Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2013

Ngày bi thảm cho Hôn Nhân ở Hoa Kỳ

Trần Mạnh Trác6/26/2013
Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ ngày 26 tháng 6 đã phán quyết với tỷ lệ 5-4 một phần quan trọng của Bộ Luật Bảo Vệ Hôn Nhân (DOMA: Defense of Marriage Act) là vi hiến, chính phủ liên bang phải công nhận những "hôn nhân đồng tính" cuả các tiểu bang.

Tư pháp Anthony Kennedy, viết cho đa số như sau: Bộ Luật Bảo Vệ Hôn Nhân "vi phạm thủ tục cơ bản và nguyên tắc được bảo vệ công bình".

Tòa án nói rằng phần 3 của DOMA, định nghĩa hôn nhân như sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ, vi phạm sự bảo đảm bình đẳng của Hiến pháp Hoa Kỳ.

"Hiệu lực thực tế của bộ luật này là áp đặt một bất lợi, một tình trạng phân biệt đối xử, và do đó, một sự kỳ thị trên tất cả những ai tham gia vào những cuộc hôn nhân đồng tính được hợp pháp hoá bởi quyền lực không thể tranh cãi cuả các Tiểu Bang HK".

Tư Pháp Antonin Scalia, đại diện cho thiểu số bất đồng, đã bác bỏ giả định của phe đa số là bộ luật có mục đích "chê bai", "làm tổn thương", "xuống cấp", "hạ thấp" và "làm nhục" cá nhân đồng tính.

Thay vào đó, ông giải thích, DOMA "chỉ làm một việc là hệ thống hóa một khía cạnh của hôn nhân mà xã hội của chúng ta chưa từng bao giờ đặt câu hỏi trong hầu hết lịch sử của nó - Thực ra, hầu như tất cả các xã hội trong tất cả lịch sử nhân loại cũng đã không bao giờ đặt câu hỏi như thế"

"Nếu một xã hội muốn có thay đổi thì đó là một điều," ông nói, "nhưng lại là một điều khác khi mà một tòa án dùng pháp luật để áp dụng thay đổi" bằng cách tuyên bố những người chống đối (hôn nhân đồng tính) là "kẻ thù của nhân loại."

Những người phản đối "hôn nhân đồng tính" đã lên tiếng lo ngại về quyền tự do tôn giáo nếu hôn nhân được định nghĩa lại.

ở các tiểu bang công nhận "hôn nhân đồng tính," các cơ sở bác ái xã hội cuả Công Giáo đã bị buộc phải đóng cửa vì chỉ đặt con nuôi cho một gia đình có một người mẹ và một người cha. Các cơ quan phi lợi nhuận và chủ doanh nghiệp tư nhân cũng đã phải đối mặt với nhiều áp lực và các vụ kiện buộc họ phải công nhận hôn nhân đồng tính, đi ngược với với niềm tin tôn giáo của họ.

Hậu quả cuả phán quyết về hôn nhân này sẽ có những tác động sâu rộng, vì luật DOMA có ảnh hưởng đến hơn 1.000 luật của liên bang và cả một khối to lớn cuả các quy định liên bang khác.

Cùng ngày, Tòa án tối cao cũng bác bỏ đơn kháng cáo bảo vệ cuộc Trưng Cầu Dân Ý số 8 cuả California (California’s Proposition 8

Nhắc lại sau khi một tòa án California phán quyết rằng "hôn nhân đồng tính" phải được công nhận trong tiểu bang, những người bảo vệ hôn nhân đã phát động một chiến dịch sửa đổi hiến pháp để công nhận hôn nhân là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ.

Trưng Cầu Dân Ý số 8 đã được phê duyệt bởi cử tri nhưng nhanh chóng bị thách thức tại tòa án. Một tòa cấp dưới đã phán quyết rằng các đề xuất là không hợp hiến, và trường hợp được kháng cáo lên toà trên.

Tòa án tối cao đã bác bỏ kháng cáo dựa trên cơ sở kỹ thuật chứ không phải là trên cơ sở giá trị, có nghĩa là phán quyết của tòa cấp dưới bãi bỏ Trưng Cầu Dân Ý số 8 vẫn có hiệu lực. Nói cách khác vấn đề 'hôn nhân đồng tính' sẽ được đấu lại tại California.

Theo phán quyết này, các tiểu bang có thể chọn định nghĩa hôn nhân cho phù hợp với mình. Về các tiểu bang hợp pháp hóa "hôn nhân đồng tính" thì chính phủ liên bang phải công nhận giá thú cuả họ. Hiện nay, chỉ có 12 tiểu bang và District of Columbia công nhận "hôn nhân đồng tính".

Hội Đồng Giám Mục HK, Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ, và Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone của San Francisco, Chủ tịch Tiểu ban khuyến khích và bảo vệ hôn nhân, đã nhanh chóng ra một tuyên bố về phán quyết cuả Tối Cao Pháp Viện là một “Ngày bi thảm cho Hôn Nhân và cuả Quốc Gia"
Lời tuyên bố như sau.


"Hôm nay là một ngày bi thảm cho hôn nhân và cuả đất nước chúng ta. Tòa án Tối cao đã thực hiện một sự bất công sâu sắc cho người dân Mỹ bằng cách bác bỏ một phần của bộ luật Bảo Vệ Hôn Nhân cuả Liên Bang. Tòa án đã làm sai. Chính phủ liên bang phải tôn trọng sự thật rằng hôn nhân là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ, ngay cả khi các tiểu bang không làm như vậy. Việc bảo tồn tự do và công lý đòi hỏi tất cả các luật lệ, dù là cuả liên bang hay tiểu bang, phải tôn trọng sự thật, kể cả sự thật về hôn nhân. Cũng là bất hạnh khi mà Tòa án đã không nắm lấy cơ hội để bảo vệ cuộc Trưng Cầu Dân Ý số 8 cuả California mà thay vào đó quyết định không đưa ra phán quyết nào về vấn đề này. Lợi ích chung của tất cả mọi người, đặc biệt là cuả các con em cuả chúng ta, phụ thuộc vào một xã hội có sự cương quyết để duy trì sự thật về hôn nhân. Bây giờ là thời gian để nỗ lực hơn nữa trong việc làm chứng cho sự thật này. Những quyết định này là một phần của một cuộc tranh luận chung có những hậu quả nghiêm trọng. Tương lai của hôn nhân và hạnh phúc của xã hội chúng ta đang bị treo trên một sợi dây đu.

"Hôn nhân là định chế duy nhất, kết hợp một người nam và một người nữ trong cuộc sống, cung cấp một nền tảng vững chắc là Có Cha Có Mẹ cho mọi đứa trẻ sinh ra từ sự kết hợp của họ.

"Nền Văn hóa của chúng ta đã quá lâu khinh thường những gì đã được xác nhận qua bản chất cuả con người, kinh nghiệm, sự hợp lẽ, và qua sự thiết kế khôn ngoan của Thiên Chúa: đó là sự khác biệt giữa một người nam và một người nữ là quan trọng, và sự khác biệt giữa một người mẹ và một người cha cũng là quan trọng. Trong khi văn hóa thất bại nhiều trong việc tăng cường hôn nhân, nhưng điều này không phải là lý do để từ bỏ hôn nhân. Bây giờ phải là thời gian để củng cố hôn nhân thêm lên, không phải là lúc để tái định nghiã nó.

"Khi Chúa Giêsu dạy về ý nghĩa của hôn nhân - là suốt đời, là sự kết hợp một vợ một chồng – Chuá đã nhắc lại rằng sự sáng tạo ra con người của Thiên Chúa ngay từ "thuở ban đầu" là có nam có nữ (x. Mt 19). Khi đương đầu với phong tục và pháp luật của thời đó, Chúa Giêsu đã dạy một chân lý phổ biến mà mọi người có thể hiểu được. Sự thật của hôn nhân sẽ tồn tại, và chúng tôi sẽ tiếp tục mạnh dạn tuyên bố với sự tự tin và với lòng từ thiện.

"Bây giờ thì Tòa án tối cao đã ban hành quyết định rồi, với một quyết tâm mới chúng tôi kêu gọi tất cả các nhà lãnh đạo và tất cả mọi người dân của đất nước tốt đẹp này hãy đứng lên để chung nhau kiên định việc thúc đẩy và bảo vệ ý nghĩa độc đáo của hôn nhân: một người nam, một người nữ, cho sự sống. Chúng tôi cũng cầu nguyện cho việc xét lại quyết định của Tòa án và những hậu quả được giải thích rõ ràng thêm."

Thứ Tư, 26 tháng 6, 2013

Mother In The Dream Phụ Đề Tiếng Việt


Đã tải lên vào 20-10-2011
Hãy nghe bài hát này để yêu thương mẹ nhiều hơn! Con yêu mẹ!

***
*



Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2013

Đại hội thế giới các gia đình lần thứ VIII, Philadelphia, Hoa Kỳ - tháng 9 năm 2015

WHĐ (21.06.2013) – Vào tháng Chín năm 2015, Đại hội thế giới các gia đình lần thứ VIII sẽ diễn ra tại Philadelphia, Hoa Kỳ.Đây là sự kiện quốc tế do Hội đồng Tòa Thánh về Gia đình tổ chức.
Sau đây là bản Hỏi-Đáp ngắn gọn về Đại hội này.
– Đại hội thế giới các gia đình là gì?
– Đại hội thế giới các gia đình là một sự kiện quốc tế gồm có cầu nguyện, học giáo lý, và những cử hành dành cho mọi người từ khắp nơi trên thế giới. Đại hội nhằm mục đích củng cố mối liên kết giữa các gia đình và chứng thực rằng hôn nhân và gia đình hết sức quan trọng đối với mọi xã hội.
– Hội đồng Tòa Thánh về Gia đình là tổ chức nào?
– Hội đồng Tòa Thánh về Gia đình là cơ quan thuộc Giáo triều Rôma. Hội đồng do Đức Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II thiết lập năm 1981, thay thế cho Ủy ban về gia đình được Đức giáo hoàng Phaolô VI thành lập năm 1973. Hội đồng Tòa Thánh về Gia đình “có trách nhiệm thúc đẩy sứ vụ mục vụ và tông đồ cho gia đình, qua việc áp dụng giáo huấn và hướng dẫn của Huấn quyền của Giáo hội, để giúp các gia đình Kitô giáo thi hành sứ vụ giáo dục và tông đồ của mình”. Hội đồng Tòa Thánh về Gia đình có trang web riêng –bằng hai thứ tiếng Ý và Anh–, được cập nhật thường xuyên.
 Đại hội thế giới các gia đình lần Thứ VIII diễn ra ở đâu và khi nào?
– Đại hội thế giới các gia đình lần Thứ VIII tổ chức từ ngày 22 đến 27 tháng 9 năm 2015, tại Philadelphia, Hoa Kỳ. Quyết định này được Đức giáo hoàng Bênêđictô công bố tại Đại hội thế giới các gia đình lần thứ VII ở Milano vào năm 2012, và đã đượcTòa Thánh Vatican xác nhận ngày 25 tháng Hai năm nay.
– Các Đại hội thế giới các gia đình những lần trước được tổ chức ở đâu?
– Đại hội thế giới các gia đình đã được tổ chức ở Roma, Italia (1994  2000), Rio de Janeiro, Brazil (1997), Manila, Philippines (2003), Valencia, Tây Ban Nha (2006), Mexico City, Mexico (2009) và Milano, Italia (2012). Đại hội thế giới cácgia đình lần thứ VIII là Đại hội đầu tiên tổ chức tại Hoa Kỳ.
– Đức giáo hoàng Phanxicô có tham dự Đại hội thế giới các gia đình lần thứ VIII không?
– Chưa có công bố chính thức của Tòa Thánhtuy nhiên nếu Đức giáo hoàng Phanxicô tham dự Đại hội lần nàythì đây cũng là lần đầu tiên ngài đến Hoa Kỳ với tư cách một giáo hoàng.
– Có bao nhiêu người sẽ tham dự Đại hội thế giới các gia đình?
– Số người tham dự khác nhau ít nhiều tùy thuộc vào nơi tổ chức Đại hội. Gần đây nhất, hàng trăm ngàn người đã tham dự Đại hội lần thứ VII ở Milano, và một triệu người đã tham dự Thánh lễ do Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI chủ sự tại Đại hội này.
– Mỗi Đại hội thế giới các gia đình có một chủ đề?
– ĐúngChẳng hạn, chủ đề Đại hội thế giới các gia đình năm 2012 ở Milano là Gia Đình: công việc và ngày lễ”. Còn chủ đề của Đại hội năm 2015 sẽ được Hội đồng Tòa Thánh về Gia đình công bố sau khi Đức giáo hoàng lựa chọn.
– Đức Tổng giám mục Charles Chaput, Tổng giám mục Philadelphia đã nói gì về việc đăng cai Đại hội thế giới các gia đình lần thứ VIII?
– Trong một bức thư được công bố vào ngày 25-02-2013, Đức Tổng giám mục Chaput nói: Tôi tin rằng sự kiện này có sứcbiến đổi, theo những cách thức hết sức tích cực, không chỉ Giáo hội Công giáo, mà cả toàn xã hội chúng ta. Chúng tôi mong được chào đón các bạn và gia đình đến Philadelphia tham dự sự kiện quan trọng này vào tháng 9 năm 2015.
– Cách thức ghi danh tham dự Đại hội thế giới các gia đình lần thứ VIII ra sao?
– Thủ tục cụ thể ghi danh tham dự Đại hội chưa được công bố, nhưng những ai quan tâm có thể vào trang web chính thức của Đại hội [www.worldmeeting2015.org] để ghi danh nhận những thông báo về Đại hội này qua email. Ngoài ra cũng có thể biết thêm về Đại hội qua các mạng xã hội Facebook [www.facebook.com/WorldMeeting2015] và Twitter  [@WMF2015].

Minh Đức

Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2013

Chuyện Bác Chuyện Em: Tên Thánh Việt Nam

Nguyễn Trung Tây, SVD6/18/2013

□ Chuyện Bác Chuyện Em bối cảnh xảy ra ở khắp nơi, Việt Nam, Mỹ, Úc, Do Thái… Em đi tu mà em cũng có thể là một nhân vật đã lập gia đình.


Bác gặp em ngoài đường cái. Không hiểu tại sao sáng nay em miệng cười, mắt cũng cười, em tươi như giai ế độ, bỗng dưng lấy được vợ, mà lại cô cái gái rượu nhà quan. Thấy em, bác mở miệng chào trước,
— Chào chú! Mới sáng sớm vợ đau con khóc thế nào mà đã cắp ô đi đâu sớm thế?
Em bình thường mặt khó đăm đăm tựa thù cha chưa trả, em, nghe quan bác chào, vui vẻ, nhanh nhẩu gật đầu chào lại ngay,
— Vâng, em chào quan bác! Chẳng dấu gì bác, em đang đi lên trình Cụ…
Bác khựng lại, nhìn ngó quanh quẩn, 
— Ơ hay! Làm gì mà phải lên gặp Cụ?
Biết bác nghi ngờ, em nhanh nhẹn mở miệng giải thích ngay, 
— Ồ, cũng không có chuyện chi. Nhưng chuyện là như thế này, nhà em, nó mới sanh…
Bác o tròn miệng, cắt ngang nhời quan em,
— À! Thôi hiểu rồi. Ông nói tôi mới chợt nhớ ra. Hôm qua tôi cũng nghe ông Trùm Lý nói loáng thoáng mấy câu. Tôi đang bận, không để ý... Thôi, tạ ơn Chúa, mẹ tròn con vuông. Vậy là vui... À... Mà thím sinh cháu gái hay trai?
Em giơ hai ngón tay, miệng cười toe toe,
— Vâng, em nói chửa xong thì bác đã ngắt ngang nhời. Tạ ơn Chúa, vợ em nó sinh đôi, tới hai, hai thằng cu lận...
Bác chọc gậy mắm tôm,
— Giời ạ! Hèn chi nhìn mặt cứ hớn ha hớn hở như gái mới về nhà chồng... 
Bác giọng điệu mát mẻ,
— Cũng khổ, bao lâu nay, thím cứ sinh toàn là cái, đã được thằng cu nào đâu… Giờ lại lòi ra được cái giống, mà lại tới những hai... Thật đúng là trời đãi nhé. 
Em đang vui, mặc cho quan bác ăn nói mát mẻ, vẫn cứ cười tươi,
— Bác! Cứ là khéo vẽ chuyện. Đợi mãi mới lòi ra được... tới hai thằng cu... Thì đấy, ông bà mình vẫn cứ bảo, đi buôn một vốn bốn lời... 
Bác đổi đề tài,
— Mà thôi, vậy ông đã tính ngày nào rửa tội cho hai thằng cu chửa?
Em giải thích,
— Thì đấy, em đang trên đường tới gặp Cụ xin Cụ rửa tội cho hai cháu. Tuần này em dở bữa cày... Em xin Cụ rửa tội cho hai cháu Chúa Nhật tuần tới…
Em dừng lại, đổi đề tài,
— À, mà có chuyện này, em tính nhờ vả tới bác… 
Em giọng điệu xa gần,
— Em biết lúc nào bác cũng thương vợ chồng nhà em và hai cháu.. Em hy vọng bác không nỡ lòng từ chối.
Thấy chuyện nhờ vả, bác ánh mắt nom nom, cẩn thận hỏi lại,
— Gớm, có chuyện gì thì ông cứ nói đi. Khổ! Ông cứ vòng vo tam quốc khiến tôi tự nhiên lại đâm lo lo… Không biết ông có nhờ lên cung trăng hái lá đa lá đề phơi khô làm quạt hay không đây? Hay là lại vui quá, hứng chí rủ đi hát quan họ. Nè, đừng có mà vớ vẩn quan họ với quan hàng ở đây. Vợ mới sanh, lo mà ở nhà trông nom bếp lửa. Ông bà mình vẫn cứ nói gái mới sinh yếu như cua mới lột...
Bị bác mắng khéo, em không giận, nhưng nói liền,
— Không, chuyện với tới trời thì em nào dám. Còn vụ quan họ thì chắc chắn là không rồi. Bác cứ làm như em rỗi hơi... Vâng, thì cũng đang tính nhờ bác làm bõ cho thằng cu…
Bác thư dãn khuôn mặt,
— À, lại tưởng chuyện chi...
Bác nghĩ ngợi, giọng cả kẻ, 
— Để tôi coi! Ông mới nói Chúa Nhật tuần tới phải không? Ừ! Mấy giờ thì rửa tội nhỉ?
Em nói ngay,
— Vâng, thưa bác, bốn giờ chiều. 
Em ngọt ngào,
— Tiện thể cũng xin thưa với bác, rửa tội xong thì cũng tầm chiều rồi, mình kéo về nhà em ăn mừng nhé. 
Em khoe tài bà xã,
— Kỳ này nhà em trổ tài nấu món canh cua rau đay với đậu phộng rán chấm mắm tôm, đặc biệt có món thịt chó rựa mận nấu mẻ… Món ruột của em. Xin phép cho em nhắc tới món tủ... Còn lòng lợn tiết canh thì em ghé sang mua của bà Trùm Tĩn ở làng bên... 
Bác lại lên điệu cha chú,
— Ông chỉ được cái khéo miệng. Việc kinh hạt chưa xong thì cứ lôi chuyện bếp núc vào đây... Mà ông cũng đừng lo... Bận gì thì bận tôi cũng bỏ sang một bên. Làm bõ cho hai cháu chứ nào phải chuyện đùa như chuyện thằng mõ...
Bác nghĩ ngợi,
— Mà cái này tình thật thì cũng nể ông lắm tới mới dám nhận lời. Làm bõ hai đứa thì cũng như làm cha làm mẹ, tôi cũng phải lo mà dạy dỗ hai đứa cho nên phần hồn. Kẻo không thiên hạ người ta cười chê, nói...thì cũng tại bõ nó có ra gì!!! 
Em toét miệng cười, đưa bác lên tận mây xanh, 
— Vâng, em biết... Thiệt tình là cũng làm khó quan bác. Nhưng hai vợ chồng nhà em đã bàn với nhau, trong xứ đạo làng ta, chỉ có bác là nhất, dù gì bác cũng đã từng làm trùm, tay hòm chià khóa của Cụ...
Được khen, quan bác cười tươi, ruột mát như giếng nước đầu làng tháng Giêng, nhưng cũng gượng làm mặt kịch, ngắt lời em,
— Ông lại tuồng thằng mõ... Ở đâu mà lại chui ra tay hòm chià khóa... Người ngoài nghe được, tưởng thật, lại đồn ầm ỹ cả lên! Tới tai cụ, cụ lại mắng cho mấy mắng! Trùm thì trùm. Tiền lắc giỏ một tay cụ giữ. Một xu một hào tôi cũng chả rành. 
Biết tỏng ruột bác, nhưng em cười cười,
— Vâng, em xin quan bác bỏ qua cho. Em vui quá, nhỡ nhời... Em muốn nói là hồi đó bác làm Trùm, giúp cụ dậy Giáo Lý...
Bác gật gật đầu, hỏi tới,
— Ừ thôi, được... Mà này, đã đặt tên thánh cho hai đứa nó chửa?
Em đáp liền, không đắn đo, không suy nghĩ,
—Dạ, xin thưa với bác. Thằng cu lớn, Minh Tuấn, hai vợ chồng đăt tên thánh Dũng Lạc. Thằng cu nhỡ Minh Quân, tên thánh Thiện. Trong sổ Gia Đình Công Giáo viết là Dũng Lạc Trần Minh Tuấn và Thiện Trần Minh Quân.
Bác há to miệng,
— Ơ! Cái ông này! Ông nói thật hay đang nói bỡn chơi đấy…
Em há to tròn miệng,
— Ơ bác! Chuyện rửa tội chứ đâu phải chuyện thằng tí thằng tèo mà em dám giỡn chơi... 
Em gật đầu xác nhận, 
— Vâng, Dũng Lạc Trần Minh Tuấn và Thiện Trần Minh Quân...
Bác thắc mắc,
— Ông mến các thánh Tử Đạo Việt Nam, lấy tên các ngài đặt tên cho hai cháu. Thật tốt.... Nhưng...sao không đặt Anrê Dũng Lạc? Tôma Thiện? Đâu mất Anrê với Tôma rồi? 
Em hỏi vặn,
— Xin phép bác cho em hỏi mấy nhời. Tại sao cứ phải Anrê Dũng Lạc với Tôma Thiện?
Bị chiếu bí, bác ú ớ như trái bí tịt ngọt,
— Thì biết đâu đấy, thấy ai cũng cứ gọi thánh Anrê Dũng Lạc, thánh Tôma Thiện. Ai sao tôi vậy. 
Em giải thích,
— Vâng, em hiểu... Anrê là tên rửa tội của cha Dũng Lạc. Nhưng bây giờ ngài đã được phong thánh rồi, mình gọi thánh Dũng Lạc thôi cũng là đủ. Tôma Thiện cũng thế... Bác nghĩ em nói có phải phép hay không?
Em hí hửng như người khoe của,
— Em nặn mãi mới ra được cái giống, mà Chúa thương ban cho tới hai thằng. Hy vọng mai nay thằng cu nhớn, nhớn lên nó đi tu làm cha như thánh Dũng Lạc. Giờ lấy tên thánh Dũng Lạc đặt cho nó là hợp nhất.
Bác ngẫm nghĩ, nửa đùa nửa thật,
— Làm thầy bói đoán chơi chơi nhé. Cái con chị thằng Minh Tuấn Minh Quân chắc lại đặt tên thánh Việt Nam phải không, mà phải là Đê hẳn hoi rõ ràng?...
Em hớn hở cười tươi như gặp người đồng đạo,
— Thật đúng là quan bác, chuyện gì bác cũng tinh tường...! Vâng, bác nói đúng! Tên đầy đủ trong sổ Rửa Tội là Đê Trần Mai Hương. Không thiếu một chữ, không thừa một tên...
Em kể chuyện,
— Bác chổ tình thân, mà lại là bác tinh tường nói trước cho nên em mới dám kể... Khổ, hồi đó em ở giáo xứ cha tây. Ngài cứ xuýt xoa vặn hỏi thánh Đê là bà thánh nào? Sao không thấy tên trong sổ Các Thánh. Em lại phải nhờ cha Việt Nam gọi điện thoại nói hộ cho mấy nhời. Em thấy hai người cứ xí xa xí xô với nhau một hồi, ông cha tây mới chịu viết vào trong Sổ Rửa Tội giáo xứ nguyên văn:
Tên Thánh: Đê
Họ và Tên: Trần Mai Hương
Em kết luận,
— Vâng. Thánh nào cũng là thánh. Nhưng em Việt Nam, em khoái thánh Việt Nam. Cứ tên thánh Việt Nam mà đặt.

□ Suy Niệm
Nối tiếp truyền thống bất khuất của tiền nhân, thánh Dũng Lạc, thánh Đê, thánh Thiện, và các thánh tử đạo Việt Nam đã sống một đời sống tự trọng với Thiên Chúa và với mình. Bởi thế các ngài dù đã nằm xuống, nhưng anh linh hiển thánh vẻ vang trên thiên quốc và trong lòng người Công Giáo Việt Nam.
□ Lời Nguyện
Lạy Chúa, xin dậy cho chúng con biết sống chứng nhân Tin Mừng như các thánh Việt Nam đã từng làm chứng cho một đức tin sắt son về tình yêu bao la của Thiên Chúa. 
□ Nguyễn Trung Tây, SVD


Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2013

ĐGH Phanxicô: Chúng ta phải kiểm soát lời ăn tiếng nói của chúng ta để đừng hạ nhục người khác


Sáng thứ Năm 13 tháng Sáu tại nhà nguyện Casa Santa Marta của Vatican, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cử hành Thánh Lễ bằng Tiếng Tây Ban Nha. Đây là lần đầu tiên sau khi được bầu vào ngôi Giáo Hoàng, Đức Phanxicô đã dùng tiếng Tây Ban Nha trong toàn bộ thánh lễ. Điều này có lẽ là vì sự tham dự đông đảo của nhân viên đại sứ quán Argentina cạnh Tòa Thánh. 

Trong bài giảng của ngài, Đức Giáo Hoàng đã lưu ý đến việc kiểm soát lời ăn tiếng nói của chúng ta để đừng hạ nhục người khác

Nhiều người thích gán cho người khác những biệt danh để thể hiện óc sáng tạo và hài hước của họ. Tuy nhiên, ngay cả trong những nền văn hóa như các nền văn hóa Mỹ Châu La Tinh nơi thường xem đó là chuyện “người ta thường tình”, hành vi này có thể là xúc phạm.

Trong tình trạng yếu đuối và tội lỗi, chúng ta thường có khuynh hướng nói xấu và hạ nhục người khác hơn là nói tốt và làm những việc tốt lành. 

Đức Thánh Cha nói:

"Tôi cầu xin Chúa ban cho chúng ta hồng ân biết giữ gìn lời ăn tiếng nói của chúng ta, để cảnh giác về những gì chúng ta đề cập đến những người khác. Đó là một chút thống hối, nhưng mang lại rất nhiều hoa trái. Đó là lý do tại sao chúng ta phải cầu xin Chúa ban cho ân sủng này là biết thích ứng đời sống của chúng ta với luật mới này, là luật của sự kiên nhẫn, của tình yêu, của hòa bình. Chúng ta có thể ít nhất là cố gắng giữ ngôn từ của chúng ta một chút, giữ đừng tuôn ra các ý kiến chúng ta về những người khác. Giữ lại sự bộc phát những tức giận hoặc những lời lăng mạ. Xin Chúa ban cho chúng ta tất cả các ân sủng này. "

Sau đó các Đức Giáo Hoàng đã nói đùa với những người đồng hương của ngài rằng ngài thích được cử hành Thánh Lễ bằng Tiếng Tây Ban Nha, là điều ngài đã không thực hiện được kể từ ngày 26 Tháng hai, là thánh lễ sau cùng tại Argentina.

Đặng Tự Do6/15/2013

Thứ Năm, 13 tháng 6, 2013

Tự do, trọn vẹn, chung thủy và phát sinh sự sống



Đã xuất bản vào 12-06-2013
4 chữ cho một tình yêu chân thực và bền lâu sẽ được các diễn giả Brian Butler, Crystalina và Jason Evert chia sẻ trong video này. Những yếu tố này giống như một lăng kính để chúng ta nhờ vào nó mà nhìn tình yêu và những trạng thái của các mối quan hệ trong đời sống. Mời các bạn lắng nghe với http://www.trongsach.com/videos/.

Thứ Ba, 11 tháng 6, 2013

Hạnh phúc: Điều quan trọng nhất trong cuộc sống


“Điều quan trọng nhất trong cuộc sống? Nếu người ta hỏi một người trong cơn đói, đó sẽ là thực phẩm. Với một kẻ nào đang lạnh, đó sẽ là hơi ấm. Và nếu một ai đang cam chịu cô đơn, chắc chắn đó sẽ là sự gần gũi với người khác”.

Nếu có ai đã từng đọc quyển sách tiểu thuyết lịch sử triết học của Jostein Gaarder “Thế giới của Sophie” hẳn sẽ còn nhớ tác giả đã trả lời vấn đề mà mọi người đều cần phải quan tâm này bằng sự khẳng định của các triết gia: “Con người không chỉ sống bằng bánh mì. Mọi người đương nhiên cần thực phẩm. Cùng tình yêu và lòng trìu mến nữa. Nhưng có điều gì khác mà tất cả chúng ta đều cần: đó là biết chúng ta là ai và tại sao chúng ta sống”.

Bạn có bao giờ ngồi một mình thinh lặng và suy nghĩ về câu hỏi: “Bạn là ai? Tại sao bạn có mặt trên cõi đời này? Điều gì quan trọng nhất trong cuộc sống của bạn?”. Câu trả lời tùy thuộc vào mục đích sống của bạn là gì. Nếu mục đích sống của bạn là sự giàu có thì tiền bạc là quan trọng nhất. Nếu đó là có được một địa vị cao trong cuộc sống thì sự thăng tiến trong sự nghiệp là điều quan trọng nhất. Còn nếu đó là hạnh phúc thì gia đình và tình yêu là quan trọng nhất.

Có một điều mà bạn cần biết đó là cần phải coi trọng các giá trị tinh thần, quan tâm đến những giá trị tinh thần sẽ làm cho bạn cảm thấy hạnh phúc nhất hơn là coi trọng đồng tiền. Tiến sĩ Vũ Minh Khương trong bài viết “Năm mới, nói chuyện đổi mới tư duy” có nhận xét: “Hầu hết các doanh nhân giàu có và có tiếng tăm lừng lẫy đều bắt đầu sự nghiệp của mình bằng say mê và tâm huyết tạo nên giá trị mới đặc sắc cho xã hội chứ không phải tham vọng làm giàu bằng mọi giá. Sự giàu có dường như là hệ quả chứ không phải là động lực chính yếu cho nỗ lực vươn lên của họ”.

Người hạnh phúc là người biết mang lại hạnh phúc cho những người xung quanh. Tôi nghĩ rằng điều quan trọng nhất trong cuộc sống của mỗi người chính là sống làm sao cho mình được hạnh phúc và để làm được điều đó thì cần phải mang hạnh phúc đến gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và cũng đừng quên mang hạnh phúc đến cho chính mình bằng những thú vui giải trí cùng mọi người xung quanh nhiều hơn. Cuộc sống luôn đa dạng và phong phú, hãy luôn quan tâm đến tất cả những điều đó.

Thiên Khôi

Thứ Năm, 6 tháng 6, 2013

Bài trừ nền văn hóa phung phí gạt bỏ để thăng tiến nền văn hóa liên đới gặp gỡ

Linh Tiến Khải6/5/2013

Tôi ước mong tất cả chúng ta nghiêm chỉnh dấn thân tôn trọng và giữ gìn thụ tạo, chú ý tới mọi người, chống lại nền văn hóa phung phí và gạt bỏ, để thăng tiến một nền văn hóa liên đới và gặp gỡ.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bẫy tỏ như trên với khoảng 100.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi tiếp kiến sáng thứ tư 5-6-2013 tại quảng trường thánh Phêrô.

Vì hôm qua là ”Ngày quốc tế môi sinh” do Liên Hiệp Quốc phát động nên trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã đề cập tới tầm quan trọng phải tôn trọng môi sinh, tiết kiệm không phung phí thực phẩm, vì trên thế giới hiện có hàng tỷ người phải sống trong cảnh đói khát và thiếu dinh dưỡng.

Đức Thánh Cha nói: Khi chúng ta đề cập tới môi sinh, tôi nghĩ tới các trang đầu tiên của Thánh Kinh, tới sách Sáng Thế, trong đó có khẳng định rằng Thiên Chúa đặt người nam và người nữ trên trái đất để họ vun trồng và giữ gìn nó (St 2,15). Và nổi lên trong tôi các câu hỏi: Vun trồng và giữ gìn trái đất có nghĩa là gì? Chúng ta có thật sự ”vun trồng” và giữ gìn thụ tạo hay không? Hay chúng ta đang tàn phá và lơ là với nó? Động từ ”vun trồng” gợi lên trong trí tôi việc săn sóc của nhà nông đối với đất đai của mình, để nó cho hoa trái và hoa trái đó được chia sẻ: biết bao nhiêu là chú ý, đam mê và tận tụy! Đức Thánh Cha giải thích thêm như sau:

Vun trồng và gìn giữ thụ tạo là một chỉ dẫn Thiên Chúa ban cho không phải chỉ ngay từ đầu lịch sử, mà còn cho từng người trong chúng ta nữa; nó là một phần chương trình của Người; nó muốn nói rằng đó là làm cho thế giới này lớn lên với tinh thần trách nhiệm, biến đổi nó để nó là một ngôi vườn có thể ở đối với tất cả mọi người. Và Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nhắc lại nhiều lần rằng nhiệm vụ này do Thiên Chúa Tạo Hóa giao cho chúng ta đòi hỏi phải tiếp nhận tiết nhịp và luận lý của việc tạo dựng.

Chúng ta trái lại thường khi được hướng dẫn bởi sự kiêu căng của thống trị, chiếm hữu, lèo lái và khai thác; chúng ta không ”giữ gìn”, không tôn trọng, không coi thụ tạo như là một ơn nhưng không cần phải săn sóc. Chúng ta đang đánh mất đi thái độ của sự kinh ngạc, của sự chiêm niệm, của việc lắng nghe thụ tạo; và như thế chúng ta không thành công trong việc đọc được nơi đó điều mà Đức Thánh Cha Biển Đức XVI gọi là ”tiết nhịp cảu lịch sử tình yêu của Thiên Chúa đối với con người”. Tại sao lại xảy ra điều ấy? Bởi vì chúng ta nghĩ và sống theo chiều ngang, chúng ta xa rời Thiên Chúa, chúng ta không đọc ra các dấu chỉ của Người nữa.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha khẳng định: Nhưng mà ”vun trồng và gìn giữ” không chỉ bao gồm tương quan giữa con người với môi sinh, giữa con người với thụ tạo, mà cũng liên quan tới các tương quan nhân bản nữa. Các Giáo Hoàng đã nói tới môi sinh nhân bản, gắn liền chặt chẽ với môi sinh thiên nhiên. Chúng ta đang sống một thời điểm khủng hoảng; chúng ta trông thấy nó trong môi sinh, nhưng nhất là chúng ta trông thấy nó nơi con người. Con người đang gặp nguy hiểm, và chăc chắn là như vậy. Ngày nay con người đang gặp nguy hiểm. Vì thế môi sinh nhân bản là sự cấp bách! Và nguy hiểm nghiêm trọng, bởi vì lý do của vấn đề không hời hợt, mà sâu đậm; Nó không chỉ là một vấn đề kinh tế, nhưng là vấn đề luân lý và nhân chủng. Giáo Hội đã nhấn mạnh nhiều lần; và nhiều người nói rằng: vâng đúng vậy, thật thế. Nhưng tình hình không thay đổi và Đức Thánh Cha giải thích lý do tại sao:

Nhưng hệ thống tiếp tục như trước, bởi vì điều thống trị là các năng động của một nền kinh tế và của một nền tài chánh thiếu luân lý đạo đức. Cái chỉ huy con người ngày nay không phải là con người mà là ”tiền bạc”, ”tiền bạc”, tiền bạc chỉ huy! Thiên Chúa, Cha chúng ta, đã cho chúng ta nhiệm vụ giữ gìn chứ không phải giữ gìn tiền bạc. Chúng ta, các người nam nữ, chúng ta có nhiệm này! Như thế các người nam nữ bị sát tế cho các thần tượng của lợi nhuận và tiêu thụ: đó là ”nền văn hóa của sự gạt bỏ”. Nếu một máy vi tính bị bể, nó là một thảm cảnh, nhưng sự nghèo túng, các nhu cầu, các thảm cảnh của biết bao nhiêu người thì lại là chuyện bình thường.

Nếu trong một đêm mùa đông tại đây, tại quảng trường Ottaviano chẳng hạn, có một người chết, thì đó không phải là tin tức. Nếu trong biết bao nhiêu vùng trên thế giới có các trẻ em không có ăn, sự kiện đó không phải là tin. Xem ra là điều bình thương thôi! Nhưng điều đó không thể như vậy được! Và các điều này bước vào trong sự bình thường: có vài người không nhà chết ngoài đường vì lạnh, không có tin gì cả... Trái lại thị trường chứng khoán trong các thành phố sụt 10 điểm, thì đó là một thảm cảnh. Người chết thì không là tin tức, nhưng thị trường chứng khoán mất 10 điểm thì là thảm họa. Như vậy con người bị ”vứt bỏ”. Chúng ta là người, chúng ta bị vứt bỏ như thể là rác rưởi.

”Nền văn hóa vứt bỏ” hướng tời chỗ trở thành tâm thức chung, lây nhiễm tất cả mọi người. Sự sống con người, bản vị con người không còn được cảm nhận như giá trị đầu tiên cần phải tôn trọng và bảo vệ nữa, đặc biệt nếu đó là sự sống nghèo túng hay tàn tật, nếu nó không phục vụ nữa - như trẻ em sẽ sinh ra - hay không còn cần thiết nữa - như người già.

Đức Thánh Cha nhận xét về hậu qủa của nền văn hóa gạt bỏ này như sau:

Nền văn hóa vứt bỏ này đã khiến cho chúng ta trở thành vô cảm đối với cả các phung phí và vứt bỏ thực phẩm, nó còn đáng khinh bỉ hơn nữa, khi trong mọi miền trên thế giới này rất tiếc có nhiều người và nhiều gia đình phải đau khổ vì đói khát và thiếu dinh dưỡng.

Xưa kia các thế hệ ông bà chúng ta đã rất chú ý không vất bỏ đồ ăn còn thừa. Chế độ tiêu thụ đã dẫn đưa chúng ta tới chỗ quen với sự thừa thãi và phung phí thực phẩm mỗi ngày, mà đôi khi chúng ta không còn biết đánh giá đúng đắn nữa, và nó vượt xa các tham số thuần túy kinh tế. Tuy nhiên chúng ta hãy nhớ rằng thực phẩm mà chúng ta vất bỏ đi, thì cũng như thể là chúng ta ăn trộm từ bàn ăn của người nghèo, của người đói! Tôi mời gọi tất cả mọi người suy tư về vấn đề đánh mất và phung phí thực phẩm để nhận diện ra các con đường và phương thế giúp đối đầu một cách nghiêm chỉnh với vấn đề đó, ước chi chúng là phương tiện của tình liên đới và chia sẻ với các anh chị em cần được trợ giúp nhất.

Cách đây mấy ngày trong lễ Mình Thánh Chúa chúng ta đã đọc trình thuật phép lạ hóa bánh ra nhiều: Chúa Giêsu cho đám đông ăn với năm chiếc bánh và hai con cá. Và kết luận văn bản thật quan trọng: ”Mọi người ăn no nê và những mảnh vụn còn thừa, người ta thu lại còn được mười hai thúng.” (Lc 9,17).

Chúa Giêsu xin các môn đệ đừng để cho những gì còn thừa bị mất đi: không vứt bỏ cái gì cả! Và có sự kiện mười hai thúng. Tại sao lại mười hai thúng? Nó có nghĩa là gì? Mười hai là con số 12 chi tộc Israel, biểu tượng cho toàn dân Chúa. Và điều này nói rằng khi lương thực được chia sẻ đồng đều, với tình liên đới, thì không ai bị lấy mất đi điều cần thiết, mỗi cộng đoàn có thể đáp ứng các nhu cầu của những người nghèo nhất. Môi sinh nhân bản và môi sinh thiên nhiên luôn đi đôi với nhau.

Như thế tôi ước mong rằng tất cả chúng ta nghiêm chỉnh dấn thân tôn trọng và giữ gìn thụ tạo, chú ý tới mọi người, chống lại nền văn hóa phung phí và gạt bỏ, để thăng tién một nền văn hóa liên đới và gặp gỡ.

Sáng thứ tư 5-6-2013 Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã dành ra hơn nửa tiếng để chào tín hữu. Một em bé khi được ngài hôn đã nắm chặt lấy mảnh áo choàng của ngài và không muốn rời ra nữa. Có một cặp tín hữu đã tặng Đức Thánh Cha chiếc mũ calốt trắng, ngài nhận đội ngay lên đầu và lấy cái ngài đang đội tặng lại họ. Một tín hữu Mehicô tặng ngài cái poncho mầu đỏ và quàng lên vai Đức Thánh Cha. Sau buổi tiếp kiến Đức Thánh Cha cũng dành ra gần một giờ để chào tín hữu, các cặp vợ chồng mới cưới và người tàn tật.

Ngài cũng đã chào các tín hữu đến từ các đảo Antille, Maurizius, và Côte d'Ivoire, cũng như một nhóm các imam hồi giáo dấn thân trong cuộc đối thoại liên tôn, và các đoàn hành hương đến từ các nước châu Mỹ Latinh như Colombia, Uruguay, Argentina, Mêhicô và Brasil.

Chào các tín hữu nói tiếng A rập Đức Thánh Cha nhắn nhủ như sau: ”Chúng ta đừng để cho mình quen với thảm cảnh của nghèo túng, các thảm cảnh của biết bao nhiêu người không nhà cửa chết trên đường phố, hay thấy biết bao nhiêu trẻ em không đựơc giáo dục và săn sóc y tế. Chúng ta hãy nhớ rằng thực phẩm mà chúng ta vứt đi thì như là chúng ta ăn trộm từ bàn tay của người nghèo và người đói.

Chào một nhóm tân linh mục và chủng sinh Ba Lan Đức Thánh Cha khuyến khích họ cảm tạ Chúa Giêsu vì ơn gọi linh mục, và vun trồng nó dưới ánh sáng và trong quyền năng của Chúa Thánh Thần, để luôn là các thừa tác viên hăng say của ơn thánh Chúa.

Đức Thánh Cha cũng chào phái đoàn hành hương các giáo phận Aversa, Macerata và Matera cùng với các Giám Mục cũng như phái đoàn công nhân các hãng đưởng Venezia với Đức Thượng Phụ.

Chào giới trẻ, người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng tháng 6 là tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Đức Thánh Cha xin Chúa dậy giới trẻ hiểu biết vẻ đẹp của tình yêu và cảm thấy được yêu. Ngài xin Chúa an ủi các anh chị em đau yếu trong nổi khổ đau thử thách của họ, và nâng đỡ các cặp vợ chồng mới cưới trên con đường cuộc sống hôn nhân.

Sau cùng ngài cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Thứ Ba, 4 tháng 6, 2013

Liên tiếp các vụ chồng giết vợ


Liên tiếp trong những ngày gần đây, nhiều vụ việc chồng sát hại vợ dã man đã xảy ra. Ít ai ngờ rằng, lý do để những ông chồng tàn nhẫn, vu phu xuống tay giết vợ lại chỉ bởi xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống.
Dã man, chồng giết vợ mang thai 8 tháng
Ngày 1/6 vừa qua, Công an tỉnh Thanh Hóa đã bắt khẩn cấp Chu Đình Tuân trú 32 tuổi, tại đường Trần Phú, thị xã Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa về tội "giết người".
Trước đó, vào trưa ngày 31/5, Tuân đã phá cửa vào nhà, dùng dao đâm thẳng vào ngực chị Nguyễn Thị Hoài Nga, 26 tuổi, vợ Tuân, khiến nạn nhân gục ngay tại chỗ.
Chị Nga được đưa đi cấp cứu ngay sau đó, nhưng vết thương quá nặng do nhát dao xuyên từ phổi qua tim nên đã tử vong trên đường tới bệnh viện. Lúc chết, chị Nga đang mang thai đứa con đầu lòng tháng thứ 8.
Được biết, Chu Đình Tuân, hiện là giáo viên Trường dạy lái xe thuộc Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa. Theo cơ quan công an, giữa Tuân và chị Nga có mâu thuẫn từ mấy tháng nay.
Cũng trong ngày 1/6, tại Hà Nội đã xảy ra một vụ việc sát hại vợ với động cơ đê hèn. Vào trưa cùng ngày, Nguyễn Kim Đức (49 tuổi, ở phường Giang Biên, Long Biên, Hà Nội) đã bất ngờ ném người vợ xuống sông tại khu vực giữa cầu Sông Đuống.
giết vợ, sát hại, mang thai, vợ chồng, vũ phu
Ngôi nhà của Nguyễn Kim Đức và vợ (Ảnh: VietNamNet)
Nạn nhân là bà Nguyễn Thị Hiền (50 tuổi, trú tại P.Giang Biên, Q.Long Biên, Hà Nội). Theo lời nhân chứng kể lại, thời điểm đó có nghe thấy tiếng mọi người tri hô, chạy ra thì thấy người phụ nữ bị chồng hất xuống sông chìm nghỉm.
Thông tin từ phía gia đình nạn nhân cho biết, mấy ngày gần đây, giữa Đức và bà Hiền xảy ra mâu thuẫn, cãi vã. Tại cơ quan điều tra, Đức khai vì vợ mình muốn chết nên đã "giúp sức".
Kể từ sau khi bà Hiền bị tai biến mạch máu não rồi liệt nửa người, giữa 2 vợ chồng thường xuyên xảy ra cãi vã.
Bà Hiền từng có lần uống thuốc diệt cỏ và cho tay vào ổ điện để tự tử. Đối tượng Nguyễn Kim Đức là người nóng tính lại hay rượu chè, nên khi thấy vợ vậy ông càng thêm bực tức, nóng nảy.
Lời khai của Đức khiến nhiều người phải rùng mình, nghi hoặc bởi khi bị chồng hất xuống sông nạn nhân vẫn cố bám vào thành cầu để thoát thân nhưng lại bị chính chồng mình hất xuống.
Sát hại vợ vì lý do “trời ơi đất hỡi”
Với bản tính vũ phu, tàn nhẫn, nhiều đức lang quân đã thẳng tay đánh vợ, sát hại người phụ nữ yếu đuối vì những mâu thuẫn vụn vặt trong cuộc sống.
Chiều 3/6, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Quảng Nam cũng đã bắt khẩn cấp Trần Ngọc Tranh (SN 1955, trú huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) về hành vi giết người.
Lý do để đối tượng này xuống tay với người từng một thời “đầu ấp tay kề” đơn giản chỉ vì… nghe tin vợ trộm rượu của hàng xóm để uống.
Vào trưa 2/6, sau khi uống rượu về, hay tin vợ là bà Lê Thị Thuận (SN 1954) trộm rượu của hàng xóm để uống, Tranh tức nên dùng cây gỗ đánh vào sườn trái khiến bà Thuận gục chết tại hiên nhà.
giết vợ, sát hại, mang thai, vợ chồng, vũ phu
Đánh chết vợ, Trần Ngọc Tranh còn khai báo gian dối (Ảnh: NLĐ)
Sau khi gây án, Tranh bế bà Thuận đặt lên giường rồi sai con trai đi báo cho chính quyền địa phương rằng vợ chết do bị tai nạn. Tuy nhiên, màn kịch vụng về của Tranh đã không qua mắt được cơ quan chức năng.
Khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, Công an tỉnh Quảng Nam xác định Tranh đã đánh vợ vỡ lá lách, ngập máu ở bụng dẫn đến tử vong.
Cũng như Trần Ngọc Tranh, Đậu Khắc Tùng đánh chết vợ vì một lý do khó ai có thể chấp nhận được. Vụ việc xảy ra tại xã Thanh Thịnh, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, nạn nhân là chị Nguyễn Thị Nguyên (SN 1974, trú tại xã Thanh Thịnh).
Theo đó, thời gian gần đây giữa chị Nguyên và chồng là Đậu Khắc Tùng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Sáng ngày 10/11, chị Nguyên đánh xe bò vào trại của gia đình kiếm củi. Đến gần trưa, Tùng chạy về báo tin vợ mình bị tai nạn xe bò rơi xuống vực đã tử vong.
giết vợ, sát hại, mang thai, vợ chồng, vũ phu
Đối tượng Đậu Khắc Tùng (Ảnh: Infonet)
Tuy nhiên, người nhà nạn nhân đã nhận thấy nhiều điều bất thường nên âm thầm lên cơ quan công an trình báo sự việc.
Sau khi vào cuộc điều tra, cơ quan công an đã làm sáng tỏ nguyên nhân dẫn đến cái chết của chị Nguyên là do bị Đậu Khắc Tùng đánh chứ không phải tai nạn thông thường.
Theo đó, sau khi xe bò bị lật, chị Nguyên đã về nhà gọi chồng. Vào tới nơi, Tùng thấy xe bị lật, ngã lăn xuống vực. Bức xúc vì vợ lái xe để ngã, Tùng và vợ có lời qua tiếng lại. Trong lúc không kiềm chế được mình, Tùng đã dùng gậy đánh chị Nguyên gục tại chỗ.
Sau khi kiểm tra thấy vợ mình đã chết, để che giấu hành vi phạm tội, lợi dung hiện trường vụ tai nạn, Tùng sắp xếp xong xuôi rồi về báo tin cho gia đình và mọi người là vợ mình bị tai nạn xe bò tử vong.
Những ngày cuối tháng 5/2013 vừa qua, người dân huyện Sơn Hòa (Phú Yên) cũng vô cùng bàng hoàng trước bi kịch của gia đình chị Phan Thị Bích Liên (26 tuổi, huyện Phú Hòa, Phú Yên).
Theo đó, chị Liên bị đâm nhiều nhát ở vùng bụng, trong khi đó, anh Nguyễn Nhất Tâm (32 tuổi, chồng Liên) được xác định đã chết trong tình trạng treo cổ vào sáng 22/5.
Theo điều tra, thời gian gần đây, 2 vợ chồng chị Liên thường xuyên cãi nhau vì anh Tâm nghi ngờ vợ không chung thủy.
Mâu thuẫn dồn nén, lâu dần bùng phát dữ dội dẫn đến việc anh Tâm dùng dao sát hại chị Liên. Sau khi đâm chị Liên nhiều nhát, thấy vợ chảy nhiều máu, anh Tâm tưởng chị đã chết đành liều mình tự sát.
Sau khi bị chồng sát hại, chị Liên đã ôm vết thương, bò ra đường lớn kêu cứu. Hiện, nạn nhân tạm thời qua cơn nguy kịch nhưng sức khỏe còn rất yếu.
Lê Hiếu(Tổng hợp)