Thứ Năm, 11 tháng 10, 2018

Thành Chu Ngô thời Hán ở sông Thạch Hãn, Quảng Trị?




THÀNH CHU NGÔ THỜI HÁN Ở SÔNG THẠCH HÃN, QUẢNG TRỊ?

Về thành Chu Ngô, chúng ta đã biết rằng thành cách Tây Quyển là 200 lý. Vậy chúng ta phải tìm thành ấy ở chặng giữa đường từ sông Gianh vào Trà Kiệu. Nếu chúng ta nhận thấy rằng các thành trì của nhà Hán đặt ở Giao Chỉ, Cửu Chân cũng như Nhật Nam thường thường ở trên các sông lớn để tiện sự giao thông, thì chúng ta phải ngờ rằng thành Chu Ngô có thể ở trên một con sông lớn tại miền Quảng Trị, tức là trên sông Thạch Hãn là sông Chu Ngô chép trong Thủy kinh chú.

Sách Thủy kinh chú (q.36) có đoạn chép về Chu ngô rằng: “Nhánh sông Chu Ngô, phía trong thông với hồ Vô Lao, nước suối Vô Lao thông với nhánh sông Thọ Linh”. Chúng tôi nhận sông Chu Ngô là sông Thạch Hãn, có nhánh thông với hồ Vô Lao là phá Tam Giang. Suối Vô Lao có lẽ là một nhánh xưa của sông Bồ hiện nay còn dấu) chảy về phá Tam Giang. Còn cái nhánh của sông Thọ Linh nói ở đây, hẳn là sông Hương. Sông Hương là sông Lô Dung đời Hán. Tác giả lộn huyện Lô Dung đời Hán với huyện Lô Dung đời Tấn sau khi bỏ Thuộc quốc Đô úy, cho nên mới gọi lầm sông Hương là nhánh của sông Thọ Linh [Sông Lô Dung đời Tấn là sông Trốc, nhánh của sông Linh Giang là sông Thọ Linh thời Tấn]. Ở chỗ nhánh sông Thạch Hãn thông vào phá Tam Giang có địa điểm tên là Cổ Thành là thành Thuận Châu của nhà Trần. Chúng tôi ngờ rằng địa điểm ấy đã là thành Chu Ngô đời Hán.

Sự nhận định thành Chu Ngô ở chỗ sau này sẽ là thành Thuận Châu làm chúng tôi liên tưởng đến một địa điểm ở miền Thừa Thiên cũng gọi là Cổ Thành mà chúng tôi nhận là thành Hóa Châu của nhà Trần. Chỗ ấy thuộc về làng Thành Trung ngày nay, ở khoảng giữa sông Hương và sông Bồ, có lẽ xưa là trị sở châu Ri của Chiêm Thành. Chúng tôi ngờ rằng huyện Lô Dung ở thời Hán cũng là ở đó. Thủy kinh chú lại chép có: “Chu Ngô phố, phía trong thông với hồ Vô Lao”. Chu Ngô phố là cửa sông Chu Ngô, hẳn là Cửa Việt ngày nay nơi tàu bè qua lại buôn bán. Từ đó, ngược sông Thạch Hãn, qua Cổ Thành, có thể thông với phá Tam Giang là hồ Vô Lao. Thủy kinh chú lại chép có Lô Dung phố, tức là cửa Tư Hiền là cửa sông Lô Dung (bấy giờ chưa có cửa Thuận An) là chỗ tàu bè qua lại tấp nập để vào phá Hà Trung ở phía Nam Thừa Thiên.

-       Trích trong “Lịch sử cổ đại Việt Nam” của  Đào Duy Anh, tr.126-127, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2005.

Thứ Ba, 2 tháng 10, 2018

Cáo phó: Bà Anna Nguyễn Thị Dương


Nếu chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã chết và đã sống lại,
thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Đức Giêsu,
cũng sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giêsu (1Tx 4,14)

Trong niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh
Đại gia đình Nguyễn Tộc - An Du Bắc trân trọng báo tin:

Bà ANNA NGUYỄN THỊ DƯƠNG
 thuộc chi Ông Trang - Bà Trước
đã được Chúa gọi về lúc 0g15 ngày 01.10.2018
tại Giáo xứ Hữu Phước, Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu.
                   
Xin quý bà con trong Đại gia đình Nguyễn Tộc 
hiệp dâng lời cầu nguyện
xin Thiên Chúa đưa linh hồn Anna
về hưởng hạnh phúc với Ngài trên thiên đàng.