Thứ Ba, 31 tháng 5, 2011

Bàng hoàng vết nứt lạ dịch chuyển cả khu phố


 - Tình trạng nứt đất ở thị trấn Di Linh (Lâm Đồng) diễn biến 
ngày càng phức tạp, nguy cơ gây lún sụp cả khu phố.




Sau khi khảo sát thực tế tình trạng nứt đất ở thị trấn Di Linh (Lâm Đồng), ngày 31/5, trao đổi với PV VietNamNet, PGS – TS Đặng Hữu Diệp, chuyên gia về địa chất công trình ở TP.HCM cho biết, về cơ bản ông đã xác định được hiện tượng này.
Vết nứt ngày càng lan rộng, làm ảnh hưởng đến 100 hộ dân - (Ảnh VietNamNet)
Theo PGS –TS Đặng Hữu Diệp, đây là hiện tượng trượt lở (hay còn gọi là sạt lở) xảy ra trên một khu vực rất lớn. Các vết nứt ngày càng rộng ra và đang làm dịch chuyển cả khu phố.
“Vụ trượt lở làm khối đất bị biến dạng, mất ổn định. Hiện có khoảng 100 căn nhà nằm trong vùng bị tác động, nhiều căn đã bị lún nứt nghiêm trọng, rất nguy hiểm nếu không di dời kịp lúc”, PGS-TS Đặng Hữu Diệp, cảnh báo.
PGS-TS Đặng Hữu Diệp cho biết, vết nứt xảy ra theo hình vòng cung (trượt cung tròn). Đường biên của khối trượt được thể hiện bằng vết nứt rộng căng ngang đường Nguyễn Văn Trỗi với chiều dài khoảng 350 m. 
Về nguyên nhân vụ nứt đất, PGS-TS Đặng Hữu Diệp, nhận định: “Vết nứt được tạo ra bởi tác động của trọng lực. Hiện tượng này thường xảy ra ở những nơi có địa hình dốc như vùng đồi núi, ven thung lũng sâu. Nguyên nhân có thể là do kết cấu của đất đá không ổn định. Tuy nhiên, cũng có thể do con người tác động, phá vỡ lớp thực vật bên trên làm nước ngấm xuống dưới dẫn đến đất đá phân hoá…”.
Tuy nhiên, theo người dân địa phương, nguyên nhân có thể là do việc khai thác than bùn ở khu vực này quá mức làm đất bị lún sụp tạo ra các vết nứt.
Về vấn đề này, PGS-TS Đặng Hữu Diệp xác nhận, ông có nghe thông tin nhưng chưa có điều kiện khảo sát, làm rõ.
Trước tình trạng vết nứt diễn biến phức tạp, ông Diệp đã gặp lãnh đạo UBND huyện Di Linh, khuyến cáo nên tổ chức di dời người dân, đồng thời nhờ các đơn vị chuyên môn tổ chức quan trắc quá trình dịch chuyển của khối trượt để đưa ra cách ứng phó kịp thời.
Trung Thanh

Thứ Tư, 25 tháng 5, 2011

Lễ Thành Hôn: Anh Thư - Đình Vi

Đại gia đình NGUYỄN TỘC
chúc mừng lễ thành hôn
của Anh Thư - Đình Vi
(Anh Thư  là cháu nội của Ông Bường - Bà Tĩnh, 
thuộc chi Bà Nghị - Ông Liệu)




*

Thứ Ba, 24 tháng 5, 2011

Lặng người ở nghĩa trang hàng vạn hài nhi

Cập nhật lúc 24/05/2011 06:20:00 AM (GMT+7)
 - Hơn 42.200 hài nhi bị cha mẹ bỏ rơi từ khi chưa lọt lòng hiện đang yên nghỉ tại hai nghĩa trang bào thai ở Thừa Thiên – Huế. Những dòng thơ than khóc, trách cha mẹ viết trên những ngôi mộ tí xíu vô danh khiến người đọc phải lặng người…
 

LTS: Tình trạng nạo phá thai ở Việt Nam đã lên đến mức báo động khi liên tục trong nhiều năm liền, Việt Nam luôn là nước đứng trong top 10 nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới.
Tỷ lệ này ngày càng gia tăng nhanh ở lứa tuổi vị thành niên. Song song với tình trạng này thì tỷ lệ vô sinh ở Việt Nam cũng ngày càng tăng cao, trong đó các lý do liên quan đến vấn đề nạo hút thai xuất hiện ngày càng nhiều.
Báo chí, các diễn đàn trực tuyến đã có nhiều bài viết mô tả về thực trạng đau lòng này nhưng tình hình không có dấu hiệu được cải thiện.
VietNamNet khởi đăng những câu chuyện chất chứa nỗi đau về các thai nhi bị bỏ rơi, những dằn vặt, day dứt của những người khốn khổ chạy chữa vô sinh vì nạo phá thai với hi vọng có thể tạo ra một sự thay đổi nhất định nào đó về nhận thức cũng hành vi của cộng đồng đối với hậu quả của tình dục không an toàn và nạo hút thai tràn lan.
“Ngọn nến hồng chưa kịp sáng lung linh”
Đã được nghe kể về nơi yên nghỉ của những bào thai tại xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế nhưng khi tận mắt chứng kiến, chúng tôi mới thực sự bị choáng ngợp, nhưng quặn đau trước sự rộng lớn của nó.

Hàng ngàn nấm mộ của hơn 42.200 sinh linh bị chối bỏ được chôn cất
ở nghĩa trang bào thai Anh Hài
 (Thừa Thiên - Huế)
  

Nghĩa trang hài nhi nằm tựa lưng vào làng Ngọc Hồ. Giữa trưa nắng oi ả, chúng tôi đi bộ men theo con đường mòn dẫn lên nghĩa trang.
Khung cảnh hoang vắng đến rợn người. Cả hàng vạn ngôi mộ được quét sơn trắng nằm ngay ngắn, thẳng hàng khắp vùng đồi núi rộng lớn. Tất cả các ngôi mộ đều không có tên, chỉ ghi ngày tháng năm sinh trên cây thánh giá cắm ở đầu mộ.
Ở góc cuối nghĩa trang, hai người đàn ông đang hì hục đào xuống lớp đá, đất cằn cỗi. Đó là anh Trương Văn Năng (50 tuổi) và Tống Viết Hiếu (47 tuổi), những người trông coi nghĩa trang này.
Các anh nhẹ nhàng đặt 12 sinh linh được gói ghém kỹ, lấp đất xuống, cắm lên trên 3 que nhang và cầu nguyện.
Đã chứng kiến nhiều đám chôn cất, nhưng chưa bao giờ tôi thấy xót xa bằng buổi “hạ huyệt” này, khi không hề có trống, kèn, vòng hoa, lời than khóc. Bên cạnh huyệt chôn, còn có nhiều huyệt mộ đã được đào sẵn để chờ an táng cho những hài nhi mới.
Anh Năng dẫn tôi đi lần lượt hết ba quả đồi với chi chít những ngôi mộ, rồi dừng lại ở tượng Đức mẹ và cậu bé thiên thần ở giữa nghĩa trang. Phía hai bên, có những bia đá khắc những dòng thơ như tiếng kêu cứu của hàng vạn thai nhi bị cha mẹ chối bỏ khi chưa kịp lọt lòng:
“Em là thai nhi vô tội
Hiện thân là buồn tủi
Tình yêu tắt lịm rồi
Núi đồi xa xôi
Một đêm lạnh trời sương
Em vấp ngã nơi đây
Em thiếp ngủ không hay
Lá rụng che phủ đầy...”
(Linh mục Phaolo, 11/4/2008)

Tôi không biết em là trai hay gái. Tiếng kinh buồn, cất tiếng gọi thai nhi...”

Ngoài nghĩa trang Anh Hài nổi tiếng ở Huế, thì ở Nha Trang (Khánh Hòa) cũng có một nghĩa trang hài nhi với tên gọi Đồng Nhi và đặc biệt là ở thành phố Pleiku (Gia Lai) cũng có một nghĩa trang tương tự với khoảng hơn 1 vạn ngôi mộ vô danh bé xíu nằm lọt thỏm giữa núi rừng Tây Nguyên.

Nghĩa trang này được linh mục Nguyễn Văn An ở nhà thờ Đức An (TP Pleiku) khai sinh và trông coi từ năm 1992, nhưng nó chỉ thực sự trở nên 'nổi tiếng' sau khi đón một hài nhi bị bỏ rơi vào đúng dịp Trung thu năm 2004.
Báo Thanh Niên (trong một phóng sự năm 2008) từng kể lại rằng, hài nhi đặc biệt với đủ hình hài này được đưa đến linh mục Nguyễn Văn An và được đặt lên một tờ báo. Thật bất ngờ, hài nhi đã đưa tay bấu chặt lấy ngón tay của vị linh mục. Đó là hành động duy nhất của đứa trẻ xấu số trước khi từ giã cõi đời…
Câu chuyện của hài nhi mang tên Trung Thu đã gây ra bao xúc động. Có người biết chuyện không giấu được cảm xúc, đã viết nên bài thơ ai oán:
“Con không có lời ru
Đưa con vào cuộc đời
để con được làm người
Con không còn tiếng khóc chào đời
và làm người như bao người.
Xin thắp lên cho con một ngọn nến,
một nén nhang
cho lòng con được ấm lên
trong lòng đất lạnh tình người.

Xin cắm cho con một cành hoa
và một lời ăn năn dù chỉ là muộn màng.
......... 
 
Xin hãy thương con, đừng bỏ con.
Con tội tình gì? Mẹ ơi! Cha ơi! …”
Có ngày chôn tới 20 hài nhi vô tội
Anh Năng, người trông coi nghĩa trang Anh Hài (Thừa Thiên - Huế) cho biết: Nghĩa trang ra đời ngày 2/2/1992, do một số linh mục Giáo phận Huế thành lập.

Bạt ngàn những ngôi mộ vô danh bé xíu nằm lọt thỏm giữa những
quả đồi hoang vắng. Trên các cây thành giá chỉ kịp khắc ghi ngày
các em về với đất ....

Khi đó, đời sống xã hội phát triển, những nhu cầu dục vọng, tình yêu đôi lứa phát triển mạnh mẽ khiến tình trạng nạo phá thai lớn. Một số linh mục nghĩ đến việc đi nhặt những bào thai mang về chôn và khi giáo phận thành lập Ban Bác ái xã hội thì nghĩa trang do Ban chăm sóc.
Ngày càng có nhiều bào thai được chôn ở đây và đến nay đã được hơn 42.000. Đây là nghĩa trang bào thai đầu tiên tại Việt Nam và hiện tại là lớn nhất miền Trung.
Những năm đầu tiên, mỗi thai nhi chỉ là một nấm mồ bằng đất sơ sài. Nhờ tấm lòng thiện nguyện của Hội Bác ái xã hội và những nhà hảo tâm, nay mộ được xây bằng bê tông. Số lượng hài nhi cứ tăng dần theo thời gian, có lúc 20 em/ngày được chôn ở đây. Để giảm kinh phí và diện tích đất chôn, những người phụ trách quyết định xây một mộ một tuần và hàng chục hài nhi được chôn chung một mộ.
Ngày nào anh Năng cũng “hạ sơn”, lặn lội qua đò trên sông Hương rồi về TP Huế dạy thêm môn Anh văn cho học sinh cấp 2 để kiếm thêm thu nhập.
Chiều tối về nhà, 'hành trang' của anh thường có xác hài nhi để mang về chôn. Bào thai anh nhận từ những người tình nguyện đi gom hoặc anh tự đi lượm được ở gốc cây, thùng rác... 
Gần 19 năm qua, trung bình mỗi năm, nghĩa trang đón nhận hơn 2.000 bào thai. Riêng năm 2009 đã có gần 3.000 thai nhi. Con số này có thể gây sốc cho nhiều người, nhưng vẫn chưa phản ánh được hết thực chất của việc nạo phá thai, bởi còn rất nhiều vụ phá thai mà chúng ta không thể nào biết hết được.
Nguyên Bình – Cẩm Quyên

Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2011

Trong tình yêu, con người được tái tạo

Thứ Sáu vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Viện Gioan Phaolô II Để Nghiên Cứu Về Hôn Nhân và Gia Đình, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã đọc một bài diễn văn quan trọng, trong đó, ngài nhấn mạnh tới nền giáo lý về tình yêu nhân bản đã được vị tiền nhiệm ủy thác cho Viện này, một nền giáo lý bao gồm một suy tư sâu sắc về thân xác con người cần được nghiên cứu, tìm tòi và phân phối. Muốn tìm ra thể thống nhất cho hành trình của con người, ta cần phối hợp nền thần học thân xác với nền thần học tình yêu.


Nhắc lại các công trình của Michelangelo qua những "thân xác ẩn dấu tinh thần", Đức Giáo Hoàng nói rằng thay vì chống lại tinh thần, thân xác chính là chỗ tinh thần có thể cư ngụ. Dưới ánh sáng nhận định này, ta có thể nói: "thân xác ta không trì trệ, nặng nề, nhưng chúng biết nói ngôn ngữ yêu thương chân chính, nếu ta biết lắng nghe nó". Ngôn ngữ này trước nhất cho ta biết nguồn cội sáng tạo của thân xác, và do đó, ý nghĩa con thảo của nó, nhờ đó con người biết chấp nhận mình, biết giao hòa mình với thiên nhiên, với thế giới. Tiếp theo việc sáng tạo ra Adong là việc sáng tạo ra Evà. Xác thân, tiếp nhận từ Thiên Chúa, được mời gọi làm cho sự phối hợp tình yêu giữa một người đàn ông và một người đàn bà trở thành khả hữu để lưu truyền sự sống. Trước khi sa ngã, thân xác Adong và thân xác Evà xuất hiện trong một hòa hợp trọn vẹn. Trong chúng có một ngôn ngữ không do họ tạo ra, một eros (tình yêu) bắt rễ ngay trong bản nhiên họ, cùng mời gọi họ tiếp nhận lẫn nhau từ Thiên Chúa và nhờ thế có thể hiến thân cho nhau. Cho nên, trong tình yêu, Đức Thánh Cha quả quyết, con người được tái tạo, vũ trụ của người khác và cái "chúng tôi" được sinh ra... không phải là lời nói "không" đối với khoái lạc và niềm vui sống, nhưng là một lời nói "có" vĩ đại đối với tình yêu, như một thông hiệp sâu sắc gữa hai con người, như một lên đường với nhau hướng tới viên mãn, như tình yêu trở thành có thể sản sinh sự sống và đại độ chào đón sự sống mới vừa sinh ra.



Nhưng thân xác ấy cũng chứa đựng một ngôn ngữ tiêu cực: nó nói với ta về một áp chế người khác, về dục vọng muốn chiếm hữu và khai thác. Ngôn ngữ ấy chắc chắn không nằm trong ý định nguyên thủy của Thiên Chúa, nhưng là hoa trái của tội lỗi. Khi bị tách rời khỏi ý nghĩa con thảo, khỏi sợi dây nối kết với Đấng Hóa Công, thân xác bèn nổi loạn chống lại chính con người, mất hết khả năng làm cho hiệp thông trong sáng và trở thành mảnh đất tiếm đoạt người khác. Đó không phải là thảm kịch của tính dục sao, thảm kịch mà ngày nay đang tiếp tục tự đóng kín trong cái vòng lẩn quẩn của chính thân xác và chủ nghĩa duy cảm của mình, không làm sao đạt được thỏa mãn hoàn toàn.



Nhân vật chính trong vở "The Satin Slipper" của Paul Claudel từng nói với người yêu: "anh không có khả năng thực hiện được lời hứa mà thân xác anh đã làm cho em" nhưng được người yêu đáp lại: "thân xác đổ vỡ chứ không hẳn lởi hứa...". Ở đây, Đức Giáo Hoàng nhận định: đúng thế, Sa Ngã không phải là lời cuối cùng về thân xác trong lịch sử cứu rỗi. Thiên Chúa cũng đã hiến tặng con người một cuộc hành trình cứu chuộc thân xác, mà ngôn ngữ của nó được bảo tồn trong gia đình. Nếu sau cuộc Sa Ngã, Evà nhận được tên Mẹ Sinh Linh, thì điều này muốn chứng tỏ rằng quyền lực tội lỗi không thành công trong việc xóa nhòa ngôn ngữ nguyên thủy của thân xác, ơn phúc sự sống mà Thiên Chúa vẫn tiếp tục cung hiến khi người đàn ông và người đàn bà kết hợp thành một thân xác. Gia đình là nơi nền thần học thân xác và nền thần học tình yêu gặp nhau. Chính tại đây, ta học được sự tốt lành của thân xác, chứng tá về một nguồn gốc tốt lành của nó, ngay trong cảm nghiệm yêu thương ta nhận được từ mẹ cha...



Một tiếng nói khác bênh vực cuộc sống gia đình



Cha John Flynn, LC, trên bản tin Zenit ngày 15 tháng 5, cho hay: một bản phúc trình mới đây về gia đình của Cơ Quan Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế cũng có cùng một "giáo lý" về gia đình như Đức Bênêđíctô XVI. Một công bố báo chí đi kèm bản phúc trình công bố hôm 27 tháng 4 vừa qua, quả quyết rằng gia đình là nguồn chủ yếu của hỗ trợ tài chánh và xã hội cho con người cũng như phương thế căn bản của tình liên đới. "Gia đình cung cấp bản sắc, tình yêu, sự chăm sóc, dưỡng dục và phát triển cho các thành viên và tạo nên cốt lõi cho nhiều mạng lưới xã hội".



Tuy nhiên, bản phúc trình cho hay các cha mẹ đang gặp nhiều khó khăn trong việc phối hợp việc làm với những cam kết của gia đình. Bản phúc trình kêu gọi các chính phủ đưa ra các chính sách hỗ trợ gia đình bằng trợ giúp tài chánh, nghỉ hộ sản và thủ tục làm việc mềm dẻo. Cơ Quan trên cho hay: tính trung bình, chi tiêu công cho phúc lợi các gia đình chỉ vào khoảng 2.2% tổng sản lượng các quốc gia



Một nghiên cứu khác được hai bác sĩ John Gallacher và David Gallacher thuộc Trường Y Khoa Đại HỌc Cardiff công bố cũng cho thấy hôn nhân tốt cho cả hai vợ chồng lẫn con cái, cả về phương diện sức khỏe: nhóm sống thọ nhất chính là nhóm có gia đình.


Vũ Văn An

Thứ Hai, 16 tháng 5, 2011

Thần học xác thân phải hợp làm một với thần học tình yêu


Tin Vaticăng (VIS) 05/13/11, từ ewtn.com


Trưa nay, ĐGH Biển Đức XVI tiếp đón các thành viên thuộc Viện Giáo Hoàng Gioan Phaolô II Nghiên Cứu về Hôn Nhân và Gia Đình..



ĐGH mở đầu diễn từ bằng việc nhắc nhở kỷ niệm 30 năm ngày Chân Phước Gioan Phaolô II thành lập Viện và Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình, cũng như đúng ngày 13 tháng 5 ba mươi năm trước đây xẩy ra biến cố ngài “bị ám sát tại Công Trường Thánh Phêrô.”



Kế tiếp, ĐGH gửi đến các thành viên một vài suy tư về việc “liên kết nền thần học xác thân làm một với nền thần học tình yêu nhằm tìm ra một con đường duy nhất cho nhân loại.”



Khi nhấn mạnh rằng “thân xác chính là nơi cư ngụ của tinh thần,” ĐGH ghi nhận rằng “trong ánh sáng này, ta có thể hiểu rằng thân xác ta không hề là một khối vật chất ù lì và nặng nề, mà là một thứ ngôn ngữ của tình yêu chân thực, nếu ta biết lắng nghe.”



Ngài giải thích rằng: “Thân xác nói cho ta về một thứ cội nguồn mà chính ta chưa hề thừa nhận. Chỉ khi nào nhận ra được tình yêu nguyên thủy vốn đem lại sức sống mà chính con người có thể đón nhận, thì khi đó con người mới có thể hòa giải được với thiên nhiên và với thế giới.”



Nói đến việc Thiện Chúa tạo dựng nguyên tổ loài người, ĐGH khẳng định rằng: “Trước khi sa ngã, thân xác của Adong và Evà đã ở trong một trạng thái hòa hợp trọn vẹn. Nó mang một thứ ngôn ngữ chính nó không hề tạo ra, một thứ ‘eros’ (tình ái) bắt nguồn từ bản nhiên mời gọi nó đón nhận lẫn nhau (vì cùng đến từ Tạo Hóa) ngõ hầu có thể trao ban cho nhau…Nhờ thế việc nên ‘một thịt một xương’ trở thành một kết hợp trọn đời, để cho người nam và người nữ có thể nên một trong tinh thần.” ĐGH nói tiếp: “Theo ý nghĩa này, đức thanh tịnh mặc lấy một ý nghĩa mới. Nó không phải là lời nói ‘không’ đối với các thú vui và niềm hân hoan của cuộc sống, mà là một lời nói ‘có’ lớn tiếng đối với tình yêu như là sự thông đạt sâu xa giữa hai nhân vị--điều này đòi hỏi thời gian và sự tương kính--như là con đường chung bước tiến về nguồn sung mãn, cũng như là tình yêu vốn có khả năng sản sinh ra sự sống, và quảng đại đón tiếp mầm sống mới vừa khai mở.”



ĐGH còn nói rằng: “Tuy vậy, thân xác cũng chứa chất một thứ ngôn ngữ tiêu cực. Nó nói cho ta về sự áp bức người khác, về khát vọng chiếm hữu và bóc lột người khác. Thế nhưng, ta biết rằng thứ ngôn ngữ này không hề nằm trong kế hoạch nguyên thủy của Thiên Chúa, mà chỉ là hậu quả của tội lỗi. Khi tách khỏi ý nghĩa của người con hiền thảo, khỏi mối tương quan với Tạo Hóa, thân xác sẽ phản loạn chống lại con người, đánh mất khả năng biểu thị hiệp thông, để trở thành một nơi chốn diễn ra cảnh chiếm đoạt người khác. Phải chăng đó chính là cái thảm trạng của dục tính hôm nay vốn đang bị khóa chặt trong cái vòng luẩn quẩn của thân xác và nỗi xúc cảm, mà trong thực tế chỉ có thể được hoàn thành trong tiếng gọi hướng về một điều gì đó cao cả hơn.”



“Thiên Chúa ban tặng cho con người chúng ta một nẻo đường cứu độ dành cho thân xác, mà ngôn ngữ của nó được bảo tồn trong gia đình, nơi mà thần học xác thân quyện chặt với thần học tình yêu. Chính nơi đây, món quà hiến tặng bản thân qua hình ảnh ‘một thịt một xương’ được thực hiện trong tình yêu phu thê kết hợp vợ chồng nên một với nhau. Chính nơi đây, ta cảm nghiệm được kết quả của tình yêu, và thấy được sự sống liên kết các thế hệ lại với nhau. Chính trong gia đình, con người khám phá ra mối tương liên với nhau, không phải như những cá nhân độc lập và tự tạo, mà là như con cái, vợ chồng, và cha mẹ, lúc nào cũng mang căn tính là được mời gọi để yêu thương, để đón nhận nhau, và hiến thân cho nhau.”



ĐGH kết luận rằng: “Chính Thiên Chúa cũng mặc lấy thân xác, và qua đó, mạc khải chính bản thân Ngài cho tạ. Là Con Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã lãnh nhận xác thân của người con với lòng biết ơn Chúa Cha, lắng nghe lời Người, và hiến tặng chính thân xác mình cho ta, ngõ hầu có thể làm cho thân xác mới mẻ của Hội Thánh được triển nở.”



05/14/11



Nguyễn Kim Ngân

Thứ Tư, 11 tháng 5, 2011

Rửa tội bé Camay: Têrêsa Nguyễn Phúc Quỳnh Lam

Bé Têrêsa Quỳnh Lam nhận bí tích Thánh tẩy
chiều 07.05.2011 tại nhà thờ giáo họ Giuse
thuộc giáo xứ Đồng Tiến, Saigon.




Quỳnh Lam là cháu ngoại đầu tiên của Thông-Chà,
thuộc chi Ông Quy - Bà Nhạn

Thứ Hai, 9 tháng 5, 2011

Gửi nam sinh Ngô Quyền và các trò định chết


- Sau bài viết "Khoảng lặng sau chuyện nam sinh tự chết",
VietNamNet nhận được bức thư của bạn đọc Hoàng Ngọc Quỳnh Lam.
Dưới đây là nội dung bức thư.

Kính chào Ban Giám hiệu Trường THPT Ngô Quyền (Hải Phòng) và thầy giáo M., gia đình em D.




Trước tiên, tôi xin được chia sẻ với thầy và gia đình về sự việc đáng tiếc đã xảy ra. Tôi thực sự cảm thông với thầy và riêng đối với bản thân tôi mà nói, thầy hoàn toàn không có lỗi trong việc này.

Để nói rõ hơn, tôi xin kể ra đây một kỷ niệm thời niên thiếu. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi phải giúp đỡ bố mẹ chăn trâu và làm việc đồng áng những khi nghỉ học.

Năm đó, tôi học lớp 8. Thầy giáo dạy môn Hóa học của lớp nổi tiếng là giáo viên “dữ” theo ngôn ngữ học trò chúng tôi, nghĩa là nghiêm khắc. Một hôm, thầy gọi tôi lên bảng làm bài tập về nhà trong sách giáo khoa. Tôi đã không làm được, dù bài khá đơn giản. Kết quả là thầy giáo “tặng” cho tôi 2 cái vụt bằng thước 1 mét.

Tôi lủi thủi về chỗ ngồi. Bị đánh đau thì ít, nhưng cảm giác xấu hổ thì nhiều vì bị thầy giáo cho ăn đòn trước cả lớp. Tôi không hề trách thầy vì lỗi hoàn toàn là do mình. Từ đó, tôi lao vào học tập, đặc biệt là môn Hóa học của thầy. Đi chăn trâu là lúc có nhiều thời gian rỗi, tôi mang theo sách giáo khoa để giải hết toàn bộ bài tập trong đó. Dần dần, tôi chuyển sang các bài tập nâng cao. Các môn học khác tôi cũng thực hiện như vậy.

Nhờ những nỗ lực đó, từ lớp 9 đến hết phổ thông, học lực của tôi đều khá và thi đỗ đại học để trở thành một công chức như bây giờ. Kỷ niệm đó, tôi nhớ mãi và thầm cảm ơn người thầy giáo nghiêm khắc năm xưa đã cho tôi động lực học tập.

Ngày nay, không ít học sinh có điều kiện học tập và thời gian đều hơn hẳn lứa chúng tôi hơn chục năm về trước. Tôi ước các em có thể trải nghiệm sự kham khổ học bài trên lưng trâu, bên cạnh bếp củi, giờ giải lao khi làm việc đồng áng… để biết quý trọng những gì mà gia đình và xã hội đang dành cho các em.

Thầy cô giáo tiểu học đánh vào tay các em để rèn nét chữ, nết người. Lớn lên, các em đã có tinh thần tự lập, thầy cô giáo chỉ khuyên bảo các em, không tránh khỏi có điều nặng lời, nhưng tất cả chỉ là để thúc giục các em học tập. Nếu không có những sự rèn giũa đó, các em sẽ lớn lên như thế nào?

Quan điểm của bản thân tôi, nhà trường và toàn xã hội phải nghiêm túc rút kinh nghiệm vụ việc vừa rồi. Thầy giáo của Trường Ngô Quyền không hề có lỗi trong việc này. Các bạn cùng lớp của em D. là những nhân chứng trung thực nhất. Cần phải động viên thầy giáo vượt qua những rào cản về tâm lý để tiếp tục đào tạo nên những lứa học sinh tiếp theo.

Nếu việc làm của thầy là sai, và của em D. là đúng thì sắp tới liệu sẽ có một trào lưu theo việc làm đúng của em D. không? Lúc đó, ai sẽ là người chịu trách nhiệm với xã hội?

Với các thầy cô giáo, từ sự việc này nên rút kinh nghiệm cho bản thân khi trao đổi, dạy dỗ các em học sinh.

Tôi không dám chắc là không có những giáo viên sử dụng lời nói, hành vi thiếu văn hóa với học sinh. Nhưng tuyệt đại đa số thầy cô giáo đều muốn dạy điều hay, lẽ phải cho các em.

Tuy nhiên, lứa tuổi của các em chưa đủ để hiểu sự quan tâm đó. Nhẹ nhàng với các em, thiên về trao đổi với gia đình hay cách làm nào, đó là nghiệp vụ mà thầy cô giáo nắm chắc, tôi không dám nói sâu.

Gia đình của e D., nếu có thể nên chia sẻ và thông cảm với thầy M. Em D. tuổi còn nhỏ, suy nghĩ chưa chính chắn. Nếu gia đình thường xuyên hỏi han việc học tập của em để em chủ động nói ra những điều uất ức trong lòng thì chắc đã không xảy ra việc đáng tiếc.

Tôi đồng ý với ý kiến của giáo viên Lịch sử dạy cùng trường với thầy M. Nếu cho rằng hành động uốn nắn của thầy M. là sai thì sau này còn đâu những giáo viên tâm huyết. Thầy cứ việc dạy, trò học hay không thì tùy. Nền giáo dục nước nhà sẽ ra sao? Mặt khác, các em tiếp xúc nhiều với những trào lưu xấu qua báo chí, Internet rất nhiều. Tự tử, hành xác theo kiểu tự rạch da… đó là những ảnh hưởng xấu mà gia đình phải định hướng cho các em tránh xa.

Tôi xin lỗi em D., nhưng qua những gì tôi được biết qua báo chí, hành vi của em là không đúng.

Tôi thực sự tiếc cho gia đình em và xã hội. Bố mẹ đã dưỡng dục em bao nhiêu năm, xã hội đang chờ em trưởng thành để xây dựng đất nước. Biết đâu em sẽ là một chiến sĩ canh giữ biển trời ở Trường Sa hay biên giới, hay trở thành ca sĩ, giám đốc như mơ ước của em? Bất cứ vai trò nào, em cũng sẽ góp phần nhỏ của mình vào công cuộc dựng xây Tổ quốc. Đáng tiếc là em đã quyên sinh để giải tỏa những uất ức nhỏ bé. Không chịu được những điều như vậy, các em sẽ vật lộn như thế nào với cuộc sống khó khăn trong tương lai?

Nếu bài của tôi được đăng, và các em học sinh đọc được, các em hãy lắng nghe lời khuyên của tôi như một người anh đi trước. Tôi từng trải qua lứa tuổi các em và hiểu tâm lý của các em.

Trước hết, các em hãy yêu quý những gì mình đang có. Người ta nói khi mất đi thì mình mới hiểu giá trị của cái mà mình đang có. Hãy chịu khó đọc về những tấm gương các bạn học sinh mồ côi vượt khó học giỏi để suy nghĩ về bản thân mình để noi theo.

Thứ hai, phải hiểu rằng các em là điều quý giá nhất của bố mẹ, đừng để bố mẹ phải đau lòng vì những việc làm nông nỗi của các em.

Thứ ba, hãy thông cảm với các thầy cô giáo và cố gắng học tập. Các em hãy chia sẻ tâm tư của mình với thầy cô giáo, với gia đình, bạn bè để nhận được những lời khuyên xác đáng. Hãy vươn lên để trở thành những công dân có ích cho xã hội.

Hà Nội, ngày 8 tháng 5 năm 2011
Hoàng Ngọc Quỳnh Lam