Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

Làm hư con vì thói quen thiên vị

Khi cậu con thứ hai lên 2 tuổi, vợ chồng chị An Hạ (Biên Hòa, Đồng Nai) luôn trở thành trọng 
tài bất đắc dĩ để phân xử những trận chiến xảy ra như cơm bữa giữa hai đứa con cách nhau 3 tuổi.

Nhiều buổi tối chuẩn bị bữa ăn, chị An Hạ vừa như muốn nổ tung đầu vì những lời mách tội không ngừng của con. Trong khi thằng anh la toáng: “Mẹ ơi! Em Bin cầm đồ chơi đánh vào người con”, thì cậu em cũng không vừa: “Mẹ đánh anh Hai đi, anh ấy quát con, không cho con chơi”. Thằng em sụt sịt, nước mắt ngắn dài, thằng anh giận dữ mặt đỏ gay, chờ mẹ phân xử. 

Chị An Hạ cũng như chồng, thường quay sang mắng cậu cả: “Con là anh, phải biết nhường nhịn em chứ. Cu Bin còn nhỏ, con phải hướng dẫn em chơi, không được mắng em nghe chưa!”. Cuộc chiến kết thúc, thằng em bao giờ cũng hả hê vì phần thắng luôn về nó, còn cậu anh thì ấm ức, hậm hực vì lúc nào cũng bị bố mẹ mắng, dù đúng cũng như sai. Nhiều lần lặp lại như thế, chị An Hạ phải gọi điện đến các chuyên gia tâm lý xin tư vấn về cách giáo dục để các con chị biết yêu thương, không xích mích với nhau nữa.

Tình cảnh như nhà chị An Hạ không phải là hiếm. Hầu hết các gia đình đều bênh vực đứa nhỏ khi có cuộc chiến xảy ra, rất ít bậc phụ huynh tìm hiểu kỹ nguyên nhân xung đột giữa hai đứa trẻ. Nhưng cách xử lý tình huống như thế sẽ gây ảnh hưởng xấu đến tất cả các con trong nhà. Các con sẽ không tâm phục bố mẹ, khi lớn lên, chúng tự xử lý với nhau. Thậm chỉ làm nảy sinh tâm lý anh có ác cảm với em. Còn ở đứa nhỏ lại hình thành tâm lý xem thường anh. Vì thế, khi con trẻ mâu thuẫn, bố mẹ phải tìm hiểu kỹ nguyên nhân, phân xử công bằng.

Để tránh mâu thuẫn nhỏ dồn lại hậu quả lớn, cha mẹ cần lưu ý những điều sau:
1. Không đổ oan, kết tội:

Trường hợp của vợ chồng chị An Hạ, nếu cha mẹ cứ luôn đối xử thiên vị như vậy đương nhiên nảy sinh tâm lý ghen ghét, tỵ nạnh giữa hai anh em, thậm chí còn ảnh hưởng lâu dài về sau. Người anh sẽ ít biết cảm thông chia sẻ với chính em ruột mình, đồng thời nếu bé gặp thất bại trong việc gì, nó thường sẽ đổ lỗi cho cha mẹ vì bản thân luôn bị thiệt thòi khi phân xử từ nhỏ. Chính vì vậy, cha mẹ không nên kết tội con khi chưa biết rõ nguyên nhân, tránh để trẻ lớn lúc nào cũng cảm thấy oan ức.
2. Tránh đặt các con vào tình huống khiến chúng tị nạnh, gây gổ:

Nếu các con gần bằng tuổi nhau, khi mua đồ chơi hay các vật dụng cho trẻ, phụ huynh cần mua các món đồ tương đương nhau, hoặc là khác nhau nhưng phải hướng dẫn để chúng chơi chung. Cha mẹ nên chỉ rõ đồ chơi nào cũng hấp dẫn, kích thích con trẻ khám phá thế giới đồ vật mà chúng yêu thích. Khi các con tranh giành, cha mẹ phải bình tĩnh, không nên vì quá bực mình mà phạt cả hai bé. Đồng thời phải kiên nhẫn để phân xử đúng, không phạt oan cho các con, dạy con biết cách thương lượng. Nhiều lần xử lý như thế, các con sẽ biết nhường nhịn và quan tâm nhau hơn.
3. Dạy trẻ biết yêu thương từ những việc làm cụ thể:

Cha mẹ phải biết tạo cho đứa lớn tâm lý háo hức chờ đón chăm sóc, che chở em bé từ khi đang còn trong bụng mẹ. Khi em bé còn nhỏ, phụ huynh hãy khéo léo nhờ đứa lớn một số việc như: hát ru em ngủ, chơi đùa với em, cùng mẹ cho em ăn, dỗ dành khi em khóc, … Đứa lớn sẽ rất tự hào với vai trò là người anh, người chị trong nhà, luôn cố gắng hoàn thành trách nhiệm lớn lao của mình mà không gây gổ với em nữa. Như vậy, ngay từ những năm đầu đời trẻ đã hình thành được trách nhiệm với thành viên trong gia đình. Lúc đầu có thể là thói quen nhưng được cha mẹ chỉ bảo, hướng dẫn trẻ sẽ hình thành tính tự giác và biết quan tâm, yêu thương.
4. Khen ngợi khi các con hòa thuận, tránh nuông chiều quá mức:

Cha mẹ hãy khéo léo động viên, khích lệ khi các con vui đùa, nhường nhịn nhau. Được cha mẹ khen các con luôn cố gắng để ngoan hơn. Dần dần trẻ sẽ có thói quen sống nhường nhịn, yêu thương, chia sẻ với mọi người.

Đồng thời, các bậc phụ huynh cũng không nên chiều chuộng con quá mức, hãy yêu thương nhưng không nhu nhược. Trong trường hợp của chị An Hạ cũng là một biểu hiện của sự nuông chiều đứa con thứ hai. Không phải bao giờ dành hết yêu thương cho con đều được đáp lại như thế. Bởi tình yêu thương không tự nhiên mà có, cũng phải khổ luyện học hành mới nên. Nhiều em nhỏ chỉ biết nhận tình yêu thương của mọi người dành cho mình mà không biết cho đi, chia sẻ những tình cảm đó. Dần dần, chúng nghĩ rằng mình là trung tâm của vũ trụ chỉ biết đòi hỏi, không biết quan tâm, chăm sóc người khác. Như vậy là cha mẹ vô tình hại con.
5. Cả nhà cùng vui:

Cha mẹ hãy tranh thủ thời gian cùng các con chơi đùa, qua đó, dạy con biết cách chia sẻ, giúp đỡ, nhường nhịn. Cha mẹ phải luôn là tấm gương tốt về yêu thương và hòa thuận để các con noi theo. Bầu không khí gia đình ấm áp sẽ giúp bé thấy được ý nghĩa cao quý của tình thân.

Lê Phạm Phương Lan
Giảng viên tâm lý học - Đại học Nguyễn Huệ

Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2011

Lễ Thành Hôn: Duy Mỹ - Xuân Thy

Đại gia đình NGUYỄN TỘC
chúc mừng lễ thành hôn
của Duy Mỹ - Xuân Thy
(Duy Mỹ  là cháu nội của Bà Năm - Ông Ngọc, 
thuộc chi Bà Nghị - Ông Liệu)



*

Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2011

Đạo ở đâu từ một vụ án giết người do chính người Công giáo gây ra

GHXHCG - Đăng ngày 18-7-2011 2:55 PM GMT+7 - Lượt xem: 1316

Một  vụ giết người mới đây, xẩy ra tại một xứ đạo thưộc huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai vào tối ngày 27.6.2011 đã làm cho nhiều người ngạc nhiên, thắc mắc: tại sao người Công giáo lại giết người một cách dễ dàng như thế!? Tin tức vụ án đó đã được VTC và nhiều mãng truyền thông khác đưa tin như sau:
Bị cấm yêu, giết mẹ bạn gái bằng 13 nhát dao
(VTC News) – Chỉ vì bị mẹ bạn gái ngăn cản, cấm yêu do tuổi còn quá nhỏ, Hiệp đã nhẫn tâm dùng dao đâm 13 nhát khiến bà Lộc tử vong khi được đưa đi cấp cứu. (http://www1.vtc.vn/giaoduc/310-291573/phap-luat/ban-tin-113/bi-cam-yeu-giet-me-ban-gai-bang-13-nhat-dao.htm)
VTC News cũng như nhiều báo đài khác đưa tin về vụ giết người như tường thuật ở trên, không còn là tin tức gây cho đọc giả bàng hoàng, sửng sốt. Giết người dưới nhiều hình thức khác nhau, với xã hội Việt Nam, xảy ra quá nhiều, rất nhiều, khoảng 22.300.000 tin tức liên quan đến ‘vụ án giết người ở Việt nam’ là kết quả tìm kiếm của google trên mạng, bạn nghĩ gì?
Vì việc giết người xảy ra quá nhiều và truyền thông đưa tin một cách vô tư nên bạn đọc ở  trong nước quá quen đến độ không cần bận tâm suy nghĩ, có chăng: “ôi, lại chuyện giết người”, thế thôi!
Tuy nhiên, vụ án giết người ở trên rất đặc biệt: hung thủ là một người Công giáo, một Giáo  lý viên được mọi người xem là hiền từ, đạo đức. Do vậy, thánh lễ tiễn đưa linh hồn người bị hại, thay vì những lời chia sẻ với thân nhân đang chịu đựng đau khổ tin tưởng vào mầu nhiệm Thương khó &  Phục sinh, thì linh mục chánh xứ, lại mời gọi cộng đòan “Hãy nhớ cầu xin Lòng Chúa Thương Xót cho linh hồn Matta, vì cái chết quá bất ngờ” và một lời nhắn nhủ của ngài có liên quan đến sống đạo “Giáo xứ chúng ta đã làm được rất nhiều điều tốt, được rất nhiều lời khen, nhưng chỉ một biến cố này thôi thì cần phải xem lại cách sống đạo của chúng ta, vậy, nếu ai có hỏi chuyện này thì xin đừng vui vẻ kể lại cho người ta nghe mà nên im lặng xem lại chính mình…” Lời nhắn nhủ đầy tinh thần trách nhiệm liên đới vừa mang tính xã hội vừa mang tính tôn giáo.
Giới hạn của một bài báo, chúng tôi chỉ muốn chia sẻ với bạn đọc Công giáo nói riêng về án mạng giết người do chính người Công giáo gây ra vừa qua, hễ mà gặp bất cứ người nào, ở đâu nơi huyện Long Thành, và dù quen hay không quen ở quán café vệ đường, tôi nghe người người nói: “Người Công giáo giết người!” Giết người không có gì lạ ở VN ngày nay, nhưng người Công giáo giết người thì là chuyện lạ (?) cũng đáng để quan tâm.
 Thứ năm chớ giết người!
CHỚ GIẾT NGƯỜI:
Điều thứ Năm trong Mười Giới Răn của Chúa.
Giáo lý Giáo hội Công giáo (GHCG) giải thích thế nào?
Điều thứ Năm được GHCG đề cập rất kỷ lưỡng ở Phần Ba, LUÂN LÝ KITÔ GIÁO, Bài 52 Điều răn thứ năm TÔN TRỌNG SỰ SỐNG (Sách GLGHCG do HĐGMVN biên soạn cho Giáo Dân Việt Nam).
“Chớ giết người”, giáo lý của Giáo Hội Công Giáo chẳng những đã xác tín: “Chỉ một mình Thiên Chúa mới là Chúa của sự sống ngay từ ban đầu cho tới lúc tận cùng của nó, bởi thế, không ai có thể tự cho mình có quyền trực tiếp hủy hoại một hữu thể con người vô tội, bất cứ trong hoàn cảnh nào” (x.SGLC số 2258), mà còn thẳng thắn tuyên bố: “Cố ý sát hại một người vô tội là trầm trọng phạm đến phẩm giá con người, phạm đến khuôn vàng thước ngọc, cũng như phạm đến cả sự thánh thiện của Hóa Công nữa. Luật cấm sát nhân có giá trị phổ quát, ở chỗ nó buộc mỗi người và mọi người phải tuân giữ, bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu” (x.SGLC số 2261).
Liên quan đến việc giết người vừa qua, chỉ xin trích dẫn nguyên văn những gì liên quan sự việc vừa qua được viết ở sách GLGHCG: (các dòng in chữ hoa do chúng tôi nhấn mạnh)
VÌ SỰ SỐNG CON NGƯỜI CẦN ĐƯỢC TÔN TRỌNG
Sự sống con người có giá trị linh thánh vì ngay từ khởi đầu, sự sống đã do chính Thiên Chúa tạo dựng, và mãi mãi có liên hệ đặc biệt với Đấng Tạo Hóa là cùng đích của nó. Câu chuyện Cain giết em là Abel cho thấy ngay từ đầu lịch sử loài người đã có cảnh máu đổ do huynh đệ tương tàn. Cựu ước luôn coi máu như dấu hiệu linh thánh của sự sống (x.Lv 17,14) và xác định rằng: "Ngươi không được giết người vô tội cũng như người công chính" (Xh 23,7). Giết người vô tội là xúc phạm nặng đến phẩm giá con người, và đến sự thánh thiện của Đấng Tạo Hóa.
Chúa Kitô đã nhắc lại lệnh truyền "Ngươi không được giết người" (Mt 5,21) và còn thêm rằng: "không được giận, ghét hoặc oán thù" (Mt 5,22). Người còn đòi môn đệ "nếu bị vã má phải, thì giơ luôn má trái nữa" (Mt 5,39) và "phải yêu cả kẻ thù" (Mt 5,44). Chính Người cũng đã không tự vệ khi bị bắt trói và còn bảo ông Phêrô "cất gươm vào vỏ" (MT 26,52).
TỰ VỆ CHÍNH ĐÁNG MÀ PHẢI GIẾT NGỪƠI THÌ ĐÓ KHÔNG PHẢI LÀ TỘI
Yêu mến bản thân là một nguyên tắc căn bản của luân lý. Ta có quyền chính đáng để đòi hỏi mọi người phải tôn trọng quyền sống của ta. Nếu vì bảo vệ sự sống mình mà phải giết kẻ gây hấn, thì không phạm tội giết người. Sự tự vệ chính đáng nầy không những là một quyền mà còn là một bổn phận cốt yếu của những ai có trách nhiệm đối với sự sống người khác, đối với lợi ích chung của gia đình hay xứ sở. Để bảo vệ lợi ích chung của xã hội, họ phải làm cho kẻ gây hấn không thể tác hại nữa.
Giáo huấn truyền thống của Hội Thánh công nhận rằng chánh quyền hợp pháp có quyền và bổn phận trừng phạt tùy theo tội nặng nhẹ, và trong các trường hợp tội rất nặng thì được phạt tử hình.Cũng vì lý do trên, các nhà cầm quyền được phép dùng võ khí để đẩy lui những kẻ gây hấn khỏi địa phương mình chịu trách nhiệm. Hình phạt có hậu quả trước hết là để bù trừ sự mất trật tự do tội gây ra. Nếu phạm nhân tự nguyện chịu phạt thì hình phạt có giá trị đền tội. Hình phạt còn có hậu quả bảo vệ trật tự công cộng và an ninh của mọi người. Sau hết, hình phạt cũng có giá trị sửa chữa, phải làm hết sức mình cho nó giúp phạm nhân đền bù tội (x.Lc 23, 40-41). Nếu chỉ dùng những biện pháp không đổ máu cũng đủ để bảo vệ trật tự an ninh thì nhà cầm quyền nên sử dụng, vì như thế phù hợp hơn với lợi ích chung và phẩm giá con người.
CÁC TỘI GIẾT NGƯỜI
1. Tội cố ý giết người: Ai trực tiếp và cố ý giết người là phạm tội nặng. Kẻ giết người cũng như kẻ cố ý cộng tác trong việc giết người đều phạm tội kêu oán thấu trời (x. St 4,10). Giết con cái, anh em, cha mẹ, người bạn hôn phối của mình là những tội nặng đặc biệt, vì cắt đứt cả tình nghĩa máu mủ tự nhiên. Ai cố ýgây chết cho người khác cách gián tiếp, nghĩa là để mặc cho người khác phải nguy tử, hoặc từ chối giúp người đang gặp nguy tử cũng phạm đến điều răn nầy. Trừ khi có lý do quan trọng (để mặc người khác chết đói mà không tìm cách giúp là tội nặng).
2. Phá thai
3. Làm chết êm dịu
4. Tự sát.” (hết trích)
Hành vi cố ý giết người, thông thường, phát xuất từ những mối hận thù, trong Tin Mừng khi nhắc giới luật ‘các người không được sát hại’ (Mt 5:21), Chúa Kitô muốn chúng ta sống bằng an trong tâm hồn và loại trừ nỗi giận dữ và niềm hận thù khát máu như là những gì vô luân. Giận dữ là ước muốn trả thù... Nếu giận dữ đến độ cố ý muốn giết hại hay gây trọng thương cho tha nhân thì trọng phạm đến đức bác ái; đó là một tội trọng. Chúa Kitô phán: ‘Ai giận dữ anh em mình thì sẽ bị luận phán’ (Mt 5:22)”. (x.SGLC số 2302)  “Mang lòng thù ghét nhau là việc nghịch lại với đức bác ái. Sẽ mắc tội thù ghét tha nhân nếu cố ý muốn cho họ gặp phải sự dữ. Thù ghét tha nhân là một trọng tội nếu muốn cho họ bị thiệt hại nặng...”. (x. SGLC số 2303)
Chúng tôi muốn nhắc đến GLGHCG về Điều răn thứ năm: CHỚ GIẾT NGƯỜI để bạn đọc không thắc mắc lúc ai đó ngạc nhiên, người Công giáo mà lại giết người!
NỖI ĐAU KHỦNG KHIẾP CỦA NGƯỜI TRONG CUỘC
Án mạng đã xẩy ra,  nạn nhân bị giết quá bất ngờ, để lại tổn thất lớn lao cho cả gia đình: chồng mất vợ, các con mất mẹ và hai cháu bé gái thêm một lần nữa, mất sự chăm sóc yêu thương cần có của tình mẫu tử  mà người chết (bà nội) của cháu đã thay cho mẹ chúng lo cho chúng. Phía gia đình gây ra án mạng: phải lo lắng bồi thường thiệt hại vật chất tinh thần cho gia đình bị hại, bồi thường nhân mạng, bồi thường tang đám; phải tiếp tục nuôi đứa con trai đầu lòng đang bị pháp luật trừng trị và hơn thế, phải mang tiếng xấu với dư luận.
Nạn nhân thì đã chết rồi, gia đình bị hại phải rộng lòng lắm mới sẳn sàng tha thứ cho kẻ đã nhẫn tâm cướp đi mạng sống của bà Lộc. Hung thủ giết người thì đang bị cách ly, chờ ngày luật pháp trừng trị, sống thì cũng như đang chết dần. Đó là nỗi khổ cả hai gia đình cùng gánh chịu. Xét cho cùng thì đều đáng thương, đáng được cộng đồng ôm ấp, chia sẻ nỗi đau khủng khiếp này.
Trong vai trò thay cho gia đình bên bị hại, tôi trực tiếp ngồi nghe những lời nói tận đáy lòng của thân nhân gia đình gây ra án mạng ngay tại nhà đám, tôi đã không thể nói gì khác hơn ngoài những lời động viên, ủi an. Bấy giờ, trước mặt tôi là hai khuôn mặt tiều tụy, một cụ ông già yếu, mái đầu đã bạc, ông ngồi gục mặt xuống bàn, thất vọng vì không ngờ cháu mình lại là tên sát nhân. Còn thân sinh em Hiệp, tuy còn trẻ nhưng thần sắc cũng chẳng khác gì cụ ông, anh thổn thức từng chữ, từng lời: “Vợ chồng em đã không ngờ Hiệp lại dám làm một việc tày trời như thế. Gia đình em có lỗi với tang quyến, với mọi người vì đã lỡ sinh một thằng con giết người. Bà đã chết và con em giờ đây thì cũng đang chết dần mòn trong trại B5, Xuân Lộc. Dẫu sao, nó là con của mình, chúng  em đã đến CA xin được gặp nó, năn nỉ  lắm họ mới cho gặp trong vài phút. Hai anh CA dẫn Hiệp ra với đôi tay đang bị còng. Hiệp suy sụp hoàn toàn, hai mắt Hiệp cứ trâng tráo nhìn thẳng vào em mà chẳng nhận ra bố nó, mãi tới lúc em nói “Con ơi, bố đây”nó liền gục đầu xuống trên người em kêu lên “Bố, bố” rồi CA bảo nó “hết giờ, vào đi thôi!”Còn hai vợ chồng em và cả bố em đang ngồi đây, đi đâu, làm gì cũng bị những cái nhìn soi mói, những lời nói đay nghiến ‘thằng con của anh, cháu của ông vừa giết người đó’ Mấy ngày nay bố em không dám bước chân ra khỏi nhà, không dám đi lễ nhà thờ. Ông sợ gặp gỡ, tiếp xúc, sợ ai đó hỏi chuyện cháu ông. Bố em lủi thủi nhốt mình ở nhà chẳng khác nào một tội nhân.”
Cái chết của bà Lộc đã xảy ra hoàn toàn không bình thường, vì vậy, nhà đám cũng là tâm điểm cho những lời ra tiếng vào của không ít người có đạo lúc họ đến một cách riêng tư hay đi theo cùng hội đoàn giáo xứ.
“Một con ngựa đau, cả tàu chê cỏ”, câu tục ngữ này, xem ra, nên áp dụng trong cảnh tang thương này. Người bị nạn thì đã chết rồi, cầu xin Lòng Chúa Thương Xót là việc phải làm của người có đạo cho linh hồn Mat-ta, nhưng cũng nên chia sẻ nỗi đau cho cả hai gia đình bằng lời cầu nguyện, bằng cái nhìn yêu thương tích cực: để bên gia đình bị hại sẳn sàng tha thứ, để bên gia đình gây ra án mạng vượt qua những mặc cảm tội lỗi, chẳng ai muốn biến cố này xảy ra. Ai đó sẽ nói, một xứ đạo giết người, người có đạo nghe có buồn không, cái chết này hẳn có liên hệ đến cách sống đạo của tôi vì mối tương quan cộng đoàn.  Lúc giảng cho tín hữu ngày lễ an táng, linh mục chánh xứ kể: “Tôi về tòa Giám mục nhân ngày lễ Cầu cho Linh mục, nhiều cha hỏi tôi chuyện giết người xảy ra giữa người có đạo và ngay chính trong xứ đạo, tôi chỉ biết cúi đầu xin cầu nguyện…”
KHI MỘT NGƯỜI CÔNG GIÁO LẠI LÀ GIÁO LÝ VIÊN GIẾT NGƯỜI NHẪN TÂM NHƯ BẢN TIN CỦA VTC THÌ ĐẠO Ở ĐÂU?
Câu chuyện đau lòng trên không còn là chuyện riêng, của hai gia đình đang chịu tổn thất, chuyện nhỏ của một xứ đạo ở thị trấn nhỏ bé, mà nó có liên quan ít nhiều đến đời sống đạo của người Công giáo Việt Namhiện nay.
Đã rất nhiều người không có đạo hỏi tôi câu hỏi trên. Đó cũng là câu hỏi hay, câu hỏi nhức nhối đối với các đấng bậc và tín hữu quan tâm đến đời sống biểu lộ đức tin sống động của người kitô hữu, nói cách khác, sống đạo trưởng thành.
Hiệp là một giáo lý viên - giáo lý viên là người thi hành một sứ mệnh quan trọng và siêu nhiên, được Chúa Kitô uỷ thác qua Giáo Hội. Giáo lý viên không chỉ là người dạy, nhưng trước hết là một chứng nhân (SGL 9,66), một chứng nhân tình yêu – Làm sao Hiệp lại dễ dàng ra tay sát hại một mạng người như vậy?
Nguyên nhân việc giết người của Hiệp như VTC đưa tin “Bị cấm yêu”, nếu chỉ vì nguyên nhân đó mà một em GLV làm sao lại dễ dàng giết người một cách nhẫn tâm như vậy? Vậy nguyên nhân sâu xa của nó ở đâu? Tìm ra nguyên nhân sâu xa này có thể ngăn ngừa việc ‘giết người một cách dễ dàng’ của chính người có đạo không?
Lạy Chúa, xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ” (Kinh Lạy Cha)
Ma quỷ có không? Có. Tin Mừng đề cập nhiều đến Ma quỷ, một đoạn văn rõ nhất : “Vừa trông thấy Đức Chúa GIÊSU, quỷ liền dằn vặt đứa bé dữ dội, đứa bé ngã ra, xùi bọt mép, lăn lộn trên đất. Đức Chúa GIÊSU hỏi cha nó rằng: “Nó bị như thế từ bao giờ?” Ông ta đáp: “Thưa từ lúc bé! Quỷ thường xô nó vào lửa, vào nước để giết nó. Nhưng nếu Thầy có thể làm được gì thì xin Thầy thương giúp chúng con”. Đức Chúa GIÊSU nói với ông: “Sao lại nói: Nếu Thầy có thể? Với kẻ nào tin, thì mọi sự đều có thể được”. Tức thì cha đứa bé khóc lóc kêu lên: “Thưa Thầy con tin, xin Thầy trợ giúp đức tin yếu kém của con”. Đức Chúa GIÊSU nạt thần ô-uế rằng: “Hỡi thần câm điếc, Ta truyền cho mi: Hãy xuất ra khỏi đứa bé và không được nhập vào nó nữa”. Sau khi kêu thét và dằn vặt đứa bé dữ dội, quỷ xuất khỏi nó và đứa trẻ ra như chết… Nhưng Đức Chúa GIÊSU cầm tay nó nâng dậy và đứa bé đứng lên. Khi Đức Chúa GIÊSU vào trong nhà, các môn-đệ hỏi riêng Người: “Tại sao chúng con lại không thể trừ quỷ đó được?” Đức Chúa GIÊSU đáp: “Loại quỷ đó không thể trừ được, nếu không cầu nguyện và ăn chay”
Ma quỷ thường hay dụ ngon dụ ngọt dưới mọi hình thức, ngay cả Chúa Giêsu nó cũng chẳng tha, nó cám dỗ Chúa ba lần sau khi Chúa ăn chay cầu nguyện 40 đêm ngày trong sa mạc (x. Mt 4,1-11)
Ma quỷ của thời hội nhập, của kinh tế thị trường hiện nay rất tinh vi, nó núp dưới vỏ bọc bên ngoài xem ra có vẻ đạo đức thánh thiện của nhà đạo. Đạo đức thánh thiện đến nỗi ở bài viết chia sẻ ngày đầu Xuân Tân Mão vừa qua, lm. Pascal Nguyễn Ngọc Tĩnh mượn cảnh xuân để nói hoa thật và hoa giả có ngay chính đời sống đạo, kết luận, ngài viết: “Chúa Giê-su mời chúng ta xem hoa. Tôi vừa cố gắng chỉ ra những bông hoa giả để đừng ai bị đánh lừa. Nhưng tôi cũng đã chỉ ra những bông hoa thật, thấp thoáng từ xa, rất xa, nhưng đầy hương sắc, hay những bông hoa ẩn khuất sau vách núi cheo leo, tất cả đều mời gọi chúng ta tin vào quyền năng của Thiên Chúa là Đấng làm chủ lịch sử, tin vào tình yêu của Thiên Chúa là Đấng không bỏ rơi bất cứ ai tin Ngài. Xin Ngài ban cho chúng ta một cặp mắt đức tin đủ sáng, đủ mạnh để nhận ra Chúa đang hiện diện và hoạt động trong thế giới hôm nay.” (Suy niệm ngày 01 Tết Tân Mão: Nhìn thấy Chúa hiện diện và hành động. Lm Nguyễn Ngọc Tĩnh)
Chưa có một thống kê chính thức về thực trạng sống đạo của người CGVN hiện nay, mới đây, tháng 6-2011 vừa qua, trong vòng 10 ngày, từ 16 đến 26-6-2011, báo Công Giáo và Dân Tộc đã thực hiện một cuộc thăm dò tìm hiểu nhỏ về vài khía cạnh sống đạo của giới trẻ công giáo trong độ tuổi từ 18 đến 30 đang sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tác giả của bảng thăm dò này là 313/350 người đã trả lời 13 câu hỏi liên quan đến sống đạo, trong đó: Giới tính : Nam 39%, nữ 61%,  Nguồn gốc : Tp. Hồ Chí Minh : 57,8%, nhập cư : 42,2%, Trình độ văn hóa : Cấp I : 0,3%, cấp II : 7,3%, cấp III : 24,6%, đại học : 64,9%, sau đại học : 2,9%,Tình trạng hôn nhân : Độc thân : 89,5%, đã có gia đình : 10,5%, Nghề nghiệp : Có việc làm : 36,7%, chưa đi làm : 63,3%. Bảng thăm dò phần nào đó đã đã phản ảnh một thực trạng theo đạo mang tính truyền thống hơn là phản ảnh đời sống đạo có một đức tin trưởng thành (x. (Tuần báo Công Giáo và Dân Tộc, số 1815-1816, ngày 8-7-2011, trang 34-37)
Lm. Lê Thanh Hoàng đặc trách Ủy ban Giáo dân địa phận Huế rất tha thiết với việc sống đạo trưởng thành, tháng 10. 2010 trong dịp vào Tp. HCM gặp gỡ một nhóm nhỏ anh chị em trí thức đang công tác việc đời việc đạo, gởi đến chúng tôi những suy tư của ngài qua bài viết tựa đề: “Nhìn lại Quá khứ,Hiện tại để xây dựng Giáo hội Tương Lai : Giáo hội Hiệp thông, dẫn đến Sứ vụ” ngài phản ảnh đời sống đức tin hiện tại như sau : “Người Công giáo VN chưa sống đức tin một cách trưởng thành. Nhan nhãn các dấu chỉ quan sát được trong các giáo xứ chung quanh việc đi lễ ngày Chúa nhật (vội vã, hững hờ, máy móc, chiếu lệ...) ; Nơi đời thường trong các thôn xóm, giữa tập thể đa phần công giáo (chữi rủa, đánh bậy, nói tục, gian dối, hàm hồ, thù oán ... nói chung tác phong, lời nói, giống như lương dân). Giữ đạo một cách máy móc hình thức... Đây là một chứng từ của Giáo sư Nguyễn Khắc Dương: “Hình như người Công giáo VN chỉ mới có lòng sùng đạo, có thể là quảng đại, sẵn sàng hy sinh tài sản, thì giờ, sức lực, nhưng mới chỉ là giữ đạo chứ chưa thể hiện đạo, nghĩa là chỉ đặt nặng về phụng tự và luân lý, giữ luật chứ ít thấy có một đời sống nội tâm thiêng liêng sâu sắc.  (“Quia respexit humilitatem meam”, Thế Tâm, 1997, tr.176).
(…) Vì người công giáo VN được thừa hưởng đức tin như một di sản của gia đình và giáo xứ. Sống trong truyền thống của giáo xứ, với việc giáo dục đức tin của gia đình, đức tin được chuyển qua cho mỗi cá nhân như một cái khung giữ đạo. Chương trình giáo lý cơ bản cũng chỉ để giúp các em giữ đạo đừng sai sót. Xem bản xét mình lớp vở lòng, thường nặng phần luật lệ, luân lý. Chỗ duyệt lại đức tin của mình là ở lớp bao đồng. Nhưng các lớp nầy cũng không dạy đến nơi đến chốn, mà mới chỉ dạy cho “đi theo” tập thể. Những lớp cơ bản nầy chưa kịp tạo nên một xác tín cá nhân thì đã hết thời huấn luyện. Tuổi trẻ vào đời khi chưa trưởng thành tâm linh. Như vậy, Gia đình và giáo xứ truyền lại cho các thế hệ một đức tin gọi là đức tin truyền thống (foi de tradition), nhấn mạnh đến đời sống phụng tự, luân lý. Giữ đạo nhờ sự bao bọc chở che của gia đình và giáo xứ.
Đối với những định chế Giáo hội cổ điển, giáo hữu ngày xưa tưởng chừng không đòi hỏi gì khác ngoài việc làm đúng với nghi thức, thủ tục, thì bây giờ cần được canh tân, chỉnh đốn lại. Điều mà trước đây chỉ cần duy trì một cách tự dộng thì nay phải được “chọn”. Cần một sự xác tín cá nhân, gọi là đức tin xác tín cá nhân (foi de conviction).
Cách riêng với GLV, lm nhận xét: “Giáo Lý Viên : không được đào tạo bài bản mà chỉ được đào tạo cách sơ sài; thậm chí có người không được đào tạo chi cả. Chưa thấy có một Trường Đào Tạo Giáo Lý Viên ở Giáo Phận nào, trong khi có nhiều Đại Chủng Viện (đào tạo linh mục triều), nhiều Học Viện, Kinh Viện, Nhà Tập, Nhà Thử (đào tạo các tu sĩ và linh mục Dòng).
Năm 2008: tổng số dân Việt Nam là 86,160,000 người. Công giáo là 6,187,486, chiếm tỷ lệ 7.18%, trong đócó 3,541 linh mục, 1,480 chủng sinh, 2,125 chủng sinh dự bị, 1,914 tu sĩ nam, 13,838 tu sĩ nữ, 56,698 giáo lý viên (Nhìn Lại Sứ Mạng Truyền Giáo Trong 50 Năm Qua và Hướng Ðến Tương Lai - Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn) Số liệu cho thấy số tín hữu rất đông kể cả GLV. Số hàng linh mục, tu sỹ, cách riêng lm triều gần gủi với người tín hữu đã làm gì để giúp người tín hữu sống đức tin trưởng thành?
Một thực tế giữ đạo đáng buồn đã được phản ảnh “Tại nhiều nơi, trong một số Giáo phận, đời sống đạo được phát triển theo chiều hướng lễ lạc long trọng; nhiều sáng tạo trong câu kinh tiếng hát, lễ nghi rước sách, cung giọng lên xuống, kèn trống cờ quạt… chủ yếu chỉ để thêm long trọng chứ không phải để công bố ơn Cứu Độ và nuôi dưỡng đời sống đức tin của người tín hữu. Ngay cả thực tại đầy cứu độ như thánh lễ, nhiều khi, cũng chỉ được diễn tả và cảm nhận theo chiều kích danh giá: thánh lễ đồng tế long trọng; sự hiện diện của các đấng bậc mang lại vinh dự cho giáo xứ, cho gia đình, những nghi thức long trọng…” (Lm Nguyễn Trong Viễn OP, Những căn bệnh trầm kha trong đời sống đức tin)
Trích dẫn những điều trên sẽ không thừa, nó có liên quan đến việc giết người của em Hiệp.
Đã có một kẻ hở rất lớn trong việc hướng dẫn sống đức tin để giúp em trưởng thành đúng nghĩa một người kitô hữu. Em đã thiếu đường hướng sống đạo mà Chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã vạch ra cho Giáo Hội và riêng mỗi một Kitô hữu, đó là: “Lời Chúa, Thánh Thể, cầu nguyện, và bác ái huynh đệ.” Đào sâu GLCG là việc mà các linh mục phải làm cho người tín hữu. Đó không phải là GL của những bài học từ chương theo lối kinh bổn dành cho trẻ em. Mà là, GLCG đã được Giáo Hội dẫn giải chi tiết cho người trưởng thành (bài học về Điều răn thứ năm :Tội giết người chúng tôi trích dẫn ở trên, không biết mấy người tín hữu được học? hay chỉ cuốn sách được HĐGMVN in ra để ‘tùy nghi xử dụng!’)
SỰ DỮ ? nhiều lắm, nó trải rộng khắp hang cùng ngỏ hẹp, dưới vẻ hào nhoáng của truyền thông internet, dưới vỏ bọc của sự thánh thiện đạo đức… muôn màu muôn dạng.
Có ai ngờ một em GLV lại giết người. Có ai ngờ một giáo xứ từng được khen này nọ lại xẩy ra chuyện động trời đến độ cha xứ “gục đầu không biết trả lời làm sao” trước những chất vấn của nhiều linh mục khác.
Trách nhiệm liên đới đến vụ án này là kết quả truyền thông mang tính đồi trụy và bạo lực đã tác động đến suy nghĩ nông cạn của Hiệp; là của gia đình phía bị hại chưa thực sự quan tâm đến con cái lúc tuổi vừa mới lớn; là của cách theo đạo hơn sống đạo biểu lộ đức tin.
CUỐI CÙNG, KHI GIA ĐÌNH KITÔ GIÁO THỰC SỰ LÀ MỘT TỔ ẤM
Gia đình là một giáo hội thu nhỏ
Thân sinh em Hiệp nói: “Thế nào đi nữa nó là con mình, vợ chồng chúng em còn phải lo cho nó…” Tôi góp ý: “Anh chị có lo cũng chẳng được, nó là tù nhân rồi, hãy để thời gian, luật pháp giúp Hiệp làm lại cuộc đời. Cái đáng lo là lo cho các cháu còn lại. Anh chị hãy quan tâm đến chúng với tất cả tình yêu của người cha người mẹ, để làm sao, cho dù chúng đi đâu, làm gì chỉ nghĩ đến tổ ấm của anh chị…”
Xây tổ đã là khó, làm cho tổ ấm lên lại càng khó, nhưng gia đình khởi động bằng những việc làm, lời nói yêu thương thì xây tổ ấm không có gì khó cả. Nếu chuyện đau lòng vừa qua xẩy ra, có thể, gia đình cả hai phía: cái tổ của mình chưa ấm đủ.
Ngày hôm nay thực trạng đạo đức xã hội Việt Nam đang xuống cấp trầm trọng đến nỗi Đức cha Giuse Nguyễn Năng, Gm Phát Diệm, đã lên tiếng cảnh tỉnh trong Thư Mục vụ Mùa Chay 2011. Xin trích những lời cảnh báo của ngài :
“1. Thực trạng đạo đức trong xã hội hôm nay thế nào, anh chị em cũng đã thấy. Tinh thần thế tục ngày càng lan rộng trên thế giới và xâm chiếm tâm hồn nhiều người, nhất là giới trẻ. Người ta gạt Thiên Chúa khỏi đời sống của mình. Có thể họ không chối bỏ Thiên Chúa, nhưng sống như thể không có Thiên Chúa. Và một khi không còn qui chiếu về Thiên Chúa, họ lấy tự do của mình làm nguyên tắc sống và không muốn khép mình vào bất cứ một qui tắc đạo đức nào.
Con người của xã hội tục hóa chạy theo lạc thú, hưởng thụ, tiêu xài, coi trọng thân xác và vật chất hơn các giá trị tinh thần. Mối ưu tư hàng đầu của nhiều người là lo kiếm tiền, càng có nhiều tiền càng tốt. Người ta chạy theo lợi nhuận và muốn có tiền với bất cứ giá nào, thậm chí làm cả những điều phi pháp, bất công, bóc lột, giết người, đánh mất cả lương tri và xúc phạm phẩm giá con người. Có lẽ tội ác lớn nhất của một thế giới tục hóa là thảm trạng giết thai nhi ngày càng gia tăng một cách khủng khiếp.
2. Sống trong một bối cảnh như vậy, nhiều môn đệ Chúa Giêsu, ngay cả những người sống ơn gọi tận hiến, cũng chịu ảnh hưởng của tinh thần tục hóa và bị lôi cuốn vào kiểu sống thực dụng, coi thường đạo đức. Từ trong suy nghĩ, ước muốn, đến cách phản ứng, xử sự và hành động, nhiều tín hữu sống theo kiểu thế gian, chọn lựa theo tiêu chuẩn của thế gian, hoàn toàn khác với những điều họ tuyên xưng ngoài miệng.
Nơi các gia đình công giáo hôm nay, không phải là hiếm những người nghiện hút, chơi bời, cờ bạc rượu chè. Nhiều tín hữu cũng buôn bán lường gạt, bất công, bóc lột người khác. Tình yêu hôn nhân trở nên nhạt nhẽo nguội lạnh đưa đến cảnh ly dị ngày càng nhiều hơn. Tình trạng phá thai nơi các bà mẹ công giáo gia tăng, không thể thống kê chính xác. Cảnh đâm chém, đánh nhau, mối hận thù chia rẽ giữa các cá nhân hoặc giữa các gia đình trong giáo xứ cũng khá phổ biến. Nhiều người sống khép kín, ích kỷ, chỉ lo cho mình mà không nghĩ đến việc chia sẻ cho người nghèo.
3. Chúng ta thử hỏi tại sao đời sống của nhiều Kitô hữu đã xuống cấp, thậm chí đã biến chất như vậy? Tại sao một số người giờ đây chỉ còn là Kitô hữu trên danh nghĩa mà thôi? Đó là vì đời sống chúng ta chưa thấm nhuần tinh thần Phúc Âm, chưa biết sống Lời Chúa.
Trước đây anh chị em được khen ngợi là đã giữ đức tin vững vàng, ngay cả trong những giai đoạn khó khăn nhất. Nhưng vì thiếu linh mục, anh chị em ít có cơ hội được học hỏi Lời Chúa và đào sâu đức tin. Giờ đây, cuộc sống xã hội mở ra một giai đoạn mới và chúng ta phải đối diện với trào lưu tục hóa. Nếu bản thân mình không được trang bị ánh sáng của Lời Chúa và sức mạnh của ân sủng, chắc chắn chúng ta sẽ bị bão tố thế tục làm chao đảo và biết đâu có ngày sẽ quỵ ngã.
Bức tranh xã hội được phát họa trên không phải là một cái nhìn bi quan, một cái nhìn rất thực tế. Một xã hội phát triển đem lại cho gia đình cuộc sống sung túc, đó là tín hiệu tốt. Nhưng cuộc sống đầy đủ tiện nghi chưa hẳn đem lại cho gia đình hạnh phúc.
Gia đình là một tế bào sống động, được hình thành từ nền tảng yêu thương. Gia đình là chiếc nôi, nơi nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người ngay từ lúc đầu đời. Một gia đình yêu thương thực sự khi có nhiều nụ cười cho dù cười trong nước mắt. Gia đình đứng vũng được bằng trách nhiệm của người cha, người mẹ, vợ chồng, con cái, tất cả nổ lực để vun đắp thành tổ ấm. Chính tình yêu thương mà gia đình có thể vượt khó “Ba sông cũng lội, chín đèo cũng qua”, không đòi hỏi các thành viên gia đình phải làm điều chi lớn laomà là những hành động đơn giản như bũa cơm gia đình quây quần bên nhau; chồng vợ bớt chút thời gian quan tâm, sẻ chia, trò chuyện với nhau; cha mẹ hãy là những người bạn tâm giao của các con....thì chắc chắn hạnh phúc sẽ ngự trị, tràn ngập trong mỗi gia đình. Lúc nào mà tổ hết ấm, gia đình sứt mẻ, có vấn đề!
Gia đình là ‘một giáo hội thu nhỏ’, ‘giáo hội tại gia’ Giáo Hội Công giáo luôn mời gọi mỗi gia đình lấy khuôn mẫu gia đình Thánh Gia để sống. Gia đình  quan trọng thế nào nữa? “Là nơi con cái học những bài học đầu tiên và quan trọng nhất về sự khôn ngoan thiết thực, một sự khôn ngoan có liên quan đến các đức tính (x. Cn 1,8-9; 4,1-4; 6,20-21; Hc 3,1-16; 7,27-28). Đức Giêsu được sinh ra và lớn lên trong một gia định cụ thể, chấp nhận những đặc điểm của gia đình và đem lại cho gia đình định chế phẩm giá cao quý nhất, đó là biến gia đình thành một bí tích giao ước mới (x,Mt 19,3-9)” (câu số 210, Chương Năm: Gia đình, tế bào sống động của xã hội. Sách Tóm lược học thuyết Xã Hội  của GHCG , bản dịch Ủy ban Bác ái Xã hội thuộc HĐGMVN).
Vì tính cách quan trọng của gia đình, Tông huấn “Đời sống gia đình” Chân phước Giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã kêu gọi: “Vì thế, cần nhấn mạnh một lần nữa việc Giáo hội phải cấp bách can thiệp mục vụ để nâng đỡ gia đình. Cần phải cố gắng hết sức để ngành mục vụ gia đình được củng cố và phát triển, trở thành một ngành thực sự ưu tiên, vì chắc chắn trong tương lai, việc loan báo Tin Mừng tùy thuộc nơi Giáo hội tai gia.”
Có phải chăng, câu chuyện đau lòng ở một xứ đạo nhỏ là lời nhắc nhở “làm sao để sống đức tin một cách trưởng thành”. Từ cái chết của một bà mẹ, nhiều người nói “bà hy sinh cho con mình được sống” âu cũng là, con đường của Chúa là con đường cong, con đường của máu. Tôi tin Chúa đã thương xót bà, cái giây phút chuyển đi cấp cứu (bị đâm nhưng chưa chết hẳn), hai cô em hỏi ai giết bà, bà trả lời: “Hiệp”. Hai cô không hy vọng bà sống nữa, áp sát vào tai bà: “Chị có tha thứ cho Hiệp không?”, câu hỏi được hỏi hai lần, bà gật đầu… Cái gật đầu biểu lộ đồng tình một cách kỳ lạ ở giây phút cuối cùng!
Đình Vượng

Thứ Hai, 18 tháng 7, 2011

Vấn Đề “Sống Thử” Của Giới Trẻ Ngày Nay

        Nhân loại đang bước vào thế kỷ XXI, một kỷ nguyên đánh dấu bước ngoặt về kinh tế, khoa học và nhất là sự phát triển vượt bậc của ngành công nghệ thông tin đã làm cho cuộc sống con người ngày càng được nâng cao. Tiếc thay, những giá trị đạo đức đang bị xói mòn bởi chủ nghĩa thực dụng, duy vật chất, kéo theo đó là cả một hệ lụy. Hơn nữa, giới trẻ ngày nay quá lạm dụng tự do để chạy theo lối sống hưởng thụ, mà họ cho là hợp thời, sành điệu; họ bỏ qua những giá trị đạo đức là nền tảng cốt yếu của con người. Một trong những lạm dụng tự do, đó là “sống thử”. Vấn đề này không chỉ là sự lo lắng của các bậc làm cha mẹ mà còn là thách đố của các nhà giáo dục cũng như những người có trách nhiệm.
 1. Tình trạng “sống thử” của giới trẻ
        Trong những năm gần đây, ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp, đã xuất hiện một lối sống mới của giới trẻ: Những đôi nam nữ sống chung như vợ chồng không có đăng ký kết hôn. Sau một thời gian, nếu thấy phù hợp thì họ tiến tới hôn nhân chính thức, sẽ đăng ký kết hôn theo pháp luật. Còn nếu thấy không phù hợp, họ sẽ chia tay nhau, không cần đến pháp luật. Người ta gọi đó là “sống thử”. Hiện tượng “sống thử” hay còn gọi là “góp gạo thổi cơm chung” đã và đang trở thành một thứ “mốt” trong lối sống của giới trẻ hiện nay, không chỉ trong giới công nhân sống xa nhà mà còn cả ở những sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường. Theo thống kê của khoa xã hội học Đại học Mở TPHCM, năm 2010, có khoảng 1/3 các bạn trẻ sống thử trước hôn nhân: Lan, sinh viên năm thứ 2 trường Đại học Nông Lâm TPHCM, cho biết: “Ở xóm trọ của em, gần một nửa các bạn sống thử trước hôn nhân”. Tôi được một bạn công nhân chia sẻ, dãy phòng trọ của em có 10 phòng thì có đến sáu phòng “góp gạo thổi cơm chung”.
       Mặt khác, “sống thử” đa phần là học đòi theo mốt chứ chưa có định hướng tương lai là có lấy nhau hay không. Xét theo truyền thống đạo đức, thuần phong mỹ tục của Việt Nam thì “sống thử” là một lối sống không phù hợp, không nên khuyến khích, nó có tác động xấu đến đời sống và mang lại nhiều hậu quả đáng tiếc cho bản thân và xã hội. Đồng thời, “sống thử” khó được toàn xã hội chấp nhận, đó là lối sống sai lầm, buông thả, phóng túng, làm băng hoại các giá trị đạo đức truyền thống, là một biểu hiện của sự xuống cấp về đạo đức trong lối sống thực dụng ngày nay.
       Hơn nữa, “sống thử” còn là một trong những thực trạng của xã hội, nó đang có nguy cơ lan rộng như một “dịch bệnh”. Đối tượng được nói đến cách phổ biến, lại rơi vào các học sinh, sinh viên, công nhân, viên chức, hay người trẻ vốn phải sống xa nhà, thiếu thốn tình cảm, khó khăn trong cuộc sống nhưng lại chưa đủ bản lĩnh để bươn trải vào đời.Chuyện “sống thử”  trước khi quyết định tiến tới hôn nhân có thực sự là một giải pháp tốt để tiến tới một cuộc hôn nhân hoàn hảo hay nó chỉ là "cái bẫy của một quan niệm suy đồi trong lãnh vực hôn nhân"?
2. Nguyên nhân sống thử”  của giới trẻ
     Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng “sống thử”, nhưng vì giới hạn của bài viết, tôi chỉ xin nêu ra một vài nguyên nhân sau: 
   2.1 Nguyên nhân bản thân
         Do sống xa nhà, thiếu thốn tình cảm, thiếu vật chất, hoặc có thể vì đua đòi và đi theo não trạng sai lạc do chủ thuyết “duy thế tục” được tự do quảng bá dưới mọi hình thức trong đời sống xã hội. Một số bạn không thích kết hôn khi sự nghiệp chưa vững vàng và càng không thể để "Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy". Tư tưởng mạnh mẽ giúp họ cởi mở hơn trong quan niệm tình dục và không còn e dè dư luận xã hội trước kia. Theo tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, trưởng khoa tâm lý Đại học sư phạm TPHCM cho rằng: “Một trong những nguyên nhân dẫn đến giới trẻ sống trước hôn nhân là các bạn sống quá tự do, sống xa nhà, thiếu thốn tình cảm, sống buông thả”.
        Hơn nữa, nhiều bạn đã tự nguyện sống thử, đặc biệt là các bạn nữ sinh viên và công nhân. Các bạn thích một cuộc sống hưởng thụ, phóng đãng, không tôn trọng chuẩn mực đạo đức của cộng đồng hay luật lệ của tôn giáo. Rất nhiều bạn không những coi thường luật pháp và giáo luật mà còn tự hạ thấp nhân phẩm của mình, không coi trọng giá trị của đời sống gia đình, cho dù biết hành động mình đang làm là sai trái với chuẩn mực cuộc sống nhưng vẫn cố tình bước vào.
  
 2.2 Nguyên nhân từ gia đình
       Do cha mẹ sống không hạnh phúc, những cảnh xào xáo, chửi bới và cãi vã thường ngày trong gia đình chính là yếu tố làm cho giới trẻ không muốn nghĩ đến hôn nhân; ngược lại, coi hôn nhân như một sự ràng buộc, cùm kẹp, hoặc chỉ như cơ hội để người ta lợi dụng nhau. Đồng thời, do cha mẹ bồ bịch, mèo chuột, muốn “tìm của lạ” hoặc “ông ăn chả, bà ăn nem” nên không thể khuyên bảo con cái được. Cha mẹ lăng nhăng mà cấm con cái bồ bịch mới là chuyện lạ!
       Hơn nữa, cha mẹ không quan tâm đến đời sống và tình cảm của con mình, không động viên con cái sống lành mạnh, chỉ biết phó mặc cho nhà trường, thì làm sao chúng không hư hỏng? Theo thạc sĩ tâm lý nữ tu Hồ Thị Hạnh cho biết: “Do cha mẹ chỉ biết kiếm tiền, không quan tâm đến đời sống của con cái. Mà thực ra, cha mẹ đâu chỉ có kiếm tiền cho con là đủ mà còn phải biết đồng hành với con cái, nhất là ở lứa tuổi đang chập chững biết yêu”. Còn theo tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, trưởng khoa tâm lý Đại học sư phạm TPHCM thì cho rằng: “Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “sống thử” ở giới trẻ là do sự giáo dục của gia đình còn quá lỏng lẻo, ít quan tâm tới các em, nhất là lúc các em đang tuổi cặp kè yêu đương, các em muốn có người đồng hành để chia sẻ”[1].
 2.3 Nguyên nhân từ xã hội
       Do ảnh hưởng văn hóa Phương Tây tràn vào, nên tình trạng quan hệ tình dục và “sống thử” trước hôn nhân ở giới trẻ đang ở mức báo động. Nhiều bạn trẻ thật dễ dãi, cho rằng “việc đó” là bình thường, không ảnh hưởng gì. Theo tiến sĩ tâm lý Vũ Gia Hiền: “Việc các bạn trẻ “sống thử” trước hôn nhân không chỉ ảnh hưởng của văn hóa Phương Tây mà còn do lối sống quá dễ dãi của các bạn. Đồng thời, do ảnh hưởng của nền văn hóa “tốc độ”, một số bạn trẻ quan niệm về tình yêu “rất hiện đại” hay còn gọi tình yêu tốc độ”. Cách đây không lâu, tôi có dịp đến thăm các bạn sinh viên sống ở khu nhà trọ, tôi thật bất ngờ trong một dãy phòng trọ, có khoảng một phần ba các bạn “sống thử” trước hôn nhân, hay còn gọi là “góp gạo thổi cơm chung”.
       Hơn nữa, do ảnh hưởng của truyền thông, các bạn nghe nhạc, đọc tiểu thuyết, xem phim ảnh, tạp chí về yêu đương và cả những trang web về tình dục là điều không thể tránh khỏi. “Tai nghe không bằng mắt thấy”, có nhiều bạn trẻ vì tò mò “sống thử để biết”, và “sống thử vì thấy bạn bè mình có nhiều cặp cũng đang sống chung đấy thôi”. Tôi được một bạn sinh viên chia sẻ: “Phòng em có ba người ở, hai bạn của em có người yêu, em cảm thấy rất buồn và quyết định kiếm đại một người yêu để vơi đi nỗi buồn. Nhưng sau thời gian khi chiếm được thân xác em, anh ta đã cao chạy xa bay rồi”. Cách suy nghĩ mang tính trào lưu này khiến các bạn trẻ dễ thả mình theo sống thử, không thấy hợp thì chia tay, không còn xem trọng việc hệ trọng cả đời là hôn nhân và gia đình. Theo TS tâm lý học Trương Thị Bích Hà: “Do đến với nhau chỉ vì tò mò, vì tiết kiệm, vì người khác sống thử thì mình cũng sống thử và chỉ để thỏa mãn dục vọng nhất thời. Mặt khác, do hội nhập văn hoá làm cho giới trẻ sống “tây hoá” không còn biết đến nền tảng đạo đức của con người”.
3. Hậu quả của việc “sống thử”
       “Sống thử” mang lại nhiều khó khăn hơn những gì người ta tưởng tượng về nó, và thực sự, trong cuộc sống “thử” người ta cũng ít có trách nhiệm với nhau hơn. “Sống thử” là một cuộc sống không lâu bền vì hầu hết sau một thời gian sống chung tạm bợ, những va chạm trong cuộc sống hằng ngày dễ làm cho người ta chán nhau, nhất là những cặp sinh viên “sống thử” còn phải mang theo nỗi lo học hành, nỗi lo “cơm áo gạo tiền” thì càng bức bối. “Sống thử” rất bấp bênh, thiếu một mục đích cụ thể, do vậy khi gặp khó khăn, mâu thuẫn đáng ra có thể giải quyết được, thì hai người lại dễ buông xuôi và tan vỡ. Tâm lý “không hợp thì bỏ” khiến nhiều bạn trẻ thiếu trách nhiệm với bản thân, người yêu và tình yêu của mình, “cả thèm chóng chán” và mối quan hệ trở nên nhạt dần. Cuộc sống vợ chồng sẽ trở nên nhàm chán nhanh chóng nếu cả hai không nhận thấy trách nhiệm phải vun đắp cho mối quan hệ thì tất yếu là không vững bền.
         Hơn nữa, vì chỉ có hai người coi nhau là vợ chồng, còn xã hội và gia đình thì không, nên chẳng có ai giúp đỡ cho “vợ chồng” này khi gặp những khó khăn, trục trặc nhỏ trong tình cảm để nó không bùng phát thành mâu thuẫn lớn; chẳng có ai bảo vệ “gia đình” này khi có kẻ thứ ba dòm ngó. Và nỗi lo chẳng may có thai trước khi kết thúc giai đoạn “sống thử” sẽ khiến cho cuộc sống tình dục “vợ chồng thử” của các bạn trẻ không bao giờ có được niềm hạnh phúc tự nhiên như trong một cuộc hôn nhân hợp pháp. Rồi nhiều chuyện không mong muốn xảy ra như nạo phá thai, con cái sinh ra chưa được pháp luật công nhận và đặc biệt nó có thể kéo theo nhiều căn bệnh nguy hiểm và có thể gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống hôn nhân thực sự của các bạn sau này.
       “Sống thử” làm cho hai người biết quá rõ về nhau, nhàm chán và đơn điệu, chưa kể đến vấn đề “cơm áo gạo tiền”, những mâu thuẫn trong cuộc sống hằng ngày là điều không thể tránh khỏi. Khi các bạn chưa thực sự là của nhau thì việc chia tay là hoàn toàn có thể xảy ra. Tất nhiên, đám cưới chỉ là hình thức nhưng giấy tờ hôn thú là sự ràng buộc về giáo luật và pháp luật, đó là kết quả của một tình yêu chín muồi. Khi sống thật, các bạn trẻ sẽ sống có trách nhiệm hơn, yêu và tôn trọng nhau hơn. Chẳng hạn, một cuộc nghiên cứu của Trung tâm Hôn nhân và Gia đình tại trường Đại học Crieghton (Mỹ) cho biết, những đôi bạn sống chung trước khi thành hôn thường phải chịu đau buồn khôn khổ nhiều hơn bởi cách sống ấy, và cuối cùng dẫn tới tình trạng không ổn định trong đời sống vợ chồng. Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là những người đã chung sống trước hôn nhân như thế lại có khuynh hướng “cãi nhau liên miên” ngay sau ngày cưới.
     Một khi “sống thử” tan vỡ, bạn nữ chịu thiệt thòi đã đành, bạn nam cũng không phải không bị ảnh hưởng, mất mát về thời gian, sức khoẻ, tiền bạc, mất mát nhiều cơ hội trong cuộc sống… chia đều cho cả hai bên. Nhiều bạn gái gặp bế tắc sau khi “sống thử” đã tự tử. Tỷ lệ nạo phá thai ở Việt Nam gia tăng rất nhanh và hiện là một nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới, đóng góp không nhỏ là việc “sống thử” của các bạn trẻ. Họ còn chưa đủ tiềm lực về kinh tế, nhận thức về trách nhiệm và hậu quả còn nông cạn, thường cho rằng hiện đại là phải “sống thử”. “Sống thử” nhưng chia tay là thật, theo thống kê từ Bộ tư pháp Mỹ cho thấy trong vòng 15 năm qua, 86% các cuộc “sống thử” đã kết thúc bằng chia tay. Tiếp tục theo dõi 14% tiến đến hôn nhân thì tỷ lệ ly dị của những đôi này lại cao hơn những cặp trước đó đã ra sống riêng. Vì thế, có thể khẳng định “sống thử” không thể là bước đệm cho một cuộc hôn nhân bền vững.
Giáo sư xã hội học, bà Linda Waite, sau nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy đã cho biết:Những cặp chung sống gần như vợ chồng đã trải qua kinh nghiệm đau khổ như bị ngược đãi hay phản bội nhau mà hoàn toàn không nhận được sự trợ giúp nào từ gia đình đôi bên. Bà cho biết tiếp, 16% phụ nữ sống chung với bạn trai hay bị đánh đập vào những lần cãi vã, trong lúc chỉ có 5% phụ nữ bị đánh đập khi chung sống với chồng của họ.Những cặp khác, có con chung, không giáo dục nổi con họ vì họ không cảm nhận được ràng buộc thiêng liêng của vợ chồng thực thụ. Đặc biệt, người cha rất vô trách nhiệm, và sống bê tha, không chu cấp cho con mình, mà tự cho mình chỉ là "bạn trai" của mẹ đứa bé, và vô hình chung, người đàn ông đó đã chuyển trách nhiệm nuôi và dạy đứa nhỏ cho bà mẹ. Hơn nữa, bà còn cho biết, đời sống sinh lý của những người không phải là vợ chồng cũng không điều hòa như đời sống vợ chồng.
    3.1 Trả giá quá “lớn”
 Một phút vui chơi bên người mình yêu, bên tình nhân tưởng như đang ở thiên đường; những tháng ngày vắn vỏi bên nhau tưởng giúp con người thoải mái về tinh thần và thể xác, hay đáp  ứng cách trọn vẹn khao khát sống cho nhau. Nhưng hậu quả của nó mang lại rất lớn mà người trong cuộc thường không lường hết được. Đó là việc gia đình sau này lục đục, bất hòa… gây hoang mang tinh thần cho những người thân trong gia đình.
     Bên cạnh nỗi đau về tinh thần còn có nỗi đau về thể xác, hậu quả của người trong cuộc khó tiên liệu trong hiện tại, vì câu trả lời chỉ có trong tương lai. Có lẽ chỉ với những người đang và sẽ làm mẹ mới hiểu nỗi đau không thể sinh con mà hậu quả của những lần phá thai để lại; hiện tại họ không có lựa chọn nào khác hơn là phá bỏ cái thai, nhẫn tâm trở nên “thú dữ” với chính mầm sống đang từng ngày lớn lên trong bụng. Đó là giải pháp cuối cùng và tất yếu của cuộc ngoại tình, hôn nhân ngoài giá thú, hay “sống thử”, vội vàng “cho” để chứng minh tình yêu của cô gái, hay của những cuộc ăn chơi thác loạn…
        Một khi cuộc sống chung không xây dựng trên nền tảng vững chắc của gia đình, thì tất yếu sẽ dễ dàng đi đến chỗ rạn nứt và đổ vỡ với những lý do rất đời thường như: ghen tuông, không còn yêu nhau, hay không có trách nhiệm… Và đó cũng là nguyên nhân xảy ra những cuộc ẩu đả, bạo hành giữa vợ chồng với nhau… trước khi chia tay. Phần lớn người phụ nữ phải chịu nhiều thiệt thòi[2].
 3.2 Di chứng tương lai
Một khi “trao thân gửi phận” cho nhau nhưng không thành vợ thành chồng, cũng để lại nhiều vết thương lòng và tâm lý trong tương lai. Nhiều phụ nữ lỡ “trải nghiệm” trong quá khứ, thì tương lai phải đối diện câu trả lời về trinh tiết với người bạn đời hay khi yên bề gia thất, người cũ quấy rối, tống tiền; hoặc mặc cảm tự ty với gia đình... Tất cả điều đó, thường cản lối đến với cuộc sống tốt đẹp phía trước, và sự chọn lựa vì đó không được trọn vẹn. Và chắc chắn, không có cơ hội tận hưởng hạnh phúc, dù chỉ là những giây phút ngắn ngủi trong cuộc đời dương thế.
Tất cả những hậu quả đó, hơn ai hết, chính bản thân người trong cuộc sẽ phải gánh chịu, không chỉ ở thời gian hiện tại mà còn ảnh hưởng dài tới tương lai sau này. Hậu quả của việc “sống thử”, quan hệ trước hôn nhân sẽ dễ sinh nhàm chán và nếu có hôn nhân thì cuộc sống của họ thường không hạnh phúc và tiếp theo là một “lộ trình buồn”. Thật đáng tiếc cho giới trẻ ngày nay. Cái tai hại hơn và không đáng có, lại là nỗi bất hạnh của những đứa trẻ, có thể chúng sẽ không được thấy ánh dương mặt trời của sự “nhẫn tâm và tàn nhẫn” của cha mẹ; hay nếu được sinh ra thì cũng sẽ èo uột vì “thiếu vắng sự ấm áp” từ tình thương của cha hoặc mẹ. Và như thế, chúng sẽ là những đứa trẻ phát triển không bình thường về thể lý và tâm lý[3].
4. Để hạn chế việc “sống thử”
 4.1 Về phía bản thân
        Bản thân các bạn, nên cố gắng học hỏi, trau dồi kiến thức về tình yêu, về hôn nhân gia đình, không nên vì những lời ngon ngọt của người yêu mà bỏ qua những chuẩn mực, giá trị đạo đức của người Việt Nam. Các bạn gái phải tự biết bảo vệ cái quý giá nhất của mình. “Sống thử”, nếu “dính bầu” thì đơn giản là đi phá thôi sao? Đừng chỉ vì một giây phút nông nổi mà bạn phải ân hận suốt đời khi mất luôn thiên chức làm mẹ. Hơn nữa, các bạn nên tham gia các đoàn hội, tạo một sân chơi lành mạnh, giao lưu học hỏi và phải quyết tâm nói không với việc “sống thử”. 
   4.2 Về phía gia đình
          Nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề, Ðức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong tông huấn về gia đình “Familiaris Consorto” đã khuyến cáo các bậc phụ huynh: “Bởi vì cha mẹ đã cho con cái sinh ra đời, họ phải có một bổn phận quan trọng nhất, là giáo dục con cái của họ. Do đó, cha mẹ phải nhận rằng, chính họ là những nhà giáo dục đầu tiên và trên tất cả đối với con cái. Vai trò giáo dục của họ quyết liệt đến nỗi thật khó tìm được bất cứ điều gì có thể đền bù vào sự thất bại của họ. Cha mẹ phải nhận trách nhiệm tạo bầu khí gia đình đầy linh hoạt trong tình yêu và tôn kính Thiên Chúa và mọi người, để sự phát triển hoàn mỹ về cá tính và xã hội được nẩy nở trong con người. Vì vậy, gia đình là trường học đầu tiên cho tất cả những đức tính Giáo hội và xã hội mà bất cứ xã hội nào cũng cần phải có.”
       Ðây không phải là khó khăn có thể đóng khung trong khuôn khổ gia đình, nhưng thực sự nó đã trở nên thách đố quan trọng của Giáo hội và xã hội. Ðể đối phó, cần có sự vận động qui mô với sự hợp tác chặt chẽ của gia đình, học đường và giáo xứ. Sự hợp tác này, cho đến hiện tại vẫn còn được mô tả là chưa đúng mức, nếu không muốn nói là qúa hời hợt. Thành thật mà nói, đa số các bậc phụ huynh Việt Nam, mặc dù có kinh nghiệm, nhưng việc nói chuyện về tình dục với con cái, đã không được coi như “tốt lành.” Có một bà trong xứ đạo của người Việt kia, đã than phiền rằng cha xứ đã dạy các thanh niên nam nữ trong họ đạo những điều “tục tĩu”, khi những người trẻ này tham dự các lớp giáo lý Chuẩn Bị Hôn Nhân! Vì vậy, chính một số phụ huynh cũng cần phải được đi “huấn luyện” thêm, học hỏi thêm, trước khi họ có thể giúp đỡ con cái của họ.
 4.3 Về phía xã hội
       Xã hội nên có những buổi tuyên truyền, những buổi hội thảo, những diễn đàn và những bài viết liên quan đến vấn đề này, nên tổ chức và khai triển dưới nhiều khía cạnh khác nhau trong xã hội cũng như trong Giáo hội Công giáo một cách sôi động. Giới trẻ có rất nhiều điều hấp dẫn, bổ ích trong học tập, làm việc, giao lưu bạn bè, giải trí… Hơn nữa, chúng ta sinh ra ở Việt Nam, một nước phương Đông với nhiều giá trị đạo đức tốt đẹp, vì vậy, người Việt Nam dù có văn minh hay học hỏi ở nước ngoài thế nào cũng nên giữ lại một chút truyền thống của dân tộc mình. Biết rằng, phương Tây họ có nhiều cái hay cái mới mình cần nên học, nhưng họ cũng có những cái xấu mà mình không nên học, hoặc dù có học cũng nên điều chỉnh sao cho phù hợp với nước mình một chút.
5. Quan điểm và lập trường của Giáo hội Công giáo
 Theo giáo luật, hai tín hữu Công giáo mặc dù đã làm hôn thú dân sự với nhau, nhưng họ chưa thực hiện bí tích Hôn Phối trước mặt Giáo hội, hôn thú của họ vẫn không phải là bí tích, và do đó họ không thể ăn ở với nhau như vợ chồng thật sự. Đối với những vợ chồng không Công giáo, hôn thú dân sự của họ là hôn phối tự nhiên. Giáo hội vẫn tôn trọng hôn phối đó. Nhưng đối với người Công giáo, họ có nghĩa vụ của các tín hữu, đó là hôn phối của họ phải được kết ước theo thể thức của Giáo hội đã quy định (GL 1108) để có thể là bí tích Hôn Phối.
Hôn phối của các người Công giáo, cho dù chỉ một bên là người Công giáo, họ bị chi phối không những bởi luật Thiên Chúa, mà còn bởi luật Giáo hội nữa, tuy vẫn tôn trọng thẩm quyền của luật dân sự về hiệu quả thuần túy dân sự của hôn nhân. Đồng thời, có những người nghĩ rằng vì đã tốn kém nhiều mới lấy được vợ, nên phải ăn ở với nhau càng sớm càng tốt dù chưa làm phép cưới theo luật đạo; cách ứng xử như thế, bộc lộ một thái độ thiếu tôn trọng người bạn đời của mình, coi người bạn đời như món hàng mình đã tốn kém nhiều mới kiếm được nên phải tận hưởng càng sớm càng tốt. Quan niệm đó cũng không phù hợp với giáo lý Công giáo về hôn nhân.
Đối với Giáo hội, hôn phối không phải chỉ là chuyện riêng tư thuần túy giữa hai người nam nữ, nhưng còn liên hệ tới tính hiệp thông trong toàn thể cộng đoàn Giáo hội. Thật vậy, từ đôi hôn phối Kitô giáo này sẽ đem đến một gia đình Kitô với tất cả sự phong phú của cuộc sống, khả năng giáo dục tri thức và đức tin, trở nên một tế bào sống động của Giáo hội. Gia đình là tế bào đầu tiên của Giáo hội và được Công Đồng Vaticanô II gọi là “Giáo hội tại gia”. Khi cử hành hôn phối theo nghi thức của Giáo hội, đôi vợ chồng Công giáo bày tỏ quyết tâm dấn thân sống đời hôn nhân theo giới luật của Chúa và những mong đợi của Giáo hội”[4].
Tóm lại
        “Sống thử” trước hôn nhân là một lối sống đáng phê phán và phải ngăn chặn vì nó để lại nhiều tác hại đối với gia đình và xã hội. Nó làm băng hoại lối sống lành mạnh của giới trẻ và gây nhiều hậu quả đáng tiếc cho chính tương lai của lớp trẻ. Hơn nữa, Giáo hội kêu gọi mọi thành phần dân Chúa hướng đến một đời sống hôn nhân đặt trọng tâm trên giao ước với Thiên Chúa – Đấng là nguồn sự sống đích thực; đồng thời, qua đó, khám phá và đề cao những giá trị Tin Mừng về tình yêu, về sự hiệp thông và những ân ban nhưng không của Thiên Chúa, qua Đức Giêsu, trong Đức Giêsu và nhờ Đức Giêsu. Nơi Ngài, sự sống của Thiên Chúa ban cho con người được cụ thể hóa một cách sống động qua cung cách sống, cung cách ứng xử, cung cách trao tặng Tình yêu – Một tình yêu đích thực “hy sinh mạng sống cho người mình yêu” (x.Ga 15, 13).
 Tu sĩ Lôrensô Vũ Văn Trình MF   
Nguồn: http://ubmvgiadinh.org/?open=contents&display=2&id=2792                                                                 


      [1] Báo phụ nữ số ra ngy 21-09-2010, tr15
 [2] WWW. Gxdaminh.net, Lm. Đỗ Trung Thành, O.P, Văn hóa Sự chết.
    [3] WWW. Gxdaminh.net, Lm. Đỗ Trung Thành, O.P, Văn hóa Sự chết.
   [4] WWW. Gxdaminh.net, Lm. Đỗ Trung Thành, O.P, Văn hóa Sự chết.