Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2009

10 Đề Tài Về Gia Đình (1)

Mười đề tài giáo lý của Hội Đồng Tòa Thánh về Gia Đình cho Cuộc Hội Ngộ Quốc Tế Gia Đình lần thứ VI ở Mêxicô
Đề tài 1: GIA ĐÌNH, NHÀ GIÁO DỤC ĐỨC TIN ĐẦU TIÊN

1. Thiên Chúa muốn rằng mọi người nhận biết và chấp nhận kế hoạch cứu độ của Ngài được mạc khải và thực hiện trong Chúa Giêsu-Kitô (x. 1Tm, 15-16).

Thiên Chúa đã nói qua nhiều cách thức khác nhau với cha ông chúng ta (x. Dt 1, 1; tất cả Cựu Ước).

Khi đến thời viên mãn (x. Gal 4, 4), Ngài đã nói với chúng ta cách đầy đủ và dứt khoát trong và nhờ Chúa Kitô (x. Dt 1, 2-4): Chúa Cha không có Lời nào khác để « thêm vào», bởi vì trong Chúa Giêsu-Kitô, Ngài đã ban cho chúng ta «Lời duy nhất và sau cùng» (Ga 1, 1tt).

2. Giáo Hội đã lãnh nhận lệnh truyền loan báo cho mọi người tin lớn lao này: «Hãy đi khắp thế gian và làm cho mọi dân trở thành môn đệ của Thầy, bằng cách làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thành Thần» (Mt 28, 19).

Các Tông đồ đã hiểu lệnh truyền này và đã đem ra thực hành từ ngày lễ Ngũ Tuần, đổ đầy Giêrusalem lời loan báo về Chúa Kitô chết và phục sinh để cứu rỗi chúng ta (x. Cvtđ 1-5) cũng như cho toàn thế giới được biết đến thời bấy giờ (x. sách Công vụ Tông đồ và các Thư).

3. Gia đình kitô hữu, Giáo Hội tại gia, tham dự vào sứ mệnh này. Và còn hơn nữa, những người lãnh nhận đầu tiên và chủ yếu lời loan báo truyền giáo này của gia đình, là các con cái và những thành phần khác của gia đình, như các thư của Thánh Phaolô chứng thực cho chúng ta và việc thực hành về sau.

Như thế, các đôi vợ chồng thánh thiện và các bậc cha mẹ kitô hữu của mọi thời đã sống điều đó (cha mẹ của thánh nữ Têrêsa Avila, của thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu và biết bao cha mẹ khác vào thời chúng ta).

Dưới ánh sáng của kinh nghiệm diễm phúc nơi các xã hội kitô giáo của Âu Châu (khi gia đình thực thi sứ mệnh giáo dục này đối với con cái), và cũng dưới ánh sáng của những hậu quả tiêu cực nghiêm trọng mà chúng ta nhận thấy hôm nay (do sự bỏ bê và chểnh mảng sứ mệnh này), gia đình cần phải tái trở nên nhà giáo dục đầu tiên trong đức tin của các quốc gia này – mà trên thực tế ngày nay, không còn là kitô hữu nữa - , ở đó, đức tin đang được củng cố và ở đó, Giáo Hội đang được vun trồng.

Sứ mệnh tông đồ chính yếu của các bậc cha mẹ phải được diễn ra trong chính gia đình của mình. Quả thế, sẽ là phản chứng và ít thuyết phục nếu muốn Tin mừng hóa người khác, mà không bận tâm đến việc Tin mừng hóa chính chúng ta.

Các bậc cha mẹ truyền đạt đức tin cho con cái mình với chứng tá đời sống kitô hữu và lời nói của họ.

4. Cốt lõi trọng tâm của việc giáo dục trong đức tin này là «loan báo cách vui mừng và sống động Chúa Kitô, chết và phục sinh vì tội lõi chúng ta».

Gắn kết chặt chẽ với cốt lõi này, là những chân lý khác được chứa đựng trong kinh Tin Kính của các Tông đồ, các bí tích và Mười Giới Răn.

Các đức tính nhân bản và kitô giáo thuộc về việc giáo dục đức tin toàn diện. (Hành trang cơ bản này, ngày nay hầu như không bao giờ được quan tâm đến, ngay cả nơi những nước gọi là « kitô giáo » và nơi những trường hợp khi các bậc cha mẹ xin các bí tích khai tâm cho con cái của họ, họ chứng tỏ không hiểu biết tôn giáo và ít thực hành tôn giáo).

(còn tiếp)
Lm. Võ Xuân Tiến chuyển ngữ từ bản tiếng Pháp

Nguồn: Website Tổng giáo phận Huế
http://tonggiaophanhue.net

Thứ Tư, 29 tháng 7, 2009

ĐTC Bênêđictô XVI: Vai Trò Các Bậc Ông Bà Trong Việc Giáo Dục Các Cháu

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI: “Các bậc ông bà giữ vai trò quan trọng trong việc giáo dục các cháu nội ngoại”

WHĐ (27.07.2009) – Theo các nguồn tin zenit.org, chretiente.info, trưa hôm qua, chúa nhật 26-07, ĐTC đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền tin với sự tham dự của khoảng 5000 tín hữu tại làng Les Combes, vùng tự trị Valle d'Aosta, nơi Ngài đang nghỉ hè.

Các tín hữu tham dự buổi đọc kinh đã tập họp ở cánh đồng gần nhà nghỉ của ĐTC. Người ta cũng dựng tạm một mái che cho ĐTC đứng ban huấn từ và đọc kinh.

26-07 là ngày mừng kính hai thánh Gioakim và Anna, song thân của Đức Mẹ. Nhân dịp này ĐTC mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho những bậc ông bà tại các gia đình. ĐTC gọi các vị là “những người được ký thác và luôn làm chứng về những giá trị nền tảng của sự sống”.

ĐTC đặc biệt nêu cao vai trò và trọng trách của các bậc ông bà trong việc giáo dục con cháu: “Trách nhiệm giáo dục con cháu của các bậc ông bà luôn rất quan trọng, và càng thêm khẩn thiết khi các bậc cha mẹ, vì những lý do khác nhau, không thể bảo đảm sự hiện diện cần thiết bên con cái, nhất là lúc chúng vào tuổi khôn lớn”.

Cuối bài huấn từ, ĐTC ký thác các bậc ông bà nơi sự che chở của Thánh Anna và Thánh Gioakim.

ĐTC cầu nguyện với Đức Trinh Nữ Maria: “Lạy Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ đã từng ngồi trên gối bà thánh Anna mà học Kinh Thánh, như đã được miêu tả trong một bức danh họa, xin Mẹ giúp các bậc ông bà luôn nuôi dưỡng Đức Tin và Đức Cậy từ nguồn sống dồi dào của Lời Chúa”.

Nhi LâmNguồn: http://hdgmvietnam.org

Thứ Tư, 22 tháng 7, 2009

7 Cái Thiếu Trong Giáo Dục Gia Đình Hiện Nay

XÂY DỰNG MÙA XUÂN CHO CON CÁI
(7 CÁI THIẾU TRONG GIÁO DỤC GIA ĐÌNH HIỆN NAY)

Sự thành công của học sinh, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài đã làm cho nhiều người thán phục và thắc mắc. Một trong những nguyên nhân đã được xác nhận, tại Hoa Kỳ và ở Đức, đó là sự hỗ trợ và liên đới của gia đình : bầu khí gia đình, sự quan tâm của gia đình hay ý thức trách nhiệm đối với gia đình.

Sự kiện này làm cho nhiều người nước ngoài thèm thuồng, bởi vì tình trạng gia đình ở nước họ có nhiều vấn đề.
Tại Việt Nam chúng ta, truyền thống và văn hóa gia đình dù sao vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Song nhiều người đã lên tiếng báo động trước những hiện tượng tiêu cực của giới trẻ : con số trẻ em đường phố gia tăng, tội phạm hình sự trong giới thanh thiếu niên, các vụ phá thai của những cô gái còn ngồi ghế nhà trường ...

Ngay trong các gia đình anh chị em chúng ta, việc giáo dục gia đình có được quan tâm đúng mức không? Hiện nay chúng ta đang chịu một áp lực xã hội rất lớn, ở mọi mặt : chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khiến không dễ một mình lội ngược dòng. Dù sao trách nhiệm vẫn còn đó, và nền giáo dục mà chúng ta đã được hưởng không cho phép mình khoanh tay nhắm mắt đối với hạnh phúc tương lai của con cái.

Xin mạn phép chia sẻ với anh chị 7 cái thiếu cần quan tâm trong giáo dục gia đình, nhằm động viên nhau xây dựng cho con em một mùa xuân mới ngay tại gia đình mình.

1. CHA MẸ THIẾU THỜI GIỜ CHO CON CÁI
Mỗi ngày, anh chị dành cho con cái và từng đứa con được mấy phút? Và được mấy phút vui vẻ, êm ấm cha con, mẹ con vui đùa với nhau thoải mái, yêu thương?

Chơi với con : là một mối giây liên kết mình với con cái bền chặt hơn nhiều thứ khác.

2. CON CÁI THIẾU TƯƠNG QUAN VỚI NGƯỜI KHÁC
Gia đình ngày nay chủ trương ít con, một hay hai con mà thôi. Những đứa con một thiếu tương quan với người khác ngay trong gia đình của mình. Song nhiều con em bây giờ cũng ít gặp gỡ sống với người khác do bận học hành quá nhiều, học ở trường, học thêm, học năng khiếu. Không còn nhiều giờ để sống với bạn bè, anh em, người thân quen. Nhà trường nhấn mạnh quá về kiến thức. Ít chú trọng đến lễ nghĩa, tương giao. Và ngay khi sống tương giao, cái phẩm chất vẫn còn là một vấn đề. Chẳng hạn thái độ mô phạm của thầy giáo hay những nhận định của cha mẹ về thầy cô con cái có thể nghe được.

3. THIẾU TÍCH CỰC TRONG SUY NGHĨ PHÊ PHÁN

Trẻ em Việt Nam ngày nay dành mấy giờ mỗi ngày để xem tivi, video, chơi trò điện tử ... Thời gian ngồi trước màn ảnh nhỏ tạo cho người xem thái độ thụ động, chỉ hấp thu mà ít phản ứng.

Làm sao tạo cho con cái chúng ta một thái độ tích cực tiếp thu những gì mình xem, mình đọc, mình nghe. Nói chuyện với con cái có thể giúp chúng ta nghe biết những gì con cái thu nhận và tạo điều kiện để gây suy nghĩ, đặt vấn đề và soi sáng. Cần phải biết đánh giá, chọn lựa trước mọi thứ xã hội bên ngoài áp đặt cho mình.

4. THIẾU SỰ TRUNG THỰC
Sự trung thưc ngày nay, có lẽ phải đốt đuốc mới tìm thấy. Giả dối lại có thể tìm thấy khắp nơi: đồ giả, hàng giả, bằng giả. Học sinh đi thi, photocopy bài để cóp là chuyện bình thường. Nếu tương lai của con em chúng ta không được xây dựng trên chính thực lực của chúng mà chỉ dựa vào tiền bạc, thế lực và mánh khóe thì làm sao đứng vững được ?

5. THIẾU TINH THẦN TRÁCH NHIỆM
Xã hội giải bày một tinh thần trách nhiệm cao độ : các công trình thi công trên đường phố, chuyện giao thông hàng ngày, những tội phạm báo chí phơi bầy về tham nhũng, hối lộ, lạm dụng của cải xã hội chủ nghĩa... Gia đình cần góp phần giáo dục cho con em tinh thần trách nhiệm về bản thân, về gia đình, về người khác... Con người không sống theo chính lương tâm ngay thẳng của mình sẽ là người như thế nào khi có một chút quyền lực nào có trong tay ?

6. THIẾU THIÊN CHÚA TRONG ĐỜI MÌNH

Các xã hội Đông Âu và Liên Xô cũ cho thấy việc loại trừ tôn giáo đã kéo theo những hậu quả nào : một xã hội phi đạo đức. Sự trống vắng Thiên Chúa trong xã hội Tây Phương cũng cho thấy những hậu quả tương tự. Còn thiếu vắng Thiên Chúa trong gia đình thì sao? Ly dị, phá thai, lạm dụng tình dục và bao nhiêu thứ chuyện khác. Trong gia đình của chúng ta, có thể vẫn có những hình tượng của Ngài, nhưng một Thiên Chúa sống động là Cha, quan phòng một Thiên Chúa hy sinh trên thập giá mời gọi các môn đệ chấp nhận hy sinh, một Chuá Thánh Thần sống động trong tâm hồn mỗi người: Thiên Chúa ấy, con cái chúng ta có nhận thấy Ngài hiện diện trong gia đình không?

7. THIẾU NHỮNG TẤM GƯƠNG SÁNG
Cuối cùng và có thể nói là tóm chung lại, giáo dục gia đình cần trước hết là những tấm gương mẫu mực, mô hình cho con cái.

Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng .
Lời nói bay mau, gương sáng còn mãi.

Trong những ngày này, chúng ta có thể tự hỏi với nhau : Anh chị em chúng mình để lại cho con cái những tấm gương nào? Con cái theo bước cha anh: cái gì nơi chúng ta có thể soi đường dẫn lối cho con cái mình sau này? Chúng ta đã làm gương cho con cái như thế nào trong lời ăn tiếng nói, cách ăn mặc đi đứng, cách sử dụng tiền bạc, phương tiện giải trí, cách làm việc, nghỉ ngơi, cách đối xử với nhau giữa vợ chồng, bạn bè, cách lái xe, cách phục vụ quê hương, cách yêu mến Chúa và người khác...

Mùa xuân mới, không chỉ là quà tặng của thiên nhiên, cứ theo chu kỳ mà trở lại. Mùa xuân mới của con em chúng ta còn chính là cuộc sống nơi gia đình, mà cha mẹ ông bà và những người thân quen không ngừng tạo dựng cho con cháu. Chúng ta hãy cùng nhau xây dựng cho con cái mình một mùa xuân mãi mãi hạnh phúc và bình an.

(Bài nói chuyện của Đức Cha Phao lô Nguyễn Văn Hòa với một số gia đình)TV ghi lại
Nguồn: Website của Ủy Ban Mục Vụ Gia Đình / HĐGMVN
http://ubgmgiadinh.org