệu kim tiền)

Sanh ra đạo làm trai, chăm lo học cho đặng nên người. Để đua trí đua tài kịp người ta, đường lớn xa. Khi bên thầy, khi bên bạn, khi bên đèn. Lấy văn tự đêm ngày đặng mà coi. Này con ơi! Này con! gắng công mà học cho đặng nên người, gặp thời giúp đời. Ai mà chăm chỉ thì nên. Cố công rèn tập ư thời gặp, thời gặp hội rồng mây. Cố công rèn tập ư thời gặp.

Trường tuy nhỏ nhưng cũng qui tụ học sinh các làng ở xa 3,4 cây số, đem theo cơm trưa, ngày học hai buổi mai chiều, tuần nghỉ hai ngày thứ năm và chủ nhật. Mỗi sáng nghe trống đánh 1 hồi 3 dùi, học trò sắp hàng trước cửa lớp, thầy bảo “Entrez”, học sinh đáp ”Nous entrons” rồi lễ phép đi vào lớp, đứng tại chỗ, thầy cho lệnh ”Asseyez-vous”, học sinh đáp ”Nous nous asseyons” rồi ngồi xuống. Thầy mở sổ “appel” gọi tên từng trò, học sinh lần lượt trả lời “présent”. Chiều bãi, ông phu trường đánh một hồi trống, học sinh xếp sách vở. Thầy hô ”Levez-vous”, học trò đứng dậy và nói “Nous nous levons”.Thầy nói tiếp “Sortez”, học sinh đáp “Nous sortons” rồi lần lượt ra cửa. Học sinh xưng hô với nhau bằng “trò” không được nói tao mi. Ra đường gặp thầy, phải cất nón chào thầy. Đúng là tiên học lễ hậu học văn.

Thời ấy (Pháp thuộc), quá tuổi không cho nhập học nên một số học sinh ở thôn quê khai hạ tuổi. Đi học để vừa biết chữ vừa kiếm mảnh bằng “Sơ Học Yếu Lược” (Certificat élémentaire) để trình làng, được miễn tạp dịch và sau nầy ra làm hương lý gánh vác việc Làng việc Tổng, xin làm Cai Lục lộ (Công chánh), hoặc ông Cai ông Bếp lính Khố xanh hay xin học làm y tá hương thôn, nữ hộ sinh hương thôn, v.v...Học hết lớp ba (cours élémentaire) ở trường Hương sư, muốn học tiếp thì lên Phủ (quận) học École primaire, xa 10 km, ở trọ nhà quen, góp gạo và tiền mua thức ăn.

Cùng học chung với nhau từ thuở tấm bé lớp Đồng ấu đến lớp Sơ đẳng trong ba năm liên tiếp, theo thứ tự ghi trong sổ appel của thầy, gồm có các trò : Niên, Nước, Thiên, Tới, Lự, Phận, Vị, Để, Hồng, Nghi, Ân, Niệm, Bỉnh, Tuấn, Tường, Tường, Lội, Hoè , Thảo, Điền, Cư, Đinh, Khánh, Cung, Bỉnh, Ba. (Hai mươi sáu trò, 66 năm qua, bây giờ ai còn ai mất, xin hoài niệm).

Khoảng năm 1940, có lần học sinh được xếp hàng dọc theo tỉnh lộ, tay cầm cờ long tinh nhỏ, miệng hô to “Vive l’Empereur” khi xe hoàng đế Bảo Đại đi qua để về Thừa lương. Cũng dịp nầy, một đoàn Hướng đạo đến đóng trại, ca hát, lửa trại, hài kịch rất vui.

Hằng năm đến ngày 14 Juillet, Quốc khánh Pháp, có đội kèn tây về trình diễn âm nhạc, buổi tối có chiếu phim lộ thiên cho tây và ta xem.

Khu vực Cửa Tùng gồm 10 làng: An du đông, An du tây, An du nam, An du bắc, An ninh, Di loan (Di luân) Cổ trai, Tân trại, Tùng luật và Vĩnh an. Ranh giới khu vực được giới hạn đông giáp biển, nam giáp sông Bến hải, tây giáp làng Liêm công, bắc giáp làng Thủy cần và Thạch bàn.

Một vài làng điển hình sau đây :

- Xã An du cũng gọi là An do rộng lớn hơn cả, xưa kia là một đại xã. Vị khai khẩn là ông Nguyễn như Long, ông có người em ruột là Nguyễn như Hổ là vị khai khẩn làng Tân trại. Hằng năm, lễ giỗ khai khẩn, An du xướng tên cả hai vị “Nguyễn như Long, Nguyễn như Hổ”, Tân trại cũng xướng tên hai vị nhưng ngược lại “Nguyễn như Hổ, Nguyễn như Long”. An du có một ngôi chợ khá lớn gọi là chợ Do (An do), giữa chợ có đình chợ lợp ngói, ba bốn cây sanh cây đa rợp bóng mát, mặt tiền chợ là cánh đồng nho nhỏ, ba mặt hậu, tả, hữu là nhà cửa, quán xá, 2 tiệm thuốc bắc, 2 tiệm may, ba bốn sạp vải, nhiều sạp tạp hoá. Chợ mua bán nhiều loại nông sản, hải sản, thịt gia súc, chim chóc, đồ thủ công như nón lá, tơi lá, dần, sàng, thúng, mủng, v.v... Chợ nhóm suốt buổi mai đến xế trưa, đông đúc, nhộn nhịp mang vẻ sầm uất nơi thôn dã.

Bởi cư dân ngày càng đông, xã An du được chia làm hai làng: An du đông và An du nam. Về sau, để đáp ứng việc gia tăng dân số, chính quyền tỉnh Quảng trị cho chia làng An du đông thêm làng An du bắc, làng An du nam thêm làng An du tây. Về điền thổ không chia, chỉ chia dân số theo tiêu chuẩn tín ngưỡng: An du đông lương, An du bắc công giáo, An du nam lương, An du tây công giáo. Tuy chia như vậy nhưng nhân hoà đoàn kết, nhân tâm vui vẻ.

- Làng Di loan (Di luân), quê quán của đức cha Lê hữu Từ, Giám mục Giáo phận Phát diệm. Di loan trước kia là một xã lớn, vì dân số đông nên vào năm 1950 cho một phường xuất làng mang tên là làng Di loan bắc, làng nầy chiếm 2/3 dân số giáo xứ Loan lý, ở sát bãi tắm Cửa Tùng.

Phong cảnh làng Di loan khá đẹp, mặt tiền làng hướng về phiá nam nơi dòng sông Bến hải lững lờ chảy ra biển. Dọc bờ sông, tầng thấp làm ruộng muối, tầng cao ruộng lúa, đến một con đường khá rộng suốt từ đầu làng đến cuối làng. Sau con đường nầy là cư dân, nhà cửa, vườn tược xanh tươi. Giữa làng, phía mặt tiền nhìn ra sông, một ngôi thánh đường trang nghiêm cổ kính với ba quả chuông lớn. Chánh xứ coi sóc họ đạo Di loan là linh mục Léopold Cadière, tên Việt là cố Cả, thuộc hội Thừa sai Ba lê (Mission Étrangère de Paris), đến Việt nam năm 1892, làm giáo sư Tiểu chủng viện An ninh Cửa Tùng 1893-1894, Chính xứ Di loan kiêm Hạt trưởng Giáo hạt Đất đỏ (Cửa Tùng) từ tháng 9 năm 1918 đến tháng 3 năm 1945, bị Nhật bắt giam 5 tháng trong dịp Nhật đảo chánh Pháp. Ngày 19.12.1946 bị Việt minh bắt đi an trí tại Vinh (Xã đoài) cho đến ngày đình chiến, được trả tự do và hưu trí tại nhà Hưu dưỡng toà Giám mục Huế. Ông là một học giả kiệt xuất, giỏi hán, nôm, quốc ngữ, thông thuộc sử sách, địa dư, phong tục, tập quán Việt nam, Trung hoa, Cambodge và Lào. Năm 1990, Chính quyền Hà nội đã vinh danh Léopold Cadière là “Nhà Huế Học” và là “Nhà Việt nam Học”do những công trình nghiên cứu của Ngài đã làm cho thế giới biết đến văn hoá, nghệ thuật, kiến trúc và lịch sử Việt nam.

Sau vườn nhà thờ Di loan là Nữ Tu viện dòng Mến Thánh giá Di loan, sống âm thầm trong một khuôn viên khá rộng, cây cối rợp bóng quanh năm. Hằng ngày, các Dì Phước, luôn đi cặp đôi, đến các trường học giáo xứ để dạy giáo lý và khai tâm quốc ngữ miễn phí cho các em nhỏ. Nhờ công khai trí ấy mà tất cả người công giáo Cửa Tùng đều biết đọc chữ quốc ngữ. Các nữ tu lo tu hành nhưng cũng góp phần vào việc phát triển kinh tế như sản xuất muối ăn, nuôi tằm, dệt tơ lụa. Thuở ấy các loại vải nội hoá khổ ngắn, nhưng tu viện Di loan đã dệt được lụa khổ rộng như hàng ngoại hoá nhờ biết cải biến khung cửi (máy dệt bằng tay). Tu viện cũng cung cấp các loại thuốc tây thay các loại cao đơn hoàn tán để trị các bệnh thông thường như cảm mạo, nhức đầu, đau bụng, ghẻ chốc,v.v...

Đầu làng Di loan có 2 lò vôi cung cấp vôi ăn trầu, xây nhà, quét tường đủ cho nhu cầu địa phương.

Nơi giáp ranh làng Di loan với làng Tùng luật có một trạm Thương-chánh để thu thuế toàn vùng do một người Pháp làm Trưởng trạm và vài nhân viên người Việt. Ai sản xuất muối, rượu hay thuốc lá phải khai báo. Muối lậu, rượu lậu, thuốc lá lậu sẽ bị tịch thu và nộp phạt. Vì vậy đã có những xích mích dẫn đến đánh lộn với vài người địa phương.

- Làng Cổ Trai: Theo tương truyền thì làng Cổ Trai là quê của bà Nguyễn thị Băng, vợ của chúa Nguyễn phúc Nguyên tức chúa Sãi (1613-1635). Nghe các cụ nói hồi xưa có vụ tranh chấp giữa hai làng Cổ trai và Tân trại về chủ quyền một con đê. Quan phủ Vĩnh linh xử cho làng Tân trại thắng, làng Cổ trai phản kháng, Hội đồng Kỳ mục làng đi thẳng vào Huế xin Hội đồng Hoàng tộc can thiệp, lấy cớ Cổ trai là quê quán của nguyên phi của Sãi vương, nếu Cổ trai thất kiện thì tổn thương danh dự hoàng gia. Bởi vậy, Quan phủ được lệnh xử lại và cho Cổ trai thắng kiện.

Các cụ cũng kể chuyện vui, xưa kia Tri phủ (Quận trưởng) hành hạt thăm các làng, thường đi cáng (võng có mui hai người gánh), đến làng nào làng ấy lo cắt cử phu gánh cáng quan đến làng kế tiếp. Lúc đi qua khu rừng gần làng Cổ trai, quan phủ nằm trên cáng hỏi ông Lý trưởng (Xã trưởng):

-Này Xạ nầy! nghe nói ở rừng nầy có cọp phải không ?

-Ông Xạ trả lời: Bẩm quan đừng có lo, cỡ một đòn thì tui coi thường. (Ý nói cọp lớn nặng cỡ 1 đòn (2 người gánh), ám chỉ quan cũng một đòn. Quan làm thinh, biết ông Xã nói xỏ mình).

Đi thêm một đoạn đường nữa, ông Xã ra dấu cho hai người phu khiêng cáng, rồi hô to: Cọp! Cọp! Cọp! ơi quan cọp!. Hai người khiêng đồng loạt vứt cáng xuống đất rồi cùng ông Xã chạy thoát khỏi rừng. Quan bị té như khúc gỗ từ trên cao rơi xuống mặt đường, lổm ngổm ngồi dậy và chạy theo ông Xã.

(Còn tiếp)
Dương Bỉnh (là trưởng nam của Ông Vịnh- và là cháu nội của Bà Nghĩa-Ông Viên)

Thứ Hai, 14 tháng 1, 2008

Cây Gia Phả

(Cập nhật 25.04.2009)
***

Đại Gia Đình Dương Tộc và Nguyễn Tộc


Bức ảnh này được chụp vào năm 1913.
Ông cụ râu dài ngồi giữa là Ông Dương Đức Thuần, thân sinh của Bà Tằng Tổ Dương Thị Hoè

(Xin bấm vào ảnh để phóng lớn)
Các vị trong Nguyễn Tộc
(theo chú thích của Ông Dương Đức Hạnh, là cháu gọi Bà Tằng Tổ Dương Thị Hoè bằng mụ)

+ Hàng giữa:
- Bà Nguyễn Thị Hiếu, mặc áo len trắng (thứ 9 từ trái vào)
- Bà Nguyễn Thị Tình (thứ 10 từ trái vào)

+ Hàng trên:
- Ông Nguyễn Văn Trang (cầm quạt, thứ 5 từ trái vào)
- Ông Nguyễn Văn Trung (cầm sách, thứ 6 từ trái vào)
- Ông Nguyễn Văn Quy (cầm quạt, thứ 9 từ trái vào)
- Ông Hoàng Liệu (thứ 8 từ trái vào, là chồng Bà Nguyễn Thị Nghị)

Thứ Ba, 8 tháng 1, 2008

Gia Phả Nguyễn Tộc




GIA PHẢ NGUYỄN TỘC
Nguyên quán: Làng AN DU BẮC, huyện VĨNH LINH, tỉnh QUẢNG TRỊ


Ngày lập: 20 tháng 07 năm 2000
Người lập: Nguyễn Văn Thông - Hậu duệ đời thứ 5






CỘI NGUỒN

Cây có CỘI
Nước có NGUỒN
Chim có TỔ
Người có TÔNG

"Chim có tổ, người có tông" là ý tưởng bình dị của người Việt Nam ta xưa nay, được hình thành qua nhiều thế hệ, đã thành ý thức trang trọng, sâu sắc, ảnh hưởng rất lớn đến phong tục, tập quán trong đời sống xã hội của người Việt Nam.

Không biết đến tổ tiên thì họ hàng mơ màng lẫn lộn, con cháu ngày một cách xa, nhất là trong thời đại hôm nay, qua bao thăng trầm chiến sự, vì cuộc sống, lý tưởng và sinh kế, con cháu ly tán, mỗi người một nơi, bị chia xa bởi không gian và địa lý, không còn sum họp vào những dịp lễ tết, giỗ chạp như cha ông chúng ta ngày xưa sống sau lũy tre làng. Mối liên hệ máu mủ, huyết thống dần dần bị phai nhạt, xao lãng, nhất là với lớp trẻ ngày nay đang sống trong một môi trường xã hội sôi động, thay đổi. Giá trị tinh thần, đạo đức không còn là những chuẩn mực duy nhất để thẩm định tư cách con người.

Quyển gia phả nầy được lập ra với mong muốn nối kết thế hệ hậu duệ của họ Nguyễn làng An Du Bắc, huyện Vĩnh Linh, Tỉnh Quảng Trị tha hương biết đến tông tộc để tìm về cội nguồn của dòng họ, cố gắng trau dồi đạo đức và tri thức để tôn vinh công ơn tổ tiên đã khai phá, duy trì, sinh thành, dưỡng dục chúng ta hầu có thể phục hưng dòng họ, lưu truyền huyết mạch của tổ tiên, giữ lấy gia phong, vun đắp đạo nghĩa, làm rạng rỡ tông môn hầu đáp lại trong muôn một công ơn của tổ tiên đã tài bồi nên chúng ta ngày nay.

Được viết ra sau cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, con cháu xa cách mỗi người một phương, có người trôi dạt đến xứ người ở bên kia chân trời, phương tiện đi lại khó khăn, thông tin liên lạc hạn chế nên có những chi tiết về các chi, ngành không thống kê được, mong rằng các thế hệ trong thân tộc hiệu đính và bổ sung những chỗ còn thiếu sót để gia phả nầy đầy đủ và trung thực.

Sài gòn, ngày 01 tháng 01 năm 2000
Nguyễn văn Thông


TRUYỀN THUYẾT VỀ TÔNG TỘC

Theo sử sách, nước Cổ Việt xưa thuộc quận Giao Chỉ, có biên giới từ đèo Ngang trở ra bắc, từ đèo Ngang trở vào nam là bờ cõi của nước Cổ Chân Lạp gồm Chiêm Thành và Lâm Ấp.

Năm 1069, đời vua Lý Thánh Tông, nước Chiêm Thành sang quấy nhiễu, Ngài đem quân đi đánh, bắt được vua Chiêm Thành là Chế Cũ. Chế Cũ xin dâng đất 3 châu Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính để chuộc tội. Những châu ấy ngày nay là tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị. Như vậy từ năm 1069 Quảng Trị đã là một bộ phận của nước Văn Lang tức Việt Nam ngày nay.

Theo các nhà sử học người Pháp thì người Việt và người Thái đều có gốc tích ở miền Tây Tạng. Người Việt theo sông Hồng Hà lần xuống phía đông nam lập ra nước Việt Nam còn người Thái theo sông Mekong xuống phía tây lập ra Lào và Thái Lan.

Người Việt thấp nhỏ, không to béo như người Tàu, mặt xương, trán cao và rộng, mắt đen và hơi xếch về đằng đuôi, hai gò má cao, mũi tẹt, môi hơi dày, răng to. Râu thưa và ít, tóc nhiều, dài, đen và hơi cứng. Dáng điệu đi đứng nhẹ nhàng, có vẻ vững vàng và chắc chắn.

Về trí tuệ và tính tình thì người Việt có trí tuệ minh mẫn, học mau hiểu, khéo chân tay, có tính hiếu học, quý sự lễ phép, mến điều đạo đức, lấy nhân, nghĩa, lễ, trí, tín làm luân thường đạo lý ở đời.

Từ khi Việt Nam lập quốc đến ngày nay, tổ tiên ta đã trải qua bao phen nằm gai nếm mật, chịu nhiều đau khổ: Bị Tàu đô hộ 1.000 năm rồi đến 100 năm thuộc địa của Pháp, bao phen nội chiến nhưng vẫn giữ được cá tính đặc biệt của người Việt, không bị đồng hóa với ngoại bang, đủ cho thấy khí lực của người Việt rất mạnh mẽ, vững vàng.

Về nguồn gốc thủy tổ của họ Nguyễn làng An Du Bắc, chúng ta không được biết rõ ràng là ai, có từ thời đại nào. Chỉ biết rằng trong lịch sử nước ta, họ Nguyễn thấy xuất hiện khá đông. Vào thời Thập Nhị Sứ Quân (945-967) đã thấy xuất hiện họ Nguyễn. Trong 12 sứ quân đã có các sứ quân họ Nguyễn là:

Nguyễn Khoan xưng là Nguyễn Thái Bình giữ vùng Tam Đái (Phủ Vĩnh Tường).
Nguyễn Thủ Tiệp xưng là Nguyễn Linh Công giữ vùng Tiên Du (Bắc Ninh).
Nguyễn Siêu xưng là Nguyễn Hữu Công giữ vùng Tây Phù Liệt (Thanh Trì, Hà Đông).

Đến cuối đời nhà Lý, vào thế kỷ 12, nước ta đã có đông người trong dân chúng mang họ Nguyễn. Sau khi nhà Trần lên ngôi, Trần Thủ Độ mượn cớ tổ nhà Trần tên là Lý và do chủ trương diệt tận gốc mọi hậu hoạn của nhà Lý, đã bắt mọi người trong nước, ai có họ Lý phải đổi ra họ Nguyễn. Chính vì thế mà họ Nguyễn càng thêm đông trong đại chúng. Thêm nữa dưới thời phong kiến, những kẻ tội đồ trốn chạy pháp luật muốn được yên thân cũng đổi thành họ Nguyễn.

Vào thời Pháp thuộc, Tây bắt lính, trai tráng muốn được yên thân, khai không biết rõ tên họ đều được ghi vào sổ bộ là họ Nguyễn. Sự thay đổi họ còn được thấy ở những trường hợp đi ở đợ hay làm con nuôi cho một gia đình giàu có, quyền thế, đã lấy họ của gia đình đó làm họ cho mình. Mặt khác, trong giời quan lại xưa cũng có nhiều người đổi ra quốc tính (họ Nguyễn). Sĩ tử đi thi, muốn dễ đỗ đạt bỏ họ cha mang họ Nguyễn. Thậm chí anh em nhà Tây Sơn, vốn họ Hồ, khi dấy nghiệp cũng đổi ra họ Nguyễn để được lòng dân hơn.

Người mang họ Nguyễn Văn trong dân gian rất nhiều đến nỗi người Pháp trước kia đã coi họ Nguyễn là Việt Nam hoặc Việt Nam là họ Nguyễn.

Năm 1558, Nguyễn Hoàng nghe theo lời Nguyễn Bỉnh Khiêm xin vào trấn thủ đất Thuận Hóa để tránh bị Trịnh Kiểm giết. Khi đi ông đem theo nhiều bà con, anh em quê ở Tống Sơn, Thanh Hóa và nhiều quan lại của Nguyễn Kim người Thanh, Nghệ. Lúc bấy giờ vùng An Du bắc thuộc huyện Minh Linh, vùng Ái Tử thuộc huyện Đăng Xương.

Năm 1572, Quận công nhà Mạc là Lập Bạo đem quân đánh Thuận Hóa. Nguyễn Hoàng đem quân ra Hồ Xá (thuộc huyện Minh Linh, ở phía tây làng An Du Bắc) kháng cự, giết chết Lập Bạo, bắt tù binh đi khai khẩn ở tổng Bái Trời. Khi đó vùng đất Thuận Quảng được coi là vùng “Ô châu ác địa”, là đất miên viễn xa xôi, là nơi đầy ải tội nhân và chiến tù. Kinh tế Thuận Quảng thấp kém nhưng đất đai rộng, khả năng khai thác còn nhiều, họ Nguyễn ra sức khai khẩn để xây dựng tiềm lực đối phó với Chúa Trịnh. Bấy giờ vùng Thanh, Nghệ luôn bị đói, nông dân nghèo đổ xô tìm vào Thuận Hóa làm ăn.

Theo những biến chuyển của lịch sử, có thể suy đóan rằng tổ tiên ta ngày xưa có gốc tích ở vùng Thanh, Nghệ, hoặc theo Chúa Nguyễn vào hoặc vì lánh nạn chiến tranh, đói kém mà vào lập nghiệp ở làng An Du Bắc thuộc Tổng Hiền Lương, huyện Minh Linh nay là huyện Vĩnh Linh.

Năm 1744 Chúa Nguyễn chia đất từ phía nam sông Gianh đến mũi Cà Mau làm 12 Dinh. Miền Thuận Quảng cũ có 6 dinh là Chính Dinh (Phú Xuân), Cựu Dinh (Ái Tử), Quảng Bình Dinh, Vũ Xá Dinh, Bố Chính Dinh và Quảng Nam Dinh. Có lẽ cái tên Dinh Cát, Phủ Vĩnh Linh, Huyện Minh Linh, Tổng Hiền Lương, An Du Đại Xã có từ đó. An Du Đại Xã gồm 3 làng: An Du Bắc, An Du Đông, An Du Tây, An Du Nam. Hiện nay chỉ còn làng An Du Đông và An Du Tây, làng An Du Bắc và An Du Nam đã bị xóa tên kể từ năm 1954.

Theo các bậc cha ông kể lại thì tổ tông khai sáng miền An Du Bắc Đại Xã là ông Nguyễn Như Long. Ông cùng em là Nguyễn Như Hổ, không rõ gốc tích đã đến lập nghiệp ở vùng Cửa Tùng. Ông Nguyễn Như Long lập ra An Du Đại Xã. Ông Nguyễn Như Hổ lập ra xã Tân Trại. Vào những năm cuối thế kỷ 19, có một người tên là Nguyễn Như Bá làm nghề thầy thuốc lưu lạc 9 năm ở Huế và miền Tây, đã học được các ngón đàn hát của dân chúng các nơi ông đi qua. Trở về quê với một tài sản là hát bộ và ca Huế, ông mở lớp dạy con cháu tại làng Tùng Luật sau này nổi tiếng là làng dân ca trong vùng Cửa Tùng. Không biết vị nầy có liên hệ gì với cụ khởi tổ của giòng họ chúng ta không vì cụ khởi tổ cũng hành nghề thầy thuốc và rất nổi danh trong vùng.

Về mặt tôn giáo, làng An Du Bắc có các giáo xứ An Bằng, An Trí, An Lễ, An Ngãi thuộc hạt Cửa Tùng. An Du Bắc nằm ven miền duyên hải Cửa Tùng, phía bắc tỉnh Quảng Trị. Từ tỉnh lỵ ra đến cầu Hiền Lương nằm trên sông Bến Hải, làng Hiền Lương nằm sát cạnh sông Bến Hải nên còn gọi là cầu Bến Hải, thuộc vĩ tuyến 17.

Hiệp định Genève năm 1954 về đình chiến ở Việt Nam phân chia Việt Nam thành 2 miền. Miền bắc theo chế độ cộng sản có tên là Việt Nam Dân Chủ Dân Chủ Cộng Hòa, miền Nam theo chế độ cộng hòa gọi là Việt Nam Cộng Hòa. Sự chia cắt đó kéo dài trong 21 năm, đến ngày 30.04.1975 chiến tranh chấm dứt, miền bắc chiến thắng, thống nhất đất nước.

Qua cầu Hiền Lương, đi theo quốc lộ 1, có 2 đường đến làng An Du Bắc. Một là khi qua cầu Hiền Lương chừng 12 km, có con lộ nhỏ rẽ phải dẫn đến bãi biển Cửa Tùng, men theo bãi biển ngược lên phía bắc chừng 3-4 km thì đến làng. Hoặc là đi theo quốc lộ 1 đến thị trấn Hồ Xá, có đường lớn rẽ về phía đông chừng 4-5km thì đến làng.

Thị trấn Hồ Xá là địa danh nổi tiếng ngày xưa với truông Nhà Hồ nơi có lắm đạo tặc và cọp dữ: “Thương em anh cũng muốn vô, sợ truông Nhà Hồ, sợ phá Tam Giang”.

Bãi biển Cửa Tùng trước kia là nơi nghỉ mát của người Pháp và Hoàng Đế Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn. Cửa Tùng không những nổi tiếng vì phong cảnh đẹp mà còn là nơi cung cấp nhiều loại hải sản ngon nhất nước. Đặc biệt là tôm hùm và cá nục, cá thu…

Dưới mắt người ngoại quốc Cửa Tùng là nữ hoàng của các bãi biển (La reine des plages). A. Laborde, một người Pháp rất am tường về Đông Dương đã mô tả: Cửa Tùng có một sắc thái rất đặc biệt với một cao nguyên rất xanh tươi ở độ cao 20 mét. Từ trên đồi người ta chiêm ngưỡng những màu xanh luôn biến đổi của biển và trời. Cửa Tùng có đủ các yếu tố để hàng năm du khách có thể đến đây nghỉ mát. Người xưa gọi bãi biển Cửa Tùng là bãi biển Thừa Lương bởi khi vua Duy Tân lên ngôi năm 1907 nhà vua mới 8 tuổi, mọi viêc trong triều đều giao cho Phụ Chánh Đại Thần Trương Như Cương. Vua Duy Tân không chịu cảnh tù túng trong cung cấm, thích đi đây đó. Người Pháp chìu ý vua nên đã nhường nhà nghỉ mát Cửa Tùng của khâm sứ Briève cho vua ngự. Nhà nghỉ mát nầy có tên là Thừa Lương Cửa Tùng.

Cửa Tùng thuộc làng Tùng Luật nay là thôn An Đức, xã Vĩnh Quang. Là một vịnh nhỏ ăn sâu vào chân dãy đồi badan chạy sát biển gọi là bãi Lay. Kề sát phía nam của bãi là Cửa sông Hiền Lương. Vùng bờ biển miền Trung là nơi thường xảy ra gió to, sóng lớn nhưng Cửa Tùng lại là nơi hiền hòa, kín gió, tàu thuyền có thể neo đậu an toàn.

Ôm lấy bãi biển Cửa Tùng là dãi đất đỏ badan với những kè đá kéo dài ăn sâu ra bờ biển cùng những bãi cát mịn màng. Trên đồi là khu dân cư trù mật với những vườn mít, chè, thơm, chuối, mãng cầu… Tên làng, tên đất nơi đây đọc lên âm vang như một bài thơ: Di Loan, Tùng Luật, Tân Trại, Cổ Trai… Cổ Trai là quê hương của Hiếu Văn hoàng hậu, vợ Chúa Nguyễn Phúc Nguyên tục gọi là Chúa Sãi, một vị Chúa anh minh nhất trong các Chúa Nguyễn.

Phong cảnh miền duyên hải Quảng Trị được các nhà văn mô tả như sau: “Suốt từ hạt Quảng Bình đến miền bắc tỉnh lỵ Quảng Trị là cát vàng, từ miền nam qua kinh thành Huế đến Hải Vân là cát trắng. Từ ga Phúc Tú (Quảng Bình) trông xuống bể xa xa thấy những cồn cát vàng rồi cứ theo ven bể mà vào đến Quảng Trị. Một sắc vàng anh ánh ngùn ngụt như núi thành, đứt thôi lại nối, thấp đà lại cao. Thoạt trông thì thật là đẹp mà nghĩ ra mới biết là buồn. Buồn vì những cồn cát ấy khó có thể trông cậy để làm cho con người sống được. Bấy giờ tôi mới biết câu thơ Kiều:
“Bốn bề bát ngát xa trông,
Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia”
Tả cái cảnh buồn của một người ở gần bể như thế thật đúng lắm.”

Xem như thế thì thấy rằng quê hương mà tổ tiên chúng ta chọn làm nơi sinh sống chỉ có thể làm nghề đánh cá hoặc khai thác ruộng muối chứ không thể sinh sống bằng nông nghiệp được. Có lẽ tổ tiên chúng ta là những ngư dân hơn là nông dân.

Trước đây tổ tiên chúng ta theo đạo nào thì không rõ, nhưng đến đời cụ tổ khai sáng thì người trong gia tộc đều theo đạo công giáo. Có thể suy đoán là tổ tiên chúng ta đã theo đạo công giáo từ những đời xa xưa trước vì quê hương mà tổ tiên chọn để sinh sống có đa số dân chúng theo công giáo. Ở đó có rất nhiều họ đạo, nhà thờ và ngay từ thời Pháp thuộc đã có Tiểu chủng viện An Ninh là nơi đào tạo chủng sinh cho địa phận Huế và Vinh, dòng Mến Thánh Giá Di Loan là một dòng nữ tu nổi tiếng trong tỉnh được lập tại làng Di Loan.

Theo truyền thống gia đình, từ đời cụ cao tổ trở xuống, các chi, các ngành đời nào cũng có con cháu dâng hiến cho Thiên Chúa để làm linh mục, tu sĩ hoặc nữ tu. Cho con cháu đi theo ơn gọi đã trở thành nền nếp gia phong. Về mặt nầy các chi, các ngành đều tuân thủ chặt chẽ. Trước năm 1975 hầu hết các gia đình đều cho con cái đi theo ơn gọi. Những người đã thành đạt trong đời sống tận hiến là các linh mục Nguyễn Văn Minh (chi ông Nguyễn Văn Quy), linh mục Nguyễn Văn Giáo (chi ông Nguyễn Văn Trung), linh mục Dương Quỳnh (chi bà Nguyễn Thị Nghĩa), linh mục Hoàng Cẩn (chi ông Nguyễn văn Trang), các nữ tu Nguyễn Thị Tín, Nguyễn Thị Hiếu, Nguyễn Thị Thanh.

ĐỜI 1: CAO TỔ

Tên họ: Không rõ
Thánh hiệu: Không rõ
Năm sinh và mãn phần: Không rõ
Hiền thê: Không rõ

Sự nghiệp:
Cao tổ sinh sống và lập nghiệp ở làng Loan Lý, hành nghề thầy thuốc. Ngài sinh hạ được 4 người con là các ông Nguyễn Văn Đăng (Quản), Nguyễn Chiểu, các bà Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Thị Thanh.

Cụ cao tổ mất tại làng Loan Lý, mộ phần đặt trong vườn nay không tìm được vì chiến tranh tàn phá.

Các con của cụ Nguyễn Chiểu: bà Nguyễn Thị Thứ, hiện nay không rõ tin tức.
Các con của bà Nguyễn Thị Hương: Ông Hào. Ông này sinh ra bà Yếng và các cháu là bà Giao, bà Tiềm, không liên lạc được.
Con của bà Thanh: bà Bá, bà Hàn, không liên lạc được.


ĐỜI 2: TẰNG TỔ

Tên họ: NGUYỄN VĂN ĐĂNG
Thánh hiệu: Đa Minh
Năm sinh: Không rõ
Hiền thê:
Chính thất: Bà Dương Thị Hoè
Kế thất: Bà Phùng Thị Ẩn quê ở tỉnh Thừa Thiên.
Mãn phần: Tạ thế lúc 1giờ ngày 18.02.1946
Mộ phần: An táng tại nghĩa trang họ Loan Lý. Nay không tìm được vì chiến tranh tàn phá.

Mộ phần của bà Dương Thị Hoè an táng tại nghĩa trang họ Hòa Ninh sau dời về Loan Lý nằm ở góc nhà ông Trang.
Mộ phần của bà Phùng Thị Ẩn đặt tại thôn Trung Sơn, xã Suối Nghệ, tỉnh Đồng nai do con là Nguyễn Văn Chỉ lập.

Sự nghiệp :
Ông Nguyễn Đăng có tên khác là Quản lập nghiệp ở làng Loan Lý, hành nghề chữa bệnh. Ngài là người nhân từ và hay thương người. Các bậc cao niên kể lại rằng trong thời kỳ nạn đói trầm trọng xảy ra tại miền bắc và miền trung năm 1945 làm thiệt mạng hàng triệu người, ngài đã sai con cháu lấy lúa gạo trong kho đem phân phát cho dân chúng để giúp họ sống sót.

Ngài sinh được 13 người con là các ông, bà: Nguyễn Thị Tín, Nguyễn Thị Nghĩa, Nguyễn Văn Quy, Nguyễn Văn Trang, Nguyễn Thị Tình, Nguyễn Văn Nghiêm, Nguyễn Thị Nghị, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Thị Hiếu, Nguyễn Thị Tri, Nguyễn Thị Chí, Nguyễn Thị Ý, Nguyễn Văn Chỉ.


Đời 3.1

Họ và tên: NGUYỄN THỊ TÍN
Thánh hiệu: Không rõ
Năm sinh: 05.07.1878
Mãn phần: Không rõ
Sự nghiệp: Bà Tín là nữ tu dòng Mến Thánh Giá Phủ Cam.
Mộ phần: Không rõ


ĐỜI 3.2

Tên họ: NGUYỄN THỊ NGHĨA
Thánh hiệu: Không rõ
Năm sinh: Không rõ
Hôn phu: Ông Dương Viên
Mãn phần: Không rõ
Mộ phần: Đặt tại nghĩa trang Loan Lý, sau chiến tranh cải táng tại nghĩa trang họ Lăng Cô do các cháu là Dương Bỉnh và linh mục Dương Quỳnh lập.

Sự nghiệp:
Gia đạo:
Bà Nghĩa kết hôn với ông Dương Viên người làng Di Loan, sinh hạ được 6 người con là các ông bà Dương Thị San, Dương Thị Thụy, Dương Kình, Dương Vịnh, Dương Thị Khiêm, Dương Thị Kha.

Các cháu của bà Nghĩa:
Con bà Thụy: các ông, bà: Phê, Bài, Thi, Trường, Triều, Trang, Trinh.
Con ông Vịnh: các ông bà Khuê, Bỉnh, Bân, Lm. Quỳnh, Hân, Hoa.
Con bà Khiêm: các ông bà Khởi, Hoàn, Thị, Thức, Thành.
Con bà Kha: các ông bà Đoan, Oanh, Châu, Bích.


ĐỜI 3.3: NỘI TỔ

Tên họ: NGUYỄN VĂN QUY
Thánh hiệu: Đa Minh
Năm sinh: 1881
Mãn phần: Lúc 20 giờ ngày 09.07.1974 (20.05 Giáp Dần) tại Pleiku

Hiền thê: Hoàng Thị Nhạn
Năm sinh: 30.05.1884
Thánh hiệu: Mađalêna
Quê quán: Làng Di Loan
Mãn phần: 09.01.1941
Mộ phần: Nghĩa trang giáo xứ Hoà Ninh

Sự nghiệp:
Nội tổ nối nghiệp cha làm nghề chữa bệnh và kết hoa trong các buỗi lễ tôn giáo vì người rất khéo tay và cẩn thận. Là một tín đồ công giáo, người đã giáo dục con cái theo lề luật của Thiên Chúa, sống đạo đức, thánh thiện. Nối tiếp truyền thống gia đình, các con được gửi vào dòng tu để sống cuộc đời thánh hiến và Thiên Chúa đã chọn một trong các con là ông Nguyễn Văn Minh làm linh mục.

Sau khi vợ mãn phần, người đi lập nghiệp, mở đồn điền ở làng Bình Đức về phía tây của huyện Vĩnh Linh. Đến năm 1945, khi phong trào Việt Minh khởi nghĩa, chiến sự nổ ra, người tản cư về làng Ba Bình. Năm 1948 dời về làng Xuân Hòa ở phía nam sông Bến Hải thuộc huyện Trung Lương. Năm 1954 chia đôi đất nước, di cư vào tỉnh Quảng Trị. Năm 1968 chiến sự trở nên khốc liệt, người lánh nạn lên Pleiku và mãn phần tại đó năm 1974 hưởng thọ 93 tuổi. Mộ phần táng tại nghĩa trang giáo xứ Hiếu Đạo do con là Nguyễn Bính phụng lập.

ĐỜI 3.4

Họ tên: NGUYỄN VĂN TRANG
Thánh hiệu: Không rõ
Năm sinh: Không rõ
Hiền thê: Bà Phạm Thị Trước
Mãn phần: Không rõ
Mộ phần: An táng tại nghĩa trang giáo xứ Long Thọ, Huế.

Sự nghiệp:
Gia đạo:
Ông Trang kết hôn với bà Phạm Thị Trước, sinh hạ được 4 người con là các ông bà Nguyễn Thị Trân, Nguyễn Văn Khôi, Nguyễn Thị Thục, Nguyễn Thị Quyên.

Các cháu:
Con của bà Trân: Hoàng Mẫn, Lm. Hoàng Cẩn, Hoàng Thị Niềm, Hoàng Cần.
Con ông Khôi: Nguyễn Thị Hồng Hà, Nguyễn Thanh Long, Nguyễn Hoài Hương, Nguyễn Công Du, Nguyễn Việt Tiến, Nguyễn Tiền Phong.
Con bà Thục:
Con bà Quyên:


ĐỜI 3.5

Họ tên: NGUYỄN THỊ TÌNH
Thánh hiệu: Không rõ
Năm sinh: Không rõ
Hôn phu: Không rõ
Mãn phần: Không rõ
Sự nghiệp: Không rõ

Các con: các ông bà Chương, Gẫm, Nguyện, Thống, Thể.
Chi nầy mất liên lạc từ năm 1954 đến nay.


ĐỜI 3.6

Họ tên: NGUYỄN VĂN NGHIÊM
Thánh hiệu: Không rõ
Năm sinh: Không rõ
Hiền thê: Bà Hoàng thị Phố
Mãn phần: Không rõ
Mộ phần: Cải táng ông, bà tại nghĩa trang giáo xứ Quảng Biên do các con là Nguyễn Văn Di, Nguyễn Văn Tập, Nguyễn Văn Thật lập.

Sự nghiệp: Lập nghiệp ở Hòn Chồng, Nha Trang và mãn phần tại đó.
Gia đạo: Ông Nghiêm kết hôn với bà Hoàng Thị Phố sinh hạ được 7 người con gồm các ông bà: Nguyễn Thị Chỉnh, Nguyễn Văn Vệ, Nguyễn Văn Di, Nguyễn Thị Ngãi, Nguyễn Thị Tần, Nguyễn Văn Tập, Nguyễn Văn Thật.

Các cháu:
Con ông Vệ: Các ông bà Mỹ, Thể, Thanh, Cường, Anh, Hưng, Đồng, Lợi, Ngọc, Mai.
Con ông Di: Các ông bà Tích, Quang,Vinh.
Con bà Ngãi: Dung.
Con bà Tần: Các ông bà Hoài, Vọng, Mẫu, Lan, Tỉnh, Bạch.
Con ông Tập: Các ông bà Tâm, Quang, Thủy, Hải, Tuấn.
Con ông Thật: Các ông bà Thu, Niên, Bích, Kiều.


ĐỜI 3.7

Họ tên: NGUYỄN THỊ NGHỊ
Thánh hiệu: Không rõ
Năm sinh: Không rõ
Hiền thê: Ông Hoàng Liệu
Mãn phần: Mộ phần an táng tại nghĩa trang họ Di Loan.

Sự nghiệp:
Gia đạo: Bà Nguyễn Thị Nghị kết hôn với ông Hoàng Liệu người làng Di Loan sinh hạ được 7 người con gồm các ông bà: Hoàng Ngọc Lượng, Hoàng Ngọc Lự, Hoàng Thị Tư, Hoàng Thị Năm, Hoàng Ngọc Bường, Hoàng Ngọc Tỉnh, Hoàng Thị Táo.

Các cháu:
Con của ông Hoàng Ngọc Lượng: Các ông bà Hoàng Ngọc Hóa, Hoàng Thị Đào, Hoàng Thị Ngọc Mai, Hoàng Thị Lan, Hoàng Thị Lài, Hoàng Ngọc Dũng, Hoàng Thị Loan.

Con của bà Tư: Thành, Công, Hường, Thắm, Thơm.

Con bà Năm: Hoàng Ngọc Ninh, Hoàng Thị Thu, Trọng, Thương, Mến, Nhớ.


Con của Ông Bường: Hoàng Ngọc Anh, Hoàng Ngọc Hiệp (Hiền), Hoàng Thị Thu, Hoàng Thị Thủy, Hoàng Thị Bích, Hoàng Ngọc Thuần, Hoàng Thị Thúy, Hoàng Ngọc Bảo, Hoàng Ngọc Thảo.

Con ông Tỉnh: Hoàng Thị Thanh Hồng, Hoàng Ngọc Sơn, Hoàng Thị Thanh Hà, Hoàng Ngọc Long, Hoàng Thị Loan, Hoàng Thị Liên, Hoàng Ngọc Lân, Hoàng Ngọc Lâm.

Con bà Táo: Ái, Hà, Bình, Hoài, Long, Yến, Ân.


ĐỜI 3.8

Tên họ: NGUYỄN VĂN TRUNG
Thánh hiệu: Phaolô
Năm sinh: Không rõ
Hiền thê: Mađalêna Dưong Thị Ký
Mãn phần: Ông Trung mất tại Mỹ Tho, mộ phần được con là Nguyễn Thị Quới cải táng đem về Suối Nghệ, Đồng Nai.
Sự nghiệp:
Gia đạo:
Các con: Các ông bà Nguyễn Thị Lới, Lm. Nguyễn Văn Giáo, Nguyễn Văn Lộc, Nguyễn Thị Quới.

Các cháu:
Con bà Nguyễn Thị Lới: Lê Văn Gioang, Lê Thị Thương, Lê Văn Thuyết, Lê thị Tuyết, Lê Thị Mai, Lê Thị Thúy, Lê Thị Thủy.
Con ông Lộc : Nguyễn Thị Liên, Nguyễn Thị Anh, Nguyễn Văn Bích, Nguyễn Văn Đính.
Con bà Quới: Khánh, Tuấn, Hoành, Hồng, Vân, Loan.

ĐỜI 3.9

Họ tên: NGUYỄN THỊ HIẾU
Thánh hiệu: Không rõ
Năm sinh: Không rõ
Mãn phần: Không rõ

Sự nghiệp: Bà Nguyễn Thị Hiếu là nữ tu dòng Mến Thánh Giá Di Loan.


ĐỜI 3.10

Họ và tên: NGUYỄN THỊ TRI
Thánh hiệu: Không rõ
Năm sinh: Không rõ
Hôn phu: Ông Hoàng Đức (mãn phần 31.07.2007, mộ phần tại Xuân Hưng, Xuân Lộc)

Sự nghiệp:
Gia đạo:
Kết hôn với ông Hoàng Đức, người làng Di Loan. Bà Tri hiện nay sống tại huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai.
Các con: Hoàng Thị Tâm, Hoàng Thành, Hoàng Thị Thái, Hoàng Thị Sự, Hoàng Cảnh, Hoàng Thị Lan, Hoàng Hiền, Hoàng Anh, Hoàng Tuấn (qua đời khi còn nhỏ).

Các cháu:
Con của bà Tâm: Hùng, Thúy, Cẩm, Bảo, Thiên hiện đang sống ở Mỹ.
Con của bà Thái: Tiên, Trân, Chi, đang sống ở Nha Trang.
Con của bà Sự: Hải, Huy đang sống ở Nha Trang.
Con của ông Cảnh: Vũ, Bảo, Như, Thư đang sống ở xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai.
Con của bà Lan: Nhi (qua đời), Vy, Uyên, Trinh, Vân hiện đang sống ở xã Xuân Hưng.
Con của ông Hiền: Phi, Nam, Thi, Tây đang sống ở Mỹ.
Con của ông Anh: Cường, Lâm, Quyên, Quang đang sống ở xã Xuân Hưng.


ĐỜI 3.11

Tên họ: NGUYỄN THỊ CHÍ
Thánh hiệu: Không rõ
Năm sinh: Không rõ
Hôn phu: Ông Tư
Mãn phần: Không rõ

Sự nghiệp:
Gia đạo: Kết hôn với ông Tư, sinh hạ được 8 người con là các ông bà Nguyễn Thị Sớ, Nguyễn Thị Ngự, Nguyễn Văn Trị, Nguyễn Văn Quốc, Nguyễn Thị Vân, Nguyễn Thị Thủy, Nguyễn Thị Loan, Nguyễn Văn Long.


ĐỜI 3.12

Tên họ: NGUYỄN THỊ Ý
Thánh hiệu: Inê
Năm sinh: 1923
Hôn phu: Ông Phán
Mãn phần: 2005
Mộ phần: An táng tại ngĩa trang giáo xứ Đồng Phát, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Mộ phần do các con là Tuyết, Diệp, Sơn, Quang, Lan đồng phụng lập.
Bà Ý kết hôn với ông Phán, sinh hạ được 5 người con gồm các ông bà Tuyết, Diệp, Sơn, Quang, Lan.
ĐỜI 3.13

Tên họ: NGUYỄN VĂN CHỈ
Thánh hiệu: An Tôn
Năm sinh: Không rõ
Hiền thê: Bà Tửu
Mãn phần: Tạ thế ngày 23.04.1999, mộ phần an táng tại ấp Suối Nghệ, huyện Châu Thành, tỉnh Bà Rịa do vợ và các con đồng phụng lập.
Gia đạo: Ông Chỉ kết hôn với bà Tửu, sinh hạ được 7 người con gồm các ông bà Nguyển Văn Ngọc, Nguyễn Thị Dung, Nguyễn Thị Lệ, Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Thị Yến, Nguyễn Văn Hiến, Nguyễn Thị Huyền.


ĐỜI 4.3.1: BÁ PHỤ

Tên họ: NGUYỄN VĂN MINH (MẬU)
Thánh hiệu: Tôma
Năm sinh: 20.10.1908
Mãn phần: 24.09.1937
Mộ phần: An táng trong khuôn viên nhà thờ Sình sau con cháu cải táng về nghĩa trang Thiên Thai dành cho các linh mục quá cố thuộc Tổng Giáo Phận Huế.

Sự nghiệp:
Theo truyền thống gia đình, người được gửi vào Tiểu chủng viện An Ninh, chịu chức linh mục ngày 06.07.1936. Sau đó được cử làm phó xứ họ Lại Ân thuộc giáo phận Huế. Trong lúc đi xức dầu cho bệnh nhân bằng xuồng, gặp trời mưa lụt, thuyền chìm và mất ngày 24.09.1937.

Mộ phần an táng tại giáo xứ họ Quy Lại, sau giáo dân họ Lại Ân xin dời về an táng trong khuôn viên nhà thờ Lại Ân. Ngày 08.06.2004 các cháu là các Lm. Dương Quỳnh, Dương Đức Toại, Nguyễn Văn Giải, Hoàng Cẩn và các cháu là Nguyễn Thị Hoàng Hạnh, Nguyễn Thị Hoàng Hoa, Nguyễn Hoàng Thiện, Nguyễn Văn Thông, Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Văn Tịnh cải táng dời về nghĩa trang Thiên Thai dành cho các linh mục quá cố thuộc Tổng Giáo Phận Huế.


ĐỜI 4.3.2: BÁ PHỤ

Họ tên: NGUYỄN VĂN QÚY
Thánh hiệu: Antôn
Năm sinh: 06.06.1913
Mãn phần: 03.07.1925
Mộ phần: An táng tại nghĩa trang giáo xứ Hoà Ninh, nay không tìm được.

ĐỜI 4.3.3: BÁ PHỤ

Tên họ: NGUYỄN BÍNH
Thánh hiệu: Phaolô
Năm sinh: 09.04.1916
Mãn phần: 07.04.1987
Mộ phần: An táng tại nghĩa trang giáo xứ Hiếu Đạo, thành phố Pleiku.
Hiền thê: Phạm Thị Có
Thánh hiệu: Maria
Năm sinh: 1919
Mãn phần: 2000

Sự nghiệp:
Thời thanh niên rời quê hương đi lập nghiệp ở đồn điền trà Cateka thuộc tỉnh Pleiku. Lập gia đình với bà Phạm Thị Có người Bình Định. Gia đình mất liên lạc kể từ đó. Năm 1945 trở về quê hương đem theo vợ và con gái sau đó trở lại Pleiku vào năm 1946, làm nghề buôn bán cá tại Chợ Mới, thành phố Pleiku.

Năm 1975 chiến tranh lan đến Pleiku, đem gia đình lánh nạn tại thôn Đông Hòa, Xã Tân Hà, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận.

Năm 1978 đem gia đình trở lại Pleiku và mất ở đó. Bà Có mất vào lúc 15 giờ ngày 06.01.2000 tại Pleiku. Hai ông bà được an táng tại đó.

Gia đạo: Hai ông bà sinh được 7 người con là Nguyễn Thị Nhơn (qua đời), Nguyễn Thị Vân Lập (qua đời), Nguyễn Hoàng Diệp, Nguyễn Hoàng Đức, Nguyễn Thị Hoàng Hạnh, Nguyễn Thị Hoàng Hoa, Nguyễn Hoàng Thiện.

Các cháu:
Con của ông Diệp: Ông Diệp kết hôn với bà Gương, người làng Phú Bổn sinh được 7 người con là Nguyễn Hoàng Dũng, Nguyễn Hoàng Tâm, Nguyễn Thị Hoàng Vy, Nguyễn Thị Hoàng Nhi, Nguyễn Hoàng Huân, Nguyễn Hoàng Thịnh, Nguyễn Thị Hoàng Vân. Gia đình hiện sống tại thị xã Pleiku.

Con của ông Đức: Ông Đức kết hôn với bà Vũ Thị Miên, sinh năm 1958, người Hà Tĩnh; sinh được 3 người con là Nguyễn Vũ Minh Cường 1984, Nguyễn Vũ Minh Hoàng và Nguyễn Vũ Minh Toàn 1985. Gia đình hiện sống tại thị xã Pleiku.

Con của bà Hạnh: Bà Hạnh kết hôn với ông Lộc, sinh được 1 con gái là Quyên. Bà Hạnh hiện sống tại thành phố Đà Nẵng.

Con của bà Hoa: Bà Hoa kết hôn với ông Thọ , sinh được 2 con là Vân, Luân. Bà Hoa hiện đang sống tại thị xã Pleiku.

Con của ông Thiện: Ông Thiện kết hôn với bà Hoa người Đà Nẵng sinh được 2 người con là Nguyễn Hoàng Bảo, Nguyễn Thị Hoàng Anh. Gia đình hiện đang sống tại thành phố Đà Nẵng

ĐỜI 4.3.4: BÁ PHỤ

Họ tên: NGUYỄN VĂN KÝ
Thánh hiệu: Phaolô
Năm sinh: 05.10.1919
Mãn phần: 1985
Mộ phần: An táng tại nghĩa trang xã Đức Tân, Bắc Ruộng, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận. Cải táng ngày 20.03.1995, hài cốt gửi tại Phòng hài cốt giáo xứ Hòa Hưng, Saigon. Số phiếu ký gửi 661.

ĐỜI 4.3.5: THÂN PHỤ

Tên họ: NGUYỄN VĂN BỬU
Thánh hiệu: Phêrô
Năm sinh: 28.04.1922
Mãn phần: 09.04.1981
Mộ phần: Hài cốt gửi tại Phòng hài cốt giáo xứ Hòa Hưng.
Hiền thê: Nguyễn Thị Chờ

Kết hôn với bà Nguyễn Thị Chờ, thánh hiệu Anna, sinh ngày 20.09.1926, quê làng Bình Đức, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Con ông Nguyễn Ấm và bà Cao Thị Ngày. Lễ dạm ngõ được tổ chức ngày 23.03.1943, lễ Đính hôn cử hành ngày 01.05.1943, lễ hôn phối tổ chức ngày 31.05.1943 tại nhà thờ họ Bình Đức do cha J.B Đông chủ tế.

Bà Nguyễn Thị Chờ mất ngày 11.06.1964 tại bệnh viện Quảng Trị vì bệnh tim. An táng tại nghĩa trang giáo xứ La Vang trung. Cải táng ngày 19.10.1986 do con là Nguyễn Thị Bình và Nguyễn thị Thanh. Hài cốt gửi tại nhà thờ Hòa Hưng, số ký gửi 307.

Các con của ông Nguyễn Ấm và bà Cao Thị Ngày: Nguyễn Thị Xưa, Nguyễn Thị Nay, Nguyễn Thị Đặng, Nguyễn Văn Cả, Nguyễn Văn Quyền, Nguyễn Thị Đức, Nguyễn Thị Hạnh, Nguyễn Thị Tuyền, Nguyễn Thị Chờ, Nguyễn Văn Hào.

Các cháu:
Con bà Xưa: Quế, Dung, Hương, Lý.
Con của bà Nay: Sâm, Sanh, Lộc, Vinh, Quang.
Con của bà Đặng: Nghĩa, Phép, Tân, Sáng, Truyền.
Con của ông Quyền: Yên, Lan.
Con của bà Đức: Kính, Mến, Chương, Định, Tỉnh.
Con của bà Hạnh: Vinh, Phước, Thọ.
Con của bà Tuyền: Đạt, Tài, Thành, Thiện, Cúc.
Con của ông Hào: Phương, Lan, Hoà, Thuận, Vinh, Hiển, Bình, Thanh, Hùng.

Kế thất: Bà Phạm Thị Sáu, thánh hiệu Maria, sinh ngày 05.03.1929 người làng Xuân Đài, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Con ông Nguyễn Văn Khương và bà Lê Thị Út. Lễ hôn phối cử hành ngày 01.05.1968 tại nhà thờ họ Tây Linh do Lm. Nguyễn Văn Trung chủ tế. Mất tích ngày 29.04.1972 tại Đại lộ Kinh Hoàng khu vực cầu Dài, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Tìm ra mộ tại vườn nhà ở đường Hồ Đắc Hanh, thôn Thạch Hãn và cải táng ngày 17.08.1999, hài cốt gửi ở nhà thờ Hòa Hưng, số ký gửi 836.

Sự nghiệp:
Xưng tội rước lễ lần đầu ngày 21.01.1931, thêm sức ngày 17.09.1932. Ngày 22.08.1935 vào Tiểu chủng viện An Ninh, đến ngày 13.07.1941 trở về sinh sống với gia đình. Ngày 15.07.1941 theo cha đi lập đồn điền ở làng Bình Đức.

Năm 1945 Việt Minh khởi nghĩa, chiến tranh loạn lạc xảy ra, gia đình phải bỏ đồn điền tản cư về làng Ba Bình ngày 29.03.1947.

Ngày 10.07.1947 làm thông dịch viên cho quân đội Pháp tại Nhĩ Hạ, đến tháng 11.1947 vì vợ đau nặng nên phải trở về nhà chăm sóc.

Ngày 10.01.1948 nhập ngũ tại Bảo vệ quân Trung kỳ trong thời hạn 3 năm và được gửi đi huấn luyện tại Cơ Quảng Trị. Ngày 05.02.1948 phục vụ tại đồn Xuân Hòa, huyện Gio Linh. Thuyên chuyển về Tiểu đoàn Trần Hưng Đạo tại Quảng Trị ngày 01.01.1949. Thuyên chuyển đến Đại Đội Gio Linh đóng tại đồn Hà Thượng, huyện Gio Linh ngày 05.11.1949.

Ngày 30.12.1950 được cử đi học ở trường Quốc Tử Giám, Huế. Mãn khóa phục vụ tại Trung đoàn Trần Hưng Đạo đóng tại Mang Cá, Huế. Ngày 01.01.1953 thuyên chuyển đến Tiểu đoàn 255 đóng tại Quảng Trị. Đem gia đình về ở tại Thôn Đệ I, thị xã Quảng Trị. Mua nhà ở số 34 Duy Tân, thôn Đệ Tứ, thị xã Quảng Trị ngày 23.07.1953.

Ngày 01.04.1954 thăng Trung sĩ I phục vụ tại Tiểu đoàn 45 thị xã Quảng Trị. Ngày 09.09.1954 đổi vào Tam Kỳ, Quảng Nam. Tháng 12.1955 đổi vào Quảng Ngãi, đóng tại Châu Ổ, huyện Bình Sơn.

Liên lạc được với anh là Nguyễn Bính ở Pleiku bị mất tin tức từ năm 1945. Tháng 10.1954 cha và anh là Nguyễn Văn Ký lên đường đi Pleiku và ở đó cho đến ngày 26.11.1957 trở về Quảng Trị.

Ngày 01.10.1957 thuyên chuyển về đơn vị Quản trị địa phương số 2 đóng tại Đà Nẵng. Đem gia đình vào Đà Nẵng.

Ngày 26.10.1959 thăng cấp Thượng sĩ, chuyển đến kho Thực phẩm quân trang dã chiến số 2 đóng tại Đà Nẵng.

Ngày 01.04.1962 mua nhà tại đường Hồ Đắc Hanh, thôn Thạch Hãn, thị xã Quảng Trị.

Ngày 10.05.1963 giữ chức vụ Quản Lý chi Nhánh Quân Tiếp Vụ tại Quảng Ngãi.

Thuyên chuyển đến Quân Tiếp Vụ Vùng I chiến thuật ngày 01.05.1964 đóng tại Đà Nẵng.

Ngày 20.06.1966 thăng cấp thượng sĩ I, giữ chức vụ Quản Lý Trung Tâm Bán Lẻ đóng tại Cổ thành Quảng Trị.

Thuyên chuyển về Quân tiếp vụ vùng I/CT ngày 01.12.1968.

Thăng cấp Chuẩn Úy ngày 19.06.1968.

Giữ chức vụ Quản Lý Trung Tân Bán Lẻ Đà Nẵng ngày 01.06.1969.

Ngày 16.07.1971 làm sĩ quan phụ tá Trung Tâm Bán Lẻ Quảng Trị.

Ngày 31.03.1973 giải ngũ. Đem gia đình đi theo chương trình khẩn hoang lập ấp tại Láng Gòn, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Tuy, nay là xã Tân Hà.

Ngày 11.10.1975 học tập cải tạo tại trại Bình Minh, huyện Đức Linh, tỉnh Thuận Hải.

Được trả tự do ngày 10.02.1977 nhưng phải đi vùng kinh tế mới tại xã Bắc Ruộng, huyện Đức Linh, tỉnh Thuận Hải.

Bệnh nặng và qua đời vào lúc 21 giờ ngày 09.04.1981 tại số 397A đường Cách Mạng Tháng Tám, Quận 10.

Thánh lễ an táng cử hành ngày 13.04.1981 tại nhà thờ họ Hòa Hưng do các linh mục Nguyễn Văn Quy, Trần Văn Lộc (cựu giáo sư TCV Hoan Thiện), Ngô Phục, Chu Quang Đương (dòng Đa Minh) đồng tế và an táng tại nghĩa trang Đô thành Saigon.

Ngày 19.01.1986 cải táng, hài cốt gửi tại nhà thờ Hòa Hưng, số 191.

Huy chương: Chiến công bội tinh các niên hiệu 1949,1954,1960. Lục quân vinh công bội tinh, Quân công bội tinh, Tham mưu bội tinh hạng 2, Quốc phòng bội tinh hạng I, Quân vụ bội tinh hạng I.


ĐỜI 5.3.5.1: KỶ THÂN

Tên họ: NGUYỄN VĂN THÔNG
Thánh hiệu: Giuse
Năm sinh: 20.07.1944 (01.06 Bảo Đại 18)
Hiền thê: Trương Thị Chà

Kết hôn với cô Trương Thị Chà, sinh ngày 28.01.1951 tại Saigon, quê quán làng Tường Thụy, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Rửa tội ngày 17.04.1976 tại nhà thờ giáo xứ Đông Hoà, Bình Tuy; thánh hiệu Anna, mẹ đỡ đầu là bà Anna Nguyễn Thị Đức. Cô Chà là con của ông Trương Văn Sỹ và bà Phạm Thị Vẹm người làng Phú Mỹ, huyện Bến Tranh, tỉnh Định Tường, cư ngụ tại số 463B/48bis đường Lê Văn Duyệt nay là đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 13, quận 10. Tốt nghiệp Ban Tham sự 5 trường Quốc Gia Hành Chánh, phục vụ tại Chi vụ Thực Tập Trường QHGC. Sau năm 1975 là hiệu trưởng các trường Mẫu giáo phường 13, 9 thuộc quận 10. Nghỉ hưu năm 2006.

Các con là Nguyễn Vĩnh Linh, Nguyễn Thị Hiền Lương, Nguyễn Kinh Luân.
Các cháu (con của Nguyễn Vĩnh Linh-Bùi Cát Thụy) là Nguyễn Thụy Cát Linh, Nguyễn Vĩnh Thụy.


Các em của bà Trương Thị Chà: Trương Thị Lý, Trương Thị Mai, Trương Văn Dũng, Trương Thị Ngân, Trương Văn Hùng, Trương Thị Hảo, Trương Văn Minh.

Ông Trương Văn Sỹ tạ thế vào lúc 16 giờ ngày 06.02.2006.tại bệnh viện Thống Nhất. Bà Phạm Thị Vẹm tạ thế vào lúc 2 giờ 15 tại tư gia. Hài cốt của ông bà gửi tại chùa Bửu Đà, phường 13, quân 10.

Sự nghiệp:
Sinh tại làng Bình Đức, tổng Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Làng Bình Đức nằm ở phía tây bắc huyện Vĩnh Linh. Rửa tội ngày 29.07.1944, cha đỡ đầu là ông Giuse Nguyễn Hữu Đình. Rước lể vỡ lòng ngày 11.08.1952 và thêm sức ngày 24.08.1952 tại nhà thờ Cầu Kho, cha đỡ đầu là ông Phêrô Bùi Văn Đạt.

Theo học các lớp tiểu học tại trường Maria thuộc họ Trí Bưu, Quảng Trị. Năm 1957 học tại Tiểu chủng viện Phú Xuân, Huế. Học trung học tại các trường Phan Thanh Giản Đà Nẵng, Thánh Tâm và Nguyễn Hoàng Quảng Trị.

Nhập ngũ ngày 26.10.1964, theo học khóa 20 sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Số quân 64/204184 thuộc Đại đội 7, Liên Đoàn 1 SVSQ. Mãn khóa ngày 22.12.1965, cấp bậc Chuẩn Úy, được bổ nhiệm về Sư đoàn I Bộ Binh. Theo học khóa sĩ quan điều chỉnh pháo binh tại Mang Cá,Huế. Thuyên chuyển đến Tiểu đoàn 1, trung Đoàn 1 đóng tại đồi La vang, Quảng Trị.

Giữ chức vụ trung đội trưởng trung đội 1, đại đội 2, tiểu đoàn 1. Thuyên chuyển đến tiểu đoàn 1/4 thuộc Sư đoàn 2 Bộ Binh đóng tại đồi 10, phía bắc phi trường Quảng Ngãi. Giữ các chức vụ Sĩ quan hành quân tiểu đoàn rối Đại đội trưởng Đại đội chỉ huy tiểu đoàn 1/4. Thăng chức Thiếu úy ngày 22.06.1967 giữ chức vụ trung đội trưởng trung đội vũ khí nặng Tiểu đoàn 1/4.

Bị thương tại mặt trận tây bắc đồ 10 ngày 11.10.1967, điều trị tại Tổng y viện Duy Tân Đà Nẵng.

Ngày 27.10.1968 thuyên chuyển về đơn vị 3 quản trị địa phương tại Saigon, phục vụ tại nha Cấp dưỡng cô nhi quả phụ thuộc bộ Cựu chiến binh. Thuyên chuyển đến Tiểu khu Pleiku, giữ chức vụ Trưởng Khối Chiến Thuật tại Trung Tâm huấn luyện Địa phương quân- Nghĩa quân Pleiku.

Thăng chức trung úy thực thụ ngày 22.06.1969. Thuyên chuyển đến Liên Đội 2/56 đóng tại huyện Lệ Trung, giữ chức vụ Sĩ quan Tổng Vụ. Giải ngũ theo đơn xin ngày 30.01.1970.

Trở về sinh sống tại làng Tam Tòa, Đà Nẵng. Làm việc tại cơ quan CORDS Đà Nẵng tại số 52 Bạch Đằng, chức vụ Supervisor of Telecommunication branch, mức lương VGS 7.1.

Theo học khóa 5 Ban Tham Sự Trường Quốc Gia Hành Chánh Saigon, tốt nghiệp ngày 26.12.1973 được giữ lại trường làm việc tại thư viện trường.

Ngày 01.05.1975 trình diện học tập tại trường QGHC và được trả về gia đình tại thôn Đông Hòa, xã Tân Hà, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Tuy. Đi kinh tế mới tại Bắc Ruộng năm 1977. Trở về sống tại nhà cha mẹ vợ tại quận 10 năm 1978.

Theo học khóa 1 luật chuẩn hóa dành cho các trí thức miền Nam, tốt nghiệp năm 1990.

Từ năm 1978 - 2007 làm việc tại các Tổ sản xuất Kim Long, xí nghiệp chế biến nông sản Hữu Nghị, Xí nghiệp 486, công ty TNHH Ngô Gia, Xí nghiệp Quang Nam, công ty TNHH Tuyền Thành, chức vụ Kế toán trưởng, Phó Giám Đóc, Cố vấn pháp luật và kinh tế.

Bằng cấp: Tham Sự, Cử nhân luật.

Huy chương : Chiến dịch bội tinh, tham mưu bội tinh .

ĐỜI 5.3.5.2: BÀO ĐỆ

Họ tên: NGUYỄN VĂN THÁI
Thánh hiệu: Batôlômêô
Năm sinh: 10.09.1946 (15.08 Dân Chủ Cộng Hoà 2)
Mãn phần: 12.01.1966

Sự nghiệp:
Sinh tại làng Bình Đức, tổng Hồ xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Rửa tội ngày 22.09.1946, cha đỡ đầu là ông Lê Văn Lượng. Rước lễ vỡ lòng ngày 27.04.1955 tại nhà thờ Trí Bưu, Quảng Trị. Thêm sức ngày 21.08.1957 tại nhà thờ Thạch Hãn, Quảng Trị, cha đỡ đầu là ông Micaen Dương Văn Binh.

Học tiểu học tại trường Maria, học trung học tại trường Thánh Tâm, Quảng Trị .

Gia nhập lực lượng Thám sát tỉnh Quảng Trị (P.R.U) năm 1965. Mất tích lúc 16giờ 30 ngày 12.01.1966 trong lúc hành quân thám sát tại Thượng Nguyên, xã Hải Lâm,Quảng Trị.


ĐỜI 5.3.5.3: BÀO MUỘI

Họ tên: NGUYỄN THỊ BÌNH
Thánh hiệu: Inê
Năm sinh: 04.10.1950 (23.08 Canh Dần)

Sự nghiệp:
Sinh tại làng Ba Bình, rửa tội ngày 06.10.1950 tại nhà thờ Ba Ngoạt, mẹ đỡ đầu là bà Inê Thị Xưng. Rước lễ vỡ lòng ngày 02.05.1958 tại nhà thờ Chính Trạch, Đà Nẵng. Thêm sức ngày 13.05.1958 tại nhà thờ Thanh Bình, Đà Nẵng, mẹ đỡ đầu là Têrêxa Phạm Thị Ân. Bao đồng ngày 31.03.1964 tại nhà thờ Thạch Hãn.

Học tiểu học tại trường Têrêxa Quảng Trị, học trung học tại trường Thánh Tâm Đà Nẵng. Tốt nghiệp trường Đại học sư phạm Huế năm 1973. Giáo sư trường Trần Quý Cáp Hội An và Trung học Đông Hà, huyện Hàm Tân, tỉnh Thuận Hải.

Hiện cư ngụ tại Nông trường An Hạ, huyện Bình Chánh.


ĐỜI 5.3.5.4: BÀO MUỘI

Tên họ: NGUYỄN THỊ THANH
Thánh hiệu: Anna
Năm sinh: 09.07.1953 (29.05 Quý Tỵ)
Sự nghiệp:

Sinh tại thôn Thạch Hãn, thị xã Quảng Trị. Rửa tội ngày 10.07.1953 tại nhà thờ Thạch Hãn, mẹ đỡ đầu là bà Anna Tống thị Nhàn. Rước lễ vỡ lòng ngày 10.09.1953 tại nhà thờ Thạch Hãn. Thêm sức ngày 04.07.1963 tại nhà thờ Thạch Hãn, mẹ đỡ đầu là nữ tu Maria Nguyễn Thị Nguyệt.

Học tiểu học tại trường Têrêxa. Ngày 15.08.1966 vào tu tại dòng Phaolô Đà Nẵng, khấn tạm năm 1973. Sau khi thân phụ qua đời năm 1981 chuyển sang dòng Tiểu Muội tại Thị Nghè. Khấn trọn đời năm 06.08.1998 tại nhà thờ Thị Nghè do Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn chủ tế.


ĐỜI 5.3.5.5: BÀO ĐỆ

Họ tên: NGUYỄN VĂN TỊNH
Thánh hiệu: Đaminh
Năm sinh: 22.05.1957 (23.04 Đinh Dậu).

Sự nghiệp:
Sinh tại thôn Đệ tứ, thị xã Quảng Trị. Rửa tội ngày 24.05.1957 tại nhà thờ Trí Bưu, cha đỡ đầu là ông Đaminh Văn Công Ngọc. Rước lễ vỡ lòng ngày 25.12.1965 tại nhà thờ Thạch Hãn. Thêm sức ngày 21.07.1969 tại nhà thờ Long Hưng, cha đỡ đầu là ông Tôma Võ ngọc Loan.

Học tiểu học tại trường Thánh Tâm Quảng Trị. Thi tuyển vào Tiểu chủng viện Hoan Thiện, Huế năm 1968, nhưng vì nhà trường đang sửa chữa các hư hại do cuộc chiến tết Mậu Thân năm ấy nên được gởi về ngoại trú tại gia đình đến ngày 22.08.1969 chính thức vào Tiểu chủng viện. Năm 1974 xin trở về với gia đình, theo học lớp Đệ nhất tại trường Petrus Ký Saigon.

Năm 1975 trở về ở với gia đình tại thôn Đông Hòa, xã Tân Hà. Hiện nay ở Nông trường An Hạ, huyện Bình Chánh.


ĐỜI 6.3.5.1.1: TRƯỞNG NAM

Tên họ: NGUYỄN VĨNH LINH
Thánh hiệu: Gioan Baotixita
Năm sinh: 20.10.1976

Sinh tại bảo sanh viện Từ Dũ, Sài Gòn, lúc 14 giờ 55. Rửa tội ngày 27.02.1977 tại nhà thờ Đông Hà, xã Tân Hà, huyện Hàm Tân, tỉnh Thuận Hải. Rước lễ vỡ lòng ngày 02.02.1968 và thêm sức ngày 06.08.1989 tại nhà thờ Hoà Hưng, Sài Gòn.

Học tiểu học tại trường Lê Thị Riêng, trung học tại trường Trần Phú, quận 10 và trường Lê Hồng Phong, quận 5. Tốt nghiệp PTTH ngày 03.06.1994. Tốt nghiệp khoa CNTT trường Đại học Hàng Hải năm 2000. Làm việc tại công ty TNHH Vinh Thông, trụ sở đặt tại KCN Tân Bình.

Đính hôn ngày 20.05.2001 với cô Bùi Cát Thụy, sinh ngày 05.12.1977, quê quán tỉnh Phú Yên, ngêề nghiệp giáo viên. Con ông Bùi Văn Báo và bà Võ Thị Cúc, sư ngụ tại quận 3. Hôn lễ được cử hành ngày 06.04.2002 tại phòng Hiệp Nhất, Dòng Chúa Cứu Thế, Sài Gòn, do linh mục Phêrô Nguyễn Huệ là cha đỡ đầu thêm sức chủ sự.

Con thứ 1: Nguyễn Thụy Cát Linh, thánh hiệu Êlisabét, sinh ngày 14.06.2003 tại BV Từ Dũ. Rửa tội ngày 27.07.2003.

Con thứ 2: Nguyễn Vĩnh Thuỵ, thánh hiệu Gioakim, sinh ngày 07.04.2006 tại BV Từ Dũ. Rửa tội ngày xxx.


ĐỜI 6.3.5.1.2: TRƯỞNG NỮ

Họ tên: NGUYỄN THỊ HIỀN LƯƠNG
Thánh hiệu: Maria Rosa
Năm sinh: 20.09.1980

Sinh tại bảo sanh viện Đức Chính số 75A Cao Thắng, quận 3, Sài Gòn, lúc 7 giờ 20. Rửa tội ngày 02.11.1980 tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế. Rước lễ ngày 22.04.1990 và thêm sức ngày 06.12.1990 tại nhà thờ Hoà Hưng.

Học tiểu học tại trường Tô Hiến Thành, trung học tại trường Trần Phú, PTTH tại trường Đào Tạo Học Sinh Giỏi va trường Nguyễn Thượng Hiền. Tốt nghiệp PTTH năm 1998. Tốt nghiệp khoa kinh tế trường Đại Học Thuỷ Sản năm 2004. Làm việc tại công ty TNHH Chuẩn Hoá, quận 11.


ĐỜI 6.3.5.1.3: THỨ NAM

Họ tên: NGUYỄN KINH LUÂN
Thánh hiệu: Gioakim
Năm sinh: 24.11.1982

Sinh tại bảo sanh viện Từ Dũ, Sài Gòn lúc 15 giờ. Rửa tội ngày 02.01.1983 tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế. Rước lễ ngày 24.11.1991 và thêm sức ngày 09.10.1994 tại nhà thờ Hoà Hưng.

Học tiểu học tại trường Tô Hiến Thành, trung học tại trường Trần Phú và trường Đào Tạo Học Sinh Giỏi, THPT tại trường Nguyễn Thượng Hiền. Tốt nghiệp PTTH năm 2000. Tốt nghiệp khoa Kỹ thuật hệ thống công nghiệp trường Đại Học Bách Khoa năm 2005. Làm việc tại công ty TNHH Fujikura, trụ sở tại KCN VN-Singapore.


ĐỜI 7.3.5.1.1.1: NỘI TÔN

Họ tên: NGUYỄN THỤY CÁT LINH
Thánh hiệu: Êlisabét
Năm sinh: 14.06.2003

Sinh tại bảo sanh viện Từ Dũ lúc 19 giờ 30. Rửa tội ngày 27.07.2003 tại nhà thờ họ An Phú, quận 3, Sài Gòn.


ĐỜI 7.3.5.1.1.2: NỘI TÔN

Họ tên: NGUYỄN VĨNH THỤY
Thánh hiệu: Gioakim
Năm sinh: 07.04.2006

Sinh tại bảo sanh viện Từ Dũ lúc 10 giờ.