Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

Tại sao giới trẻ bỏ nhà thờ?

Trần Mạnh Trác11/29/2011

Tại sao giới trẻ bỏ nhà thờ?


Theo Lm John Flynn, LC. 



(Zenit.org) Một cuốn sách tổng kết các dữ kiện của sở nghiên cứu Barna Group mới được xuất bản với một nhan đề rất dài "You Lost Me: Why Young Christians are Leaving the Church. .. and Rethinking Faith," (Hiểu không nổi: Tại sao giới trẻ bỏ Giáo Hội. .. suy nghĩ lại về vấn đề Đức Tin) đã phân tích ra nhiều lý do tại sao giới trẻ trong lứa tuổi mới lớn đã thôi không đi nhà thờ nữa.



Trong sách, ông giám đốc David Kinnaman cùng với nhà văn Aly Hawkins đã đúc kết các dự kiện thống kê thành ra một danh sách các vấn đề.



Trong phần nhập đề, cuốn sách nêu lên ba thực tại cần phải lưu ý trong khi phân tích giới trẻ.



1. Giáo Hội tuy tích cực tham gia sinh hoạt với thanh thiếu niên, nhưng nhiều người trẻ khi lớn lên đã không còn trung thành giữ đạo.



2. Lý do bỏ đạo thì rất nhiều, do đó, điều quan trọng là không nên đưa ra một khái niệm tổng quát đơn giản về cả một thế hệ.



3. Giáo Hội không chuẩn bị giới trẻ một cách đầy đủ để tiếp tục theo chân Chúa trong bối cảnh văn hóa thay đổi nhanh chóng.



Vấn đề, Kinnaman giải thích, không phải là thanh thiếu niên ít tham gia các hoạt động trong nhà thờ so với các thế hệ trước. Trong thực tế, khoảng bốn phần năm thanh thiếu niên ở Mỹ đã có kinh nghiệm sống trong một cộng đoàn Kitô hữu trong lúc thơ ấu hoặc lúc vị thành niên. Vậy thì điều gì đã xảy ra để các sinh hoạt này biến mất ở độ tuổi đôi mươi.



Ở độ tuổi này, ở bên Công Giáo cũng như bên Tin Lành, ít có người trẻ nào còn dám nói rằng họ vẫn cam kết với Chúa Kitô, mặc dù họ đã từng có nhiều kinh nghiệm sống đạo trước đó.



Vấn đề không đơn giản chỉ là ngưng đi nhà thờ. Thậm chí vấn đề còn phức tạp hơn cả một khủng hoảng về niềm tin. Vấn đề là những người trẻ này ngưng hẳn việc tham gia vào mọi cơ cấu tổ chức.



Đây quả là một vấn đề khác hẳn với những gì xảy ra trong quá khứ.



Một yếu tố quan trọng đã ảnh hưởng đến giới trẻ hôm nay là bối cảnh văn hóa mà họ đang sống. Kinnaman khẳng định rằng, khác với các thế hệ Kitô hữu trước, thế hệ này đã phải sống qua các thay đổi văn hóa sâu sắc và nhanh chóng.



Trong vài thập kỷ qua, những thay đổi lớn lao về truyền thông, kỹ thuật, tình dục và kinh tế đã đưa đến một xã hội lưu động, phức tạp và bất an lớn hơn trước rất nhiều.



Để giải thích khái quát những thay đổi đã xảy ra, Kinnaman gộp chung vào ba khái niệm chính: khả năng Truy Cập, sự Tha Hóa và Quyền Bính.



Thứ nhất về khả năng Truy cập, ông chỉ cho thấy sự xuất hiện của thế giới kỹ thuật số đã tạo ra một cuộc cách mạng trong sự giao tiếp với nhau và khả năng có được những thông tin một cách dễ dàng mau chóng hơn. Điều này dẫn đến những thay đổi đáng kể trong cách thức mà thế hệ hiện tại đặt mối liên hệ, làm việc và suy nghĩ.



Nhìn về mặt tích cực, Internet và các công cụ kỹ thuật số đã mở ra một cơ hội to lớn để truyền bá những sứ điệp Kitô giáo. Tuy nhiên, nó cũng có nghĩa là người ta có thể truy cập vào các quan điểm và các giá trị văn hóa khác và đặt ra nhiều câu hỏi về niềm tin. 



Trong khi đó, những cách suy nghĩ thẳng thắn và hợp lý đã không được cổ võ đúng mức.



Thứ hai là sự Tha Hóa, theo Kinnaman, có nghĩa là giới trẻ cảm thấy lạc lõng với gia đình, với cộng đồng và với các tổ chức. Mức độ cao của ly hôn và có con ngoài hôn nhân đã dẫn tới hậu quả là có nhiều người lớn lên ở bên ngoài cơ cấu gia đình truyền thống.



Theo Kinnaman, thời gian để đạt tới trưởng thành đã bị kéo ra lâu dài hơn, người ta kết hôn và sinh con muộn hơn. Nhưng mà nhiều nhà thờ lại không có các chương trình mục vụ để giúp những người trẻ sống bên ngoài truyền thống được trưởng thành môt cách có hiệu quả.



Nhiều người trẻ ngày nay tỏ ra nghi ngờ về những tổ chức xã hội trong quá khứ. Các phong trào bình dân và sự đóng góp tập thể thì được đánh giá cao hơn là những định chế có đẳng cấp.



Thái độ hoài nghi với các định chế như thế đã đưa tới sự mất lòng tin với Quyền Bính, đó là khái niệm thứ ba của Kinnaman. Đây là một xu hướng đa nguyên, thậm chí sự nuôi dưỡng những ý tưởng dị đồng được coi là có ưu tiên cao hơn sự tin tưởng vào Kinh Thánh và vào các quy tắc đạo đức.



Một nền văn hóa luôn luôn đặt câu hỏi có thể dẫn con người đến sự thật, và sự căng thẳng giữa đức tin và văn hóa cũng có thể đưa đến những kết quả tích cực, tuy nhiên, Kinnaman ghi nhận, nó đòi hỏi các nhà thờ phải có cách tiếp cận mới.



Làm thế nào để nối lại mối dây liên lạc?



Kinnaman thừa nhận ông thất bại trong nỗ lực tìm ra một hoặc hai lý do lớn về lý do tại sao người trẻ cắt đứt liên hệ với nhà thờ của họ. 



Thực tế cho thấy những người đó bỏ cuộc vì rất nhiều lý do.



Một số coi nhà thờ của họ là một trở ngại cho sự sáng tạo và phát biểu cá tính. Một số khác cảm thấy những lời giảng dậy là hời hợt và vô vị. Và một số nữa bỏ đạo vì nghĩ rằng đức tin không tương thích với khoa học.



Một lý do làm cho nhiều người trẻ bỏ nhà thờ vì cho rằng các quy tắc của nhà thờ là áp bức, đặc biệt là về khía cạnh tình dục. Xu hướng hiên nay của văn hóa là nhấn mạnh đến sự khoan dung và chấp nhận các ý kiến khác mình cũng có giá trị, xu hướng này rõ ràng xung đột với lời tuyên xưng rằng chân lý của Kitô giáo là phổ quát. Sự xung đột này là một trở ngại đối với một số người.



Một số Kitô hữu trẻ nói rằng nhà thờ của họ không cho phép họ bày tỏ nghi ngờ và nói rằng phản ứng của giáo hội trước những nghi vấn là không đầy đủ.



Kinnaman cũng tìm thấy nhiều trường hợp trong đó nhà thờ không dậy dỗ giới trẻ tuổi một cách đầy đủ và sâu sắc. Một đức tin thiếu chiều sâu ở tuổi vị thành niên và thanh niên làm cho niềm tin của họ trở thành mơ hồ và cắt đứt sự liên kết giữa đức tin và cuộc sống hàng ngày của họ. Do đó, nhiều người trẻ coi Kitô giáo là nhàm chán và không thích hợp.



Phần cuối của cuốn sách Kinnaman đưa ra một số lời khuyên trong lúc đi tìm những giải pháp ngăn chặn sự mất mát của giới trẻ:



- Các thế hệ cũ trong các nhà thờ cần phải thay đổi cách xử sự liên quan đến giới trẻ.



- Nên có những nghiên cứu thần học mới về khái niệm ơn gọi để khuyến khích giới trẻ có thể đào sâu hơn những gì mà Thiên Chúa yêu cầu họ làm trong cuộc sống của họ.



- Cuối cùng, chúng ta cần phải đặt sư khôn ngoan làm ưu tiên trên những tài liệu thông tin. Sự khôn ngoan, ông giải thích, có nghĩa là khả năng thấy được một cách đúng đắn sự liên hệ giữa một sự việc với Thiên Chúa, với người khác, và với văn hóa. 



Tìm được những giải pháp mới là vấn đề cần phải làm sớm. Đối phó với vấn đề sống còn này là một việc làm cấp bách không thể nghi ngờ được nữa.

Trần Mạnh Trác

Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2011

Gia Đình Kitô Giáo



GIA ĐÌNH KITÔ GIÁO

Sáng 25/11/2011, một cuộc họp báo tại Vatican đã giới thiệu Đại hội khoáng đại của Hội đồng Tòa Thánh về gia đình, sẽ diễn ra từ 29/11/2011 đến 01/12/2011, nhân dịp kỷ niệm 30 năm Tông huấn Familiaris consortio. Cùng hiện diện với ĐHY Ennio Antonelli, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về gia đình, còn có Đức cha Jean Laffitte, thư ký, Đức cha Carlos Simón Vásquez, phó thư ký, cha Gianfranco Grieco, giám đốc và ông bà Colzani, đặc trách ủy ban gia đình của giáo phận Milan.

Trước tiên, ĐHY đã nhấn mạnh rằng một số chủ đề được Thông điệp bàn đến mang tính thời sự rất cao : tính trọng tâm của gia đình, việc tân Phúc âm hóa ở bình diện giáo xứ và giáo phận, ơn gọi truyền giáo của gia đình, tất cả điều này hướng đến việc biểu lộ cho thế giới sự hiện diện và tình yêu của Chúa. Ơn gọi này phải trở thành một đại dấu chỉ cho sự khả tín của Tin Mừng, như việc phục vụ tha nhân, việc sinh sản và giáo dục con cái, sự dấn thân trong công việc hay trong xã hội, việc chú tâm đến người nghèo, cầu nguyện tại gia, việc tham dự thánh lễ và các sinh hoạt của Giáo hội.

Tiếp đến, Đức cha Laffitte bàn đến Thông điệp Familiaris Consortio, một văn kiện trong đó Đức Gioan-Phaolô II đã nhấn mạnh sự cần thiết giúp đỡ người ta tái khám phá những giá trị đích thực của gia đình trước cuộc khủng hoảng luân lý của xã hội, và xem gia đình như được đóng dấu bởi tình yêu lứa đôi. « Điều đó xem ra là một sự hiển nhiên, đang khi các luật lệ ngày nay lại hợp pháp hóa những mô hình gia đình song song, cắt đứt khỏi cội rễ là sự kết hiệp bất khả phân ly giữa một người nam và một người nữ… Kế hoạch hôn nhân ở nhà thờ càng ngày càng ít được ghi khắc trong một đời sống đức tin đích thực, điều đó dập tắt mọi lương tâm khỏi sự thánh thiên của hôn nhân Kitô giáo. Ngày nay, hơn bao giờ hết, việc mục vụ hôn nhân và gia đình đòi hỏi một sự chuẩn bị nghiêm chỉnh… Cần phải đề nghị cho các tín hữu ít đi lễ một nền đào tạo bao gồm việc khai mở vào việc đọc Lời Chúa, bao gồm các nền tảng sơ đẳng của đức tin Kitô giáo, việc khai mở vào đời sống bí tích, bằng cách nhấn mạnh đến bí tích Thánh Thể và các bí tích hôn nhân và sám hối ».

Tiếp đến, Đức cha Vásquez đã giới thiệu chương trình của Đại Hội, được mở đầu bằng một thánh lễ tại ngôi mộ của Chân phước Gioan-Phaolô II, để tôn kính vị Giáo hoàng thường được gọi là « Giáo hoàng của các gia đình » và để ngài cầu bầu cho các gia đình trên thế giới này.

Về phần mình, cha Grieco cho biết tạp chí của Hội đồng, « Gia đình và sự sống », sẽ dành một số đặt biệt « Familiaris Consortio », mà các bài viết được giao phó cho các chuyên viên của Thông điệp này, các giám mục, linh mục, tu sĩ và hai giáo dân nam và bốn nữ. Vả lại, công việc của Đại Hội có thể được theo dõi trên trang web của Bộ (familia.va).

Sau cùng là vấn đề về Cuộc gặp gỡ thế giới các gia đình, sẽ diễn ra tại Milan vào tháng Năm và Sáu sắp đến.

Tý Linh

Theo VIS

Thứ Hai, 21 tháng 11, 2011

Cùng Thầy Cô Dạy Con


ĐỀ TÀI GIA TRƯỞNG THÁNG 11/2011 :

CÙNG THẦY CÔ DẠY CON


Kính thưa quý gia trưởng !

Kể từ khi xã hội loài người bước qua thời kỳ mông muội hoang sơ, vai trò của nhà trường đã trở thành nhân tố quan trọng cho sự thưởng thành của mỗi con người. Là gia trưởng, nhiều người trong chúng ta hầu như đến giờ phút này vẫn còn lưu giữ trong lòng mình những ký ức thơ mộng của một thời thư sinh áo trắng. Những năm tháng dùi mài dưới mái trường là một quãng thời gian quan trọng để rèn luyện và phát triển những năng khiếu, để hình thành những phẩm chất đạo đức căn bản của con người.

1. Quan tâm tới việc học của con ở nhà trường.

Có khá nhiều phụ huynh khi được nhà trường mời lên trao đổi về việc vi phạm nội quy học đường của con cái, đã hoàn toàn bất ngờ. Bởi vì, theo họ, con cái ngoài giờ học ở trường đã được gia đình quản lý chặt chẽ.Lúc ở nhà, con cái họ hoàn toàn có những biểu hiện của một đứa trẻ ngoan, biết vâng lời. Lý giải thỏa đáng hiện tượng này thật không dễ, song phải khẳng định rằng ở tuổi học trò, tâm lý lứa tuổi khá phức tạp. Ở nhà, biết có sự giám sát chặt chẽ của cha mẹ - những người hầu như có quyền hành tuyệt đối trên con - nên trẻ thường tỏ ra ngoan ngoãn, không có sự phản kháng quyết liệt. Còn ở trường, trẻ biết chắc chắn rằng không có cha mẹ ở bên, và môi trường giáo dục hiện nay đang cổ súy cho việc cấm sử dụng đòn roi, hình phạt, cấm nhục mạ người học (mà trẻ thì tận dụng triệt để điều đó), thế nên đã bộc phát ra nhiều hành vi trái khoáy nơi những trẻ có cá tính hiếu động. Trẻ có thể không chép bài, không nghe giảng, cãi lại thầy cô. Cha mẹ chỉ biết được sự việc cách bất ngờ khi nhà trường mời lên gặp gỡ.
Trên cương vị là phụ huynh, nếu có được sự quan tâm đúng mức với con cái, hoàn toàn có thể tránh được (hoặc ít ra là hạn chế được) những hành vi ngỗ nghịch của con cái nơi nhà trường. Vì áp lực công việc và cũng vì nhiều yếu tố khác, cha mẹ không thể có mặt bên con ngày ngày trên lớp. Nhưng cũng không thể có suy nghĩ máy móc rằng, con cái ở trường thì nhà trường kiểm soát, còn khi về nhà mới đến tay mình kèm cặp. Không nên có thái độ khoán trắng cho thầy cô trên lớp như một hình thức bàn giao trách nhiệm.

Tuy không có mặt bên con trên lớp học, nhưng buổi tối về, ta vẫn có thể phần nào nắm được con mình đã học hành ra sao qua việc kiểm tra vở những môn học trong ngày : Con ghi chép thế nào, có môn học nào không ghi chép hay không, là nét chữ của con hay của bạn bè viết giúp, điểm cho của thầy cô, sổ liên lạc được thầy cô lưu ý những gì, … Thậm chí thông qua bạn bè của con cũng có thể phần nào nắm bắt về con mình. Cũng có thể dùng điện thoại liên lạc với nhà trường, hoặc thỉnh thoảng ghé đến trường nơi con học, gặp giáo viên chủ nhiệm và thầy cô bộ môn để kịp thời nắm bắt những biểu hiện tốt xấu của con mình. Khi trẻ nhận thức rõ sự quan tâm triệt để của cha mẹ lúc mình học, trẻ sẽ không hoặc ít dám vi phạm nội quy học đường.

2. Ứng xử hợp lý hợp tình trước việc xử phạt của giáo viên.

Những năm gần đây, theo hướng giáo dục tiên tiến, ngành giáo dục đưa ra mô hình “trường học thân thiện” và quyết liệt loại bỏ cách xử phạt học sinh bằng roi đòn ra khỏi môi trường giáo dục. Trên nguyên tắc, đó là cách làm đúng. Nhưng trong quá trình đi vào thực tế, không phải mọi sự đều có thể rõ ràng, dễ áp dụng. Trên các trang báo điện tử, ở mục diễn đàn của người đọc, có người phản đối, nhưng cũng có không ít người đồng tình việc dùng roi đòn để xử phạt học sinh. Việc cấm hay không cấm là việc chuyên môn của ngành giáo dục, của xã hội; bản thân phụ huynh chúng ta chỉ có thể đề xuất ý kiến chứ chẳng thể quyết định cho vấn đề này. Điều quan trọng là cần hành xử sao cho khôn ngoan nhất cho con mình và cho chính mình trước sự việc thầy cô sửa phạt con bằng đòn roi. 

Cần biết rằng, roi đòn có thể là biểu hiện của rất nhiều mục đích khác nhau : Vì thương trò, khát khao trò thay đổi tiến bộ, vì muốn mạnh tay một trường hợp để răn đe nhiều trường hợp khác, vì bực tức nóng giận trò làm thầy mất mặt, vì giận cá chém thớt, … Cho nên, đứng trước sự việc không như ý ấy, gia trưởng cần bình tĩnh gặp gỡ giáo viên đã xử phạt, kể cả ban giám hiệu, các giáo viên khác và cả bạn bè con chứng kiến, để qua đó, ta có thể xác định được động cơ sử dụng roi đòn của giáo viên ấy. 

- Nếu lỗi phần nhiều thuộc về thầy, vẫn có thể bàn bạc, thỏa thuận để tìm ra cách giải quyết hợp lý nhất. Ngoài ra, chắc chắn, trước Ban giám hiệu và hội đồng giáo viên, thầy sẽ phải kiểm điểm cách nghiêm khắc để làm bài học cho cả trường. Thầy sẽ rút ra được bài học nghiêm túc cho đời giảng dạy của mình. 

- Nếu lỗi phần nhiều thuộc về con mình, mà mình cũng không đồng tình với roi đòn của thầy, thì hãy sẵn sàng trình bày hoàn cảnh và cùng thầy tìm ra phương cách giáo dục tốt nhất, chắc chắn tình cảnh tương tự sẽ không thể diễn ra. 

Có thể ngành giáo dục đều không chấp nhận thầy cô dùng roi đòn dù vì bất cứ mục đích gì, nhưng còn chúng ta, lẽ nào ta không cần tìm hiểu suy xét? Chỉ cần thấy con mình bị đòn thì lập tức tới trường, nhẹ thì mắng chửi lại cho hả giận, nặng nề thì hành hung lại giáo viên, sau đó là tố cáo thưa kiện. Điều này dẫn đến hệ quả là vô tình tạo ra một sự “nối giáo cho giặc”, con mình và thậm chí nhiều con trẻ cùng lớp sẽ không còn biết tôn trọng thầy cô nữa. Trẻ ngộ nhận rằng mình là một pháo đài bất khả xâm phạm, biến những ngày học tiếp theo trở thành những vở hài kịch, mà thầy cô đứng lớp là những diễn viên tội nghiệp và đớn đau. 

3. Quan tâm tới thời gian biểu của con ở nhà.

Suốt một thời gian dài, báo chí và dư luận xã hội bàn luận về sự bất cập trong nội dung giáo dục. Một người nổi tiếng trong Ngành Giáo dục đã từng nói rằng : Nhà trường hiện nay chú trọng dạy chữ nhiều hơn là dạy người. Trong khi chờ đợi Ngành Giáo dục điều chỉnh và thay đổi cho phù hợp với yêu cầu của cuộc sống, mỗi người cha trong gia đình không thể thờ ơ, đứng ngoài cuộc việc “dạy người” cho con. Trái lại, cần nhanh chóng thực hiện cho con mình cái phần còn đang bị xem nhẹ ở nhà trường hiện nay :

- Yêu cầu con lập một Thời gian biểu các ngày trong tuần, tham gia cùng con trong việc phân chia hợp lý thời gian học với thời gian nghỉ ngơi giải trí, thời gian phụ giúp việc nhà. Tất nhiên, ta theo dõi chặt chẽ việc thực hiện của con. Thời gian biểu sẽ giúp con ngăn nắp, khoa học trong cuộc sống, có ý thức tự giác để hoàn thành nhiệm vụ trong ngày.

- Thỉnh thoảng, dành thời gian đến những nơi con chọn làm địa điểm học thêm, học nhóm để biết sự thật con có học ở đó không. Nhiều trường hợp, gia đình vẫn đều đặn hàng tháng đưa con đóng tiền học thêm vài môn học chính. Đến gần cuối năm, khi hỏi thăm thầy về tình hình học tập của con mới vỡ lẽ ra rằng, từ đầu năm đến giờ, con chẳng học thêm một bộ môn nào. Số tiền lấy của cha mẹ từ đầu năm đến giờ, rõ ràng được sử dụng vào những việc như ăn hàng, chơi games, đua đòi, toàn là những việc không tốt cho đời sống đạo đức lành mạnh.

- Sẵn sàng đáp ứng những yêu cầu cho việc học của con như sách vở, từ điển, máy kết nối mạng, … Song cần kiểm soát chặt chẽ việc con sử dụng : Con đọc sách tham khảo cho bài học hay là đang vùi đầu vào đống truyện nhảm nhí. Con đang vào mạng để truy cập kiến thức hay là để nghe nhạc, xem phim độc hại.

- Dạy con các kỹ năng sống như việc giao tiếp, cách ứng xử, những khoảng cách cần thiết giữa nam nữ, giữa thầy với trò,… bằng kinh nghiệm và vốn sống của người cha. Đừng để con cái ta lớn lên dưới mái trường, có kiến thức văn hóa nhưng lại non nớt, ngây ngô, không biết xử trí thế nào trước những tình huống ngoài xã hội.

Kính thưa quý gia trưởng !

Là người Công giáo, trong việc cùng với nhà trường dạy dỗ con mình, hãy dâng lên cho Thiên Chúa mọi tâm tình, ước muốn, tin tưởng phó thác việc học hành của con cái trong sự quan phòng mầu nhiệm của Ngài. Dạy cho con biết cầu nguyện mỗi ngày đến lớp, mỗi lúc học bài, mỗi lần kiểm tra, mỗi khi được khen thưởng và cả những lần bị khiển trách. Giúp con dần dần biết lắng nghe được Ý Chúa trong mọi nấc thang, mọi biến cố của cuộc đời con.

Tháng 11 hàng năm trở về mang theo tâm tình tri ân người dạy học qua ngày Nhà giáo 20/11. Vẫn biết rằng thời gian qua, hình ảnh người thầy có những biến dạng méo mó khó chấp nhận được, nhưng chúng ta tin rằng đó không phải phần đông của giới giáo chức. Hãy cùng con gửi đến tất cả những thầy cô giáo đang miệt mài dạy dỗ con em mình tâm tình biết ơn với những lời chúc tốt đẹp nhất.

* Cùng suy tư :

Ta phải làm gì để cộng tác với nhà trường trong việc giáo dục con cái nên tốt đẹp trước nhan Thiên Chúa và trước mặt người đời ?

BAN ĐẶC TRÁCH GIA TRƯỞNG
GIÁO PHẬN XUÂN LỘC.

Thứ Tư, 16 tháng 11, 2011

Lễ Thành Hôn: Vũ Hoàng - Bảo Chi

Đại gia đình NGUYỄN TỘC
chúc mừng lễ thành hôn
của Vũ Hoàng - Bảo Chi
(Vũ Hoàng  là cháu nội của Ông Di - Bà Mỹ, 
thuộc chi Ông Nghiêm - Bà Phố)


*

Lễ Thành Hôn: Sỹ Sơn - Thanh Vy

Đại gia đình NGUYỄN TỘC
chúc mừng lễ thành hôn
của Sỹ Sơn - Thanh Vy
(Duy Mỹ  là cháu nội của Bà Năm - Ông Ngọc, 
thuộc chi Bà Nghị - Ông Liệu)



*

Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2011

Niệm Khúc Nghĩa trang


NIỆM KHÚC NGHĨA TRANG


 Mỗi lần viếng nghĩa trang, là một dịp nhắc nhớ cho mỗi chúng ta niệm khúc quí giá về tình người, về chữ hiếu, về cuộc sống đời này, về một niềm hy vọng vào đời sau.

 Về tình người

 Nơi nghĩa trang, bao người đã sống, nay đang nằm im lìm trong lòng đất. Họ đã trở về tro bụi. Trong số đó, có thể có những người đã sống một cuộc sống ý nghĩa, tốt đẹp trước mặt Chúa và mọi người. Nhưng là con người, phàm ai không tội lỗi, không thiếu sót.

Đứng trước hàng dãy phần mộ của những người đã ra đi, chúng ta khiêm tốn nhận ra mọi người cùng là  thân phận người mỏng dòn yếu đuối với nhau, gợi lên trong lòng chúng ta sự đồng cảm và thương xót: Đồng cảm thân phận yếu hèn, thương xót những con người đã ra đi khi còn vương mắc bao tội tình, lầm lỗi. Tội với Thiên Chúa, lầm lỗi với con người.

Và, nơi nghĩa trang này, còn gợi lên trong chúng ta lòng thương xót cả những con người đã ra đi do tội của người khác: tội của cha mẹ giết con mình, tội của những người quyến rủ vào con đường trác táng, nghiện ngập, tội của người trả thù đâm chém nhau, tội của những người ghen tương không có lòng tha thứ, tội của những người dùng quyền lực áp bức bất công, tội của người thanh trừng nhau tranh quyền đoạt lợi, tội của những con người dững dưng vô cảm mặc ai chết đói chết khát, bệnh hoạn chết dần chết mòn….

Thiết tưởng, từ nghĩa trang, lòng thương xót này không chỉ là một cảm xúc thoáng qua, nhưng sẽ lưu lại trong lòng và biến đổi cuộc sống chúng ta thành những con người sống có tình thương, có trái tim biết yêu và lòng quảng đại, không hơn thua, ganh ghét, nhưng là yêu thương chia sẻ cho nhau những gì là tốt đẹp nhất trong cuộc đời.

 Về chữ Hiếu

 Một người thân gửi thân xác nơi nghĩa trang, là một giao điểm linh thiêng cho tất cả những người còn sống trong tộc họ, giao điểm nối kết mọi tâm tư tình cảm, giao điểm gặp nhau đầy ý nghĩa huyết thống của mỗi người và cũng là giao điểm hóa giải bao bất ổn của họ tộc. Nếu người thân là Đấng Sinh Thành, là Cha Mẹ, Ông Bà, thì ý nghĩa giao điểm linh thiêng kia càng rõ nét hơn.

Đứng trước mộ phần không chỉ
-với lòng ngưỡng mộ và biết ơn những công đức cao dày của Đấng Sinh Thành,
-với lòng sám hối vì những vô ơn bất hiếu khi chư vị còn sống,
-với lòng Mến, cùng với lòng Cậy nhờ Đức tin nguyện xin Chúa ban cho chư vị ơn Cứu Rỗi…
-mà còn nguyện hứa với chư vị rằng sẽ sống tình gia đình, tình huynh đệ càng lúc càng thắm nồng với nhau hơn.

Vâng, thực hành chữ Hiếu, hay đạo Hiếu không chỉ là những hình thức, những lễ nghi, mà là một biến đổi tận căn do ân sủng khi đi từ chữ Hiếu đến việc giữ luật Điều Răn thứ tư: Thảo Kính Cha Mẹ, điều răn của chính Thiên Chúa ban ra.

 Về cuộc sống đời này

 Với những tín hữu  Phật Giáo, Ấn Độ Giáo hoặc Bàlamôn, và cả những người theo Khổng Giáo, Lão Giáo….thì tư tưởng “sắc sắc, không không, có đó rồi lại không đó”, “cuộc đời là hư vô”, “mọi sự là hư vô” gần như mang một nỗi bi quan tuyệt vọng. Nó dẫn con người ta đến một ngõ cụt của cuộc đời không lối thoát hiểm. Không ai tránh được chỗ cùng tận là tro bụi, không ai thoát được nỗi phủ phàng là hư vô. Bởi vậy, họ hoài mong một cuộc hóa thân, hóa kiếp, luân hồi. Nỗi hoài mong nầy, họ dựa trên cách ăn nết ở của họ, dựa trên chính công nghiệp của họ. Bởi vậy mới có những lời khuyên răn rất dân gian: “Ở hiền, gặp lành” hay “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”….

Còn sự sống đời này của những người công giáo chúng ta thì sao? Hãy nghe sách Giảng Viên nói về cuộc đời:
“Ông Cô-he-lét nói : “Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân”. ( x. Gv 1, 2-9)

Nhưng từ chỗ phù vân ấy, Ông Cô-he-lét đã nhận ra:
“Tôi nhận ra rằng mọi sự Thiên Chúa làm sẽ tồn tại mãi mãi. Không có gì để thêm, chẳng có gì để bớt. Thiên Chúa đã hành động như thế để phàm nhân biết kính sợ Người”. (Gv 3, 14)

Giáo lý công giáo dạy cho chúng ta biết rằng, mọi sự trên trần gian nầy phải đến chỗ phù vân ấy, hư vô ấy là do hậu quả của tội nguyên tổ. Nhưng, tội nguyên tổ đã được xóa đi nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa, nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô.

Bởi vậy, biết cuộc đời là hư vô, Người công giáo vẫn không dừng lại ở chỗ bi quan tuyệt vọng vì thân phận phải trở về tro bụi của mình, cũng không dám tự sức mình có thể cứu vớtcho mình khỏi tình trạng bi đát ấy, nhưng người công giáo có đức tin vào Chúa Giêsu Kitô, và chỉ nhờ vào công nghiệp của Ngài mà họ được cứu sống: thoát cảnh hư vô, và sống cuộc sống vĩnh hằng trong Thiên Chúa.

 Về cuộc sống đời sau

 Vậy, khi tin vào Chúa Giêsu Kitô, thì dẫu biết “mọi sự là hư vô” nhưng vẫn có giá trị riêng của nó: hư vô ở đời này là khởi điểm ngưỡng vọng một cuộc sống đời sau hằng hữu. Chính cái ý thức hư vô thôi thúc chúng ta buông bỏ cuộc đời tạm bợ, và bằng lòng trao phó cuộc đời này cho Đức Giêsu, để Ngài phục hồi từ hư vô thành hằng hữu.

-Thân xác từ hư vô, nhờ công nghiệp cứu rỗi của Chúa Giêsu, đã được thánh hóa nên Cung Điện Chúa Thánh Thần, nên nhà tạm của Chúa Giêsu Thánh Thể, nên Đền Thờ cho Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trị.
-Của cải vật chất thế gian chắc chắn sẽ trở về hư vô, nhưng đang trở nên phương tiện cho chúng ta cộng tác với công nghiệp của Chúa Giêsu, nhờ biết cách sử dụng của cải thế gian mà mua lấy nước Thiên Đàng.
-Quỹ thời gian của mỗi người sẽ cạn dần đi, sẽ ít đi, nhưng từng phút giây đang trở nên càng có giá trị cứu rỗi cho chính mình, nếu biết dùng mỗi phút giây hiện tại với lòng sám hối, lòng tạ ơn, với lời chúc tụng, và nên của lễ tận hiến  cho vinh danh Chúa.
-Sự chết không dẫn chúng ta về hư vô, nhưng là khởi điểm của một cuộc sống mới, vì chúng ta đã và đang cùng sống, cùng chết với Đấng đã sống, đã chết, và đã sống lại.

Như vậy, cuộc đời trần gian này “Mọi sự là hư vô”. Nhưng Mọi Sự Trong Đức Giêsu Kitô đang trở nên phần rỗi cho chúng ta, đang chuẩn bị cho chúng ta một cuộc sống hằng hữu trong Thiên Chúa.

       Thế thì:

Không còn niềm đau nào nơi “thành phố tro bụi”.
Không còn nỗi buồn nào nơi heo hút nghĩa trang.
Không còn hoang mang nào khi chiều vàng héo úa
Không còn khăn tang nào quấn trên đầu nhân gian
 Chỉ còn một tình thương, một tình thương vĩnh cửu
Chỉ còn một niềm tin, Đấng Hằng Hữu vinh quang
Trong Ngài, ta sống và ta chết từng giây phút
Để trong Ngài, ta cùng sống cuộc sống mới hân hoan.

  PM. Cao Huy Hoàng
28-10-2011

Thứ Hai, 7 tháng 11, 2011

Đạo Hiếu: Hiện Thực hay Truyền Thống

Nhiều người thường nhận định: “Người Á đông có truyền thống đạo hiếu sâu xa hơn người Tây phương” hoặc “Người Việt Nam có truyền thống đạo hiếu rất tốt”. Nhưng, hiện nay thì sao? Truyền thống đó đã đứt đoạn chăng? Có phải vì hội nhập văn hóa mà chúng ta đang đánh mất dần những truyền thống tốt đẹp?

Thật ra, truyền thống chính là hệ quả của một nền triết lý nhân sinh và là hình ảnh phản chiếu từ mô hình xã hội. Còn ý thức Đạo Hiếu đã được Thiên Chúa đặt để trong tâm hồn mỗi người như các giá trị nhân bản khác khiến con người phải là NGƯỜI. Các loài vật không hề có ý thức đạo hiếu cho dù sống cá thể hay quần cư. Con vật khi trưởng thành sẵn sàng quay lại tranh giành mồi với cha mẹ nó như một quy luật tự nhiên của tiến hóa và sinh tồn. Con người thì không thể như thế! Kinh Phật có câu: “Tột cùng thiện không có gì bằng HIẾU, tột cùng ác không có gì bằng BẤT HIẾU”. Sách Tam tự kinh mở đầu bằng câu “Nhơn chi sơ, tánh bổn thiện”, chẳng phải điều đó đã khẳng định HIẾU (tột cùng thiện) đã được đặt để sẵn trong bản chất con người hay sao? Chúng ta thử lắng nghe tâm sự của một vài người đứng trước cái chết, khi mà họ không cần màu mè tô vẽ thì sẽ thấy hai chữ Đạo Hiếu đã được đặt trong tâm mỗi người một cách huyền nhiệm thế nào:

“Mẹ ơi! Con xin tạ tội trước bình minh/ Lòng nguyện hứa từ nay không vương tội/ Thương con nhiều mẹ ơi thứ lỗi/ Để con được sám hối với đời… Con mong bố mẹ vui lòng để con ra đi được thanh thản. Lúc này con muốn chạy thẳng về nhà, tới chỗ bố mẹ và sà ngồi vào lòng mẹ để được sưởi ấm và che chở vuốt ve như hồi con còn thơ ấu. Mắt con nhoè đi vì dòng lệ tuôn trào nỗi ân hận, xót thương. Xin gửi mẹ những dòng thơ trên…”

Đó là lời sám hối muộn màng của một tử tội với người mẹ già của anh ta mà chúng tôi ghi lại trong bức thư cuối cùng trước khi anh ra pháp trường. Một cán bộ quản giáo kể:“Có những người con phạm tội phải lãnh án mức cao nhất, trước lúc ra đi, lại nhớ đến cha mẹ mình đang phải buồn tủi nơi quê nhà; có người nữ tử tù, chồng cũng bị tù vì tội buôn bán ma tuý, đêm đêm không quên chắp tay quỳ lạy để tạ tội với mẹ, và để sám hối với hai đứa con thơ dại; có người không quên viết vội vài dòng ngắn ngủi gửi về cho mẹ cha…”

Như vậy, trước khi trở thành truyền thống, Đạo Hiếu đã là một hiện thực trong xã hội loài người. Xây dựng hiện thực đó như thế nào là do chính chúng ta; do mô hình xã hội, do nền giáo dục, do quan niệm sống, do niềm tin của chính chúng ta chứ không hề do ảnh hưởng ngoại giới như nhiều người thường quy kết.

I. Đạo Hiếu và Giáo Dục: 

Tuy ý thức Đạo Hiếu có sẵn trong tâm mỗi người, nhưng vẫn cần một nền giáo dục để định hướng. Ngày xưa, chúng tôi được học gương Nhị Thập Tứ Hiếu qua sách giáo khoa bằng thể thơ song thất lục bát của tác giả Lý Văn Phức mà đến nay vẫn chưa quên:

“Người tai mắt đứng trong trời đất
Ai là không cha mẹ sinh thành
Gương treo đất nghĩa, trời kinh
Ở sao cho xứng chút tình làm con”

Thật là một mũi tên bắn trúng 5-7 đích, vừa dễ thuộc, vừa hiểu thêm về văn học, vừa định hướng chữ hiếu, lại vừa giáo dục được nhân cách:

“Chữ hiếu niệm cho tròn một tiết
Thì suy ra trăm nết đều nên
Chẳng xem thuở trước thánh hiền
Thảo hai mươi bốn, thơm nghìn muôn thu”

Có những mẫu gương đã trở thành thần tượng của chúng tôi lúc ấy như Chu Diễm Tử hay Mẫn Tử Khiên đến nỗi nhớ nằm lòng cả bài cho đến nay:

“Thầy Mẫn Tử vốn đường hiếu nghĩa
Xót nhà huyên quạnh quẽ đã lâu
Thờ cha sớm viếng khuya hầu
Chẳng may gặp phải mẹ sau nồng nàn
Trời đương tiết đông hàn lạnh lẽo
Hai em thời kép áo dày bông
Chẳng thương chút phận long đong
Hoa lau nở để lạnh lùng một thân
Cho hay hiếu cảm nên từ
Thấm lâu như đá cũng nhừ lọ ai?”

Hình ảnh hiếu thuận còn thể hiện qua tác phẩm Lục Vân Tiên phản ánh phần nào cuộc đời của chính tác giả: cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu. Trên đường đi thi trạng nguyên, nghe tin mẹ mất, Lục Vân Tiên đã bỏ về chịu tang và khóc đến nỗi mù cả đôi mắt. Điều đó “ám ảnh” chúng tôi đến nỗi khi gặp bất cứ người mù nào, chúng tôi đều tin rằng họ là những người rất hiếu nghĩa. Rồi Gia Huấn Ca của Nguyễn Trãi, với từng câu chữ chắc nịch như khẳng định chân lý:

“Khi ấm lạnh ta hầu săn sóc
Xem cháo cơm thay thế mọi bề
Ra vào thăm hỏi từng khi
Người đà vô sự ta thì an tâm.”

Đó là chưa kể những tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn được đưa vào sách giáo khoa. Những tác giả như Thanh Tịnh, Thạch Lam đã dùng giọng văn nhẹ nhàng, bay bổng để chuyển tải rất nhiều thông điệp về tình mẫu-phụ tử, tình gia đình, tình anh chị em… Tác phẩm “Tâm hồn cao thượng” của Edmond de Amicis cũng có mặt trong sách giáo khoa đã để lại cho chúng tôi rất nhiều ấn tượng!

Mỗi nhân vật trong các tác phẩm nêu trên đều có thể trở thành thần tượng của chúng tôi lúc nào không hay. Ý thức thần tượng có thể nói góp phần rất lớn trong việc định hình nhân cách trong mỗi con người ở tuổi niên thiếu. Tiếc thay, giáo dục hiện nay đã không tạo cho lớp trẻ những thần tượng như thế!

2. Đạo Hiếu và Văn Hóa:

Có thể nói, văn hóa Đọc ngày nay đã đi thụt lùi rất nhiều so với trước kia. Sản phẩm dành cho văn hóa Đọc lại càng ít chú trọng hai chữ: Đạo Hiếu. Từ những truyện tranh được đánh giá cao như Đôrêmôn, chúng ta vẫn nhận thấy vai trò của cha mẹ rất mờ nhạt, đôi khi những hành xử của cha mẹ Nôbita rất vô lý và trở thành trò cười cho chính con cái. So với truyện cậu bé Tí hon thần lực ngày xưa, chúng ta dễ nhận thấy sự khác biệt này! Lớn hơn một chút, chúng tôi được tiếp cận tủ sách Tuổi Hoa với những truyện Hoa Xanh thật hay của Kim Hài như: “Đường về quê mẹ” hay “Cao như đỉnh Thái”… Ngay cả những truyện Hoa Đỏ mang màu sắc phiêu lưu dành cho tuổi mới lớn hay Hoa Tím dành cho tuổi mới lớn cũng thể hiện được vai trò rất quan trọng của cha mẹ đối với con cái.

Rồi văn hóa Nghe-Nhìn đang chiếm ưu thế hiện nay cũng vậy. Những nhạc phẩm về tình cha nghĩa mẹ ngoài đời chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với các thể loại khác. Phim ảnh cũng thế! Có khá nhiều phim (nhất là phim truyền hình) có bối cảnh gia đình, nhưng chỉ là để quảng cáo thời trang hay nội thất và bất quá chỉ diễn tả những xung đột của hai luồng tư tưởng, hai thế hệ… chứ không làm nổi bật vấn đề đạo lý. Chúng ta cũng không lạ gì khi phần đông các bà, các chị thích phim truyền hình Hàn quốc. Họ cũng văn minh, phát triển nhưng phim ảnh của họ vẫn thể hiện được những đạo lý phương đông trong bối cảnh gia đình. Mô hình “tam đại đồng đường” vẫn phát huy giá trị trong những tác phẩm điện ảnh của họ. Nhưng, tất nhiên, khi xem phim nước ngoài chúng ta chỉ có thể “cảm” chứ rất khó để “nhận” vì hoàn cảnh kinh tế, chính trị, văn hóa còn nhiều khác biệt!

3. Đạo Hiếu và Xã Hội:

Điều kiện sống tác động rất nhiều đến ý thức Đạo Hiếu! Tôi không dám lạm bàn về cách sống thực dụng hiện nay khiến con cái chỉ nghĩ đến việc chu cấp thay vì thăm nom cha mẹ; thậm chí, anh chị em phải “ăn đồng chia đều” trong việc chu cấp này. Tôi chỉ xin mạn phép đề cập đến một vấn đề khá bức xúc và nhạy cảm hiện nay là “kế hoạch hóa gia đình”. Tự thân việc này không xấu nhưng cách áp dụng nó đã gây nhiều hệ quả không hay. Giáo lý Công giáo vẫn khuyến khích người Kitô hữu phải có kế hoạch và trách nhiệm trong những việc mình làm. Tuy nhiên, với niềm tin Kitô giáo, chúng ta phải sẵn sàng đón nhận Thánh Ý trong từng hoàn cảnh. Vì thế, chương trình giáo lý Hôn nhân đã hướng dẫn cặn kẽ những phương pháp tự nhiên để hai vợ chồng có thể hạn chế con cái mà vẫn tôn trọng nhau và khuyến khích giữ đức khiết tịnh trong đời sống gia đình. Thế nhưng, ngoài xã hội thì đầy dẫy những áp-phích quảng cáo bao cao su, vòng tránh thai .v.v… Ủy ban KHHGĐ đến từng nhà để yêu cầu ký cam kết về biện pháp tránh thai.

Những mỹ từ như “hút điều hòa” đã mặc nhiên công nhận việc phá thai là một phương pháp cần thiết bất chấp đạo đức! Thay vì giáo dục đạo đức, xã hội chỉ tìm cách đối phó với những hệ quả của nếp sống thiếu đạo đức. Những đứa con đã nhìn cha mẹ bằng cặp mắt khác đi khi mà đời sống tình dục của cha mẹ (việc mà trước đây chỉ nghĩ tới thôi, chúng tôi đã mang nặng mặc cảm tội lỗi) nay vô tình được phơi bày - trực tiếp hay gián tiếp - qua các phương tiện thông tin đại chúng. Thêm nữa, từ việc chỉ có 1-2 con, người ta chỉ lo chăm chút cho đứa con mà quên đi sự hiện diện của cha mẹ. Giá trị của đứa con được nhân lên bao nhiêu lần thì giá trị của cha mẹ cũng bị hạ thấp đi bấy nhiêu lần. Có khi, chính cha mẹ lại trở thành vật cản lớn trong việc chăm sóc con cái. Chuyện Quách Cự đành hy sinh đứa con 3 tuổi để phụng dưỡng mẹ già trong Nhị Thập Tứ Hiếu chỉ còn là… chuyện của bác Ba Phi!

4. Đạo Hiếu và Chủ Nghĩa Hưởng Thụ:

Nền văn minh và kinh tế phát triển kéo theo nhu cầu hưởng thụ, một nhu cầu có thật đã được các chiến thuật gia quảng cáo tận dụng tối đa để phát triển thị phần. Những giá trị cao cả của sự hy sinh đã lùi vào dĩ vãng nhường chỗ cho nhu cầu chăm chút bản thân. “Đời ngắn quá, không hưởng thì phí!” – đó là câu nói cửa miệng ta thường nghe hiện nay. Trong các phim HK hay sử dụng câu nói mà nhiều người thường nhắc lại một cách tâm đắc: “Người sống không vì mình thì trời tru đất diệt”. Vị tha thành quân tử dại, vị kỷ mới là quân tử khôn?!? Lòng hy sinh đã không được ai khuyến khích, lại bị cho là gàn dở! Mackeno trở thành châm ngôn trong việc đối nhân xử thế.

Tôi nhớ lại chuyện cách đây vài mươi năm, một anh bạn lãnh tháng lương đầu tiên liền mua cho cha mẹ anh mỗi người một đôi dép nhựa, chỉ vì cha mẹ anh mang đôi dép cao su bị “ăn chân” (dị ứng). Chuyện như thế rất bình thường ở thế hệ chúng tôi, thuở ấy lương chúng tôi không nhiều, chỉ vừa đủ sống một cách dè sẻn nhất cho cá nhân mình; nên chi, có ai dám mơ mua một món quà gì to lớn cho cam! Và hầu hết chúng tôi đều ôm ấp giấc mơ mua cho cha mẹ một thứ gì đó vừa túi tiền bằng tháng lương đầu tiên của mình. Vừa là một cử chỉ thể hiện nghĩa hiếu của mình đối với công sinh thành dưỡng dục; lại vừa là một niềm tự hào sâu kín về sự trưởng thành của bản thân. Hôm nay, hầu hết các bạn trẻ đều dùng tháng lương đầu tiên để sắm áo quần, giày dép hoặc “nâng cấp” điện thoại để… khẳng định mình! Cũng dễ hiểu thôi, vì trong thời đại “hiện đại hóa” từng ngày, con người xét nét nhau theo ngoại hình nhiều hơn nội tâm. Nhu cầu tạo ấn tượng để dễ dàng hòa nhập và thăng tiến là một thực tế bức thiết và khắc nghiệt đối với nhiều người! Đến khi nhu cầu “tự trang bị” không còn bức thiết nữa thì người ta đã quá quen “sống vì mình” rồi. Lại phát sinh tư tưởng “tự thưởng” cho mình sau những ngày tháng làm việc mỏi mệt, căng thẳng, nhiều áp lực… Những cuộc liên hoan sang trọng, những chuyến xuất ngoại du lịch, một ngôi nhà tiện nghi, một trang trại ở miền quê để tĩnh dưỡng, điều chỉnh nhà cửa theo phong thủy, vân vân và vân vân… Đó là chưa kể việc lo cho con được những điều kiện sống và học tập tốt nhất (kể cả du học nước ngoài) để có thể trở thành “danh gia vọng tộc” đời mới! Có thể nói, nhu cầu của con người là vô giới hạn! Ít ai nghĩ đến ý nghĩa cao cả của 2 chữ “Hy Sinh” và những hạnh phúc mà nó mang lại. Câu chuyện “Quả Cam” đã gây xúc động cho chúng tôi một thời, nay nhớ lại, tôi chợt nghĩ: Giá như gia đình nọ thuộc loại khá giả thì hẳn là họ đã có vài chục cam trong tủ lạnh. Họ có cảm nếm được mùi vị của hạnh phúc khi trái cam mang thông điệp hy sinh lần lượt chuyền từ bố, con, bà nội, mẹ rồi lại trở về tay bố không nhỉ?

5. Đạo Hiếu và Tôn Giáo:

Có thể nói, tôn giáo nào cũng đề cao đạo hiếu, bởi vì đó chính là nền tảng của các giá trị nhân văn. Riêng Công giáo, Đạo Hiếu được đưa vào ngay giới răn đầu tiên trong 7 giới răn đối nhân (chỉ sau 3 giới răn đối với Thiên Chúa): Thứ tư, thảo kính cha mẹ. Trong suốt Thánh kinh Cựu Ước, chúng ta cũng nhận thấy hình ảnh cha mẹ được tôn vinh, vì Chúa muốn dùng hình ảnh cha mẹ thế gian để mạc khải về Cha trên Trời và bổn phận của chúng ta đối với Người. Ngay như Chúa Giêsu - trong suốt cuộc đời rao giảng đã hết sức giới thiệu về một người Cha trên Trời cao cả xứng đáng cho ta bỏ cả cha mẹ trần gian để theo đường công chính Người - lúc sắp trút hơi trên Thánh giá, cũng đã trao Mẹ Người cho Thánh Gioan chăm sóc. Đạo Công giáo với 4 đặc tính: Duy nhất, Thánh thiện, Công giáo và Tông truyền là bất biến. Xã hội có thể thay đổi nhưng Đạo chúng ta không thể đổi thay.

Chính vì thế, vai trò của Đạo đối với chữ Hiếu là không thể phủ nhận. Chỉ có Đạo mới mong cải thiện được tình trạng sa sút của chữ Hiếu hiện nay. Tiếc thay, lắm lúc ta cứ lo chăm chút cho Đạo mà quên mất Hiếu! Trong khi, chính Hiếu mới là nền tảng cho Đạo. Có Hiếu mới có Đạo, ai không có Hiếu thì không thể có Đạo. Ở các lớp giáo lý, các em hay bị căn vặn một tuần đi lễ mấy lần, hoặc bao lâu xưng tội một lần. Ít thấy ai hỏi: “Ở nhà, em cãi lại cha mẹ mấy lần? Không vâng lời cha mẹ mấy lần? Có giúp đỡ cha mẹ không? Có quan tâm, chăm sóc cha mẹ không?” Trong các cuộc thi giáo lý cũng vậy, toàn những câu hỏi “đánh đố” về kiến thức Kinh thánh nọ kia mà không hề hỏi một câu trong sách Huấn Ca viết về đạo hiếu. Một vài nơi, cha sở có “máu văn chương” một chút thì cũng tổ chức những cuộc thi Thơ - Văn nhân dịp Giáng sinh, Phục sinh, Lễ Bổn Mạng, Tết… Họa hoằn lắm mới có một cuộc thi Viết về Cha Mẹ! 

Tôi biết có một em nọ không được vào lớp Giáo lý chỉ vì không tuân thủ Nội quy: Phải mang dép có quai hậu cho nghiêm túc. Không ai chịu khó tìm hiểu một thực tế rằng: Em mồ côi cha, mẹ em đi cắt cỏ thuê nên nhiều lần, em không dám xin vì sợ mẹ… khổ! Khi cha xứ biết chuyện, ngài phân trần: “Vì ở trường cũng đã có quy định này, nên tôi chỉ muốn các em sử dụng đôi dép sẵn có. Không lẽ đi học ở trường thì nghiêm túc, còn đi học Giáo lý lại lôi thôi?” Cha phải ngồi trong phòng soạn bài giảng nên không hề biết thực trạng “tái mù chữ” của xã hội Việt nam hiện nay, và em bé kia là một điển hình. Em đã phải nghỉ học khi hết lớp 4 vì nhà không có điều kiện! Chỉ riêng một điều “sợ mẹ khổ” của em cũng đủ để hơn hẳn nhiều bạn khác cùng trang lứa. Tôi nghẹn ngào mường tượng cảnh Chúa Giêsu kéo em vào lòng: “Hãy để em đến gần ta” và “Nếu các ngươi không như trẻ này sẽ không thể vào nước Thiên Đàng.” Thế mà lại bị cấm vào lớp Giáo lý!?!




Kết: 
Hơn lúc nào hết, Đạo Công giáo chúng ta cần phải nhập cuộc để tái thiết nền tảng Đạo Hiếu trên quê hương. Hàng giáo phẩm, tu sĩ, thừa tác viên và giáo dân phải cùng hợp lực để bổ sung những thiếu sót về Đạo Hiếu của xã hội chứ không phải chỉ ngồi phê phán. Đưa Đạo Hiếu vào chương trình giáo lý, sưu tầm những câu chuyện về Đạo Hiếu, quảng bá những ấn phẩm viết về Đạo Hiếu, tổ chức những cuộc thi viết, thuyết trình và cả thực hành Đạo Hiếu ở các giáo xứ, các chủng viện, các tu hội, các đoàn thể; tôn vinh những gương sống Đạo Hiếu nhằm tạo nên những hình tượng đáng ngưỡng mộ trong lớp trẻ hiện nay… Từ nền tảng đó, chúng ta mới mong xây dựng Nước Thiên Chúa giữa trần gian này. 


  Pio X Lê Hồng Bảo

Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2011

ĐTC: Can đảm mạnh mẽ sống niềm tin và hy vọng nơi cuộc sống vĩnh cửu

Linh Tiến Khải11/2/2011

VATICAN - Khi đến thăm các nghĩa trang để cầu nguyện cho những người đã chết với lòng yêu thương trìu mến, chúng ta được mời gọi can đảm mạnh mẽ canh tân niềm tin của chúng ta nơi cuộc sống vĩnh cửu, sống niềm hy vọng cao cả và làm chứng cho niềm hy vọng đó trước thế giới: đàng sau hiện tại không có sự hư vô, nhưng có cuôc sống vĩnh cửu.


Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trong buổi tiếp kiến chung 8.000 tín hữu hành hương tại đại thính đường Phaolô VI trong nội thành Vaticăng sáng thứ tư 2-11-2011.



Nhân ngày lễ kính các Đẳng linh hồn, trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã gợi lên vài tư tưởng liên quan tới cái chết và cuộc sống mai sau. Ngài nói: Đối với kitô hữu cái chết được soi sáng bởi sự phục sinh của Chúa Kitô, và ngày lễ kính các đẳng linh hồn là dịp để họ canh tân niềm tin nơi cuộc sống vĩnh cửu.



Trong các ngày của tháng 11 cầu nguyện cho các đẳng linh hồn tín hữu có thói quen đến mghĩa trang viếng mộ các người thân và bạn bè để bầy tỏ lòng thương mến đối với họ, đễ cảm thấy họ vẫn còn gần gũi và qua đó nhớ lại một tín điều của Kinh Tin Kính: đó là trong sự hiệp thông của các thánh có một mối dây nối kết những người còn đang lữ hành trên trần gian này và biết bao nhiêu anh chị em đã đạt cuộc sống vĩnh cửu.



Con người đã luôn luôn lo lắng cho các kẻ đã chết, và tìm cách cho họ một cuộc sống thứ hai qua sự chú ý, chăm nom và lòng thương mến. Trong một nghĩa nào đó, người ta muốn duy trì kinh nghiệm sống của họ, họ đã sống thế nào, đã yêu thích những gì, đã sợ hãi những gì, đã hy vọng những gì đã ghét bỏ những gì, chúng ta có thể khám phá ra từ các ngôi mộ đầy các kỷ niệm ấy. Chúng như là một tấm gương phản ánh thế giới của những người đã chết.



Tại sao vậy? Bởi vì mặc dù cái chết thường là một đề tài cấm kỵ trong xã hội của chúng ta, và người ta thường liên tục cố ý lấy khỏi tâm trí chúng ta ý tưởng về cái chết, cái chết liên quan tới từng người trong chúng ta, liên quan tới con người thuộc mọi thời đại và mọi nơi chốn. Chính trước mầu nhiệm ấy chúng ta tất cả tìm kiếm một cái gì đó mời gọi chúng ta hy vọng, cả khi một cách vô thức, một dấu hiệu trao ban ủi an cho chúng ta, mở ra mở một chân trời nào đó, cống hiến một tương lai nào đó. Thật ra, con đường của cái chết là một con đường của niềm hy vọng, và bước đi trong các nghĩa trang cũng như đọc những gì viết trên các nấm mộ là bước đi trên một con đường được ghi dấu bởi niềm hy vọng của sự vĩnh cửu. Thế nhưng tại sao chúng ta lại cảm thấy sợ hãi trước cái chết? Đức Thánh Cha trả lời như sau:



Có nhiều câu trả lời: chúng ta sợ hãi trước cái chết, bởi vì chúng ta sợ hãi sự hư vô, sợ hãi cuộc ra đi về một cái gì mà chúng ta không hiểu và không quen hiết. Và khi đó trong chúng ta có ý thức khước từ, bởi vì chúng ta không thể chấp nhận rằng những gì là xinh đẹp và cao cả đã được thực hiện trong toàn cuộc sống bất thình lình bị xóa bỏ và rơi vào vực thẳm hư không. Nhất là chúng ta cảm thấy rằng tình yêu nhắc tới và đòi hỏi sự vĩnh cửu, và chúng ta không thể chấp nhận rằng nó bị hủy diệt bởi cái chết trong một chốc lát.



Đức Thánh Cha nói tiềp trong bài huấn dụ: chúng ta còn sợ hãi trước cái chết, bởi vì khi chúng ta ở vào cuối cuộc sống, thì trực giác được sự phán xử đối với các hành động của chúng ta, đối với cung cách sống của chúng ta, nhất là những điểm tối, mà với sự khéo léo chúng ta thường lấy đi hay tìm cách lấy đi khỏi lương tâm chúng ta. Chính vấn đề đề phán xử thường được hiểu ngầm dưới việc săn sóc của con người thuộc mọi thời đại đối với người chết, dưới sự chú ý đối với những người đã có ý nghĩa đối với họ nhưng lại không còn bước đi bên cạnh họ trên con đường đời sống ở trần gian này nữa. Trong một nghĩa nào đó, các cử chỉ âu yếm, yêu thương bao bọc người chết là một kiểu che chở họ trong xác tín rằng chúng có hiệu qủa đối với sự phán xử. Điều này chúng ta có thể nhận ra trong đa số các nền văn hóa làm thành đặc tính lịch sử con người.



Ngày nay bề ngoài, xem ra thế giới đã trở thành lý sự hơn, hay đúng hơn có khuynh hướng phổ biến cho rằng mọi thực tại đều phải được đương đầu với các tiêu chuẩn của khoa học thực nghiệm; và kể cả cái chết cũng phải trả lời không phải với đức tin cho bằng khởi hành từ các hiểu biết thực nghiệm. Nhưng người ta lại không chú ý đủ rằng chính trong kiểu này mà sau cùng con người rơi vào các hình thái của thuyết thần thông học, trong việc tìm tiếp xúc với thế giới bên kia cái chết, hầu như bằng cách tưởng tượng ra là có một thực tại, sau cùng là một bản sao của cuộc sống hiên nay. Tiếp đến Đức Thánh Cha xác định ý nghĩa của lễ Các Thánh Nam Nữ và lễ các Đẳng linh hồn như sau:



Các bạn thân mến, lễ Các Thánh và lễ Tưởng niệm mọi tín hữu đã qua đời nói với chúng ta rằng chỉ có những ai thừa nhận một niềm hy vọng lớn lao trong cái chết, mới có thể sống một cuộc sống bắt đầu bằng sự hy vọng. Nếu chúng ta chỉ giản lược con người vào chiều kích hàng ngang, vào điều chúng ta có thể trực giác được một cách cảm nghiệm, thì chính cuộc sống sẽ mất đi ý nghĩa sâu xa của nó. Con người cần sự vĩnh cửu, và mỗi một niềm hy vọng khác đối với nó đều qúa ngắn ngủi, đều qúa hạn hẹp... Chỉ có thể giải thích được con người, nếu có một Tình Yêu vượt ngoài mọi sự cô đơn, kể cả sự cô đơn của cái chết, trong một sự toàn vẹn vượt ngoài không gian và thời gian. Con người chỉ có thể giải thích được và tìm thấy ý nghĩa sâu thẳm của nó, nếu có Thiên Chúa. Và chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã ra khỏi sự xa cách của Người để đến gần chúng ta; Người đã bước vào cuộc sống chúng ta và nói với chúng ta rằng: ”Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin nơi Ta cả khi chết cũng sẽ sống; ai sống và tin nơi Ta sẽ không phải chết đời đời” (Ga 11,25-26).



Đức Thánh Cha nói thêm: Chúng ta hãy nghĩ tới cảnh trên Núi Sọ và nghe lại các lời Chúa Giêsu, từ trên Thập Giá, nói với người tội phạm bị đóng đanh bên phải Người: ”Tôi bảo thật anh: hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng” (Lc 23,43). Chúng ta hãy nghĩ tới các môn đệ trên đường về làng Emmaus, sau khi đi một đoạn đường dài với Chúa Giêsu phục sinh, họ nhận ra Người và mau mắn trở về Giêrusalem để loan báo sự Phục Sinh của Chúa (x. Lc 24,13-35). Trong tâm trí họ vẳng lên rõ ràng lời của Thầy: ”Các con đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ; nếu không Thầy đã không bao giờ nói với các con: ”Thầy đi dọn chỗ cho các con” (Ga 14,1-2).



Thiên Chúa đã thực sự tỏ hiện ra và có thể đạt tới được; Người đã yêu thương thế gian ”đến độ ban Con Một mình, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Và trong cử chỉ tuyệt đỉnh của tình yêu của Thập Giá, bằng cách dìm mình trong vực thẳm của sự chết, Người đã thắng cái chết và sống lại Người cũng đã mở cho chúng ta cánh cửa của sự vĩnh cửu. Chúa Kitô nâng đỡ chúng ta vượt qua đêm đen của cái chết mà chính Người đã đi qua; Người là Mục Tử, và chúng ta có thể tin cậy nơi sự dẫn dắt của Người mà không sợ hãi, bởi vì Người biết rõ đường đi, cả khi có phải qua tăm tối.



Mỗi Chúa Nhật khi đọc kinh Tin Kính, chúng ta tái khẳng định chân lý này. Và khi đến thăm các nghĩa trang để cầu nguyện cho những người đã chết với lòng yêu thương trìu mến, một lần nữa chúng ta được mời gọi can đảm mạnh mẽ canh tân niềm tin của chúng ta nơi cuộc sống vĩnh cửu, còn hơn thế nữa chúng ta được mời gọi sống với niềm hy vọng cao cả và làm chứng cho niềm hy vọng đó trước thế giới: đàng sau hiện tại không có sự hư vô. Và chính niềm tin nơi cuộc sống vĩnh cửu trao ban cho kitô hữu sự can đảm yêu thương trái đất này một cách mạnh mẽ hơn nữa, và làm việc để xây dựng một tương lai, và trao ban cho trái đất một niềm hy vọng chắc chắn, đích thật.



Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan và Ý, rồi ngài cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người

Linh Tiến Khải